Bài nổi bật

Kỳ án ánh trăng – Quỷ Cổ Nữ

Quỷ Cổ Nữ là bút danh chung của một cặp vợ chồng người Trung Quốc đang sống ở Mỹ, vợ là Dư Dương – kỹ sư có thâm niên về phần mềm máy tính của một công ty đặt tại thung lũng Si-li-côn (Mỹ); chồng là Dị Minh – chuyên gia y học nổi tiếng trong giới học thuật. Mùa xuân năm 2004, hai người dùng tên thật, cùng xuất bản cuốn tiểu thuyết dài “Mùa xuân trên dòng sông băng”, đã được giới chuyên môn đánh giá cao.
****
Giữa năm 2004, hai vợ chồng lấy bút danh là Quỷ Cổ Nữ (trên mạng) công bố tiểu thuyết kinh dị ly kỳ “Kỳ án ánh trăng”, gây chấn động không ngờ. Chỉ trong ba tháng ngắn ngủi đã khiến rất nhiều độc giả trên mạng quan tâm. Đây là câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn có sức mê hoặc mạnh mẽ khiến ta không thể không đọc liền một mạch. Trên mạng có trên 10 triệu độc giả, khắp Bắc Mỹ và Châu Á có 10 trang Web cùng cạnh tranh truyền tải. Khi đang sáng tác nửa chừng, tác giả nhận được lời đề nghị từ Nhà xuất bản Nhân Dân Thượng Hải xin phép được ký hợp đồng xuất bản. Mồng 1 Tết âm lịch năm 2005, tiểu thuyết “Kỳ án ánh trăng” đã ra mắt bạn đọc, và Quỷ Cổ Nữ đã bất ngờ trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của các tác giả văn học thể loại truyện kinh dị Trung Quốc.
“Kỳ án ánh trăng” của Quỷ Cổ Nữ mới chào đời hai năm song đã xác định được vị trí tiên phong hàng đầu của mình; trở thành một hiện tượng của văn hoá đọc. Cuối tháng 3 năm 2006, trong cuộc bình chọn “Đi tìm Stephen King của Trung Quốc” – tác giả đã giành được vị trí số 1 (trên mạng) trong số 10 tác giả viết tiểu thuyết kinh dị đặc sắc nhất trong lòng bạn đọc. Ngay sau đó, Quỷ Cổ Nữ được tờ “Tin tức buổi trưa” bình chọn là “Người cầm bút khổng lồ của năm 2005”.
****
Mùa xuân năm 1977.
Ánh trăng lạnh lẽo soi trên đôi vai gầy guộc của Tưởng Dục Hồng, cô thấy lành lạnh. Lẽ ra đêm xuân không nên có cảm giác này mới phải. Cô cười thầm và trách mình thật chẳng ra sao: những ngày tháng ở Quý Châu làm một thanh niên học sinh đi thực tế cơ sở, khi thấy chán ngán, nửa đêm cô vẫn đi dạo một mình trong thôn là chuyện bình thường; lúc này đang ở trong vườn trường của trường đại học rất yên tĩnh, sao mình lại sợ hãi gì? Có đúng là tại cái nơi mình định đến lúc này không?

Ánh trăng sáng trong bao phủ khu nhà nhỏ hai tầng cách chỗ cô đứng không xa. Đó là khu nhà kiểu châu Âu được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ này, nghe nói đó là khu nhà cổ nhất trong Đại học Y, nay được dùng làm phòng thực nghiệm giải phẫu học. Phía bắc là cửa ra vào duy nhất, đó là một vòm cuốn khá dày, như kiểu hang đá; nóc của nó là ban công của tầng hai nhô ra. Lúc này nhìn vào, thấy vách cửa xám được ánh trăng soi trắng nhợt, bóng của mái vòm và ban công in xuống nền, làm cho phía trong cửa vòm tối om khác thường, hình như trong đó đang chứa đựng những thứ gì đó rất đáng sợ.
Nếu ngày mai không phải làm bài thi giữa học kỳ của môn giải phẫu thì cô đã chẳng phải nửa đêm một mình đi vào khu nhà mà bên trong đâu đâu cũng bày các xác chết đủ loại cùng các đoạn chân tay dài ngắn và nồng nặc mùi phooc-môn. Dục Hồng là một sinh viên công nông binh đợt cuối cùng về học ở đây, trải qua bao nhiêu dày vò và khắc khoải chờ đợi trong suốt bảy năm trời “đi thực tế” ấy, rồi cũng đến ngày cô được thực hiện ước mơ của mình.
Tuy nhiên, năm tháng trôi đi, nay cô đã ở tuổi 26, kiến thức cơ bản bị rỗng, dù cố đến mấy cũng không thể đọ trí nhớ và độ nhanh nhạy với cánh sinh viên 17-18 tuổi. Nhưng Hồng lại vốn có cá tính mạnh mẽ, cô luôn muốn nổi trội trong học tập, cho nên đêm nay cô đến phòng thực nghiệm giải phẫu hoàn toàn không vì nước đến chân mới nhảy, mà là muốn nâng cao kiến thức đã có, muốn làm rõ từng chi tiết cuối cùng mà cô còn mơ hồ. Then chốt của môn giải phẫu học là phải chịu khó nghiên cứu các tiêu bản thực thể để cảm nhận đa chiều và cụ thể, vì vậy phòng thực nghiệm giải phẫu là nơi ôn tập lý tưởng nhất.
Tác giả: Quỷ Cô Nữ – Người đọc: Kún – Kỹ Thuật: Cẩm Vân

Xem thêm đề xuất

Bãi biển linh thiêng

RadioVn.Com – Đêm đen dày đặc, một bóng trắng bất ngờ xuất hiện làm cho …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *