RadioVn.Com – Thực tình là Quang không muốn nhìn thấy Thoa lúc này. Không muốn nhìn thấy cái thực thể phô diễn khía cạnh thô tục của người đàn bà. Không muốn thấy cái biến dị về phía xấu xí ở người nữ chủ nhân này. Người thiếu phụ này, trớ trêu thay, với Quang là một vẻ đẹp tươi mởn, mặn mà đã in dấu trong ký ức và hoài niệm Quang.
Thế này thì dứt khoát là sẽ nổ ra một trận lôi đình rồi! Thế này thì chắc chắn là chỉ chốc lát nữa thôi, ở căn nhà này, sẽ bùng nổ một cơn giận dữ không đổ quán xiêu đình, thì cũng ầm ĩ tan nát cửa nhà! Quang nghĩ ngay tới điều hung hiểm buồn lo đến thắt tim nọ, kể từ lúc nghe tiếng Thoa, nữ chủ nhân của căn nhà, cất tiếng gọi cổng bẳn gắt và sau đó là tiếng giày cao gót của chị nện cồng cộc dồn dập trên cầu thang gỗ ở tầng hai.
Và cùng với nó là tiếng gằn hậm hực với câu nói quen thuộc cửa miệng: “Thế này thì thật là không thể chịu đựng được nữa rồi!”. Rồi sau đó là tiếng chị gọi giật đùng đùng đứa con gái mười hai tuổi đang học bài ở trong buồng: “Trang, thằng Hoàng nó đi đâu mà đến giờ chưa về, hả?”.
Kinh nghiệm đã được đúc kết: Một khi người thiếu phụ trẻ này không thể chịu đựng được nữa thì có nghĩa là cân bằng sẽ bị phá vỡ, cơn tức giận sẽ như giọt nước cuối cùng tràn khỏi li. Mà buồn thay, tất cả chỉ là do thằng Hoàng, vì thằng Hoàng, thằng Hoàng con trai lớn của chị.
Mười lăm tuổi, cao lều nghều một mét bảy mươi, lắt lay như một ngọn cỏ dại, thằng Hoàng là một nhân cách chưa hình thành, một đứa con trai lồng hổng từ tuổi nhi đồng.
Đi học thì không thuộc bài, không làm bài. Trong lớp thì đứng đầu bảng về mất trật tự. Thường xuyên trốn tiết để đi chơi điện tử. Lười biếng. Cẩu thả. Vô lễ. Bướng bỉnh và nói dối. Mẹ mắng mỏ, thầy quở phạt bao lần rồi mà tính nào tính ấy vẫn cứ trơ trơ, vẫn cứ như nước đổ đầu vịt, đá ném ao bèo.
Thằng Hoàng học kém toàn diện. Lớp chín rồi mà quy tắc tam xuất còn quên. Bảng cửu chương không thuộc. Chữ viết như gà bới. Ngọng elờ và enờ. Thằng Hoàng suốt từ lớp bảy đến lớp chín toàn đứng bét lớp. Thằng Hoàng không hè nào không phải học thêm để thi lại hai môn Toán và Văn, rồi sau đó, mẹ nó năm lần bảy lượt đến gặp thầy cùng là quà cáp, phong bì là nước mắt ngắn dài, rằng thì là tôi mẹ góa con côi không dạy được cháu, mong thầy thông cảm cho, mới được lên lớp.
Thằng Hoàng thiếu ý chí, không có lòng tự trọng. Thằng Hoàng dòng giống con nhà hạ tiện, vô giáo dục, chứ không phải là con nhà gia phong nền nếp, mẹ là một phụ nữ quyền quý, kế toán trưởng một công ty. Thằng Hoàng làm khổ làm tủi nhục mẹ!
khách trọ..! ( đọc truyện đêm khuya vov )
Thế này thì thật là không thể chịu đựng được nữa thật rồi! Vì người thiếu phụ trẻ sau khi gằn gọc một lần nữa câu nói nọ và vứt bịch cái túi xách tay vào buồng ngủ của mình, đã vừa nện cồng cộc gót giày tức tối đi xuống tầng một vừa thét gọi đứa con gái tên Trang, rằng mày mau mau đi tìm thằng Hoàng về đây cho tao không thì nó chết với tao. Chị thét to, như cố tình để Quang nghe thấy, vì giận dữ cần được khuếch đại lên, đó cũng là một cách giải tỏa hay sao?
Quả nhiên, Quang đã phải buông bút, bỏ dở bài phóng sự, thở ra nhè nhẹ và đứng dậy bước ra khỏi phòng. Không chỉ là một ngòi bút sắc sảo, Quang còn là một tâm hồn nhạy cảm, hay xót xa mủi lòng. Đi bộ đội mười lăm năm, xuất ngũ rồi mới được trở về nghề làm báo, ở thành phố này, lẽ ra Quang có thể ở cùng nhà với vợ chồng anh chị mình, vì đó là ngôi nhà cha mẹ Quang để lại cho hai anh em. Nhưng rồi cuối cùng Quang đã phải dọn đi.
Đó là bởi vì cái thói ganh ghét nhỏ nhen, cái ý muốn độc chiếm ngấm ngầm độc ác của ông anh trai và chị dâu vốn là cái thói ích kỷ thâm canh cố đế không sửa chữa được của con người. Mà họ đâu có phải vì nghèo. Trái lại, họ rất giàu. Ông anh có hai ôtô cho thuê. Bà vợ có cửa hàng lớn ở chợ. Nhưng cả hai cùng lũ con trai lộc ngộc năm đứa mất dạy về hùa với bố mẹ, coi Quang như người dưng bỗng nhiên được hưởng lộc, chiếm đoạt mất nửa ngôi nhà bất động sản giá trị tới hơn ba tỉ đồng của họ. Và thế là không còn thiếu một hành vi bỉ ổi nào. Kể từ cạnh khóe, chửi bới, gây khó và vu khống, đe dọa Quang.
Buồn cho thế thái nhân tình, Quang đành ngậm ngùi ra đi. Quang không thể sống chung với cái xấu xa hỗn độn. Quang yêu cách sống hài hòa êm ả. Và được người bạn giới thiệu, Quang đến thuê một căn buồng trong căn nhà này của Thoa. Căn nhà to vật vã. Bốn tầng nguy nga và một cái sân thượng. Nó là kết quả tích cóp dành dụm của vợ chồng Thoa.
Một người là kế toán trưởng, một nghề nghiệp dễ kiếm tiền hơn nhiều nghề khác. Một là cán bộ của Sở Kế hoạch đầu tư, dẫu liêm chính cũng không ít bổng lộc. Tiếc thay, tòa biệt thự xây xong thì người chồng đột tử. Nay, tầng bốn để dành riêng là nơi thờ phụng tổ tiên và người chồng. Còn tầng ba với hơn năm mươi mét vuông là nơi Quang sở hữu trong vai khách trọ.
Giờ thì một năm đã trôi qua. Và trước lạ sau quen, Quang từ một người dưng đã có lúc trở nên một thành phần trong những buồn vui của cái gia đình nho nhỏ có ba mẹ con này. Ba mẹ con sống khá sung túc. Đứa con gái tên Trang xinh xắn giống mẹ, học khá, toàn đứng đầu lớp và rất ngoan. Thoa là một người đàn bà đẹp, vào tuổi ba mươi lăm nhan sắc càng lúc càng nồng ngấu, nhưng tính tình rất khác thường.
Nó rất giống kiểu người phụ nữ xuất thân trung lưu nhưng sớm va chạm nơi thương trường, không thuần nhất. Nhiều lúc chị rất khảnh, rất đài, quý phái và ngây thơ, nhưng cũng không ít khi chị chất phác, thông tục, sỗ sàng, tai ngược và nhất là hay tự ái cay cú, và thình lình nổi những cơn giận dữ ghê người. Chỉ có người đàn ông nào giàu lòng vị tha mới có thể yêu người đàn bà khó chiều này. Chị khao khát cái tuyệt đỉnh. Và do vậy, nỗi căm uất của chị dồn hết vào đứa con trai, thằng Hoàng, một tuổi thiếu niên lêu lổng chưa có ý thức gì về sự tu dưỡng, tập rèn. Nó làm bẽ mặt chị. Vì nó khiến chị thấy mình thua chị kém em. Nó làm chị tủi nhục. Nó làm chị nổi cơn tự ái uất tức. Và đó là điều tối kỵ!
“Năm nay mày mà không thi đỗ vào lớp mười trường chuyên là mày làm nhục tao thì tao đập chết không tiếc!”. Trời, nghe Thoa đe thằng Hoàng thế mà bỗng dưng Quang lo cho nó. Quang bỗng dưng như kẻ mua dây buộc mình lo cho nó. Vì rõ ràng, thằng Hoàng đang đứng trước những thử thách rất nặng nề. Sức học nó kém cỏi như thế mà sắp tới nó phải qua hai kỳ khảo hạch rất khắc nghiệt. Một là thi tốt nghiệp lớp 9. Hai là thi vào lớp 11 nhà trường trung học phổ thông chuyên dành cho những học trò có thành tích xuất sắc. Quang lo cho nó trong tư cách một tâm hồn dễ thương cảm, sẻ chia. Vậy mà nó có biết lo đâu. Nó vẫn nhơn nhơn chứng nào tật ấy, vẫn lười biếng, ham chơi, hư đốn như mọi khi.
Hôm nay thì tình thế đã đến mức thật là không thể chịu đựng được nữa. Cơn uất giận của mẹ nó đã lên tới đỉnh điểm rồi. Ấy là vì mẹ nó sáng hôm nay bị ban giám hiệu gọi đến trường, cảnh báo cho biết, sức học thằng Hoàng đã chẳng nhúc nhích được tẹo nào, nó vẫn đội sổ, thua cả những đứa con nhà bình dân bán sức lao động, đã thế gần đây nó lại chơi bời, giao du với mấy thằng học trò cũ bị đuổi học vốn là những đứa nghiện ma túy!
Quả nhiên, Quang vừa theo cầu thang đi xuống tới tầng hai thì gặp cái Trang đang chạy ngược lên. Gương mặt tròn trịa tái nhợt, mấy sợi tóc dính mồ hôi bết trán, con bé túm lấy tay Quang, giật giật, miệng mếu xệch kinh hoàng, rối rít:
– Bác Quang ơi, bác can mẹ cháu đi, không mẹ cháu đánh vỡ đầu anh Hoàng cháu mất. Bác ơi, mẹ cháu đã tìm được cái cán cờ bằng gỗ, chờ ở cửa rồi. Bác cứu anh cháu với, bác ơi!
*
Thật tình là Quang đã vội quay mặt đi. Quang không muốn nhìn thấy gương mặt Thoa lúc này. Một gương mặt dữ tợn, đỏ hăm, với hai con mắt xếch chéo, cái lọn tóc cặp vống lên sau gáy, cùng hàm răng nghiến kèn kẹt và tiếng rít chói tai: “Trời ơi là trời! Đẻ con khôn mát lòng rười rượi. Đẻ con dại thảm hại cái lòng là thế này đây. Thằng Hoàng! Tao nói để mày biết nhé. Tao không có đứa con như mày. Mày là con của bọn xích lô ba gác.
Mày là con của loại đầu đường xó chợ. Đồ khốn nạn là mày! Ối Hoàng ơi là Hoàng ơi, tao có cho mày ăn đói mặc rách không? Tao có để mày thua chúng thua bạn không mà mày chịu thua kém chúng nó, mày thua cả con lão xích lô, đứa gác cổng. Người ta chê cười mày là người ta bôi gio trát trấu vào mặt tao đấy, ới Hoàng ơi là Hoàng ơi!”.
Thực tình là Quang không muốn nhìn thấy Thoa lúc này. Không muốn nhìn thấy cái thực thể phô diễn khía cạnh thô tục của người đàn bà. Không muốn thấy cái biến dị về phía xấu xí ở người nữ chủ nhân này. Người thiếu phụ này, trớ trêu thay, với Quang là một vẻ đẹp tươi mởn, mặn mà đã in dấu trong ký ức và hoài niệm Quang.
khách trọ..! ( đọc truyện đêm khuya vov )
Đó là một buổi trưa Quang từ tòa soạn về, tình cờ rẽ vào căn buồng toalét ở tầng ba, kề nơi anh ở. Anh bước vào, sững lại như bị thôi miên.
Thoa đang đứng trước gương. Suối tóc đen nhánh chảy sau lưng. Cả phần ngực trần trụi mênh mông với hai bầu vú mụp mạp cùng hai núm vú đỏ hồng cong vểnh căng tràn sinh lực của chị in trong làn gương sáng, tạo nên một hình dạng đặc thù, vừa hiện thực vừa hư ảo lạ lùng. Ôi, cơ thể người phụ nữ.
Quang có cảm tưởng vừa phải vượt qua cả một khu rừng hoang sơ để đến với một cánh đồng phì nhiêu tươi tốt. Ám ảnh thiêng liêng và huyền bí bám riết Quang đến mức từ đó mỗi khi bước vào căn buồng nhỏ và đứng soi mình trước tấm gương nọ, anh lại run rẩy bồi hồi như đang ở nơi thánh địa. Hôm ấy, thật sự là Thoa đã tạo nên ngẫu sự này.
Chị tưởng anh đi vắng chưa về. Và anh nhớ mình đã đứng ngây đờ, môi khô se, miệng đắng ngắt, sung sướng và ngượng ngập nhìn chị vội vàng mặc lại chiếc áo mới mua màu mận tím, đi ra với lời xin lỗi và vẻ mặt e thẹn như thiếu nữ dậy thì.
Mùa xuân đi qua như một bản nhạc không lời. Mùa hạ đến với sắc đỏ thắm thiết của hoa phượng. Và mùa thu tới với những cơn gió heo may ngập ngừng qua ngõ nhỏ mang theo mùi rơm rạ ruộng đồng. Quang nhận ra mùa đông ấy Thoa mặc đẹp hơn bao giờ hết. Liên tục chị may những bộ váy áo mới. Chị có nhu cầu làm đẹp, chỉ trở nên duyên dáng, thanh nhã hơn trong mỗi lời nói, cử chỉ trước Quang.
Cuối đông ấy, ngày nối ngày với những buổi trưa màu trời thanh thiên pha sắc vàng tuyệt đẹp và thanh tĩnh đến vô cùng. Và Quang đã nín thở vì bất ngờ khi trưa đó dòng suy tưởng đang êm chảy bỗng bị đứt quãng thình lình vì một tiếng hát nho nhỏ lẫn trong làn gió thơm vừa lọt vào căn buồng.
Về đâu. Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ.
Đôi cánh đang cùng rập rờn trên khắp cố đô…
Quang đã dò dè từng bước lần xuống tầng hai. Qua khuôn cửa nhỏ, anh nhận ra Thoa, gương mặt nhìn nghiêng cắt một lát van vát tinh tế, thanh thản trong cái áo len vàng màu hoa cúc, với đôi bàn tay xinh xắn đang nhịp nhàng đưa đẩy hai mũi kim đan. Cạnh chị là cuốn len đen pha xanh đang từ từ tở từng vòng nhỏ và một con mèo nhị thể, vật phân thân của gia chủ nằm thu gọn mình, lim dim hai con mắt. Căn buồng trưa mùa đông hanh hao, ửng ửng long lanh như rắc kim nhũ vàng.
Còn chân dung nào của Thoa đẹp hơn thế! Bỗng nhiên trong Quang nảy nở một khát vọng, một cái thú phiêu diêu mang sắc màu hiệp sĩ là được nâng niu nó, được giữ gìn nó, tức cái đẹp như giữ gìn một khoảnh khắc vĩnh hằng.
Và thế là, thật tự nhiên, công việc của một hiệp sĩ tự nguyện dấn thân bảo hiểm cho điều mình ngưỡng mộ, tôn thờ đã bắt đầu. “Này, Hoàng! Vào đề một bài văn nghị luận nên bằng một hình ảnh. Chẳng hạn, với đầu bài “Luận về tính tranh giành và nhường nhịn” có thể viết như sau: “Trong đời sống hàng ngày, ta thường gặp cảnh tượng sau đây: Một chiếc xe buýt dừng. Một số người xô tới, chen lấn xô đẩy, bằng mọi cách để lên xe trước. Trong khi đó, một số người khác thì lui lại, nhịn nhường…”.
Còn bài tập chữa ngọng elờ, enờ đây. Bảo đảm một tuần là hiệu nghiệm: Quang bảo thằng Hoàng và sau đó bắt nó viết, rồi đọc những dòng sau đây: “Nàng tôn nữ diễm lệ nấu cơm nếp lạc, luộc thịt lợn, đem vào làng, biếu ông nội, qua chỗ lội, gặp Lin Tay lo, Yes yes no no, líu la líu lo, thụt chân nam, xoạc chân chiêu, ngã quay lơ, nồi niêu lăn long lóc!”.
Không ngờ những lời chỉ bảo của Quang lại có tác dụng ngay với thằng Hoàng. Không ngờ bài tập chữa ngọng cho thằng Hoàng gây niềm vui lớn cho cả nhà. Cái Trang cười như nắc nẻ. Thoa cười thỏn thẻn. Quang nói vui vẻ: “Thế có phải là đẹp là vui không? Chị Thoa à, một đứa con trai khó dạy không kém một con thú nhỏ đâu. Đó là câu nói của ông Platon, một nhà hiền triết cổ Hy Lạp đấy”. Thoa cúi mặt, ửng đỏ hai gò má và đôi tai xinh xẻo, bỗng nhiên như thỏ thẻ, thật ngây thơ: “Những khi cáu giận, em xấu xí lắm phải không, anh?”.
khách trọ..! ( đọc truyện đêm khuya vov )
Nhưng lúc này thì Thoa đã hoàn toàn biến đổi thành một hình ảnh khác lạ rồi! Không chỉ là những lời rủa xả, đay nghiến, thậm chí độc địa thuộc một giải tần khác, mà thần thái chị cũng đã di chuyển sang một hệ giá trị khác, thấp kém và vô cùng tầm thường. Mặt đỏ căng, tay lăm lăm chiếc gậy gỗ lim dài hơn một thước, to tròn bằng ngón tay cái, môi bậm đến nhợt máu, mắt quăng quắc như mắt thú, chị đứng sẵn trong tư thế rình đợi kẻ thù ở cạnh cái cổng sơn xanh trước mảnh sân nhỏ nhà mình!
Quang đi ra đúng lúc thằng Hoàng phanh kít chiếc xe đạp Nhật ở trước cổng, rồi chống đôi chân dài ngoằng xuống đất. Đầu đội chiếc mũ lưỡi chai tím, lưng xề xệ cái balô đựng sách vở, nó ngoảnh mặt vào mảnh sân nhỏ, khuôn mặt dài thơ trẻ vô tư chưa hề hay biết điều gì đã xảy ra và sắp xảy ra, kể cả lúc mẹ nó xồ ra từ sau chiếc cổng với cái gậy gỗ giơ cao:
– Hoàng! Mày đi đâu, giờ mới về?
Cùng với tiếng quát, chiếc gậy vung lên, nhằm đầu thằng Hoàng quật xuống, thật là bất ngờ, ngoài cả dự tính của Quang. Với thằng Hoàng điều đó còn ngoài cả sức tưởng tượng. Nó vừa định mở miệng “Con chào mẹ” thì đã vội bật nảy ra khỏi chiếc xe và may mắn, nó né được người vào cái đốc cửa ở căn nhà đối diện. Đầu gậy của cú vụt trượt đập trúng cái yên xe. Nó mạnh đến nỗi chiếc xe không người giữ đứng yên đến mấy giây rồi mới đổ kềnh xuống đất.
– Hoàng! Tao còn dạy được mày nữa không? Hả!
Chiếc gậy lại vung lên và người phụ nữ trẻ một lần nữa lại xô tới phía trước. Còn Quang, lúc này vừa xót thương cho thằng Hoàng, vừa uất nghẹn đến cùng cực, không có cách nào hơn, anh ra hiệu cho thằng Hoàng chạy đi, và tạt ngang sang mấy bước, rồi vừa như che chắn cho nó, vừa trực tiếp đối mặt với cơn giận giữ của Thoa. Hòn than phải tự cháy hết mình. Hiệp sĩ phải đóng trọn vai. Cú gậy quất vô tri thứ hai sượt qua thái dương Quang, nện đánh bịch xuống vai phải Quang.
– Thoa à, đừng cáu giận thế!
Quang nói giọng thật dịu, cùng với động tác giơ bàn tay trái lên cao, đón đỡ chiếc gậy gỗ nặng chịch đang như một ánh chớp vụt xuống lần thứ ba. Bàn tay trái của anh tê dại hẳn đi. Nhưng may, lần này anh đã tóm được đầu chiếc gậy. Và giật lấy nó, anh giơ ngang tay như chặn người thiếu phụ, không cho chị bước lên, tiếp tục xả cơn say máu. Người phụ nữ trẻ hẫng một nhịp đà, buông tay, há miệng kêu một tiếng nho nhỏ, để buột búi tóc sau gáy, xoay lưng lại, gằm mặt đi qua cổng, vào nhà.
Quang dựng chiếc xe đổ, quay lại phía thằng Hoàng, buồn bã bảo nó hãy đi đâu một lúc, tí nữa hãy quay về. Rồi Quang lặng lẽ bước qua sân, đi vào nhà.
Ở chân cầu thang, Thoa đang úp mặt vào tường ri rỉ khóc. Chắc hẳn là chị đang nhớ lại cái câu chị thỏ thẻ hỏi Quang hôm nào: Những khi cáu giận, em xấu xí lắm phải không, anh?
Tác giả: Ma Văn Kháng