Bài nổi bật

Chuyện Tình Bên Suối Vắng

RadioVn.Com – Nàng vốc lên vốc nước thoa vào hai bên má chàng, mặt hơi ngửa xa một chút ngắm nghía rồi reo khe khẽ:” Mặt anh toàn trăng là trăng. Trăng thành giọt rỏ rơi thánh thót…”. Chàng ôm ghì lấy nàng, nhìn vào đôi mắt ướt long lanh, nơi ấy toàn trăng là trăng -trăng vàng, trăng tím, trăng xanh…. cái màu lung linh, huyền diệu cứ ánh lên mơì mọc, rạo rực, thổn thức… mà chỉ tình yêu mới thấy rồi thốt lên :” Em nói ra câu nào cũng như là thơ ấy…”Trăng thành giọt rỏ rơi thánh thót”. Chao ơi thơ là như thế chứ còn tìm ở đâu. Sau này hoà bình thống nhất em nhất định thành nhà thơ….”. Nàng cười, dùng ngón tay trỏ chí mạnh vào má chàng hổn hển:” Chỉ được cái lẻo mép, cái miệng kìa, dễ ghét chưa? “. Họ trao cho nhau cái hôn đắm đuối. Dòng suối Bà Hào róc rách chảy dưới chân. Vạt cỏ ướt đẫm sương đêm. Những bụi tre đỏng đảnh bám hờ bên suối ướt đẫm sương đêm. Giữa khuya thanh vắng, trăng như chưa sáng thế bao giờ. Một vùng trời đất chiến khu thẫm màu vàng bạc, óng ánh như ngọc ngà tỏa sáng. Tiếng côn trùng, tiếng chim kêu đêm lảnh lót, rỉ rả trỗi lên khúc nhạc hoà tấu của núi rừng, như thể không hề có cuộc chiến tranh, như không có giặc thù, mà chỉ toàn yêu thương, nồng thắm.
Nàng là chiến sỹ giao liên một mình ở một trạm, ngày dài, đêm thâu, thân gái dặm trường, bộ bà ba đen bó gọn thân hình mảnh mai, chiếc khăn rằn vắt chéo qua vai, khẩu súng cạc bin nhô quá đầu, dáng nhanh nhẹn, đôi chân trắng muốt ngọc ngà bước thoăn thoắt dẫn đầu hàng quân…Hình bóng ấy đã in đậm trong tâm trí chàng ngay từ lần đầu tiên nàng dẫn đường cho đơn vị chàng hành quân xuống chiến trường tham gia Chiến dịch Lộ 2 Long khánh những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chàng là đại đội trưởng một đơn vị cao xạ của quân khu. Mỗi lần hành quân như thế chàng dẫn đầu hàng quân, nhiều khi phải chạy đứt hơi mới theo kịp nàng để khỏi bị lạc. Có lần theo kịp được nàng thì quay lại đằng sau chẳng còn ai, chàng cáu:” Tư Hà?…Chỉ còn mỗi mình tôi với cô, đánh đấm cái gì…Đằng sau đứt liên lạc rồi … Đi gì mà như bay vậy?…Anh em người ta mang vác pháo nặng nề làm sao theo kịp…”. Nàng dừng lại hào hển ngọt ngào, cố xua đi cái mệt nhọc tưởng chừng đứt hơi thót ruột: ” Anh à, phải ráng một chút không thì không kịp thời gian đến địa điểm tập kết. Em còn phải bàn giao đơn vị anh cho người ta rồi lại nhận đoàn thương binh của Đoàn 10 dẫn về dưỡng bệnh ở hậu cứ trong chiến khu …” . Chàng nhìn gương mặt trắng xanh, tiếng nói hổn hển, sự kìm nén mệt nhọc trong giọng nói ngọt ngào, cùng mùi dầu thơm thoang thoảng trên người nàng toả ra, bỗng nhiên thấy cái cáu gắt, trách móc của mình thật vô cớ và nhẫn tâm qúa đành gãi đầu nhăn nhó:” Hừ…nhưng mà…Thôi em ngồi nghỉ ở đây chờ anh quay lại đón đơn vị…” .

Mỗi lần đi chiến dịch về, chàng vờ đi bắn chim, săn thú để ghé thăm nàng. Những lần như thế nồi cháo chim cu đậu xanh tỏa hương ngào ngạt giữa hai người. Họ sì sụp ăn uống, chuyện trò, hào hển tình tứ nhưng vẫn giữ được khoảng cách tình bạn, cho dù tình yêu đã đến độ rực cháy lên ngọn lửa có khả năng thiêu đốt mọi khoảng cách, cản trở để trao hết cho nhau những gì trắng trong tinh tuý nhất của cuộc đời. Đang ăn cháo bỗng chàng hỏi:” Tư Hà này!…Em ở một mình như thế này không sợ à?…”-” Những ngày đầu run thấy mồ, chỉ một cơn gió nhẹ lá rừng xào xạc cũng tưởng như có hổ báo, ma mãnh đến vồ mình lôi đi, nhất là những đêm khuya khoắt nằm ngủ nhưng vẫn phải để khẩu súng ngang bụng, hai tay cứ nắm chắc lấy nó. Riết rồi cũng quen chẳng còn biết sợ sệt là gì. Ăn một mình, làm một mình, nói năng một mình, cười một mình, ngủ một mình…Em ở đây được ba năm rồi đó…”- ” Thế nhỡ có loại ” Ma sống” nó vờ thân thiện như anh thế này rồi bất ngờ nó” hành động” thì sao?…”- ” Anh hỏi kỳ cục!… Nhưng nói thiệt, em chẳng ngán. Những người phụ nữ bị bọn khốn nạn làm nhục nguyên nhân chính vẫn là do chị ta. Trong trường hợp như thế đàn ông bao giờ cũng có những sơ hở, thiếu gì cách lừa nó để mà quật lại”-” Nói như vậy chắc em đã có nhiều kinh nghiệm?”- ” Anh nói kỳ cục! Nhưng nói thiệt, đôi khi em cũng phải tưởng tượng ra tình huống như thế để mà nghĩ cách đối phó…Chỉ sợ nhất là khi lòng mình bị”xiêu”, mình không đủ khả năng để cưỡng lại mình thôi” – ” Thế bây giờ có “xiêu” tí nào không”-“Anh kỳ thiệt đó, cứ tán tỉnh kiểu vậy là em nghỉ chơi với anh luôn …”. Mỗi lần ghé thăm nàng ở trạm giao liên, chàng thường dốc sức trai tráng của mình ra để tu sửa cho nàng cái bếp Hoàng Cầm, cái hầm chữ Z và đào cho nàng cả cái giếng để “Mỗi khi em soi gương mặt mình dưới giếng, em lại nhớ tới anh”.
Nàng lại vốc lên vốc nước thoa vào mặt chàng rồi hỏi nhỏ nhẹ:” Nói gì đi anh…Sao nay anh buồn thế, anh đang nghĩ gì vậy?…” -“Anh đang nghĩ về những trận đánh tới đây, rất có thể là những trận đánh cuối cùng của chiến tranh và sau đó chúng ta có còn được gặp nhau nữa không?…”- ” Ừa…Đêm nay trăng sáng quá…Anh Quyết nè…Quê anh có gần Hà Nội không?…”-” Gần…Ừ..Sao em
lại khóc…Trăng sáng quá!”- ” Ừa…trăng sáng quá..Đừng anh… Trăng …sa…áng…
Anh đừng bỏ em nghen…Hư hứ…Anh…”.
-Đây là Uỷ Ban nhân dân xã Phú Lý. Mời các anh chị xuống xe và chúng ta vào giao lưu nghe Đảng uỷ, Uỷ Ban nhân dân xã báo cáo thành tích của địa phương để các anh chị làm tư liệu phục vụ cho sáng tác- Trưởng đoàn văn nghệ sỹ nói, làm cắt ngang dòng suy tưởng của Quyết.
Bao nhiêu năm xa rời Chiến Khu Đ, bây giờ trở lại tham quan, điều còn đọng lại duy nhất là chuyện tình ái một thời của Quyết giữa rừng sâu heo hút đầy khói lửa đạn bom. Trong lúc Đảng uỷ- Uỷ Ban Nhân dân xã nói chuyện về thành tích của địa phương, Quyết lẻn sang xã đội nhờ một dân quân dẫn đến bờ suối Bà Hào nơi xưa kia anh và Tư Hà chỉ một lần trao cho nhau những tình cảm trong trắng nhất cuộc đời trước khi bước vào chiến dịch Xuân 1975. Bây giờ là một nhạc sỹ, Quyết muốn đến tận nơi đó lấy nguồn cảm hứng để sáng tác một vài bài hát mừng kỷ niệm 55 năm Chiến Khu Đ.

Đến bên dòng suối Bà Hào xưa kia, Quyết hồi hộp xốn xang, trái tim đập loạn xạ, giống như ngày đầu giải phóng trở về quê hương yêu dấu sau hàng chục năm chinh chiến ở chiến trường. Kia rồi cái gốc cây bằng lăng nở hoa tím ngát một thời trơ trọi giữa trảng cỏ quanh năm xanh thẫm, anh và Tư Hà thường tựa vai vào nhau tâm tình sáng đêm trăng vằng vặc chiến khu. Căn hầm và chiếc bếp Hoàng Cầm đã sụp, nhưng vẫn xanh tươi trông giống như một chiếc nôi cỏ lõm màu thời gian bồng bềnh ánh mắt! Trời ơi! Cái giếng tuy có sạt lở, không còn được tròn trịa như trước nhưng nước vẫn trong xanh thành chiếc gương soi rõ hình bóng đất trời ngả nghiêng lay động! Tất cả vẫn như xưa, chỉ khác là có căn nhà lợp lá Trung quân đơn sơ nhưng khá xinh xắn. Quyết gọi to mấy câu nhưng chủ nhà đi vắng, anh đi vòng quanh nhà một lát rồi ngồi nghỉ truớc hiên. ” Anh kiếm ai?- Một thiếu phụ ngoài bốn mươi tuổi, mặc bộ bà ba đen, chiếc khăn đen bịt kín mặt chỉ hở hai con mắt,tay cầm con dao và nắm lá cây bước tới.”. Nghe tiếng hỏi, Quyết giật mình ngẩng lên ấp úng:” Dạ… tôi…tôi… đi thực tế sáng tác ghé căn cứ cũ…Nhà chị ở đây à?…”-” Mời anh vô uống nước”. Thiếu phụ chống phên liếp cửa mời khách vào. Khi vừa rót xong ly nước nâng lên mời khách, nhìn kỹ gương mặt của người vừa tới tay thiếu phụ run run, giọng lạc đi bối rối:” Quyết! …Hai Quyết phải không?…Đúng rồi, cái mắt, cái chân mày kia …Trời ơi!”. Sau câu nói, ly nước tuột khỏi tay thiếu phụ rớt xuống bàn, chị gục xuống ngất đi. Quyết bối rối đỡ thiếu phụ dậy, kéo tấm khăn che mặt chị ra sững người:” Trời ?…Tư Hà!…Sao em lại ở đây?” .
Thế là chàng và nàng đã gặp nhau sau gần ba mươi năm xa cách- một khoảng thời gian đủ cho người ta quên đi tất cả, và cũng đủ để phải nhớ tất cả những gì mà suốt cuộc đời không thể nào quên! Sau những phút giây bất ngờ xúc động đến ngất xỉu, họ tĩnh tâm trở lại hỏi han trò chuyện về nhau bình thường, cho đến khi chàng vô tình động đến điều thiêng liêng, hay cũng có thể là một nỗi đau, nỗi căm tức gì đó của nàng qua một câu hỏi rất bình thường:
– Sao em lại dại dột thế ? Tự mang thân mình đến đày aỉ nơi rừng sâu heo hút?…
– Anh im đi…Sao anh tàn nhẫn thế …Trời ơi! Đàn ông là như thế đấy…Cũng chẳng khác gì con gà ăn xong là quẹt mỏ rồi chạy nhảy tung tăng…Phải rồi tui dại dột, tui ngu …Hu hu, ơi cuộc đời, ơi số phận…”. Tư Hà chỉ nói được mấy câu như thế và bật khóc tức tưởi, chị chống một tay lên má nhìn ra khoảng rừng xác xơ, như muốn tìm lại cái xanh tươi, ríu rít, rừng rực…của tuổi thanh xuân thuở nào…

Phải rồi!… chỉ có các anh là sung sướng…Nhưng anh hãy hiểu cho rằng đàn bà tụi tui chỉ yêu có một lần, chỉ có một lần ái ân mà sau đó không thể nào quên, có khi chết dần, chết mòn sau cái lần oái oăm oan nghiệt ấy, có còn sống cũng như đã chết, nó cứ héo hon, lơ lửng nhớ thương…Làm việc gì, ở đâu cũng nhớ đến cái lúc ấy…hơi thở nồng nàn ấy… gương mặt ấy …bên cạnh tiếng chim kêu, lá rừng xào xạc!…Nó như một cái đinh đóng chặt vào trái tim không thể gỡ ra nổi- càng cựa quậy, càng thổn thức, càng nhói đau nhung nhớ đến tái tê …Sau cái lần ấy, tui chẳng còn yêu ai được nữa…Cứ héo hon chờ đợi vu vơ, biết rằng những gì mình trông mong là ảo vọng nhưng lại vẫn cứ hy vọng…Thế là lại lấy công việc, lấy hoài niệm làm niềm vui, sự an ủi để né tránh, để lãng quên…Nhưng nào có quên được…Cũng có lúc muốn biến anh thành kẻ thù của sự bội bạc để căm tức, để chấm dứt một thời bồng bột , mộng mơ hão huyền, để nguôi ngoai, để tìm kiếm niềm vui mới…Nhưng không thể đánh lừa nổi ký ức!…Thực ra anh cũng chẳng có lỗi gì cả. Chiến tranh mà…Bây giờ tui mới thấm thía câu” Trai thời loạn, gái thời bình”…Chuyện gái trai của đàn ông các anh trong chiến tranh có lẽ như thứ gia vị của cuộc đời, có nó để thêm chút đậm đà, thế rồi lại phấn đấu vươn lên, sinh tử với kẻ thù, cái chính là lập công, là chiến tích, để rồi hãnh diện, để rồi đấu đá nhau bằng chính máu xương của mình, của đồng đội mình…Chỉ đến khi thất bại ê chề, cay đắng tột cùng mới chịu dừng lại …
Đau đớn nghĩ vậy nhưng Tư Hà không nói ra. Bỗng chị quếnh quáng lau vội nước mắt :” Thôi chết!…Anh thông cảm, uống nước đi. Tôi lơ đãng quá…”.
– Thôi em đừng khóc nữa- Quyết bỗng đưa tay lên ấp vào ngực mình, đầu gục xuống buột ra câu nói nhát gừng quặn thắt- Nhưng có lẽ em cố gắng vươn lên một chút trong công tác, đó sẽ là điểm sáng cho cả tình yêu và sự nghiệp, chứ ai lại lủi thủi một mình nơi rừng sâu heo hút, còn làm một mụ lang băm chai lọ, lá lung lỉnh kỉnh, đúng là đàn bà…
– Trời ơi!…Anh chẳng hiểu gì cả… Thôi! anh ngồi chơi chờ chút xíu. Tui đi pha nước”Chằm bao” ( Lạc Tiên) cho mà uống.
Tư Hà cầm chiếc bình vào bếp vừa pha nước vừa suy nghĩ tức tưởi một mình – Anh lầm to rồi Quyết ạ. Sau hòa bình tui đã từng làm phó bí thư huyện uỷ. Cũng đã từng nghĩ đến những chuyện to tát lớn lao, ông này, bà kia-“Đàn ông làm được sao ta lại không làm được?”. Và thất bại, chán chường cũng chính từ suy nghĩ ấy. Để đảm đương được công việc, tui đã tự đánh mất mình, tui chẳng còn là người phụ nữ nữa, cũng gắt gỏng quát tháo, bặm trợn, đấu đá, nhậu nhẹt, và đặc biệt cũng đã biết giả dối…Thật nực cười cho những sai lầm không nên có. Có một lần sau cuộc phê phán đấu đá nhau, thanh toán nhau , lúc giải lao một ông già làm cái nghề quét nhà, lau ấm chén ở cơ quan ghé sát vào tai tui nói nhỏ:” Cô Tư này!… Trong tất cả các cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực, tội nghiệp nhất là gương mặt của những người đàn bà đẹp !”. Chao ôi thế đó! Xét cho cùng thực ra, cái ” ghế” nó điều chỉnh mình, nó làm hư mình, có giữ cũng không được…Lúc ngẩng mặt lên nhìn đời chợt nghĩ đến chuyện riêng tư của mình, cũng phải biết cơ hội một chút, cho dù cái cơ hộị chỉ là tranh thủ sao cho kiếm được một tấm chồng để mà nương tựa vào nhau trong cuộc sống…Nhưng than ôi ” Con gái có thì”. Các cụ đã dạy rồi, mình lại cố cưỡng lai, định thay đổi, định khẳng định…Nhưng cái quy luật của tạo hoá đã ụp xuống đầu. Những người mà mình ưng ý một chút, cũng có thể nói là hơi yêu yêu một chút thì họ đã có gia đình, vợ con đàng hoàng, có bám lấy cũng chỉ làm trò vui cho họ. Còn cố lấy những người mà mình không yêu, không ưng ý thì làm sao có được hạnh phúc?…Chao ôi, những lúc ấy lại nhớ tới anh…Thực ra cũng không hoàn toàn là nhớ tới anh, mà nhớ tới cái đêm trăng vằng vặc, cái tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách, tiếng cót két xào xạc của những bụi tre rừng…bên cạnh sự ái ân nồng thắm, cái hiến dâng trao gửi trọn vẹn không hề hối tiếc … mà suốt cuộc đời, chẳng bao giờ và ở nơi nào có được!…Thế rồi tui tìm đến đây, những kỷ niệm xưa như một bàn tay diệu kỳ cứ xoa nhẹ dần, nâng đỡ, làm vơi dần, dịu đi những nỗi đau, những mất mát mà không ở đâu có thể làm nổi…Thế mà đã quá nửa đời người!… Tư Hà từ bếp đi ra giống như chị đã quên mọi chuyện hờn trách trên đời. Chị nghiêng bình rót nước ra chén, nhìn dòng nước vàng đậm bốc hơi nghi ngút, thủng thẳng:
– Nước này uống vào tha hồ mà ngủ. Bây giờ anh có hay bị mất ngủ không? Tui ngày nào cũng phải uống nó, không uống khó ngủ lắm. Anh bảo tại sao tui lại chui rúc ở cái xó xỉnh rừng rú này?…chẳng qua…thích… thì ở thôi!…Những năm sống ở cái xó xỉnh này cũng đã nhiều lần tui được nghe những bài hát của anh trên đài” Nhạc Trần Quyết- Lời thơ Diệu Hà”…Chao ơi! Nghe mùi mẫn quá. Có lẽ đó cũng là một thông điệp để anh báo cho tui là vẫn nhớ tới tui!…Càng nghe những bài hát như thế lại càng buồn, nước mắt lại trào ra!…Cũng có lần tui đến Hội văn nghệ, định tìm hiểu tung tích về anh, nhưng lại quay về, vì có lẽ cuộc sống của anh bây giờ đang hạnh phúc. ..Gặp nhau thêm khổ, thêm sầu, thêm khó xử…Thôi thì sự đã rồi, một mình chịu đựng có sao đâu!…

Nhìn đôi mắt, gương mặt Tư Hà và những gì lúng túng của chị, Quyết thở dài:
– Trời ơi Tư Hà!…Hình như em có điều gì dấu anh?…Sao em lại như thế…
Tự làm khổ mình…Anh không ngờ tình cảm của người phụ nữ lại quá phức tạp đến như thế…Em hãy thông cảm cho anh, xá tội cho anh…Ừ có lẽ anh đã lãng quên…”. Quyết rút chiếc khăn tay trong túi ra lau khô những giọt nước mắt trên má Tư Hà, vừa lau vừa bối rối , vòng vo nói đi, nói lại một câu cụt ngủn:” Thôi mà hãy tha thứ cho anh “. Chiếc khăn tay ướt đầm nước mắt. Nó là minh chứng cho tất cả những buồn tủi, khổ đau uất ức của Tư Hà. Trong những giọt nước được tiết ra từ nơi sâu thẳm của cuộc đời, đặc quánh những cay chua, mặn chát ấy, còn gói cả sự lãng quên, phụ bạc của những người khác. Nó làm cho trái tim Quyết nhói đau. Anh muốn thanh minh tất cả những gì gọi là lỗi lầm, phụ bạc…Thực ra nó mới chỉ là một sự lơ đãng, lãng quên!…Mà lý do của nó là hoàn toàn của riêng anh, nhưng cũng giống lý do của bao người lính khác sau tất cả các cuộc chiến tranh ! Cũng có thể là lời thanh minh, biện bạch liệu có cần nói ra?…
Tư Hà ơi! Sau chiến tranh anh cũng đã tìm em, nhưng cuốn sổ tay ghi địa chỉ của em và bao nhiêu đồng đội khác đã mất trong trận đánh cuối cùng, khi đơn vị anh tham gia giải phóng Xuân Lộc. Thế là đành chấp nhận sự lãng quên, mà sự lãng quên ấy có thể làm thiệt thòi, khổ ải đến bao người, đã từng một thời thủy chung gắn bó!…Để bù đắp lại sai lầm đó, sau này anh cố gắng ngợi ca họ, tôn vinh họ bằng những lời lẽ, vần điệu, cung bậc dịu êm như một lời ru…để họ tiếp tục cống hiến, để làm yên lòng những mất mát hy sinh…Nhưng anh đã lầm-Những trái tim lớn và nhân hậu không cần những lời ru, mà cần một cái gì đó minh bạch hơn, lớn lao hơn…Trời ơi ! Thì ra ngợi ca không đúng, khen không đúng chỉ càng khoét thêm nỗi đau, đẫm thêm nước mắt…Hãy tha tội cho anh”.. . Nghĩ vậy nhưng Quyết không nói ra. Anh vo chiếc khăn tay bỏ vào túi, nhìn Tư Hà âu yếm :”…Thôi chúng ta đừng nhắc đến qúa khứ nữa, nói chuyện gì cho vui đi…”
Để chủ động chuyển chuyện trò sang hướng khác, Quyết đứng dậy đi lại trong nhà cho khuây khỏa. Bỗng anh dừng lại ở một tấm hình, chỉ vào đó và hớn hở:” Tư Hà này?…Tấm hình của anh lúc trẻ phải không…Trông được đấy nhỉ…Nhưng làm thế nào mà em lại ghép được anh vào dưới gốc cây bằng lăng này?…Hồi đó chúng ta làm gì cho có máy ảnh, mà anh chưa hề chụp ảnh trong rừng?…

-Trời ơi!…Tư Hà chỉ buột lên được một tiếng thở dài não ruột rồi nhìn xoáy vào mặt Quyết và nghĩ trong đầu, cái nhìn sắc lạnh, lặng ngắt khiến anh bối rối:” Quyết ơi! Anh không có chút linh cảm nào ư?…Cái linh cảm của máu mủ, ruột rà khi nhìn thấy hình bóng của nhau…Trời ơi!…Con trai anh đấy!…Kết quả của một lần duy nhất ta trao gửi cho nhau…Bây giờ nó là bác sỹ đang công tác ở một bệnh viện lớn trên thành phố…Anh có biết rằng vì nó mà em chịu bao đắng cay tủi nhục không?…Nó cũng đồng nghĩa với “qủa đấm” cuối cùng mà địch thủ giành cho em:” Tôi xin hỏi các đồng chí nhé!…Một cán bộ, đảng viên, một phó bí thư…không chồng mà có con …Như vậy phẩm chất cách mạng ở chỗ nào?”…Thế đấy…Người phụ nữ bình thường như em không sao có thể chịu đựng nổi những” qủa đấm” kiểu như thế. Nhưng cũng nhờ nó – cái thằng con không cha ấy mà em sống được đến ngày nay-cái điểm tựa vững vàng nhất của cuộc đời…Nhưng thôi nói ra làm gì…Không khéo vì nó mà lại làm tan vỡ hạnh phúc của gia đình anh. Anh sẽ còn phải đến đây, nếu như là một con người có tình cảm, có nhân cách…”. Nghĩ thế nhưng Tư Hà để trong bụng không nói ra. Chị lại ấp úng mấy câu:” Trời ơi! …Hình đó mà anh nói là hình ghép à…Anh chẳng có linh tính gì cả…”.
Tiếng cười nói hỏi han ríu rít bên ngoài làm cắt ngang câu chuyện của Tư Hà và Quyết. Cả hai người cùng nhìn ra sân. Một tốp hơn chục người đang đi vào. Họ ra cửa đón khách. Nhìn thấy Quyết, một cô gái trẻ reo lên:” Ủa chú Quyết nhạc sỹ…Chú cũng lên đây bốc thuốc à?…”- “Không?…Thuốc thang gì …Chú đi thực tế sáng tác”.- ” À….Ừa phải rồi – Cô gái gật gù- Chú đang tham gia cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật về Chiến Khu Đ chớ gì. Cả tháng nay ti vi thông báo hoài. Cháu mà biết sáng tác cháu cũng tham gia”-” Thế cháu đi du lịch về nguồn à?”- ” Không! Cháu đi hốt thuốc cho ba cháu…Ổng sắp đi họp Hà Nội, thúc cháu lên đây hốt thuốc để mang theo uống…Ba cháu mới theo uống được nửa tháng mà bịnh đỡ nhiều…”- ” Trời đất ơi!-Quyết cười gãi đầu- Việc chi phải mang lá cây ra tận Hà Nội mà uống. Ở ngoài đó thiếu gì thầy thuốc giỏi?”. Một bà già đang bỏm bẻm nhai trầu vứt miếng bã trầu ra cửa thủng thẳng nói: ” Chú cứ nói vậy chớ. Ở đâu cũng có người giỏi. Cứ gì Hà Nội. Thuốc của cô Tư đây tốt lắm, chữa cho nhiều người khỏi. Thằng nhỏ tui mãi tận bên Ca li, nó qua đó cả chục năm rồi lận, cái bịnh đái đường lại tái phát, mới điện về bảo lên đây hốt cho được thuốc cô Tư rồi gửi qua bển, hồi xưa nó uống thuốc của cổ đã khỏi rồi… Không biết gởi thuốc đi có rầy rà gì không cà?…”. Cô gái trẻ lại nhanh nhảu:” Cứ gởi đi thím. Chắc là không sao…Nhưng mỗi lần đi hốt thuốc xa quá. Sao cô Tư không về thành phố sống?…Chữa bịnh giỏi như cô -lại toàn những bịnh của giới “quý tộc” mà sống ở thành phố là hốt bạc rồi…”…
Quyết nhìn Tư Hà bốc thuốc cho từng người, càng về trưa người đến càng đông, trán chị vã mồ hôi, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn Quyết nét mặt không được vui. Anh đoán chị còn giận anh lắm.
Tư Hà ạ! chắc em giận anh nhiều lắm, nhưng hãy thông cảm cho anh do hoàn cảnh khách quan cả. Anh đâu muốn như thế. Em là một con người tuyệt vời, sống trọn vẹn trước sau, mà những loại người hờ hững như anh khi nhận ra sự thật chỉ biết ân hận, cho dù là sự ân hận muộn màng! Nghĩ thế nhưng Quyết chỉ để bụng mà không nói ra!
*
Sở dĩ tôi biết được những gì chỉ Để bụng mà không nói ra của “Chàng”và “Nàng” là do cô gái trẻ hôm đến hốt thuốc cho ba mang đi Hà Nội uống kể lại. Sau vài ngày đoàn văn nghệ sỹ của tỉnh đi tham quan, thực tế ở Chiến Khu Đ về, cô gái mang đến một chùm thơ nhờ tôi gửi cho nhạc sỹ Trần Quyết phổ nhạc. Cô còn dặn tôi nói với nhạc sỹ nếu phổ nhạc được, có nhuận bút là phải cưa đôi”Tụi cháu bây giờ ưa sòng phẳng” . Trước lúc ra về cô còn nói với tôi rất nhiều về sự khác nhau, giống nhau giữa hai thế hệ ” chú -cháu”. Có những điều khiến tôi phải suy nghĩ:” Người lớn kỳ thiệt đó-Như cô Tư Hà và chú Quyết- Toàn những người tốt nhưng cứ làm khổ nhau – Chung quy lại cũng chỉ tại những cái” Để bụng mà không nói ra”.

Xem thêm đề xuất

Mày Không Đi Anh Vác Mày Đi

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của một cặp thanh mai trúc mã, liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *