Không có những đoạn miêu tả đầy sức gợi như truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, “Tên trộm hoàn lương” dày đặc chi tiết qua những lời kể mang tính hiện thực khách quan. Nhân vật chính của truyện là một tên trộm két sắt với bàn tay vàng và bộ đồ nghề có một không hai. Gã chưa bao giờ thất bại trong các phi vụ lớn và luôn có những mánh lới để qua mắt cảnh sát. Như bao người khác Jimmy nuôi mộng rửa tay gác kiếm, làm ăn chân chính khi mắc lưới tình. Nhưng cuộc đời éo le ở chỗ chính vào lúc đỉnh điểm khát khao sắp thành hiện thực, Jimmy lại phải giở ngón nghề cũ để cứu nguy cho cháu bé con chị gái của vợ sắp cưới. Đứng trước tình thế nguy khốn, cùng với bàn tay tài hoa thì lương tri con người trong tên trộm được kích hoạt. Gã đã hành động kịp thời mà không mang tới việc tất cả đã tố cáo quá khứ cố che giấu bấy lâu nay. Và như cởi được gánh nặng đè nén tâm can, Jimmy sẵn sàng cúi đầu nhận tội, đối mặt với hình phạt đích đáng cho các phi vụ trộm két sắt ngân hàng trước đó. Nhưng bất ngờ thay, và cũng vỡ òa trong một cử chỉ đẹp đến ngỡ ngàng mà nhà văn O.Henry đã trao cho nhân vật người chánh thanh tra trực tiếp nhận nhiệm vụ bắt giữ tên trộm khi đã có đầy đủ chứng cứ trong tay. Một truyện ngắn mà cái kết đã chạm và thỏa được ý nguyện của độc giả.
Lập xuân, khí trời ấm dần, chồi non hé nụ, vạn vật phơi phới, cũng là lúc đàn én từ phương xa trở về chao lượn ríu rít gọi bầy. Những cánh én màu xanh đen bóng mượt bay rợp ngọn núi bên kia sông Kim Sơn. Dưới chân núi là Truông Mây. Một vùng vắng vẻ, heo hút, cỏ cây rậm rạp. Chỉ có một đường mòn gập ghềnh len qua rừng mây ngút ngàn men theo dòng sông lên thượng nguồn. Mây rừng um tùm, gai góc sắc nhọn phủ màu xanh đậm trải từ sườn núi xuống. Thỉnh thoảng mới xuất hiện người đi lại. Họ là phu tìm trầm, thợ săn, tiều phu sống dựa vào núi rừng. Hoặc nông dân lúc nông nhàn vào núi tìm sản vật: măng, sim, chà là, chòi mòi, ốc đá, rau dớn, rau ranh… Trước kia, mỗi khi qua Truông Mây, ai nấy đều nơm nớp lo sợ thảo khấu cướp bóc, giết hại. Nhưng từ khi Lía nắm quyền chủ trại, họ luôn được chở che, bảo vệ.
Bấy giờ, ở một làng nhỏ bên sông Kim Sơn có nàng Trúc Nhã sắc nước hương trời. Nhiều chàng trai đeo đuổi cậy nhờ mai mối. Nhưng nàng lại chọn Vi Thượng. Chàng có chí tiến thủ, nghị lực kiên cường, đến tuổi trưởng thành đã là trang anh tuấn, văn võ song toàn. Thân phụ chàng trước kia làm quan, bị bọn gian nịnh vu oan hại chết. Thân mẫu buồn rầu lâm bệnh qua đời. Vi Thượng hiện sống một mình. Song đường Trúc Nhã đồng ý tác hợp cho đôi trẻ, đã tiến hành lễ sơ vấn, chờ ngày đại hỉ. Chiều xuân rộn rã, sắc xuân mượt mà, Vi Thượng cùng Trúc Nhã ra ngồi trên thảm cỏ mềm trên bờ sông. Chàng rút sáo ra thổi. Những cánh én từ trên cao nghe thanh âm chan chứa men tình dào dạt đắm say liền đảo mấy vòng rồi từ từ hạ xuống. Có con bụng phô màu trắng như đóa hoa tinh khiết, nuột nà đung đưa trước gió. Có con phô màu cam như bông lửa lập lòe. Đôi cánh chớp đều đều theo giai điệu trầm bổng du dương. Trúc Nhã trìu mến nhìn đàn én, dường như chúng đang sẻ chia niềm hạnh phúc ngất ngây dâng trào trong lòng nàng.
Lúc này ở Đàng Trong chúa Nguyễn Phúc Khoát ăn chơi hưởng lạc. Quốc cữu Trương Phúc Loan chuyên quyền làm nhiều điều tàn ngược. Triều đình hủ bại rối ren. Bọn quan lại trong triều ngoài cõi bất chấp thủ đoạn vơ vét, kiếm chác. Ở phủ Quy Nhơn có tên Đinh Phiệt giàu nứt đố đổ vách. Đinh Phiệt học hành lõm bõm. Hắn vung tiền mua quan tước và khéo luồn lọt nịnh hót quan trên nên hoạn lộ không ngừng thăng tiến, chẳng mấy chốc ngồi vào ghế tuần phủ Quy Nhơn. Với bản tính dâm dật, không ít thiếu nữ nhà lành đã bị hắn hãm hại.
Hôm đó, Đinh Phiệt đi kinh lí huyện Bồng Sơn. Tri huyện sở tại không lạ gì quan tuần phủ. Hắn họp các liêu thuộc bảo:
– Tìm một mĩ nữ hầu hạ quan. Ngài vừa ý, ta mới ngồi yên cái ghế này.
Tên chánh tổng ở cùng làng với Trúc Nhã giới thiệu nàng. Tri huyện cả mừng:
– Ngươi kíp bắt nàng ấy về ngay. Xong việc, ta sẽ trọng thưởng.
Trúc Nhã bị giải về huyện đường. Trông bộ dạng rũ rượi của nàng, tri huyện trỏ vào mặt quát:
– Nàng kia! Không được bi lụy! Phải vui vẻ tiếp quan lớn. Làm phật ý ngài thì tính mạng phụ mẫu nàng cũng khó bảo toàn. Chừng đó, đừng trách ta nghe.
Là người con hiếu thảo, lo sợ cho sự an nguy của song thân, Trúc Nhã đành cam chịu. Là kẻ ong bướm, không ít gái đẹp qua tay, nhưng chưa bao giờ Đinh Phiệt gặp một nhan sắc mĩ miều khiến hắn vừa gặp đã say như điếu đổ. Đúng là một báu vật hiếm có. Hắn mừng vô kể, kết thúc việc kinh lí, liền đưa nàng về phủ thành Quy Nhơn. Trúc Nhã cứ tưởng hầu rượu quan là xong, không ngờ lại bị Đinh Phiệt cưỡng ép theo. Thân liễu yếu đào tơ, trong hang hùm nọc rắn, nàng không có cách nào thoát được.
Chuyện xảy ra đột ngột làm Vi Thượng điếng cả người. Chàng ngày ngóng đêm mong, khổ công dò hỏi nhưng Trúc Nhã vẫn bặt vô âm tín. Không lâu sau, viên thư lại về làng báo tin, Đinh Phiệt đã lấy nàng làm thiếp. Vi Thượng căm giận tột cùng. Chàng lẳng lặng khăn gói lên thẳng Truông Mây.
*
* *
Hôm đó, Lía cùng các đầu lĩnh đang bàn tính công việc sắp tới. Bỗng một nghĩa quân vào báo có người muốn gặp chủ trại. Lía hỏi:
– Ai?
– Người ấy xưng Vi Thượng.
Lía đứng dậy:
– Để ta ra đón.
Vi Thượng chờ ngoài cổng. Lía hớn hở rảo bước lại gần, thân mật nói:
– Không ngờ gặp đệ ở đây.
Vi Thượng nói:
– Đệ có chuyện uất ức, xin được nương nhờ.
Lía thân mật:
– Sơn trại rộng cửa đón nhận. Đệ theo ta vào gặp các đầu lĩnh.
Mọi người làm quen chóng vánh, chuyện trò vui vẻ. Cuộc họp kết thúc, các đầu lĩnh lục tục rời trại chỉ huy. Còn lại hai người, Lía hỏi nguyên nhân đến Truông Mây. Vi Thượng kể sự tình. Lía phừng phừng lửa giận, vỗ bàn đứng dậy, nghiến răng trèo trẹo:
– Bọn cẩu trệ! Ta quyết giết hết chúng để báo thù cho đệ.
Vi Thượng cúi đầu:
– Đa tạ huynh!
Việc Vi Thượng gia nhập sơn trại là một bất ngờ thú vị với Lía. Cả hai trước có giao tình. Quê nội Lía ở huyện Phù Ly. Cha mất, mẹ dẫn Lía về quê ngoại ở thôn Phú Lạc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn nuôi dạy. Tính Lía khí khái, ngang tàng, một lần thấy bọn nha lại ức hiếp dân làng, Lía nổi giận đánh chúng. Một tên bị trúng chỗ hiểm chết ngay tại chỗ. Quan tri huyện Tuy Viễn đem quân vây bắt. Lía cõng mẹ bỏ chạy. Quan quân truy đuổi ráo riết. Tới huyện Bồng Sơn, Lía phải theo đường nhỏ rẽ lên núi thoát được. Nhưng tứ cố vô thân, cảnh vật xa lạ, lại đói khát, mẹ già kiệt sức. Trong bóng chiều nhập nhoạng, Lía đánh liều vào làng gõ cửa một nhà xa lạ. Đó là nhà Vi Thượng. Cửa mở. Thấy tình cảnh hai mẹ con Lía, Vi Thượng liền mời vào, làm cơm thết đãi. Xong đâu đấy, chàng ân cần hỏi han. Trước thái độ hào hiệp, chân thành của Vi Thượng, Lía tình thiệt kể tất cả. Vi Thượng sẵn căm ghét cường quyền, nghe xong, cảm phục nghĩa khí của Lía, chau mày suy nghĩ rồi nói:
– Nay thời loạn, đâu đâu cũng lắm oan trái bất công. Huynh đã giết người nha môn, bọn chúng sẽ đuổi cùng diệt tận. Huynh không thể trốn tránh mãi được. Trên ngọn núi kia hiện có một đám thảo khấu chiếm giữ. Chi bằng huynh lên đó nhập bọn tạm ẩn thân, rồi sau hãy tính.
Lía băn khoăn:
– Thế còn mẹ tôi?
– Bá mẫu tạm ở lại đây, tôi sẽ thay huynh chăm sóc.
– Xin nhận một lạy tạ ơn.
Lía vừa quỳ xuống, Vi Thượng vội đỡ đứng dậy:
– Đừng làm thế. Chuyện này, huynh không nên bận tâm.
Phải nói, Lía võ nghệ tuyệt luân. Lên Truông Mây, nơi cái lí luôn thuộc về kẻ mạnh, Lía đánh bại các đầu lĩnh, chiếm vị trí chủ trại. Lía rất thương mẹ, rỗi rảnh, thường ghé về thăm. Vi Thượng đối đãi mẹ Lía hết sức tử tế. Lía vô cùng cảm kích. Khi đã thân thiết, Lía nhận ra, Vi Thượng là cao thủ trong nghề cung kiếm, hiểu biết lại thâm sâu, kiến giải mọi việc đâu ra đó. Thực hiện lời khuyên của Vi Thượng, Lía giương cao cờ nghĩa chống lại triều đình, cướp của nhà giàu, chia cho nhà nghèo, gieo rắc kinh hoàng cho bọn tham quan, cường hào ác bá. Tiếng lành đồn xa. Nạn dân và những người bất mãn triều đình theo về ngày càng đông. Thanh thế Truông Mây ngày càng lớn. Mẹ Lía lâm bệnh nặng qua đời, Vi Thượng đưa linh cữu về quê ngoại Lía mai táng chu đáo. Nghĩa nặng tình sâu đó biết bao giờ mới trả được? Tận thâm tâm, Lía coi Vi Thượng vừa là tri kỉ, vừa là ân nhân.
*
* *
Đinh Phiệt mấy lần đem quân đánh dẹp căn cứ nghĩa quân nhưng lần nào tiến vào hiểm địa Truông Mây đều bị Lía dẫn phục binh bất ngờ xông ra đánh bại. Đinh Phiệt mất ăn mất ngủ cùng các liêu thuộc ngày đêm bàn cách tiễu trừ. Một tên tâm phúc thưa:
– Bẩm quan, việc cần thiết lúc này là mở một cuộc thi võ, tuyển chọn những nhân tài trong thiên hạ làm nanh vuốt, ban cho bổng lộc hậu hĩnh để họ một dạ trung thành, sẵn sàng liều chết báo đáp. Khi thực lực mạnh lên, việc tiêu diệt đám phản loạn Truông Mây mới khả thi.
Đinh Phiệt gật gù:
– Ngươi nói phải. Ta viết bản tấu bẩm báo với triều đình ngay lập tức.
Về tư thất, Đinh Phiệt đến phòng Trúc Nhã. Nàng ngồi tựa cửa sổ trông ra hoa viên. Nắng ban trưa úa nhàu cảnh vật. Màu vàng đơn điệu gợi lên nỗi ngao ngán xiết bao. Trúc Nhã lại nhớ Vi Thượng, nhớ những kỉ niệm thuở ban đầu thêu hoa dệt mộng, nhớ đàn én dập dờn chao liệng khi nghe tiếng sáo dặt dìu… Những kỉ niệm ấy trở đi trở lại trong giấc mơ rồi bất chợt thức giấc với nỗi nhớ tiếc tê tái bàng hoàng. Nàng bần thần tiếc nuối. Tưởng đâu sẽ được cùng nhau kết tóc se tơ, nào ngờ trong phút chốc phải cay đắng biệt li. Nếu có ngày được trùng phùng, tấm thân nhơ nhuốc làm sao xứng đáng với chàng. Nàng làm gì nên tội mà cao xanh cay nghiệt nỡ đày đọa dập vùi. Trúc Nhã càng thêm khổ đau, sầu thảm. Bất giác lệ rơi lã chã đẫm ướt cả má…
Vừa bước vào, thấy bộ dạng nàng, Đinh Phiệt hỏi:
– Cuộc sống nhung lụa quyền quý không làm nàng bằng lòng sao?
Trúc Nhã không đáp, gạt lệ cúi mặt.
Đinh Phiệt nói tiếp:
– Dẹp xong đám giặc cỏ Truông Mây, ta sẽ đưa nàng về làng ra mắt nhạc phụ, nhạc mẫu.
Mặt Đinh Phiệt lộ vẻ hí hửng. Hắn tưởng rằng nói vậy là Trúc Nhã sẽ vui mừng và biết ơn hắn. Vì đây là cơ hội mở mặt mở mày cho nàng và song thân. Xưa nay, được quan Tuần phủ đích thân tới nhà thăm hỏi đối với người dân thường vốn phận con sâu cái kiến là vinh dự vô cùng lớn lao. Huống chi, người bề trên thân phận cao quý đó giờ là con rể. Nào ngờ Trúc Nhã ngẩng mặt lên, mắt ráo hoảnh nói:
– Tôi không cần.
Vốn yêu chiều Trúc Nhã, Đinh Phiệt không chấp thái độ vừa rồi của nàng. Nhưng hắn lộ vẻ ngạc nhiên, không hiểu vì sao Trúc Nhã lại từ chối đặc ân lớn lao ấy. Hắn lắc đầu gượng gạo cười.
*
* *
Thánh chỉ về tới phủ thành Quy Nhơn, Đinh Phiệt tiến hành ngay công việc. Võ sĩ từ các lò được tin nườm nượp về dự thi. Họ tranh tài mục đích làm rạng danh môn phái. Ngoài ra, không ít người ước vọng bằng võ nghiệp bước lên thang mây. Cuộc thi có hai vòng: vòng một thi võ nghệ và vòng hai thi văn sách, hỏi về thao lược binh gia. Võ đài được dựng trên một khu đất bằng. Các võ sĩ biểu diễn một bài quyền tự do, hoặc sử dụng một loại binh khí thích hợp, rồi lần lượt đấu đối kháng phân loại. Vượt qua vòng một mới được thi tiếp vòng hai.
Tin cuộc thi võ đến Truông Mây, Vi Thượng nghĩ ra được cách cứu Trúc Nhã. Lía chấp nhận ngay kế táo bạo của Vi Thượng. Để qua mắt quan binh, nghĩa quân cải trang lẩn vào dân chúng từ khắp nơi kéo về phủ thành Quy Nhơn xem thi tài. Thời khắc khai mạc. Mọi ánh mắt đều hướng lên khán đài. Đinh Phiệt tiền hô hậu ủng chễm chệ bước vào ghế ngồi. Bên cạnh hắn là Trúc Nhã. Các lễ hội hoặc các sự kiện trọng đại, Đinh Phiệt thường đưa nàng tới dự. Vi Thượng đứng trong đám đông, nhìn nét mặt Trúc Nhã ủ dột, héo hon, chàng quằn quặn xót xa; trông bộ dạng phởn phơ của Đinh Phiệt, lòng bừng bừng lửa hận: “Tao sẽ băm vằm mày thành trăm mảnh mới hả giận.” Ở một chỗ khác, Lía ngó chăm chú người phụ nữ ngồi bên Đinh Phiệt. Sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn làm ngây ngẩn cả người. Lía từng mong muốn có nữ nhi kề cận bên mình nhưng chưa tìm được ai. Giá có được nàng ấy trong màn hầu hạ thì vui thú biết chừng nào. Nhưng nàng ấy có phải là người Vi Thượng muốn cứu ra không? Nếu đích thị thì phải tính làm sao đây? Lía cứ tơ tưởng, nghĩ ngợi, phân vân mãi…
Tổ chức xong vòng thi thứ nhất, quan binh phục dịch đã mỏi mệt. Việc bố phòng lơi lỏng. Thời khắc hành động đã đến. Đêm đó, đầu giờ sửu, Lía và Vi Thượng dẫn nghĩa quân chia làm hai mũi đánh thốc vào dinh quan Tuần phủ. Cuộc đột kích diễn ra chớp nhoáng. Quan binh trở tay không kịp, lớp chết, lớp bị thương, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Lía phân công, Vi Thượng giữ vòng ngoài. Lía tiến vào trong. Ở hậu đường, Đinh Phiệt nghe la hét ồn ào hấp tấp mở cửa phòng bước ra. Vừa lúc gặp Lía. Chẳng nói chẳng rằng, Lía vung đao chém một nhát chí mạng, giết xong Đinh Phiệt, liền bước vào phòng. Là nàng. Ánh nến bập bùng, mùi hương dìu dịu, nàng run rẩy đứng tựa vào rèm cửa sổ. Xiêm y thướt tha, tóc rũ trên vai, thịt da ngời ngợi, đôi mắt tròn đen buồn ươn ướt trông quyến rũ lạ lùng. Tấm thân đương độ xuân thì mơn mởn khêu gợi trong Lía cảm giác thèm muốn không cưỡng lại được. Cảm giác ấy như ngọn lửa thiêu đốt cháy bỏng. Người đê mê rạo rực, đầu nóng bừng, mặt đờ đẫn, Lía quay quắt bởi một ý nghĩ: “Được cùng nàng ân ái thì tuyệt biết chừng nào. Cơ hội trong tầm tay, không tận dụng thì thật uổng phí…” Lía lại gần hỏi:
– Nàng tên gì?
Dáng vẻ hoảng sợ, nàng ấp úng đáp:
– Tôi … tên Trúc Nhã.
Nghe cái tên ấy, Lía một thoáng chần chừ nhưng rồi vẫn không thay đổi ý định, liền gọi hai kẻ thân tín tới dặn nhỏ mấy câu. Chúng liền xông tới bắt Trúc Nhã áp giải đi theo lối cửa sau. Vi Thượng thấy Lía bước ra, sốt ruột hỏi:
– Huynh tìm được Trúc Nhã không?
Lía thản nhiên đáp:
– Không.
Rồi ra lệnh cho rút quân. Vi Thượng đứng như trời trồng. Bao nhiêu khổ nhọc tính toán cuối cùng đã thành công cốc. Gần một năm dài sống trong vò võ nhớ thương, hi vọng trùng phùng với với người mình yêu thương vừa được nhen nhóm bỗng tắt ngấm phũ phàng. Chàng chỉ còn biết ngậm ngùi trở về Truông Mây.
Tới sơn trại, Lía ra lệnh bắt giam Vi Thượng. Nhà ngục ở một chỗ riêng biệt, được bố trí canh gác cẩn thận, không ai được tiếp xúc. Những kẻ giữ ngục mặt lạnh như tiền, mồm câm như hến. Vi Thượng không hiểu tại sao Lía đối xử với mình tàn tệ như thế. Chắc có uẩn khúc gì đây. Chàng muốn gặp Lía để hỏi rõ lí do, nhưng không có cơ hội. Lía sắp xếp cho Trúc Nhã một phòng riêng trong trại chỉ huy, có người hầu kẻ hạ. Bấy giờ Trúc Nhã mới biết kẻ đưa nàng về đây là thủ lĩnh Truông Mây. Qua vài lần tiếp xúc, nàng biết Lía có tình ý với mình. Điều đó làm cho nàng luôn cảm thấy bất an. Nàng tự nhủ: “Nếu ông ta làm càn ra tay cưỡng đoạt, thà liều mình còn hơn chịu nhục.” Được ít hôm, đầu canh ba, Lía đột ngột vào phòng nàng. Trúc Nhã đứng phắt dậy:
– Sao ông vào phòng tôi giờ này?
Lía cười ha hả:
– Vì ta thích nàng.
Lía từ từ bước đến gần Trúc Nhã. Không ngờ nàng rút phắt dao kề vào cổ mình:
– Ông tới nữa, tôi sẽ chết ngay tức khắc.
Lía sửng sốt khựng lại, xua tay:
– Nàng… Nàng đừng hành động nông nổi! Bỏ dao xuống đi!
Trúc Nhã không hạ tay dao:
– Ông ra ngay! Đừng quấy rầy tôi!
Trước hành động quyết liệt của Trúc Nhã, Lía ngẫm nghĩ: “Già néo đứt dây, không khéo mất cả chì lẫn chài. Nàng thân cá chậu chim lồng chạy đâu cho thoát. Từ từ tìm cách.” Lía dằn ấm ức, giả lả:
– Nàng không đồng ý thì thôi, ta không ép. Nhưng hãy bình tâm nghĩ kĩ. Ở Truông Mây này, thuận theo ta là cách lựa chọn khôn ngoan nhất.
Lía đi rồi, Trúc Nhã mới hoàn hồn. Chuyện vừa rồi làm nàng phập phồng lo lắng, e rằng tình trạng này khó kéo dài được. Hôm đó, Trúc Nhã ngồi tựa cửa, u hoài nhìn xa xăm. Bất chợt có tiếng sáo vẳng tới nghe rõ mồn một. Nàng thổn thức: “Tiếng sáo của chàng!” Tiếng sáo làm trong lòng Trúc Nhã dậy muôn ngàn cảm xúc. Chàng đang ở rất gần. Có biết nàng cũng đang ở sơn trại Truông Mây không? Có hiểu tình cảnh hiện tại của nàng? Tiếng sáo nghe rất não nề. Giai điệu vời vợi chan chứa nỗi niềm ai oán, tiếc thương. Chắc có chuyện không hay đã xảy ra với chàng. Đó là chuyện gì? Nàng thấp thỏm, bồn chồn… Đêm khuya, nàng rón rén ra khỏi phòng, lần dò đi về hướng tiếng sáo. Vành trăng hạ tuần chênh chếch tỏa một vòm sáng lờ nhờ bao trùm cảnh vật. Bốn bề vắng lạnh, thâm u. Một nhà ngục hiện ra. Hai tên gác ngục gà gật lơ mơ. Nàng nín hơi, nhẹ lách vào. Bên trong, ngọn đuốc treo trên vách bập bùng, một người ngồi trong phòng giam. Nàng tiến lại gần. Người ấy nghe tiếng động ngước mặt lên. Vi Thượng! Nàng gấp gáp chạy tới, áp mặt vào song gỗ. Vi Thượng tóc tai bù xù, áo quần nhàu nát. Chàng sững sờ: “Nàng đấy ư?” Chân chàng bị xích vào cột nên không thể tới gần Trúc Nhã. Vi Thượng chua xót nghẹn ngào hỏi: “Sao nàng đến được đây?” Mắt ngấn lệ, Trúc Nhã vắn tắt nói cho Vi Thượng nghe mọi việc. Thì ra đây là lí do chàng bị Lía hãm hại. Vi Thượng âm trầm kể cho Trúc Nhã nghe những gì xảy ra từ lúc gặp Lía đến khi cùng vào phủ thành Quy Nhơn cứu nàng. Trúc Nhã kinh ngạc, nàng càng thêm khinh ghét Lía. Không ngờ vị thủ lĩnh Truông Mây lại là kẻ như vậy. Có tiếng chân đi về phía nhà ngục. Vi Thượng giục: “Bọn chúng tới! Nàng mau đi kẻo nguy hiểm!” Trúc Nhã bịn rịn, dùng dằng không rời… Lía bước vào. Một đám tay chân theo sau. Thấy Trúc Nhã, giọng Lía lạnh băng:
– Nghe người hầu báo, ta đã đoán nàng đến đây. Quả không sai.
Lía bảo thuộc hạ:
– Đưa nàng ấy về!
Trúc Nhã xẵng giọng:
– Để tôi tự đi.
Bóng nàng mất hút sau cánh cổng. Vi Thượng nhìn Lía, khinh khỉnh nhếch mép hừ một tiếng rồi quay lưng lê bước về chỗ ổ rơm. Lía tức tối trông theo, mắt chợt lóe lên một tia âm hiểm: “Hay là giết phắt nó đi, Trúc Nhã không còn gì để tơ tưởng, mình dễ dàng đạt mục đích.” Nhưng bất chợt lại nhớ tới ơn tri ngộ. Những ngày tháng mẫu thân được cưu mang. Ân tình xưa cũ hiện về. Làm sao có thể nhẫn tâm xuống tay được… Nỗi niềm ấy dằn vặt không thôi trên đường về trại chỉ huy.
*
* *
Triều đình bổ nhiệm quan tuần phủ Quy Nhơn mới. Vừa yên vị, quan đã bẩm báo với trấn thủ dinh Quảng Nam xin triều đình phái binh hùng tướng mạnh vào Truông Mây quyết san bằng căn cứ nghĩa quân. Quân triều vây hãm bốn bề. Giao chiến diễn ra giằng co ác liệt, kéo dài cả tháng trời. Binh triều chịu nhiều hao tổn vẫn không chiếm được thế thượng phong. Căn cứ nghĩa quân vẫn đứng vững. Quan tuần phủ là kẻ mưu mẹo, làm việc gì cũng kĩ càng, thận trọng. Dùng vũ lực không đạt mục đích, quan bèn nghĩ kế khác. Biết người tiền nhiệm Đinh Phiệt có người thiếp tên Trúc Nhã sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đã bị Lía bắt về Truông Mây, hiện được yêu chiều, quan sai người quản gia cũ của Đinh Phiệt trà trộn vào căn cứ nghĩa quân tiếp cận Trúc Nhã. Khi còn ở phủ thành Quy Nhơn, người quản gia này rất gần gũi với nàng. Được tin người quản gia từ Truông Mây báo về, môi quan nhếch một nụ cười…
Mỗi lần Trúc Nhã đến nhà ngục gặp Vi Thượng đều bị quân canh chặn lại. Sau lần ấy, việc canh giữ đã nghiêm ngặt hơn. Nàng đứng ngồi không yên: “Phải mau chóng cứu chàng. Chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tai họa lơ lửng trên đầu. Nhưng cách nào đây?” Càng nghĩ, càng thêm đau lòng. Một lần, nàng đang ngồi ủ rũ, tâm trạng rối bời. Chợt có tiếng gõ cửa. Nàng hỏi:
– Ai đó?
Một giọng nói quen thuộc:
– Tôi đây.
Nàng bước ra mở chốt cửa. Người quản gia bước vào. Ở Truông Mây, ông ta thường lui tới gặp nàng và tạo được sự tin cậy. Người quản gia nói khẽ:
– Có việc này cần phu nhân giúp đỡ.
– Việc gì?
Ông ta bước lại gần Trúc Nhã thì thầm một lúc. Trúc Nhã thất kinh:
– Sao tôi có thể làm được?
Người quản gia nhỏ nhẹ:
– Chỉ cần phu nhân ưng thuận, việc còn lại, tôi sẽ sắp xếp.
Trúc Nhã đắn đo một lúc rồi quả quyết:
– Được! Tôi sẽ thực hiện.
Nét mặt người quản gia giãn ra:
– Việc mà thành, triều đình sẽ ghi công lớn của phu nhân.
Trúc Nhã cười nhạt. Nàng không chú ý lời vừa rồi của người quản gia mà chăm chăm nhìn về phía nhà ngục…
*
* *
Quân triều đình đột ngột rút lui. Chiều hôm đó, Lía bày tiệc rượu khao quân. Trúc Nhã ngồi cùng bàn với các đầu lĩnh. Nàng vui vẻ trò chuyện, thỉnh thoảng e thẹn liếc nhìn Lía, mặt ửng đỏ. Lía khấp khởi mừng thầm. Lần đầu tiên Trúc Nhã thể hiện thiện cảm với mình. Phải chăng nàng đã chuyển ý? Mình sắp toại nguyện? Được nàng tự nguyện dâng hiến tấm thân ngà ngọc còn gì vui sướng bằng? Hôm nay đúng là song hỉ. Tiệc rượu diễn ra sôi nổi. Trúc Nhã nâng li mời các đầu lĩnh. Lía hào hứng cao giọng: “Rượu nàng mời, các ông phải nể mặt ta uống cạn đấy nhé!” Ai nấy đều hưởng ứng. Trúc Nhã cười cười rót thêm một lượt nữa. Cứ thế… Rượu uống mềm môi… Đến tối, tiệc tan, người dự tiệc ra về. Hầu hết đều say mèm. Tới phòng, Lía nằm lên phản, mọi thứ chung quanh chao đảo, mắt nặng như đeo chì, chẳng mấy chốc khép lại mê man…
Theo mưu kế đã định, lúc chạng vạng, quân triều lẳng lặng quay lại, bí mật áp sát căn cứ nghĩa quân, nhận được tín hiệu, bất ngờ xông vào. Nghĩa quân lơ là phòng bị nên nhanh chóng vỡ trận. Tiếng hò hét ầm ĩ làm Lía tỉnh dậy. Nhận ra mình bị trói vào phản, Lía tức tối quát lên:
– Ai trói ta?
Trúc Nhã vừa lúc từ trong phòng bước ra, giọng lạnh băng:
– Là tôi!
Thấy nàng, Lía tròn mắt kinh ngạc, miệng lắp bắp:
– Là… nàng ư? Chẳng phải… nàng đã quy thuận ta rồi sao?
Trúc Nhã thản nhiên:
– Chỉ có làm vậy tôi mới cứu được chàng. Đây là hậu quả mà kẻ vong ân bội nghĩa như ông đáng phải chịu.
Nàng lạnh lùng đi thẳng về phía nhà ngục. Mặt Lía sầm lại, nhớ tới dáng vẻ Trúc Nhã trong tiệc rượu, hận tức sôi trào. Thì ra mình bị mắc lừa. Lía giãy giụa cố thoát khỏi dây trói nhưng đành bất lực. Cuối cùng ráng hết sức vùng dậy mang cả tấm phản chạy vào bóng đêm mịt mùng. Quan binh lục soát khắp nơi vẫn không bắt được Lía… Trong khói lửa bừng bừng, người quản gia chạy đôn đáo tìm Trúc Nhã nhưng tuyệt không thấy bóng dáng nàng.
Quân triều đình rút đi. Truông Mây trở nên hoang tàn đìu hiu. Tiết trời xuân nhưng không thấy một cánh én nào. Mọi người buồn bã bảo nhau, chúng đã hoảng sợ rời bỏ Truông Mây. Mấy hôm sau, trên một mỏm đá nhô ra lưng chừng núi, Trúc Nhã ngồi bên Vi Thượng, nàng âu yếm nép đầu vào vai chàng. Vi Thượng xúc động bồi hồi. Sau những gì đã trải qua, khoảnh khắc này với chàng quý giá biết chừng nào. Vi Thượng rút sáo ra thổi. Thanh âm réo rắt vút lên giữa tầng không. Những giai điệu miên man tha thiết dạt dào. Gió mang tiếng sáo chạm vào màu vàng cam rực rỡ của ráng chiều. Trên bầu trời xa xa, bỗng xuất hiện mấy chấm đen bay về Truông Mây. Những chấm đen mỗi lúc một nhiều, rõ dần. Đàn én trở về. Chúng ríu rít chao liệng làm xao động cả Truông Mây…
Cách mỏm đá không xa, Lía nắm chặt chuôi gươm chằm chằm nhìn Vi Thượng và Trúc Nhã. Lía cứ đứng lặng như thế hồi lâu. Chợt cất một tiếng thở dài rồi lặng lẽ quay gót. Bóng khuất dần trong rừng mây…
Phường Bình Định, ngày 20/9/2021
P.H.H