Bài nổi bật

Chiếc Chìa Khóa – Dương Quốc Hải

Truyện đêm khuya vov2 – Từ một sự cố khá đặc biệt : Sếp mất tiền ở cơ quan, tác giả đã phát triển câu chuyện bằng diễn biến tình huống và nội tâm nhân vật. Tất cả toát lên nội hàm: miệng quan có gang có thép, sức mạnh quyền lực và chân dung một bộ phận công chức thời hiện đại. Ở góc độ nào đó truyện cảnh báo về một sự tha hóa nhân cách, đánh mất bản thân. Thủ pháp phóng đại, đẩy quá lên giống như khi người ta nhìn nhận, soi chiếu sự việc bằng một chiếc kính hiển vi xem ra khá hữu hiệu trong việc phê phán đả kích một cách tinh tế , kín đáo và sâu sắc…

Cơ quan đồn ầm ông sếp bị mất tiền trong tủ cá nhân ở phòng làm việc. Gã nghe dửng dưng. “Cho chết, tham lắm vào”, gã nghĩ và lấy làm khoái trá. Song, gã áy náy không biết có nên hỏi thăm một tiếng không. Hỏi thăm đúng lúc lắm khi còn quý hơn tiền, nó chứng tỏ sự đồng cảm, sẻ chia, đợt lên lương trước thời hạn lần tới có thể lão sẽ chú ý đến gã. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Điều này làm gã day dứt suy nghĩ mất mấy ngày.
Không thể cứ ngậm miệng trước hoạn nạn của thủ trưởng, trong khi có thể anh em đã thăm hỏi cả rồi, gã lấy hết can đảm bước vào phòng sếp. Lão sếp nghe tiếng mở cửa thì có vẻ cáu kỉnh quay ra. Gã hơi hoảng, nhưng nhanh chóng lấy lại tự chủ:
– “Anh khỏe chứ ạ?”.
Lão sếp nhìn gã tưởng đến lồi mắt ra. Và kỳ cục là lão đeo kính nhưng lại không nhìn bằng kính. Hai gọng kính của lão trễ xuống tận chóp mũi, lão lại cúi nên tia nhìn ngược có vẻ dữ dội lạ thường.
– “Sao tự nhiên cậu lại hỏi sức khỏe của tôi?”
Gã bắt đầu quýnh lên. Mẹ kiếp! Rõ chán mớ đời. Ông ấy vừa mất tiền, không biết nhiều hay ít, nhưng có thể phán đoán của lão ấy không thể ít, mà tiền là máu, ông ấy đang xót, đang bực, đang buồn thối ruột, đêm không ăn ngày không ngủ, có khi sút đến mấy cân, thế mà lại hỏi lão khỏe không thì khác gì mỉa lão?
– “Em nghe nói là…”
Gã lắp bắp, tự giận giọng nói của mình không được bình thường. Việc thăm hỏi cần nhất sự chân thành, không như vậy sẽ trở thành khả ố, đểu cáng không tha thứ được. Lão sếp vẫn nhìn chằm chặp vào gã, khiến gã thấy sao mình trở nên dơ dáy đáng thương. Một điều gì như nỗi tủi nhục ùa đến làm gã nuốt nước bọt.
– “Bình tĩnh nào. Cậu nghe nói điều gì?”
Lão tiếp tục xoáy tia nhìn dữ dội vào gã, làm gã cảm giác như mình bị lột truồng ra. Đến một phút, tim gã đập thình thịch và quên béng mất định nói điều gì. Gã gãi đầu, chắc điệu bộ lúng túng rất thảm hại, và điều đó càng làm gã giận mình thêm. Gã hết đảo chân trái lại đảo chân phải trong khi lão sếp cũng không có ý bảo gã ngồi.
– “Em nghe nói anh vừa bị mất…”
Câu cuối gã chưa kịp nói thì thở hắt ra như hết hơi, một phần vì cái sự kinh khủng của nó làm gã không đủ can đảm nói bằng lời. Mất tiền! Mất tiền! Còn gì trên đời làm người ta có thể sợ vãi đái ra bằng mất tiền? Gã không có tiền nên cũng chưa bao giờ mất tiền. Hàng tháng được đồng lương còi nào gã đưa cả cho vợ. Cắt tóc, bơm xe lại xin sau. Anh em bạn bè có tiệc tùng gì thì gã tìm cớ từ chối hoặc ăn chằng. Trong khi đó lão sếp vừa mất một đống tiền, tất nhiên rồi, của lão ấy không thể có chuyện ít. Lão đã đau khổ ghê gớm, giờ nhắc lại thì có khác gì cứa con dao vào cho nó đau lên gấp đôi. Ví thử bố gã vừa chết, ai đó vô tâm tồng tộc thở vào mặt gã: “Bố cậu vừa chết à?” thì gã có uất nghẹn lên không?
– “A, có vấn đề đây…”
Lão sếp ngả người ra, sửa lại gọng kính ngay ngắn trên mũi, trong khi tia nhìn ánh lên vẻ tinh quái. Lão hơi gật gật đầu, như thể manh nha phát hiện ra điều gì, giống như một “mà” (tổ) lươn có vết đất mới đùn lên, người đi bắt dõi ánh mắt vào đấy trong khi rình không bỏ sót một tín hiệu, một vẫy động nhỏ nhặt nào.
– “Nên em có lời chia sẻ với anh…”.
Gã nói vội vàng, xong chỉ muốn chạy ù ra khỏi phòng lão sếp, về phòng mình bỏ cái giường gấp xuống nằm thẳng cẳng một lúc cho giãn hết các cơ. Lão sếp đứng dậy, đi đi lại lại xung quanh gã, hai tay chắp sau đít, đầu lúc lắc không nói không rằng, thỉnh thoảng nhìn vào mặt gã một cái rồi lại bước đi. Gã hồi hộp nhẩm đếm giết thời gian, một, hai, ba, bốn mươi, năm mươi, rồi lẫn ráo cả và đếm lại từ đầu. Cả người gã như một khối rỗng vô tri giác, chỉ có khuôn mặt mỗi lúc một nóng bỏng lên, chắc nó đã đỏ như cái bóng đèn sợi đốt bị sụt áp.
Chiếc Chìa Khóa – Dương Quốc Hải
“Lạ là sao cậu biết tôi mất”, lão sếp dừng lại nhìn thẳng vào mắt gã, làm gã choáng người: “Có ai biết tôi mất cái gì đâu. Tôi được gì mất gì sao lại phải bô bô đi kể cho ai nhỉ? Chả ai biết cả. Mỗi cậu biết. Vấn đề ở đấy! Có vấn đề đấy! Thực ra tôi có mất, nhưng tôi chưa báo, không báo công an, vì tôi ngờ rồi sẽ có người thành khẩn đến thú nhận… Tôi không bảo cậu lấy nhé. Cậu lấy thế nào được. Phải có kế hoạch, có âm mưu, và nhất là phải có lòng tham, có dã tâm, có động cơ. Mà cậu thì lành như cục đất. Cậu chỉ biết hết mình với công việc. Muốn lấy phải có phương tiện nữa, như cái chìa khóa này”, lão tháo hai chiếc chìa khóa cửa và khóa tủ huơ huơ trước mặt gã: “Cậu nhìn rõ chưa, ít nhất phải có hai chìa khóa, khóa cửa và khóa tủ. Rồi lúc ấy hẵng nói chuyện ăn cắp, đúng không?”
– “Vâng!”
Gã trả lời, đứng thộn ra. Tâm trí gã bỗng bình thản lạ lùng. Gã nghe chiếc đồng hồ treo tường tích tắc từng tiếng chói lên vang dội. Gã chợt nhớ đến một kỷ niệm xưa cũ ngày mới lớn, gã chơi với cậu bạn yêu cô y tá trực trạm xá ở quê. Giữa buổi chiều gã cùng cậu bạn đến trạm xá, trong khi cậu bạn và cô y tá nói chuyện, loanh quanh thế nào gã không nhớ, gã đã trèo lên cái bàn sản, dốc về một chiều khuất phía trong nằm, rồi ngủ biến. Đến tối, nghe tiếng cười nói ngoài đường gã mới tỉnh dậy, muỗi đốt sưng mặt lúc nào gã cũng không hay. Gã gọi mọi người mở cửa. Mọi người thất kinh báo công an, rồi gã bị lập biên bản, trạm xá bị niêm phong để kiểm kê, nếu thiếu hụt gì gã phải chịu trách nhiệm. Đó là một việc không mấy đẹp mặt nhưng vui, chỉ có điều, mãi gã vẫn không hiểu bằng cách gì, lúc nào gã lại leo lên cái bàn sản ấy mà ngủ được. Và cặp đôi kia cũng vô tâm hoặc say nhau đến mức cứ thế khóa cửa vào không biết đã nhốt gã ở trong. Hay thực ra gã đã cùng về với cặp đôi kia rồi quay lại trèo qua cái khe hở đầu hồi vào đó mà ngủ, gã không lý giải được. Cặp đôi thì khăng khăng là đã cùng gã đi về…
“Đấy, ví thử cậu có hai chiếc chìa khóa này thì sẽ làm thế nào”, lão sếp nói tiếp: “Là tôi giả sử thôi, coi như giả định cậu là người lấy…, tức là tôi muốn kiểm tra khách quan cách thức, quy trình người mở đã tuần tự làm các bước thế nào, để mình có phương án đề phòng lần sau… Đây, cậu cầm lấy”, lão dúi cặp chìa khóa vào tay gã.
Gã cầm hai chiếc chìa khóa như cái máy, với ý thức của kẻ được giao nhiệm vụ. Gã chốt trong và ra ngoài lạch cạch mở, như mở cửa phòng mình. Cửa phòng lão sếp còn chắc chắn hơn cửa phòng của gã. Có hôm ấm đầu, đãng trí gã chốt trong mà quên mất chìa, gã phải hì hục cạy, tưởng nó an ninh đến mức nào, ngờ đâu gã cạy một cái nó đã bật ra. Mấy lần sau nữa gã lại quên khóa thì cái cửa của gã đã như cô gái mất trinh chả cần cạy nữa, chỉ siết tay lựa đẩy mạnh một cái là ra.
Mở xong cửa, gã vào phòng trong đến cái tủ gỗ sát chiếc giường nơi lão sếp vẫn ngủ, bên cạnh có chiếc bàn làm việc; thỉnh thoảng lúc thân tình lão sếp vẫn gọi anh em vào tận trong đó trao đổi nên gã không lạ; gã ướm chiếc chìa vào các ổ khóa, mất một lúc thì mở được một ngăn. Bên trong là mấy tập giấy sắp xếp ngăn nắp, một hai cuốn sổ và mấy chiếc vỏ phong bì.
Lão sếp chăm chú theo dõi gã như bên công an dẫn giải tội nhân thị phạm lại vụ án để quay phim chụp ảnh. Xong việc gã cảm thấy khá phấn chấn, coi như ghi được điểm trong mắt sếp.
“Tôi hay nghĩ cậu khá là kỳ quặc”, lão sếp trỏ ghế ra hiệu gã ngồi như để trả công cho việc vừa rồi. “Anh em có báo lại cậu hay đăm chiêu, lúc nhớ lúc quên. Tôi thì không quan trọng những chuyện đó, miễn cậu hoàn thành nhiệm vụ. Gia cảnh cậu cũng có phần khó khăn, tôi rất thông cảm. Không phải vô cớ tôi điều cậu đi công tác mấy chuyến vừa rồi đâu, tôi đi nhiều nên biết. Ai ở lì cơ quan thì chỉ ba cọc ba đồng. Còn đi đó đi đây, tham gia dự án này khác thể nào cũng có cái nọ cái kia thêm thắt, không nhiều nhưng cũng cải thiện… Nói thế để thấy rằng tôi rất chú ý đến cậu. Và thật lòng tôi coi cậu như em ruột mình. Mình có cơm thì cũng tạo điều kiện cho thằng em nó có bát cháo. Tôi còn định nay mai sẽ xem xét tăng lương cho cậu trước thời hạn. Không trở ngại gì, dự án tôi đang trình mà được duyệt thì sẽ cho cậu tham gia một vài khâu. Tôi hứa đấy! Nhưng đầu tiên cậu phải trung thực với tôi đã. Làm sao cậu biết tôi mất tiền?”.
Gã tắc ơ. Thực ra anh em cơ quan đồn ầm lên là ầm ĩ trong thì thầm. Người nọ rỉ tai người kia, rồi người kia lại rỉ tai cho người kia nữa. Cứ thế, đến khi mọi người biết cả, qua mỗi khâu thêm thắt một ít để thêm phần rôm rả. Ai cũng mắt sáng long lanh như được tăng lương. Và chuyện thâm cung bí sử chốn cơ quan có một luật bất thành văn là cùng giới, cùng cảnh, cùng đẳng cấp biết vậy với nhau, nếu ai loe toe báo lại cho sếp thì chỉ còn nước chuẩn bị hồ sơ mà bán sới đi chỗ khác. Nên gã đắng họng, ngồi như con cóc nghiến răng gọi mưa.
“Mất chẳng đáng là bao. Thường tôi không để tiền ở cơ quan cậu ạ, nếu có cũng để chỗ khác”, lão sếp chăm chú nhìn gã một lát, nói tiếp: “Làm lãnh đạo cũng phải có quỹ đen, chứ đưa hết cho vợ thì mỗi khi đi làm từ thiện lấy ở đâu ra, rồi còn nhiều khoản tiêu pha tế nhị khác. Chỗ mất chỉ là mấy cái phong bì lặt vặt đi công tác, đi họp anh em nó biếu. Theo cậu thì nó khoảng bao nhiêu?”
Gã nhớ lại mấy cái vỏ phong bì trong ngăn tủ, hình như là ba cái. Như gã, mỗi khi được nhận phong bì của đối tác nếu được tham gia dự án thì tầm một phong bì khoảng dăm trăm; giả sử của lão sếp gấp đôi, ba cái phong bì sẽ có khoảng ba triệu, gã cứ đưa lên một chút có lẽ sẽ khớp.
– “Khoảng… năm triệu chăng?”, gã ngắc ngứ không chắc chắn.
– “Gần đúng”, lão sếp gật gù: “Chả nhẽ cậu nói đúng số tiền thì còn ra làm sao! Nó hơn gấp ba một tí, tức là mười triệu”.
– “Ôi giời!”, gã kêu thành tiếng, thầm nghĩ thảo nào ai cũng muốn làm sếp.
– “Đấy, nếu tôi cho cậu đoán lại thì cậu bảo bao nhiêu?”.
– “Mười triệu mà anh!”.
– “Có thế chứ!”, lão sếp hoan hỉ: “Mười thì bảo mười, ai lại nói năm… Mà sao cậu có chìa khóa phòng tôi vậy?”
Gã sờ túi, chết lặng thấy cái chìa khóa lạ trong túi, mà những hai chìa.
– “Hình như lúc nãy anh vừa đưa…”.
– “Thì tôi vừa đưa cho cậu mà. Nhưng cũng coi như đưa tượng trưng thôi. Cậu biết cửa đảng cơ quan này có ra gì đâu. Nghe bảo phòng cậu nhiều hôm cậu quên chìa chỉ cậy một cái là nó ra. Cái tủ cũng thế. Tủ đóng loạt, kiểu hàng mã, nhà tôi chả thèm dùng. Thôi thì cơ quan mình cũng phiên phiến. Chả lẽ bắt anh em sắm cái đồ xịn đắt tiền quá cũng tốn kém, mà lại vi phạm quy định của cấp trên. Tôi thẳng thắn với cậu nhé: Tôi có mất tiền, nhưng không ai biết ngoài cậu. Cậu cũng là người duy nhất biết cạy cửa cạy tủ ra sao. Cậu lại cũng biết chỗ tiền tôi mất khoảng năm triệu. Đấy là con số cậu nói ra, so với mười triệu tôi mất thật thì rõ là một năm một mười. Nếu bây giờ bất chợt hỏi tất cả mọi người ở đây tôi mất bao nhiêu tiền, tôi cá với cậu không ai đoán gần con số thật như cậu. Nếu chơi trò hãy chọn giá đúng trên truyền hình thì cậu ăn giải rồi. Anh em khác móm hết. Cậu thấy lạ không?”
Gã định cãi một câu, rằng vì nhìn thấy mấy cái phong bì và ông bảo mất không nhiều thì tôi mới đoán được thế; ông lại đưa chìa khóa bảo tôi thử mở cửa và mở tủ thì tôi mới có chìa; nhưng gã chợt thấy lung lay cái phản kháng ấy. Hay gã đã lấy của lão thật nhỉ? Gã cực kỳ hoang mang. Gã cũng từng không ít hơn mười lần tâm sự với anh em cơ quan rằng nếu trúng xổ số hay tự dưng nhặt được cục tiền sẽ đãi anh em một mẻ tẹt ga. Và giấc mơ có tiền đến với gã luôn luôn. Có lần mơ trúng xổ số độc đắc, gã tỉnh dậy mồ hôi vẫn đầm đìa. Cái dở nhất của gã là làm gì có khi lại quên khuấy đi mất. Nó đã mang lại cho gã bao nhiêu phiền hà. Hình như hôm lão sếp mất tiền cũng là hôm anh em cơ quan mời gã đi uống bia, và vì bia nên gã đã ngủ, rồi ngủ quên đến sáu giờ mới về. Lúc gã dắt xe ra khỏi cơ quan, ông bảo vệ già còn bảo tí nữa không thấy gã ra thì ông phải lên tận nơi gọi…
Nhưng nếu gã lấy thì để tiền ở đâu? Gã đưa cho vợ chăng? Nếu đưa rồi thì mất hút, gã có hỏi chứ mang thị ra dùng dùi cui tra hỏi thị cũng cãi bay cãi biến. Chỗ nào gã có thể giấu được tiền? Thì gã đã bao giờ có tiền mà nghĩ chỗ giấu tiền. Ấy thế mà một lần gã lật quyển sổ trong ngăn tủ cơ quan lại thấy tờ năm trăm, nghĩ mãi mới ra tiền thưởng thêm dịp tết gã để ở đấy rồi quên mất. Thế thì có thể gã nhét vào xó xỉnh nào mối xông hết cũng chả lần ra.
“Cậu im lặng nghĩa là sao? Cậu công nhận là chuyện lạ chứ?”, lão sếp vẫn không ngừng quan sát thay đổi trên mặt gã: “Tôi sẽ không làm khó dễ cậu. Thì tôi đã bảo coi cậu như em ruột mà. Tôi cũng không bắt ép cậu phải nhận hay từ chối. Đó là quyền của cậu. Nhưng như tôi nói, nếu cậu trung thực với tôi, tôi sẽ bỏ qua, mọi chuyện dừng ở đây, tôi không cần báo công an làm gì, cũng không nói cho ai biết. Tôi sẽ tăng lương trước thời hạn cho cậu, dự án tôi đang trình nếu được duyệt sẽ cho cậu tham gia vài khâu. Có thể cậu đang nghĩ tôi vờ vịt để dụ dỗ cậu. Nghĩ thế thì cậu hỏng! Tôi thực sự quý mến cậu và thương hoàn cảnh cậu, nhưng tôi còn muốn để cậu thấy cái đại lượng của một thằng đàn anh kiêm thủ trưởng của cậu. Nói toẹt ra, mười triệu với tôi chả nghĩa lý gì. Nếu không vì cái tình, cái suy nghĩ như vừa nói với cậu thì tôi chỉ nhấc điện thoại lên, a lô một tiếng, lúc sau người ta vào còng tay cậu. Với những lý lẽ của tôi cậu đã tịt ngóp rồi, thì nghiệp vụ công an chỉ phút mốt cậu phải khai hết. Thế là tôi vẫn lấy lại tiền, nhưng cậu thì xong hẳn. Cậu nghĩ xem, lúc ấy tai tiếng thế nào, vợ cậu, con cậu sẽ nhìn cậu thế nào; anh em hàng xóm, bạn bè thân sơ sẽ nghĩ về cậu ra sao. Tôi cho cậu nửa tiếng để cậu tự quyết định”.
Gã ngồi bất động, không kịp cảm thấy xấu hổ hay ân hận; điều gã dằn vặt nhất lúc này là nếu lấy thì để tiền ở đâu. Nhưng khi nói ra thì gã lại diễn đạt chệch cái ý ấy.
– “Em không hiểu tại sao lại lấy tiền của anh?”.
– “Cậu có hứa sẽ đãi đằng anh em một bữa tẹt ga phải không? Tôi nghe anh em nói lại thế. Mà không chỉ hứa một lần, thấy bảo cậu nói thế nhiều rồi”, lão sếp đắc ý: “Chắc lần này bức xúc nên cậu ra tay. Tạng của cậu thì chôm chỉa đâu được. Ra đường hay mò vào nhà người ta thì nó đánh chết. Ở đây cậu biết chỉ mỗi tôi có tiền, chỉ mỗi tôi hớ hênh. Tôi nói thế đã chuẩn chưa, đã đúng đến chín mươi phần trăm điều cậu nghĩ chưa. Lúc đầu tôi nói phải có kế hoạch, có âm mưu, có động cơ chính là cái ý này đấy. Kế hoạch, âm mưu thì vô thức ăn sâu vào não cậu rồi. Còn động cơ là lời hẹn mà cậu đã nhắc hàng chục lần vẫn chưa làm ấy”.
“Thế tại sao em không nhớ?”, gã ngẩn ra, đắm chìm trong mớ thắc mắc không lý giải được và chợt thấy lão sếp có thể chỉ ra một cách ngọn ngành, gã gần như háo hức để nghe lão sếp phân tích thêm. Gã tuyệt không cảm thấy một tí ngượng ngùng nào.
– “Cậu vốn hay quên. Đó là điều thứ nhất”, lão sếp nói. “Chuyện cậu ngày xưa cả cơ quan ai cũng biết và chính cậu cũng kể cho tôi nghe lần tôi với cậu đi công tác cách đây khá lâu, là lần cậu ngủ quên ở trạm xá ở quê hồi còn trẻ, nhớ chứ? Nghĩ lại xem, một việc như thế trong lúc không rượu mà cậu còn không nhớ. Cậu vừa mới lớn, là lúc mà theo khoa học, đầu óc cậu sáng láng nhất, có trí nhớ tốt nhất. Giờ cậu cũng chưa già nhưng rõ là mọi sự không bằng được ngày xưa. Còn điều thứ hai là cậu uống rượu. Rượu thúc đẩy bản năng, thúc đẩy điều khao khát của cậu mà bình thường nó bẹp dí dưới vỏ bọc hiền lành. Tôi lấy làm lạ, hay nói khác đi cậu là một ca rất lạ, có khi đáng là đối tượng nghiên cứu của một công trình y sinh học cũng nên. Bình thường cậu trói gà không chặt, rằm cũng ừ, mười tư cũng gật, vậy mà rượu vào cả gan đi ăn cắp tiền, lại là tiền của sếp, người có thể quyết định sinh mạng chính trị của mình và đặc biệt nữa là lại quý cậu như em ruột. Điều cuối cùng là lúc cậu thức dậy, cơ quan đã về hết, chỉ còn mình cậu. Trong bóng tối nhá nhem, hoặc tranh tối tranh sáng, cậu cảm thấy có cơ hội làm việc đó, dù cậu thừa nhận hay không thừa nhận thì sự thật vẫn là như vậy. Một cơ quan thế này, cửa đóng then cài, xung quanh không trèo vào được, chỉ có một cái cổng có bảo vệ trông coi. Ông bảo vệ già đã làm ở đây đến mấy chục năm rồi, từng nhặt được tiền còn đem trả lại thì đời nào lại đi ăn cắp tiền. Vậy còn ai?”
– “Không, em không lấy…”
Gã ôm mặt, tuyệt vọng vì không nghĩ ra nơi giấu tiền hơn là lời bào chữa. Bỗng nhiên gã như được phân thân và nhìn thấy một gã phẩy khác lom khom ngó trước ngó sau, thận trọng tiến lại cửa phòng lão sếp, lách con dao mỏng vào cái chốt và đẩy mạnh. Cánh cửa bật ra, gã phẩy tiến lại cái tủ, xăm soi, tìm cách mở nhưng không được. Gã phẩy lại lấy con dao, cái bài mở cửa của mình nạy vào chốt khóa. Ngăn tủ ật ra, mở toang. Ngăn thứ nhất không có gì đáng chú ý, ngăn thứ hai cũng vậy. Đến ngăn thứ ba, một sấp tiền gồm mấy tờ năm trăm nghìn đồng, mấy tờ loại hai trăm nghìn đồng, còn lại là loại một trăm nghìn đồng. Gã phẩy cuộn tròn đút vào túi…
– “Cậu còn mười phút”, lão sếp lên tiếng làm đứt mạch suy tư của gã.
– “Nếu em lấy thì để ở đâu? Em phải để chỗ nào chứ?”, gã tức tối thốt lên.
– “Cái đấy thì tôi chịu. Chỉ cậu mới biết được”.
Gã lại ôm mặt, tập trung cao độ tinh thần vào một buổi tối nhá nhem lúc cái gã phẩy đút tiền vào túi. Nhưng lần này gã phẩy ấy lại chính là lão sếp. Lão mở tủ, cầm mấy chiếc phong bì, thận trọng dùng kéo cắt sát đường dán đầu từng chiếc phong bì, có lẽ lão sợ cắt vào tiền. Lão vừa thở hổn hển vừa dấp nước bọt vào ngón tay đếm xấp tiền. Tiếng thở đầy hoan lạc…
Xong, lão cuộn xấp tiền nhét vào ống mấy cuộn lịch để bừa bộn một góc nhà. Những cuốn lịch được biếu hồi tết lão chẳng buồn mở. Lão khoan khoái hít thở mấy hơi dài, ngó lại căn phòng một lượt rồi lần lượt khóa tủ, tắt điện, đóng cửa, bước ra cầu thang xuống tầng…
Gã đứng thẳng lên, gần như mỉm cười nhìn lão sếp:
– “Anh thử tìm trong cuộn lịch kia xem”.
Lão sếp xoay mình, một cái giật rất nhẹ xuất hiện trên má lão. Lão hối hả lao đến đống lịch, thò tay vào từng cuốn và tháo dây, mở tung từng cuốn lịch ra, nhưng không có đồng tiền nào. Gã thì chưng hửng.
– “Cậu định thế nào? Hết giờ rồi”.
– “Thôi… anh ghi cho em cái giấy nợ. Em không xoay đâu ra mười triệu lúc này”.
– “Khỏi!”, lão sếp khoát tay: “Cậu nhớ, tôi nhớ là được. Và cậu nhớ thì tôi sẽ tăng lương…”
Gã gần như lao ra khỏi phòng, mồ hôi túa ra khắp mặt mũi và khiến lưng áo gã ướt đầm. Suýt nữa gã cười lên sằng sặc. Gã chưa bao giờ vui như thế. Đêm mơ trúng xổ số đặc biệt gã cũng chỉ vui thế này…
D.Q.H
Nguồn Văn nghệ số 43/2016

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *