Bài nổi bật

Duyên quan họ – Lê Phi Hùng

RadioVn.Com – Lúng liếng, đông đưa, thẹn thò, duyên tỏ…Cõi hồn ta, ra ngẩn vào ngơ…
Hoàng hôn bảng lảng đỏ quạch cả mặt sông Sài Gòn. Những chiếc thuyền buông trôi theo dòng nước, lả lướt như lá mùa thu. Hưng khoanh tay đưa ánh mắt nhìn về phía xa xa. Ở đó chẳng có gì, ngoài chân trời tím xám tưởng như sắp tan vào không gian hoang vắng. Tự nhiên anh nhớ đến mấy câu thơ khắc khoải, bồn chồn của Xuân Diệu:
“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em”.
“Này anh bạn. Cứ ngồi đợi người yêu đi”, câu nói của người chủ quán giải khát làm Hưng dịu đi đôi chút. Anh lập bập trả lời: “Cám ơn,… tôi đứng đây một chút cho mát thôi”.
“Cô gái dễ thương bữa trước vẫn chưa tới à?”, vẫn tiếng người chủ quán bật ra vô duyên, thọc mạch. “Cô ấy đã về Bắc”. Không phải là Hưng, mà chính người đàn ông thọc mạch chợt thở dài. Hoa đèn đã giăng đầy đường phố. Trong đầu Hưng, những câu quan họ bỗng tràn về dào dạt. Và hình ảnh chia tay với nàng tiên quan họ chợt hiện ra bổi hổi.
*
* *
…Con nước cứ liếm dần lên bờ đá. Hưng lặng lẽ khi ngồi bên Thúy Loan, cô diễn viên xinh nhất của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh đang biểu diễn ở thành phố. Ngày mai Loan sẽ trở về miền quê “Bên kia sông Đuống”.
Truyện đêm khuya – Duyên Quan Họ
Từ tối đến giờ, hai người nhâm nhi mãi mà chưa uống hết nước hai quả dừa Xiêm. Loan thích ăn cùi dừa. Cô dùng chiếc thìa nhỏ, nhẹ nhàng vạch những đường nạo bên trong chiếc sọ, tạo ra những sợi cùi mảnh tang. Sau đó Loan đưa nó lên cao, ngửa đầu têm sợi dừa trắng ấy qua đôi môi son của mình. Khi dây cơm dừa đã khuất hẳn trong hàm răng đều như bắp, nàng ngậm miệng lại và đôi lúm đồng tiền ở hai bên má hiện ra trước mắt Hưng. Ghé sát miệng vào tai Hưng, Loan thì thầm:
– Khi nào nước lên đến bờ đá, chúng mình chia tay nhau anh nhé.
Anh khẽ gật đầu mỉm cười. Nhưng sau cái gật đầu vội vàng ấy, Hưng mới thấy “lỡ dại”. Anh chữa lại:
– Khi nào hết khách ở đây mình về cũng được.
Loan đong đưa đôi vai:
– Em mà về muộn mọi người nói chết.
– Để anh chịu “trận” thay cho.
– Họ biết anh đâu mà chịu?
– Hôm đoàn biểu diễn trong Trung tâm huấn luyện bay dân dụng, anh là người được lên giao lưu hát quan họ với em cơ mà.
– Cái anh này, khôn như rận.
Hưng vặn người vì một cái véo tay của Loan bên mạn sườn. Nhưng ngay sau đó, một mùi hương thơm dìu dịu quyến rũ ập vào mũi Hưng. Gương mặt của anh đầy những sợi tóc mềm như tơ của Loan theo gió tràn lên. Người Hưng nóng ran. Anh mạnh dạn nắm lấy bàn tay Loan. Bàn tay nàng nhỏ nhắn như một cánh chim. Nó giống cánh chim biển quá, nhưng mềm và mát hơn nhiều. Loan để yên tay mình trong lòng bàn tay nồng ấm của Hưng, ánh mắt của cô lơ đãng nhìn theo con tàu du lịch đang chở khách dạo trên sông.
– Nước lên lẹ quá ha – Tiếng một cô gái ở bàn bên cạnh làm Hưng giật mình. Giờ phút chia tay với Loan đang ngắn dần. Trên đôi môi mận chín của cô, câu hát “Kẻ Bắc, người Nam” đã thoang thoảng, nhức nhối đến quặn lòng. Loan khẽ hát. Tiếng hát mượt mà của cô muốn níu thời gian ngừng trôi. Nhưng cuối cùng thì âm thanh đứt ruột ấy vẫn thoảng thốt lên nỗi niềm vương vấn cháy tim gan: “Chúng em rầu lòng vậy, cầm lòng vậy ứ ôi hừ…”.
*
* *
Thứ 5 tuần trước nữa, Hưng được rời tàu lên phố sau nhiều ngày chuẩn bị cho chuyến đi Trường Sa sắp tới. Về sân bay Tân Sơn Nhất, anh được người chị gái mời đi nghe hát dân ca quan họ Bắc Ninh ở Trung huấn luyện bay Hàng không, nơi chị đang công tác. Hưng khấp khểnh tắm rửa thật sớm để ăn chiều và chở chị Mai cùng bé Hà Mi đi xem.
Đêm quan họ, mọi người kéo đến chật cứng cả hội trường. Hưng may mắn được ngồi ở hàng ghế đầu. Sau lời giới thiệu như suối thơ của người trưởng đoàn, những giai điệu trong bài “Mời trầu” vang lên. Hưng dán mắt vào những cái nhìn đong đưa, tình tứ và những đường cong hình thể đầy chất Bắc của các liền chị. Bất chợt ánh mắt của anh như bị găm lại trước cô gái có khuôn mặt gương soi, thẹn thò bên chiếc nón ba tầm. Đôi má lúm đồng tiền tròn như đồng xu, cứ ẩn hiện bên cạnh cái miệng chim quyên, làm câu mời trầu càng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Hình như anh đã quen cô gái này từ lâu lắm rồi. Đầu óc Hưng giăng đầy những ký ức tuổi thơ. Các liền anh, liền chị rời sân khấu. Họ đem những miếng trầu têm cánh phượng đến mời khán giả. Thật bất ngờ, Hưng được chính cô gái đang hút hồn anh mời trầu: “Không ăn cầm lấy, cho nhau bằng lòng – Trầu này, trầu tính trầu tình”. Đến khi cô gái trở lại sân khấu rồi mà lòng bàn tay Hưng vẫn còn khum khum như đang muốn nắm thêm một cái gì nữa. Nhìn điệu bộ của Hưng, chị Mai mỉm cười hỏi nhỏ:
– Em làm sao thế? Có phải đã “mê” người quan họ rồi không?
Thấy Hưng khẽ lắc đầu, bé Hà Mi bồi tiếp: “Con trông cậu như người mộng du à”. Chàng trai trẻ chỉ kịp dứ nhẹ vào đầu bé gái thì trên sân khấu, người giới thiệu chương trình đang đề nghị khán giả lên giao lưu hát với đoàn. Biết Hưng mê những làn điệu dân ca này từ nhỏ và cũng thuộc một số bài, chị Mai động viên: “Lên đi em”. Chị Mai vừa nói hết câu, người dẫn chương trình đã đến tận chỗ Hưng ngồi. Chị ta nói: “Xin mời anh lên hát với quan họ chúng em vài lời”. Không thể từ chối, Hưng hít thở thật sâu để lấy thêm tự tin và đứng dậy. Người giao lưu với anh không ai khác lại là cô gái có tên Thúy Loan thướt tha lúc nãy. Thúy Loan nói thoảng với Hưng: “Anh hát với em bài “Còn duyên” nhé”. Chàng thủy thủ gật đầu. Khi tiếng nhạc dạo vang lên, lời ca thánh thót của Thúy Loan đã vút cao. Con mắt long lanh, sắc như nước của cô vạch một đường nhìn ngang mặt của Hưng. Cuối cùng thì Hưng đã bắt được vào bài hát một cách tự nhiên. Giọng ca của anh ấm nồng, cũng “vang, rền, nền, nẩy” đắm say như một liền anh quan họ thực thụ. Câu trao duyên cứ quện lại với nhau, rồi lại trải ra mênh mang và ùa vào lòng người đau đáu, vời vợi như họ đang bay trên đất trời, sông nước miền quan họ.
Truyện đêm khuya – Duyên Quan Họ
Sau buổi diễn, Thúy Loan hiện ra trước cửa hội trường như một nàng tiên. Cô đã mặc quần jean, áo phông xanh bó sát lấy tấm thân đường nét. Hưng chưa kịp định thần thì bé Hà Mi đã kéo tay anh đến bên Loan. Rồi Hà Mi líu lô: “Cậu Hưng con xin tặng cô bông hồng này”. Hưng lóng ngóng trao nụ hoa cho Loan. Cô gái cười bẽn lẽn nói “Em cám ơn anh” và đưa tay đón nhận chân thành. Nhìn nàng tiên, anh cố sức hỏi:
– Em đã biết nhiều về thành phố chưa?
– Dạ – Một câu “dạ” nghe nhẹ như gió – Em chỉ biết một số chợ và siêu thị thôi ạ.
– Thế thì ngày mai em đi thăm khu du lịch Đầm Sen với anh nhé – Hưng bồng bột mời chào.
– Dạ, em không dám hứa trước.
– Em cho anh xin số điện thoại để mai có gì anh gọi – Sau câu gợi ý “thần tốc”, đúng với phong cách Hải quân, Hưng đứng nghiêm chờ đợi. Đúng lúc này, tiếng của chị trưởng đoàn lanh lảnh: “Loan ơi, chào “người ta” đi rồi về”. Loan mím đôi môi hình trái tim. Cô nhìn Hưng và nói nhanh: “Số điện thoại của em là 0912…”. Khi chiếc xe đã lăn bánh đi xa, Hưng vẫn còn đứng yên như hóa đá.
– Về thôi Hưng ơi – Tiếng chị Mai gọi làm Hưng bừng tỉnh.
Đêm đó, giấc ngủ của Hưng chập chờn những câu quan họ. Anh cứ nhắm mắt vào là hình ảnh thướt tha của Thúy Loan với bài dân ca “Nhớ mãi khôn nguôi” lại vẳng tới da diết. Cảm giác này làm cho Hưng nhớ lại một lần làm nhiệm vụ trên vùng đảo xa. Khi cách đảo chìm chừng 300 mét, tàu của Hưng đột ngột bị rung mạnh. Nước thủy triều rút quá nhanh làm cho bãi đá ngầm nhô lên. Con tàu bị đá vây tứ phía. Nếu không thoát nhanh sẽ bị mắc cạn. Hưng lập tức cho tàu lùi lại phía sau. Chỉ huy tàu ra lệnh: “Cẩn thận dãy đá bên trái. Sang phải 30 độ. Qua trái 15 độ”. Mồ hôi đầm đìa trên mặt và ướt đẫm áo Hưng. Anh cố dùng hai tay ghìm chặt vòng lái. Sau 15 phút, con tàu đã ngoan ngoãn theo vòng tay lái của Hưng ra tới chỗ nước sâu. Chỉ huy tàu vỗ vai anh nói: “Đường lái của cậu tuyệt lắm, như một câu quan họ ấy”. Trong đời mình, chưa bao giờ Hưng được nghe một lời khen điệu đà đến như vậy, nhất là ở trong tình huống khẩn cấp.
…Đêm Sài Gòn sâu thẳm. Hưng lật người nhìn ra cửa sổ. Anh mong trời mau sáng.
*
* *
Bảy giờ sáng, Sài Gòn tắm mình trong màu nắng tơ tằm. Hưng cứ cầm chiếc điện thoại di động ngó đi, ngó lại. Những ngón tay của anh mân mê trên bàn phím, miệng thì lẩm bẩm: “0912…”. Thời gian bị dồn nén theo hơi thở của anh. Không chịu được nữa, chàng thủy thủ bấm máy và nhắm mắt lại. “Có chuông rồi”. Tiếng chuông reo từ phía đầu máy bên kia còn chậm hơn tiếng con tim trong ngực anh đang gõ nhịp tính thời gian. Một giây… hai giây… năm giây… “Alô! Ai gọi đấy ạ?”. “Có… có phải Thúy Loan đấy không?”. “Dạ đúng ạ. Anh là…”. “Anh là Hưng tối qua đã được hát cùng em đây. Em khỏe chứ? Anh… anh đến chở em đi Đầm Sen nhé?”. “Chào anh, em khỏe. Nhưng… nhưng, e… m…”. Hưng bỏ nhanh chiếc máy điện thoại khỏi tai và đưa nó về phía trước ngắm nhìn trong giây lát. Nhưng ngay lập tức anh lại áp chặt nó vào bên má: “Em cứ ở đó, anh tới đón”. Không đợi cho cô gái trả lời, Hưng đã rồ ga lao thẳng ra phố.
Đường Tôn Đức Thắng rộng thênh thang. Hưng đứng dưới vỉa hè nhìn lên tầng 3 của khu nhà khách đau đáu. Đã hơn 20 phút chờ đợi mà chẳng thấy nàng tiên của anh đâu cả. Hay là cô ấy từ chối? Cây si bên cổng khu nhà ủ rũ buồn so. Hưng cúi mặt không muốn nhìn mọi vật xung quanh nữa. Anh bần thần định quay xe về, bỗng nghe thấy tiếng ai nói: “Em chào anh”. Thì ra là Thúy Loan, em đã đứng cạnh anh từ lúc nào. Đôi má lúm đồng tiền của cô chìm xuống kéo theo nụ cười đầy quyến rũ. Không gian trước mặt Hưng mở ra, ào ạt.
– Anh không mời em lên xe à? – Lại một nụ cười lúng liếng sau câu nói.
– Mời… mời Loan lên xe – Câu nói ngây ngô của Hưng làm cho Loan bật cười ngặt nghẽo: “Thế lúc chỉ huy bộ đội anh cũng như vậy à?”. Người sĩ quan lắc đầu. Anh vặn tay ga. Chiếc xe lướt nhẹ tênh và quay đầu đi về phía Tây thành phố.
Công viên Đầm Sen đẹp như ở chốn thiên đường. Ánh nắng vàng lồng vào cây cối, tạo ra những dải mát lồng lên những luống hoa. Hưng chạy theo bước chân sáo của Thúy Loan. Anh hòa điệu cười vào nụ hoa trên môi cô khi đi tàu điện trên không, rồi thử cảm giác mạnh trong các trò chơi thác nước, tàu lượn. Gần trưa, hai người mới chịu ngồi bên một gốc bằng lăng đang nở hoa tím biếc. “Sài Gòn đẹp quá anh nhỉ?” – Thúy Loan nghiêng mặt sang phía Hưng. “Ừ. Sài Gòn rất đẹp. Nhưng không hôm nào đẹp bằng hôm nay” – Hưng láu lỉnh. “Thật thế hả anh?”. Câu hỏi của người quan họ tan vào khí trời và đậu lại trong trí nhớ của Hưng. Loan cố lảng tránh cái nhìn đắm đuối của chàng thủy thủ. Nhưng càng tránh, cái nhìn ấy càng chìm xuống nặng hơn làm cho đôi má cô ửng hồng.
– Cứ nhìn em à – Thúy Loan liếc sang Hưng bẽn lẽn.
– Anh biết nhìn ai bây giờ – Hưng thật thà.
– Đừng. Em ngượng lắm.
– Em có yêu biển không?
– Em mê biển số 1. Ông nội em trước cũng là bộ đội Hải quân đấy.
– Ông em là bộ đội Hải quân à? – Hưng rướn người lên.
– Ông em đã hy sinh năm 1966 ở vùng biển Hải Phòng… – Giọng Thúy Loan trầm xuống. Hưng hơi ân hận vì đã gợi lại nỗi đau của người thiếu nữ. Anh nhìn Loan bối rối chẳng biết làm gì. Nhưng bất chợt nàng cầm tay Hưng lắc mạnh, nói: “Nếu có dịp, anh cho em ra Trường Sa với nhé”. “Nhất định rồi” – Mắt Hưng sáng rực. Anh cảm thấy rất hạnh phúc. Câu nói của Thúy Loan thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng trong lòng Hưng…
*
* *
Mưa. Một đám mây ôm đầy nước lững thững đi dọc theo sông Sài Gòn. Đến bến Bạch Đằng nó vỡ òa ra. Những đôi trai gái dìu nhau chạy tá lả nhưng vẫn cười giòn giã. Hưng nán lại bên cầu tàu. Cảnh vật đã bị mưa xóa nhòa, nhưng chiếc ghế mà hôm Hưng và Thúy Loan ngồi chia tay đang còn đó.
Gần 7 giờ tối, mưa vẫn nhạt nhòa trong ánh đèn trông như hoa tuyết rơi. Hưng chậm rãi đi lại phía chiếc xe máy để về doanh trại. Bến Bạch Đằng không một bóng người. Nơi ấy như còn vương lại hình bóng em, tiếng hát da diết của em trong câu quan họ xoắn lòng.
*
* *
Sau chuyến đi đảo xa lần ấy, Hưng đã gọi điện cho Thúy Loan liên tục. Anh kể đi, kể lại những câu chuyện về đại dương và chuyện ở đảo cho cô nghe. Anh kể nhiều đến nỗi Thúy Loan phải thốt lên: “Em đang muốn bay ra đảo ngay bây giờ đây”. Đã có lần, Hưng ví von với Thúy Loan là anh mê câu hát quan họ như người nghiện ma túy. Thúy Loan cười giòn giã và khích vui: “Thế thì anh tới trại để cai nghiện đi”. Hưng tếu táo: “Ma túy có thể cai nghiện được, nhưng nhớ quan họ thì trên thế giới này người ta chưa tìm ra thuốc chữa”.
Một lần được đơn vị cử đi công tác ở Hà Nội, Hưng tranh thủ thời gian lên tìm Loan. Trưa mùa hè nắng như đổ lửa. Cái nóng hầm hập như muốn nấu chín anh trên con đường nhựa loang loáng. Thế nhưng lối về quê hương quan họ cứ phơi phới theo tiếng bánh xe chạy tít trên đường. Chỉ có mẹ của Thúy Loan ở nhà, còn cô đã đi thi hát dân ca ở mãi tận đảo Tuần Châu-Hạ Long. Gương mặt Hưng thẫn thờ trong chiều vắng. Mẹ của Loan nói: “Em nó đi bốn bữa nữa mới về. Hay là anh đi Quảng Ninh thể nào cũng gặp”. Hưng không thể đi Tuần Châu được, vì anh còn phải tập huấn ở Hà Nội. Đứng giữa làng quan họ mà chẳng thấy người đâu, anh buồn thiu trong màu nắng đang nhạt dần. Anh cố hình dung những cô gái đi qua cổng là Loan. Nhưng càng hình dung, càng thấy đứt gan, nát ruột. Chiều đã chìm xuống gốc cây đa trước cổng làng. Hưng chào mẹ Thúy Loan và ghi địa chỉ nhà khách của mình để Thúy Loan có về sớm thì cô đến thăm anh.
Ngày Thúy Loan từ Tuần Châu trở về, cô lặng người khi biết Hưng đến tìm mình. Mặc dù hơi mệt sau một chuyến đi dài, cô vẫn tức tốc phóng xe về Hà Nội. Vội vàng đến nỗi Loan không kịp gọi điện thoại cho Hưng. Trong mấy ngày hội thi, đã có lúc Thúy Loan ước ao khi biểu diễn xong, cô sẽ nhìn thấy Hưng ôm một bó hồng nhung lên tặng. Khi được Ban tổ chức trao giải A, cô càng khát khao nhớ đến anh hơn. Tuy nhiên, lúc đến nhà khách của Quân đội, Thúy Loan sững người khi nghe nhân viên ở đây thông báo Hưng đã lên tàu vào TP Hồ Chí Minh lúc 6 giờ sáng. Loan ngồi bệt dưới gốc cây sấu bên đường trong tiếng ve lắt lẻo gọi hè. Lòng cô như đang bị khô kiệt. Thành phố đan đầy xe cộ mà sao trống vắng đến lạnh người. Một cảm giác vời vợi, hụt hẫng lan tỏa khắp cơ thể cô. “Hưng ơi, giờ này anh ở đâu?” – Thúy Loan ôm mặt kêu lên.
*
* *
Cuối năm, tàu của Hưng nhận được lệnh chở hàng ra Trường Sa. Đúng lúc này, Hưng biết tin Thúy Loan cũng tham gia đội ca nhạc xung kích của Trung ương đoàn ra đảo biểu diễn phục vụ bộ đội. Lòng Hưng rạo rực như có lửa. Anh hy vọng sẽ được đón Thúy Loan trên chiếc tàu thân thương của mình. Thật không may, đoàn của Thúy Loan lại đi theo chiếc tàu khác đậu ở cảng Cam Ranh đi ra phía Bắc đảo, còn tàu của anh phải chở hàng ra phía Nam đảo. Hôm con tàu rời bến, biển mấp mô một chân trời sóng bạc. Sóng tràn vào lòng Hưng, dâng lên bao dồn nén đợi chờ.
Truyện đêm khuya – Duyên Quan Họ
Đi hơn 10 hòn đảo lớn nhỏ phía Nam Trường Sa, tàu của Hưng nhận được lệnh cơ động gấp ra phía Bắc đảo để cấp cứu tàu bạn đang bị hỏng máy. Nghe tin này, Hưng muốn ôm cả trời biển vào lòng. Anh chỉ có nước là không hét to lên để biểu lộ sự sung sướng của mình.
Sinh Tồn xanh mướt dáng cây phong ba và cây bàng quả vuông. Gần tới con tàu của bạn, đồng đội của anh thả xuồng để sang đó sửa chữa máy. Hưng được giao nhiệm vụ lên đảo chở đoàn văn nghệ ra giao lưu với tàu của mình. Chiếc xuồng vừa chạm cầu tàu, Hưng đã nghe thấy tiếng gọi: “Anh Hưng! Anh Hưng ơi!”. Mái tóc của Thúy Loan bồng bềnh trong sóng gió đại dương. Hưng nhảy phắt lên mặt cầu như một con sóng lớn vỗ bờ. Anh chạy nhanh đến bên Loan. Bàn tay người thủy thủ vẫn vụng về nắm lấy đôi bàn tay của người quan họ. Hưng nhìn sâu vào trong mắt em không chớp. Cái nhìn của anh chìm dần, chìm dần. “Cứ nhìn em à”. “Trông Loan rắn rỏi quá”- Hưng ngắm nghía làn da đã được nhuộm màu nắng của Loan. “Em đã trở thành người “Trường Sa” được chưa?” – người quan họ thỏ thẻ. “Còn hơn cả thế nữa em”. “Nghĩa là như thế nào?”. Hưng mỉm cười không trả lời Loan, làm cho cô gái đứng ngây người như cây phong ba lúc trời cạn gió.
Sau những ngày miệt mài với đảo xa, nỗi mệt nhọc trong người như tan biến hết, các chàng thủy thủ xúm quanh Thúy Loan để nghe hát quan họ. Mọi người đẩy Hưng và Thúy Loan đứng sát vào nhau. Thuyền trưởng Mạnh Dũng tuyên bố:
– Chiều nay, chúng ta chứng kiến một cuộc hội ngộ kỳ diệu. Đó là cuộc gặp mặt của hai bạn trẻ: Thủy thủ Lê Hưng và ca sĩ Thúy Loan. Tôi nghĩ, có “duyên kỳ ngộ” mới đến được quần đảo yêu thương này. Xin mời các bạn hát cho anh em thủy thủ trên tàu nghe một bài giao duyên của người quan họ.
Thúy Loan cầm tay Hưng lảnh lót, nuột nà trong lời ca: “Sáng ớ xuân nay anh giữ biển trong xanh vời vợi. Cho đất mẹ muôn màu hoa. Lời í i ca xin í gửi chiến sĩ giữ đảo, vấn vương trong lòng, bao nhớ í a bao thương”. Hôm nay thì Hưng mạnh dạn hơn nhiều. Câu hát của anh hòa vào tiếng sóng biển, cuồn cuộn, nồng nàn vào lời ca trong vắt của Thúy Loan: “Ơi người tiếng hát vang giữa biển khơi, lúc chiều í i về… Ngày mai anh về là mai anh về. Lại cùng em, lại cùng em đi hội giữa trời tự do, với nụ cười xinh. Hát ngàn bài ca tâm tình”.
Những câu ca quan họ làm con tàu nghiêng ngả, sóng sánh như người đang say rượu. Hưng kéo Thúy Loan về phòng làm việc của mình. Khi chỉ còn lại hai người, Hưng cứ định nói một câu mà anh đã chuẩn bị từ trước, nhưng không thể thốt ra được. Nàng tiên quan họ cũng nhìn Hưng không chớp. Căn phòng khá lạnh làm cho cô gần như nép hẳn người vào thân hình lực lưỡng của chàng thủy thủ.
– Thúy Loan – Tiếng của Hưng bổi hổi.
– Anh – Cô gái ngước đôi mi cong lên chờ đợi.
– Ngày mai chúng ta lại xa nhau rồi. Em… em có nhớ biển không?
– Biết bao giờ em mới có dịp trở lại Trường Sa – Tiếng nàng đầy trống vắng.
– Anh sẽ đưa em ra Trường Sa lần nữa.
– Thật không Hưng? Anh đừng dối em đấy nhé.
Hưng kéo Thúy Loan vào trong vòng tay của mình. Anh cúi xuống đặt một nụ hôn nồng nàn lên ánh mắt chứa chan của người thiếu nữ. Biển trời nổi cơn giông tố. Hai người không nói với nhau bằng lời nữa. Hơi nóng hừng hực của thân thể, những nụ hôn cháy bỏng trên làn môi làm biển xanh cuộn sóng. Một lúc sau Loan đẩy Hưng ra giao ước: “Anh muốn yêu con gái Bắc Ninh, phải thuộc ít nhất sáu bài quan họ cổ”. “Em sẽ dạy anh chứ?”. “Anh có dám học không?”. Nàng cười như tiếng chim ca…
Sáng hôm sau, khi mặt biển loang loáng ánh bình minh, con tàu chở Thúy Loan đã quay đầu về phía đất liền. Cô ôm chặt lấy cành san hô mà Hưng mới tặng chiều hôm qua. Loan đứng trên mũi tàu nhìn về phía Sinh Tồn. Hòn đảo đang dần giấu mình sau những thảm sóng bạc, còn Thúy Loan lại cố giấu mọi người những giọt nước mắt nóng hổi. Con tàu của Hưng cũng quay đầu về hướng Nam. Trong ánh mắt của Loan bây giờ, nó chỉ còn là một dấu chấm than trên đại dương bao la. Đứng giữa biển trời mênh mông, cô ước ao mình được như cánh chim hải âu để ngày ngày bay theo con tàu của Hưng tới những chân trời, góc biển. Cảm giác nao nao, vương vấn trào lên làm Loan bật ra câu hát: “Nhớ mãi mà khôn có nguôi quan họ trở ớ ra về. Tấm i lòng em tưởng nhớ, luống những í là bâng có khuâng i. Hừ ối hừ là hứ hội hừ…”.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2005
Tác giả: Lê Phi Hùng – Người đọc:  Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *