Bài nổi bật

Chuyện của cha và con gái

RadioVn.Com – Tôi có thể đoán biết được họ có vui vẻ với nhau hay không thông qua tiếng thở dài của mẹ và dáng ngồi của cha. Khi mẹ tôi liên tục buông ra những hơi thở mạnh và ngắn có nghĩa là cha tôi đã làm cho bà nổi giận. Lúc nào cái lưng của cha tôi ngồi ở tư thế của một người gù, có nghĩa là mẹ tôi đã dùng lời nói nặng nề làm cho cha bị tổn thương. Họ đã sống với nhau như thế suốt mấy chục năm, sau những xung đột họ đối xử với nhau tình cảm hơn, cẩn trọng hơn và có phần dè dặt hơn. Có điều xung đột vẫn đến vì cuộc sống có hằng hà sa số vấn đề nảy sinh từng giờ từng phút. Thế nhưng tôi vẫn thấy gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ yêu thương và quan tâm con cái, chúng tôi ngoan ngoãn vâng lời, có đứa còn thành đạt. Sự trưởng thành của chúng tôi làm giảm dần những xung đột giữa cha mẹ. Sự ra đời của những đứa cháu thêm cho họ mối bận tâm mới và họ bao dung với nhau hơn.
Vậy nên lần này tôi thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Mà mẹ tôi vốn là một người đàn bà nhạy cảm nhưng vì bận bịu với mấy đứa cháu và lo cho chuyện của vợ chồng tôi nên đã không nhận ra điều khác lạ ở ông chồng già. Những lần ở lớp học ban đêm về, tôi đều bắt gặp cái tư thế ngồi gập lưng của cha, điều tệ hại hơn là ông hút thuốc lá trở lại. Vài lần đầu tôi khẽ nhắc cha, tôi sợ những cơn ho thắt ngực trước kia của ông. Những lần sau đó tôi gần như to tiếng, ông nghe lời tôi dụi ngay điếu thuốc đang hút dở, nhưng đêm mai lại tiếp diễn. Ông buồn và già nhanh chóng. Có một điều gì đó đang đè trĩu tâm can ông. Một đêm, tôi đánh bạo hỏi nhỏ: Có chuyện gì với cha ư? Cha tôi gật đầu: Ừ! Nhưng cha không thể nói ra được, cha cảm ơn con. Tôi không định nói cảm nhận của mình về cha với mẹ, tôi quyết định tự mình tìm hiểu, bằng cách làm cho cha nhận ra rằng: Tôi là đứa con gái cha có thể gửi gắm mọi điều.
Tôi và Bảo chưa cưới nhau đã có những cuộc cãi vã. Sau đám cưới, những cuộc cãi vã diễn ra thường xuyên hơn. Chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhưng giữa chúng tôi không có cách gì dung hòa được. Mẹ tôi thường nói, chúng mày- chỉ chúng tôi- không nên lấy nhau chút nào. Thời chúng mày cuộc sống quá dễ dàng, chỉ việc đi làm nhận lương nuôi con, thế mà cứ dày vò nhau mãi. Tôi sinh hai lần được hai cô con gái, điều ấy càng khiến cho Bảo lạnh nhạt với tôi hơn. Kể từ khi có đứa đầu lòng cho đến đứa sau này, số lần Bảo bế con giúp tôi đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Tôi gần như thỏa hiệp với thái độ hờ hững của Bảo, Bảo có để ý đến mẹ con tôi hay không chẳng quan trọng nữa. Vì vậy, khi Bảo bị điều sang tỉnh khác công tác giữa chúng tôi không có nhiều băn khoăn cho lắm. Tôi mang hai đứa con về ở hẳn nhà bố mẹ đẻ. Điều ấy làm cho ông anh và cậu em trai của tôi đang thành đạt ở các thành phố lớn thở một hơi nhẹ nhõm, rằng ông bà từ nay đã có tôi trông nom, cần gì tôi cứ alô, mọi thứ sẽ được đáp ứng đầy đủ. Thực ra là họ chăm sóc cho ba mẹ con tôi chứ chẳng mấy khi tôi chăm sóc họ. Nhưng như mẹ tôi nói, nhà có thêm tụi bây mới có sinh khí, chứ chỉ hai ông bà già chán lắm. Còn thằng Bảo, khi nào nghỉ phép thì về đây ở vài ngày chẳng sao cả. Nhà đầy phòng đấy, ngủ đâu chẳng được. Dăm bữa nửa tháng Bảo về, vẫn lạnh nhạt và hờ hững từ ánh nhìn đến lời nói. Chỉ khi gần gũi nhau, Bảo mới thì thầm, gái hai con mà vẫn mềm và nóng hôi hổi như cái bánh bao nhỉ? Có lẽ đó là lý do duy nhất để Bảo về thăm mẹ con tôi chăng? Tôi tặc lưỡi, dẫu sao thì Bảo vẫn là chồng mình.
Chuyện của cha và con gái – Nguyễn hương Duyên
Hôm nay, tôi về muộn hơn bình thường. Từ ngày về ở với mẹ, tôi như gái còn son, ngày đi làm ở cơ quan, tối đi học để lấy thêm bằng ngoại ngữ. Hai đứa con tôi yên tâm phó thác cho cha mẹ. Cha tôi đưa đón đứa lớn đi học lớp tiểu học, mẹ tôi đưa đón đứa thứ hai ở trường mẫu giáo gần nhà. Tối nay, cha tôi không ngồi ở tư thế cũ mà ông đi lại có vẻ bồn chồn. Tôi khẽ khàng đóng chốt cửa, định về phòng kiểm tra hai cô con gái một chút rồi ra hỏi thăm cha thì ông cất giọng rất nhẹ. “Bọn nó ngủ hết rồi con ạ, con lại đây một chút”. Cái gạt tàn đầy vun những đầu lộc và tàn thuốc. Cha húng hắng ho. Tôi nói: “Cha gần 70 rồi, sức khỏe không tốt sao cứ hút thuốc nhiều thế? Con lo cho cha lắm!”. Cha tôi khóc, lần đầu tiên tôi thấy cha mềm yếu như thế. “Cha buồn và đau chỗ này”. Ông đưa tay chỉ vào ngực trái. Tôi ứa nước mắt. “Nếu cha tin con, cha đừng giấu con nữa, con sẽ giúp cha”. Cha lại ho, rũ rượi: “Trưa mai con về sớm đưa cha đến chỗ này, cha sẽ nói hết với con”. Tôi ngỡ ngàng, nóng lòng muốn biết ngay chuyện gì. Nhưng tôi biết, sự nôn nóng của tôi đôi khi sẽ khiến cha nao núng. Và ông sẽ tiếp tục héo hon với nỗi khổ ông đang cố gắng chôn chặt. Tôi nắm lấy tay cha, bàn tay ông gầy và nhăn nheo: “Được cha ạ, con sẽ về đưa cha đi. Giờ con đưa cha vào ngủ, cha đừng nghĩ ngợi gì nữa. Đã có con đây rồi”. Tôi kéo chăn cho cha, dỗ dành ông ngủ. Tôi ngắm vóc hình tiều tuỵ của ông, tự hỏi cái gì đã khiến ông – niềm tự hào của tôi, chỗ dựa tinh thần của mấy mẹ con, bà cháu tôi trở nên yếu đuối đến thế?.
Sáng sớm mẹ đã kêu tôi: “Ông già dạo này yếu đi nhiều mà đêm nào cũng thức khuya hút thuốc. Con sắp xếp đưa ông ấy đi khám đi. Phải để ý đến sức khỏe của ông ấy chút con ạ, đừng mải mê công việc quá”. Tôi gọi hai cô con gái đang đùa trên đống chăn lộn nhèo, quay sang mẹ giả vờ tỉnh bơ: “Con cũng định trưa về sớm đưa cha đi đây mẹ ạ”. Hai đứa con gái ùa ra ôm lấy cổ tôi, phụng phịu: “Mẹ, sao tối qua mẹ về muộn thế, chúng con chờ mãi”. Tôi hôn lên mái tóc tơ, mềm rượi của chúng: “Mẹ xin lỗi, mẹ bận chút việc, tối nay mẹ không về muộn nữa”. Hai đứa đồng thanh nói: “Mẹ, mẹ hứa là thứ 7 này mẹ dẫn cả hai chị em con đi công viên rồi đấy nhé”. “Ừ! – Tôi vỗ yêu vào cái mông tròn tròn của chúng – Mẹ nhớ rồi”. Hai đứa lăng xăng ào đi lấy bót đánh răng, tôi ngồi sững ngắm các con, chúng là những thiên thần, chúng làm cho lòng tôi luôn ấm áp, tràn trề thương yêu và mãn nguyện mỗi khi nghĩ đến chúng. Tại sao Bảo có thể thờ ơ và dửng dưng  trước những đứa con đáng yêu nhường ấy?
Cha ngồi sau lưng tôi. Hình như ông đang hối hận, Hình như ông đang giằng co giữa việc có nên nói hay không nói điều đang khiến ông đau khổ. Ông im lặng và tôi có thể cảm nhận được những tiếng thở dài ông cố không để bật ra. Tôi cho xe chạy từ từ, hết sức kiên nhẫn vì cha chưa nói nơi định đến. Sau cùng, ông mở giọng khàn khàn: “Đi hướng này đi con”. Cha bảo tôi dừng xe trước một ngôi nhà cũ kỹ, cánh cổng sắt hoen rỉ bong gần hết lớp sơn màu xanh nhạt. Cha không gọi cổng, ông chỉ tần ngần nhìn vào bên trong. Chợt một tiếng rầm phát ra từ ngôi nhà kèm theo giọng đàn ông lè nhè chửi rủa, tiếng đàn bà chua lét ré lên the thé. Cha kéo tay áo tôi. Một cô bé mặc đồng phục học sinh đang ngồi rúm ró ở góc vườn, đôi mắt thất thần, sợ hãi. Cha nửa muốn lao vào lại nửa muốn bỏ đi. Sau một hồi ồn ã, ngôi nhà trở nên im bặt. Có tiếng gọi và cô bé len lét vào nhà. Cha gần như chồm theo bóng cô bé. Nhưng ông bỗng khựng ngay lại, nhìn tôi bằng ánh nhìn khổ sở gần như mếu máo. Tôi chưa từng thấy vẻ mặt như thế của một ông già bảy mươi chưa. Thương lắm!
Chuyện của cha khiến tôi bị sốc. Tôi sốc là bởi vì chưa bao giờ tôi thấy tình yêu của cha dành cho mẹ và mấy anh em tôi suy giảm. Lúc nào ông cũng chu đáo, tròn đầy. Cái lý thuyết bao lâu tôi vẫn biết là thế này: Một người đã ngoại tình thì thể nào cũng về bạc đãi vợ con. Chuyện của cha khiến tôi trở nên hoài nghi. Bỏ qua cái gọi là lòng chung thủy, đâu là chuẩn mực của một người đàn ông tốt? Tình yêu, đam mê, sự quan tâm chiều chuộng chăm sóc liệu đã đủ cho một mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà?.
Điều mà cha tưởng sẽ khiến tôi bừng bừng nổi giận hoặc nhẹ hơn có thể buông ra những lời quy kết, không ngờ lại được tôi đón nhận với một thái độ đầy đồng cảm và thương xót như thế. Ông nói ngày ấy không thể nào lý giải được chuyện một người con gái thua ông bằng chính số tuổi mà cô ấy đang có đem lòng yêu ông. Không chút đòi hỏi, không một trách móc. Thậm chí đến chuyện có với ông một đứa con cũng là để cô ấy đỡ nhớ ông khi dằng dặc không có ông bên mình. Ông không lý giải được nhưng con gái ông lý giải được. Đàn bà khi đã yêu là chẳng màng đến sự sống chết, danh dự của bản thân mình. Còn những người đàn ông dẫu có yêu người tình đến mấy, cảm kích đến mấy cũng chỉ để trong lòng. Họ đành đoạn để cho người tình thua thiệt, tủi thân còn hơn là phá vỡ một nền tảng mà họ dày công vun đắp.
“Đó là gia đình em gái cô ấy. Một ông chồng nát rượu, hai thằng con lêu lổng. Cha không thể để máu mủ của mình sống trong hoàn cảnh như thế. Cha muốn đưa em con về, nhưng cha sợ mẹ con…”
Tôi hỏi cha một câu không thể không hỏi: Mẹ con bé đâu rồi cha?
Giọng cha nghẹn như có ai bóp ngang cổ: “Cô ấy ốm, mất cách đây hai tháng rồi”.
Hai tháng! Quãng thời gian cha ngập mình trong khói thuốc…
Hóa ra cái thành phố nhỏ hẹp này rộng hơn tôi nghĩ. Cha đã có một mối tình, một đứa con, họ đi lại với nhau suốt 15 năm mà mẹ con tôi không hề hay biết, thậm chí không một chút nghi ngờ. “Cô ấy yêu cha, yêu cả gia đình cha đang có nữa, chính vì vậy cô ấy chấp nhận hy sinh, không muốn làm cho ai bị tổn thương cả”. Một người đàn bà đầy tự trọng. Tôi thầm thốt lên. Cha  nhìn tôi, cái nhìn đau đớn và van lơn, cái nhìn ấy nói rằng: Cha phải làm gì bây giờ. Con gái giúp cha đi! Và tôi, đã phải đi đến quyết định chóng vánh trước sự khổ sở cùng cực của cha mình.
Tôi đưa con bé về vào một ngày cuối đông. Khi những làn mưa bụi cứ lay bay rắc vào lòng người những nỗi niềm khó tả. Khi cha nói đưa nó đi, con bé đồng ý ngay lập tức. Dường như nó đã quá khiếp hãi với những gì từng diễn ra trong ngôi nhà đang tá túc. Tôi, cha và con bé thống nhất với nhau sẽ nói với mẹ rằng: nó là con gái một người đồng nghiệp của tôi, vì phải đi nước ngoài công tác nên gửi tạm cho tôi chăm sóc. Mẹ tôi, một người đàn bà tốt bụng thoáng chút lo ngại cũng đồng ý thu nạp ngay. Dĩ nhiên là sau cái lừ mắt: “Gớm, cô thấy nuôi hai đứa con gái vẫn chưa đủ vất vả hay sao?” Nhưng khuôn mặt của con bé đã tố cáo với mẹ tôi tất cả. Nó mang gương mặt của tôi mà tôi thì giống cha y hệt. Cha tôi như biến thành người khác hẳn. Việc đầu tiên là ông trở lại ngủ chung giường với mẹ – điều mà họ đã chấm dứt cách đây gần 10 năm. Tiếp đến là ông không còn ngồi thâu đêm đốt thuốc một mình nữa. Điều tệ hại là thỉnh thoảng con bé nhỡ mồm gọi ông là cha. Mẹ tôi trở nên thiếu minh mẫn. Nhiều bữa dọn thức ăn đầy bàn nhưng sờ đến nồi cơm lại rỗng không. Thức ăn có khi cháy khét hoặc nhạt thếch, hoặc mặn chát. Có bữa mẹ còn quên cả việc đi đón cháu, đến nỗi cô giáo phải đưa nó về tận nhà. Tôi lo sốt vó. Cho đến cái hôm, mẹ tôi bắt gặp cha và con bé cha cha con con thì thầm to nhỏ với nhau trong phòng thì bà vào phòng vệ sinh khóc hờ thảm thiết. Tôi dỗ dành thì bà trừng mắt lên: “Mày nói thật đi, cha con mày hùa với nhau lừa tao phải không? Cái mặt ấy, vóc dáng ấy làm sao qua được mắt tao”. Cuối cùng thì sự thật cũng phải bóc trần ra với mẹ. Mẹ chết sững với những điều cha tôi nói. Rồi giữa trưa, bà đùng đùng xách túi ra khỏi nhà. “Tôi đi, tôi đi để cha con các người mặc sức chăm sóc, che chở cho nhau”. Tôi đầu trần chân đất chạy xe máy đuổi theo tắc xi đang chở mẹ đi. Mẹ tôi đến ga xe lửa, mua vé nháo nhào rồi hậm hực ngồi chờ. Tôi vừa mếu máo vừa van vỉ mẹ về nhưng bà một mực cương quyết: “Mày về đi, tao không có đứa con như mày. Đồ phản bội. Đồ lừa dối”. “Vâng! Con sai, tại con hết! Nhưng mà mẹ phải cho con biết mẹ định đi đâu đã”. “Tao vào với mấy đứa cháu nội của tao. Mặc xác cha con, ông cháu mày với nhau”. Tôi cố nán đưa mẹ lên tàu trong tiếng xua đuổi đầy hờn dỗi của mẹ rồi gọi điện cho anh trai. “Mẹ đang trên tàu vào chỗ anh. Mẹ đang giận, anh với cậu út nhớ cẩn thận kẻo lại chọc giận mẹ nhé!”. “Nhưng mà chuyện gì mới được chứ?”. Anh trai đầy sốt ruột. “Chuyện phức tạp lắm. Đại khái là nhà chúng ta có thêm một cô em gái cùng cha khác mẹ nữa. Mẹ vì thế mà bỏ đi. Chuyện ở trong ấy em nhờ anh cả đấy!”. Anh nạt: “Việc tày trời thế mà giờ mày mới nói với anh à? Mà cái ông già nhà mình nữa… Sao lại… Chậc… Việc gì đây hả trời?…”.
Cha tôi có vẻ bớt lo hơn khi biết mẹ vào với anh trai. Nhưng nhà tôi buồn còn hơn có đám. Hết anh trai rồi cậu út gọi điện về lục vấn cha. Dẫu họ tỏ ra lễ phép đến mấy, tế nhị đến mấy thì cuối cùng vẫn là câu trách móc: Sao cha lại có thể làm đau lòng một người tốt như mẹ? Có vẻ trải đời hơn anh trai nói với tôi sau một hồi xót thương cho mẹ: “Đã giấu được chừng ấy thời gian sao cha không giấu luôn đi, tự dưng đùng đùng mang nó về, tung toé lên hết cả”. Tôi nhăn nhó: “Anh vô tình vừa thôi, dẫu sao cũng là em mình”. Anh ớ ra: “Ừ nhỉ! Anh chưa quen được với chuyện này. Để anh thuyết phục mẹ, bao giờ đưa mẹ ra anh sẽ về gặp nó luôn thể. Hay nhỉ! Tự dưng thêm được đứa em, mà nghe nói giống cô lắm hả? Hay nhỉ!”.
Mỗi lần nghe xong điện thoại của các con trai, cha tôi buồn lắm, lại gù lưng đốt thuốc, đợt ho trước chưa dứt, đợt này lại kéo thêm ra. Tôi gọi cho anh: “Chuyện đã rồi, anh chỉ biết trách móc cha mà chẳng động viên an ủi cha chút nào. Anh cứ biết bênh mẹ rồi cha đổ bệnh xuống anh về mà lo. Em một nách vừa hai đứa con dại, vừa chăm cha, vừa đi làm, vừa đi học đã đủ mệt lắm rồi”. Anh lại ừ nhỉ! Tại mấy hôm nay tao cứ nghe mãi luận điệu trách móc căm hờn của mẹ nên bị ảnh hưởng đấy. Đừng nói nữa, tao biết phải làm gì rồi.
Chuyện của cha và con gái – Nguyễn hương Duyên
Đàn ông dễ đồng cảm với nhau hơn trong chuyện này. Sau một cuộc điện thoại dài dằng dặc giữa anh với cha, trông cha có vẻ bớt u ám hơn một tý. Những tối tôi không đi học, sau bữa cơm nhà tôi lại buồn thiu. Cha một góc, tôi một góc. Bé Nga- em gái mới của tôi lại cố dỗ hai đứa cháu đừng làm ồn. Con bé dễ dàng chiếm được tình cảm của tôi ở cái dáng vẻ nhu mì, chịu đựng. Tôi có thể thấy rằng mẹ nó – người đàn bà của cha là một người phụ nữ tốt, hiểu biết và cam phận. Giá số phận đừng trêu ngươi, để cô ta yêu một người đàn ông tử tế khác có lẽ sẽ trọn vẹn hơn chăng?
Mẹ đi, để lại cho cha con tôi một núi những bề bộn không tên. Bấy lâu, tôi quen với sự quán xuyến của mẹ nên không nghĩ rằng mọi sinh hoạt của một gia đình gồm cả ông và cháu cần nhiều thời gian và sức lực đến thế. Bí quá, tôi đành để cho mấy ông cháu ăn bữa sáng ở ngoài hàng. Một việc mà mẹ tôi cực lực lên án. Thậm chí trưa về muộn tôi cũng đành để cho cha ăn mì tôm, có khi cơm hộp. Thế nhưng mọi việc vẫn rối tinh rối mù. Cuối cùng, sau những cuộc điện thoại khóc lóc, vật nài của tôi. Và điểm nhấn là cuộc nói chuyện nhát gừng đầy ngập ngừng giữa hai ông bà, cha tôi chốt ở câu cầu khẩn cuối cùng: “Bà về đi, về nấu cho tôi ăn, cả đời tôi đã quen ăn thức ăn bà nấu, chúng nó nấu tôi không ăn được”. Đơn giản vậy mà đánh vào niềm kiêu hãnh nội trợ của mẹ. Anh trai thì thào: “Anh lên tầng hai gọi cho cô đây, bà có vẻ xuôi rồi, đang ngồi thừ ra rồi chép miệng xót cho mấy ông cháu ăn uống chẳng ra gì đấy. Tuần sau anh đưa mẹ ra, cô cứ nói với cha như thế”.
Tuần sau mẹ và anh ra thật. Bé Nga vừa thoáng thấy bóng mẹ chỉ dám lí nhí chào rồi chui tọt về phòng im thin thít. Mẹ, với tâm thế của một người đã vượt qua thử thách, tâm thế của một quan tòa vừa đọc lệnh đặc xá, bà cố tạo vẻ mặt tỉnh bơ, có phần kẻ cả khi cha bước ra đỡ hành lý cho bà. Riêng tôi, bà không thèm liếc qua lấy một lần, chỉ nói vu vơ: “Tao biết ngay mà, tưởng tự mình giải quyết được lấy mọi việc à? Còn lâu nhé, không có bà già này là không xong đâu”. Anh cả nháy mắt với tôi, cười nụ một cách tinh quái. Tôi cố không để bật cười trước thái độ của mẹ. Nhưng người mừng nhất vẫn là cha tôi, sống với mẹ mấy mươi năm, tâm tính bà như thế nào ông là người hiểu rõ nhất. Bà đã trở về, nói những câu hờn mát như thế, nghĩa là bà sẽ tha thứ, nghĩa là bà sẽ xắn tay lo liệu tất cả mọi việc không cần ông nhờ vả. Mẹ tôi là thế, nóng nảy, bộc trực, nhưng tốt bụng và bao dung đến nao lòng. Có phải vì đức tính bao dung đó mà sau mấy chục năm ăn ở vui buồn, hạnh phúc, đắng cay, mặn ngọt cha tôi không nỡ từ bỏ mẹ khi đã có thêm người đàn bà khác?.
Bảo biết chuyện, bình luận: ông già ăn vụng lâu thế mà không bị ai phát hiện, tài quá. Tôi mắng Bảo một câu thô tục không kém để bênh vực cha mình. Xét về mọi khía cạnh, Bảo không xứng để hạch hỏi những điều về cha tôi như thế. Rồi Bảo lấy cớ ở tịt ngoài đó không về, với tôi lại càng nhẹ nhõm.
Đôi khi nhìn cái cách cố tỏ ra bình thường đối với bé Nga của mẹ, trong tôi lại trào lên cảm giác khó có thể gọi tên: vừa giận dữ xen lẫn nỗi buồn thê thảm. Rồi lại vơ vẩn cái kiểu: Tỷ như chuyện này đến cách đây mười mấy năm, khi tôi vừa qua khỏi tuổi của một cô bé con, tôi sẽ ứng xử với cha thế nào. Chán đời, bỏ học đi hoang ư? Gán cho cha một loạt thán từ thật nặng nề? Hay trở thành một cô gái trầm cảm, mất hết niềm tin vào cuộc đời? Hoặc là bằng mọi cách có thể để yêu thương, san sẻ với mẹ nhiều hơn nhằm bù đắp cho nỗi đau bị lừa dối của mẹ?
Mười mấy năm trước, cha làm giám đốc của một cơ quan cấp sở. Anh em tôi sống vương giả, đủ đầy. Ô tô của cơ quan cha như ô tô nhà. Cần là chú lái xe có mặt, đưa cả nhà tôi đi đâu tùy ý. Trong mắt anh em tôi, cha là một người cha tài giỏi, nghiêm khắc và mẫu mực. Chính vì thế, dù cuộc sống rất sung túc nhưng cả mấy anh em đều chăm chỉ học hành và đỗ đạt. Bọn tôi yêu cha, tôn sùng ông. Ngay cả khi cha gặp chuyện rắc rối có liên quan đến chuyện tài chính của cơ quan, mẹ thì tôi chưa đủ nhạy cảm để hiểu, còn mấy anh em không chút nghi ngờ, một lòng động viên, an ủi, chăm sóc cha nhiều hơn. Lần ấy được bao nhiêu vốn liếng mẹ vét sạch đưa hết cho cha, thậm chí phải vay mượn thêm họ hàng mới giúp cha thoát khỏi mớ bòng bong ấy. Sau đận ấy, cha tôi bị mất chức, đương nhiên. Phải hai năm sau, kinh tế nhà tôi mới vực trở lại nhờ tài xoay xở của cha, nhờ anh trai tôi đi làm ở công ty có tiếng.
Tôi bây giờ ở một mức độ nào đó cũng đang bị tổn thương. Ví dụ như ở thời điểm cha bị đình chỉ công tác để thanh tra chẳng hạn. Lúc đó tôi đã cần một chiếc xe gắn máy biết bao, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó bi đát đến mức chỉ cần có tiền cho ngày 3 bữa cơm là đủ. Ngày đó nếu cha không vì lo xây nhà cho người phụ nữ kia, nếu cha không làm thâm hụt ngân quỹ cơ quan đến mức suýt lâm vào vòng lao lý? Thì tôi đỡ phải cọc cạch chiếc xe đạp suốt hai năm đi làm trên một chặng đường không ngắn chút nào.
Cha tôi bây giờ đã là một ông già ốm yếu. Không tiền bạc, không quyền lực. Nguồn tài chính duy nhất là cuốn sổ hưu cũng bị vợ nắm giữ. Tôi đồ rằng, từ rất lâu rồi- từ ngày nghỉ hưu, ông không có một khoản tài trợ nào dành cho người đàn bà xấu số kia. Tất nhiên, ông là người biết nhìn xa, trong những ngày đương chức, ông đã kịp ky cóp để dành cho bé Nga một sổ tiết kiệm kha khá. (Chuyện này, mãi gần đây ông mới rụt rè công bố và giao hẳn khoản tiền đó cho mẹ quản lý – Tôi nghĩ đó là cách khôn ngoan để ông lấy lòng bà). Vậy thì bây giờ giận dữ, trách cứ một ông già – đúng hơn là ông bố ruột thịt thân thiết của mình vì chuyện vợ bé, con thêm. Một ông già không còn khả năng tự giải quyết chuyện riêng tày trời của mình mà phải cầu viện đến sự giúp đỡ của con cái thì có nên không? Những chì chiết, hay hắt hủi, ghẻ lạnh, thậm chí khinh bỉ sẽ giải quyết được gì? Cho nên, với tất cả tình yêu tôi đã dành cho hai đấng sinh thành, tôi mừng vì câu chuyện trên bị vở lỡ đúng vào lúc này. Muộn hơn thì chưa biết thế nào, nhưng nếu sớm hơn, có lẽ sự bao dung của tôi, anh trai và mẹ ắt còn xanh lắm. Cha chỉ là một con người bình thường, có thể phạm sai lầm lắm chứ. Vì vậy, hãy độ lượng với cha đi.
Và giả như, với sự thờ ơ của Bảo hiện giờ, liệu anh có đem đến bi kịch cho 2 cô con gái tôi khi chúng chớm trưởng thành? Tôi thắt lòng và ngày càng nhức nhối với câu hỏi đó. Cho nên, tôi quyết định giải phóng cho Bảo, dù đó không phải quyết định dễ dàng gì.
Tác giả: Nguyễn Hương Duyên – Người thực hiện: NSUT. Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *