Bài nổi bật

Hoàng nữ anh lên ngôi

Truyện đêm khuya  – Tôi mở cái khăn bông quấn đầu ra, lấy lược chải bung mái tóc vừa gội. Mùi dầu gội Ensantuar tỏa ra mùi thơm như hoa chúa. Ông xã tôi với tay tắt máy điều hòa và mở quạt gió lên cho tôi hong tóc. Anh biết sau khi gội đầu xong tôi sợ nhất hơi lạnh xộc vào chân tóc. Vừa chải, vừa cầm khăn lau cho tóc mau khô, tôi xoay xoay đầu sang hai bên vì mỏi mệt. Ông xã bỏ tờ báo đang cầm xuống, quay sang xoa bóp hai vai cho tôi, cằn nhằn:
– Kêu đi máy bay không chịu. Ngồi tàu xe mấy ngày sao mà không nhức mỏi cho được.
– Em là nhà báo, đi dọc từng cây số thì mới có chuyện để viết chớ ! – Thấy anh nhíu mày có vẻ không vui, tôi giương đôi mắt bồ câu của mình lên cười vuốt giận – Chuyến này về em có chuyện vui lắm. Kể cho anh nghe hé !
Tôi bắt đầu kể chuyến tàu về Nam ngồi chung băng ghế với một cầu thủ của đội Công An Hà Nội đã giải nghệ, xuất ngũ. Anh ta vào Sài Gòn để học làm quản lý tại một công ty sản xuất giầy xuất khẩu ở khu công nghiệp Biên Hòa. Anh trai của anh ta là giám đốc, phải thuyết phục đến hai năm ông em cầu thủ mới chịu chui khỏi cái hang trú ẩn. Anh ta bị cho “ra quân” vì quá tuổi, vì người ta cần trẻ hóa đội hình. Từ năm mười tám, tốt nghiệp phổ thông xong, đi nghĩa vụ quân sự, anh ta xin vào ngành công an. Nhờ có khiếu đá bóng nên từ đó đến hai mươi tám tuổi anh ta được nuôi “trọn gói” từ A tới Z. Suốt từng ấy năm chỉ có ăn ngủ rồi đá bóng. Khi bị thải ra đời anh chàng ngơ ngơ ngác ngác không biết bắt đầu từ đâu. Rời khỏi sân cỏ thất vọng đến nỗi tối ngày chỉ chui rút trong căn hộ riêng làm bạn rượu bia để qua ngày. Tôi phải công nhận là chưa từng thấy ai ngố như anh ta, không hề biết thế nào tế nhị, ga lăng với phái đẹp. Tôi không tài nào nuốt nổi nửa xuất cơm tàu. Anh ta ăn hết phần mình rồi xin luôn phần bỏ lại của tôi, ăn ngon lành. Da thì đen mà diện chảnh cái áo thun xanh dạ quang có hàng chữ đỏ đến chói mắt. Anh ta nói liên tu bất tận không cần quan tâm tôi có chú ý lắng nghe không. Vừa nói vừa cầm chai rượu đem theo tu từng ngụm. Nói hả hê rồi ngoẻo sang bên ngủ ngoan như ấu nhi. Tôi trở thành cái thùng tô-nô đựng tâm sự, thành chuyên gia tâm lý suốt hai đêm và một ngày ngồi tàu. Tôi thấy anh chàng cầu thủ già tội nghiệp  quá đành phải chia xẻ buồn vui, động viên an ủi như một “đấng bồ tát”. Xuống tàu, một mình anh ta cõng cái ba-lô to ự của mình và vác luôn hai cái va-li lớn không kém của tôi. Thấy chàng ngố đứng tần ngần luyến tiếc, tôi thương tình cho số di động hẹn khi nào rảnh thì gọi cho nhau. Xe tôi chạy rồi mà cái hình dáng lừng lững ấy cứ đứng nhìn theo mãi.
 
Tóc tạm khô. Tôi ngã dựa gần vào để ông xã xoa bóp xương cổ cho. Bàn tay hộ pháp của anh ram ráp, âm ấm. Chỉ cần một bàn tay khum lại là đủ che kín cả cái cổ cò của tôi. Đôi tay thô đó nhè nhẹ ấn dọc theo các cơ  từ cổ xuống lưng khiến tôi rất dễ chịu. Ba tháng rồi tôi mới lại được hưởng cảm giác này. Hồi tôi nói sẽ đăng ký đi học tiếp cao học, sau đó lấy bằng tiến sĩ luôn, ba má tôi la rần trời. Hai ông anh, một ở nước ngoài, một đang hùn vốn với vợ chồng tôi cộng thêm hai bà chị dâu tham gia vào cuộc chiến chống lại tôi. Ai cũng nói viết báo thì đại học đủ chữ viết rồi, cần gì tiến sĩ, chú sĩ cho mệt. Lấy chồng hai năm rồi không chịu sanh con mà đòi đi học. Một năm mất sáu, bảy tháng ở Hà Nội chứ ít ỏi gì. Nhà tiền không thiếu cần gì nối thêm hai chữ “TS” để câu cơm. “Học riết rồi khùng chữ cho coi !”, má tôi phán một câu xanh rờn. Ba tôi thì cao siêu hơn: “Đàn bà con gái, học bao nhiêu đủ rồi. Lấy chồng thì phải sanh con. Chồng con đang tuổi sung sức vậy, bỏ nó cả nửa năm liền tội nghiệp”. Còn các thành viên “nhớn” khác diện đủ thứ lý do để tôi bỏ ý định học cao hơn. Một mình tôi chống lại gia đình “mafia”. Tôi là con gái út, gái một từ nhỏ muốn gì được nấy. Đâu dễ bỏ cuộc vậy. Má tôi đổi chiêu đánh tâm lý. Suốt ngày bà cứ rủ rỉ rằng tôi lấy được bằng tiến sĩ thì đã hơn ba mươi mốt, chồng tôi hơn ba mươi bảy. Đàn bà tuổi đó đẻ chửa khó khăn, có khi còn không đẻ được nữa. Quả khi đội nữ binh gia đình hè nhau đánh mỗi một điểm chốt  đó là tôi bị nhụt chí. Vốn rất ít nói, để mặc mình tôi giữa cuộc chiến, đến lúc này ông xã tôi mới lên tiếng:
 
– Cứ để cho Nữ Anh đi học. Phải học cao mới làm được nhiều việc. Quanh quẩn xó nhà hoài con sợ cô ấy sẽ không viết nổi đâu. Công ty bây giờ vững lắm rồi. Anh chị Ba và con ráng thêm một chút gánh luôn phần việc còn lại. Sanh con không được thì mổ. Không có thai được thì thụ tinh ở Từ Dũ. Con có đủ tiền nuôi tới hai, ba đứa như vậy.
 
Tôi nhảy cởn lên, ôm cổ anh reo hò. Má tôi trợn mắt : “Đúng là một thứ nồi i-nóc úp vào nhau. Kệ xác tụi bây !”. Thế là tôi đi thi, đi học được một năm rồi.
 
Tôi vươn vai, vòng tay ra phía sau ôm cổ anh:
– Ông xã à, dễ chịu quá hà ! Để em kể tiếp cho anh nghe. Chàng ngố đó một mực không tin là em đã hai mươi sáu, lấy chồng hai năm rồi. Em thề kiểu gì anh ta cũng không tin. Tức cười chưa ? Ngố chưa từng thấy ! Đúng là gà công nghiệp bị bỏ ra khỏi chuồng có khác.
– Anh còn không tin đừng nói ai. Mà nè, anh ta tên gì ?
– Hoàng Long. Hậu vệ cánh trái mang áo số 10.
– Anh có biết. Chơi cũng khá lắm. Tội nghiệp ! – Ông xã tôi trở nên đăm chiêu. Tay anh cứ vuốt ve suốt dọc người tôi mà như không cảm giác được rằng da tôi đang nóng căng lên. – Em đừng chế giễu người ta như vậy. – Mắt anh chợt tối lại – Hồi xưa anh cũng từng vậy mà. May mà anh có em !
 
Tôi nín thinh. Vô tình tôi đã gợi lại cho anh chuyện đã qua. Thời nữ sinh trung học tôi mê tít thò lò anh chàng trung phong đẹp trai, tài hoa bao giờ cũng mặc áo số 7. Nhà anh ở xéo nhà tôi. Thi đại học công an xong, anh được tuyển vào khoa toán tin kỹ thuật quân sự. Theo học kỹ thuật vì ba má muốn anh theo nghề kỹ sư của ba. Anh được chọn vào đội bóng đá năng khiếu của tỉnh từ cấp hai. Rồi dài cho tới khi vào đại học. Anh mê bóng đá hơn bất cứ thứ gì. Đứng trước trái bóng trên sân cỏ là quên hết mọi thứ trên đời. Học được một năm, cấp trên thuyên chuyển anh hẳn ra Hà Nội, đưa thẳng vào đội tuyển bóng đá Công An Hà Nội. Anh quẳng máy vi tính, lăn theo trái bóng. Mỗi lần anh về nhà, đám người mê anh đến ngồi đầy nhà. Họ muốn nhìn, muốn nghe anh kể chuyện Hà Nội, chuyện các trận đấu cấp quốc gia. Anh thành thần tượng của cả một con phố. Tôi cũng là “fan’ của anh. Lúc đó tôi nhí lắm. Anh thường trêu tôi “Nữ Anh bồ câu” vì đôi mắt bồ câu đẹp như mơ của tôi. Tôi có đôi mắt bồ câu thiên thần, có cái miệng xinh xắn dỗi hờn thánh thiện nên luôn tin chắc là anh sẽ không rời mắt khỏi tôi. Những lần tôi mang giỏ hoa hoàng nữ anh sang tặng… má, anh chỉ quay sang nhìn cười một cái rồi quay lại với đám bạn. Anh chỉ ngắm tôi như ngắm giỏ hoa vàng rực rỡ trên tay. Anh chỉ xem tôi là cô bé hàng xóm dễ thương. Tôi ấm ức khóc không biết mấy lần dưới gốc cây hoàng nữ anh.
 
Má tôi nói khi tôi ba tuổi cứ ngồi lì dưới gốc cây hoàng nữ anh trổ hoa ở công viên. Tôi bị màu vàng ấy thôi miên. Hai anh trai phải thay phiên cõng tôi ra ngồi dưới gốc cây đút cơm tôi mới chịu ăn. Ba tôi đành đặt người ta mua một cây về trồng trước cửa sổ phòng tôi. Buồn vui gì là tôi ra ngồi dưới gốc cây để kể cho nó nghe. Cả nhà cứ thế gọi tôi là Hoàng Nữ Anh, quên luôn tên thật của tôi. Hoàng nữ anh khi ra hoa thì lá sẽ rụng hết. Hàng trăm chuỗi nụ vàng rực hình trái tím thi nhau đung đưa theo gió. Rồi từng chiếc nụ ấy nở xòe thành con bướm vàng. Trăm ngàn con bướm vàng thật duyên dáng. Thật lộng lẫy kiêu sa. Cây hoàng nữ anh bừng sáng dưới nắng xứ nhiệt đới. Cây hoa lớn lên cùng tôi. Khi nhớ anh, tôi thơ thẩn nhặt từng cánh hoa bướm rơi bỏ vào chiếc giỏ mây nhỏ. Tôi quyết tâm thi đại học báo chí ở tận Hà Nội chỉ với ước nguyện là sẽ được gặp anh thường hơn. Tôi âm thầm theo bước anh. Cây hoàng nữ anh chắc cũng yêu tôi như thế nên chỉ khi tôi về nhà nó mới trổ bông.
 
Đúng như ước nguyện, tôi được gặp anh thường hơn vì chúng tôi cùng chơi chung một nhóm bạn đồng hương. Khi tôi rảnh rỗi là đến sân xem anh tập bóng. Đội anh đi thi đấu ở đâu chắc chắn là tôi sẽ có mặt, dù sau đó tôi phải học bù đến bạc cả tóc. Riết rồi người trong đội bóng gọi tôi là thiên thần hộ mệnh của anh. Anh chỉ cười, không hề có chút ý tứ gì dành riêng cho tôi. Lúc đó tôi chỉ ước có cây hoàng nữ bên cạnh để ngồi bệt xuống mà khóc cho hả.
 
Tôi học năm thứ hai. Anh bị tai nạn nghề nghiệp: gãy xương đôi xương ống chân, mẻ xương mắt cá chân. Trong suốt thời gian nằm viện anh chán đời rũ ra như gà rù. Ai đến thăm chỉ chào một câu, ậm ừ cho qua chuyện. Sáng, trưa, tối, ba buổi tôi đến thăm anh cả ba. Lúc đầu anh cộc lốc bảo tôi đừng đến, lo mà học. Thấy mắt tôi vòng quanh nước, anh thở ra không nói nữa. Tôi sợ thức ăn bệnh viện khó ăn, bỏ công nấu cơm mỗi buổi đem lên. Anh nín thinh ăn không nói gì. Một tuần sau, rủ tôi ăn cùng. Tôi sợ nhất là ăn cơm ở bệnh viện. Lần đầu, rùng mình nổi gai ốc, cố nuốt cho anh vui. Sau dần quen cũng thấy ngon. Anh ngóng đến giờ cơm để tôi đến cùng ăn. Đến khi anh tháo bột thì tôi hết sợ cơm ở bệnh viện. Anh đọc xong kết quả giám định, ngồi im như tượng. Vĩnh viễn không được đá bóng. Đám bạn bè đến mừng đón anh ra viện, đưa mắt nhìn nhau không hó hé tiếng nào. Anh như người rơi từ cung trăng xuống. Không nhìn ai, mặt rắn đanh, bước ra cửa. Tôi bật khóc. Anh quay lại. Ánh mắt không còn tia sáng.
 
Người ta cho anh về nhà nghỉ dưỡng bệnh. Tôi phải ở lại học cho hết học kỳ. Suốt mấy tháng trời ý muốn dứt bỏ tất cả để về Nam gặp anh đeo bám tôi cả trong giấc ngủ. Về đến, tôi lập tức sang nhà anh. Má anh bảo từ lúc về tới giờ anh sống tách biệt với mọi người. Đi lang thang đã đời, về chui tuốt vô phòng đóng cửa uống rượu một mình. Không trò chuyện, không bạn bè. Câm lặng như một bóng ma trong nhà. Cả nhà chỉ biết lấy mắt nhìn anh vì tất cả lời khuyên, nước mắt dỗ dành đều trôi tuột vào khoảng không im lặng. Tôi xin phép gặp anh. Cửa phòng đóng chặt. Mặc tôi nài nỉ, van xin lẫn khóc, anh không thèm ra mở. Sáng hôm sau, tôi hái một giỏ hoàng nữ anh đến rãi trước cửa phòng anh, rồi ngồi bệt trước cửa phòng. Tôi kể. Tôi nói. Tất cả mọi thứ về bạn bè, học hành, vui chơi, nhớ, thương, buồn, giận. Chuyện trước đây. Chuyện bây giờ. Chuyện sau này. Cái gì có liên quan đến tôi và anh đều đem ra hết. Một ngày. Hai ngày. Một tuần. Ngày tôi hái giỏ hoa cuối cùng, cả cây hoàng nữ anh chỉ còn độc một chùm. Tôi không nỡ hái. Chuỗi hoa đầy nụ buồn thiu như giận dỗi sự tàn nhẫn của người đời.
 
Tôi ngồi trước cửa phòng anh và nói đây là giỏ hoa cuối cùng. Ngày mai sẽ không còn hoa nữa. Đến tận chiều, không còn chuyện gì để nói nữa, tôi ngồi co ro gục đầu xuống gối. Tôi thấy tủi thân quá. Chán chường quá. Lặng lẽ khóc. Chỉ có nước mắt chảy ra. Không có tiếng nức nở. Cửa phòng mở ra. Tôi không hay biết gì. Vòng tay to lớn ôm chặt lấy tôi. Anh hốc hác xanh xao, râu tóc bờm xờm như một tên hải tặc. Tôi vòng tay ôm cổ anh. Ôm chặt không buông.
 
Anh nghe lời tôi khuyên xin được đi học trở lại. Ngành công an đặc cách cho anh học lại khoa toán tin kỹ thuật vì công lao đóng  góp bấy lâu. Bộ óc quen tính toán cự ly, góc “sút” sao cho chính xác của anh tiếp thu các con số kỹ thuật cực kỳ nhanh. Đề án tốt nghiệp của anh được tặng “Giải sáng tạo trẻ” về lập trình tính các góc chéo đồ bản quân sự. Anh xin cưới tôi và chuyển về Nam công tác. Gia đình tôi đầu tư để anh và vợ chồng anh Ba tôi lập công ty kinh doanh tất cả thứ gì liên quan đến tin học. Anh chị Ba chịu trách nhiệm quản lý đối ngoại. Anh phụ trách chuyên môn kỹ thuật, đào tạo nhân viên. Tôi giữ phần sổ sách và làm quảng cáo tuyên truyền. Công ty ăn nên làm ra ngó thấy. Anh Hai tôi ở nước ngoài giúp mở rộng mạng lưới kinh doanh. Bây giờ có thể nói công ty tin học Hoàng Nữ Anh của gia đình tôi lớn nhất nhì thành phố. Anh ý nhị xin phép cho vợ chồng tôi được sống ở nhà tôi dù hai gia đình cách có mấy bước chân. Khi tôi đi học, đêm hôm ba má tôi có người chăm sóc. Má tôi bảo ngày nào có ở nhà là anh ra tưới, dọn lá, bón phân cho cây hoàng nữ anh.
 
Hai chúng tôi ôm nhau ngồi im. Lâu thật lâu anh khẽ thì thầm:
– Chàng ngố đó chắc là số đen hơn anh nên gặp em muộn vậy. Thôi thì mai này giúp được gì cho người ta thì giúp.
Tôi tròn mắt ngước nhìn anh. Thật lòng không chỗ chê. Tôi phì cười trêu:
– Thằng cha Hoàng Long đâu có quen biết gì với anh. Anh đâu có phải là Dương Lễ, tự nhiên lại bắt em làm Châu Long. Anh không sợ người ta tha hóa em sao ?
– Trời ơi ! Chỉ cần em không có ý định tha hóa người ta là anh biết ơn em lắm rồi !
Anh cười phá lên. Tôi xoay người lại áp sát vào cơ thể rắn như cây săn đá của anh, dụi đầu vào cổ anh, cười rúc rích:
– Được, em hứa ! Giờ mình đá bóng giao hữu đi. Anh phải phải nhường em nha !
Ông xã cúi xuống hôn tôi thật sâu, tủm tỉm cười:
– Anh xin dời trận đấu đến ngày mai. Em mới về, anh không muốn giao đấu với đội không cân sức. Càng không thích “sút” bóng trong tư thế việt vị. Ngủ đi!
Tôi dũi người trong vòng tay ấm áp của anh một chút là ngủ mất.
 
*
– Anh đã ký hợp đồng mua máy xong chưa ?
Hoàng Long ngập ngừng rồi nói:
– Chưa. Còn thiếu khoảng hai trăm triệu anh chưa lo đủ.
– Người ta chưa giao tiền nhà à ?
– Tại anh không muốn bán. Vì anh định… – Thấy tôi giương mắt tra xét như cô giáo gạo bài cho học trò, Long lúng búng giải thích – Định để cưới vợ. Bán nhà rồi, cưới nhau xong, không có chỗ ở. Cực cho người ta lắm !
 
Hoàng Long vừa nói vừa nhìn bằng ánh mắt ý nhị như chàng rể lần đầu đến nhà ông già vợ. Tôi phát tức:
– Lo làm ăn trước. Vợ vợ con con cái gì. Người ta thương thì theo anh ở chuồng cu cũng được. Lo cái gì ? Lấy máy về mà còn sản xuất lớn, chất lượng cao mới có khách hàng lớn chớ.
 
Hoàng Long iểu xìu. Chiều hôm đó Long ký giấy bán căn hộ riêng để đủ tiền đi Hải Phòng chở máy về. Gần hai năm nay cơ sở gia công đế giấy của Long nhận được đơn đặt hàng nhiều đến không làm kịp. Anh trai của Long ở Biên Hòa quyết định đầu tư nâng hẳn thành xí nghiệp sản xuất giầy xuất khẩu. Ông ta cho Long nửa phần hùn và làm chi nhánh cho công ty của ông. Khi Long bắt đầu khởi động cơ sở gia công, tôi tự nhiên trở thành tổng quản không ăn lương. Bày cách sản xuất sao cho có lợi, tìm kiếm khách hàng, tuyển chọn nhân viên, làm sổ sách… trăm thứ hằm bà lằng. Con nhỏ bạn giám đốc trung tâm tư vấn thương mại, hất hàm hỏi: “Bộ mày tính rẽ ngang làm ăn riêng sao mà đòi kế toán xịn. Ông xã mày làm không đủ tiền cho mày xài sao ?” Tôi nhe răng cười trừ. Mấy đứa ở tòa soạn nhật báo lớn, cứ trợn ngược trợn xuôi khi bỗng nhiên tôi đi đăng ký làm quảng cáo cho một xí nghiệp bé tí. Kệ họ, chuyện tôi tôi làm. Tôi nài nỉ ông xã thiết kế riêng cho xí nghiệp của Long một trang Web riêng để giới thiệu sản phẩm. Ông xã tôi đã trót thì phải cố. Thiết kế một trang Web mở vừa tốn công vừa không thu được đồng nào. Vậy mà anh không hề cằn nhằn tiếng nào mới lạ.
 
Xí nghiệp xuất lô hàng đầu tiên, Long thu về hơn hai chục ngàn đô. Tôi bắt Long trả bớt tiền vay, một phần giữ lại để đầu tư cho một gian hàng giới thiệu sản phẩm và làm nơi giao dịch. Con bạn giám đốc trung tâm tư vấn lại hoạnh họe: “Cái gì nữa đây bà ? Nhà mặt phố thương mại, giá vừa phải. Mày đang định làm cái khỉ gì đó ? Coi chừng tao tố cáo với ông xã mày đó !” Tôi lại nhe răng cười, đưa cái lúm đồng tiền ra trừ. Nó chịu thua. Địa điểm có rồi, tôi lại phải lăn ra làm thiết kế bởi đầu óc thẩm mỹ của Long chỉ có thể áp dụng vào… bóng đá. Trong thời gian này tôi lại phải chuẩn bị bảo vệ luận văn. Tất cả mọi việc đã hoàn tất trừ cái chiếc giầy bằng thạch cao cao hai thước để làm biểu tượng cho xí nghiệp là chưa kịp mang đến. Tôi dặn dò Long phải đến xem thợ sơn phết màu sắc cho đúng mẫu, đem về đặt trước tiền sảnh. Ngày tôi bảo vệ luận văn, Long ôm một bó hoa hồng nhung lớn đến tặng. Long cười rạng rỡ khoe là đã xong, chỉ chờ ngày cắt băng khai trương. Sáng hôm sau tôi đến gian hàng duyệt lại lần cuối trước khi về Nam. Tôi hãi hùng khi chiếc giầy đinh Adidas thạch cao màu nâu nhạt, sọc đen, đế đen hài hòa giờ biến thành màu đỏ cờ, sọc đỏ sậm, đế trắng. Tôi kêu trời. Long cười khì khì:
– Anh thấy giầy đá bóng màu tươi như vầy lâu cũ, lại bắt mắt người ta.
Tôi chịu thua vì có đá bóng bao giờ đâu. Tôi nhăn mặt:
– Mặc kệ anh. Em về Nam đây, tuần sau trở ra nhận bằng tốt nghiệp. Anh làm lễ khai trương nhớ quay video lại để em xem nhé !
Long gãi gãi cái đầu đinh một phân đều, tay chân lóng ngóng:
– Vậy anh chọn ngày làm lễ cùng ngày với em nhận bằng được không ?
– Được. Mà chi vậy ?
– Người ta nói “song hỉ long môn” gì đó. Anh muốn được “song hỉ”.
– Cái gì mà “song hỉ”. – Tôi mở lớn hết cỡ đôi mắt bồ câu nhìn Long. – Anh với ai mà “song”, mà “hỉ” ? Nói bậy nói bạ !
Tôi giơ nắm đấm, đụt vào trán Long. Bàn tay nải chuối nắm gọn tay tôi. Long kéo nắm đấm xuống áp vào má. Mắt Long rực lên thứ tình cảm nóng bỏng đến độ mặt ửng đỏ lên. Long hôn lên nắm tay của tôi. Môi anh nóng rát:
– Nữ Anh à, anh muốn nói…
Tôi vội giựt tay lại, trề môi nguýt dài:
– Nói năng cái gì ? Đưa em đi ăn nhanh lên ! Ra sân bay không kịp bây giờ!
Long chớp mắt mấy cái, thở ra, khẽ cười gật đầu. Tôi hú hồn. Chỉ cần chậm vài giây là Long sẽ nói ra cái điều mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn nói với người mình yêu.
 
*
 
Cuối cùng tôi cũng nhận được tấm bằng thạc sĩ. Tôi sung sướng hòa vào đám bạn cùng lớp “đập phá” đến quên cả trời đất. Ông xã tôi gác lại công việc, bay ra Hà Nội để cùng chia vui với tôi. Thật ra anh muốn tận mắt thành quả lao động cực nhọc mấy năm trời của tôi như thế nào. Ông xã tôi giơ đồng hồ lên gõ gõ. Tôi chợt nhớ một tiếng nữa là đến giờ Long cắt băng khai trương gian hàng trưng bày. Tôi vội xin khiếu, hẹn sẽ quay lại, đám bạn mới đồng ý cho đi. Hai đứa vội phóng lên tắc-xi. Tôi kêu kêu tài xế ghé ngang khách sạn để lấy giỏ hoa hoàng nữ anh công phu mang từ nhà ra. Đến cửa gian hàng, Long đang chừng như sốt ruột chờ. Thấy xe tôi vừa tới, Long vội nhảy ba bậc một ra đón. Mở cửa xe, định nắm tay đỡ tôi ra, Long chửng lại khi thấy ông xã tôi ngồi bên cạnh mỉm cười gật đầu chào làm quen. Tôi nói một câu chúc mừng rồi đi thẳng vào trong xem xét công việc chuẩn bị đến đâu. Long và ông xã tôi thong thả đi sau. Long chăm chú nhìn anh trong khi ông xã tôi lại chăm chú quan sát gian hàng. Tôi quay trở lại nheo mắt, cười hỏi:
– Coi được không anh ?
– Khiếu thẩm mỹ của em, anh không dám chê. Chiếc giầy kia đúng là bắt mắt dân bóng đá.
– Sản phẩm của Long, không phải em.
Anh đưa tay đỡ tôi bước xuống, lắt đầu cười:
– Lanh quá đi ! Khen thật lòng chứ không phải khen mỉa mà vội đính chính.
Long nhìn bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay ông xã tôi, rồi ngước lên:
– Tôi nhìn anh quen lắm !
– Trước đây tôi từng đá cho đội Công An Hà Nội như anh vậy.
– Anh là Thành Trung số 7 ! – Long reo lên mừng rỡ, hồn nhiên vỗ lên vai ông xã tôi bồm bộp. – Hồi chưa được vào đội bóng, tôi ái mộ anh vô cùng. Bây giờ mới được gặp. Hay quá là hay ! Hồi anh rời đội, tôi và mấy thằng lính gà buồn rủ nhau đi nhậu suýt chút nữa bị đuổi luôn rồi.
Ông xã tôi thật tươi vì có người đồng thuyền hiểu được chuyện buồn vui của đời cầu thủ. Hai người cứ chuyện hết trận đấu này đến cầu thủ nọ. Tôi chặt lưỡi:
 
– Đến đây khai trương chứ đâu phải đi bình luận bóng đá.
– Vui quá, anh quên ! Chúc mừng xí nghiệp của anh ngày càng phát đạt !
– Cám ơn anh ! – Ánh mắt Long bỗng trở nên dò xét. – Anh là gì của Nữ Anh vậy ?
– Tôi là chồng của cô ấy. – Ông xã tôi quay sang nhìn tôi ngời yêu thương – Tôi bị sa thải khỏi bóng đá. Lúc đó sống như chết, may nhờ có “Nữ Anh bồ câu” dũng cảm cõng tôi trở lại cuộc sống. Không đá bóng được thì làm thứ khác. Có gì đâu mà khổ sở.
 
Long quay sang nhìn tôi hoang mang tột độ. Nét mặt bàng hoàng ngơ ngác của người đàn ông trước mặt khiến tôi mủi lòng muốn khóc. Tôi đưa giỏ hoa cho Long, cố cười nụ cười thiên thần nhất mà tôi có:
– Ông xã em coi anh như bạn, kêu em làm bạn với anh. Chúc mừng anh ! Giờ anh đã thành đạt rồi, không cần em cũng làm được mọi việc ngon lành ! Đây là hoa em mang từ nhà ra. Mong rằng anh vui !
Long đưa tay nhận. Tôi thấy tay anh run. Long chớp chớp mắt mấy cái như cố nuốt cái gì xuống cổ. Rồi ngẩng lên cười. Cái đầu đinh một phân của anh loáng thoáng sợi bạc. Long chìa tay cho ông xã tôi :
– Tôi hiểu rồi. Cám ơn hai người ! Tôi đem hoa đặt lên trên kia nhé !
Long chỉ tay về phía chiếc giầy thạch cao. Tôi gật đầu, đặt bàn tay nhỏ xíu của mình lên hai bàn tay to đại đang nắm chặt nhau. Long rút tay ra. Nhìn tôi một cái rồi quay lưng đi thật nhanh về phía chiếc giầy. Tôi nao lòng, chặt lưỡi:
– Ước gì anh ấy chửi em một câu : “Em là kẻ gạt tình !”, chắc em đỡ khổ hơn.
– Em không có ý định tha hóa Hoàng Long chứ ?
Ông xã tôi trợn mắt hỏi. Sự lo âu hiện trong âm giọng của anh. Tôi bước lại đứng đối mặt với anh, chậm rãi nói:
– Em đang có ý định gát bút nghiêng đi tha hóa một thằng cha kỹ sư để kiếm một thằng con kỹ sư đây.
– Ô là la !
Anh sung sướng nhấc bổng tôi lên. Cứ thế anh xoay tròn mấy vòng liền. Tôi ôm chặt lấy cổ chồng cười khanh khách. Anh chợt dừng lại đặt tôi xuống đất, chỉ tay lên chiếc giầy thạch cao:
– Em nhìn kìa ! Hoàng nữ anh đã lên ngôi !
Giỏ hoa vàng tự tin ngự trên trên chiếc giầy đỏ. Long đã đi đâu tự lúc nào.
 
Rạch Giá, 15-5-2003
Tác giả:  Nguyễn Thị Diệp Mai – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *