Bài nổi bật

Chuyện chuột ăn muối – Nguyễn Toàn Thắng

RadioVn.Com – Sau khi đứa con gái út đi lấy chồng ít lâu, ông Tích thấy nhà trống trải hẳn đi. Vợ mất đã lâu, ông phải nén mọi nhu cầu cá nhân lại để lo cho các con. Giờ đây, ông mới thấm thía câu các cụ vẫn nói Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Các con ông đều là những đứa hiếu thuận, hiền lành, nhưng chúng chỉ biết lo cho ông ăn, sắm quần áo cho ông, chứ làm sao chia sẻ được với ông những nỗi niềm. Vậy là, sau một cuộc họp gia đình đột xuất, ông Tích thông báo quyết định đi bước nữa.
Các con ông không dám cản bố. Tất nhiên thôi, bởi cả đời ông đã vất vả lo lắng cho con cái, giờ là lúc ông phải được hưởng thụ, được chăm sóc. Không thể cản, vậy chi bằng ủng hộ còn được tiếng là hiếu thảo. Cô con dâu cả lập tức mua một loạt báo, tạp chí có mục kết bạn bốn phương, sau một buổi tối đã lập được danh sách dài như danh sách sinh viên thi lại môn Triết học. Đưa cho ông Tích xem, cô nhận ngay cái lắc đầu. “Sao con lại chọn cho bố bà trẻ nhất cũng những sáu mươi tuổi. Thôi để bố tự kiếm. Hạnh phúc của bố, tương lai của bố, các con không làm thay bố được”.
Vậy là ông Tích tiến hành chiến dịch mà ông gọi một cách rất thơ mộng là Tìm nửa vầng trăng rơi. Tự ông lên mạng. Tự ông đăng ký nick. Tự ông mua báo. Tự ông viết thư. Thư điện tử hay thư tay cùng một giọng rất nồng nàn tình cảm. “Chào em, anh tha thiết muốn làm quen với em để cùng nhau đi nốt quãng đời còn lại. Chỉ mới đọc qua thông tin của em mà anh tưởng đâu chúng ta như đã gặp nhau từ kiếp trước” vv và vv. Sau một tuần thì có hồi âm.
Đối tượng đầu tiên ông Tích hẹn gặp là một bà mà có thể xứng đáng gọi là Góa phụ ngây thơ. Ông Tích bị ấn tượng bởi profile của Góa phụ trên một mạng xã hội dành riêng cho những người cô đơn. Họ hẹn nhau ở một quán cà-phê ven hồ, bởi như Góa phụ ngây thơ nói, em thích sự lãng mạn. Em có thể nghèo, có thể vất vả, nhưng em cần sự lãng mạn. Ông Tích không tin lắm, bởi một người đàn bà từng ấy tuổi, trên người tổng cộng phải đến vài cây vàng, thì chắc sự lãng mạn cũng chỉ giống như một thứ gia vị. Rồi Góa phụ ngây thơ hỏi ông Tích với ánh mắt chớp lia lịa như xe tải nháy đèn pha rằng, anh có thích thơ không. Ông Tích cố nhớ, trước kia, hình như mình cũng có đọc thấy thơ ở đâu đó. Phải rồi, đó là thơ cổ động cho Phong trào sinh đẻ có kế hoạch. Góa phụ ngây thơ giục mãi, ông mới chịu ấp úng vài câu. “Trai khôn chọn vợ đặt vòng, Gái ngoan tìm chồng thắt ống dẫn tinh”…
Nghe chưa hết thơ, Góa phụ ngây thơ đã phụng phịu bỏ về. Thế là tan cái hẹn thứ nhất. Ông Tích còn chưa kịp hỏi tên nàng là gì.
Từ lúc đó ông Tích mất cảm tình với internet. Ông bỏ nick, quay sang liên lạc với các mã số trên báo. Trong đó, ông quan tâm nhất một người có mã số là N 25. “Hiền lành, chăm chỉ, ngoại hình ưa nhìn, cần tìm một bờ vai để nương tựa, để đi hết phần đời còn lại, không vướng bận gia đình vì các con đã lớn”. Ông viết thư làm quen, dòng đầu ông viết theo quán tính là Đơn xin làm quen, đến tờ thứ ba ông mới sực nhớ, thay thế bằng dòng ngày tháng năm, “Thân gửi người phụ nữ mà tôi hy vọng sẽ cùng tôi đi đến cuối con đường…”.
Chắc chắn lá thư với những gạch đầu dòng, một nhỏ một La Mã của ông đã có tác động mạnh đến N25. Hai người lại gặp nhau, lần này không phải trong quán cà-phê bởi họ không cần sự lãng mạn, họ cần bờ vai nhau, nên họ hẹn nhau ở bệnh viện, sau khi bà N 25 đi thăm người ốm về, tiện thể gặp luôn người đàn ông của đời mình.
Ông Tích đứng chờ ở cổng bệnh viện chừng một tiếng đồng hồ thì được giáp mặt bà N25. Bà đội mũ vải, đeo khẩu trang, đi găng tay, và giải thích với ông là để đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Hai người ra ngồi ở một ghế đá bệnh viện cho tiết kiệm thời gian. Là người cẩn thận, ông Tích đã thủ sẵn trong túi mấy lon nước ngọt. Bà N 25 khi tâm sự về đời, về tình người vẫn để nguyên khẩu trang cho hợp vệ sinh. Đưa cho bà lon nước, ông Tích hỏi nhỏ “Em ơi, lúc uống nước em cũng để nguyên khẩu trang à?”. Bà mới à ồ ề rồi cởi khẩu trang ra.
Đập vào mắt ông Tích là một khuôn mặt mà nếu nới rộng thêm chút nữa người ta có thể tin tưởng đó là cái mâm. Đôi mắt bên trái bồ câu bên phải chim én, cộng thêm một cái miệng khi cười thì hai mép gặp nhau ở gáy. Ông Tích bồi hồi nhớ lại lời tự giới thiệu của bà rằng thì là mà “ngoại hình ưa nhìn” rồi người cứ thế run bắn lên. Cuộc hò hẹn thứ hai thế là tan như mây khói.
Từ hôm đó ông thẫn thờ, ông ngẩn ngơ. Các con ông, từ con đẻ đến dâu rể đều khuyên ông tham gia các hoạt động xã hội để tìm niềm vui sống. Ông gật đầu, làm theo ý các con. Ông chơi bóng chuyền. Ông đi hòa giải cho khu phố. Ông đi đánh cờ.
Dường như Tạo hóa thích đùa. Đúng lúc ông chán nản nhất, lang thang trên mạng chỉ để đọc tin tức thì nhận được một bức thư điện tử mà người viết nói rõ là nhờ bạn giới thiệu. Thông tin có vẻ cũng hấp dẫn. “Ngoài bốn mươi tuổi, chưa lập gia đình vì trách nhiệm lo cho cha mẹ cùng các em. Hình thức trung bình. Yêu thiên nhiên, thích máu tím, ghét sự giả dối. Rất ấn tượng về hồ sơ của anh”. Cô Bốn Mươi này có cái tên rất dễ thương, mới chỉ nghĩ đến mà ông Tích đã bần thần cả người, Đới Thị Dịu.
Thế là trái tim ông lại rung lên một lần nữa. Lần này rung rất lâu. Rung bần bật. Ông quyết định gặp gỡ. Để chuẩn bị cho cuộc hẹn, ông đi tút tát lại nhan sắc. Cắt tóc chải ngôi giữa cho trẻ, cạo râu, tiến thêm bước nữa, ông đi căng da mặt. Nhìn vào gương, ông tự đoán mình chừng ngoài năm mươi một chút chứ nào có nhiều nhặn gì.
Rút kinh nghiệm những buổi hẹn trước, lần này ông mượn văn phòng của thằng cháu họ làm nơi gặp gỡ. Cô Dịu là người đúng giờ, đợi ông ở phòng họp. Ông Tích xách ca-táp đi ra, giả bộ nhìn quanh. Cô Dịu bẽn lẽn đứng lên. Ông Tích ồ lên một tiếng, bắt tay cô Dịu. “Chào em, anh vừa họp xong, mệt quá, nhưng được gặp em mọi mệt nhọc tan biến”. Là gái ngoại thành quanh năm chỉ biết việc nhà, cô Dịu nhìn ông Tích như nhìn người cõi trên, đôi mắt mở to đầy vẻ thành kính.
 
Thông tin về nhau thì cả hai đã thuộc. Cô mới ngoài bốn mươi, mải lo việc gia đình nên vẫn chưa cùng ai. Ông tuy lớn tuổi hơn nhưng quan trọng nhất là chưa về hưu, về hưu thì làm sao xách ca-tap đi họp được, chỉ mới qua một lần đò, các con đã lớn, tính tình vui vẻ.
 
Mới gặp lần đầu nhưng cô Dịu đã ưng lắm. Chỉ đển cuối buổi cô mới thỏ thẻ rằng “Nhìn anh, em đoán anh chỉ gần bảy mươi thôi”. Ông Tích giật mình nhưng trấn tĩnh rất nhanh, lắc đầu thở dài, “Em ạ, công việc ngập đầu, sức ép nặng nề, nên năm anh mới đi làm đã có người đã hỏi là bác đến bốn mươi chưa ạ”. Cô Dịu đồng cảm lắm, định nói “Thôi thì bọn mình gặp nhau có muộn nhưng còn hơn không. Em sẽ chăm sóc anh chu đáo tin cậy 77 Hàng Đào”, nhưng nhớ ra rằng lần gặp đầu tiên thì không nên mạnh bạo quá thế. Nên cô im lặng. Cô bèn ỏn ẻn “Mời anh về nhà em chơi, tiếp đến là mời anh dùng bữa cơm thân mật với gia đình em”, chỉ thiếu câu vào hồi mấy giờ ngày bao nhiêu nữa là thành thiệp cưới truyền miệng.
 
***
 
Đúng ngày đúng giờ, ông Tích phóng xe máy đến nhà nàng, tất nhiên với trang phục công sở, ca-tap để chành bành ở giỏ xe. Ông đứng vài phút ngắm cánh cổng chi chít hoa leo rất hiếm trong thời buổi tấc đất tấc vàng, rồi hắng giọng, “Dịu ơi…”. Một người đàn bà loẹt quẹt đi ra, nhìn rất giống Dịu, có chăng là cứng tuổi hơn một chút. Ông Tích ôn tồn, “Em cho anh hỏi Dịu có ở nhà không”. Người đàn bà gật đầu, “Dạ, mời bác vào. Cháu nó chẳng ở nhà thì hóa ra ở tù à?”. Giật mình, ông Tích hỏi “Vậy chị là thế nào với cô Dịu?”. “Dạ, tôi là mẹ cháu”. “Dạ, cháu xin lỗi bác, tại thấy bác còn trẻ quá. Cháu là bạn Dịu”. “Vâng, cháu có bảo là hôm nay có khách. Công nhận cháu Dịu nhà tôi có người bạn vong niên đẹp lão thật”. Ông Tích ngẩn người ra, “Ơ, thế bác không cho cháu vào nhà à?”. “Vâng, vâng xin mời bác, mời anh vào nhà”.
Sau một hồi chào hỏi và làm quen, bữa cơm gia đình diễn ra trong sự đầm ấm và vui vẻ. Bố Dịu là người lo xa, đang ngồi ăn đột nhiên thần người ra, bảo không biết giờ này bên Cu-ba người ta ăn cơm chưa. Đón ý rất nhanh, ông Tích thao thao bất tuyệt về đặc sản mía, xì-gà và những vũ điệu la-tinh nóng bỏng. Câu chuyện đang từ Cu-ba chuyển ngay sang Liên Xô. Bố Dịu lại băn khoăn không biết các ông chuyên gia Liên Xô có đẹp trai như các ông Cu-ba không. Lần này trúng tủ, chẳng gì thì ông Tích cũng có mấy năm học tập và lao động ở Liên Xô. Thế là câu chuyện đi từ Mạc Tư Khoa sang Xi-bê-ri, đôi lúc còn dừng lại ở miền Trung Việt Nam. Cuối buổi nói chuyện, bố Dịu chỉ còn băn khoăn mỗi điều có phải tại những năm sống ở Liên Xô hay không mà nhìn ông Tích lại già đến thế.
 
Tiễn ông Tích ra cửa, cô Dịu ỏn ẻn “Anh giỏi thật, chiếm được cảm tình của bố mẹ em ngay lần đầu. Hơn hai mươi năm nay chưa ai lọt được vào mắt xanh của các cụ”. Ông Tích nghĩ bụng, không biết mắt bố mẹ cô là xanh nước biển hay xanh dưa cải muối mà nỡ lòng để con gái ứu chăn đơn gối chiếc đến hơn bốn chục năm như vậy.
 
Thế rồi, như bất cứ cuộc tình nào ngoài đời, bởi những cuộc tình trong văn học nghệ thuật hay kết thúc bằng hóa bướm, hóa chim, hóa núi, hóa đá, lên rừng xuống biển, chết chóc biệt ly…, đám cưới giữa ông Tích và cô Dịu đã được tổ chức vào một buổi chiều mùa thu.
 
Đêm tân hôn.
 
Nhờ công dụng của hai bình rượu bổ đã ngâm sẵn và sử dụng đúng liều lượng cách đó hai tháng cộng với một viên tân dược có tên y học bắt đầu bằng chữ V, ông Tích đã chứng tỏ được với cô Dịu rằng, ông vẫn còn rất phong độ.
 
Trong căn phòng tối, bỗng nghe cô Dịu cất tiếng cười, một tràng cười tưởng không bao giờ dứt. Ông Tích không thể không hỏi tại sao. Cô Dịu đáp, “Mai em sẽ đi khoe khắp nơi, cho mấy đứa bạn em tức nổ đom đóm mắt lên. Chúng nó dám nói là em lấy anh chỉ để làm cảnh chứ anh còn chiến đấu gì được. Phong độ anh thế này, chẳng lẽ em lại cho từng đứa bạn tự kiểm tra”… Ông Tích thoáng rùng mình ớn lạnh, cúi xuống nhìn đầu gối.
Suốt hai tuần trăng mật êm đềm và thơ mộng, đôi uyên ương một đã già một sắp già hết lên núi lại xuống biển, hết đi thăm bách thảo lại đi thăm bách thú.
Lẽ ra cuộc sống của họ cứ mãi tiếp diễn như thế nếu một hôm cô Dịu không thật thà hỏi ông Tích là, “Sao anh nghỉ làm lâu thế?”. Ông Tích giật mình, nhưng rồi với bản lĩnh của một người đã từng biết mệnh trời và giờ tai còn biết nghe điều phải trái, ông bình tĩnh gật đầu và bảo cô Dịu rằng “Từ mai anh  phải trở lại làm việc thôi. Không có anh mọi việc sẽ rối tinh rối mù hết”.
 
Nói là làm. Buổi sáng, ông Tích dậy rất sớm. Cô Dịu còn dậy trước ông, lúi húi làm bếp. Ông vừa đánh răng rửa mặt xong, đã thấy một đĩa xôi đơm đầy như cho cả một tiểu đội ăn đặt trước mặt, một ấm trà như của bà bán hàng nước để bên cạnh. “Anh ăn đi, làm cả ngày là đói lắm đấy”. Cố mãi ông Tích mới ăn được một góc, phần vì ngán, phần vì bộ răng chín sáu ba không của ông nhao nhao biểu tình. Ông khề khà uống nước đến tận tám giờ. Cô Dịu lại thỏ thẻ hỏi, “Sao anh không đi cho kịp giờ?”. Ông Tích nghênh mặt lên như đón gió, “Anh là lãnh đạo, đến muộn một chút cũng không sao”.
 
Rồi ông cũng phải ra khỏi nhà. Vừa đi trên đường ông, vừa phải căng óc ra nghĩ xem nên đi đâu, làm gì cho hết cả một ngày. Và ông nhớ ra nên đến thăm cơ quan cũ.
 
Mấy năm không gặp, mọi người tiếp đón ông rất niềm nở. Trà pha ấm mới, bánh kẹo được đưa từ các phòng khác đến. Giám đốc bỏ cả cuộc họp để mời bằng được vị cán bộ lão thành vào phòng mình, chủ yếu là để khoe bộ bàn ghế mới. Rồi hỏi thăm, rồi xoắn xuýt, rồi hồ hởi, “Bác ơi, rảnh rỗi bác cứ đến cơ quan chơi với chúng cháu”. Được lời như cởi tấm lòng, ông Tích mời cả phòng đi ăn đến tận chiều. Tối hôm đó, ông ngủ sớm, ngủ say sưa như bất cứ một cán bộ đương chức nào.
Hôm sau, ông lại đến cơ quan. Mọi người vẫn hồ hởi, nhưng số người tiếp chuyện ông không còn đông như hôm trước. Ông cũng không lấy thế làm buồn. Tuổi trẻ phải phấn đấu, phải đặt công việc lên trên hết. Gần trưa thì ông xuống phòng bảo vệ đánh cờ tướng. Nhưng nước cờ của ông kém quá, làm cho tay bảo vệ chán nản bỏ đi ăn trưa. Đến chiều thì ông không tìm được ai để nói chuyện, bởi mọi người còn bận đi nghe nghị quyết. Về đến nhà, ông không ngủ được. Ông bực dọc, bồn chồn làm cô Dịu phải an ủi gần cả tiếng đồng hồ.
Hôm sau nữa, ông vẫn lại đến cơ quan, vì không còn chỗ nào để đi nữa. Không ai pha nước mời ông. Đã thế ông tự pha. Mọi người ai ngồi chỗ nấy, chăm chỉ làm việc, hoặc đọc báo hay chơi game. Ông cũng lấy báo ra đọc. Chừng gần tiếng sau thì cậu nhân viên có khuôn mặt dài như một chiều mưa nhã nhặn, “Chú ơi, chúng cháu phải họp”. “Vậy chú sẽ ra ngoài đợi”. “Không chú ơi, bọn cháu họp phân công công tác”. “Ừ, thôi chú về”. Ông Tích ngẩn người ra rồi đi khỏi cơ quan. Cả buổi chiều ông ngồi ở công viên. Tối về, mặt ông tím tái. Cô Dịu phải đánh gió rồi nấu cho ông nồi cháo. Ông phều phào, “Nhiều việc quá em ạ, hôm nay phải đi tiếp đối tác. Họ là người lãng mạn, nên muốn cuộc họp diễn ra ở một nhà hàng ven hồ”.
 
Ngày hôm sau ông không đến cơ quan cũ nữa. Ông dỗi. Dỗi rất sâu. Cả đời cống hiến cho cơ quan, giờ chỉ có đến chơi mà mọi người cũng xử tệ. Đã thế ông hít-le, ông không thèm đến nữa. Nhưng không đến đó thì đi đâu cho hết ngày. Mải ngẩn ngơ nghĩ, ông không nhận ra rằng hôm nay đã là ngày nghỉ. Khi ông dắt xe ra khỏi nhà, cô Dịu hỏi “Sao hôm nay anh cũng đi làm à?”, ông mới à ồ ừ, “Đấy, mải việc quá anh quên mất. Thôi hôm nay anh dành trọn cả ngày cho em”.
 
Ngày nghỉ trôi qua nhanh như tên bắn. Thoáng chốc đã đến ngày làm việc. Cả một ngày tíu tít bên người vợ giờ đây vẫn tuổi bốn mươi ngoài nhưng đã biết được một nửa kia của nhân loại, ông nghĩ không ra đâu sẽ là nơi dung thân kế tiếp. Bộ óc đã già cỗi của ông cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Ông à ồ lên một tiếng rồi nhằm hướng sân bay thẳng tiến. Nhà gần ngay bên, thế mà không nghĩ ra nơi này.
 
Ông Tích hiên ngang gửi xe, hiên ngang bước vào, hiên ngang ngồi xuống chiếc ghế trong phòng đợi, rồi hiên ngang giở báo ra đọc. Từ An ninh thế giới, Pháp luật cho đến Tiền phong, từ Tài hoa trẻ cho đến Đang yêu. Chừng ấy báo đủ ông đốt trong một tiếng. Nhưng ông cũng đã có chuẩn bị trước. Ông đọc sang Anh hùng xạ điêu. Thêm được hai tiếng.
 
Thế là cũng hết buổi sáng. Ông lỏn ra ngoài, giở bánh mì và nước suối ra, ăn vội vàng, uống vội vàng. Rồi ông ngồi nghỉ, không chút vội vàng.
 
Chừng một tiếng sau khi ăn, ông trở lại phòng đợi. Nhưng lần này ông ngồi ở ghế khác. Ông lại giở Anh hùng xạ điêu ra. Chán thật, mang có một cuốn, vì ca-táp chật quá, không lẽ lại mang cả bộ theo. Ông lúi húi tìm. Dưới đáy ca-táp chỉ còn cuốn Những bài toán khó lớp Năm của đứa cháu đích tôn. Ông Tích lấy cây bút gài ở túi áo, lúi húi giải bài đầu tiên. Ông cắn bút suy nghĩ, đến nỗi mồ hôi toát ra đầm đìa mà không để ý. Ông đâu biết rằng, trình độ bổ túc văn hóa như ông thì hơi khó để giải toán lớp Năm thời cải cách.
 
Bỗng ông Tích luống cuống, quay mặt lại. Một người quen của ông đang đi tới. Người ông run lên cho đến lúc người kia khuất mất. Rút kinh nghiệm, ông không giải toán nữa mà chỉ đọc báo, bởi chỉ tờ báo mới đủ to để che kín mặt ông. Loay hoay mãi rồi cũng hết được buổi chiều.
 
Từ hôm đó, ông Tích phấn chấn hẳn. Một nơi vừa rộng rãi, vừa yên ổn, mát mẻ, chỉ thảng hoặc mới phải tránh mặt người quen như thế này, đâu dễ kiếm ra.
 
Từ hôm đó, ngày nào đi về, ông cũng cười hết cỡ với cô Dịu. Một tháng hai lần ông đưa tiền cho cô với vẻ mặt hào hứng. Cô Dịu bảo, sao lương anh cao thế. “Thì đã bảo anh là lãnh đạo mà”, ông Tích tự hào tuyên bố. Ông có nhiều tiền là do các con ông thương bố, tháng nào cũng góp nhau đưa tiền cho bố tiêu. Cô Dịu lại càng tin là mình đã tìm đúng nơi để nương tựa. Cô bảo ông, “Em sống đến từng này tuổi để đợi anh kể cũng đáng đấy chứ”.
 
Thế là, sáng sáng, ông Tính đi ra sân bay. Chiều chiều, ông từ sân bay trở về. Suốt ngày trời ở đấy, để che mắt mọi người, thỉnh thoảng ông cũng đứng lên quay ngang quay dọc như tìm kiếm ai đó. Và giờ đây, ông yên tâm luôn mang cả bộ truyện theo để đọc. Nơi công cộng, chẳng việc gì phải sợ ai để ý đến ai.
 
Nhưng ông đã nhầm. Một hôm, khi ông vừa giở đến tập cuối cùng của bộ Cô gái Đồ Long, hai nhân viên công vụ bỗng xuất hiện trước mặt ông. Họ mời ông vào văn phòng với một vẻ lạnh lùng tuy không kém phần lịch sự. Ông Tích ngơ ngác. Một người hỏi ông, “Bác nói thật đi, mấy tháng nay ngày nào bác cũng vào ngồi đây nhằm mục đích gì? Đừng chối cãi quanh co, camera của chúng tôi ngày nào cũng ghi hình bác”. Ông Tích chột dạ. “Đề nghị bác hợp tác. Đây là sân bay, an ninh phải luôn đảm bảo. Giờ bác trả lời câu đầu tiên, bác làm việc cho tổ chức nào?”. “Tôi về hưu rồi”, ông Tích trả lời ngay, “mà các anh nghi ngờ tôi làm gì, già cả thế này ai mời tôi làm gián điệp. Gián điệp phải hai tay hai súng cỡi ngựa cả ngày, phải cao to lực lưỡng chứ”. “Vậy bác lý giải thế nào về việc ngày nào cũng ở đây?”. Ông Tích im lặng, vì chẳng biết phải khai thế nào. “Bác nói đi. Bất hợp tác sẽ không tốt cho bác đâu… Nhưng mà, thôi được, nhìn bác cũng không có vẻ gián điệp lắm. Giờ chỉ cần có người mang hộ khẩu ra bảo lãnh là chúng tôi sẽ cho bác về”.
 
Ông Tích gật đầu lia lịa rồi như phản xạ, ông bấm ngay số cô Dịu. Cuộc gọi kết thúc, ông Tích rũ người ra. Thôi thế là bao nhiêu công khó đã đổ sông đổ biển.
 
***
Sau cuộc gặp chớp nhoáng với hai nhân viên công vụ, cô Dịu vào phòng, bảo lãnh để ông Tích ra về. Đến nhà, ông Tích rũ xuống như tài chuối héo, miệng lắp bắp chỉ chực thanh minh. Cô Dịu bảo, “Thôi anh không cần nói gì nữa. Em đã lấy anh rồi thì em là của anh suốt cuộc đời này”.
Cô Dịu lại nấu ăn cho ông. Cô Dịu lại pha nước cho ông. Cô chỉ băn khoăn một điều duy nhất là, thật ra chồng mình bao nhiêu tuổi. Rồi cô bỗng ồ lên một tiếng, nét mặt rạng rỡ tươi vui, có vẻ cô đã tìm được cách.
 
Buổi tối. Cô tắt đèn. Ông Tích quay mặt vào tường để giấu đi nỗi xấu hổ. Cô Dịu lay nhẹ vai ông, rủ rỉ tâm tình, “Anh ơi, em biết là anh đã về hưu rồi, nhưng đâu có sao. Em cũng đã hơn bốn mươi rồi còn gì”. Như trút được nửa gánh nặng, ông Tích quay lại và bắt đầu bô lô ba la. “Anh cũng chỉ mới về hưu thôi, lại còn hưu non, cho nên em yên tâm”. Cô Dịu đáp, “Em biết mà, anh còn khỏe lắm, rất khỏe. Với lại, dù anh có già chút ít thì lại càng đứng đắn, chẳng sao hết… Mà chết rồi, em quên… Nhờ anh xuống nhà bếp đậy lọ muối lại giúp em kẻo cả đêm nay chuột ăn hết mất”. Nói xong cô quay đi phía khác, đế cố giấu nụ cười.
 
Và cũng giống y như cái kết trong những câu chuyện dân gian, ông Tích bỗng buột miệng làu bàu, “Anh sống đến giờ là sáu mươi bảy năm rồi mà chưa bao giờ nghe thấy ai nói chuyện chuột lại đi ăn muối”.
Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng – Thực hiện: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *