Bài nổi bật

Hai người cha – Lê Văn Thảo

Với cách viết bình thản, chậm rãi, truyện ngắn “Hai người cha” của nhà văn Lê Văn Thảo mang lại cho người đọc, người nghe cảm giác đây là một câu chuyện với chất liệu có thực ở đời thường. Hoàn toàn có thể bởi trong chiến tranh không hiếm những hoàn cảnh thân phận con người như vậy. Nhưng ngòi bút nhà văn không nặng về kể lể nguyên cớ, nỗi niềm hay giăng mắc sự khó xử thường tình. Qua lời cậu bé tìm cha, thuật lại bao vất vả, khó nhọc cuộc ngóng đợi của người mẹ và cảnh đời tuổi thơ côi cút tội nghiệp. Nhà văn không chỉ gợi nỗi cảm thương về nông nỗi cảnh đời cậu bé mồ côi mẹ, thất lạc cha bơ vơ phiêu dạt mà còn khắc họa hình ảnh nỗi đau, nỗi cô độc của người lính cả đời trận mạc, vợ con đều đã mất trong chiến tranh. Cậu bé nhận nhầm cha. Người lính biết rõ điều đó nhưng ông tự nhủ cứ tạm nhận cậu làm con, cưu mang cậu cho đến ngày tìm được người cha thực sự. Hai mảnh đời khuyết thiếu đã nương tựa vào nhau, tình thân được chắt chiu vun đắp qua những năm tháng sau chiến tranh còn vô vàn khó nhọc, vất vả. Cho đến khi người lính tìm được người cha thật sự của cậu bé, nay đã trưởng thành. Từ tâm thế một người từng trải giang rộng vòng tay cưu mang nuôi nấng một mảnh đời côi cút, ông nhận ra chính người con nuôi cũng đã biết sự thật bao lâu nay. Anh đã thực sự coi ông như một người cha, tự nguyện lãnh trách nhiệm phụng dưỡng ông tuổi xế chiều. Một câu chuyện về tình người, về nghĩa cử lặng thầm mà cao đẹp, dưới ngòi bút kể chuyện trung hậu, giản dị, giọng văn bình thản và những “khoảng trống” để người đọc tự chiêm nghiệm, truyện ngắn “Hai người cha” của nhà văn Lê Văn Thảo đọng lại trong người đọc, người nghe những cảm xúc vừa ấm nóng vừa trong lành…(Lời bình của BTV Võ Hà)

1 – Mấy tháng sau ngày giải phóng, độ cuối năm, Tám Khoa vẫn còn ở trong doanh trại quân đội. Một hôm có đứa con trai chừng mười lăm tuổi tìm đến hỏi đúng tên họ ông, nói:
“Ba là ba của con”.
Tám Khoa chưng hửng, nhưng chưa vội nói gì cả, ngắm nghía đứa nhỏ. Nó trông dễ thương quá, mắt sáng long lanh cao lớn khỏe mạnh, bận bộ đồ bà ba đen lầm bụi, chiếc túi xách nhỏ choàng chéo qua vai, hẳn đi từ xa tới. Nó nhìn ông cười mãi trong niềm vui khôn tả. Ong nghĩ bụng: “Khoan đã, để coi sao đã, chắc có sự lầm lẩn gì đây. Tạm thời cứ như vậy đã”. Thế là ông không nhận cũng không từ chối, nói vòng quanh lập lờ để dò la tìm hiểu:
“Con đi xa lắm phải không? Đói bụng không? Nghỉ đi, rồi kể mọi chuyện cho ba nghe”.
“Con tên Thanh”, đứa nhỏkể. “Má chết rồi, chắc ba không hay đâu hả?”.
“Được rồi. Kể tiếp đi”.
“Con từ dưới Cà Mau lên đây, không phải ở Năm Căn chỗ ba gặp má đâu, mà ở tận Cái Bát, nơi con làm công cho lò đường. Con đi ròng rả cả tháng trời, cũng vừa hết tiền. Không gặp ba ở đây con không biết đi đâu. Chắc vừa rồi ba có về Năm Căn tìm má phải không? Ba đi rồi má ở đó đợi ba lâu lắm, làm mướn cho một rẫy dưa, gánh nước tưới rẫy suốt ngày, có khi tới nửa đêm, bà chủ rẫy cất chiếc chòi giữa rẫy cho hai má con ăn ngủ ở đó…”.
“Làm sao má con chết?”.
“Bị bịnh. Má bịnh lâu lắm mới chết. Má kể con nghe mọi chuyện để sau này con biết đi tìm ba. Đây nè con còn giữ quyển sổ má ghi tên họ ba, có ghi ba làm đặc công hay trinh sát gì đo”.
“Trinh sát”.
“Đúng rồi. Má nói ba đi bộ đội từ nhỏ, sau này tìm gặp ba chắc ba làm lớn lắm”.
“Làm lính thôi. Nhưng nói chuyện con đi. Má chết rồi con ở đâu? Sống ra sao? Sao từ Năm Căn về làm lò đường ở Cái Bát?”.
“Con cực lắm! Má chết rồi bà chủ rẫy thương tình vẫn cho con ở, nhưng bắt con phải tưới rẫy. Con mới tám tuổi xách nước ì ạch lật đổ hoài, bị bà chủ la mắng. Con tủi thân một hôm chun trốn dưới chiếc ghe chở mía, ghe chở tuốt con về Cái Bát đổ lên một lò đường. Con thành người làm công cho lò đường từ đó, vác mía ép mía tới giờ có thể đứng máy được rồi. Con ở đây chơi với ba một thời gian rồi trở về lò đường cũng được”.
“Cứ ở đây đi”, Tám Khoa buột miệng nói.
“Con biết ba thương con. Con cực lắm sao ba không thương được. Ba coi tay con bị lá mía cắt nè, hai vai con chai cứng như có miếng da trâu ở đó. Nhưng con biết sau này ba còn sống con sẽ tìm gặp ba, hai cha con mình sống sung sướng với nhau. Má dặn rất kỷ, kể nhiều chuyện về ba, con hình dung ba giống y như vầy. Hôm giải phóng con đi tìm ba ngay, hỏi thăm nhiều người, có ông cán bộ già chỉ đường con đến đây. Con ở chung với ba được không? Con nấu cơm giặt giũ, lo mọi chuyện nhà cửa cho ba đi làm”.
“Con còn phải đi học. Con học tới đâu rồi?”.
“Con có học hành gì đâu. Hồi má còn sống dạy con chút đỉnh, má chết rồi con chỉ có tưới rẫy vác mía thôi. Thôi con học bao nhiêu được rồi, con muốn làm việc gì tiếp giúp ba. Ba đi kháng chiến cả đời, còn lo cho con nữa sao? Má kể chuyện ba đi kháng chiến hồi còn nhỏ, đời ba cực khổ. Một lần đơn vị hành quân qua Năm Căn, ba gặp má cùng hoàn cảnh thương má ngay. Nhưng ba là bộ đội, có giặc phải đi. Ba đi rồi chỗ đó thành vùng trắng, bom đạn mù trời. Bà chủ rẫy ham trồng dưa bám ở lại, má ở đó là để đợi ba. Thương má lắm ba ơi! Lúc sống cũng như lúc chết má cực khổ trăm bề, má dặn đừng kể ba nghe sợ ba buồn lòng. Ba cũng có chuyện cực của ba. Và dù cho ba má không sống chung với nhau, sau này con lớn lên tìm gặp ba, má chết cũng yên lòng”.
“Má chết lúc nào?”.
“Má chết lúc con tám tuổi, không biết bịnh gì, không thấy má uống thuốc. Có tiền đâu  mà uống thuốc? Tiền công tưới rẫy chỉ đủ ăn uống, mua quần áo. Má bịnh rồi vẫn phải tưới rẫy. Khu rẫy cạnh bờ sông, nhưng các luống rẫy chạy dài vào trong đồng xa hằng mấy trăm thước, suốt ngày má ì ạch với đôi thùng nước, người ướt đẫm, từ sáng tới chiều, rồi tới giữa đêm, con đi lẩm đẩm theo  má một chút vào ngủ trên ổ rơm, má tưới rẫy xong vào ngủ với con. Một đêm giữa khuya thức giấc không thấy má vào ngủ, con trở dậy đi tìm má, thấy má té nằm chết giấc trên một luống rẫy, đôi thùng nước ngã đổ nước chảy lênh láng…”.
“Thôi được rồi, con ở lại đây đi”, Tám Khoa nói, làm dấu chấm cuối cùng cho một quyết định mơ hồ,  vô lý nhưng không thể nào cưởng lại được.

2 – Bởi đứa nhỏ đâu phải con ông. Ông đúng tên họ đó, ở đơn vị đó, nhưng hồi đơn vị hành quân về Cà Mau ông đâu có đi. Cả đời ông cũng chưa từng về vùng đó. Ông có vợ con nhưng chết cả rồi, tự tay ông chôn cất, trong chiến tranh ở rừng miền Đông.
Nhưng đó là chuyện đã qua. Giờ đứa nhỏ đang ngồi trước mặt ông, dễ thương quá chừng, nôn nóng muốn gặp cha nó nên vội vả nhận lầm ông. Cũng đâu có sao! Điều quan trọng là nó chẳng còn chỗ nào đi nữa, tám tuổi đã tưới rẫy, giờ lang thang đi tìm cha trong thành phố rộng mênh mông, sau ngày giải phóng rối mù như thế này. Hảy để nó ở lại đây ít ngày, ông tạm nhận là cha nó, để nó có chỗ ở. Rồi sau đó ông sẽ chỉ đường cho nó đi tìm cha, hoặc đích thân ông sẽ dẫn nó đi. Nó tìm gặp được cha rồi ông sẽ vỗ vai người đồng đội nói: “Tôi trả con cho anh đây. Tôi đã làm cha nó một thời gian, cũng thấy ấm lòng, đở cô đơn một thời gian”.
Quả thật ông đã ấm lòng, không phải về sau này mà ngay lúc đó. Đứa nhỏ đang ngồi trong phòng ông cao lớn khỏe mạnh, mắt sáng long lanh, tóc chải rẻ, lưng ưởn thẳng chiếc túi xách để trong lòng. Một đứa con bỗng dưng hiện ra như thế này! Đứa con của ông không chết cũng bằng cở này, hảy để đứa nhỏ này thay vào chỗ đó. Chỉ ít ngày thôi, hoặc lâu hơn cũng được.
Vậy là đứa nhỏ ơ với ông, kêu ông bằng ba, bởi ông giả làm như thế. Và nhiều khi ông cũng tưởng lầm như thế. Ngày tháng trôi qua, không thấy ông nói ra sự thật với đứa nhỏ, dẫn nó đi tìm cha nó. Vội làm gì, trước sau rồi nó cũng gặp cha nó thôi. Để ít ngày nữa. Giờ ông đang bận lắm, ông biện bạch như thế, thành phố mới giải phóng đang trong thời kỳ quân quản. Ông đi làm việc suốt ngày, về nhà nhìn thấy đứa con hết mệt ngay. Nó lớn lên trông thấy, chẳng mấy chốc đã cao bằng ông. Phải cho nó ngủ giường riêng, ông đặt hai chiếc giường sát cạnh nhau, đêm nằm thò tay qua nắm tay nó, giở mùng lên nhìn mặt nó. Trước đây ông ăn cơm chung với anh em ở nhà bếp, giờ ông lảnh cơm về nhà hai cha con ăn với nhau. Buổi trưa buổi chiều hai cha con đi lảnh cơm, ông rề rà ở nhà bếp khoe với mọi người đứa con mình thế này thế nọ…
Ông quên hẳn chuyện đưa đứa nhỏ đi tìm cha nó chăng? Không, ông không quên. Ban đêm ông vẫn nằm thao thức tính đến chuyện đường đi nước bước, phải tìm đến chỗ nào gặp đơn vị nào. Nhưng ban ngày ông chỉ tính chuyện hiện tại. Phải lo cho nó đi học, tìm nhà riêng cho nó, chọn cho nó một nghề sống về sau này… Chắc cha thật nó cũng muốn như vậy. Nó lớn tồng ngồng chỉ biết đọc biết viết, không thể cho nó học trường phổ thông, nó đi học bổ túc ông phải xa nó. Cuối cùng ông quyết định cho nó học trường nghề. Ông tự mình đi nộp đơn, như chính ông đi học vậy, chọn nghề in cho gần với chữ nghĩa. Hôm nó nhập học ông cùng đi với nó, vào ngồi cùng bàn, hết giờ cùng ra về.
Những đêm khuya thanh vắng ông giở mùng nhìn vào mặt đứa con nói thì thầm: “Ít nữa thôi ba sẽ đưa con đi tìm gặp ba con”.
Nhưng “ít nữa” của ông kéo dài ra mãi. Ong tự biện luận với mình: nó đã vào học rồi để nó học xong đã, cha nó cũng không trách gì ông. Ong đã làm gì ngoài việc yêu thương chăm sóc nó? Hoặc giả nếu chẳng may cha nó không còn nữa thì sao? Biết ra sự thật rồi nó không thể ở đây, cũng không có chỗ nào để đi, trở về lò đường vác mía nữa hay sao? Vậy để mình ông giữ điều bí mật này, gánh chịu những trăn trở lo toan với chính mình.
Ngày tháng trôi mau, đưa con lớn lên như mầm cây dưới ánh nắng, còn ông thì già đi.
Đứa nhỏ đã học xong, không phải nghề nghiệp cao sang gì, chỉ là người thợ in. Nhưng như vậy cũng được rồi, chuyện chấp vá những mảnh đời sau chiến tranh làm sao trọn vẹn được.
Nhưng cũng đã đến lúc nói ra sự thật với đứa con. Sao khó khăn đến như thế này? Tại ông để lâu quá chăng? Càng yêu thương gắn bó với nó, ông càng trở thành người có lỗi chăng?

3 – Một buổi tối ông kêu đứa con lại nói:
“Vậy là con đã học xong rồi. Có nghề trong tay, chỉ là người thợ, siêng năng chăm chỉ có thể sống hết đời. Ba cũng vừa xin được căn nhà bên ngoài, nhà nhỏ thôi ở trong hẻm, đó là nhà riêng của hai cha con mình. Nhà nước cho ba vì công lao ba đi kháng chiến, và sau này của con vì con là con của ba. Vậy là xong mọi bề. Chỉ còn lo cưới vợ cho con nữa thôi. Con đã tính chuyện đó chưa?
Đứa con cười tủm tỉm:
“Con tính rồi”.
“Ba cũng có nghe, cô bạn học nghề của con phải không? Vậy là con sắp sống cuộc đời riêng của con, nên ba có chuyện này muốn nói với con…”.
Đứa con lại cười tủm tỉm:
“Chuyện gì vậy ba?”.
“Chuyện như vầy…”, Tám Khoa ấp úng mãi, lời nói không thoát ra được khỏi miệng, “Giờ con đã lớn, sắp lấy vợ đẻ con, ba phải nói con nghe điều bí mật… Nhưng trước tiên ba mong con đừng trách ba… Chẳng qua ba quá thương con…”.
Ong lại lòng vòng nữa, nhưng đứa con đã cười nói:
“Con biết rồi ba à”.
“Con biết gì?”.
“Con cũng có điều muốn nói với ba, nhưng tính để thủng thẳng… Để đến ngày cưới, ngày vui của con, hai cha con mình nói với nhau”.

4 – “Để thủng thẳng”, đứa con lại dùng phương sách của ông. Được rồi, vậy ông sẽ đi một mình, đi tìm cha nó dẫn về đây cho nó. Ong xin phép đơn vị nghỉ hẳn một tháng. Đây là lần đầu tiên ông lo việc riêng của mình, nói với đứa con ông có miếng đất dưới quê cần phải giải quyết. Vậy là ổn thỏa cả. Ong lục lại chiếc ba lô cũ, bận lại bộ đồ bộ đội đã sờn rách, ra bến xe mua vé đi về miền Tây vùng quê nước nổi ông chưa từng đến bao giờ. Vậy là đã hơn mười năm đứa con của ai đó làm con ông, giờ ông sắp trả nó về cho cha nó. Nghĩ cũng vui, nhưng cũng thấy đau thắt trong lòng. Có hai  nơi để ông về tới: đất mủi Năm Căn nơi đứa nhỏ sanh ra, và Cái Bát nơi lò đường nó làm công. Ông về Năm Căn trước. Cha đứa nhỏ nếu còn sống, sau ngày giải phóng ắt cũng tìm về đó. Ông đi mất ba ngày, ăn ngủ trên xe hơi đò máy đò chèo, các ghe chở cá chở củi. Ông về một vùng ngập nước lạ lẩm, chỉ thấy rừng đước rừng mắm, không có đường sá cầu  cống, nhà cửa thưa thớt đi lại chỉ bằng xuồng ghe. Ông mang theo quyển vở của đứa con, thỉnh thoảng giở ra coi địa chỉ bút tích của má nó, tìm đến những khu rẫy nhưng người ta nói: dân tình phá rừng nuôi tôm, nước ngập linh láng. không còn rẫy bái gì đâu.
Chiếc ghe chở củi thả Tám Khoa lên nhà một người đàn ông đứng tuổi sống một mình trong căn chòi với chiếc vó. Người đàn ông bị lãng tai, nói chuyện phải hét lên:
“Cho tôi ở với ông vài ngày được không?”.
“Hả?”.
“Cho tôi ở nhờ nhà ông, mình nhắc lại chuyện cũ chơi”.
“Ở đi”.
“Trước kia vùng này có người đàn bà làm nghề tưới rẫy, có đứa con trai nhỏ, ông có biết nhà ở đâu không?”.
“Ở đâu?”.
“Tôi hỏi ông mà?”.
“Ông tìm người đàn bà đó hả?”.
“Không, người đàn bà đó chết rồi. Tôi tìm người đàn ông chồng của người đàn bà đó. Anh ấy đi bộ đội, nếu còn sống sau ngày giải phóng thế nào cũng về đó tìm vợ. Có người bộ đội đứng tuổi nào sau ngày giải phóng về vùng này tìm vợ không?”.
“Thì ông đây nè!”.
“Không phải tôi. Tôi không phải là cha đứa nhỏ. Cha đứa nhỏ ở cùng đơn vị tôi, trùng tên tôi, sau ngày giải phóng về đây tìm vợ. Nhưng vợ anh ấy đã chết rồi, anh ấy không biết mình có đứa con lưu lạc…”.
“Đứa con nào?”.
“Tôi đang nuôi đứa con đó trên thành phố”.
“Sao lại nuôi con người ta?”.
“hoàn cảnh thôi. Thì đi tìm cha nó để trả nó đây”.
“Không sao đâu. Con cái là của chung hết thôi”.
Nói chuyện với người điếc thật khó. Tám Khoa ở lại đó cả tuần lễ, ban ngày đón xuồng ghe qua lại quá giang đi đây đó tìm người hỏi thăm, tối về cùng nằm với người đàn ông la hét chuyện vãn, mãi không moi được tin tức gì. Như không hề có người đàn bà đó trên đời. Trong lúc đó cả vùng lại nhao lên chuyện có người bộ đội đứng tuổi về đây hỏi thăm tìm một người đàn bà, tin tức truyền đi rồi dội về với chính ông. Nhiều bữa không biết đi đâu Tám Khoa ngồi bó gối trong căn chòi nhìn ra cánh đồng ngập nước dập dềnh cỏ lát, lá sen lá súng, cảnh vùng quê ông chưa từng di qua, nhưng lại thấy thân thiết, như chính quê ông. Ông đang đi tìm đứa con của ông.
Cuối tuần Tám Khoa nói với người đàn ông canh vó:
“Sáng mai tôi đi. Tôi còn một chỗ nữa để tìm, không tìm được tôi trở về đây ở với với ông, đóng tiền cơm cho ông. Tiền nhà khỏi chớ?”.
“Đóng tiền gạo thôi”, người đàn ông đáp. “Thức ăn cũng khỏi. Nhưng ông phải tiếp tôi cất vó”.
“Tôi đang tiếp ông nè. Mấy hôm rày tôi như người làm không công cho ông. Ông có vợ không?”.
“Không”.
“Con?”.
“Không có vợ sao có con?”.
“Ông có chiếc vó này được rồi. Còn hơn tôi không có gì cả. Tôi giao đứa con cho cha nó rồi coi như tôi hoàn toàn trắng tay”.

5 – Tám Khoa tiếp tục lên đường, đến một vùng đất đai cằn cổi khô hạn, đất xắn cục có thể phơi khô chụm bếp được. Ông hỏi thăm lò đường, người ta chỉ ông đến đó, thật dễ dàng. Nhưng khi ông xưng là cha đứa nhỏ, đám thanh niên trong lò đường cười rộ lên:
“Còn cha nào nữa! Cha của thằng Thanh đang ở đây mà?”.
Đám thanh niên dẫn Tám Khoa tới một nhà khang trang, ba gian hai chái, có vườn cây ao cá cổng trước cổng sau. Một người đàn ông trạc tuổi Tám Khoa ra đón. Tám Khoa hỏi:
“Anh là ba thằng Thanh phải không?”.
“Phải, tôi đây”, người đàn ông đáp, dẫn Tám Khoa vô nhà. Yên vị rồi người đàn ông nói tiếp: “Tôi biết chuyện hết rồi. Thằng Thanh về đây kể tôi nghe mọi chuyện. Tôi trùng tên họ anh, cùng đơn vị, nhưng chỉ phối thuộc thôi. Tôi về đây chiến đấu mấy năm, lấy vợ rồi trở lên rừng, chuyển sang đơn vị khác, bị bắt bị tù. Ra tù tôi bị bịnh nặng nằm một chỗ không cách gì liên hệ với vợ tôi được. Thật ra lúc đó vợ tôi đã chết rồi, tôi đâu biết mình có đứa con. Sau ngày giải phóng tôi về Nam Căn, rồi về đây, lúc đó thằng Thanh đã lên thành phố ở với anh rồi, không báo đi đâu nên tôi chỉ còn cách ở đây đợi nó. Tôi lấy vợ, vợ tôi cũng có chồng bộ đội chết trong chiến tranh , có nhà có con, chúng tôi gá nghĩa sống với nhau vậy thôi. Thằng Thanh ở với anh tưởng anh là cha nó. Nhưng nó vẫn linh cảm có cái gì đó khác lạ. Mấy năm sau nhân dịp lễ Tết, chắc anh không để ý, nó xin về thăm quê, thật ra là đi tìm tôi. Hai cha con tôi gặp nhau mừng khôn xiết. Nhưng thằng Thanh ở với tôi vài ngày rồi nói: “Con trở lên ở với ba con trên kia. Ba ở đây có dì có hai em, ba trên kia không có ai cả”. Anh coi bây giờ trẻ con khôn ngoan như vậy đó. Tôi bèn nói: “Ừ con đi đi, con ở đâu cũng là con của ba. Còn việc con có thêm người cha nữa cũng tốt thôi”. Nó ra đi, sau đó thường xuyên về thăm tôi, lần nào tôi cũng nhắc nó nói chuyện với anh. Lần nào nó cũng cười nói: “Để thủng thẳng, gấp gì. Hai ba đều thương con mà”. Cho đến hôm rồi nó về đây báo tôi chuyện cưới vợ, tôi nghĩ bụng thôi đã đến lúc rồi, đang định lên gặp anh thì anh về đây. Mà thôi cũng đâu có chuyện gì nói nữa. Thằng con của chúng mình tôi có công sanh để, anh có công nuôi dưỡng. Mình lo đám cưới cho nó rồi nó sống cuộc đời của nó…”.
10-1996
Nguồn: Tuyển tập truyện ngắn Lê Văn Thảo. NXB Văn học, 2012.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *