Bài nổi bật

Con Mốc – Đoàn Lê

Truyện đêm khuya vov2 – Xem ra, con Mốc (con chó già trung thành tận tụy của lão kép cải lương) chỉ là cái cớ để nhà văn dẫn dắt câu chuyện khá ly kỳ. Từ chuyện của Mốc đến chuyện làng, chuyện xã, chuyện mâu thuẫn giữa anh em Nhất – Nhì, cái chết oan uổng của cụ Cậy – mẹ đẻ anh em Chủ tịch xã v.v…Tác phẩm đậm chất hiện thực – một hiện thực vừa xót xa vừa cay đắng với bối cảnh làng quê và những người nông dân trong sự thay đổi chóng mặt thời kinh tế thị trường….

Người ta bảo: chó chết, hết chuyện. Xem ra con Mốc xóm Chùa đã chết cho hết chuyện.
Mốc, tên con chó cái lai của lão kép cải lương. Nó đẻ được ba lứa rồi ốm lay lắt như người đàn bà hậu sản, hôm nay chết còng queo ở xó vườn. Nguyên nhân dẫn đến cái chết có thể do nó bị đói khát kinh niên. Bởi từ dạo bà vợ đi theo tiên tổ, lão kép cải lương sống trơ thân cụ, rất coi khinh cái sự ăn uống. Gặp gì ăn nấy, bốc bải cho xong bữa, chỉ rượu là tài. Lão bảo rượu đích thị tinh gạo, lại chả bổ. Con chó không uống được rượu, không nốc được chút tinh gạo vào ruột, do vậy gầy trơ xương. Giống chó, nó giữ đúng câu: “Chó không chê chủ”. Đói quá không nhịn được, nó lang thang tha thẩn các bãi rác khắp làng xục xạo, rồi lại về phủ phục dưới chân lão già.
Tội nghiệp, thế cũng yên phận. Khi sinh thời nó thường được dùng làm biểu tượng để lão kép ám chỉ những điều chướng tai gai mắt. Ví như muốn chửi khéo cô nhân tình dặt dẹo khiến lão ngứa mắt, lão bô bô mắng con Mốc giữa đám bạn bè tụ bạ:
– Nỡm chửa, mày phải nhớ mẹ mày gốc quê mắt toét chính cống nhá. Ông đã gọi mày là Mốc để mày đừng quên. Giờ mày ra cái điều được dính tí máu Tây, mông to như lồng bàn, váy xẻ ngược xẻ xuôi lấy mẽ, trông lộn ruột lắm!
Cô nhân tình điên tiết, dỗi không cho lão động đến người bữa đó.
– Sao, mày dám chê không ăn hả? Thứ này gọi đúng danh thơ chấm mắm tôm đấy con ạ.
Là lão nói kháy ông bạn thơ rượu ngồi trước mặt. Ai chấp. Lão trái tính, trở mặt như bàn tay, khen đấy, chửi đấy, móc máy văn vẻ tựa con bò cạp độc. Chửi quen miệng rồi. Xưa còn mồ ma vợ lão, bà ta đã phải kêu lên:
– Khiếp, ông được mỗi tài róc rỉa thiên hạ. Ông có biết nghề chính của ông là gì không? Thưa, nghề làm bố thiên hạ đấy ạ. Cấm thấy sờ lên gáy.
Gáy mình lạ gì phải sờ? Bây giờ lão qua ngưỡng thất thập cổ lai hy, càng thích nói cho sướng miệng. Chuyện gì lão cũng có thể nhếch một bên mép, phán tung hoăng. Thiên hạ biết tính lão nên chẳng ai muốn nối lời. Lão lại ngỡ họ… phục sát đất, càng nói tợn!
Sĩ Thái sư, nhân vật nổi tiếng xóm Chùa, thi thoảng vẫn đủng đỉnh xuống cuối làng thăm lão già dở chứng chết ấy. Ông chịu đựng mãi cũng quen đi. Không ai muốn qua lại ngó ngàng đến lão kép hát, song ông vẫn giữ nguyên một lời hứa với người đã khuất. Dạo đó, khi thăm vợ lão kép trước lúc bà ta qua đời, chính bà đã nhìn Sĩ Thái sư với ánh mắt trao gửi rầu rĩ.
Con Mốc – Đoàn Lê
– Bác ơi, chỉ có bác chân tình với ông cháu. Sau này tôi đi rồi, mong bác đừng bỏ ông ấy, bác qua lại cho nhà cửa đỡ vắng vẻ.
Ông giữ đúng lời hứa. Bị mọi người gọi “gàn bát sách” ông cũng lờ. Không còn bóng ông ra vào, căn nhà cuối xóm dễ thành nhà hoang.
Hôm nay vừa tới sân, Sĩ Thái sư ngạc nhiên thấy lão kép tề chỉnh quần áo hơn mọi bữa.
– Ông tạo dáng đi đâu mà choáng thế ?
– Tôi đi thăm thú đám khiếu kiện ông ạ. Mình là lãnh đạo, đôi khi cũng phải hé mắt nhìn xuống dân một tí chứ. Nói để ông biết, ngoài nghĩa địa xóm Chùa nhà ta cũng rặt dân khiếu kiện, chật cả sân Diêm Vương đấy.
Lão kép vênh cái mặt lên. Gớm chửa, xưa rày lão chỉ thích đóng vai lãnh đạo, càng cao cấp càng hăng. Và Sĩ Thái sư hiểu lão kép nhắc khéo đến vụ kiện tụng đất cát đang rùm beng cả làng kia.
Sĩ Thái sư hùa theo:
– Thưa vâng. Vậy tôi có phải về để “lãnh đạo” đi thị sát tình hình không?
Lúc đó lão kép mới chùng mặt xuống, nhe răng cười nhẹ:
– Ây, đi rồi. Vừa về. Là đi mua đôi dép mới. Phàm cái gì đổi mới cũng tốt cụ ạ.
– Thì vưỡn!
– Mừng đổi mới, tôi pha ấm chè Ô Long cháu nó vừa gửi biếu để hai ta thưởng thức nhá!
Trà Ô Long pha nước mưa hứng tàu cau còn gì sang bằng. Lão kép bày sẵn bàn trà bên thềm ngôi nhà thờ nhỏ rêu phong cho thêm thi vị. Mấy chùm hoa mộc li ti lão kép hái ngay trên cây bỏ vào ấm, giờ phảng phất toả lên thứ hương thật thanh tao quý phái.
Lão kép khơi mào câu chuyện sau tuần trà đầu tiên:
– Giời oái oăm lắm. Người đẻ sòn sòn, đất lại không nở thêm lấy một ly. Giá mà đất cát tự sinh sản như bèo hoa dâu có phải thiên hạ đỡ kiện tụng nhau không.
Trầm ngâm giây lát, Sĩ Thái sư bỗng hỏi:
– Ông đã nghe họ sắp làm lễ khởi công sân gôn chưa?
– Dám khởi công? Còn bao nhiêu đơn từ phản đối, đã ngã ngũ đâu?
– Phản đối ư? Rồi cũng khắc xong tất.
– Đã đành!
Vừa mới nói đến đấy cả hai lão bỗng dỏng tai nghe. Cái gì ầm ĩ thế? Nghe rõ tiếng quát tháo hò hét ghê người. Hai lão ngồi lặng, đưa mắt cho nhau. Đấy, cuộc sống nhốn nháo không còn ra thể thống gì nữa. Sao mà buồn! Cái xóm Chùa êm ả xưa, ra đường gặp nhau chắp tay vái chào đã lui vào sân khấu cổ tích. Giờ ra đường chậm chân không tránh kịp, xe máy nó tông ngã chổng vó. Nó tha chửi là phúc, lại mong nó vái mình cơ. Hoá ra xóm Chùa chỉ giữ mấy chữ Nho đầu cổng làng làm sang thôi. Triều phục thôn!
Thoáng thấy bóng lão Bân đi qua ngõ, roi bò ve vẩy trong tay, Sĩ Thái sư ơi ới gọi:
– Ông Bân, làm chén nước đã!
Lão Bân hơi ngần ngừ, nhưng cái tính bẻo lẻo xui chân lão rẽ luôn vào ngõ.
– Ôi chao, các cụ ngồi bình chân như vại quá nhỉ? Không ra xem người ta sắp giết nhau kia kìa.
– Ai giết ai?
– Anh em thằng chủ tịch Nhì.
– Cứ tưởng anh em nó phe cánh với nhau chứ.
– Phe cũng chẳng bằng tiền. Phen này giết nhau thì có.
Bằng giọng tưng tửng lão Bân kể thành hồi, thành chương như kể Tam quốc diễn nghĩa, mặc dù ai cũng đã lơ mơ ít nhiều biết chuyện. Chuyện rằng đám quan chức xã chắc hẳn vớ bẫm khi giải quyết đất cho làm sân gôn. Chủ tịch Nhì đầu trò vụ này nên rất quyết liệt trấn áp đám dân không chịu nhận tiền đền bù bán đất. Ai ngờ hôm trước lộ ra lão giáo Nhất, anh ruột lão chủ tịch, đứng đầu đơn khiếu nại lên huyện, lên tỉnh chứ ai. Sáng nay bảnh mắt ông em đã đến doạ đưa ông anh ra công an. Lão Nhất điên tiết vớ chày giã cốm đuổi đánh chủ tịch Nhì. Không có người can, khéo chừng anh em họ bữa nay thịt nhau.
– Đấy, đồng tiền đảo lộn nhân tình. Chả trách người ta gọi nó là đồng bạc.
Lão Bân hấp háy đôi mắt ranh mãnh buông một câu kết luận.
Sĩ Thái sư hỏi lấp lửng:
– Thằng Quân nhà ông nghe nói nhận tiền đền bù rồi kia mà?
– Nói làm gì cái thằng ngẩn ngơ ấy. Nghe người ta xui khôn, xui dại nhận tiền buổi sáng, buổi chiều tôi bắt mang trả tắp lự. Định bán đất ra làm xe ôm ngoài tỉnh. Rõ đồ ngu. Tí đất ấy rau cháo cũng nuôi sống cả nhà nó, đời con, đời cháu mãi mãi. Bán đi vài chục triệu mua cái xe ôm, chỉ vắt mũi bỏ miệng được mình thân xác nó thôi. Vài năm xe rã vứt đi là tuyệt đường sinh sống.
Lão kép tư lự:
– Con cháu nó muốn đổi đời ông ạ. Cắm mặt xuống ruộng cũng khổ ngang kiếp con trâu, sung sướng gì?
– Đã đành. Nhưng cha ông tổ tiên mình sống đến giờ đều trông miếng đất ấy cả. Nay lấy đất nông nghiệp làm sân gôn phục vụ mấy thằng cha rửng mỡ, giúp cho mấy thằng đầu cơ hốt tiền, có khác gì bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng kia chứ?
Một khi lão Bân giở món tranh luận ra, cấm ai theo kịp. Mặt lão nổi gân, mắt hiếng nhìn trời, tựa hồ lão không thèm đếm xỉa cái thằng đối thoại kém cỏi trước mặt. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bị mỗi bệnh táo bón kinh niên nên lão hay nổi nóng lý sự thôi.
Nghe tiếng lão Bân nói như quát, con Mốc sợ hãi cố lê từ gầm bàn thờ trong nhà ra ngoài thềm. Khi qua chỗ các lão ngồi, con Mốc lấm lét như người có lỗi. Lão kép nhìn thấy vội gọi:
– Mốc, êu Mốc!
Con chó nghe chủ gọi dừng lại, đứng ì ra đó. Được lão kép vất đến tận mõm một cái bánh rán, nó ngửi qua, không ăn, chỉ ngước đôi mắt rầu rĩ ậng nước, nhìn đăm đắm vào mắt chủ. Ông ơi! Ăn uống bây giờ chẳng được nữa rồi. Miệng đắng ngăn ngắt. Sắp tới sợ rằng con không còn nhìn thấy ông nữa thôi. Con mệnh hệ nào, xin ông tha lỗi cho con đã không hầu hạ bầu bạn cùng ông trọn tình, trọn nghĩa. Nào con có muốn thế. Cũng do cái số phận hẩm hiu xui nên…
Con Mốc hức một tiếng rất khẽ, rồi từng bước lê đi, không một lần ngoảnh lại.
Lão kép nhăn mặt nhìn theo con Mốc nghĩ ngợi, lẩm bẩm:
– Quái thật, con Mốc nghe chừng ốm quá.
Hai lão bạn mải tranh luận không để ý.
Con chó cái bỗng thèm chút mật ngọt trong chảo nấu kẹo nhà ông giáo Nhất. Nhà ông giáo cách đó một ngõ, nhưng giáp vườn nhà lão kép, bà giáo chuyên sản xuất món kẹo dồi, bánh cốm mật nha. Hai cái chảo đại sau khi nấu mật trộn cốm xong, tầm này chúng được quẳng ra góc sân giếng, ngâm nước, bà giáo chưa rửa vội. Con Mốc thường lân la tới đó liếm láp chút nước ngọt trong chảo cho đỡ xót ruột. Hôm nay nó mệt đứt hơi, nhưng nghĩ đến chảo nước lại thèm cháy gan, cháy ruột, cố liêu xiêu lê đi.
Chưa đến ngõ nhà ông giáo, nó bị đạp bắn vào gốc ruối vì những bàn chân hùng hổ chạy qua. Khốn nạn, vội gì thế không biết? Theo bản năng nó định ngoặc răng vào bắp chân những kẻ thô lỗ, nhưng không còn đủ sức làm việc đó. Nó cố nén đau đớn nép vào bờ rào, vừa rên ư ử. Chao ôi, họ đang giằng xé nhau, hay đúng hơn họ đang giằng xé một bà cụ già áo quần tơi tả. Nếu con Mốc không kịp né ra xa sau cú đạp mạnh, họ giẵm bẹp ruột là cái chắc.
Bởi con Mốc không gặp may, nó mò đến nhà giáo Nhất đúng lúc hai thằng con trai ông ta theo lệnh bố tới…đòi bà nội đang ở nhà chủ tịch Nhì. Xưa rày cụ Cậy vẫn ở nhà ông chủ tịch, được ông phụng dưỡng. Dù sao sự ăn uống của gia đình bên ấy đầy đủ hơn nhiều, thuốc men chu đáo hơn nhiều. Bà cụ Cậy đã tám sáu tuổi, hai lần bệnh nguy kịch nhưng đều thoát chết, cũng nhờ là mẹ chủ tịch. Xe ôtô cấp cứu vào tận làng đón đưa, rồi rước tới bệnh viện Việt-Xô điều trị cái u nách. Cả xóm Chùa mừng cho bà cụ có phúc. Dễ mấy ai được như cụ.
Không hiểu sao sáng nay ông chủ tịch nổi điên quát anh trai:
– Đồ đầu óc bã đậu, chỉ thích cả nòi nhà này làm dân ngu cu đen cơ. Quanh năm đâm sấp đổ ngửa mà nuôi nổi mẹ lấy một ngày chửa? ừ thì ông ăn đút lót. Ông lấy tiền đút lót nuôi mẹ đấy. Kiện cái con c… ông đây này!
Trong lúc ầm ĩ, câu cả nòi nhà này bị nghe thành cả nòi nhà mày, do vậy câu nói trở nên cay độc gấp đôi. Giáo Nhất vác chày giã cốm đuổi đánh em trai. Bị mọi người ngăn cản, anh em họ ai về nhà nấy. Nhưng giáo Nhất uất lắm. Càng nghĩ càng đau. Nó dám rủa cả nòi nhà ông nghèo, không nuôi nổi mẹ ư? Láo. Sở dĩ ông để nó nuôi bà cụ cho nó mát mặt, giờ nó dám kể công nuôi mẹ? Đã vậy ông cho nó biết.
Ngay lập tức ông lùa hai thằng con giai sang cõng bà nội về. Giờ này chắc chủ tịch Nhì ra Uỷ ban, nhà rặt đàn bà con gái, không ai dám cản.
Giáo Nhất gặp vợ chủ tịch Nhì đang nhặt rau ngoài thềm.
– Thím cho tôi đón bà về. Chú thím phụng dưỡng bà ngần ấy năm đủ hiếu thảo lắm rồi. Nhưng dám kể công nuôi mẹ thì tôi sổ toẹt tất. No đói bà về bên tôi cho đúng luật đời…Chúng bay đâu, vào đón bà, quần áo đồ dùng, lấy sau!
Cô em dâu quăng rổ rau, chạy vào nhà ôm chặt mẹ chồng, gào lên:
– Anh không được đưa bà đi đâu cả. Anh cứ đợi nhà em về đã. Việc này em không quyết định được…Chúng bay chạy ra Uỷ ban gọi bố chúng bay về nhà ngay cho tao.
– Thím tưởng chú ấy về thì cấm được tôi hả? Nó là em tôi chứ bố tôi đâu. Kìa, hai đứa, vào cõng bà ngay! Tội vạ đâu tao chịu!
Hai đứa thanh niên lực lưỡng tức thì đẩy băng bà thím ra, cõng luôn cụ Cậy đang run như giẽ lên lưng, huỳnh hụych chạy.
Vợ chủ tịch cố níu theo đến thềm rồi lăn đùng xuống đất gào khóc:
– Ơi ông Nhì ơi, người ta bắt mẹ ông đi đây này ông ơi. Ơi làng nước ơi, bảo rằng vợ chồng tôi thất thố với mẹ điều gì cho cam. Ôi nhục nhã quá làng nước ơi…
Bà em dâu làm ra vẻ giáo Nhất mang cụ Cậy đi như cướp mất bảo vật nhà bà. Kỳ tình trong tận cùng gan ruột, bà phập phồng hớn hở. Nhân chuyện này bớt được cái nhọt bọc âm ỉ ngày đêm càng tốt. Mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng, hậm hực phải nuốt vào dạ. Đó, cứ rước về cho đây thoát tội. Đây buộc lòng phải vờ gào khóc để lấy tiếng hiếu thảo thôi.
Khi đám nhà ông giáo Nhất cõng chiến lợi phẩm về gần tới ngõ thì chiến binh nhà ông chủ tịch Nhì truy đuổi kịp. Ông chủ tịch cùng ba đứa con cũng ngoài hai mươi tuổi, lực lưỡng, xông vào giằng lấy bà cụ Cậy trong vòng tay đối phương. Đó chính là thời điểm con Mốc bị đạp bắn vào bờ rào.
Tuy nhiên, cái thân thể một nhúm thịt xương rệu rão đã kịp lấy sức tàn hổn hển gào lên:
– Ôi làng nước ơi, chúng nó đang xé xác tôi ra đây làng nước ơi. Gẫy tay tôi rồi!
Nghe vậy đám con ông chủ tịch hơi hốt, vội buông tay giằng kéo bà cụ Cậy ra
Tức thì bà cụ được cõng thốc qua cổng và cánh cổng đóng sập trước mũi đối phương. Ông chủ tịch liền ngăn các con lại khi chúng sắp lấy sức mạnh phá cổng.
– Thôi được, về đã. Chuyện đâu khắc có đó. Để tao họp cả họ Tạ lại giải quyết dứt điểm chuyện này.
Quân địch rút lui trong lặng lẽ.
Giáo Nhất cắt đặt vợ con thu xếp cái buồng sạch sẽ sáng sủa nhất cho mẹ nằm nghỉ. Bà cụ lúc này còn chưa hết run.
– Tôi biết những thứ thuốc cụ vẫn dùng rồi. Đây, tôi ghi giấy đây. Mẹ nó giao hàng trên phố, nhớ rẽ vào cửa hàng thuốc Khâm Thiên mua cho cụ.
Ông giáo Nhất dặn dò vợ, khi bà giáo quẩy gánh hàng lên vai đi buổi chợ trưa.
Sau khi xếp mấy hộp sữa tươi, dăm quả cam, ấm nước vối ủ sẵn, ông giáo bảo cụ Cậy:
– Cụ nằm nhà nghỉ ngơi. Con đi họp một chốc. Cái Thảo, thằng Tuấn chúng nó học ở nhà ngang cả đấy. Cụ cần gì cứ gọi chúng nó nhá.
Ông đi họp tổ hưu, bà đi chợ kẹo, hai đứa con đều đến xí nghiệp gò đồng, con dâu đi dạy học, tất nhiên ông phải khoá cổng cẩn thận đề phòng đối thủ tập kích.
Chỉ duy con chó Mốc chui qua lỗ hổng vườn sau là ông giáo Nhất không tính đến. Nó chui vào theo đường riêng của nó, lê lết đến bên hai cái chảo nấu mật đang ngâm bên giếng.
Ôi mát ruột làm sao! Con Mốc tưởng chừng được liếm láp thần dược. Kể cả bên bụng đau buốt vì bị đạp giờ cũng dịu hẳn. Nó cứ gục mõm vào thành chảo mà nghỉ thở vừa lim dim mắt thưởng thức. Y như một anh nghiện càphê giờ được một ly nhâm nhi từng ngụm nhỏ, nghe cái vị mê người lưu lại trong miệng cùng với khói của điếu thuốc vừa đốt.
Lúc ấy bà cụ Cậy lần mò ra giếng. Bà vừa sụt sịt lau nước mắt vừa múc gầu nước rửa mặt. Bà cụ sợ. Nhỡ đứa nào về bắt gặp bà khóc chúng lại chả gắt toáng lên cho xem. Sao phải khóc? Hay bà sợ về đây không được ăn sung mặc sướng bằng ở nhà nó? Về đây người ta để bà chết đói chắc? Nó nuôi, nó kể công, thì nó coi bà là mẹ, báo hiếu bà đấy à? Đấm thèm bước vào cái cổng nhà nó nữa. Bà trăm tuổi về già, chúng nó kéo đến người ta chả lót tay lá chuối dắt ra cho nhục chứ đùa!
Vậy nên bà cụ biết mình không có quyền khóc. Rồi um nhà lên, rồi thiên hạ chửi cho bọn vô phúc, rồi nhỡ ảnh hưởng đến cái chức chủ tịch của thằng Nhì, rồi vợ nó róc rỉa bà hại con, hại cháu… Nhưng càng nén lòng bao nhiêu bà cụ càng đau đớn, hai hàng nước mắt càng lã chã bấy nhiêu.
– Sao mày lại nằm khổ sở ở đây vậy? Dễ mày nghĩ tao sướng hơn mày đấy. Mày là con chó già, sống chết không bận đến ai, chứ như tao sống cũng khổ, già càng khổ, muốn chết không xong, được như mày thì phúc đức quá.
Là cụ Cậy nghẹn ngào thổ lộ với con Mốc. Nó chỉ hé đôi mắt rầu rầu nhìn bà cụ ý muốn chia sẻ nỗi lòng. Cụ ơi, đã già còn gì có ý nghĩa nữa, dù sống dù chết cũng chẳng đáng bận tâm. Họ bất hiếu đến đâu cụ cũng còn con cháu đầy đàn đầy đống chăm lo, sao cụ lại bảo không sướng hơn con?
Cụ Cậy múc thêm gầu nước nữa làm gì không biết. Có thể vào đúng lúc ấy cụ choáng, có thể đúng lúc ấy mạch máu não tai biến. Ai mà biết được. Chưa dám nói bà cụ muốn tìm điều gì dưới đáy giếng thì sao? Nhưng rút cục cái gầu nước định mệnh đã lôi tuột bà cụ nhẹ như chiếc lá khô xuống đó.
Dù là con vật, con Mốc cũng đoán biết vừa xảy chuyện chẳng lành. Nó ngúc ngoắc đầu sủa một tiếng. Không có người để ý tiếng sủa ấy. Nó nghe ngóng một hồi định cố sủa tiếng nữa để cấp báo, nhưng cổ họng nó đã tắc lại chỉ phát ra những âm thanh ư ử. Nó sợ đến tê dại. Khéo mình chết đến nơi mất. Dù vậy phải cố về nhìn mặt ông chủ già cho phải đạo kẻo mang tiếng đi chết hoang. Cụ Cậy ơi, tha lỗi cho cháu nhá. Bỏ cụ dưới đó lúc này kể cũng nhẫn tâm, nhưng giờ cháu chả làm được gì nữa. Chậc, thương cụ cháu cũng chẳng làm được gì thật đấy. Mà ở lại có phen vạ lây. Cháu cũng còn sức đâu? Giả dụ phải làm nhân chứng, ai bế cháu ra trụ sở được? Chưa biết chừng lại còn ăn cái đạp nữa. Thôi thì mặc kệ, các ông, các bà, đang nhọc đến đứt hơi đây… Nghĩ vậy con Mốc lảo đảo lê lết thân mình ra cái lỗ bờ rào vườn sau trở về.
Con Mốc về góc vườn nhà nằm lại đó, nơi gần khóm tre xum xuê. Nó sắp lịm đi thì con Đốm nhà lão Thắng tha thẩn đi tới. Con Đốm quen mùi tới gần vồn vã hít ngửi Mốc. Đó là anh chó đực tơ lực lưỡng vui tính. Của đáng tội, anh chàng trẻ tuổi này là người tình cuối cùng của Mốc, một người tình thật dễ chịu. Có điều chàng trẻ quá, chưa đáng tuổi lứa con đầu nàng. Nhưng chàng lại rất thắm thiết gắn bó. Có khúc xương to chàng thường chạy thẳng một mạch từ nhà đưa tới trước nàng mời mọc. Và trong lúc nàng gặm gạp ngấu nghiến ngon lành vì thường xuyên bị bỏ đói, chàng nhảy quẩng chung quanh vui sướng. Chàng chưa hề một lần để ý đến tuổi tác nàng, đó là điều khiến Mốc yêu chàng với sự biết ơn tận tuỵ.
Hãy đi đi người tình trẻ tuổi của tôi. Giờ cuộc đời tôi đã hết dành cho chàng rồi. Tôi đang sang một thế giới khác với hành trang ít ỏi là mối tình nồng nàn của chàng đây. Nơi ấy có thể
có Thượng Đế của chó và Người sẽ an ủi vỗ về tôi: Ôi Mốc đáng thương, con đã sống trọn đời xứng đáng. Nếu đôi lần đói quá con buộc phải ăn vụng mạch nha nhà ông giáo Nhất ta cũng tha tội cho con. Bởi bù lại con đã xua đuổi lũ chuột nhà ấy không còn một mống. Thôi con hãy lên tầng trời cao hơn để được sinh sang một kiếp luân hồi khác. Ta ban cho linh hồn con được bình an…
Và Mốc cứ thế thiếp đi trong giấc mơ ngọt ngào.
Lần này đến lượt chàng Đốm hốt hoảng bỏ chạy. Nó chạy thẳng về nhà, nằm bẹp ở bên thềm, bỏ luôn bữa cơm. Lão Thắng sợ nó ốm, không hiểu vì sao.
Vào lúc người ta phát hiện cụ Cậy đã chết dưới giếng, hai nhà con cháu đang đánh nhau kêu gào loạn lên, lão kép mới biết con Mốc chết ở góc vườn. Lão bần thần một lúc rồi lặng lẽ đào hố chôn nó dưới gốc khế. Lão thắp cho nó một nén hương. Khói hương bay lên một dải trắng mỏng manh. Có thể linh hồn con Mốc nương vào làn khói ấy cùng bay lên cao, rồi lan toả trong khu vườn yên tĩnh.
Khế ơi, mùa tới mày hãy ra lứa quả thật ngọt ngào khế ơi…
Tác giả: Đoàn Lê – Giọng đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *