Bài nổi bật

Độc Nhảng – Nông Quang Khiêm

RadioVn.Com – Nhà có bốn người, nhưng thường ba người ở. Ngôi nhà một nửa cột xoan, một nửa cột lim. Cột xoan đã mục, cột lim thì đanh lại bóng nhẫy nhưng cũng không giữ cho ngôi nhà đứng thẳng được. Lâu lâu mẹ mới về. Có hôm mẹ về rất muộn, có hôm say khướt. Mẹ đưa cho ông bà ngoại một ít tiền rồi đi. Mẹ con Khủ ít nói chuyện với nhau, mỗi lần gặp chỉ được dăm ba câu. Mẹ đi, Khủ thường đứng ở bậc cửa nhìn theo bóng mẹ lên thuyền, mất hút về phía hồ nước mênh mông, như lưu luyến nhưng trong đầu chẳng có gì. Khủ đã quen vắng mẹ. Với Khủ, mẹ là nỗi nhục không thể chối bỏ. Khủ đứng như thế rất lâu trong vắng vẻ và lạnh lẽo. Góc làng Cà này xưa nay vẫn thế, chỉ sáng tinh mơ rộn lên tiếng kỳ kèo mặc cả, cãi vã của người bán tôm và mấy bà buôn tôm, chiều chiều nghe tiếng bì bõm của dân làng Cà cắm rọ tế rồi im bặt. Chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp, tiếng mõ trâu thả rông gõ lốc cốc là lặp đi lặp lại quen thuộc đến mức tưởng như thứ âm thanh ấy không tồn tại.
Khủ dắt con trâu trắng già ra đồng, nghe lòng mình vỡ vụn khi nghĩ về câu nói của bà ngoại: “Chịu khó chăm con sừng vênh, sau này ông bà già quá chẳng làm được gì, nó đẻ ra nghé, bán đi lấy tiền mà học Đại học cháu ạ!…”. Bà ơi, con trâu trắng sừng vênh đã sống hai mươi năm, nó già lắm rồi! Răng rụng hai chiếc, da nhăn nhúm, sần sùi, bước đi chậm chạp, nhai cỏ non còn thấy khó nhọc, chắc nó không đẻ nữa đâu. Một nỗi buồn vô cớ ùa về. Ông bà ngoại ngày một già yếu. Lâu lắm mẹ không về… Khủ đi học. Con đường đất gần sáu cây số nhằng nhịt vết chân trâu, gặp mùa mưa, đất dính bết vào chân dẻo quẹo. Nhà Lam cách nhà Khủ chừng ba cây số. Lam thường đứng đợi, hai đứa đi chung nửa đoạn đường. Con đường đầy cây chó đẻ bung những cánh hoa phơn phớt tím, hăng hắc. Mỗi đợt gió về, hoa già rơi lả tả trên tóc, trên vai. Ngoài ông bà ngoại, có lẽ Lam là người thân thiết nhất đối với Khủ.

“Mẹ mày làm cái điếu cày, bắc thang lên trời mà hỏi bố mày là ai?…”. Lại giọng thằng Khương con chủ tịch xã chọc tức Khủ trước mặt bạn bè. Ở chỗ nào không biết, chứ ở xã này, chủ tịch xã to như vua, uy quyền lớn lắm. Thằng Khương đương nhiên là con vua, bạn bè sợ một vành. Đã bao nhiêu lần Khương trêu, Khủ đều nhịn nhưng lần này thì quá lắm. Khủ muốn đấm ngay vào cái mặt vênh váo bè bè như cái bánh rán của Khương. Tự dưng, Khủ nghĩ ra một câu bụp lại: “Bố tao chăn chó, ăn đất như giun, nếu không tin, bắc thang lên trời mà hỏi…”. Thằng Khương sấn tới: “Mày nói cái gì?”. “Tao nói bố mày chăn chó ở trại tù, giờ làm Chủ tịch, ăn tiền của bọn Doanh nghiệp Trung Quốc, cho khai thác chui mấy đồi quặng mới giàu. Bố con mày là con giun ăn đất, là Việt gian bán nước rõ chưa! Rõ chưa?…”. Thân hình béo ục ịch của Khương lao vào Khủ như con trâu cà lao vào con nghé con. Lam nép mình bên bờ rào, mặt tái xanh, khóc không ra tiếng. Khương vật ngửa Khủ, một tay ghè vào cổ, một tay cầm tóc dập đầu Khủ xuống đất. “Thằng con hoang… thằng con điếm…”. Bất ngờ, Lam chạy tới, quên hết sợ hãi, tay Lam run run vơ một nắm cát ném vào mặt Khương. Chỉ nghe “á” lên một tiếng, Khủ lật người đấm một cú hết sức, máu chảy ra mồm thằng Khương đỏ lòm. Khương ề ề khóc bỏ đi. “Đợi đấy, rồi mày sẽ biết tay tao, thằng con hoang kia…”. Lam đỡ Khủ dậy, giọt nước mắt vô tình rơi vào lòng tay Khủ nóng hổi. Giọng Lam vẫn còn run run: “Em sợ nó đánh anh chết”. Khủ cười hề hề: “Chết làm sao được”. Thằng Khương mách cô giáo. Vừa vào lớp, ngay lập tức cô giáo quát: “Khủ, xin lỗi bạn Khương ngay”. Lam đứng dậy: “Thưa cô, bạn Khương đánh bạn Khủ trước ạ”. “Em Lam ngồi xuống. Đánh con người ta ra nông nỗi này còn lì lợm à. Đúng là…”. Mặt thằng Khương vênh lên, đầu lắc lư vẻ đắc ý lắm. Khủ nhìn xoáy vào mặt cô: “Thưa cô, cô định nói đúng là gì? Cô không được xúc phạm em!”. “Tôi nói em xin lỗi bạn Khương ngay rồi làm bản kiểm điểm. Tôi sẽ trình việc này lên Ban Giám hiệu”. “Thằng Khương xúc phạm em, em không xin lỗi”. Khủ bước thẳng ra khỏi lớp, chạy về, nó thoáng nhận ra Lam bám ở cửa sổ nhìn theo, mắt nhoè nhoẹt nước. Từ hôm ấy Khủ bỏ học luôn.
Ông bà ngoại mất. Mẹ không về. Chẳng ai biết mẹ ở đâu mà tìm. Trời mưa tầm tã, như buồn đau, như cứu rỗi hai linh hồn đáng thương về thế giới bên kia thanh thản. Thầy Tào bỏ “xính cáo” bao nhiêu lần, vẫn một xấp, một ngửa, có nghĩa ông bà ngoại vẫn còn có gì đó vướng bận, chưa yên lòng lúc ra đi. Có tiếng xì xầm: “Mất hết tình yêu thương không biết rồi nó sẽ ra sao?…”. Tuần hương mới được thắp lên. Thầy Tào bỏ “xính cáo” một lần nữa. Hai xấp. Mọi người thở phào: “Tình yêu thương sẽ làm con người ta đổi khác…”. Người làng đến phúng viếng đã về hết. Căn nhà bé nhỏ, xiêu vẹo bỗng trở nên rộng thênh. Lần đầu tiên Khủ mong mẹ về. Khủ thấy cô đơn. Khủ thèm một mái ấm gia đình… và Khủ nhớ Lam. Khủ nhìn trân trân lên trần nhà, từ lâu mạng nhện đã giăng kín. Suy nghĩ của Khủ cũng nhằng nhịt như mạng nhện. Khủ tưởng tượng Lam đang đi học một mình, con đường buồn tênh rụng đầy hoa chó đẻ. Rồi Khủ lại tưởng tượng Khương đợi Lam ở cuối đường, hai đứa dắt tay nhau đi. Trời ơi! Khủ thèm đi học quá! Khủ muốn cùng Lam đi chung một con đường…
Khủ quỳ xuống lạy con trâu trắng sừng vênh. Tạ ơn và tạ lỗi mày Sừng vênh ạ! Ông buôn trâu thấy lạ, mắt tròn xoe nhìn Khủ. Từ khoé mắt của con Sừng vênh rịn ra hai dòng nước đùng đục, phải chăng vì sống quá già nên nó đã cóp nhặt được chút hiểu biết về tình cảm con người, nó đang khóc đấy. Khủ lấy tiền bán trâu, sắm thuyền, sắm rọ, theo bọn anh Chài, anh Át lênh đênh thả rọ trên hồ. Thỉnh thoảng Lam dắt trâu ra chỗ khủ hay đánh rọ để thả. Hai đứa ngồi trên đồi mua lồng lộng gió. Lam thường kể chuyện ở trường, ở lớp, những chuyện học được trong sách cho Khủ nghe. Khủ ngồi lặng im. Đến khi Lam đứng dậy dắt trâu về, Khủ mới giật mình tiếc nuối: “Có chuyện gì mai Lam lại kể cho Khủ nghe nhé!”.
Lâu lắm không thấy Lam ra. Nghe nói Lam đang ôn thi Đại học. Một chiều Khủ thấy Lam thẫn thờ ngồi trên đồi mua, ánh mắt buồn trôi theo những đám mây ngũ sắc. Khủ bỏ thuyền rọ chạy lên. Lam vẫn ngồi yên, mái tóc dài tung bay trong gió. Lam đã hoá thành thiếu nữ từ lúc nào. Khủ ngồi sát lại bên Lam. Những cánh hoa mua rung rinh, tím bừng lên trong chiều. Có cái gì đó lạ lắm. Lam quay mặt đi, hai má nóng bừng. Một đàn chim thiên di bay ngang qua, chúng mải miết vỗ cánh về chân trời xanh thẳm. Bất chợt có một con chấp chới, chấp chới rồi bị bỏ rơi lại phía sau. Khủ nắm lấy tay Lam, giọng thoáng thảng thốt: “Mai Lam đi học Đại học rồi… Không biết Lam còn nhớ Khủ?…”. Lam giận dỗi bấu cánh hoa mua ném vào ngực Khủ: “Sao lại không, hỏi thế mà cũng hỏi”. Lam đi học Đại học. Khủ thường một mình lang thang trên đồi mua. Hoa, gió, nắng chiều và những buổi đánh rọ trở nên chán ngắt.
Một ngày Lam về, dáng thướt tha đi bên những lùm hoa mua. Trông Lam khác quá. Vẻ đẹp tươi sáng của gái thôn quê có pha chút đài các của tiểu thư con nhà quyền quý trên thành phố. Lam xé vụn những cánh hoa trên tay, mải miết trông theo những con sóng phía xa. Một lúc, Lam ngả đầu vào vai Khủ tin cậy. Từ chân đồi, đám trẻ chăn trâu kéo nhau chạy lên: “Chị Lam, anh Khủ yêu nhau kìa chúng mày ơi!”. “Thế thì tổ chức đám cưới thôi”. Lũ trẻ nhao nhao kéo tay Lam và Khủ: “Anh Khủ ơi, chị Lam ơi, chơi trò cô dâu chú rể nhé”. Thoáng chốc lũ trẻ đã chia thành hai nhóm, một bên là nhà trai do thằng Chỉnh đại diện, một bên là nhà gái do thằng Dậu đại diện. Nào ổi, quả mua và cả khoai lang chúng vừa bới trộm, được bày la liệt ra cỏ. Thằng Chỉnh có bố biết hát quan làng nên học lỏm được mấy câu, đứng lên bắt giọng như người lớn: “E hèm… Kính trình quý họ, ờ… ờ… con tôi làm nghề đánh rọ, nay đến tuổi lấy vợ, xin đến dạm hỏi…”. Lũ trẻ nhảy lên nhao nhao: “Dạm gì? Cưới chính thức chứ”. “Thôi, nhà trai im đi để nhà gái nói nào”. Thằng Dậu đứng lên: “Kính trình quý họ chăn trâu, mười giờ bảo giờ này tốt lắm, xin rể vào lễ tổ, tổ phù hộ bình an, sinh con được con ngoan, sinh cháu làm nên thầy…”. Mấy thằng tròn mắt ngạc nhiên: “Mày học lỏm đâu được bài đấy?”. “Hê hê!… thì đi xem đám cưới anh Cù, nghe bố thằng Chỉnh hát quan làng chứ ai”. Đến đoạn thằng Chỉnh đứng dậy tuyên bố mời cơm, mời rượu, cả lũ mang ổi ra ăn. “Nào, đưa cô dâu, chú rể vào động phòng thôi!”. Lũ trẻ chăn trâu đứa kéo tay, đứa đủn lưng, dẫn Lam và Khủ về căn lều bé tẹo, mái lợp bằng lá chuối, dưới nền trải đầy hoa. Căn lều khuất sau những lùm hoa mua và hoa chó đẻ. Thằng Chỉnh chỉ roi trâu lên trời dõng dạc: “Cô dâu chú rể động phòng đi. Tất cả anh em ra hồ tắm”. Lũ trẻ múa roi vun vút, lùa trâu chạy về phía Làng Ven tìm bãi tắm. Nắng chiều làm má Lam đỏ hồng. Lũ trẻ đi rồi, Khủ nắm lấy tay Lam thì thầm: “Ước gì là thật nhỉ?”. “Là thật đấy! Khủ muốn thế không?…”. Lam kéo Khủ vào lòng, người nóng rực, hơi thở phập phồng, gấp gáp. “Nhưng Lam chưa học xong mà”. “Lam chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi… nếu không… Khủ sẽ mất Lam đấy…”. Mùi hoa dại, mùi đất quê, mùi tóc, mùi cơ thể Lam làm Khủ như bay lên. Lạ lẫm, hồi hộp, háo hức… Có ai ngờ đâu trò chơi giả vờ của trẻ con lại là thật.
Lam bận thi tốt nghiệp, ba tuần không về. Ngày thả rọ, thỉnh thoảng Khủ lại ngóng lên đồi mua mà nhớ Lam quay quắt. Anh Chài trêu: “Có tý rồi, bố ai mà chịu được. Nghe nói con bé xinh lắm à? Nhưng yêu ai đừng yêu một trăm phần trăm, nhỡ đâu bị đá còn có cái để mà sống”. Suýt nữa thì Khủ nổi cáu. Lam không bao giờ là người như thế. Anh Chài đã xúc phạm đến tình yêu trong sáng, chân thành của Khủ và Lam. Giọng anh Chài trở nên khinh khỉnh: “Yêu nhau là một chuyện, lấy nhau là một chuyện. Chú với hơi cao đấy”. Khủ đạp thuyền đi, không thèm nói chuyện nữa. Phía trước mặt Khủ, bầu trời hiện lên muôn vàn vì sao xanh lấp lánh. Khủ tưởng tượng ra một mái ấm nho nhỏ, vợ đi dạy học trong xã, chồng đánh rọ trên hồ, rồi sẽ có những đứa con, sáng chúng đi học, chiều về giúp bố đút mồi rọ. Càng nghĩ Khủ càng thấy lâng lâng trong hạnh phúc. Tháng mười ta, gió lạnh heo hút thổi, những cánh hoa rơi tím lịm trên đồng. Lam về, ôm chầm lấy Khủ, hai đứa cầm tay nhau chạy về phía đồi mua. Giọng Lam nhẹ bẫng trong gió: “Tối nay Khủ qua nhà Lam nhé”. “Qua làm gì?”. “Qua thưa chuyện với bố mẹ chứ sao”. “Khủ không có bố, mẹ không biết ở đâu… thưa chuyện thì phải có người lớn và có lễ chứ?”. “Khủ cứ sang thưa chuyện đã, một mình cũng được”. “Lam lấy Khủ thật ư?… Lam không chê…”. “Khủ đừng nói thế. Lam quyết định rồi. Lam không đợi được nữa đâu…”. Chập tối Khủ qua nhà Lam, nửa vui mừng, nửa ái ngại, nửa lại thấy lo lắng mơ hồ. Khủ mở cửa vào, lễ phép: “Cháu chào hai bác ạ!”. Mẹ Lam đang băm rau cho lợn, quay mặt vào bếp chẳng nói gì. Tiếng dao cốc cốc chém xuống thớt dồn dập. Bố Lam ngồi bên bàn nước lặng im. Ở buồng trong Lam gục mặt khóc, tiếng khóc ngày một tức tưởi nghẹn ngào. Mẹ Lam nén giận dữ và cay nghiệt: “Mình là người có học hành, nghề nghiệp tử tế, có phải bị ế đâu hả con?!”. Khủ lẳng lặng ngồi xuống bên bàn nước, loáng thoáng nhận ra chuyện chẳng lành. Giọng bố Lam nhát gừng, lành lạnh: “Lúc nãy bác đã nghe con Lam thưa qua mọi chuyện. Hai bác vất vả bao năm nuôi nó ăn học, mong tìm cho nó chỗ đàng hoàng. Hai bác đã nhắm được một chỗ. Là thằng Khương con chủ tịch xã, cháu có biết không?…”. Thằng Khương! Lại là thằng Khương. Tai Khủ ù đi. Khủ không muốn nghe nữa. Nếu nghe nữa Khủ sẽ điên lên mất. Bình tĩnh lắm Khủ mới nói được câu xin phép ra về. Khủ đi như trốn chạy. Lại ánh mắt Lam nhoè nhoẹt nước với theo. Rồi ánh mắt ấy tan ra, thành muôn vàn mảnh thuỷ tinh, vỡ vụn trong lồng ngực Khủ. Một bóng đen lù lù xuất hiện ở cổng. “Đũa mốc mà đòi chòi mâm son à? Lam là của tao biết không? Thằng con hoang…”. Khương túm lấy ngực áo Khủ, tung một cú đấm như trời giáng. Khủ gục xuống chân Khương, máu túa ra mồm mằn mặn. Không còn biết đau là gì nữa, Khủ vùng dậy, bao nhiêu căm uất dồn hết vào hai cánh tay. Thằng Khương bị một đòn ngã ngửa ra đằng sau, nó lồm cồm bò dậy, chạy đi bật cốp xe, rút ra một cây côn sắt sáng loáng, đánh vuốt nách vù vù. Một nhát côn sượt qua bả vai, bất thình lình Khủ áp sát Khương, dùng cùi chỏ vuốt mạnh từ ngực lên cằm. Đó là miếng đòn rất hiểm Khủ học từ anh Chài. Thằng Khương nằm sõng soài dưới đất, cây côn văng ra một bên. Từ nhà Lam, ánh đèn pin loang loáng. Bố mẹ Lam hộc tốc chạy ra. Vẳng bên tai, Khủ còn nghe rất rõ tiếng mẹ Lam đắng xót: “Khổ thân con! Vào nhà rồi mẹ bóp thuốc cho. Chấp gì cái quân thất học ấy”. Trời đất như sụp đổ trước mặt. Những bước chân vô định. Khủ lang thang trên đồi mua trong đêm như kẻ mộng du. Khủ nhận ra giữa Khủ và Lam là một khoảng trống vô hình sâu hun hút. Phải rồi! Lam xinh đẹp, được học hành. Khương làm quản lý các dự án xây dựng, nhà vừa có tiền lại vừa có thế. Còn Khủ… Khủ chỉ là thằng con hoang, quân thất học, một thứ dân mạt hạng nhất ở cái xã này. Sao cái đầu ngu ngốc của Khủ bây giờ mới nhận ra. Hôm sau Khủ thu rọ, đạp thuyền xuôi mãi về cuối dãy Mông Sơn. Khủ căm hận bố mẹ Lam, căm hận Khương. Lòng tự trọng và tự ti không cho phép khủ gặp Lam nữa… Hơn một tháng sau Khủ mới quay lại làng Cà. Vừa trông thấy Khủ, anh Át vội vã chèo thuyền tới: “Khủ à, đi đâu giờ mới quay lại. Chiều nào cái Lam cũng ra đây đợi mày. Khổ thân con bé, nó cứ khóc mãi, chắc nó yêu mày lắm đấy!”. Mắt Khủ cay xè, lòng buồn hoang hoải như vừa đánh mất thứ quý giá nhất. Táp thuyền vào bờ, Khủ cuống cuồng chạy vào làng. Anh Át gọi với theo: “Khủ đi đâu đấy?”. “Em đi tìm Lam…”. “Thôi tìm gì nữa, Lam vừa lấy chồng. Nghe nói lấy thằng Khương con Chủ tịch”. Khủ khuỵ xuống đồi mua, những cánh hoa cuối mùa tả tơi bay trong gió. Nỗi tủi nhục căm uất lại trào lên đắng nghẹn trong cổ họng…
Khủ ốm ly bì, với một thời gian dài sống trong trầm uất. Khủ thường mơ thấy Lam, lần nào mơ cũng thấy Lam đau đáu nhìn Khủ, nửa tủi hờn, nửa trách móc. Tờ lịch cũ rụng rơi lại thay tờ lịch mới, thời gian không làm nguôi nỗi nhớ và tình yêu Khủ dành cho Lam. Làng Cà nghèo xác xơ bắt đầu cựa mình theo nhịp sống hiện đại. Chỗ Lam vẫn thường đợi Khủ đi học trước kia mọc lên quán bia kèm theo vài phòng hát. Đám thanh niên choai choai bắt chiếc thói ăn chơi đêm đêm rủ nhau ra uống bia rồi hát í éo đến gần một, hai giờ đêm. Vài lần Khủ có ra quán bia ấy, chỉ gọi cốc bia rồi tìm một góc vắng, nhìn ra đường, nơi có những lùm hoa chó đẻ phơn phớt tím, đầu óc nghĩ ngợi không đâu. Nỗi đau dần nguôi ngoai khi Khủ gặp Ngát, cô gái bán bia ở quán Karaoke ấy. Ngát trắng trẻo, xinh đẹp, dịu dàng, đôi mắt ướt long lanh như muốn nhấn chìm người khác. Ngát kể, nhà Ngát ở miền Tây, bố mẹ mất sớm nên ra ở với bà Vịnh chủ quán, là chỗ quen biết bố mẹ Ngát xưa kia. Khủ nghĩ, phải chăng ông trời không nỡ lấy đi của ai tất cả. Cuối cùng Khủ cũng gặp được người đem lòng yêu Khủ, không phải với cao. Ngát thường theo Khủ lên thuyền, rong ra giữa hồ. Ngát nằm cuộn tròn trong lòng Khủ, mơ mộng nhìn con sóng dập dềnh, nụ cười đắm đuối, em nhỏ nhẹ: “Em yêu anh! Mãi chỉ yêu một mình anh thôi”. Trăng mười sáu vành vạnh in xuống đáy hồ. Làng Cà thấp thoáng những mái nhà đen thẫm, ưu tư. Anh Chài nằm trong sạp thuyền ngêu ngao hát, tiếng hát trầm đục, buồn buồn. Khủ nổi lửa, chọn những con tôm to xiên nướng. Mùi thơm sực vào mũi, anh Chài nhổm dậy, gỡ bình rượu treo ở mui thuyền: “Làm tí đi mày”. Anh Chài rót rượu ra bát. Hai anh em tỉ tê nói chuyện. Ngà ngà say anh Chài hỏi: “Lại yêu hả?”. “Vâng. Là Ngát bán bia ở quán bà Vịnh”. Giọng anh Chài bỗng trở nên u ám: “Sự suy đồi thường ẩn trong tấm áo mỹ miều, đánh bẫy con người bằng vẻ ngây thơ đấy…”. Khủ thấy nóng mặt: “Anh ám chỉ gì vậy?”. Anh Chài như gằn từng tiếng: “Lòng dạ đàn bà luôn ẩn chứa sự phản trắc, làm sao mày biết được”. Khủ bực tức: “Anh bị đá nhiều nên bị ám ảnh, ám ảnh đến nỗi ế vợ. Anh tưởng con gái ai cũng thế chắc?”. Anh Chài đứng phắt dậy, nói như quát vào mặt Khủ: “Mày muốn tao chứng minh cho mày biết không?”. Khủ ngang ngạnh: “Anh chứng minh đi”. Anh Chài nhếc mép, khinh khỉnh và bí hiểm: “Để rồi xem”. Khủ bỏ sang thuyền, đạp đi. Khủ thấy gét và coi thường anh Chài, người mà từ trước tới giờ Khủ luôn trân trọng, người duy nhất còn lại thân thiết với Khủ. Những ngày sau đó anh Chài và Khủ không nói chuyện với nhau. Quán nhà bà Vịnh dạo này đông khách. Ngát ít có thời gian ra với Khủ hơn. Khủ nằm ngửa trên xạp thuyền, nhìn những đám mây đen kịt dật dờ trôi trong trời đêm, lòng đầy ắp nỗi cô đơn. Từ những đám mây Khủ như thấy Lam hiện về, từng giọt nước mắt rơi, vỡ tan thành muôn vì sao lấp lánh. Rồi vẳng đâu đó giọng Ngát dịu dàng: “Em yêu anh! Mãi chỉ yêu một mình anh thôi”. Anh Chài xộc thuyền tới, nói một câu cộc lốc rồi đạp đi: “Tối nay mười giờ ở khe Bó nhé”. Mười giờ. Khủ khe khẽ cho thuyền lướt thật nhẹ vào khe Bó. Thuyền anh Chài neo cạnh bãi sậy. Có tiếng cựa quậy, vật vã trong khoang. Giọng nói nghe quen quá: “Em yêu Khủ cơ mà”. “Em yêu Khủ nhưng em vẫn thích ra đây với anh!”. Con thuyền khẽ chao nghiêng, chùng chình. Trăng lếnh loáng, nhễ nhại. Chiếc quần màu hồng Ngát vẫn thường mặc vứt rúm dó cuối khoang thuyền. Lại một lần nữa trời đất xụp đổ trước mặt. “Đồ khốn nạn!… đồ đĩ!…”. Khủ hét lên, mái chèo điên loạn chém xuống mặt hồ.
Từ hôm đó, không thấy Khủ đánh rọ ở làng Cà nữa. Một thời gian sau, Khủ lù lù trở về, râu mọc tua tủa, mặt lầm lì, không nói chuyện với ai. Làng Cà bé nhỏ vốn bình yên bỗng trở nên u ám khi xuất hiện một căn bệnh lạ. Người đầu tiên mắc bệnh là anh Chài. Đang khoẻ mạnh cường tráng, chỉ trong vòng một tuần anh Chài gầy tóp teo chỉ còn ba mươi lăm cân, mặt mày phờ phạc, hốc hác như thần chết hiện hình. Anh Chài được đưa đi bệnh viện, nhưng lạ thay, bệnh viện không phát hiện ra bệnh gì. Người nhà đưa anh Chài về, anh nằm trên giường, mỏi mệt, chân tay run lẩy bẩy, thỉnh thoảng anh bật tiếng ho khan, máu theo nước bọt bắn ra ngoài. Người tiếp theo mắc bệnh là mẹ Lam, rồi đến bố Lam. Triệu chứng bệnh cũng như vậy nhưng kèm theo đau da, động vào chỗ nào cũng đau. Chẳng mấy chốc, bố mẹ Lam cũng như bóng ma vật vờ, ánh mắt đờ đẫn, hơi thở phều phào, kiệt quệ. Người làng Cà hoang mang thực sự. Có người bảo, hay là anh Chài và bố mẹ Lam làm điều gì đó không tốt nên bị trời phạt. Chỉ mấy người già hốt hoảng nói với đám con cháu: “Độc nhảng đấy! Lại xuất hiện rồi!…”. Lũ trẻ con ngơ ngác hỏi: “Độc nhảng là gì?”. “Độc nhảng là một loại bột rất độc được chế từ lông con sâu nhảng và lá độc trên rừng. Từ xa xưa, làng Cà đã có người biết độc nhảng, thứ thuốc bắt nguồn từ lòng thù hận…”. Có điều lạ là độc nhảng đã bị thất truyền từ lâu, tại sao giờ lại xuất hiện? Ai biết thứ thuốc chết người đó?… Có tin đồn rằng Khủ biết độc nhảng. Một đồn mười, mười đồn trăm. Thoáng chốc tin Khủ thả độc anh chài và bố mẹ Lam lan đi khắp làng. Người làng Cà sợ sệt, xa lánh Khủ. Có người độc mồm: “Đúng là đồ con hoang, con điếm vô học mà”; có người bức xúc: “Đồ độc ác! Học cái nghề thất đức ấy về làm gì chứ”; có người lại bảo: “Tại mất hết tình yêu thương, lại bị phản bội, dối lừa nên nó mới thành ra vậy”.
Hồ nước vẫn rì rầm sóng hát. Chân trời xa, những đám mây ngũ sắc lại hiện về như cổ tích. Bất chợt Khủ thấy Lam từ trên đồi mua đi xuống. Lam đau đáu nhìn Khủ, nửa vui mừng, nửa buồn tủi trách móc. Khủ dụi mắt. Không phải mơ mà sao hình ảnh Lam cứ nhoè đi. Lam thả thằng bé kháu khỉnh đang bế xuống: “Ra với bố đi con!”. Thằng bé nhìn mẹ ngơ ngác: “Sao lại có bố nữa hở mẹ?”. “Đây mới là bố của con…”. “Là bố thật hả mẹ? Bố này có đánh mẹ như bố Khương không?”. “Không! Bố Khủ yêu mẹ lắm! Không đánh mẹ như bố Khương đâu”. Những giọt nước mắt Lam lại hoá thành muôn vàn mảnh thuỷ tinh vỡ tan trong lồng ngực Khủ, nhưng sao, khủ nghe lòng mình ấm áp. “Khi biết thằng Mua là con anh, Khương đã bỏ đi với người khác… em và Khương li dị rồi… sao ngày đó… anh bỏ em đi!… sao anh…”. “Kìa Lam! Đừng khóc nữa… đừng khóc nữa…”.
Hôm đó, đám trẻ con chăn trâu hớt hải chạy về gọi người lớn. Mọi người kéo nhau ra nhà Khủ. Ngôi nhà trống hoác, gió thốc tơi bời đám lá khô từ ngoài sân bám đầy trên mạng nhện. Khủ đã bỏ đi. Trên bàn thờ để lại ba thang thuốc giải độc. Phía sau bếp, chiếc chum đất to vỡ tan tành. Những con sâu nhảng đen sì, to bằng ngón chân cái, bị đập chết phòi ruột. Khủ và mẹ con Lam đi đâu? Không ai biết. Gió cuối mùa ào ạt thổi, những cánh hoa mua tả tơi rơi tím bầm cả vạt đồi. Chỗ những cuống hoa vừa rụng nhú lên chi chít quả mua non. Bầy trâu vẫn bình thản gặm cỏ, tiếng mõ lốc cốc gõ vào chiều vắng bình yên. Có ai đó nhắc lại câu nói khi Thầy Tào bỏ “xính cáo” xấp đôi trong đám tang ông bà ngoại Khủ: “Tình yêu thương sẽ làm con người ta đổi khác…”.
Tác giả: Nông Quang Khiêm – Thực hiện: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *