Bài nổi bật

Hành trang Ngày Trở Lại – Trương Văn Dân

RadioVn.Com – Chuyến về Việt nam lần ấy, Quang mang trong lòng nhiều nỗi lo âu.
Mấy năm qua tình hình Âu châu đã trải qua rất nhiều chuyển biến. Việc loại bỏ biên giới để liên kết các nước thành viên trong một tổ chức chung đã kéo theo nhiều xáo trộn về kinh tế. Thêm vào đó việc sát nhập các đại công ty còn làm thặng dư nhân lực. Công nhân bị sa thải, các hãng nhỏ bị phá sản và bóng ma thất nghiệp lâu nay chập chờn ẩn hiện đang dần dần lộ ra rõ nét, trở thành nỗi ám ảnh cho mọi người. Công việc cố định và đời sống bảo đảm, một đặc tính truyền thống lâu đời của nước Ý cũng đang dần dần biến chất. “Tăng di động”, tiếng gọi thôi thúc theo mô hình Mỹ đang là một triết lý về phát triển kinh tế ở đây. Nhưng nếp sống của người Mỹ, vốn thờ ơ với nơi sinh trưởng và hời hợt trong quan hệ láng giềng , nay sống tiểu bang này, vài tháng sau lại khăn gói lên đường chạy về tiểu bang khác, không đợi thời gian bén rễ…liệu có dễ thích ứng với những tập quán của mình chăng? Quang suy nghĩ miên man và mấy tháng qua đầu óc anh vô cùng căng thẳng. Công ty anh đang làm có nguy cơ bị sáp nhập vào một tổ chức siêu quốc gia đã và đang thực hiện sự tập trung kinh tế, nhằm bảo đảm độc quyền phân phối trong chiến dịch toàn cầu.
Bởi thế, sau hơn ba mươi năm sống và làm việc ở Âu châu, trong chuyến về thăm nhà lần đầu Quang vừa muốn nghỉ ngơi, vừa muốn tìm một cách nghĩ Á Đông nào đó khả dĩ giúp anh quên đi nỗi ưu tư về một tương lai mù mịt, lâu nay cứ ám ảnh trong hồn.
Ngồi trên máy bay Quang nhớ lại cuộc đối thoại giữa Trung và Hưng vài hôm trước ở nhà mình. Hai người bạn có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Khi Trung chỉ trích xã hội hiện tại thì Hưng đã hùng hồn biện hộ :
– Tao thấy không nên phủ nhận xã hội hôm nay. Bọn mầy không thấy là điều kiện vật chất đã hoàn toàn tiến bộ trong những thế kỷ sau này sao? Ngày xưa phần lớn trẻ em chết yểu ở những năm đầu và rất nhiều phụ nữ từ trần trong thời kỳ sinh nở. Lúc xã hội còn phôi thai đời sống thực nhọc nhằn và khốn khổ. Người ta sống trong những căn nhà không sưởi ấm, ăn uống thiếu thốn, trẻ em không được học hành và sinh mạng luôn luôn bị đe dọa vì bệnh dịch. Hôm nay tất cả những vấn nạn đó đã được giải quyết nhờ tiến bộ kỹ thuật và phát minh y học. Những việc nặng nề, lập đi lập lại hôm nay đã không còn nữa; các phương tiện lưu thông đã thành cực nhanh và trong nhà đâu có thiếu những máy móc giúp chúng ta tiết kiệm thời gian trong những công việc lặt vặt và chán ngấy mà trước đây chúng ta phải bỏ ra hàng giờ mơi lo cho xuể. Đừng! Tao mong rằng bọn mầy đừng luyến tiếc quá khứ, mang nặng cái tinh thần hoài cổ để làm chậm bước tiến hoá của loài người.
Không! Không thể nào sống như quá khứ. Xã hội nhất định không thể đi lùi , nó phải đi tới và nếu cần, sửa chữa những sai lầm để vươn lên. Tao mong là bọn mày hãy từ bỏ những quan điểm lạc hậu. Còn tao, tao tin là với sự trợ lực của computer, loài người sẽ còn tiến bộ hơn, không phải chỉ để sinh tồn mà còn để sống một cuộc sống tốt đẹp. Bọn mầy không thấy là toàn thế giới đã bị “ tóm” vào một mạng lưới đó sao? Ngồi thoải mái trong căn nhà ấm cúng mà chúng ta vẫn có thể đi từ thư viện Nữu Ước, viện bảo tàng Luân Đôn đến việc viếng thăm một ngôi chuà cổ ở Bắc Kinh trong thời gian thực?
Nhưng lập luận của Trung cũng không kém phần sắc bén :
– Không ai phủ nhận sự tiến bộ kỹ thuật. Nhưng sự tiến bộ ấy dùng để làm gì? Đời sống xã hội chỉ chạy theo vật chất và bỏ quên con người. Chính vì thế mà nguy cơ tha hoá đã và đang xuất hiện, sự ô nhiễm môi sinh, thất nghiệp lan tràn và những khoảng cách không thể nào lấp nổi giữa những xã hội giàu sang với những nước kém mở mang. Hiện nay trên thế giới có hơn 800 triệu người nghèo đói, và trong đó có khoảng 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Phương tiện di chuyển tối tân, thông tin nhanh chóng để làm gì, khi những bất công này càng ngày càng trở nên trầm trọng?
Nhưng ngay trong lòng xã hội Tây phương cũng không phải không có những phần tử kém may mắn, bị hất sang bên lề vì không hội nhập được với đời sống mới. Họ lạc lõng và bơ vơ trong một nền văn hoá càng ngày càng sa đoạ và chủ nghĩa vật chất đang phát triển đến độ hung hãn nhất. Mầy không thấy TV và ciné chỉ thuần chiếu những phim khêu gợi dục tình và bạo lực đó sao? Chúng ta đang hưởng thụ một cách thô bạo và giải trí bằng cách xem giết chóc với sự tàn nhẫn ở mức cao nhất. Xã hội băng hoại này đã phát sinh ra chính trường đầy những kẻ đầu cơ chính trị, tham lam, những bác sĩ chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền thay vì chữa trị, lớp quan toà chỉ thích hạch hỏi để biểu thị quyền uy hơn là thi hành công lý, còn hãng xưởng thì đầy rẫy những kẻ kiêu căng, nịnh bợ, đầu óc lúc nào cũng mang một ước mơ tiến thủ và làm sao chèn ép để đè bẹp đồng nghiệp, bạn bè mình.
Thú thực có đôi lúc tao cảm thấy nghi ngờ cái mỹ từ gọi là văn minh tiến bộ. Trên phương diện vật chất chúng ta đã đi một bước khá dài so với những thế kỷ trước nhưng về phương diện tinh thần thì vẫn nghèo như xưa, chả tiến được chút nào; bằng cớ là chúng ta vẫn tiếp tục những sai lầm quá khứ. Những lỗi lầm đó tao thấy càng ngày càng nặng nề thêm, hậu quả tất yếu của hoạt động kỹ nghệ nên chưa bao giờ chúng ta ý thức về sự hiện hữu của đời mình hay đặt lên nghi vấn là tại sao mình mãi làm như thế. Toàn bộ thời gian chúng ta tự giam trong cô độc, xung quanh chỉ toàn máy móc mà vắng bóng con người, để quần quật sản xuất và tích lũy cho nhiều sản phẩm. Rồi với nhịp độ càng ngày càng tăng, một ngày nào đó chúng ta sẽ đồng hoá với nhịp máy, trở thành phẩm vật, để cuối cùng âm thầm biến mất, như hàng triệu đồ vật đã ngày đêm tạo ra hay mua sắm.
Những năm gần đây các cơ quan truyền thanh và báo chí còn không ngừng nhắc đến toàn cầu hoá nhằm thúc đẩy sự tiến đến một nền kinh tế duy nhất trong đó các lục địa sẽ liên kết với nhau qua mạng lưới điện tử. Chưa ai hình dung được xã hội đó sẽ như thế nào, nhưng tao chắc chắn là con người sẽ càng ngày càng ngăn cách nhau hơn, sự tiếp-xúc-Thực-giữa-người-và-người sẽ giới hạn vì đã được nối-Ảo-với-nhau trong một vũ-trụ-siêu-kỹ- thuật. Con người lúc ấy sẽ biến thành một công cụ kinh tế, ai ai cũng suy nghĩ và hành động giống nhau, cùng cúi đầu vận hành theo những giáo điều có sẵn. Và các sắc dân sẽ vĩnh viễn mất đi bản sắc dân tộc của mình.
Thực là phi lý cái hệ thống kinh tế mà người ta tin là tiến bộ và sẽ cứu thế giới: Nó không đặt căn bản trên tinh thần cộng tác mà chỉ khai thác nguyên lý cạnh tranh, nhằm nâng cao lợi nhuận. Thương trường thành chiến trường, đó là triết lý sống mà xã hội Tây Phương đang áp đặt lên toàn thế giới.
Cuộc tranh cãi sôi nổi, và hôm ấy Quang thấy mình thật khó mà tán thưởng bên này hay phản đối bên kia. Ai cũng có lý riêng, nhưng nghĩ kỹ anh thấy mình tâm đắc với những suy nghĩ của Trung hơn. Nhiều lần anh cảm thấy hoang mang về đời sống Tây phương. Không phải anh là loại người mang nặng lòng hoài cổ, nhưng gần đây với sự phát triển ào ạt của computer, đôi lúc anh có cảm giác là đời sống của con người đã bị bỏ quên, dễ dàng bị xoá đi như một file trong bộ nhớ.
Ngày xưa mọi chọn lựa đều có một giới hạn, con người chỉ có một ý nghĩ, một con đường. Hôm nay khả năng chọn lựa có nhiều, nhưng bù lại anh thấy mình như mất định hướng và phân vân hơn về ý nghĩa đời mình. Ngay việc mua sắm cỏn con anh cứ cảm thấy mình bị giằng co vì trăm lời mời mọc. Các phù thủy hiện đại, những nhà “tiếp thị” đang tung buà hoá phép để tạo sinh một Tôn Giáo Tiêu Dùng: Thứ tôn giáo chủ trương tích luỹ vật chất, du lịch hàng loạt. Nó không cần nhà thờ hay chùa chiền vì đã có các trung tâm thương mại: để gặp gỡ và sinh hoạt, để trao đổi, bán buôn. Đó là nơi vui chơi, giải trí. Tất cả mọi nơi trên thế giới đều như nhau. Và giống nhau.
Thế giới hiện đại hình như đang đánh mất tất cả những nấc thang giá trị và không còn gì nữa, không còn lý tưởng, không còn niềm tin, không còn điều gì vĩ đại để tin theo, vì xung quanh chỉ có một ước muốn duy nhất: kiếm tiền để thoả mãn vật chất.
Nhưng quả thật đời người chỉ có một mục đích duy nhất ấy hay sao? Có lúc nhìn quanh anh cảm thấy đời mình như vô nghĩa. Anh luôn mệt mỏi vì nhịp sống máy móc, ràng buộc bỡi nhiều thứ bổn phận khác nhau. Những chiếc hoá đơn chạy đến dồn dập, đôi khi trả giá cho những nhu cầu không-thật-sự-cần-thiết. Trong khi đó mọi quan hệ công việc càng ngày càng giả tạo, khó khăn. Xung quanh anh, bạn bè lúc nào cũng thiếu – hay tưởng mình thiếu – thì giờ, và chẳng bao giờ có lúc dừng chân. Không lúc nào anh không cảm thấy cô độc và bất an, vì những điều này, điều nọ phải làm, vì những hoá đơn này, chi phí kia phải trả. Cuộc sống của anh và bè bạn luôn chìm ngập trong âu lo hay trực diện với những tháng ngày buồn nản, đều đều, trống trải, có khi anh thấy như đi vào bế tắc. Sau một ngày căng thẳng vì công việc, đêm về với giấc ngủ trăn trở, sáng thức dậy là chỉ nghĩ đến chạy. Như một phản xạ. Và tất cả đều chạy. Mà chạy đi đâu? Không ai biết . Nhưng đã có mấy ai bình tĩnh dừng chân? Đổi hướng. Hay can đảm đi tìm một lối sống khác.
Quang về đến Việt nam ngay giữa thời mở cửa. Thời đại kinh tế thị trường. Ai ai cũng bàn về sự bùng nổ về xây dựng. Những hàng cây trước căn nhà của người anh ở Sài Gòn đã bị đốn ngã để mở rộng lòng đường. Thành phố bắt đầu mọc lên những toà nhà chọc trời bằng bê tông. Quang chợt nhận ra là càng ngày chúng ta càng sống xa rời thiên nhiên. Hình như Âu châu đang bắt đầu nhận ra sai lầm đó và đang tìm cách cứu vãn trong khi thành phố Sài Gòn lại đang muốn trở thành một thành phố Tây phương, nhập cảng vô tội vạ những mô hình phát triển của người mà không chút đắn đo, gạn lọc. Mỗi năm hàng nghìn người dân quê rời bỏ ruộng vườn… để sống chui rúc trong các khu ổ chuột bên lề thành phố, trong những toà nhà ciment, trong các chung cư một, hai phòng…
Một buổi chiều khi đi ngang trường cũ Quang trông thấy những đứa bé mình trần trùng trục đang bươi bươi đống rác dưới chân cầu Trương Minh Giảng. Có em bốc bằng tay để tìm những đồ thừa giữa một mùi xú uế bốc lên lợm giọng. Bên cạnh đó, một bà lão khệnh khạng, bước thấp bước cao, tay cầm xị rượu uống từng ngụm, rồi chốc chốc lại cười lên khanh khách.
Quang rồ máy chạy đi, nhưng về phía chợ anh còn thấy một thanh niên cụt cả hai chân, chiếc nón mê đeo trước cổ, vừa lết vừa ca một bài ca não ruột . Phía bên phải , trên lề đường, trước một căn nhà đóng cửa, có hai người nằm ngủ, co ro dưới một mảng thùng giấy rách bươm đắp lên tận cổ. Quang xót xa nhìn những sản phẩm của cuộc chiến chưa được lãng quên và sản phẩm của thời đại kinh tế hôm nay, rồi cảm thấy là cả hai đều có cùng một cường độ tàn ác như nhau.
*
Những ngày đầu sống gần gũi với gia đình thật là vui vẻ. Nhưng, giống như những lần trước, chỉ hơn tuần lễ chung đụng Quang buồn bả nhận ra những va chạm khó thể hàn gắn lại trong gia đình và thân tộc. Không khí có khi căng thẳng nặng nề. Chiến tranh lạnh âm ỉ giữa bà con, cô, chú thì anh có thể phớt lờ, nhưng cuộc tranh cãi khá gay gắt giữa mẹ và chị dâu đã làm anh đứt ruột. Không biết tại sao họ luôn luôn mâu thuẩn với nhau như thế. Nhiều khi anh thấy thực không có gì đáng để xung đột cả. Anh chưa bao giờ bận tâm phân tích để tìm xem ai trái ai phải, vì anh thấy cả hai đều hẹp hòi và cố chấp những điều rất nhỏ nhoi, do những thành kiến bắt nguồn từ thủa xa xưa nào. Nhưng anh thấy mẹ thật tội nghiệp. Dẫu sao bà cũng đã lớn tuổi, thường tủi thân và nhiều nước mắt, cả ngày chỉ biết lên chuà lễ Phật rồi về nhà nặng nhọc leo lên lầu thắp nhang trước bàn thờ người chồng vắn số. Thời gian còn lại bà lặng lẽ ngồi thu hình ở góc nhà như một cái bóng , không ai gợi chuyện, hỏi han. Anh ứa nước mắt.
Nếu một mai mẹ có mệnh hệ gì, chắc cũng chả ai hay !
*
Chán ngán cuộc sống tù túng và không khí ngột ngạt của Sài gòn nên Quang đã đáp xe lửa về Quy Nhơn sớm hơn dự định. Nhưng ngay hôm vừa đến, cái nóng oi nồng của thành phố đã làm anh uể oải. Buổi chiều anh lấy xe Honda của em gái chạy dọc theo đường Nguyễn Huệ. Bãi biển lúc ấy khá vắng người. Anh dựng xe trong sân một quán nước và gọi ly chanh muối.
Quang nằm duỗi chân trên ghế bố, gió biển hiu hiu mát nên anh thiêm thiếp. Bỗng một bọn trẻ ở đâu ào tới, vừa văng tục với nhau vừa giành nhau mời anh mua kẹo, mua báo mua vé số…
– Đi ra chỗ khác !
Bà chủ quán vừa cầm cây chổi vừa tiến tới với bộ dáng đầy hăm doạ. Lũ trẻ chạy tán loạn. Bà nhìn Quang như phân trần :
– Ông coi chừng bọn nhãi này. Vừa làm ồn vừa hay cắp vặt.
Nói xong bà đi cất chổi và trở lại quầy, nhưng sau đó có lẽ thắy vắng khách nên bà đi sang quán bên trò chuyện.
– Mời chú mua…
Một thằng bé chừng 11-12 tuổi đang tiến đến. Không hiểu có phải tại vết thẹo dài trên mắt trái đã làm Quang có ác cảm hay bực mình vì sự yên tĩnh bị quấy rầy. Anh lớn tiếng:
– Không bán mua gì cả! Đi chơi chỗ khác.!
Thằng bé sững sờ nhìn anh. Vết thẹo bên mắt trái nở to hơn nên trông nó càng đáng ghét. Nhưng lạ thay, giọng nói của em lại vô cùng lễ độ :
– Cháu mời chú, chú không mua thì thôi chứ sao lại mắng cháu?
Quang chưng hửng. Đột nhiên anh thấy mình vô lý. Nhưng giọng lý sự của thằng bé làm anh tự ái nên chỉ yên lặng chứ không mở lời xin lỗi. Mặt anh vẫn còn hầm hầm nhìn nó.
Đó là một thằng bé ốm tong teo, tóc hớt ngắn, mặc một chiếc quần đùi đã bạc và trên người khoác một chiếc áo nhà binh hơi quá khổ. Trông dáng điệu có vẻ xốc xếch nhưng không dơ bẩn .
– Cháu ngồi chỗ kia, không làm phiền chú đâu. Khi nào đói bụng, mời chú mua dùm cho cháu nhé !
Giọng nói lễ phép đã làm nguội nỗi bực dọc của Quang. Nhưng anh không nói gì thêm, quay nhìn ra phía biển rồi lim dim đôi mắt.
Lát sau khi Quang tỉnh ngủ, anh thấy thằng bé vẫn còn ngồi dựa lưng vào một gốc dừa đang chăm chú viết, thúng quà bánh được đậy nắp và bỏ qua một bên.
– Này, em bán gì đấy ?
Thằng bé vội xếp sách, ôm thúng quà chạy tới .
-Dạ bắp nấu. Mời chú mua dùm cho cháu. Vừa nói em vừa lưạ một trái đưa cho Quang.
Vừa ăn bắp Quang vừa hỏi chuyện. Cõ lẽ sau khi nghỉ ngơi một lát, tinh thần khoan khoái nên giọng anh ôn hoà:
– Lúc nãy chú thấy cháu viết gì đó?
– Dạ thưa cháu đang làm bài tập.
– Cháu học lớp mấy ?
Mặt em bé hơi sững lại. Quang thấy em buồn buồn .
– Dạ lớp bảy. Rồi em hạ thấp giọng và nói tiếp :
– Nhưng hai năm nay cháu không có thời giờ đến trường nữa.
Quang ngạc nhiên.
– Ủa ! Không đến trường sao cháu còn làm bài tập ?
– Thưa chú, cháu muốn đi học nhưng không có thì giờ đến trường. Cháu muợn tập của bạn để học thêm lúc rảnh.
Quang ồ lên một tiếng. Giờ anh mới vỡ lẽ. Trong một thoáng anh chợt nhớ tới những đứa trẻ cùng tuổi Âu châu, giờ này đang ở trong một căn phòng ấm cúng và đầy đủ tiện nghi, đang say sưa điều khiển những trò chơi điện tử. Chúng không cần chơi với ai và cũng không chịu học.
Trước mắt anh giờ đây là một thằng bé chững chạc, và hoàn toàn khác hẳn những đứa bé thị thành mà anh từng gặp trên đất Ý. Đây là hình ảnh của một người đã trưởng thành, là một thứ trái-cây-chín-sớm bỡi gió bão cuộc đời .
– Cháu tên gì ? Quang vừa hỏi vừa lựa thêm vài trái bắp nữa bỏ vào túi nylon.
– Dạ tên Bảo .
Quang đưa tiền cho Bảo. Thấy em đang đếm tiền để thối lại, anh bảo thôi, cứ giữ lấy nhưng Bảo vẫn dúi số tiền đã đếm vào tay anh. Quang hơi bất ngờ, nhưng thấy thằng bé biết tự trọng anh không nài thêm; tuy nhiên anh nhanh trí mua thêm một trái nữa rồi bỏ hết số tiền thối vào túi Bảo.
– Cám ơn chú . Chiều mai chú xuống tắm nhớ mua dùm cho cháu nhé!
Chiều ấy ở biển về, Quang thấy lòng lâng lâng vui vẻ. Khi đi qua công viên, anh chia bắp cho một bọn trẻ con đang đánh bi dưới bóng cây. Lũ trẻ reo lên mừng rỡ. Quang mỉm cười bước đi và đầu óc anh cứ vương vấn hình ảnh Bảo. Hình như trong trí anh lúc này, chiếc thẹo không những đã không làm cho em xấu xí mà trái lại, nó còn làm nổi bật lên đôi mắt đầy nghị lực, tự tin ở sức mình và chất chứa trong lòng một niềm tự trọng.
Sáng hôm sau ra biển thì Quang lại gặp Bảo. Lúc này em đang bán báo. Anh mua hai tờ và cũng như hôm trước, khi trả tiền, anh đành phải lấy thêm mấy tờ khác nữa thì Bảo mới chịu nhận lại số tiền thối mà anh đã quyết định chối từ.
*
Suốt một tuần ngày nào cũng thế. Buổi sáng Quang thấy Bảo bán báo và buổi trưa thì bán các thứ quà vặt. Lúc nào anh cũng thấy em vui vẻ và lễ phép. Những lúc rảnh anh để ý thấy em chăm chú đọc sách hay hí hoáy làm bài tập.
*
Một buổi tối sau khi tan buổi trình diễn văn nghệ, Quang vừa bước ra thì thấy Bảo đang ngủ gà ngủ gật trước rạp Trưng Vương. Gần nửa đêm rồi. Gió khuya không lạnh lắm nhưng anh thấy em bé đang run run dưới manh áo mỏng. Quang hỏi :
– Bảo ,coi bộ cháu mệt rồi sao không về nghỉ ?
– Không . Cháu chưa mệt. Cháu chờ vãn hát để bán cho hết số bánh chưng vì để lâu rất dễ bị hư. Thường thường khi tan hát khán giả sẽ mua hết.
Quang định hỏi thêm, nhưng đông người quá anh thấy không tiện. Làn sóng người đang ào ạt túa ra.
Sáng hôm sau gặïp Bảo ở biển. Anh hỏi :
– Chú thấy cháu làm việc nhiều như vậy. Lúc nào chú cũng thấy cháu bán hết thứ này đến thứ khác, từ sáng đến tối. Cháu dành tiền để làm gì?
Anh thấy mặt thằng bé tái đi. Em mở to mắt nhìn Quang, không đáp, rồi quay nhìn ra biển.
Quang hỏi dồn :
-Bộ cháu tính tiêu gì lớn lắm hả? hay dành tiền mua xe gắn máy?
-Dạ thưa không. Cháu cần rất nhiều tiền, nhưng không phải để tiêu hoang.
Rồi như nghĩ sao em nhìn anh một giây rồi ngập ngừng:
– Dạ cháu có ý…
Nhưng đột nhiên Quang đọc thấy trong mắt em một cái nhìn ngập ngừng của một kẻ chưa sẵn sàng thổ lộ một tâm sự. Anh hơi ân hận, nên vội ngắt lời để em khỏi phải khổ tâm :
– Chú chỉ tò mò vậy thôi. Cháu không bắt buột phải trả lời!
*
Bẵng đi vài ngày, vì lên Pleiku thăm thân nhân nên Quang đã không còn nghĩ đến thằng bé. Nhưng khi về lại Quy Nhơn thì một buổi sáng anh lại gặp Bảo ở biển.
– Này Bảo, chú sắp đi rồi. Chú có thể giúp cháu được gì không ?
Quang thấy nét mặt em hơi buồn, nhưng cuối cùng em lắc đầu, nhìn anh :
– Bấy lâu nay chú mua giùm hàng cho cháu là cũng đã giúp cho cháu nhiều rồi vậy .
Rồi em quay đi. Quang không biết nói gì thêm. Anh yên lặng nhìn theo, và sau đó chỉ còn nghe tiếng rao của em như chìm trong gió biển.
*
Một buổi chiều chúa nhật lúc Quang lái xe Honda chạy dọc theo bờ biển để hóng mát trước khi rời quê hương thì thấy Bảo. Mới đầu anh định kêu em, nhưng không hiểu sao lại đổi ý. Có lẽ tại Bảo hôm nay rất khác thường. Em mặc một chiếc áo sơ mi trắng, aó bỏ trong chiếc quần Jean đã bạc màu. Trên tay phải em cầm một gói giấy và tay trái cầm một bó hoa nhỏ. Quang bỗng nổi ý tò mò. Nhất định là chiều nay em không đi làm, và trông bộ dáng tung tăng kia thì chắc là em đang vui lắm. Giữ khoảng cách, anh chậm rãi đi theo, dù trong tâm anh không tin là em bé mới lớn kia đang làm gì mờ ám .
Khi đến trước cổng bệnh viện thì Bảo rẽ vào trong. Quang không biết làm sao, nhưng rất nhanh, anh vội vã đi gửi xe Honda rồi hớt hải chạy theo.
Quang vừa đi trên con đường lát gạch vừa quan sát khu bệnh viện. Mấy dãy lầu thấp một tầng, quét vôi vàng trông cũ kỹ và buồn thảm. Đã nhiều năm không tu bổ gì thêm nên bệnh viện Quy Nhơn trông như hoang phế. Anh theo thằng bé bước lên lầu. Vừa đi hết cầu thang, anh đã nghe mùi cồn hoà với mùi thuốc sát trùng xông lên khứu giác. Trên những chiếc giường sơ sài trải chiếu, nhiều người bệnh la liệt nằm tréo đầu lại với nhau. Một số mặc pigiama trắng, băng bó quấn trên đầu hay tay chân đang đi lại ngoài hành lang. Có vài người chống nạng. Vài cô y tá bưng chiếc khay đã sờn, trên đó nằm loe hoe vài lọ thuốc. Tất cả vẽ nên khung cảnh của một bệnh viện nghèo. Rất nghèo. Quang lần bước đến bên cửa nhìn vào và trông thấy thằng bé đang loay hoay bên một chiếc gường kê ở góc phòng. Trên chiếc bàn con gần đó có một bó hoa cắm trong ly, một đĩa cam sành và vài hộp tân dược. Sát đầu giường anh còn thấy dựng một đôi nạn gỗ. Lúc ấy Bảo đứng một bên, đang xoa bóp cho một người đàn bà có khuôn mặt rất giống em. Bà ta khoảng chừng bốn mươi tuổi. Quang chú mục nhìn vào. Không bao giờ anh quên được đôi mắt của người đàn bà đó. Cái nhìn đầy âu yếm và trên môi đang nở một nụ cười như vừa kiêu hãnh vừa mãn nguyện.
Quang biết chắc đó là hai người hạnh phúc nhất trần gian.
Nếu không tự kiềm chế thì có lẽ Quang đã bước vô để góp vào niềm vui của họ, nhưng anh thấy mình không có quyền xen vào để làm rối cuộc họp thân mật của gia đình của Bảo. Anh yên lặng đứng nhìn và lòng cũng vui lây.
– Thưa ông tìm ai ạ?
Quang giật mình, quay lại. Đó là một người đàn bà mặc áo trắng, khuôn mặt hiền từ, đang bước về phía anh . Anh ra dấu để bà ta yên lặng và hạ thấp giọng :
-Dạ, tôi theo một em bé vào đây? Vừa nói anh vừa ra dấu chỉ vào phòng.
-Uả, ông có quen với em Bảo hã?
Quang ngạc nhiên. Ở đây người người la liệt, làm sao mà một bà y tá luôn bận rộn lại nhớ cả tên một em bé vô danh như vậy? Anh vắn tắt kể đã quen biết Bảo trong trường hợp nào, và hôm nay vào đây chỉ do một sự tình cờ.
-Đó là một em bé tuyệt vời. Bà y tá chép miệng.
-Uả, bà biết em Bảo rõ lắm sao?
-Ở đây ai mà không biết Bảo. Tất cả đều thương mến và cảm phục em.
Thấy Quang trố mắt ngạc nhiên, bà y tá dịu giọng nhìn anh:
– Nếu ông muốn nghe chuyện em Bảo thì mời ông vô đây.
Quang theo bà bước vào phòng. Sau khi cầm phích nước rót trà vào chén để mời Quang, bà cũng hớp một ngụm rồi chậm rãi kể:
Bảo không phải là người Quy Nhơn. Hình như cha mẹ em ở Đồng Phó hay Định Quang gì đó, tôi không còn nhớ rõ. Cha Bảo sinh sống bằng nghề thợ may nhưng hình như vì thời buổi khó khăn, ở quê không ai may vá gì nên khoảng năm 82-83 ông dẫn gia đình về Quy Nhơn sinh sống. Nhà em ở trong khu sáu. Cha Bảo là một thợ may khá lành nghề nên đời sống gia đình tương đối sung túc, Bảo được cha mẹ cho ăn học đường hoàng. Nhưng đầu năm 90, lúc Bảo vừa lên sáu, cha em bỏ đi đâu biệt tích. Có người đồn là ông ta đã đi theo vợ bé vào Sài Gòn, có người nói là ông ta đã bí mật làm hồ sơ để đi bảo lãnh với một tình nhân trẻ tuổi. Thực không ai biết đích xác là chuyện gì đã xảy ra. Tuy đứt ruột nhưng mẹ Bảo vẫn tiếp tục tảo tần nuôi em ăn học, chỉ tiếc là thời gian sau này kinh tế khó khăn, em phải bỏ học để đi làm giúp mẹ.
Nhưng bất hạnh không dừng lại ở đó. Mấy tháng trước mẹ em gánh hàng rong đi bán thì bị một tên say lá xe Honda hất ngã, lưng bà đập vào lề đường và từ đó một chân bị liệt, không đi đứng gì được nữa. Kinh tế gia đình đang lúc khó khăn giờ lâm vào cảnh vô cùng túng quẩn. Hiện nay em không còn ai là người thân, trừ người mẹ bệnh tật mà ông vừa thấy đó.
Bà y tá rưng rưng nước mắt :
– Không ai tưởng tượng nổi sự can đảm vả đức chịu khó của em. Sau khi mang mẹ đến bệnh viện, em phải quần quật làm việc suốt ngày để tự kiếm sống, ngoài ra còn phải thăm nuôi và kiếm tiền để thuốc thang cho mẹ. Một mình cáng đáng mọi việc nhưng lúc nào em cũng vui vẻ, không bao giờ than thân trách phận. Thì giờ rảnh em còn tranh thủ học thêm nên ai thấy cũng đều thán phục. Mỗi chiều chủ nhật em thường đến đây tự tay săn sóc mẹ, và ông biết là từ sau giải phóng, bệnh viện đâu có kinh phí nhiều, hầu hết thuốc men đều phải mua ngoài. Thuốc tây thì đắt đỏ, vậy mà tuần nào em cũng mua được cho mẹ những toa thuốc cần thiết mà bác sĩ đã ghi. Thời gian gần đây em còn thố lộ với tôi là sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền để có thể mang mẹ vào Sài Gòn chữa trị cho chóng khỏi.
Câu chuyện kể đến đây thì cả Quang và bà y tá cùng lặng thinh. Thời gian như ngừng lại và không gian như yên tĩnh lạ thường. Quang mơ hồ như nghe thấy một tiếng chuông chùa từ xa đưa lại và những điều vừa nghe như gợi dậy trong anh một sự hồi sinh. Bỗng dưng Quang xấu hổ nghĩ rằng lâu nay mình đã để cho niềm thất vọng lôi cuốn và đã đánh mất niềm tin ở con người. Giờ thì anh nhận ra niềm an vui là sống thế nào để có ích cho người khác và dẫu nghèo khổ đến đâu, khi biết yêu thương, người ta sẽ hạnh phúc. Đó là một điều đơn giản. Nhưng lòng anh lâng lâng và thanh thoát như vừa khám phá một chân lý cao siêu.
Cảm xúc lạ lùng và kỳ diệu ấy đã bắt nguồn từ sự hy sinh quên mình của một đứa trẻ.
Quang lấy xe Honda và chạy về phía biển. Anh dựng xe lên bãi cát rồi bước dọc theo mé nước, có khi dừng lại, đứng ngắm một hồi lâu. Trời đã bắt đầu tối, những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời và trên mặt biển có những làn hơi nước bốc lên như một làn sương mỏng.
Đêm ấy Quang cứ suy nghĩ mãi. Mình có thể làm gì để có thể đổi thay số phận của nhiều người? Có thể làm gì để gỡ bớt gánh nặng oằn vai của một đứa trẻ đầy phẩm giá? Anh phân vân vô kể. Mấy năm trước anh thường tự hào – và tự phụ – là có thể cáng đáng mọi gánh nặng cho những người thân còn sống ở Việt nam. Nhưng thực tế phũ phàng đã làm anh đứt ruột. Nhiều đêm anh lặng lẽ khóc ray rức bằng trái tim rướm máu của mình. Thôi. Có lẽ không nên tự cưu mang cho mình những món nợ tinh thần là hay hơn cả. Mỗi người đều có một định mệnh và chỉ có thể sống theo cách của họ mà thôi…
Nhưng buổi sáng trước khi rời Quy Nhơn anh chạy đi tìm Bảo để đưa cho em tất cả số tiền còn lại. Bảo ngơ ngác chưa biết phản ứng ra sao. Khi em cố chạy theo để gọi “ Chú ơi, con không dám nhận đâu! “ thì Quang đã rồ máy Honda chạy mất. Gió thổi bạt về phía sau, tiếng anh khàn và đục “Giữ đi cháu, cháu sẽ xử dụng nó một cách xứng đáng hơn chú nhiều.“
Trưa hôm ấy chuyến xe lửa từ Ga Diêu Trì mang Quang về thành phố và buổi tối khi ngồi trên máy bay về lại Ý anh thấy lòng thanh thản, như vừa trút xong những lo lắng của mấy tháng vừa qua. Từ chuyến về thăm nhà lần ấy, nếu làm một cán cân kinh tế, Quang thấy anh là người có lợi . Anh chỉ cho Bảo một số tiền nhỏ mà đổi lại, Bảo đã dạy anh một bài học yêu thương, nhân nghĩa, hiếm hoi lắm trong thời đại hôm nay.
Milano 9-1996
Tác giả: Trương văn Dân – Người thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *