Bài nổi bật

Lần Đầu Thấy Trăng – Võ Diệu Thanh

Lần đầu thấy trăng viết về cuộc đời của nhóm ba học sinh cá biệt, với hành trình nỗ lực vượt lên chính mình, vượt thoát khỏi sự tha hoá để sống đúng nghĩa CON NGƯỜI.
Dẫu – Dị – Hậu – mỗi đứa một hoàn cảnh, một kiểu quậy nhưng giống nhau một điểm là rất dốt chữ. Chúng bị đùa qua đẩy lại để rồi hợp chung một lớp, với biệt danh “Dẫu – Dị – Hợm”. Điểm chung của ba đứa trẻ đều giống nhau ở cảnh gia đình bất hạnh, dù không đứa nào giống đứa nào; ở kết quả học tập đặc biệt tồi tệ ở trường Tiểu học, do cách dạy máy móc và chạy theo thành tích của những thầy cô trường Dương Đôi.
Tác giả đã đặt ba số phận, ba cảnh đời và bước trưởng thành của những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo trong không gian xã hội đang hàng ngày hàng giờ tha hoá: Trường học Dương Đôi với các giáo viên – diễn viên ngày càng giáo điều – Nhà trọ Tình với các cô gái điếm ngón nghề ngày càng chuyên nghiệp – và Lưu Manh tự, ngôi chùa – nhà của một ông thầy giáo đức độ ngày càng lánh xa cõi tục, sống cùng một ông già từng trải, lọc lõi trường đời. Nhà trường không dạy được ba đứa trẻ. Những người già cũng chỉ dạy chúng được một phần. Chính trường đời với những vấp váp, thất bại đã dạy những đứa trẻ dốt nát năm nào thành những con người “ngộ” ra cái chữ và giá trị của tri thức, giá trị người chân chính.
“Lần đầu thấy trăng” là một giá trị biểu tượng mang tính thanh lọc và đốn ngộ. Nhân vật nữ chính – là Dẫu – từ trong dốt nát, bùn nhơ, nhàu nhĩ đã thức tỉnh… chỉ sau một đêm trăng trò chuyện với người trai học thức, dịu dàng thích gọi tên cô là “Tự”, hiểu theo nghĩa là chữ: “Chữ dạy người ta hiểu biết”… Không phải tình yêu thức tỉnh cô, mà chính là lòng tự trọng của con người được đánh thức, được truyền dẫn và được cô… đốn “ngộ”.
Có thể coi Lần đầu thấy trăng là một cuốn tiểu thuyết luận đề được viết một cách quyết liệt và hấp dẫn về hành trình trở lại làm người của những con người có lương năng nhưng bị khuất lấp, bị hoàn cảnh làm cho tha hoá. Tiểu thuyết cũng đặt vấn đề rốt ráo về thực trạng giáo dục còn nhiều bất cập hiện nay với căn bệnh thành tích và chủ nghĩa giáo điều. Vấn nạn này không chỉ riêng ngành giáo dục mà nó luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nếu ta đánh mất lương tri, lương năng và tình thương yêu giữa người với người.
Truyện audio lần đầu thấy trăng
Một số nhận xét về tác phẩm:
Lần đầu thấy trăng là một tiểu thuyết giáo dục. Tác giả mượn những con người, hình ảnh và cốt truyện để nói về một phần thực trạng giáo dục của Việt Nam ngày nay, về những suy nghĩ thầm kín của một người giáo viên chân chính. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, về đạo đức nghề nghiệp cũng như tác động của môi trường giáo dục rập khuông, đề cao thành tích được miêu tả sinh động qua tác phẩm.
Tác phẩm cũng cho ta góc nhìn nội tâm đa dạng của một bộ phận trẻ cá biệt với những tính cách mạnh. Những gì ta thấy và hiểu về chúng chưa nói lên con người của chúng. Ai cũng có một hoài bão và ước mơ riêng, chỉ là họ có đủ nghị lực để vượt qua cái hoàn cảnh và trách nhiệm nặng nề mà cuộc sống khôn lường mang đến cho họ hay không.
Lời tự sự về nhân sinh quan, về thái độ sống của nhân vật chính khiến cho ta có một sự đồng cảm sâu sắc với những kiếp người cùng khổ trong xã hội.
Chung quy lại thì giáo dục vẫn là quốc sách hàng đầu của quốc gia, Võ Diệu Thanh ẩn ý gởi đến mong muốn đổi mới cải cách giáo dục một cách toàn diện và mang tính thực tiễn hơn là tô vẻ hình thức như hiện nay. Tác phẩm cũng cho ta thấy vẻ bất lực và lời than trách cho số phận của nền giáo dục hiện tại. Hệ thống trường học, giáo viên, bằng cấp, bảng điểm và thành tích ngày một sáo rỗng và không mang lại lợi ích thiết thực.
Nếu là một người làm trong giáo dục, yêu nghề, yêu trẻ, cũng có mong muốn góp một chút gì đó cho nền giáo dục nước nhà hay chỉ đơn giản là một người còn lòng trắc ẩn về thế thái, nhân sinh, về quá trình xây dựng con người dưới tác động khó lường của xã hội, hãy đọc tác phẩm này của Võ Diệu Thanh – Thi Dinh

Cuốn sách mang lại một cảm giác rất khác, từ nội dung,câu từ, văn phong… khiến bản thân hứng thú vô cùng.Mọi tình tiết trong tác phẩm chân thật như đang diễn ra ngay trước mắt và có lẽ những hỉ, nộ ,ái , ố ấy tác giả đều đã từng trải qua(?).Tôi tin dù một nhà văn có tài giỏi tới cỡ nào cũng không thể hoàn-tòa-bịa-đặt ra câu chuyện của mình.Và nhất là những cảm xúc trong “Lần đầu thấy trăng”tuyệt đối không thể làm giả vì cái cảm giác mà nó đem lại tuyệt đối là thật.Những nỗi lo là thật, sự giả tạo là thật, tình người là thật , tất nhiên, nhân vật cũng là thật…Cái xã hội mà nó đề cập tới quá ư là rối ren, đồi bại.Bộ mặt thối nát của nó thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực giáo dục, ở nhân phẩm của những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” khiến người ta không khỏi chua xót, thương cảm.Cái mô hình giáo dục ấy sinh ra quá nhiều kẻ “dị tật tinh thần”, một số ít không mang dị tật thì trở thành những kẻ hèn kém, không có tương lai, không có nhân phẩm, bị số đông khinh khi,ruồng rẫy đến mức tự xem rẻ giá trị của chính bản thân mình.Nhưng đó không phải tất cả , vẫn luôn có những con người như thầy Độ,như già Hai cứu rỗi những kiếp đời nhỏ bé ấy, và biết đâu cứu rỗi cả những con người sống trong thực tại,may mắn đọc được cuốn sách này.
Tác phẩm cũng mang đến nhiều bài học về đạo đức, lẽ sống ở đời.Hiểu biết là rất quan trọng,”một cô gái điếm hiểu biết sẽ bán thân không bán mạng, không bán lương tri”.Hiểu biết rất rộng lớn mà cũng rất nhỏ, vô cùng cao siêu nhưng cũng rất đơn giản, gần gũi,chỉ cần bản thân muốn học,thì bất cứ điều nhỏ nhặt nhất cũng là hiểu biết “Mỗi một sự minh mẫn nó nhỏ như hột bụi”.Thêm nữa, người thầy có vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới học trò của mình, và “Sự cẩu thả trong bất cứ một nghề nào cũng là bất lương”, nghề giáo lại càng như thế.Vì rất có thể chỉ vì một cái sai rất nhỏ của anh thôi cũng có thể làm hỏng cả một kiếp người.Và còn nhiều vấn đề nữa tác phẩm đề cập mà tôi tin nếu đi sâu khai thác tầng tầng lớp lớp bản thân sẽ vỡ ra nhiều điều cho dù là trong hiện tại hay tương lai vẫn mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Cảm ơn vì cuộc gặp gỡ.Maktub! – Trần Huế

Vốn là học sinh của cô từ tiểu học, tôi rất quí mến cô bởi nhân cách và tình yêu học trọ. Đặt biệt ngưỡng mộ cô về tài hoa văn học. Đã đọc nhiều tác phẩm cô viết, nhưng tôi không hề cảm thấy nhàm chán, và chưa từng thấy sự lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một vấn đề. Mà ở cô, mỗi tác phẩm là một đứa con riêng biệt, chuyên chở rạch ròi từng tính cách khác nhau. “Lần đầu thấy trăng” phô bày hiện thực phũ phàng của cuộc sống. Song, nó lay động tay bởi tình người và con đường họ tìm thấy “trăng”. Sách không chỉ hay ở câu từ đượm chất Nam Bộ và giọng văn mộc mạc mà sảo luyện của Nhà văn Võ Diệu Thanh, mà nó còn là bộ lộc cho tâm hồn. – Nguyễn Thị Kỳ Hoa

Tình cờ đọc được phần giới thiệu về quyển này trên báo, tôi rất háo hức, và chỉ sau vài trang sách thì tôi dần bị cuốn hút theo. Nếu từng đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, bạn sẽ bắt gặp vài nét tương đồng nơi quyển sách này. Giọng văn “rặt” Nam bộ, dân dã dễ hiểu và nghe rất “sướng”, nhưng đôi khi cũng xót xa đến tận cùng. Truyện có thầy Độ nhân hậu và “tưng tửng”, có cô Hoàng “nhìn vào mắt học trò mà dạy”, chỉ có cô là “còn dáng người, dáng thầy”, cũng có những thầy Mãi, thầy Biên, cô Tài Ba… đã “thành giống gì hết rồi”. Nương và Dẫu, đều có những nét giống nhau, nhưng chuyện của Dẫu lại éo le theo 1 hướng khác. Những câu chuyện giáo dục được đề cập đến, đọc mà thấy buồn và xót xa….HacLongNinhKieu

Xem thêm đề xuất

Cảnh Sát Đặc Nhiệm Texas – Diana Palmer

Một vụ phá án của đội cảnh sát đặc nhiệm Texas lồng trong câu chuyện …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *