Bài nổi bật

Miền Xa Lắm – Tô Hải Vân

Truyện đêm khuya vov2 – Một câu chuyện mang tính đời thường, bộc bạch nỗi niềm, tâm trạng, gia cảnh của người già, thể hiện bằng văn phong gọn ghẽ, giọng điệu luôn có phần giễu nhại. Truyện nhẹ nhàng như những nốt nhạc trầm ngân dịu nhưng cũng đủ nhắn nhủ với mỗi chúng ta về trách nhiệm và tình cảm sẻ chia với cha mẹ, ông bà…..

Thằng Cả phân công: buổi chiều, ông đón cháu nhé? Lão bảo: Được. Thằng Hai chạy sang: Ông ơi, buổi chiều ông đón cháu nhé? Lão bảo: Được. Con Út thỏ thẻ: Ông ơi, buổi chiều ông chịu khó đi đón cháu nhé? Lão lại bảo: Được.

Nhưng được là được thế quái nào, một buổi chiều mà đón những ba đứa cháu? Lại ở ba trường khác nhau?
Nhưng làm ông làm bà thời nay thì không chuyện gì là không giải quyết nổi. Lũ con đã yêu cầu, không thể và không dám khước từ. Chúng nó còn tỷ chuyện phải lo, mà chuyện lớn nhất là kiếm tiền. Sáng dậy, đi. Chiều rất muộn, mới về. Lại hay cau có, động tí là cáu. Vậy thì mình phải cố thôi, lão nghĩ. Cố cả đời còn được, bây giờ cố thêm chút có sao?
Bốn giờ mười lăm, ra khỏi nhà. Đi chậm, đều chân, coi như tập thể dục dưỡng sinh. Chốc lại liếc đồng hồ. Sắp năm giờ, tăng tốc độ, mặc cho trái tim khốn khổ cuống quýt đập. Kém năm phút đã có mặt trước cổng trường của thằng Bi con thằng Hai.
Trống trường tùng tùng. Tiếng trống chả gây được tí cảm xúc nào như xưa. Chỉ thúc tim đập nhanh hơn, lòng nhộn nhạo, mắt nhớn nhác. Thằng Bi ham chơi, lại đầy chiêu trò khôn lỏi, phải tóm lấy nó ngay như bắt Pokémon. Đây rồi, ông tướng, đang lủi sau lưng một đứa to con. Mày khôn sao bằng ông? “Ấy ông ơi, bỏ tay cháu ra, đau quá!”. Nó kêu oai oái. Bé mà đã biết nói dối. Tay lão già sao làm đau được đứa trẻ, lại là cháu ông? “Đừng giở trò”, lão bảo. Thừa biết chiêu này, bỏ tay ra là chạy mất. Lỡ nó chạy, chân lão già thấp khớp, chạy sao sánh được nữ hoàng điền kinh mà bắt nó?
“Ông, cháu đói”. (Lại giở trò. Hết đau tay ngay?).
“Chịu khó nhịn, về nhà có sẵn phần ăn rồi”.
“Nhưng ông ơi, cháu muốn ăn xiên thịt nướng cơ”.
“Trời ơi, cái đồ bẩn thỉu ấy ăn làm gì?” (Báo chí nói ầm ầm, thịt bẩn đem tẩm ướp, nướng lên ở cổng trường bán cho trẻ con ăn).
“Bim bim vậy, ông?”.
“Không là không”. (Đầy chất bảo quản).
“Bao nhiêu đứa ăn có sao đâu ông?”.
“Chúng nó đau bụng ở nhà, cháu biết à?”. (Ông cũng giở bài cùn).
Lão và nó guồng chân sang trường thằng Tôm, con thằng Cả. Thằng này hiền, lại học trường chuyên, nên không cần đón lõng bắt giặc.
Sân trường đã vãn. Thằng Tôm tha thẩn chơi. Trông thấy ông và em, nó đứng dậy, tiếc rẻ nhìn cái gì dưới đất. Ông lão đã qua thời trẻ con nên biết ngay đó là một thứ trò chơi nó mới sáng tạo. Thôi mai mày sáng tạo cái khác, đời còn dài. Giờ đi đón con Nhím, con con Út.
Ba ông cháu hùng dũng qua đường. Khiếp, xe cộ ở đâu đẻ ra lắm thế? Loài người điên hết rồi. Nhưng lão già đầy kinh nghiệm, coi khinh. Qua đường thời đại này, cứ phải hùng dũng, chúng nó mới sợ. Chứ rón rén, chúng nó đâm chết. Một lão già với hai đứa trẻ mà qua đường, đầy vẻ hùng dũng, thách đứa nào dám đâm. Nói vậy thôi, lũ khùng bây giờ quá nhiều. Ngày càng nhiều. Nhỡ ra, xây xước thằng cháu nào, về chết với bố mẹ chúng, cho dù lão có là bố chúng nó.
Trường cái Nhím. Vắng tanh. Lão thường trực ngáp dài. Lá bàng chán chả buồn vẫy. Ba ông cháu vượt qua cổng trường đến góc phố. Chỗ ấy có một cây si. Một cái bệ gạch màu đỏ xây vòng tròn quanh gốc. Trên bệ ấy có một bà già với hai con bé con ngồi hai bên. Cháu bà và cái Nhím. Lão may mắn tóm được bà ngay sau hôm nhận nhiệm vụ với con Út, bà cũng đi đón cháu, trông lại phúc hậu, lão liền nhờ đón hộ cháu và chờ lão đến. Lúc đầu bà không nhận, úi úi tôi vội lắm. Nhưng sau thấy “hoàn cảnh” khó khăn của lão một nách ba đứa, bà nhận lời. Với lại, trông con gái dễ hơn trông con trai. Chỉ tội mỏi mồm hơn. Thấy chưa, lão già thông minh không, đã bảo, già đời, thế nào cũng có cách mà.
Lão hổn hển ngồi xuống bệ gạch. Làm một mạch tóm hai đứa nên mệt quá. Cái dây thần kinh chân lại giật giật khiến lão đau. Mỗi bước chân lại nhói một cái. Nhưng lão vẫn không quên thều thào: “Cám ơn bà”.
Bà già cười: “Gớm, lần nào cũng cám ơn. Dễ được một rổ”.
Lão cũng cười: “Thì, bố mẹ dạy thế mà”. Và nghĩ: Cả ngày nhăn, ở đây mới được cười. Cám ơn là cám ơn cái này cơ.
Bà già thở dài: “Bây giờ trẻ con người lớn không biết nói lời cám ơn. Hồi xưa tôi suốt ngày cám ơn với xin lỗi. Sau bị phê bình tiểu tư sản, cả lớp đại học nhăn mũi như ngửi thấy mùi, vậy phải bỏ đấy”.
“Ờ, có một thời mà…” – Lão cũng thở dài.
“Thời ấy vui phết. Tôi kể ông nghe, ở lớp đại học của tôi ấy mà, có một đôi yêu nhau. Chàng chăm nàng lắm. Đặc biệt cái xe đạp của nàng, chàng lau bóng loáng, hỏng đâu sửa đấy. Sau hai năm yêu nhau, chả hiểu sao họ bỏ nhau, Romeo đùng đùng đến nhà tập thể của Juliet, lôi ngựa sắt của nàng ra, cái gì chàng lắp vào chàng tháo ra bằng hết, kể cả cái mũ van xe. Đến miếng vá săm cũng hì hục lột, cho hết vào túi mang đi. Kết quả là nàng Juliet tuy không bị đâm chết nhưng ngồi khóc thương con ngựa sắt trơ khung, không xích líp, săm lốp tanh bành…”.
“Chuyện hay quá, hay quá”, lão nói.
“Thôi, tôi phải về cơm nước đây. Kẻo bố mẹ nó về, chưa có gì, lại nhăn nhó…” (Hóa ra, bà già này cũng có nỗi sợ giống mình, lão nghĩ. Rồi tiếc rẻ: chưa nói chuyện được thêm với bà già hay thế này).
Bà già một đuôi đứng lên quày quả đi.
Lão già ba đuôi cũng định đi, nhưng chợt phát hiện do mải chuyện nên một đuôi đã biến mất.
Đành sai thằng anh: “Tôm, đi tìm Bi”.
Nhưng thằng Tôm đang mải mơ mộng, ngơ ngác nhìn thiên hạ. Cái lũ hay mơ mộng rất là vô tích sự. Thậm chí bảo một đằng nó lại làm một nẻo. Cái này lão đầy kinh nghiệm, bởi hồi xưa lão cũng thế. Không biết có phải di truyền không? Rồi mày khổ thôi Tôm ơi…
May có con Nhím, nó bảo: “Để cháu”.
Mấy phút sau, Bi bị Nhím điệu về. Nhím đi sau như lính gác, Bi đi trước như tội phạm. Thậm chí đến trước mặt ông, Bi ta còn nhăn nhó: “Cháu xin lỗi ông…”, khiến ông như tắt thở. Thằng này đột xuất biết xin lỗi? Mọi khi nó láo lắm kia mà?
Khi thở lại được, lão mới thấy Nhím tài. Hóa ra luật sinh khắc là có.
Sau phong ba bão táp, bây giờ thong thả. Trái tim vừa dội lên vì sợ cháu lạc, nay có vẻ êm êm. Lão tóm tay Bi đi trước. Nhím và Tôm theo sau.
Bỗng một bà già đi xéo tới. Mặt xương xương. Da sạm. Tay bà đưa ra tập vé số. Miệng cười cầu tài. Lão xua xua tay. Cả đời chẳng bao giờ trúng cái gì, không mua!
Cả đời đã thử, thử đủ mọi thứ, cuối đời mới rút ra kết luận thằng cha thần may mắn cứ trông thấy mình là quay đi. Không mua!
Nhưng cái cười của bà già níu lão lại. Cái cười trông rất tội nghiệp, kiểu như bảo tôi đây, ai cũng có thể sai phái, ai cũng có thể mắng mỏ, bắt nạt, làm đau, mà không phản kháng. Lão đã già, nhưng đột nhiên nhớ đến hình ảnh mẹ lão. Trong tâm trí lão, bà vĩnh viễn ở tuổi năm mươi. Hiền hậu. Và, dường như cũng có cái cười… như thế?
Lão già lần mò túi. Tiền của lão để trong một cái túi vải. Túi vải lại được cài kim băng vào túi quần. Thời thế này, cứ ghim lại là tốt nhất. Nhỡ có thằng móc túi nào xớ rớ, còn lâu mới lấy được của lão già. Già không đấm được thì hét. Còn già quá không hét được thì phều phào nó cũng chán phải bỏ tay ra. Lão lần mò mãi. Bà già bán vé số kiên nhẫn chờ, lâu thế mà nụ cười khổ não không chịu tắt.
“Mua ba vé”, lão nói. “Có ba thôi ư, ông?” “Thì, năm”. “Có năm thôi ư, ông?” “Thì, mười”. Dù sao lão cũng có lương hưu, còn bà già này chắc không. Bây giờ mới thấy cái nụ cười tươi lên một chút. “Ông chọn đi”. Việc gì phải chọn? Số phận, không chọn được. May rủi, không chọn được. Sống đến ngần này tuổi, biết.
“Ông ơi, sao ông có tiền mua vé số mà không mua bim bim cho cháu?” – Thằng Bi cật vấn.
“Anh dốt lắm, mua bim bim thì chỉ chui vào mỗi cái bụng anh, còn mua vé số thì bà già có tiền mang về cho cả nhà” – Con Nhím giải thích.
Ờ, con này được, lão nghĩ.
Về đến nhà thằng Hai, tống thằng Bi vào nhà, đóng cửa cài then, thở phào.
Qua nhà thằng Cả, thả thằng Tôm, thở phào phát nữa.
Cuối cùng qua nhà con Út. Không phải dòm ngó hai thằng giặc kia, lão thường lên nhà cùng cháu.
“Ông ơi…” rồi lại “Ông ơi…”, con Nhím cực kỳ nhiều ý kiến, nhưng ông mệt lắm rồi, không trả lời được. Ngồi phịch xuống ghế. Tim đập thổn thức. Ngực hơi nhói đau. Thấy cái gì cựa quậy trong túi, lão lần sờ, lôi ra mười tấm vé số.
“Này Nhím, ông cho”, lão nói.
Con bé rút ra một tờ, mồm lẩm bẩm: “Con xin”, còn chín tờ nhét lại túi cho ông.
Lão cười. Nhẹ cả người.
Lão nghĩ, con bé này có cái gì giống cụ bà. Cụ bà là mẹ lão đấy. Luôn luôn có những cái thơm thảo.
“Ông ơi”. “Gì nào?” “Lần này, nhất định ông cháu mình sẽ trúng số”. Lão cười. Chuyện lạ. Nhưng, trên đời này, có gì lạ mà không thể xảy ra? “Ờ, có thể”.
Nhím lại hỏi: “Ông ơi, quê nhà mình ở đâu hả ông?”.
“Sao con lại hỏi thế?”.
“Vì bạn con bảo quê nó ở Nam Định, còn quê bạn ở đâu, con bảo về tớ hỏi đã”.
“Quê mình ở đây, con ạ”,
lão bảo.
Đúng là ở đây.
Mảnh đất này thời xưa cụ kỵ đã sống. Rồi truyền đến đời lão. Bao năm vẫn ở chung. Bao nhiêu chú bác đã từ đây mà đi nơi khác lập nghiệp. Rồi mấy thằng em lão cũng đã đi nơi khác khá khẩm hơn. Lão vẫn kẽo kẹt giữ đất. Thế mà đến đời con lão, chúng đòi bán. Giá đất đang cao. Bán lấy tiền chia nhau, tiền cầm trong tay là tiền tươi thóc thật. Đất thì chả biết đến bao giờ bị “quy hoạch”. Không bán là không bán. Ông già cổ hủ quá. Thời nay, cái gì bán được lời là bán, chúng bảo. Đấy ông xem, nhà nọ nhà kia đã bán… Nhưng tao thì không. Đất tổ tiên để lại, không bán.
Không bán thì chia? Ờ, thì chia, nếu như chúng đồng lòng muốn thế. Lão rầu lòng nghĩ rằng liệu chia có phải chỉ là bước đệm, để sau này trong mấy đứa lại chả có đứa nào bán phứt? Thôi thì thời thế thế nào ta cũng đành thế. Phận ta, ta phải làm cho trọn vẹn, ta giữ. Với lại, sau này khi lão nằm xuống đỡ phải cãi nhau.
Mấy bạn già trong tổ hưu xúi: đừng chia lúc mình chưa chết. Nhỡ chúng nó đuổi mình ra đường? Lão bảo, giả dụ có thế, mình ra. Đơn giản. Vào đời, có gì đâu? Ra khỏi đời, đâu cần gì?
Lão ba con, hai trai đầu, gái út. Bà vợ đã bỏ lão đi xa chục năm nay. Vậy đất chia ba. Ranh giới do lão vạch, số mét đất do lão quyết. Điều kiện: không được bán.
Không bán thì xây. Thế là xuất hiện ba cái nhà vừa gầy vừa cao. Mảnh đất trông ra hai cái ngõ, hai thằng con trai xây nhà có mặt tiền ngõ to, cô con gái có nhà mặt tiền ngách nhỏ.
May thay, chả có đứa nào đuổi lão. Còn cho lão tự chọn. Lão chọn ở cùng thằng Cả. Chẳng phải có hy vọng nén hương sau này, lão nghĩ, cát bụi ấy mà, lão chọn đơn giản chỉ vì thằng Cả hiền, con vợ nó nhũn nhặn. Lão đã nghiệm và quan sát bao nhiêu nhà, đẻ con, phần nhiều đứa đầu thường đần hơn đứa thứ hai. Nhà lão cũng thế, đứa thứ hai từ bé đã như giặc, chuyên bắt nạt anh, tội vạ gì thằng anh cũng phải gánh, phần ăn phần chơi gì thằng em cũng giành phần hơn. Bây giờ thằng Hai ăn nên làm ra, vật chất khá hơn, nhưng con vợ tính khí thất thường, ở lâu ắt sinh chuyện. Tất nhiên, ở với con gái con rể không nên, không tiện.
Thằng Cả dành cho lão một buồng riêng trên tầng ba. Chỉ ghét cái, ba nhà mà không biết đường bảo nhau làm cửa thông thương, khiến lão muốn sang thằng Hai con Út chơi lại cứ phải xuống đường rồi mới đi vào nhà. Cách rách.
Lão chẳng thiếu thứ gì. Một cái ti vi đủ để xem thời sự thế giới, thời tiết, thể thao, văn nghệ, phim truyện. Một cái tủ lạnh đủ để ướp lạnh bia và giò. Một cái giường có đệm, có chăn. Và, quan trọng nhất, một cuốn sổ hưu. Lương hưu hằng tháng hai phần ba đưa cho con coi như phần ăn đóng góp, số còn lại dùng để tiêu vặt, báo chí, trà, thuốc lá khi ngẫu hứng, vài tấm bánh cái kẹo hay đồ chơi vặt làm quà cho cháu.
Như thế là đủ.
Biết đủ là được chứ gì, cổ nhân đã dạy đó sao?
Trông xuống, còn khối người khổ sở hơn lão.
Tóm lại là yên ổn. Yên ổn đợi chờ. Đợi chờ cái ngày ấy.
Trong lúc đợi chờ thì đi đón cháu kết hợp thể dục dưỡng sinh.
Hồi xưa mình bé đâu phải nhờ ai đưa đón? Cứ thế mà ra đường, đến lớp. Còn bây giờ, đấy như trong báo nói, khủng khiếp. Chỉ nhìn nhau thấy không ưa cũng đủ rút dao. Có đứa chửi cha chửi mẹ, đứa khác đánh vợ giết con, bắt trộm trẻ con, chuyện gì cũng có thể. Cho nên bố mẹ chúng nó mới phải nhờ đến ông. Vậy ông phải cáng đáng thôi.
“Ông, quê ở đây, là ở đâu?” – Con Nhím giật tay ông.
Đấy, già chán quá, quên biến là đang nói chuyện với cháu. Ừ, ở đây là ở đâu?
Vậy mình đang ở đâu trong cái thế giới này?
Nhưng phải trả lời cháu trước đã. “Quê mình ấy, là ở phố này, chỗ này”.
Nhím gật gù. Nó chỉ tay xuống đất: “Quê mình đây, ông nhỉ?”
Lão gật. Rồi ngả người trên ghế tựa. Tự nhiên thấy mệt. Rất mệt. Người như bị hết hơi. Không muốn động chân động tay. Kể cả nói. Nhưng nghĩ thì vẫn nghĩ được.
Đúng chỗ này, tức là chỗ lão đang ngồi đây, hồi xưa là một cái giường. Giường làm bằng hai tấm gỗ to, kê trên hai cái chân gỗ. Tha hồ lăn, tha hồ xoay. Mẹ lão từng nằm đây, trong lòng ôm thằng bé còi là lão bây giờ. Thằng bé xọc tay vào người mẹ, sờ thấy một cái cục cưng cứng nhô lên phía dưới ti, hỏi đây là cái gì hả mẹ? Như con Nhím suốt ngày hỏi bây giờ. Và chẳng bao giờ được trả lời cho đến nơi đến chốn.
Còn chỗ kia, nơi cái bàn trang điểm của con Út, hồi xưa là nơi ông nội lão ngồi. Lão vẫn nhớ, cứ đến tết, ông nội lại mặc áo the đội khăn xếp ngồi trên cái tràng kỷ với cái điếu bát, nghiêm nghị đến phát sợ, vì ông có cái roi mây rất dài. Còn bà nội có cái cối giã trầu bằng đồng nặng trịch, lão đã từng nghịch cối của bà, đánh rơi xuống chân, đau đến tận bây giờ.
Cổng nhà hồi xưa nằm ở đúng chỗ bức tường ngăn giữa nhà thằng Cả và thằng Hai bây giờ. Hồi còn học trò, lão vẫn thường đứng sau cánh cổng đợi cô bạn gái đến rủ đi học. Nàng đi qua, chỉ khẽ nghiêng đầu liếc vào, một nụ cười và một cái chun mũi, rồi thong thả lướt qua. Một phút sau, lão chào ông bà bố mẹ rồi rời nhà chạy theo. Ríu rít suốt dọc đường đến trường. Không hề có ý niệm trai gái, chỉ là bạn. Hồi ấy, “bạn” là trong sáng vô ngần. Bẵng đi đến năm mươi năm, do tình cờ gặp mấy lão già là bạn cùng lớp cũ, mới lần mò ra điện thoại của cô bạn cũ. Tất nhiên, nàng tính ra cũng đã là bà lão bảy mươi, nhưng đầu lão không chấp nhận sự thật ấy. Nhắm mắt lại, lão lại thấy nàng, khuôn mặt tròn trịa, cái cười hết cỡ, răng nhô ra thụt vào. Gọi điện, lại ríu rít như xưa, cậu cậu tớ tớ. Giọng nói không thay đổi được. Nhưng lão biết, mi mắt có thể thay đổi, nó sụp xuống lúc nào không hay. Quên nhìn gương một thời gian, khi nhìn lại đã thấy da cổ chảy xệ. Cho nên, khi nàng bảo gặp nhau cái, lão nhất quyết khước từ. Lão không muốn nhìn thấy một bộ mặt nhăn nheo. Lão quyết giữ nàng ở tuổi mười bảy.
Hồi đi học phổ thông và đại học, lũ bạn bảo lão lơ ngơ như người mất hồn. Hồi đi làm, đồng nghiệp và cả các sếp đều bảo lão như người lạc loài. Người ta phấn đấu lao động tiên tiến, lão bảo hãy làm tốt trách nhiệm của mình. Người ta đòi lên lương, lão bảo chơi suốt, lên cái con khỉ. Người ta đi du lịch bằng tiền công quỹ, ăn chơi tiếp khách thanh toán xả láng, lão kêu giời ơi giời ơi. Thế chẳng phải lạc loài là gì?
“Ông ơi…”, con Nhím lại lên tiếng.
Lão giật mình. Ờ, mình là ai, và đang ở đâu? Có quê, nhưng lại chẳng có. Tha hương ngay nơi mình đang đứng. Định thần một lúc. Thở dài: “Ông mệt lắm rồi, không trả lời cháu được nữa đâu, lúc khác nhé, ông về đây”.
Lão xoa đầu cháu. Rồi ra khỏi nhà con Út. Khép cửa. Đi mấy bước chân trong cái ngõ nhỏ là đến nhà thằng Cả. Nhà thằng Cả, chứ không phải “nhà mình”. Mọi thứ của bố mẹ là của con, nhưng mọi thứ của con không phải của bố mẹ. Dù sao lão cũng còn có một căn phòng tạm gọi là “của mình”, trên tầng ba, bởi trong căn phòng đó lão được tự do.
Về đến phòng mình, lão nằm vật ra giường. Tim đập loạn xạ. Hôm nay sao ấy nhỉ? Cảm thấy râm ran vùng ngực trái. Ôi trái tim khốn khổ đã rất cố gắng đập liên tục bảy chục năm nay, lại còn bị hành bởi thuốc lá và hàng đống stress… Còn bây giờ, không đâu lại đi nhớ những chuyện xưa. Không đâu lại trở lại cái cảm giác lạc loài. Lão nhắm mắt nghỉ ngơi, rồi một cơn ngủ ập đến.
“Ông ơi, ông ơi”.
Lão choàng dậy. Tưởng ngủ mơ con Nhím gọi, hóa ra thật.
“Gì thế cháu?”
Con bé đưa lão hai gói bim bim. “Ông ăn đi”, nó nói.
“Ờ, ông để bụng ăn cơm”.
“Ông có ăn đâu?”, con Nhím cau có nói. “Cháu học xong, sang bác Cả chơi, hai bác đi vắng, anh Tôm ngủ gật, cơm phần ông vẫn nguyên dưới nhà. Cháu tịch thu của anh Tôm hai gói này, ông ăn cho đỡ đói”.
Lão kéo Nhím vào lòng, hít hà cái mùi hơi chua trên mái tóc nó, giấu đi một giọt nước mắt chực trào ra.
“Ông cháu mình lên sân thượng ngồi ăn bim bim cho mát”, Nhím rủ.
Con bé này lại lười đây, vì lên được sân thượng nhà bác Cả nó dễ dàng vượt tường leo về sân thượng nhà mình ngay cạnh, rồi leo về phòng nó cũng tầng ba như phòng lão. Cho dù lão đang rất mệt, không hiểu sao chỉ muốn lăn ra giường, nhưng lão vẫn gắng sức đứng dậy, cùng Nhím leo thang. Tim dội lên. Kệ. Lão chưa bao giờ từ chối Nhím điều gì.
Lên đến sân thượng, lão vội vã tìm chỗ ngồi. Và chỗ ngồi phải có chỗ dựa lưng. Để còn thở.
Bầu trời đêm tối sẫm. Có gió. Lành lạnh. Trên cao, phía xa, một chiếc cẩu có đính chuỗi đèn trắng chậm rãi quay đi quay lại.
Và thế là, hai ông cháu ngồi dựa tường, mở bim bim ra ăn. Ông ăn một thì nó ăn hai, thế mà bảo phần ông. Nhưng chỉ nghe tiếng vỡ giòn tan của bim bim trong miệng nó là ông thấy vui, quên mệt.
Nhím vòng một tay ôm lấy cái chân co của ông, vừa ăn, vừa líu lo kể chuyện.
Ông biết không, bằng khen của cháu không treo tường mà xếp đống trong ngăn kéo. Sao lại thế? Bởi vì khen chẳng đúng gì cả. Cô khen ngoan, nhưng thực ra cháu hư lắm. Hư thế nào? Ôi ông không biết đâu, cháu thỉnh thoảng lại trốn học đi lang thang. Ôi thích lắm ông ạ. Riêng chuyện trốn học đã thích lắm rồi, phải mắt trước mắt sau, giỏi giang lắm mới trốn được. Tim đập thình thịch, sợ đến mót đái, nhưng thích vô cùng. Chui qua hàng rào còn sợ, nhưng ra đến đường là hết sợ. Còn khi đi lang thang là quên hết. Không sợ bọn bắt cóc à? Bắt được cháu ấy à, còn lâu. Cháu có mồm, có chân. Thế sao ông đi đón cháu vẫn thấy cháu ở trường? À, cháu phải chui vào lớp trước khi hết giờ chứ. Thế cô không biết à? Lũ bạn thích cháu, chúng nó bảo con này giỏi quá, sướng thế, cứ đi đi, cô hỏi chúng tao bảo thưa cô nó mót quá không kịp xin phép, ở lại xin phép thì ướt hết lớp ạ…
Lão già phì cười. Không thể ngờ được. Nó dám đi tìm lạc thú của nó. Đời ông, ông chưa từng dám đi tìm lạc thú của ông. Vậy công ông đi đón là vô ích? Lão bảo, ờ, Nhím, vậy ông khỏi phải đón cháu nữa nhỉ?
Không ạ, Nhím nói, ông vẫn đón cháu nhé? Không thì cháu lại lạc loài, chẳng giống bạn bè, không ai đưa đón?
Lão già quàng tay ôm cháu vào lòng. Cái ôm muốn chặt nhưng không chặt được. Có phần lỏng lẻo. Lão cố. Cũng chặt được tí chút. Sao nó ấm thế. Còn miếng bim bim cuối cùng lão đưa nốt cho con bé. Nhưng nó ý nhị đưa lại cho ông. Ông lại đưa nó. Nó lại đưa ông. Cuối cùng ông bẻ đôi, miếng bim bim bé xíu vỡ vụn. Rơi lả tả xuống đất.
Con bé lại lô tô điều gì, nhưng lão già bây giờ quá mệt rồi. Tim lại nhói đau. Cánh tay lỏng ra. Lão duỗi dài một chân, nhắm mắt. Chân còn lại vẫn phải co, để cho con bé ôm, tê dại, không còn cảm giác gì nữa.

Ông ơi, Nhím lại nói, mẹ bảo cháu lười, hóa ra đúng ông ạ. Hơn chín tháng mới chịu chui ra. Nếu cháu không lười nằm ườn trong bụng mẹ, ra sớm hơn mấy năm, cháu thay ông đi đón anh Bi anh Tôm có phải ông đỡ vất vả, ông nhỉ?
Lúc này, lão già thấy mình đang chuẩn bị bay, việc gì đến thì nó đến thôi. Nhưng nghe Nhím nói, lão nấn ná ở lại. Ừ ừ, cám ơn cháu gái, cháu thơm thảo như cụ, như bà. Mà, còn những mười cái vé số, mai ông cháu mình phải so chứ nhỉ? Biết đâu… Và lão già quyết định ở lại. Không thể để con bé lạc loài với bạn bè…

Tác Giả : Tô Hải Vân / BTV Tuyết Mai

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *