Bài nổi bật

Bay cao thì mặc bay cao – Nguyễn Trí

Truyện đêm khuya vov2 – Vẫn là đi sâu chạm vào những thân phận bé mọn, nghèo khó với bao gia cảnh trái ngang , éo le trong cuộc mưu sinh chật vật nhưng truyện ngắn này còn lôi cuốn người đọc người nghe bởi thế giới chim cảnh và phường săn giăng lưới bẫy chim. Chuyện đời xen lẫn chuyện săn bắt chim, xen lẫn chuyện kiếm sống mưu sinh của hạng người bần cùng dưới đáy. Qua câu chuyện mà nhà văn kể người ta thấy vòng đời thật quẩn quanh. (VOV6 Đọc truyện đêm khuya…

Thật kỳ lạ. Chắc là mả tổ táng trên đất dữ. Ông Quốc là một, thằng con tên Đĩnh là hai, giờ đến phiên thằng cháu nội Đạc cũng bị luôn thì có kỳ quái không?
Dư ruột – hai từ này tuy dễ phát ngôn nhưng trị nó thì lắm anh nhà giàu còn chới với nói chi nghèo. Hãy xem cu Đạc.
Đang yên đang lành bỗng cu Đạc héo hon gầy mòn nuốt không được và xả không ra. Từng bị nên Đĩnh tức tốc đưa con đi viện. Sau vô số cái gọi là siêu âm đến nội soi. Hồ sơ bệnh án kết luận cu năm tuổi bị dư ruột. Muốn cho yên phải cắt bỏ. Muốn phẫu thuật chí ít Đạc phải có trọng lượng là hai mươi ký lô. Trước mắt là đục một cái lỗ
bên hông cho chất thải vô bịch ni lông. Gia đình mang về bồi dưỡng kỹ vào, mỗi tháng tái khám một lần. Chừng nào đủ ký lô và đảm bảo sức khỏe ta tính tiếp. Hai vợ chồng Đĩnh thiếu điều đi ăn mày. Anh em bà con cũng như chòm xóm láng giềng thương lắm nhưng biết làm sao. Đĩnh phải na cái thân từng bị cắt bỏ năm tấc ruột đi kiếm tiền. Việc kiếm tiền của Đĩnh bị thiên hạ cho là thất đức. Mà thất thiệt chứ không chơi.
Đĩnh hành nghề bẫy chim bán cho bá tánh. Bá tánh ở đây gồm ba loại.
Loại thứ nhất là dân chơi chim kiểng.
Loại thứ hai là quán nhậu.
Loại thứ ba là phóng sinh.
Nghiệp này Đĩnh kế thừa từ ông Quốc. Thuở thiên hạ nếu không nương rẫy phải rừng rú mới có cái tọng vô mồm thì mổ xẻ như ông Quốc sức đâu mà cuốc ruộng hay chặt cây? Bù lại ông trời cho Quốc một tài vặt là giả giọng rất hay. Bất kỳ con nào Quốc giả thì con thú ấy còn bị nhầm nói chi con người. Dân nhậu rất chuộng mồi màng các loại chim. Lá rụng, két hoặc cút rừng không con nào qua mặt được con cuốc. Cuốc hiếm lắm, chỉ kiếm ăn vào ban đêm. Bên những con lạch, bờ tre, hồn ông vua trong hai câu thơ “khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, ấy hồn Thục đế thác bao giờ…” rền rĩ cuốc cuốc thảm sầu không xiết kể. Để bẫy phải có tài dụ dỗ bằng cách giả giọng. Rất nhiều thằng theo nghiệp nhưng không trụ được như Quốc. Vì sao? Vì có đêm Quốc kiếm được cả chục thì thằng khác nhiều lắm hai con là hết phép. Đâu phải cứ giả giọng là xong. Quan trọng anh phải biết cái giọng kiếm bạn tình của loài chim này mới ăn. Về sau mỏi miệng quá Quốc mới tậu cái thu băng. Bốn giờ sáng bà con cô bác nghe tiếng cuốc vang vang là biết ngay Quốc đang lặn lội kiếm tiền để lo cho cái dư ruột của thằng con tên Đĩnh. Vậy là bá tánh vừa cầu cho linh hồn con chim đỗ quyên siêu thoát vừa cầu cho cu Đĩnh mau đủ hai chục ký mà mổ. Một con cuốc quán nhậu thu gấp chục lần con cút. Không có nó không chừng ngày nay Đĩnh xanh cỏ như cha.
Ông Quốc còn có tài bẫy nhồng. Loài chim này nhà giàu nuôi để làm kiểng bởi nó biết nói. Muốn bẫy nó, kẻ theo nghề phải có một con mồi thiệt ngon. Một con nhồng mồi giá ít nhất là năm chỉ vàng, phải kiệt cùng kiểu người thân có nguy cơ chết chủ sở hữu mới đành đoạn bán. Nhồng mồi phải là loại mới ra ràng. Dân chuyên nghiệp phải rập rình lúc nào anh chị nhồng yêu đương, làm tổ và lúc nào đẻ. Loài chim này không làm tổ dưới đồng bằng mà trong hốc những cây cổ thụ trên non. Có anh chị làm nhà trên ngọn cây cao cả hai mươi mét. Chờ cho chim con tập bay ta trèo lên lúc đêm hôm khuya khoắt mới bắt được. Trèo cổ thụ bắt nhồng khó gấp một chục lần bắt ong. Bắt ong người ta dùng đinh thép dài bốn mươi phân đóng vô thân cây. Phải sử dụng thắt lưng và giày đinh của thợ trèo trụ điện mới dám trèo. Vừa trèo vừa cầu xin ơn trên tế độ. Bắt nhồng không được để cho chim mẹ nghe động. Phải khéo léo như vua ăn trộm Thời Thiên trong Thủy hử mới đặng. Vậy mà chỉ con non sợ bóng tối chứ mẹ thì đừng hòng bắt được. Để có một chú nhồng non khó vậy đấy, nhưng đó chỉ mới là bước đầu tiên. Để luyện cho ra một con mồi thì nhiêu khê hơn một tỉ lần. Con nhồng ăn ớt thuộc loại khủng nhưng hễ thấy máu là lăn ra chết. Để thuần phục, người ta cho nhồng ăn cơm trộn chung với lòng đỏ trứng gà ta, phải âm ấm nó mới ăn, nóng nó chê, nguội ngoảnh mặt. Đã nói một con mồi trị giá năm chỉ vàng chứ đâu ít. Và đó mới chỉ là xong một con chim mồi.
Để kiếm ăn nhồng luôn di chuyển. Người đánh bẫy phải đi theo. Tháng này ở Đồng Nai, tháng sau phải có mặt ở rừng Phan Thiết. Đi xa thì phải một hội bốn năm anh em. Cứ đường mòn trong rừng ta phóng xe đạp. Mỗi chuyến đi phải một tuần trang bị như hành quân giết giặc. Mỗi em một tấm lưới chụp. Hạ trại rồi ta sẽ dọn sạch một khoảng trống giữa rừng. Bốn tấm lưới sẽ liên hoàn thành một vòng vây. Bãi phải dọn cho thật sạch và thả các thức trái cây mà các em nhồng khoái khẩu. Đu đủ chín vàng là một. Ớt chín là hai. Hai hoặc ba chú nhồng mồi vừa hót vừa mổ réo gọi đồng bọn xuống chung vui. Trong cái mớ thức ăn dụ dỗ kia có cả cơm trộn với lòng đỏ trứng gà. Loài người thật buồn cười. Làm sao mà họ cho chim ăn cái thứ mà con người mới biết nhỉ? Có trong nghề mới biết. Thủ đoạn chứ chả nhân đạo chi. Màu vàng trứng để lừa lũ chim rằng đây là đu đủ chín nè mấy con. Ăn đi. Ăn xong thì chóng hay chầy lũ chim sẽ nghiện. Cứ nhìn mấy con mồi thì biết, thả khơi khơi trong rừng mà chúng chả thèm đi đâu ngoài phạm vi bẫy chụp. Cơm trộn trứng người chủ nấu bằng nước lá cần sa. Ăn xong chú chim sẽ không bao giờ dám rời xa chủ nữa. Dân cà phê cóc dã chiến khi xay ra bột cà phê đã rang họ trộn bông và lá cần sa để khách nghiện. Uống cà phê trộn cần sa khác hẳn thứ cà phê trộn chung với bột của hạt cau khô. Nếu bột hạt cau làm ta khó chịu thì cần sa cho ta một hưng phấn rất chi dịu dàng.
Thợ săn sẽ ém bất động trên những cánh võng giăng giữa rừng. Chim trời khôn lắm, đang yên bình bỗng nhiên có một khoảng trống đầy nắng. Bên trong là hai ba đồng loại đang nhởn nhơ chơi trò rồng rắn lên mây. Lũ chim sẽ nghiêng ngó hỏi nhau rằng cái gì vậy kìa? Rồi một hai em nhảy xuống thăm dò. Ồ không sao cả. Chả có chi trừ các thức mà ta thích. Ngày thứ nhất trôi đi, ngày thứ hai trôi đi. Thứ ba thứ tư thứ năm cũng trôi đi luôn. Và bầy chim mất cảnh giác bởi sự gian trá của loài người. Một hai ba giật. Bốn mảnh lưới sập xuống và chí ít một chục chú nhồng về với lầu son gác tía mua vui cho các cô các cậu con nhà thế gia.
Năm Đĩnh mười hai tuổi thì ông Quốc chết. Đang cùng nhau dọn sân bẫy, ông bị một con rắn hoa mai đớp một phát vô kẽ tay. Nọc độc của loài rắn này mạnh đến độ nạn nhân chết tức khắc. Bạn phường săn cáng ra lộ bằng võng rồi lên xe về nhà. Lúc ấy Đĩnh đang làm công cho quán nhậu Chim Lá Rụng. Công việc chính là nhổ lông chim. Tức là một năm sau ngày mổ bỏ năm tấc ruột già bị dư, Đĩnh chỉ còn nhổ lông chim là vừa với sức khỏe. Cha chết, Đĩnh chả biết làm chi ngoài việc theo mấy tay đi lấy lộc từ chim trời.
Chim mía hay còn gọi là chim lá rụng sau một ngày rong ruổi, tắt nắng là hội lại thành đoàn kiếm chỗ trú thân. Nơi qua đêm của lá rụng là những đám mía. Ở xứ Đĩnh ngụ, rẫy của cư dân nương nhờ nhiều vào mía. Mía bạt ngàn, nương này nối tiếp nương kia cả vài mươi héc ta. Khi mía cao quá đầu người thì chim lá rụng đổ về từng đoàn. Đã có người hỏi rằng vậy những ngày tháng kia chúng ở đâu khi đêm xuống? Rồi khi mía thu hoạch chúng về đâu? Cũng chả ai biết mà trả lời. Nói chung đó là chuyện của lá rụng và trời cao, hơi sức đâu mà xen vào cho rách việc. Chiều đến chúng tụ lại đen kịt cả một góc trời rồi cùng nhau rụng xuống một đám mía nào đó. Nhìn cảnh những cánh chim rơi trong trời chiều đẹp không bút nào tả xiết. Phải nhanh chân để xem vì mươi phút là không còn một cánh chim nào trên bầu trời. Chả chi nhanh bằng rụng theo kiểu rơi tự do.
Phường săn đứng trên lộ nhìn lá rụng sa. Xác định được đám mía của ai rồi họ sẽ đến nhà chủ rẫy ngã giá đặt bẫy. Lá rụng xuống đám mía của ai nhà đó vớ một cú cũng âm ấm. Xong vụ ngã giá sẽ đến tiết mục thuê người đuổi chim. Bốn giờ sáng làm việc đến năm giờ. Chỉ một tiếng trả cho anh nửa ngày công nhật. Tám giờ tối phường săn sẽ giăng lưới vây quanh một phần ba đám mía. Bốn giờ sáng cùng nhau ta a la xô. Lá rụng đang ngủ bị đuổi sẽ ào lên phía trước và cứ thế sa hết vô lưới. Ta chỉ việc cuốn lưới lại rồi cho tất cả vô lồng. Mỗi lồng chí ít là năm trăm em lá rụng. Một đêm đi càn chót bẹt cũng một chục lồng. Làm phép nhân đơn giản là ra ngay hai từ “kinh khủng” liền. Chim di lý về mấy quán nhậu. Cân cái lồng ra số ký là biết số con. Cứ chục mười hai ta chốt sổ. Bầy con nít sinh ra trong gia cảnh nghèo sẽ làm lông lũ chim này. Con chim vặt sạch lông nhưng vẫn còn sống lổm ngổm và chéo chét đầy sân nhà nhìn qua buồn muốn khóc luôn đó hỡi người ơi.
Nghề này phải có vốn kha khá bởi một bộ lưới bẫy không ít tiền. Đĩnh đi theo với tư cách long tong cho các anh sai vặt. Hết mùa lá rụng nó đi theo bẫy nhồng, hết nhồng là két. Học nghề và làm nghề từ năm mười hai tuổi nên năm hai mươi tuổi Đĩnh lên hàng sư phụ. Nó lại hơn bạn phường săn cái tài giả giọng di truyền từ cha. Không một cuộc phiêu lưu nào thiếu Đĩnh. Mọi việc đang trôi êm bỗng nhiên khựng lại. Khựng một cái kịch.
Nguyên nhân là bạn cùng hội cùng thuyền nghỉ hẳn trò chơi chim chuột. Đất nước đổi mới rồi, con cái của họ làm việc trong mấy công ty nên dư thừa của ăn của để. Bầy trẻ nhận ra sự độc ác của cái nghiệp cha ông chúng vì thiếu đói mà sa chân. Chúng buộc các ông ở nhà bằng cách thảy cho đứa cháu nội hay ngoại chi đó nhờ trông chừng. Nghiệp săn chim để sống đâu thể một mình mà nên chuyện. Một mình cũng đặng nhưng chỉ để chơi cho thỏa cái mê. Đĩnh thì còn quá trẻ để ngộ ra câu làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu. Đến cái lúc mà ngay cả con cút cũng được nuôi đại trà thì thậm nguy cho Đĩnh lắm. Loài chim này khi nuôi thịt thà của nó cả rô ti cũng chẳng ra chi vì nhão nhoét và một con cút hoang dã giá gấp năm lần con được nuôi bằng cám thực phẩm vẫn không có mà giao hàng. Lý do là ruộng đồng nương rạch đã vào quy hoạch để xây dựng nhà máy sạch bách rồi. Rừng cũng lùi xa đến cả két và nhồng cũng biệt mù tăm dạng. Chỉ còn một vài loài như sáo hay chào mào đỏ đít (còn gọi đội mũ) là tàm tạm để duy trì nghiệp, dù chỉ một mình.
Con sáo thì ngây thơ lắm lắm. Một lần chị chàng sáo dại dột làm tổ ở cây tràm sau nhà. Canh me chim non đủ ngày tháng Đĩnh chơi nguyên tổ cho vào lồng để nuôi. Chim mẹ chéo chét tới đòi con. Thấy vậy Đĩnh xách lồng treo lên cây tiếp tục để mẹ nuôi con. Lũ chim non này có giá lắm. Dân có của mua về để luyện nói nghe chơi. Đĩnh để lại một con làm mồi. Nhờ con mồi và một cái bẫy sập mà Đĩnh có cả một lồng sáo, cứ ung dung trên xe đạp kiếm cơm. Mùa tình sáo mẹ lôi về một anh trống cùng làm tổ trong vườn nhà. Vậy là lại có chim non.
Nhưng sáo hay đội mũ là loài để chưng diện. Người mua hiếm lắm. Có hôm Đĩnh dừng chân qua năm cái chợ mà chả bán được một em. Đồng nghiệp khuyên rằng thôi cho chim về trời lại đi Đĩnh ơi. Kiếm một công ty nào đó mà gia nhập. Thời này ai ai cũng công nhân. Chả ai nên cửa nên nhà nhờ vào chim chóc. Mày mà còn theo nghiệp này chả ai dám gả con gái cho mày. Nói chi gả bán cho mệt, ngay cả yêu đương Đĩnh cũng mệt cầm canh. Mấy cô mấy chị thà ế chứ chả ai yêu đương với chàng. Gia cảnh nhà Đĩnh ảm đạm quá. Cha chết sớm, mẹ bỏ đi còn sớm hơn. Chả là năm Đĩnh bị dư ruột, khổ quá, thiếu thốn quá bà má bỏ đi một hơi không ngoảnh lại. Hết ông cha tới Đĩnh cùng chung một cái dư ruột. Các nàng và cha má các nàng tin rằng tới phiên mình cũng bị luôn. Dư ruột không di truyền nhưng cái nghiệp sẽ cho ta quả đắng.
May thay thời công nghiệp hóa quán cà phê mờ đèn đầy rẫy khắp chợ cùng quê phục vụ các anh xa quê hương chuyện ái tình. Đĩnh đến karaoke để nghe em hát bài Đừng xa em đêm nay. Một em như vậy đồng ý về nhà nấu cơm cho anh ăn. Chàng đi buôn chim thì nàng ở nhà đi hát karaoke. Lúc cô vợ lớn bụng, thiên hạ nói Đĩnh đổ vỏ ốc cho ai đó rồi. Biết ai trong số lũ lượt khách đến karaoke yêu cầu em Hãy ôm anh và hãy nói em cần anh?
Thiên hạ nói bậy. Con Đĩnh chính xác đến từng xăng ti mét một mà không phải thử máu hay ADN chi. Năm tuổi thằng Đạc lại bị dư ruột. Họa vô đơn chí, con bị bệnh hiểm cùng lúc với cái hát-năm-en-nờ-một tràn ngập toàn thế giới. Thiên hạ đem gà vịt và cả chim tiêu diệt sạch. Bầy chim của Đĩnh không ngoại lệ.
Nhưng không sao. Ông trời luôn có đức hiếu sinh. Vợ Đĩnh vẫn ung dung karaoke. Giọng ca cô chả hay ho gì, tầm cỡ ca sĩ
bó tay chịu sầu nói chi miệt ruộng. Nhưng nhan sắc của gái một con thì ta còn chết nói chi tây và tây “đui”.
Đĩnh ở nhà chăm con sao cho đủ hai mươi ký mà mổ.
***
Hỡi các mẹ hiền trên khắp thế gian – những người mà – con cái rất xinh tươi, rất ngoan hiền và mạnh khỏe. Chỉ cần con của mẹ trái gió trở trời thì lo lắng đến thức trắng đêm. Nếu các mẹ đứng trong hoàn cảnh của Đĩnh thì mới biết thế nào là niềm đau khổ. Để có một trọng lượng hai mươi ký cho một thằng cu bị dư ruột thì khó vô cùng. Chả có con bệnh nào trên thế gian này thèm ăn, người lớn còn biết đánh vần chữ ráng chứ trẻ con ta làm sao? Vợ đi hát karaoke từ sáu giờ tối đến mười hai giờ khuya. Về là lăn ra ngủ. Mệt mỏi quá biết làm sao? Rất nhiều đêm khách mời đi chơi đến sáng, không đi thì không được với chủ nhà hàng. Ai bảo đẹp không khổ?
Đĩnh và cái nghề săn chim tàn cuộc đành ngâm câu “gái chơi đã trở về già hết duyên”. Ở nhà chăn con cho vợ kiếm tiền. Tay cầm chén dẫn con loanh quanh trong sân nhà chủ yếu dụ dỗ con nuốt được miếng nào hay miếng đó. Không ăn thì uống sữa cao cấp ngoại nhập. Thằng cu đã không ăn còn đòi cầm chén, vậy là cơm cháo vương vãi khắp sân. Bầy chim sẻ trên mái nhà ríu rít nhảy xuống kiếm hạt cơm. Con đau nên bao nhiêu chim chóc trong nhà Đĩnh đổ tháo hết rồi, chả còn lấy một con giống cho cu con vui mắt. Nhìn thằng cu chạy theo bầy sẻ khúc khích cười, bà xã Đĩnh bảo:
– Bắt cho nó vài con đi anh.
Đĩnh lặng yên suy nghĩ. Làm sao để bắt sống một con chim bây giờ ta? Thợ săn liền vào nhà lôi ra một tấm keo diệt chuột. Đơn giản thôi mà. Vài hạt gạo rải trên tấm keo, ngay lập tức không phải một mà những ba em sa lưới tử thần. Kẹt cái thứ keo này dính khiếp đảm, chú chim tội nghiệp vừa sa chân là ngã. Để gỡ cho ra thì chú đơ cán cuốc, không thể nào rửa sạch keo, chỉ còn nước cho mấy tay già mà ham lấy tiết để luyện môn cường dương đại bổ. Chả hiểu từ đâu mà thiên hạ tin rằng tiết chim sẻ rất thần diệu vụ giường chiếu. Vậy là ngay lập tức thợ săn Đĩnh khấp khởi mừng vì biết cách làm ra tiền phụ vợ lo cho con.
Mấy tay già mà ham no cơm nên rửng mỡ lắm. Đĩnh mang tiếng ác khi làm cái nghiệp này nhưng đâu đã nhẫn tâm bằng họ. Kéo trong tay họ xắp một phát là mỏ chim bay mất. Máu từ đó sẽ nhỏ vào ly rượu, cả mười chú chim mới cho ly rượu trắng hóa màu hồng. Một bàn nhậu chừng ba anh trai già là có một mâm ba mươi chú se sẻ rô ti. Vâng, để phục vụ cho một trong tứ khoái, thiên hạ lên rừng tàn sát cả tê giác thì ba con chim bé tí nào có nghĩa địa gì. Đúng là khi mang lấy nghiệp vào thân khó lòng mà bỏ lắm. Đĩnh mua về cả lốc tấm keo diệt chuột cắt nhỏ ra rồi cột vào những khẳng khiu của cành cây. Không dụ dỗ được bằng cách rải thực phẩm thì ghi âm tiếng chim rủ rê bạn tình đi ăn tiệc. Thời buổi mà một cái ghi và phát âm bằng ngón tay thì đại bàng còn sa lưới nói chi ri rích các loài chim.
Nhưng để có chim bán cho quý ông quý bà phóng sinh mua đường bình yên sau khi chết thì chỉ một mình Đĩnh mới biết. Bí mật chuyện này. Bể ra bọn cạnh tranh nhào vô liền. Chả phải thấy Đĩnh kiếm ăn được với keo diệt chuột bọn vô công rỗi nghề cũng nhảy vô mà phá giá đó sao? Thời buổi mà chục rưỡi con chim sẻ đã có một liều ma túy thì tội cha chi chúng không nhập cuộc? Và cả hội vô cùng ngạc nhiên khi Đĩnh xách cả lồng chim se sẻ, chủ nhật thì đứng trước cổng nhà thờ, rằm mồng một thì đứng trước cổng chùa để bán. Làm sao có được chim không dính keo để thả lại với thiên nhiên vậy kìa?
Nhìn những cánh chim bay trở lại trời xanh sao mà đẹp quá. Nhưng se sẻ là giống núp dưới mái ngói hiên trường, mái nhà thờ và mái nhà lợp rạ. Chúng bay đi đâu khi rừng đã quá xa xôi. Và bay đi đâu khi món khoái khẩu của se sẻ là thóc? Có tung đi đâu sẻ vẫn chốn cũ tìm về. Mà về thì lọt vào keo diệt chuột. Chú nào may mắn vào tay Đĩnh thì còn có cơ hội đôi ngày nhìn được cuộc đời. Nhưng bọn ma túy khôn ranh lắm. Chúng quyết tìm cho ra bí mật mà Đĩnh đang sở hữu. Đĩnh giăng bẫy và máy ghi âm ở đâu chúng liền đến để chọc phá. Bọn nghiện chả luận một thằng cha ẵm đứa con bệnh tật đi kiếm sống chi ráo. Con chim thấy bóng người là vù mất dạng, làm sao bẫy được khi hai ba thằng ngồi dưới cành cây dán keo để đấu láo thì chịu sầu. Và cả bọn đến tận nhà yêu cầu Đĩnh cho bí mật.
– Ô kê. Nhưng với một điều kiện – Đĩnh yêu cầu.
– Nói đi, được là bọn tao ô kê.
– Bất kỳ thằng nào bẫy ngày nào cũng giao cho tao một cặp se sẻ.
Cả bọn phá ra cười. Cười đã chúng nói:
– Một cặp chục ngàn bạc. Bọn tao mỗi thằng cho mày một ngày hai chục ngàn. Được chưa?
– Tao không cần tiền. Chỉ cần chim.
– Ô kê. Cầu được ước thấy.
Ra cái loại keo Đĩnh sử dụng nằm trong mấy công ty sản xuất ván ép. Ba cái mạt cưa và gỗ vụn người ta sử dụng loại keo này để ép. Chỉ cần móc ngoặc với một công nhân làm ở khâu ép yêu cầu nó bán cho dăm chục nghìn là xài mệt xỉu.
– Loại keo này – Đĩnh nói – dính rất chặt nhưng hễ dấp nước là bung, cả một cọng lông cũng theo ra. Tụi mày biết đó, ba cái ván ép hễ đụng nước là bung ra liền… khì khì khì, tụi sản xuất khôn trời thần. Ván ép mà như tụi Mỹ đem qua nước mình thời chiến tranh thì mấy công ty sản xuất thời này chết đói hết.
Vậy là cổng chùa và nhà thờ tha hồ mua chim phóng sinh. Những ngày thường se sẻ đến quán nhậu cho mấy quan anh chặt mỏ lấy tiết, sau tiết là rô ti hay xào lăn thì tùy. Mấy tay chơi ma túy nào biết đến cái bí mật vì sao Đĩnh yêu cầu chúng cống nạp mỗi ngày một cặp chim. Thì ra trong cái giống se sẻ hiền lành kia trăm con cũng lọt vô được một cặp rất kỳ lạ. Không để ý là không phân biệt được. Khi bỏ riêng người ta mới nhận ra được sự khác biệt. Loài chim này luôn đi thành đôi, dáng dấp như chim sẻ nhưng màu lông hơi khác. Một con phớt màu đỏ và con kia phơn phớt trắng. Con phớt đỏ là trống và phớt trắng là mái. Dân chuyên môn gọi là phong thủy. Loại này những triệu bạc một cặp. Mấy tay nhà cao cửa rộng cần lắm. Có nó nhà cao sẽ cao thêm. Quyền uy sẽ được củng cố chắc như bắp.
Đĩnh lại tiếp tục đứng ở cổng chùa nhìn thiên hạ tung chim. Vừa tung họ vừa nói, bay đi con, bay cao lên, cao lên, cao cao lên…
Trong óc Đĩnh hiện lên câu ca dao… bay cao thì mặc bay cao…
Tác Giả : Nguyễn Trí / BTV Tuyết Mai / Giọng đọc: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *