Bài nổi bật

Đi một ngày đường – Nguyễn Lập Em

RadioVn.Com – Ai cũng muốn mình trải qua kiếp người trong cõi đời một cách yên ổn: Được sung sướng, hạnh phúc là điều quý hoá; những bất trắc, gian nan, đau khổ là do số phận đưa đẩy vượt ngoài ý muốn và sự kiểm soát của mình. Vậy mà sau mấy mươi năm yên sống cùng với vợ con trên mảnh đất và làng quê thân thuộc, bác Hai của tôi bỗng “nứt niềng”, giang hồ cất bước.
Sau khi cơ sự xảy ra, bác dâu của tôi đoán chắc là chồng của bà đi cùng với mấy tay thương buôn thường về làng mua lúa gạo. Bà quyết đoán như vậy bởi vì bà vẫn thấy mấy y hay to nhỏ với ông già; có lẽ mấy y rủ rê ông già làm chuyện chi đó. Linh tính của đàn bà khiến bà lo ngại. Thật đúng như vậy! Có lần, bác Hai tôi bỗng than:
– Buồn quá!
– Có chuyện gì mà ông buồn?
– Mình làm ruộng, rẫy quanh năm suốt tháng, mặt nám tay chai, da đen tóc cháy, gần hết đời người rồi mà chẳng thấy thảnh thơi. Biết làm sao mà đổi được đời!
– Đổi sao?
Ậm ừ mãi, bác trai mới nói:
– Được như thằng Năm hàng xáo cũng sướng!
Bác gái tôi vừa kể, vừa khóc:
– Chèng đéc ơi! Ổng mà đem bì với Năm hàng xáo?!
Rồi bà liệt kê bao nhiêu là thói hư, tật xấu của người lái buôn ấy mà bà cho là trông thấy “nhãn tiền”. Năm hàng xáo tên thật là Năm Mèo. Y có bộ vó bảnh bao, lại quen thói ăn to, xài lớn. Dưới mắt bác gái tôi, y là người ranh ma, gian xảo, thường mua cân già, bán cân non, lấy đầu này đắp đầu kia, so hơn tính thiệt từng xu, từng cắc. Bác gái tôi kết luận “người như vậy mà rộng rãi nỗi gì!”, đó là chưa tính đến thói phóng đãng, trăng hoa của y. Mặc dù đã có vợ đôi, vợ ba ở nhà mà hễ gặp đàn bà, con gái là y cứ cà rà, hí hửng. Như những người đàn bà an phận, bác gái tôi hài lòng với người chồng thật thà, chất phác của mình. Bà thường nói với mọi người:
– Tui thấy ông Hai lo cần mẫn làm ăn, tui thương…
Bởi vậy, khi nghe bác Hai tôi ước ao được như Năm Mèo, bà đã gạt đi:
– Ông lột lớt mà thay hình, đổi dạng, học đòi theo Năm Mèo thì cứ đi mà đổi đời. Tui không biết tới!
Bác gái tôi vẫn khóc:
– Mình giận lẫy mới nói như vậy. Không dè… ổng đi thiệt!
Cứ để bác gái khóc to cho thoả lòng. Trước sự tình ấy, ai còn biết nói gì hơn. Câu chuyện chẳng mấy chốc lan ra khắp đầu làng, cuối xóm. Ai cũng biết… Ngủ một đêm, sáng dậy, vợ con của bác Hai tôi không tìm thấy ông đâu cả. Cả nhà hô hoán lên, đi tìm. Bác gái tôi đâm nghi, hỏi anh Thắng, con trai lớn của Bác.
– Hôm qua, ba mày có đong lúa bán cho chú Năm không?
– Dạ! Có! Lúc đó má qua thăm ngoại. Con tưởng là ba có bàn với má rồi!
– Trời đất ơi!
Bác gái chạy ra bờ sông ngó xuống bến, chỗ Năm Mèo thường đậu ghe. Bến sông vắng ngắt, không một bóng người. Chiếc ghe chài của Năm Mèo đã nhổ neo từ hồi nảo, hồi nào. Bây giờ, chắc họ đã đi xa lơ, xa lắc. Bác gái tôi than thở với đàn con của mình:
– Ba của tụi bây bán lúa lấy tiền, đi theo… thằng Mèo rồi!
Mấy người bà con, hàng xóm nghe chuyện, thấy buồn cười, cũng lựa lời an ủi bác gái tôi:
– Anh Hai theo thằng Mèo chớ có phải theo con mèo nào đâu mà chị Hai khóc! Vài bữa, ảnh lại về…
– Theo thằng rồi sẽ theo con, mấy rồi! Trời ơi là trời! Ai coi! Già rồi mà ổng còn sanh tật, sanh tâm…
Đi một ngày đường – Nguyễn Lập Em
– Đàn bà hay làm lớn chuyện! Ai mà làm gì đến nỗi tác tệ đâu!
Bác Hai khẳng định như vậy, sau chuyến đi “bụi” về. Bác Hai đi hai ngày, một đêm. Khi trở về, ông vẫn còn gói nguyên hai bộ đồ mang theo, chỉ thêm chiếc nón nỉ đen mà bác cầm tay chớ không đọi bảo là mua cho anh Thắng, và thêm đôi dép nhựa đỏ dành cho con gái út. Bác gái tôi cật vấn:
– Ông đi đâu ?
– Đi chơi… cho biết Sài Gòn!
– Sao ông không nói với tui?
– Nói với bà đặng… dễ đi được lắm!
Bác gái thở hắt ra, như trút bao nỗi buồn lo đè nặng suốt hai ngày chồng mất tích, mất tăm. Bà không nói gì nữa, bỏ đi, lo việc nhà. Có lẽ, đối với bà, việc bác trai mau chóng trở về là đã quá đủ, hoặc là việc rầy rà chồng, bà để dành thủ thỉ lúc về đêm.
Chúng tôi, anh Thắng và tôi, là những người tò mò về chuyến đi của bác Hai tôi hơn ai hết. Chúng tôi rất muốn biết điều gì đã xảy ra trong thời gian bác Hai tôi rong ruổi và cái gì đã khiến bác tôi cất bước giang hồ. Chỉ vì những khi vắng mặt bác gái tôi, bác hai mới từng lúc hẻ mở với chúng tôi. Quả tình là sự việc không nghiêm trọng như bác gái tôi đã nghĩ. Chuyện đổi đời chỉ là ý tưởng mà bác Hai tôi đã diễn đạt không chính xác khiến bác gái hiểu lầm. Mọi sự bắt đầu từ một buổi chiều…
Đó là một buổi chiều rảnh rỗi hiếm có trong đời của bác Hai tôi. Là một lực điền, ngoài thời điểm gieo trồng, gặt hái, những công việc không tên của ruộng vườn, nhà cửa, gia đình thường chiếm hết thời gian còn lại của bác. Lúc tết nhất, giỗ đám lại là lúc bác sa vào trà, rượu với chén chú, chén anh cùng thân bằng, quyến thuộc, bà con, hàng xóm. Vậy mà có một buổi chiều, bác Hai tôi không biết làm gì. Bác ngồi ngó mông ra dòng sông chảy qua trước cửa nhà, thấy đám lục binìh trôi líu ríu, trôi miết về xa. Bác bỗng nghĩ về đời sống của đám lục bình kia. Dẫu nó là thân bèo dạt cũng đã trôi hết xứ này sang xứ khác, theo sông mà biết nơi gần, chốn xa. Bác lại ngẫm về mình, một đời chôn chân, mọc rễ trên mảnh đất này: đi chưa quá chợ huyện, chợ xã, vui chơi chưa ra khỏi luỹ tre đầu làng, con đường ra ruộng, về vườn, cả xóm làng, cả mái nhà, vợ con… đều quá quen thuộc, quá gần gũi đến mức bác cảm thấy không nghĩ, không nhìn, không sờ mó, đụng đến cũng biết được. Ước muốn được biết về những điều mới lạ, những thứ ngoài mình bỗng chốc xâm chiếm bác. Bác nghĩ đến Năm Mèo và chiếc ghe mua lúa của y. Vậy là bác gọi Năm Mèo, rồi bảo con trai bác đong và vác xuống ghe của y bốn mươi giạ lúa. Hai người đàn ông thì thầm với nhau. Hai giờ khuya đêm ấy bác Hai tôi xuống ghe của Năm Mèo. Vài phút sau, chiếc ghe chài chở lúa khẳm mạp ấy được kéo neo, nhổ sào, từ từ tách bến.
Thật chúng tôi không hiểu được là trong tâm hồn của một người đàn ông đã luống tuổi có vẻ bên ngoài cục mịch như bác Hai tôi lại có một khoảng dành cho niềm khao khát hết sức lãng mạn ấy. Chúng tôi cũng sẽ cạn nghĩ khi cho rằng ông già chỉ bận tâm đến manh áo, chén cơm và nếu hơn nữa là đất đai, nhà cửa. Bốn chục giạ lúa để đổi lấy một chuyến đi chơi cho biết Sài Gòn là một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của bác Hai tôi. Vì vậy, chúng tôi càng háo hức muốn biết cụ thể về chuyến đi của bác. Bác tôi chỉ tủm tỉm cười, khi chúng tôi thúc giục:
– Từ từ… để quỡn việc rồi tao kể cho mà nghe!
Nhằm lúc vui vẻ, bác nói cho chúng tôi biết thế nào là nằm trong khoang ghe chở lúa, thế nào là đi chợ trên sông, thế nào là ngủ trên bồng bềnh sóng nước. Những lúc nhâm nhi bên mâm rượu, bác lại bật ra câu chuyện của Năm Mèo:
– Thằng đó vậy mà bỡm bẫy lắm!
– Bỡm bẫy là sao, bác Hai?
– Nó gạt mấy bà vợ của nó, mà gạt theo kiểu… hàng xáo mới ngặt!
Tiếng tăm về Năm Mèo thì làng tôi ai cũng biết nhưng đến đoạn này thì ai cũng ngóng nghe.
Nó khoe với tao là nó có một bà vợ ngon lắm, là chủ quán bán rượu bia ở Sài Gòn. Nó nói “Tui sẽ dắt anh Hai tới đó chơi, cho biết mặt bả”. Mới đi một đỗi, nó đã cho tắt máy, neo ghe đậu giữa sông. Tao tưởng máy hư, đang nằm trong khoang, lồm cồm bò dậy, định chui ra sau lái coi sự thể ra sao. Đang bò nửa chừng, tao đã nghe có tiếng đàn bà. Hình như bà kia đứng trên xuồng nhỏ, cặp vô be ghe của Năm Mèo, giọng cằn nhằn, cẳng nhẳng:
– Ba nó đi cả chục ngày mà mặc dơ có một bộ đồ này hả?
– Mấy bộ mặc dơ bữa trước đã gặt hết rồi! Tiền gói ở trỏng, cầm coi chừng rớt!
Bà kia nghe nói có tiền gói theo, nín thinh, không hỏi vặc mắc nữa.
Vậy rồi Năm Mèo cho nổ máy, ghe đi tiếp. Đi một quãng sông nữa, cỡ mấy tiếng đồng hồ, Năm Mèo lại cho ghe đậu lại. Nó lại gởi lên bờ cho bà vợ khác số quần áo dơ còn lại của mình và tiền, số tiền chắc là không nhiều lắm. Rồi nó lại cho ghe đi tiếp. Nó cười hì hì “Lót bến chuyến về, anh Hai, coi như mình lo trước nơi ăn, chốn ở mấy ngày đi lại”. Tao hỏi nó có chừa bộ đồ nào dơ cho bà ở Sài Gòn không? Nó lắc đầu, nói tỉnh queo “Đàn bà ở chợ không chịu cực giặt quần áo cho mình đâu. Với mấy bả, mình có phép khác!”
Bác Hai tôi nói tới đó thì dừng lại. Anh Thắng ngồi ở góc nhà, hỏi nôn tới:
– Phép gì vậy, ba?
Bác Hai tôi gằm mặt xuống, nói cộc lốc:
– Thôi! Bỏ đi!
Vậy là bác Hai tôi không chịu kể tiếp nữa rồi. Chúng tôi lần lượt tan ra, chờ dịp khác.
Điều khiến tôi cứ thắc mắc là lần nào cũng vậy, cứ kể đến đoạn đó là bác đổ quạu. Tôi điểm lại tất cả những điều bác kể thì hình như bác không hề đả động đến Sài Gòn, tựa như bác chưa bao giờ đến đó. Còn điều gì nữa hệ trọng hơn trong chuyến đi của bác mà bác thấy nói ra bất tiện hoặc bác muốn giữ lấy cho riêng mình. Tôi cứ theo đuổi ý nghĩ này nhưng không dám tỏ bày, chia sẻ cùng anh Thắng để giữ trọn vẹn tình cảm giữa cha con anh. Tôi lặng lẽ theo dõi bác Hai tôi.
Đi một ngày đường – Nguyễn Lập Em
Nhà tôi và nhà bác Hai tôi chỉ cách nhau một mảnh vườn nhỏ, cùng trên phần đất của nội tôi để lại cho con cháu; do đó, cả hai bên nhà đều có thể trông sang và nhìn thấy nhau. Nhiều lúc, tôi trọm thấy bác Hai tôi ra vào tư lự, có lúc tôi lại thấy bác ngó mông ra sông, đôi khi, tôi lại thấy bác ngóng xuống bến sông, chỗ Năm Mèo vẫn thường neo ghe mua lúa. Tôi cứ nơm nớp lo. Hay là bác Hai tôi lại muốn một chuyến giang hồ? Nếu như lần này, bác Hai tôi lại đong lúa bán và lại … đi “bụi”, liệu bác dâu của tôi có im lặng mà chịu đựng nữa hay không? Là bà con ruột thịt, lẽ nào tôi lại làm ngơ nhìn bác tôi nát cửa, tan nhà!
Hôm ấy, gặp dịp hai bác cháu cùng đi sa lúa ngoài đồng. Nhân lúc nghỉ tay, tôi lân la dò hỏi, định lựa lời mà khuyên can bác:
– Bác Hai có tính đi Sài Gòn chơi chuyến nữa không?
– Không!
– Đi một lần, đã biết chán, còn đi chi nữa, phải không bác Hai?
– Tao có biết Sài Gòn là gì đâu!
– Vậy hôm trước , bác đi đâu?
– Thì đi… Sài Gòn!
Trước vẻ ngơ ngác của tôi, bác Hai bật cười. Thế là, vừa vấn thuốc hút, bác Hai tôi vừa kể, sau khi tôi hứa là không được tiết lộ với ai, nhất là bác gái, về câu chuyện nghe được ở bờ ruộng này. Bác Hai tôi kể. Tôi đã chắp nối câu chuyện đứt khúc, đứt đoạn này.
“Chiếc ghe chài gắn máy bốn ngựa của Năm Mèo chạy đến chiều hôm đó là tới bến Sài Gòn. Sau khi nói chuyện buôn bán và giao cho bạn lái coi bốc dỡ dàng, Năm Mèo dắt tao đến ngay quán nhà của nó. Cái quán hơi tuềnh toàng nằm cách bến sông xuống hàng độ vài ba hơi thuốc, nó giống như các quán bên đường dành cho khách vãng lai như tài xế, lơ xe, chủ ghe, bạn lái… Quán có phòng tắm, nhà vệ sinh, có cả phòng cho khách ngủ trọ qua đêm nữa. Tao vừa tắm xong, bước ra, đã thấy Năm Mèo ngồi chờ bên bàn rượu:
– Làm vài xị rượu thuốc cho giãn gân cốt, anh Hai, rồi tui kêu bả ra giới thiệu.
– Được!
… Tao gặp nó cũng ở quán rượu của vợ bé Năm Mèo. Nó cũng trạc tuổi thằng Thắng thôi. Trong đám đông mấy đứa con gái son phấn, áo quần loè loẹt, tấp nập ra vô tiếp khách. Nó ăn mặc giản dị, sạch sẽ, chỉ đứng lấp ló trong góc bếp.Tao nhìn bộ dạng của nó, thấy giống mấy đứa con gái ở quê mình. Tao hỏi nhỏ Năm Mèo. Năm Mèo bảo nó là con nhỏ giúp việc trong quán, giúp việc là làm đủ thứ việc vặt, việc quán, việc nhà, gọi nôm nhiếp ảnh là người ở. Tao thấy hình như nét mặt nó không được vui. Năm Mèo bảo nó đúng là con gái ở quê, do Năm Mèo dẫn dắt lên làm mướn mà có sự đồng ý của ba má nó. Nghe nói, ba má của nó nghèo lắm. Họ ở quê mà không có đất đai, ruộng rẫy chi cả, chỉ rặt đi làm mướn, làm thuê kiếm sống. Mấy tháng trước, má của nó bịnh, thiếu tiền lo thuốc mới mướn đỡ của Năm Mèo. Sau đó không có tiền trả, họ phải cho con gái đi ở giúp việc cho vợ Năm Mèo để trừ nợ lần hồi, trong vòng một năm. Nếu đã trừ đứt nợ mà con nhỏ muốn ở lại làm thêm thì vợ chồng Năm Mèo sẽ tính tiếp.
Chuyện của người ta, tao chỉ hỏi thăm cho biết, biết rồi cũng đành thôi! Cha mẹ nghèo khổ, buộc lòng phải đợ con, chớ biết làm sao?! Cuộc đời là vậy! Quê mình có tiếng là ruộng đất thẳng cánh cò bay nhưng cũng có kẻ no, người đói, kẻ dưa giả bán lúa lấy tiền đi chơi như tao, cũng có người nghèo khó phải đem con đi làm kẻ hầu, người ở như cha mẹ con nhỏ đó. Tao ngẫm: Đất Sài Gòn phồn hoa, đô hội, chắc cũng không thiếu gì kẻ sang, người hèn… Tao cứ nghĩ mà thấy buồn. Buồn! Tao ngồi uống rượu tì tì với Năm Mèo cho đến lúc trời tối mịt hồi nào chẳng biết.
Năm Mèo kêu mệt, đòi đi ngủ sớm, bỏ vô trong. Vợ bé của Năm Mèo đi ra, bảo có dành cho tao một phòng bên cạnh. Ngồi một mình cũng buồn, tao cũng vô phòng nằm nghỉ. Tao nằm hoài không ngủ được, phần vì lạ chỗ, lại vì đã ngủ cả ngày trên ghe lúa lúc đi đường rồi. Phòng bên kia, Năm Mèo rọ rạy hồi lâu rồi tao nghe tiếng vợ nó nói nhỏ:
– Kêu đưa nào cho anh Hai không?
– Thôi! Ông già rồi! Đừng làm bậy bạ! Còn giữ đường cho tui về dưới làm ăn!
Bác Hai tôi ngừng kể, cười khậc khậc:
– Thằng hàng xáo đó vậy mà khôn! Nó mà để vợ nó gạt tao trận đó là nó hết đường về bến Nước. Nó gian xảo mà cũng biết lựa chỗ, lựa người. Còn tao tính đi vãn cảnh cho biết Sài Gòn chớ đâu có chuyện bậy bạ đó. Mà mày nghĩ coi, tao già cả rồi, còn “củi lửa” gì đâu mà ham hố?
“…Rồi sao nữa hả? Ờ…! Tao nằm lăn qua, trở lại đến hơn nửa đêm. Bỗng tao nghe có tiếng động ngoài quán rồi lại nghe có tiếng con gái khóc. Tao ngồi dậy, mở cửa phòng, bước ra. Tao thấy quán đã dẹp, vắng tẹo mà con nhỏ giúp việc còn ngồi khóc trong góc bếp. Tao ra bàn ngồi, ngoắc nó lại, hỏi chuyện. Nó đến, không dám nói lớn, sợ người khác nghe thấy. Thì ra, có thằng quỷ on nào đó là khách ngủ trọ mò vô mùng nó. Nó không chịu, giẫy được, chạy ra.
– Sao không la lên, méc bà chủ?
– Bà chủ dặn, nếu có như vậy, không chịu thì thôi, không được la. Nếu la lên, sẽ làm mất mặt khách, khách sẽ không tới quán nữa. Chừng ấy, bà chủ sẽ trừ lương, đuổi việc…
– Lỡ bây giẫy không khỏi rồi sao?
– Con không biết nữa! Lần nào cũng vậy, con ráng giẫy, chạy ra, không dám trở vô trỏng nữa…
– Vậy là xảy ra nhiều lần rồi hả?
– Dạ! Con nhỏ “dạ” rồi khóc nghẹn.
– Sao bây không trốn về quê?
– Dạ! Chú Năm biết nhà ba má con dưới quê. Con trốn về, thế nào chú Năm cũng theo bắt lại, vì ba má con còn nợ tiền của chú Năm. Con tính sẽ ráng ở đến trừ hết nợ là con xin về…
– Lỡ, từ đây đến đó, bây giẫy không khỏi đám quỷ đó, rồi sao.
Con nhỏ làm thinh, khóc:
– Liệu bề, bây trả hết nợ, vợ chồng Năm Mèo có cho bây về không?
– Dạ! Con không biết!
– Thôi! Từ từ… để tao tính cho.
Vậy rồi, tao nhường cái phòng của tao cho nó vô nghỉ đỡ. Còn phải dặn nó gài chốt trong cho chắc chắn. Tao ngồi lại ngoài quán, với bình trà, chờ sáng.
Sáng ra tao uống cà phê với Năm Mèo, nói chuyện chuộc con nhỏ.
– Nhỏ nào, anh Hai?
– Con nhỏ giúp việc.
– Con Thơm hả?
– Ờ! Chắc… con Thơm!
Tao kể hết sự tình cho Năm Mèo nghe. Năm Mèo ngồi làm thinh nghe rồi nói:
– Chuyện đó… để tui nói lại với bả. Bả xếp chỗ ngủ lại cho nó, thì êm. Còn anh Hai cứ để tiền mà đi chơi…
– Thôi! Tao hết muốn đi chơi rồi! Giúp cho con Thơm rồi, tao về dưới quê liền. Sợ bả với mấy đứa nhỏ ở nhà rầu lo. Hồi đi, tao có nói với ai tiếng nào đâu!
Năm Mèo ngồi dùng dằng một lát rồi kêu con Thơm ra:
– Ông Hai trả nợ dùm cho ba má mày. Mày chịu trở về dưới quê không?
– Dạ! Chịu!
Thấy con nhỏ mừng rơn mà tao bất phẫn. Tính ra, vừa nợ vừa tiền lời ngót nghét gần ba mươi lăm giạ lúa. Cũng may, tao đem vừa đủ, còn dư chút ít. Lúc ngồi một mình chờ sáng, tao đã tính thầm: Nếu như vợ Năm Mèo đã tính hết nợ mà tiền tao đem theo còn thiếu thì tao hẹn lại với Năm Mèo tới khi về dưới này tao sẽ đong lúa thêm cho đủ số. Tính tiền bạc với vợ chồng Năm Mèo xong xuôi, tao với con Thơm đi xe xích lô ra bến xe miền Tây. Nó mua vé về quê nó. Tao mua vé về đây. Tao coi lại, thấy cũng còn dư chút tiền. Tao cho con Thơm thêm vài chục để ăn đi đường. Còn một ít tao ra sạp hàng trước bến xe mua cho thằng Thắng cái nón và con Mén đôi dép. Rồi… tao và con Thơm, mạnh ai nấy lên xe, về thẳng.
Ngồi xe về dọc đường, tao cứ nghĩ: Tao chuộc con Thơm giùm cho ba má của nó chẳng qua như thả cá về sông. Trong dòng sông mênh mông, hễ con cá này thoát thân thì con khác cũng dính câu, mắc lưới. Thế nào Năm Mèo cũng tìm được đứa khác đem lên giúp việc cho vợ nó, cũng là con gái nhà nghèo khó ở quê mình. Rồi cảnh cũ lại diễn ra nữa thôi, vì trong cuộc đời rộng lớn này, không thiếu gì người còn phải lấy than mình đổi lấy miếng cơm, manh áo. Nghĩ như vậy nhưng tao cũng chẳng tiếc số tiền đã bỏ ra để chuộc con Thơm giùm cho ba má nó. Coi như tao giúp người hoạn nạn, vậy thôi!
… Chuyện như vậy, tao nói, mày tin không? Nếu mày không tin thì đợi khi nào Năm Mèo về mua lúa ở làng mình mà hỏi. Nhưng tao chắc rằng, dù Năm Mèo có đứng ra làm chứng, bác gái mày cũng không tin bởi vì,… bả đâu có tin Năm Mèo. Mà, ai tin nó có được? Nó là thằng bợm bẫy mà!”
Bác Hai tôi ngửa mặt cười, cái cười đầy tự tin và mãn nguyện. Tôi cho rằng bác Hai tôi hài lòng với việc đã làm. Và, tôi tin tất cả những gì mà bác đã kể lại về chuyến đi ngắn ngủi của mình.
Tác giả: Nguyễn Lập Em – Người thực hiện: Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *