Bài nổi bật

Lạc Quê – Hiệu Constant

Lạc quê cá quẫy trong hồ lạ,
Mượn mảnh mây trời nhớ không không!
Thời tiết đầu thu mát mẻ, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Cả khu điện Elysée vàng xượm dưới ánh nắng nhạt của mùa hè anh điêng. Ông đứng đó, trong gian tiền sảnh lớn của điện Tổng thống. Lòng tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn. Ông trưởng ban lễ tân mời quan khách dùng trà, đợi Tổng thống sẽ đến trong giây lát.
Giây lát của các Tổng thống Pháp có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Ông đưa mắt ngắm nhìn đồ trang trí của phòng khách. Những tấm thảm đỏ dày sạch bong trên nền nhà, những bức tượng bán thân trắng toát không tỳ vết đặt rải rác đây đó, những bức tranh tường từ thời Phục Hưng đẹp mê ly, chiếc đèn chùm pha lê trắng ngần, bắt nắng lung linh. Hôm nay ông cùng hai đồng nghiệp kiến trúc sư và gần hai chục người khác được Tổng thống mời đến để trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì sự nghiệp thúc đẩy sự phát triển của Quốc gia.
Đứng giữa đám người nhỏ to trò chuyện, và đám phóng viên lủng củng với đủ loại máy móc, ai nấy đều loay hoay tìm chỗ đứng, góc chụp, góc quay…, ông nghe mà không nghe thấy gì hết! Vào chính thời khắc này, tâm trí ông lại đang ở xa, rất xa. Nó chạy ngược về quá khứ và từng cảnh từng cảnh hiện lên rõ rệt trong ông. Nếu ai đã từng gặp ông gần năm mươi năm về trước hẳn sẽ không thể ngờ…
Rồi ông nghe tiếng ai đó “Tổng thống tới”. Tổng thống đến thật, nụ cười luôn nở trên môi, ông chào hỏi bắt tay vài người đứng gần, và tới trước chiếc bàn nhỏ, được kê cho dịp này, rồi bắt đầu xướng tên từng người, bản tiểu sử tóm tắt và sự nghiệp. Mỗi lần, Tổng thống đều không quên nói vài lời khen ngợi biểu dương tài năng đức độ trước khi gắn lên ngực áo họ chiếc Huân chương Bắc đẩu bội tinh…
Ông nhìn ra ngoài sân. Trời đã về chiều, ánh nắng tưới ướt rượt hàng cây trong vườn, rọi lên lớp đá giăm trắng tinh, chập chờn óng ánh. Ông không còn nghe thấy tiếng Tổng thống nữa, mà năm tháng quá khứ lúc thì bồng bềnh trôi, lúc lại trượt đi rất nhanh trong đầu ông. Rồi chẳng biết tự lúc nào, nước mắt ông ứa ra, chảy thành giọt lăn dài trên gò má đã bắt đầu nhăn nheo. Ông cũng không nghe thấy tiếng Tổng thống xướng tên mình, chỉ khi người đồng nghiệp huých mạnh khuỷu tay thì ông mới choàng tỉnh và bước từng bước, chậm rãi, chắc nịch ra giữa phòng, nơi Tổng thống đang mỉm cười, chìa tay cho ông. Chắc đã quá quen với cảnh xúc động của mỗi cá nhân khi được trao mề đay, người đứng đầu nhà nước vỗ nhẹ lên vai ông bằng một cử chỉ cảm thông. Nhưng ông biết, cả Tổng thống lẫn đám quan khách kia, cả đám nhà báo, không ai có thể hiểu được cội nguồn thực sự của những dòng nước mắt ấy…
Thằng bé đánh đàn trên bãi biển Bordeaux.

Nó mê truyện Tam Quốc và thấy hầu như vỹ nhân nào cũng chơi đàn rất hay, từ Khổng Minh, Châu Du cho đến Tư Mã Ý…, họ hiểu âm luật, hiểu được tiếng đàn là bày tỏ nỗi lòng của người chơi. Còn bố nó thì thường nói với các con rằng “xướng ca vô loài, biết âm nhạc chỉ để thư giãn thôi.” Chị em nó đều có khiếu âm nhạc, nhưng bố mẹ không đủ tiền cho theo học. Nên nó chỉ chơi bằng tai, có nghĩa là nó tự sáng tác ra các nốt nhạc diễn tả đúng tâm trạng nó, và nó cũng chưa hề biết nhạc lý. Đã mấy tháng nay, nó vẫn không nhận được tiền từ Sài Gòn gửi sang, mãi sau này nó mới biết rằng chính sách của Ngô Đình Diệm không cho gia đình gửi tiền ra nước ngoài. Những ngày đó đối với nó là khoảng thời gian cơ cực nhất đời. Một thằng bé mười sáu tuổi, sau mỗi buổi lên lớp là nó lại lo sợ, chữ “tiền” ám ảnh nó. Tiền ăn, tiền trọ, tiền quần áo… Lang thang trên bãi biển sau buổi học, những trang truyện Tam Quốc lại ẩn hiện trong đầu nó. Nó thấy Khổng Minh luôn tìm ra kế sách trong bất kỳ trường hợp nguy nan nào: “Chúa công có bao nhiêu can đảm thì Lượng này có bấy nhiêu kế!”. Nó mường tượng rằng nếu Khổng Minh hiển thánh lúc này hẳn sẽ động lòng trắc ẩn khi nhìn thấy nó! Phải tìm ra cách gì đây? Đâu là giải pháp…? Mắt nó chợt va phải một người di-gan đang gảy đàn, và nó nhảy cẫng lên “Đây chính là giải pháp giúp nó thoát khỏi mối ưu phiền trước mắt đấy!”. Thế là vào kỳ nghỉ cuối tuần, nó đem đàn ra bãi biển – cây đàn mà nó đã đem theo từ Sài Gòn và gần như là vật bất li thân của nó. Mũ đặt trên cát và nó chơi nhạc. Nó cứ đánh, tiếng nhạc hòa âm cùng tiếng sóng biển rì rào, bập bềnh… Tiếng nhạc hòa lẫn vào sóng biển đưa âm thanh đi rất xa, rồi lại quay về quần tụ trên mỗi sợi dây đàn và những ngón tay nó. Nó chơi say sưa bằng tất cả tâm tư, tình cảm của mình. Nó truyền vào nốt nhạc nỗi nhớ cha nhớ mẹ, nhớ chị nhớ em, nỗi nhớ quê hương xứ sở, và cả mối bận tâm khắc khoải hàng ngày của nó… Cuối buổi, nó đếm được gần năm mươi frăng, số tiền mà nó tiêu dè xẻn cũng được gần một tuần.
Nó cố gắng giấu mọi người sự phiền muộn của nó. Nhưng chuyện nó đi đánh đàn trên bãi biển để xin tiền thì cuối cùng cũng đến tai cô Hélène. Cô Hélène là quản trường, một phụ nữ Pháp hơi ộ ệ, nói to, hay quát lũ học trò đi muộn la cà trước cổng trường, nhưng tốt tính. Cô hay để tâm đến những học trò cơ nhỡ, cô thường nhanh chóng phát hiện ra nỗi ưu phiền của mỗi đứa. Do cô cứ gặng hỏi, tự nhiên nó cảm thấy cô độc và sung sướng tột cùng khi có người quan tâm đến nó. Nó cố kìm những giọt nước mắt, mà chính nó cũng không biết là do tủi thân hay hạnh phúc, để thổ lộ hết với cô Hélène.
– Việc cháu đi đánh đàn cũng tốt, nhưng không nằm trong quy định của trường. Phải kiếm việc khác thôi.
Gần một tuần sau, khi tan học, nó thấy cô đứng đợi ngay trước phòng trực:
– Vào đây đi, có tin vui cho cháu đấy! Cô đã tìm được một việc cho cháu, – Cô nói và đặt xuống trước mặt nó một cốc sô cô la đang bốc khói. – Một chủ nhà hàng nhỏ, bạn của chồng cô, đang tìm một người bồi bàn vào cuối tuần. Cô đã giới thiệu cháu.
– Hay quá! – Nó nói ngay. Nói xong, mặt nó thừ ra.
– Cháu sao vậy?
– Nhưng cháu chưa bao giờ làm bồi bàn, tóm lại là cháu không biết làm cái gì sất! – Nó nói rồi hai tay vò đầu, ánh mắt tuyệt vọng.
– Thì vừa làm vừa học, – cô an ủi. – Vả lại, cô đã nói với ông chủ là cháu mới đang học lớp Nhất.
Nó cám ơn và về phòng, không quên hỏi địa chỉ nhà hàng, tên ông chủ quán và ngày nào thì có thể bắt đầu.
– Thứ bảy tuần tới, và 10 giờ 30 nhé.
Cả tuần trôi đi trong sự hồi hộp của nó. Thứ bảy đến, mới có chín giờ mà nó đã chỉnh tề, diện bộ quần áo chỉn chu nhất còn lại.
Ông chủ nhà hàng ngạc nhiên không tin vào tuổi mười bảy khi nhìn thấy nó. Thực ra, nó đã nói dối khi tăng lên gần chín tháng. Nó nhỏ thó.

Có lẽ cả đời này, kiếp này, nó sẽ chẳng bao giờ quên cảm giác nóng bừng khi một ông khách nhìn nó loay hoay, không sao bật nổi chai sâm banh… Và một anh đồng nghiệp lớn tuổi hơn đã đến trợ giúp. Đêm ấy, trong phòng ngủ, nó cứ trăn trở mãi và những giai thoại trong Tam Quốc lại chập chờn trong đầu. Chuyện gì rồi cũng sẽ có giải pháp, nếu không phải là Nhân định thì do Thiên định. Khổng Minh: Thất cầm Mạnh Hoạch. Khi quân Thục uống phải nước suối độc, lính nằm la liệt chờ chết thì Khổng Minh gặp được chính huynh trưởng của Mạch Hoạch chỉ cho giếng An Lạc và đã biến nguy thành an. Còn nó chả lẽ lại không có… Có chứ, nó có đấy: đó chính là lòng tin. Nó lẩm bẩm câu ấy trong lúc chìm vào giấc ngủ.
Nó vẫn đến lớp đều đặn và cuối tuần đi làm ở nhà hàng. Nó chăm chú quan sát các đồng nghiệp lớn tuổi hơn nó. Từ cách bật rượu, dọn bàn và mời chào đưa tiễn khách.
Thắm thoắt đã đến lúc phải chọn Ban thi tốt nghiệp. Nó phân vân. Ngày xưa, cha nó chiều chiều thường đèo một thằng bé là nó đi dọc sông Sài Gòn đến tận bãi rác to nhất thành phố. Ông chỉ cho nó thấy rất nhiều trẻ em lem luốc và các cụ già ho khù khụ đang tìm bới trong mùi hôi thối nồng nặc và tiếng vo ve của bầy ruồi nhặng. Bố nói rằng trước sau gì những người kia cũng sẽ nhiễm bệnh… Trước khi xuống tàu đi du học, bố đã nói rõ rằng nó chỉ quay về gặp ông khi có “bằng đỏ toubib(1), chỉ là toubib thôi, con hiểu chứ!”. Nhưng nó lại chỉ ham vẽ. Không phải là phong cảnh hay gái khỏa thân, mà là những tòa nhà. Những công trình kiến trúc của Pháp như hút hồn nó. Nó thích chuyển thể những ý tưởng của nó bằng hình ảnh. Nó hình dung ra những tòa nhà cao tầng, có khu công viên xanh bao quanh và mặt hồ yên tĩnh. Các ngôi nhà không chỉ có độ bền về chất lượng mà còn có giá trị thẩm mỹ. Ngoài giờ học, nó đi lang thang trong thành phố, ngắm nhìn những công trình kiến trúc đồ sộ có từ bao đời, bề thế, vững chãi mà đẹp tuyệt diệu. Khi ngắm nhìn chúng, thi thoảng nó trầm trồ tấm tắc khen ngợi, nhưng có lúc lại trầm ngâm “Nếu là mình thì sẽ bớt cái này, thêm cái kia…, chỗ kia nhìn có vẻ đẹp, nhưng nhìn kỹ thì có vẻ trống trải… Hay chỗ kia kìa, tại sao kiến trúc sư lại có thể làm như vậy nhỉ…?”. Nó cứ tự đặt những câu hỏi rồi lại về cặm cụi lên thư viện trường tra cứu…Thầy giáo dạy môn vẽ, thầy Dupont, rất tâm đắc những bài tập của nó. Ông không ngừng khuyến khích nó theo nghề kiến trúc. Ông còn cho nó đi nghỉ cùng gia đình, đến thăm Versailles, Fontainebleau và vùng Tourraines, nơi có hàng ngàn những tòa lâu đài hoàng gia tuyệt đẹp. Rồi cả vùng Strasbourg, nơi mà tại đây đã là chiếc ngòi nổ của cả hai cuộc Đại chiến. Nhưng nó chẳng quan tâm đến chính trị. Chỉ mỗi kiến trúc thời Phục Hưng khiến nó mê mẩn…
Nhưng nó lại không muốn phụ lòng cha nó. Thế rồi nó vẫn ghi tên vào trường Y. Nhưng đầu óc luôn bị chi phối biết bao ý nghĩ, nó dằn vặt trước việc thực hiện nguyện vọng của cha và ước mơ của chính mình, và… kết quả là nó trượt tốt nghiệp Trung học! Đau đớn, nhục nhã và ê chề… các thầy giáo và bạn bè nó không bao giờ, nhất là thầy Dupont, cô Hélène, có thể tưởng tượng nó bị trượt tốt nghiệp! Vậy mà… Nó quyết định bỏ trường đi bụi.
Nó nhảy tàu lên Paris.
Cuối hè, đường phố Paris nháo nhào khách du lịch, chỉ trong công viên là vắng tanh. Nó có cảm tưởng nghe thấy cả tiếng đôi chim câu đang gù gù tình tự, và những chiếc lá chạy đuổi theo nhau, lao xao trên thảm cỏ xanh. Nó tần ngần đứng ngắm những bức tượng cổ trong công viên Luxembourg, Phu nhân De Ségur, nữ văn sỹ là mẹ đẻ của biết bao cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em. Những ước mơ thời thiếu nữ, những cuộc phiêu lưu… Lớp bụi mờ và rêu phủ trên bức tượng khiến bà già đi, chỉ có những tác phẩm của bà là còn trẻ mãi trong lòng mọi thế hệ. Tòa thượng viện sừng sững nguy nga… Tiếng réo ùng ục phát ra từ bụng khiến nó cảm thấy đói ghê gớm. Đi ra máy nước công cộng, nhưng những vốc nước mát lạnh chả khiến cơn đói của nó dịu đi chút nào. Nó lần xuống tàu điện ngầm, nhảy qua thanh chắn rồi đến đại lộ Champs-Elysée.
Nó nhặt chiếc cốc nhựa, mà ai đó uống xong cà phê rồi lẳng vào sọt rác, đến trước rạp hát sang trọng nhất thành phố, đặt trước mặt rồi ngồi thụp xuống.
Thi thoảng, một vài khách qua đường ném cho nó vài chinh leng keng, nó cố kéo áo che kín khuôn mặt, mặc dù đã cúi gằm hết mức.
Những ngày lang thang đầu đường xó chợ, nó nhiễm thói quen hút một điếu thuốc sau bữa ăn. Nhưng từ nhiều ngày nay, bữa ăn không còn theo trật tự gì nữa, ấy vậy mà nó vẫn thèm thuốc. Bất chợt, một ông già trung tuổi, cũng cầu bơ cầu bất như nó đến cho một điếu. Nó hàm ơn ông ta vô hạn. Mùi thuốc khiến lòng nó ấm lên. Nhưng nó chợt nghĩ, hút thuốc thì có lợi gì, vậy mà nó lại hàm ơn người cho điếu thuốc ấy…. Đang suy nghĩ miên man để tìm ra một lối thoát, thì nó chợt nghe thấy một câu tiếng Việt vọng tới, giọng một đứa trẻ gái:
– Mẹ cho con mười frăng để con cho người kia đi!
Nó ngẩng lên, nhìn thấy một phụ nữ châu Á đài các, dắt đứa con gái nhỏ yêu kiều bụ bẫm, vận váy rất xinh. Trong giây lát, nó quên hẳn tình trạng ê chề của mình, nó muốn đứng dậy, chạy ngay đến bên họ, dù chỉ là để nói vài câu tiếng mẹ đẻ. Nhưng nó chợt sững lại ngay, hệt như vừa nhận một thùng nước lạnh!
– Hay ho gì con, trai thanh niên sức dài vai rộng mà lại đi ăn xin trên xứ người! Cha mẹ anh ta chắc chả chịu dạy dỗ con, lại vướng chứng lêu lổng. Cái tuổi này không đến trường thì cũng phải đi làm rồi chứ! Con mà không ngoan, rồi cũng đến lúc như anh ta đấy…
Nó đần mặt, kéo hẳn chiếc mũ trên đầu xuống, trưng ra khuôn mặt thanh tú, và cứ nhìn theo hút mãi hai mẹ con, mùi nước hoa quý phái còn bảng lảng đây đó. Một cặp Pháp già nua, bà lão chừng tám mươi, khoác tay ông lão cũng tầm tuổi ấy, và họ có vẻ rất hạnh phúc. Lúc đi qua chỗ hắn, họ dừng lại và bà lão lục túi lấy cho hắn 10 frăng, và kèm theo một câu. Câu nói mà nó còn nhớ cho đến hơn năm mươi năm sau: “10 frăng này chỉ là sự giải quyết tạm thời, nhưng tương lai, cháu phải tự tạo cho mình. Con người ai cũng tìm được lối thoát để cuộc sống của mình tốt hơn”. Bà cụ già cho nó 10 frăng, mười frăng đủ cho nó sống trọn vài ngày.
Vậy là chỉ trong ngày hôm nay thôi, ba người, với ba sự kiện để khiến nó phải suy nghĩ về cuộc đời của nó.
Mùa đông đến.
Trời mùa đông Paris sao mà lạnh, không có gió, nhưng cái rét cứ âm ỉ, luồn lách vào từng ngóc ngách cơ thể, qua những lỗ hổng bé tí ti mà mắt thường không thể nhìn thấu của quần áo, rồi lại như chui qua cả lỗ chân lông, ngấm vào từng thớ thịt, từng đoạn xương trên người, rồi lẩn vào tận tim gan nó. Lạnh, sao mà lạnh! Lại càng lạnh hơn khi một mình co ro trong túp lều căng tạm giữa khu rừng Vincennes bao la ở vùng ngoại ô, bởi từ hôm nhận được câu nói thốt ra từ miệng người phụ nữ Việt kiêu xa: “đi ăn xin trên xứ người… “ thì nó không còn muốn chường mặt ra trước thiên hạ nữa, nó thấy xấu hổ với chính mình… Nước mắt nước mũi thay nhau chảy tràn mà nó cũng chẳng thèm lau đi, chúng hòa trộn vào nhau, chảy xuống khóe môi, chui vào miệng nó, đắng nồng mặn chát. Hởi thở từ miệng nó tỏa ra ngỡ có thể biến thành tuyết, phảng phờ lất phất rồi hạ xuống nền đất, đám lửa nó gời lên giữa lều đã sắp tàn vậy mà nó cũng chẳng thèm tiếp thêm củi. Nó cứ nằm vậy và nghĩ. Nó cứ nghĩ mãi mà cũng chẳng ra. ở tuổi 17, nếu nghĩ mà ra tiền thì nó hẳn sẽ nghĩ cả đời. Nếu nghĩ mà thay đổi được ý định của cha thì nó sẽ can tâm tình nguyện!
Trong những ngày đi bụi, chui vào các hang cùng ngõ hẻm của cái xứ sở gọi là văn minh này, nó đã vỡ mộng! ở vùng ngoại ô bắc Paris, nơi tụ tập người nhập cư đông nhất, đa phần là dân da đen hoặc Bắc Phi. Tòa nhà 4000 dài lừng lững như một chiến hạm, các gia đình sống chen chúc trong những căn phòng nhỏ xíu vốn chỉ được dành cho một người… cầu thang không tu sửa, trầy sứt, bẩn thỉu. Dây điện loằng ngoằng, vương vãi. Vui nhất là hàng đêm, cả dãy người với các xô chậu bi đông, can, thùng… thôi thì tất cả những gì có thể chứa được nước đứng chực trước máy nước công cộng. Do họ không thanh toán tiền, nên sở nước đã cắt dịch vụ. Các căn hộ ẩm mốc, chân cầu thang và hầm ngầm khai thối, hắc ám, bao cao su và kim tiêm vất đầy nền đất … “Mọi rợ” – Nó đã phải thốt lên, quang cảnh chẳng khác gì vùng ngoại ô Sài Gòn thuở trước, cạnh bãi rác mà thi thoảng cha vẫn chở nó đến đó xem, rồi giảng giải cho nó nghe về đời sống, về con người, sự tiến triển của vạn vật và những hệ lụy tất yếu kéo theo… Cứ như vậy, nó chìm vào giấc ngủ, trong mơ, nó lại nhìn thấy mẹ, tần tảo buôn bán sớm tối trên chợ Cầu Kho. Chị gái nó, rất xinh, dịu dàng nhưng chỉ thích ca hát, em trai nó thích trêu chọc anh, chạy vụt như tên bắn ra đón mỗi khi nó từ trường về và nhất là… cha nó, cuốn sách dầy cộm trên tay, mắt nhìn nó đầy kỳ vọng, và câu nói trước khi nó xuống tàu đi du học: “Con chỉ về khi đã thành toubib nhé!”. Câu nói hàm chứa biết bao điều… Nó cũng như nhìn thấy Mohamed, một thanh niên gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sinh viên ngành hóa tại Sorbonne, lang thang vật vờ như nó, chỉ vì không thể toại nguyện với ước mơ của mình. Anh kể cho nó nghe truyền thống của dân tộc anh, nhất là những kiến trúc hội họa, những nghề thủ công. Đế chế Hittites xuất hiện từ thế kỷ 18 trước công nguyên. Chiếc nôi của sức mạnh anh hùng và tài năng nghệ thuật. Hình thành từ thời đồ đồng, nhưng họ là tiền bối của thời đồ sắt. Họ đã phát triển kỹ thuật tạo đồ sắt ngay từ thế kỷ 14 (TCN). Các đồ gốm sứ, đất nung… ở thế kỷ 19 mới đây, các nhà khảo cổ, qua những lần khai quật đã tìm thấy những đồ vật chứng thực cho thời hoàng kim của tổ tiên anh. Anh hận, vì anh muốn được theo nghề thủ công gốm sứ truyền thống của gia đình, nhưng bố anh muốn con trai trở thành một nhà hóa học, nghiên cứu tạo ra thuốc trừ sâu để cứu độ mùa màng tại quê nhà…

… Chợt nó nghe thấy nhiều tiếng động, tiếng nói lao xao như vẳng tới từ xa lắm. Nó cố gắng mở mắt, nhưng cặp mí nặng trĩu không chịu tuân thủ. Rồi nó cũng lờ mờ nhận ra là đang nằm trong bệnh viện. Những khuôn mặt xung quanh nó rõ dần. Trước tiên là cô Hélène, thầy Dupont, anh Pierre – đồng nghiệp bồi bàn, và sau cùng là Martine, thư ký phòng công vụ của trường. Mọi người mừng rỡ khi nó nở nụ cười méo xệch.
… Nó dần hồi tỉnh, quay về với thế giới loài người.
Trong một buổi thổ lộ tâm tư với thầy Dupont những lý do tại sao nó thi trượt, tại sao nó đi bụi, thầy trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi nó:
– Em nghĩ bố em có cảm thấy hạnh phúc khi nhìn em thế này không?
– Không ạ, chắc chắn là không đâu! – Nó đáp ngay.
– Thầy nghĩ bố em có thể sẽ hơi buồn khi em không trở thành toubib, nhưng sẽ rất vui khi thấy em thành đạt, sống hạnh phúc và là người có ích cho xã hội!
– Thế có nghĩa là em có thể trở thành kiến trúc sư mà bố em vẫn không thất vọng?
– Đương nhiên rồi!
Nó nhảy cẫng lên, ôm cổ thầy! Thầy mở rộng vòng tay ôm chặt nó. Tự nhiên nó thấy tự tin hẳn. Nó nhớ ngày xưa, vào một đêm vắng, nó chợt tỉnh giấc và vẫn thấy bố ngồi đọc sách miệt mài dưới ánh đèn dầu. Nó rón rén lại gần. Qua vai bố, nó đọc thấy trên đầu trang có chữ Kinh Thánh. Chính nó cũng giật mình khi thấy miệng mình thốt ra:
– Bố, con không biết rằng bố cũng đọc Kinh Thánh, gia đình ta…
– Đúng, gia đình ta không theo Công giáo, nhưng có ai cấm ta đọc Kinh Thánh đâu. Kinh Thánh giúp ta vỡ lẽ được nhiều điều. Đây con xem.
Bố nó chỉ vào những dòng trên tráng sách:
– Con thấy đấy, mọi người từ xưa cứ nghĩ Chúa Toàn Năng có thể chữa trị mọi bệnh tật nhưng đây…
Nó đọc to đoạn cha chỉ cho:
“Chúa trả lời những kẻ mù lòa đang cầu khẩn Người trị bệnh cho họ (thánh Mathieu 9, 28): Chúa nói: các người tin rằng ta có thể làm được điều ấy ư? – Vâng! – Họ đồng thanh đáp. Lúc đó, Người chạm tay vào mắt họ và nói: “Điều đó trở thành hiện thực là tùy vào lòng tin của các người thôi!”.
Ông cầm tay, bế nó ngồi lên chiếc ghế trước mặt, nhìn thẳng vào cặp mắt to tròn long lanh của nó rồi chậm rãi nói:
– Con thấy đó, chỉ cần có niềm tin vững chắc vào những gì mình làm, thì nhất định sẽ thành công. Bố tin tưởng nơi con. Nhưng hãy nhớ, thành công của con cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng đấy!
… Được lòng tin của chính mình cổ vũ, nó quay lại trường.
Lao đầu vào học, bên cạnh còn có sự khuyến khích của thầy cô, và nhất là Martine, nó học hành tấn tới.
Martine gốc vùng Bretagne, dòng dõi quý tộc, học hết cấp II, giận gia đình muốn ép gả cho con trai vị Thứ trưởng, nên quyết định đi làm, tự thân lập nghiệp.
Trắc ẩn trước tình cảnh của chàng trai Đông Dương, và dần dần đem lòng cảm mến, cô đã thổ lộ tình yêu với cậu. Được cô Hélène vun vào, cuối năm đó, khi nó tròn mười tám tuổi, họ kết hôn. Do gia đình Martine giận dữ, đến mức từ cô. Vậy nên đám cưới của họ chỉ vẻn vẹn vài người bạn, cô Hélène, và thầy Dupont có mặt ở tòa thị chính. Thầy Dupont thay mặt họ nhà trai.
Yêu chồng, Martine không muốn anh phải lo lắng về tiền bạc, nên ra sức đi làm để giúp chồng ăn học và thực hiện ước mơ trở thành kiến trúc sư.
– Giờ anh không phải lo kiếm tiền nữa, nếu anh toại nguyện ước mơ mình là em hạnh phúc lắm!
Rồi hắn đậu vào trường đại học Kiến Trúc Strasbourg, một trường danh tiếng nhất châu Âu. Trường chỉ tuyển mười sáu sinh viên, hắn đứng thứ mười sáu, và như vậy hắn đã cảm thấy may mắn lắm rồi.
Martine tiếp tục làm việc tại trường Trung học ở Bordeaux, chiều thứ sáu hàng tuần, hắn về thăm vợ. Bốn năm thắm thoắt trôi. Rồi đến ngày tốt nghiệp.
Khi vào trường, hắn đứng thứ mười sáu, vậy mà khi tốt nghiệp, hắn đứng thứ nhất!
Run run cầm tấm bằng loại giỏi, thủ khoa, tay hắn vuốt nhẹ trên mặt các con chữ. Chỉ vẻn vẹn mấy chục chữ thôi, và cái tên của hắn nổi bật hẳn, rõ ràng, vững chãi, hệt như những công trình mà hắn đã mày mò thiết kế, và nhất là công trình mà nhờ đó, hắn đã đỗ cao trong kỳ tốt nghiệp này.
Nhưng hắn sẽ không bao giờ quên giây phút ấy. Khi thầy hiệu trưởng xướng tên, siết chặt tay hắn với những lời chúc mừng nồng nhiệt thì xung quanh, không một ai trong đám bạn đồng môn vỗ tay! Thay vào đó là những cái nhíu mày, những khuôn mặt kín như bưng… Ngay lúc đó, do bị niềm vui sướng cuốn đi nên hắn không để ý, chỉ mãi sau này hắn mới ngộ ra.
Cùng thời gian ấy, hắn nhận được tin từ Sài Gòn, cha đã qua đời vì bạo bệnh, còn em trai đã tử trận trong một đợt chống càn. Rồi mẹ cũng qua đời vài năm sau đó, trong một cuộc chạy loạn. Còn chị gái thì biệt tích.
Buồn chán, hắn chấp nhận khi được điều về công tác tại Bộ Thiết bị giao thông ở Saint-Etienne. Công việc bàn giấy nhàn rỗi, và có vẻ còn lâu mới thực hiện được ước nguyện của mình, hắn quyết định đi học thêm về Kiến trúc đô thị, tại Paris. Đành gác chuyện về nhà ở Bordeaux, tuần hai lần hắn bắt tàu lên Paris. Những buổi học thường kết thúc vào 21 giờ, bụng đói, tiền ít, hắn lần ra quận 13, bát hủ tiếu hoặc phở Hà Nội, hương vị quê nhà khiến lòng hắn ấm lại. Có lần thiếu tiền, hắn đề nghị ông chủ quán cho rửa bát để trừ. Sau phút ngỡ ngàng, ông chủ đồng ý. Rồi một hôm, ông chủ tình cờ đọc tập tài liệu để trên bàn, và biết rõ thân phận của hắn, kể từ đó, ông thường thết đãi mà không lấy tiền nữa.
Tốt nghiệp Thiết kế công trình đô thị. Kỷ niệm này cũng khiến hắn khó quên. Hắn đã xin ý kiến và trình bày dự án của mình, Giám đốc đồng ý. Nhưng trong buổi thuyết trình trước Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá cao và cho áp dụng ngay, thì Giám đốc lại “quên” hẳn tên hắn, và tự mình nhận lấy vòng nguyệt quế. Hắn bức xúc, nhưng nhớ lại buổi nhận bằng tốt nghiệp tại Strasbourg, đành câm nín, rồi lẳng lặng xin chuyển lên Paris.
Được kiến trúc sư Leoh Ming Pei để mắt đến, hắn vô cùng sung sướng khi được ông cho tham gia vào công trình thực hiện Tháp kính trước điện Louvre, theo đơn đặt hàng của Tổng thống Francois Mitterand. Tác phẩm hoàn thành vào năm 1989, hắn thấy hãnh diện, khi ngắm công trình hoành tráng thu hút hàng triệu khách viếng thăm.
Vài năm sau về thăm Sài Gòn. Thằng bé nhút nhát ngày nào giờ đã thành một ông già đạo mạo. Cung kính đặt lên mộ cha tấm bằng đỏ Kiến Trúc Sư, lầm rầm khấn vái xin cha tha lỗi. Có thể con trai ông sẽ không trị được bệnh cho những kẻ bần hàn, nhưng nó sẽ biến nơi chứa đống rác kia thành những tòa nhà đẹp, sẽ là niềm hãnh diện cho thành phố, nơi nó được sinh ra, và thấm nhuần những đạo lý ở đời do cha truyền dạy. Chỉ cần có lòng tin. Vâng đúng thế, chỉ cần có lòng tin và sự cố gắng thì tất cả sẽ thành công.
Tác giả: Hiệu Constant – Thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *