Bài nổi bật

Khúc Nhạc Chiều – Thi Văn

RadioVn.Com – Nhà ông bên cạnh nhà tôi, nhưng tôi lớn lên mà không biết về ông. Mẹ tôi bao rằng, ông đã đi bộ đội từ khi tôi còn bé như hạt mít. Ở nhà chỉ còn mỗi bà Hai là mẹ của ông. Nhà chỉ có hai mẹ con, ông ra đi, bà Hai sống một mình bằng nghề bán hàng nước. Nhà ông với nhà tôi chung một cây bàng cổ thụ, có dễ đến trên trăm tuổi. Thân cây rất to, cỡ đến hai vòng tay ôm. Vỏ cây già nua nứt nẻ, là nơi trú ngụ của hàng đàn kiến lớn và từng ổ sâu róm. Mùa nóng, lông sâu róm bay dính vào cổ áo, vào lưng rất ngứa ngáy và khó chịu. Nhưng vì cây to, bóng lớn nên rợp bóng trong những buổi trưa hè, vì vậy mà quán của bà Hai rất đông khách nghỉ.
Khi ông mới đi bộ đội, sợ bà hiu quạnh, ông em trai của ông ở làng bên sai mấy đứa trẻ sang ở với bà. Về sau, chúng nghe kể về con ma bình vôi trên cây bàng, thế là đứa nọ đùn đẩy đứa kia, lần lượt chúng bỏ bà lại một mình. Bà không hề phàn nàn, ngược lại bà vẫn nói: – Chúng nó mải vui, ở với già này nó buồn là phải. Bà cụ Hai vẫn ngày ngày bán quán và vui với hai con mèo mướp.Chiến tranh kết thúc, ông vẫn không thèm về. Sau này tôi mới biết là ông đi học ở trường Đại học Mỹ thuật. Ông có đáo về nhà một đôi lần, rồi lại vội ra đi như chạy giặc. Mẹ tôi bảo, không hiểu ông đang làm công tác gì mà quyết không cưới vợ. Bà cụ Hai mong mỏi héo hon, mà ông không động lòng.
Thế rồi một hôm bà cụ Hai không chờ được nữa, tuổi tác và số phận đã đưa bà về với tổ tiên. Bà chết một mình âm thầm, lặng lẽ. Mẹ tôi thương bà đã khóc như một người con gái hiếu thảo. Sau nhiều lần gọi điện, ông mới nhận được tin dữ và về ngay. Ông lặng lẽ tiến vào nơi cụ Hai quá cố, không khóc nhưng mặt ông khô héo. Đôi mắt ông sâu thăm thẳm và bất định… Rồi ông ngồi xuống bên giường cụ Hai đầu cúi xuống, đôi vai gầy trắng mồ hôi muối khẽ rung rung….
Khúc Nhạc Chiều – Thi Văn
Sau cái chết của mẹ, ông về quê hẳn… Công việc của ông hàng ngày là vẽ và ăn cơm với lũ mèo. Hàng họ của cụ Hai, ông bán tống, bán táng đi cả. Duy chỉ có cái ghế mà cụ Hai vẫn ngồi bán hàng là ông giữ lại. Ông lúi húi buộc lại cái bao tải làm đệm ngồi, rồi dùng nó để ngồi vẽ.
Nhà ông không rộng lắm, lại làm bằng tre nứa nên rất tối tăm, ẩm thấp. Ông dọn sạch những thứ lỉnh kỉnh ra sân để làm xưởng vẽ, rồi khoét thêm cửa sổ bốn bức tường để lấy ánh sáng. Vẫn không ưng ý, ông quyết định ngồi ngay dưới giàn hoa tigôn để vẽ.
Lúc ấy, tôi là nữ sinh lớp 12 trường Trung học thị trấn. Tình cảm và trái tim trinh nữ của tôi chưa thể có cảm xúc về những chuyện xa xôi của người lớn.
Tôi không thích cái gì đó trừu tượng, khó hiểu, vì vậy tôi càng thấy ông ở một thế giới hoàn toàn khác, theo một kiểu tôn giáo khác, khắc khổ và cam chịu. Trong tôi có đến một ngàn lẻ một câu hỏi về cái thế giới của ông. Ông vừa hiện hữu vừa hư vô đến khó chịu…
Căn gác nhỏ nhà tôi là một sân phơi đầy nắng. Cứ mỗi lần lên gác để quét dọn hoặc phơi phóng, tôi đều ngó sang nhà ông một cách tò mò, vụng trộm… Dưới giàn hoa tigôn, ông mải miết ngồi vẽ, trên đầu, dưới chân ông những chiếc lá bàng cứ lặng lẽ rơi… Tôi muốn có một lần nào đó, ông vô tình chẳng hạn, nhìn lên căn gác nhỏ nhà tôi, nơi ấy có một cô bé tò mò, nhưng không một lần nào như vậy. Thế là tôi tự ái, tôi giận ông, tôi ghét ông! Cái ông già khắc khổ và lập dị. Ông ta cứ làm như cả thế giới này chỉ có mình ông ta là sống có ích, cứ làm như chỉ có ông mới làm việc! Nhưng làm sao thế nhỉ? Làm sao mà tôi ghét ông, vừa muốn gần ông… Ông càng bí ẩn, hư vô càng hối thúc trí tò mò của tôi, và quả thực ở ông có cái gì rất đặc biệt, rất khó hiểu. Nhiều lần tôi để ý, thấy có một sự trùng lặp lạ lùng, cứ mỗi lần ngồi trước giá vẽ có một bức tranh khổ lớn là lại nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio casette. Đó là bản nhạc “Khúc nhạc chiều” của SCHUBERT, bản nhạc này tôi có biết nhưng không am hiểu lắm về âm nhạc. Giữa bản nhạc và bức tranh ông đang vẽ có gì liên quan? Ông đang vẽ gì trong bức tranh khổ lớn đó?
Một lần, tôi thấy ông buồn bực thật sự. Ông đang ngồi vẽ như nhiều ngày, bỗng ông buông bút vẽ, rồi ông đi đi, lại lại trong sân, hai tay ôm đầu đau khổ. Đúng lúc ông ngước nhìn lên, thì bắt gặp tôi. Tôi ngượng ngùng:
– Chạy mưa à, cô bé! – Ông chủ động hỏi tôi. Đây là lần đầu tiên ông nói chuyện với tôi.
– Chú làm sao thế ạ? – Tôi hỏi.
– Ồ không! Không có gì đâu! – Ông chối.
– Cháu thấy hình như chú đang có gì buồn bực?
– Cháu thấy chú như vậy à?
– Đúng là chú có chuyện gì rồi! – Tôi khẳng định.
Ông cười độ lượng, rồi nói:
– Này, tò mò như vậy là không tốt đâu, nhất là đối với cô đấy, cô bé hàng xóm à!
Tôi thấy ông có vẻ bình tĩnh trở lại, liền hỏi:
– Cháu thấy những người có hoa tay như chú, người ta kiếm được nhiều tiền lắm, như chú Thành ở đầu phố ấy, chú vẽ truyền thần, trang trí đám cưới, kẻ biển quảng cáo… đông khách lắm. Tại sao chú không làm như thế?
Ông nói:
– Mỗi người có một khả năng khác nhau, cháu ạ! Chú không có cái khả năng ấy!
– Thế chú vẽ tranh để làm gì? – Tôi hỏi.
– Để vẽ! Thế thôi! – Ông trả lời.
– Thế ai trả tiền cho chú? Chú sống bằng gì?
– Bằng lương!
– Chú có lương?
– Đúng vậy! Chú là quân nhân mà!
– Tranh của chú có đẹp không ạ? Cháu muốn xem được không?
– Sao lại không! – Ông trả lời một cách hào hiệp.
Cơn mưa chiều ập đến. Những chiếc lá bàng bay tơi tả trong gió. Giàn hoa Tigôn chao đảo. Đến khi những giọt mưa rơi lộp bộp trên mái hiên, thì ông mới dọn những bức tranh. Tôi cuống quýt vơ vội những chiếc áo trên dây. Đúng lúc, tôi đang gỡ chiếc áo của mình thì chợt một cơn gió ào tới giằng nó ra khỏi tay tôi và bay xuống giàn hoa nhà ông…
– Cháu cứ về đi! Lát nữa mưa ngớt chú đem sang cho…! Tôi thầm cảm ơn ông, rồi chạy vội vào nhà. Cơn mưa kéo quá dài. Cả nhà tôi ăn uống xong xuôi mà vẫn chưa tạnh. Trời tối dần, cả nhà có mỗi ngọn đèn thì dành cho tôi học… Nhưng không hiểu sao, tối nay tôi không thể học được. Giở sách ra mà thấy lòng bâng khuâng, trống trải. Những dòng chữ trên sách cứ nhảy múa trước mắt tôi, còn ngọn đèn dầu thì bập bùng như trêu chọc…
– Meo! Meo…eo..
Có tiếng ai văng vẳng, xa xôi….
– Meo…eo!
Thì ra, ông đang tìm lũ mèo. Khổ thân chúng, giống mèo rất sợ nước.
Nhà ông lại vừa chật, vừa dột, chúng không biết trú nơi nào. Tôi đang nghĩ về lũ mèo thì đôi mắt nặng trĩu và ngủ thiếp đi…
 
Chiếc áo bay sang nhà ông chính là áo của tôi. Tự nhiên tôi thấy lòng mình như lửa đốt. Tan học về, tôi vội tìm chiếc áo, xem ông đã trả chưa, nhưng không thấy. Tôi buộc phải sang nhà ông để hỏi.
Ông đang vẽ. Dưới chân ông là hai con mèo đang vờn nhau. Từ cái radio cassette, bản “Khúc nhạc chiều” đang vang lên với dàn nhạc dìu dặt… Tôi bước vào chào ông. Ông giật mình nhìn tôi:
– A! Cô bé hàng xóm. Vào đi cháu!
Tôi bẽn lẽn:
– Cháu… cháu xin chú chiếc áo!
Ông ngạc nhiên:
– Chiếc áo? Áo của cháu! Sao lại…à! Thôi đúng rồi! Chú xin lỗi, chú quên mất.. Nó bay sang nhà chú, đúng không? – Ông vỗ tay vào trán – Ôi!…Đáng trách thật! Để chú xem!
Ông ngơ ngác đi tìm chiếc áo, còn tôi thì không hiểu nổi. Ông không nhớ thật hay đang đóng kịch? Ông lục lọi trong nhà, rồi ngoài sân. Nhìn ông vất vả tìm kiếm với vẻ lúng túng, ngượng ngùng, tôi cảm thấy rất áy náy và khó xử… Tôi đang định bỏ về thì ông nói:
– Nó bay sang nhà chú! Ở chỗ này! Rồi chú nói chú sẽ cất giùm cháu, rồi chú sẽ mang sang tận nơi trả cháu… Nhưng… Nó đâu?
Thiếu một chút nữa thì tôi cười phá lên vì cách suy diễn ngồ ngộ của ông. Một lát, thấy tiếng ông reo lên:
– Đây rồi! Nó vẫn nằm trên giàn hoa, nhưng có điều là nó vẫn ướt sũng, cháu ạ!
Tôi vội nói:
– Không sao đâu, chú ạ!
Ông nhìn tôi băng đôi mắt đượm buồn:
– Chú đoảng quá, phải không cháu! Quả thực là chú không nhớ nữa… Chú mải đi tìm hai con mèo. Cuối cùng chúng lại chui vào cái chăn của chú! Chú xin lỗi!
– Chú đừng quan trọng quá thế! Đằng nào cháu cũng phải giặt quần áo cho cả nhà mà chú! Cháu xin chú, chào chú ạ! Tôi quay đi vì vội vã, tôi vướng phải cái giá vẽ. Chiếc giá vẽ chao nghiêng, tôi vội đỡ lấy nó.
Khúc Nhạc Chiều – Thi Văn
Đó là một bức tranh sơn dầu khổ lớn thể hiện một cánh rừng chiều với cái nắng vàng đỏ chiếu xuống dòng suối lấp lánh. Những cành lau trắng nở bông lên với luồng ánh sáng ven tô điểm. Trải dài trên bờ suối vắng là một trảng cỏ tranh vàng lượn sóng. Một dãy núi mờ xa với những làn sương mờ ảo… Một bức tranh chưa hoàn thiện, nhưng chỉ với những nét chấm phá đã gợi đến một cái gì đó rất tâm trạng.
– Chú vẽ đẹp thế! – Tôi buột miệng khen theo kiểu trẻ con.
Ông độ lượng hỏi:
– Cháu thấy thế à?
– Cháu thấy nó giống như thật! – Tôi vẫn nói theo kiểu trẻ con.
Có vẻ ông rất buồn vì cái nhận xét của tôi:
– Không thật đâu, cô bé ạ! Giống như thật, thì có nghĩa là không thật… Nhưng lại là thật! Cháu có hiểu không?
– Cháu không hiểu! – Tôi trả lời.
Ông lại hỏi:
– Cháu thấy nó có vui không?
– Đẹp nhưng không vui! – Tôi bắt đầu vào chuyện.
– Cháu có vẻ hiểu rồi đấy! Nhưng vì sao cháu lại cho là nó không vui?
– Nó vắng vẻ và hoang vu quá!
Đến đây, thì ông thì ông thực sự ngạc nhiên vì tôi:
– Cảm ơn cháu! Cháu có biết là cháu vừa tặng chú một món quà quý giá không?
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
– Sao lại tặng quà ạ!
Ông giải thích:
– Chú dày công thể hiện bằng được ý tưởng của mình, nó ở bên trong bức tranh, trong những mảng khối, đường nét, màu sắc, bố cục này. Cái điều cháu nói chính là cái điều mà chú muốn thể hiện. Cháu đọc ra được nó chính là thành công của chú. Đó là món quà quý giá hơn bất cứ giá trị nào đối với lao động nghệ thuật.
Tôi lại hỏi:
– Cháu thấy chú hay mở bản nhạc này, khi ngồi vẽ. Nó có liên quan gì với bức tranh không ạ?
– Có vẻ cháu đi xa quá rồi đấy! Cô bé thông minh ạ. Nhưng không sao, cháu gây cho chú hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó có liên quan chứ! Nhưng để giải thích cho cháu thì dài lắm, mà cháu thì không có thời gian.
Chỉ chờ có vậy, tôi vội nói:
– Không sao đâu chú ạ! Chú cứ kể đi, cháu có cả một buổi sáng để nghe chuyện của chú đây.
Ông nghi ngại hỏi:
– Cháu không phải giặt quần áo ư?
Tôi mỉm cười:
– Cháu làm xong mọi việc rồi! – Thực ra, câu chuyện sang tìm cái áo chỉ là cái cớ để tôi trò chuyện với ông. Tôi giận mình có vẻ ma quái trước một người rất dễ tin như ông…
Ông trầm ngâm ngắm nhìn bức tranh. Không gian lặng lẽ, những chiếc lá bàng vẫn tiếp tục rơi… Tôi nín thở chờ đợi… Cuối cùng, ông bắt đầu nói:
– Cháu thấy đây là bức tranh vẽ phong cảnh đúng không?.. Và cháu thấy nó rất buồn, đúng không? Nó thế đấy… Đây là một câu chuyện buồn, đúng vậy! Nó xảy ra trong thời gian khốc liệt nhất của chiến tranh… Giọng ông trầm lắng.
Vào thời kỳ ấy, đơn vị pháo mặt đất của ông đang làm nhiệm vụ tại Quảng Trị. Ông có một người bạn tên là Châu chơi với nhau rất thân. Ông hay vẽ, còn Châu có khả năng âm nhạc ở trình độ cao. Anh ấy là con của một gia đình nhà giáo, nhưng anh và các em lại đam mê nhạc. Đơn vị có một cây đàn Acoocdeon cũ và chỉ có Châu là sử dụng được. Mỗi khi có liên hoan văn nghệ, không thể thiếu tiếng đàn của anh. Anh đệm đàn cho mọi người hát và độc tấu biểu diễn. Khi ấy, mọi người như nín thở, đắm chìm trong những tiết tấu đầy sức lôi cuốn… Lúc rỗi rãi và nhớ nhà, anh ôm cây đàn ra suối… Trong những bản nhạc anh chơi, có một bản nhạc mà giai điệu dìu dặt, tha thiết, đầy nỗi nhớ nhung…Về sau, ông được giải thích đó là “Khúc nhạc chiều” của SCHUBERT, khi còn ở nhà anh cùng cô em gái hay song tấu bản nhạc này. Có lẽ giữa âm nhạc và hội họa có một sự đồng điệu, nên ông và Châu đã hình thành lên một tình cảm bạn bè thân thiết một cách tự nhiên. Một lần, được ra Bắc nhận quân, ông đã đến nhà anh trong buổi tối mùa đông Hà Nội. Ông kể chuyện về Châu, về những ngày gian khổ ở chiến trường và những nỗi nhớ nhung gia đình của anh. Câu chuyện của ông đã gây ấn tượng sâu sắc cho gia đình ông bà giáo. Ông giáo yêu cầu các em của Châu biểu diễn cho ông nghe một chương trình nhạc không lời, tất nhiên trong đó có cả bản “Khúc nhạc chiều”. Hai cô em gái của Châu đều là sinh viên nhạc viện, trong đó có Liên- em kế Châu- chơi đàn Violon. Liên biểu diễn say sưa như muốn qua ông chuyển tới người anh trai nơi chiến trường nỗi nhớ mong da diết… Ông không bao giờ quên hình ảnh của Liên lúc ấy với mái tóc xõa ngang vai, cả người cô nghiêng ngả theo tiếng đàn, ngón tay Liên như múa, như reo trên phím đàn. Sau cái đêm đầy ấn tượng ấy, ông bà giáo mời cơm ông. Ông được ngồi gần Liên và cô đã chăm sóc ông như người thân trong gia đình. Cô tự nhiên và kín đáo, tế nhị, sâu sắc. Khi lên xe trở về đơn vị, người đưa tiễn ông chính là Liên. Cô đưa cho ông hai gói quà cho Châu và cho ông. Cô nói là cả ngày mong đợi cái ngày chiến thắng và được đón cả hai anh em còn nguyên vẹn trở về… Cô nói rất nhanh rồi vội vã lên xe đạp đi, hòa vào dòng người trên đường phố. Ông chỉ kịp nhìn theo mái tóc xõa ngang vai của Liên bay trong gió…
Sau lần ấy, Châu đối xử với ông thân thiết hơn. Anh nói là em gái anh chưa bao giờ có thái độ như thế đối với một người đàn ông lạ. Anh mỉm cười đầy bí ẩn, như ông biết anh đang dò xét ông và ông rất ngượng. Cũng kể từ đấy, ông và Châu hay chăm sóc nhau như họ đã là anh em trong nhà. Tình cảm ấy, đã làm cho hai người như có thêm sức mạnh.
Khúc Nhạc Chiều – Thi Văn
Mộ hôm, đơn vị giao cho ông và Châu đi trinh sát cao điểm 320 để xác định tọa độ bắn. Trời về chiều, hai người lên đường. Hoàng hôn đổ dài theo triền núi. Vượt qua một cánh rừng, hai người bắt đầu lội suối. Sang bờ bên kia, Châu chợt ngắm nhìn dòng suối lấp lánh, rồi nói với ông rằng: – Đây là con suối trong “Khúc nhạc chiều”, một con suối rất đẹp giữa khung cảnh núi rừng trầm mặc đầy gợi cảm. Không nói, nhưng thầm khen Châu có một tâm hồn nghệ sỹ đích thực. Tài năng cộng với nguồn cảm xúc sẽ cho anh một sức truyền cảm lớn  trong âm nhạc… Họ cắm cúi đi tiếp. Trước mặt họ là một trảng cỏ tranh cao lút đầu. Có một con đường mòn không rõ nét, Châu khoát tay ra phía sau ra hiệu cho ông giữ khoảng cách cần thiết… Ông ngoan ngoãn nghe theo và cứ nhằm chiếc mũ tai bèo của Châu mà đi. Bỗng một tiếng gầm khủng khiếp vang lên, ông giật mình tháo chạy, nhưng hình như có một sức mạnh nào đó kéo ông lại. Phía trước, cỏ tranh đổ rạp xuống. Ông lao lên thì một cảnh tượng không thể tưởng tượng nổi đang diễn ra. Một con hổ lớn lông vàng như lửa đang vờn Châu. Anh nằm dưới đất chĩa lòng súng AK để gạt tay con hổ. Con hổ cũng lấy tay gạt mũi súng của anh. Thấy vậy, ông lên đạn roàn roạt. Châu hét lên:
– Không được bắn! Lộ hết!
Đúng lúc, Châu mải nói với ông con hổ chồm lên người anh. Ông kịp nghe tiếng thất thanh:
– Cứu tôi…ôi!
Ông kéo lưỡi lê và xông tới, con hổ bỏ Châu, quay lại về phía ông. Nó đứng dựng cả người lên, đuôi quẫy mạnh và chồm tới. Ông lùi lại và ngã ngồi xuống. Đúng lúc con hổ đè lên người ông thì lưỡi lê từ nòng súng AK của ông đâm trúng ngực con vật. Trời đất tối tăm mù mịt, ông nghẹt thở vì con vật nằm đè lên người ông rất hôi thối. Nó nặng đến mức làm gãy cả lưỡi lê AK của ông, mà ông không tài nào lấy ra được. Ông trườn ra khỏi người con vật, bỗng ông thấy phần bụng dưới của mình đau nhói, cả một vạt áo rách toạc, thì ra khi nhảy bổ vào người ông, hai chân sau của con ác thú đã làm ông bị thương. Máu bắt đầu ứa ra từ đó. Ông chạy tới chỗ Châu, thấy anh nằm vật xuống đám cỏ nhàu nát. Cả người anh đẫm máu. Ông cúi xuống lay gọi Châu, nhưng Châu không trả lời. Ông cõng Châu lên vai chạy về phía con suối, rồi đặt anh nằm xuống và tiếp tục lay gọi. Châu thoi thóp thở… Được một lát, anh lặng lẽ gục đầu vào ông bất động.
Sau một đợt phẫu thuật kéo dài, ông đã có thể đi lại được. Chiều đến, ông chống gậy ra con suối vắng ngồi ngắm hoàng hôn. Lòng ông trống vắng và buồn bã, lương tâm ông bị dày vò, cắn rứt, tâm hồn ông khô héo và cạn kiệt cảm xúc…. Nỗi thương nhớ bạn và sự mặc cảm hèn nhát làm cho ông đau khổ. Nếu như lúc ấy, ông xông đến ngay chỗ bạn thì kết cục sẽ không như thế. Con hổ sẽ vồ vào ông. Ông sẽ quần nhau với nó, vì ông cao lớn hơn Châu, hơn nữa anh ta lại yếu ớt thư sinh… Và con hổ lớn sẽ cào cấu, cắn xé ông, ông sẽ đâm cho nó nhiều nhát lê… Và như thế nếu ông có chết, thì con thú dữ cũng hết đường sống, hoặc ông sẽ… Ông sẽ… Trời ơi! Còn Liên và gia đình ông giáo nữa chứ! Mọi người sẽ nghĩ gì về ông khi biết câu chuyện đó… Mình điên mất thôi.
Vết thương của ông mãi không lành, trái lại nó cứ rỉ nước vàng. Các bác sỹ giải thích là do móng vuốt con hổ bẩn, nên vết thương bị nhiễm trùng nặng, cần có những điều kiện y tế tốt mới chữa chạy được… Vậy là ông được ra Quảng Bình. Ông lại lên bàn mổ một lần nữa… Cuối cùng ông được ra viện với một giấy chứng thương và một lời khuyên của bác sỹ, ông không nên cưới vợ! Ông chấp nhận tin đó một cách lạnh lùng trong một tâm trạng đã chai cứng, bão hòa! Ông chấp nhận như một cách đương nhiên, giống như ông phải chịu một sự trừng phạt của số phận hoặc như một cái giá phải trả….
Ông ra quân và lao vào học vẽ tại trường mỹ thuật. Học làm việc, đó là cách tốt nhất. Thời gian đầu, ông chép tranh cho đám “đầu nậu” galery. Những tác phẩm lớn của các danh họa nổi tiếng, qua tay ông tái hiện như nguyên bản. Tranh bán chạy đến nỗi, khi ông về quê để sống, họ vẫn bám theo ông. Ông từ chối, họ nài nỉ. Ông vẫn từ chối, họ đặt giá cao. Ông vẫn không chịu…. Và thế là họ xúc phạm đến ông. Cái hôm mưa giông dữ dội ấy, ông đã đuổi và mắng họ không tiếc lời. Để rồi, chính ông lại ôm đầu đau khổ.
Khi cụ Hai còn sống tuy rất nhớ và thương mẹ, nhưng ông không về với cụ. Ông trốn chạy nỗi khát khao của mẹ là được nhìn thấy con dâu, cháu nội… Ôi! Thật là tội lỗi! Ông đã mắc một món nợ với chính mẹ ông, một món nợ dễ dàng với nhiều người, nhưng với ông thì không tài nào trả được.
Ông cũng không dám đến nhà ông giáo, không dám gặp Liên. Món quà Liên tặng, ông còn giữ khư khư báu vật. Nhưng không thể đến. Một lần nữa, ông lại thấy mình hèn kém vô cùng.
Phải mất một thời gian dài sau khi nghe chuyện của ông, tôi mới lấy lại được thăng bằng. Mấy ngày đầu, tôi thẫn thờ và hoang mang. Con người thì nhỏ nhoi, mà sao số phận lại khắc nghiệt đến thế? Sự khắc nghiệt như có một bàn tay hư cấu, xếp đặt, chất chồng. Không hiểu cuộc đời tôi có phải gánh nặng như ông không? Nếu có, chắc tôi không chịu đựng nổi. Ông cứ tự dằn vặt mình, nhưng với cách nhìn bằng lý trí và sự tin cậy của tôi, thì ông rất cứng rắn. Ông đơn độc và lặng lẽ vượt qua sự trớ trêu của số phận, sự khổ ải của chính mình… Để tiếp sống, vì ông có một ngọn lửa tình yêu nghệ thuật một cách đích thực. Nó nuôi dưỡng những khát vọng của ông. Tôi cứ tự nói về ông trong cõi lòng riêng của mình như thế và…tự khi nào, tôi thấy thương và quý trọng ông. Tôi muốn giúp ông một việc gì đó, tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi muốn giúp ông một cách thực sự và tự nguyện. Trái tim thanh nữ của tôi chưa hề được rung động theo những cung bậc tinh tế của tình yêu, nhưng với ông thì tôi cảm thấy có một sức mạnh nào đó níu kéo… Không! Không… Cái đó không phải là tình yêu, lại càng không phải với ông. Nhưng đêm đêm, thấy ông húng hắng ho mà lòng tôi thắt lại. Sáng ra, vẫn thấy ông quét sân và chăm sóc lũ mèo. Tôi thấy được vỗ về, an ủi… Tôi để ý thấy dạo này ông gầy dọc đi. Dáng ông cao, nay lại gầy yếu nom cứ lêu nghêu như hiệp sỹ thời trung cổ Don Kisot….
Hôm ấy, đi học về tôi lại nên gác phơi quần áo. Giàn hoa tigôn vắng lặng. Lũ mèo cũng đi đâu mất. Hỏi mẹ tôi thì biết rằng, ông đã vào bệnh viện từ sớm. Tôi đến thăm ông vào lúc chiều tà. Trên giường bệnh, ông nằm bất động. Một chai huyết thanh đang nhỏ nước… Như có linh cảm, ông mở mắt nhìn tôi và mỉm cười, một nụ cười héo hon, méo mó:
– Cháu đến đây à! Cô hàng xóm!
– Chú làm sao thế ạ? – Tôi khẽ hỏi.
– Không sao! Vết thương tái phát đấy mà!
– Chú có hay bị như thế không?
– Trước đây thì không, còn bây giờ… Cháu thấy đấy. Câu nói của ông đứt đoạn trong những tiếng ho khan.
– Thôi chú đừng nói nữa.
Ông khẽ gật đầu, mắt ông nhắm lại. Một lát, ông nói:
– Cháu vào thăm chú thế được rồi! Chú cảm ơn cháu!
Tôi hiểu là ông không muốn tôi ngồi lại với ông. Bất giác, tôi cảm thấy tủi thân và giận ông nữa.
– Cháu…muốn giúp chú, việc gì đó cũng được! Chú đồng ý không?
Ông khẽ lắc đầu:
– Cảm ơn cô bé tốt bụng! Thế này được rồi… Cứ để cho bác sỹ lo cho chú…
Tôi đứng phắt dậy… Nhưng chợt nhìn thấy chiếc radio cassette trên đầu giường ông:
– Cháu mở nhạc cho chú nghe nhé! Cháu muốn nghe lại bản “Khúc nhạc chiều” của SCHUBERT.
– Thế à! Vậy cháu mở đi! Bản số 9 ấy!
Một giai điệu dạt dào vang lên giữa không gian yên tĩnh. Từ nơi cửa sổ, có một luồng sáng rực rỡ và mạnh mẽ đang rọi vào phòng bệnh. Ông nghiêng đầu về phía ấy, nơi mặt trời đang chiếu những tia sáng cuối cùng trước khi tắt nắng. Tôi nhìn ông rồi nhìn lên những giọt huyết thanh trắng trong tinh khiết và mặn mòi đang từng giọt, từng giọt nhỏ xuống, long lanh như những giọt nước mắt…
Hãy nhỏ nữa đi, hỡi nguồn nước diệu kỳ… Hãy tưới mát cho sự sống, bởi cuộc đời này còn nhiều lắm những khát khao…
Tác giả: Thi Văn – Người thực hiện: Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *