Bài nổi bật

Bên bờ Thiên Mạc – Hà Ân

Khi nhắc tới Trần Bình Trọng rất nhiều người sẽ nghĩ tới câu nói bất hủ của ông về lòng yêu nước “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” nhưng không phải ai cũng biết về trận đánh làm nên tên tuổi của ông cùng câu nói đó. Được viết năm 1966 tác phẩm Bên Bờ Thiên Mạc của Hà Ân mô tả lại tâm trạng cũng như trận chiến quyết tử của đội quân Thánh Dực do Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng làm chủ tướng cản bước chân quân Nguyên bảo hộ vua Trần Nhân Tông lui quân về Thiên Trường.
Trần Bình Trọng trong tác phẩm này hiện lên trong mắt tôi là một vị tướng hào hoa phong nhã đúng con nhà trâm anh thế phiệt, với tình yêu Thăng Long, tình yêu đất nước tha thiết.
“Trần Bình Trọng kêu thầm trong lòng: “Mất Thăng Long rồi! Thăng Long của ta!” ông giận dữ đau đớn nhớ lại kinh thành yêu quý nơi ghi bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc đời của ông. Ông tưởng chừng như nghe thấy bên tai có tiếng chày đập vải chểnh choảng trong sương sớm, tiếng chày của những người con gái dệt vải ở một phường phía bắc kinh thành. Ông nhớ những buổi dẫn quân Thánh Dực ra trường bắn luyện tập; ánh giáp đồng, màu cờ đỏ, khói pháo lệnh cùng hòa lẫn thành một không khí say sưa. Ông nhớ đến những đêm cùng các tướng ngồi nghiêm trang trong Giảng Vũ đường nghe Quốc công Tiết chế dạy binh thư. Ông nhớ những buổi chiều theo hầu Quan gia dạo thuyền trên sông Cơ Xá. Ông nhớ những đêm đem quân tuần phòng ngoài cửa Dương Minh trong bóng trăng xanh dịu. Ông nhớ cả những phố phường đông đúc bên ngoài Hoàng thành, nhớ những cô hàng bán rượu, nhớ những làng trồng hoa rực rỡ trong tiết xuân …”
Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn, bên cạnh những suy tư thời cuộc cùng với trọng trách trên vai nhưng tác giả cũng lồng vào đây hình ảnh một Trần Quốc Tuấn cao quý mà ấm áp với việc ông dùng lời bình văn cổ để ru đứa bé ngủ.
“Căn nhà yên tĩnh lạ thường. Trần Bình Trọng khoanh tay đứng, ông suy nghĩ sâu xa về câu nói của Nhân Tông. Ông lặng lẽ ngắm Tiết chế. Trần Quốc Tuấn đang bế đứa bé con người chủ nhà. Đứa bé ngọ nguậy khóc ra rả. Quốc Tuấn khẽ rung đôi tay và nựng nó. Chiếc khóa bạc nhỏ xíu đeo ở cổ chân đứa bé reo lên những tiếng lanh canh vui tai. Trần Bình Trọng chợt thấy Quốc Tuấn chăm chú ngắm chiếc khoá bạc. Tiết chế mỉm cười và cất giọng bình một đoạn văn cổ để ru đứa bé. Trần Bình Trọng kinh ngạc khi nghe giọng bình văn êm dịu của Tiết chế. Ông nhớ lại trước đây mỗi lần bình văn cổ, tiếng của Quốc Tuấn bao giờ cũng sang sảng như tiếng đồng… Thế mà lần này… Tiếng bình văn đều đều êm ái vẫn lan nhẹ ra. Đứa bé nín. Nó mở mắt nhìn người bế rồi êm tai, thiu thiu ngủ…”
Tác phẩm đã thể hiện một hào khí Đông A, nhân dân đoàn kết một lòng chống giặc với hình ảnh ông già Màn Trò, người cấm vệ năm xưa lão luyện, hay cậu bé chăn ngựa Hoàng Đỗ thông minh can đảm rất được Trần Bình Trọng yêu quí. Cảnh Trần Bình Trọng xóa đi hàng chữ “ Quan Trung Khách” trên trán cậu bé thật xúc động, ông biết đứa bé tài năng này tương lai sẽ sáng lạn và đã tặng cho cậu cơ hội đó trước lúc chia tay.

Xem thêm đề xuất

Khi đồng minh tháo chạy – Nguyễn Tiến Hưng

RadioVn.Com – Nguyễn Tiến Hưng nguyên là cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *