Bài nổi bật

Mộng thám hoa – Đỗ Tiến Thụy

Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, Đặng Ma La là nhân vật lịch sử hiển hách đã tỏa sáng tài trí khi mới 13 tuổi trong Khoa thi Đình năm Đinh Mùi (1247), thời vua Trần Thái Tông. Sau khi đỗ Thám Hoa, ông ra làm quan trải qua hai đời vua, được phong tước Vinh lộc đại phu. Nhà văn đã viết về danh nhân đất Việt bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, để người đọc người nghe hiểu hơn về cuộc đời của Đặng Ma La, qua đó trả lời những câu hỏi nóng bỏng hôm nay. Nhà văn sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo để xây dựng cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa nhân vật Thuân và hồn thiêng của Thám hoa Đặng Ma La. Qua đó không chỉ tái hiện, lý giải xuất thân của vị Thám hoa này với con đường lập nghiệp đầy gian khó của ông, mà còn kín đáo mỉa mai, phê phán một thói xấu cố hữu của người Việt: Đó là ghen ghét, đố kỵ, dốt nát, lười biếng nhưng vẫn muốn chiếm lấy danh lợi bằng thủ đoạn, hiềm khích người tài năng hơn…Nhưng trên tất cả, theo chúng tôi, qua nhân vật Đặng Ma La nhà văn còn mong muốn điều lớn lao hơn, đó là việc trọng dụng người tài. Đặng Ma La vì sinh ra không có tên trong sổ Điền bạ, nên khi đỗ Thám hoa vinh quy bái tổ, chức sắc làng không thèm đón, dân làng ghẻ lạnh, bạn đồng môn thì xa lánh. Rồi thư tố cáo nặc danh về thân phận của ông đã tới tay Hoàng Đế đương triều. Đặng Ma La rất lo sợ, rồi đây ông sẽ bị trừng phạt. Nhưng trái với sự lo lắng của ông, nhà vua đã cho điều tra và hiểu rõ tường tận mọi việc nên đã trọng dụng Đặng Ma La. Bầy tôi giỏi may mắn gặp vua sáng suốt. Trung thần gặp minh quân…Ôn cố tri tân, mượn xưa nói nay. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã thành công trong việc chuyển tải những thông điệp nhân văn và mang tính thời sự…

Thuân bị hút tới đây bởi một hấp lực không thể cưỡng. Màn đêm hoang ảo muôn vàn chớp sáng li ti. Giữa nền âm thanh ếch nhái âm u vọng lên một giọng ngâm văng vẳng. Trạch đắc long xà địa khả cư… Dã tình chung nhật lạc vô dư…
Có ai ở đây không? Thuân kêu lên hốt hoảng. Tiếng ngâm ngưng bặt. Màn đêm khẽ lay. Mờ mờ hiện hình một người cổ sử. Tóc tó củ hành. Áo the. Khăn đóng. Chân guốc mộc khoan thai. Một tay quạt nan phe phẩy. Một tay xách chiếc đèn chai tỏa ra thứ ánh sáng xanh lét.
Toàn thân Thuân lạnh buốt như bị dìm trong nước đá. Chạy. Nhưng hai chân quýu lại. Hàm cứng ngắc. Thuân lập bập:
– A.. a… ai?
Cụ già cúi nhìn Thuân cười hiền:
– Anh không nhận ra ư? Chúng ta chơi với nhau từ nhỏ, ngày anh còn tóc chỏm đào.
– Lạy hồn! Cụ như người của ngàn năm, làm sao con có thể?
– Thế mà có đấy. Anh nhìn kĩ đi!
Cụ già giơ đèn lên cao. Thuân dán mắt nhìn và rởn toàn thân. Trong chai là hàng ngàn con đom đóm lập lòe.
– Mặt cụ… quen lắm! Nhưng con… không nhớ…
– Khà khà! Cậu bé làng Bùi, kẻ đã dám cả gan trèo lên bệ thờ…
Một cú điểm huyệt. Trí nhớ Thuân thức dậy. Cậu bé mười ba tuổi trốn học cùng lũ bạn vào đình chơi. Mái đình cuồn cuộn rồng mây. Cổng đình uy nghi đôi voi chiến. Bậc tam cấp lớp lớp nghê phục, ngựa chầu. Cột đình gỗ lim sừng sững. Kèo vẳng long li qui phượng múa vờn. Trên bệ thờ hai bức tượng mặt đỏ như say, mắt xếch dữ tợn, râu buông ria vểnh đen sì, xung quanh bày la liệt những loại vũ khí sơn son thếp vàng lóa mắt. Đấy là hai vị tướng quân Lam Sơn đã chỉ huy trận đánh chém năm vạn đầu quân xâm lược trên cánh đồng làng Bùi nên được tôn làm Thành hoàng. Hội làng năm nào cũng tái diễn chiến trận, gươm khua giáo dựng, trống dong cờ mở tưng bừng.
Lũ trẻ làng Bùi ngày ấy rất khoái lấy mực vẽ râu tô mắt, sắm cho mình một thứ vũ khí làm từ cành tre, bẹ chuối rồi nhảy lên lưng voi, lưng ngựa huơ đao múa kiếm hét hò. Thuân cũng đã tham gia trò ấy vài lần. Nhưng hôm ấy không hiểu sao Thuân chán. Một mình thơ thẩn. Và Thuân bỗng để ý đến nếp nhà liêu xiêu rêu mốc, cổng đóng im ỉm cạnh đình. Tò mò, Thuân xé rào chui sang, đánh liều mở cửa bước vào.
Một không gian hoang phế. Tiếng mọt nghiến râm ran trong tiếng dơi chao cánh phập phờ. Một thứ mùi uất tắc khăn khẳn hôi rình khiến Thuân ngộp thở. Đứng im một lát, mắt quen dần bóng tối, Thuân thấy một tấm bia đá chữ Nho. Lờ mờ mấy chục bức tượng đứng ngồi nghiêng ngả. Những bát nhang lạnh, mấy chân hương xiêu vẹo…
Thuân nín thở… Rón rén vào trong… Trống ngực ình ình. Và Thuân giật bắn. Từ một tia nắng le lói từ mái thủng, Thuân thấy một người nằm ngửa trên bệ. Suýt nữa thì Thuân ù té chạy. Nhưng Thuân đã kịp định thần. Không phải người. Một bức tượng ngã!
Một phản xạ bật ra từ vô thức, Thuân nhảy phắt lên hì hụi nâng tượng dậy. Và Thuân đã ngây người.
Vầng trán rộng cao thanh tú. Đôi mắt lấp lánh tinh anh. Sống mũi thẳng băng kiêu hãnh. Cặp mày ngang hiền từ duỗi thoải. Môi hồng mỉm nhẹ nửa cười. Và bàn tay… Ôi bàn tay! Bàn tay nhỏ hồng khum nhẹ tựa một đóa sen vừa hé nâng cao một ngọn bút lông trĩu mực trong tư thế chuẩn bị hạ phóng những con chữ thần tình… Từ pho tượng thiếu niên với đủ nét tố hảo tỏa ra một thứ ánh sáng diệu kì khiến Thuân ám ảnh.
Thuân đã nhiều lần hỏi người lớn “ông phật trong chùa ấy” là ai, nhưng không có câu trả lời. Mãi về sau, một thầy giáo già giỏi chữ Nho mới thầm thì cho Thuân biết, pho tượng ấy không phải Phật. Và nơi ấy cũng không phải chùa. Nhưng những năm cải cách, tất cả các chùa trong làng bị phá, tượng Phật các nơi bị xếp dồn về Văn chỉ…
– Trời ơi, chả lẽ ngài là… Đặng Thám hoa? Xin ngài tha tội… Tại ngày đó con chưa biết ngài là ai nên mới phạm thượng…
– Hôm ấy anh có làm gì ta đâu?
Thuân thở phào như trút được án tử:
– Vậy ngài bắt con đến đây làm gì?
Cụ già ngửa cổ cười:
– Sao lại nói là bắt? Ta và anh có duyên. Hữu duyên thiên niên ngộ… Ta đã đọc bài viết của anh về ta.
Thuân dựng hết tóc gáy. Trời ơi, bài viết Thuân chưa hoàn thành, còn nằm trong máy tính mà sao…?
Kì thi đình năm Đinh Mùi -1247, sau khi bảng vàng được yết, vua Trần Thái Tông cho vời ba vị tam khôi vào bái kiến tại điện Tập Hiền. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mười hai, Bảng nhãn Lê Văn Hưu mười bảy và Thám hoa Đặng Ma La tròn mười ba tuổi. Mặt rồng rạng rỡ. Nhân tài xuất hiện nhiều và sớm thế này lo gì xã tắc không vững bền, giang sơn không cường thịnh.
Sau tiệc yến, vua giữ riêng Đặng Ma La lại. Bởi tiếng đồn về cậu đã lan tới kinh thành trước kì thi. Đặng Thị Tiêu, một phụ nữ nhan sắc không biết dạt ở đâu đến làng Bùi xin ngụ cư. Một đêm đang mò cua dưới ruộng, thấy khu Gò La có ánh đèn và tiếng người đọc sách, bà lội đến xem thì ánh đèn và tiếng người biến mất. Một cơn gió lạ nhập vào khiến bà rùng mình. Bà mang thai và sinh ra một đứa bé mặt mũi khác thường, bèn đặt tên là Ma La. Là con của ma nên không cần học mà năm tuổi Ma La đã làu thông kinh sử, văn chương xuất chúng, được coi là thần đồng phục sinh… Lúc nghe được chuyện này vua đã bật cười.
“Thám hoa con ai?”, vua hỏi sau một lát ngắm nghía dung mạo Ma La.
Cậu bé vòng tay cung kính:
“Thưa bệ hạ! Thần không biết cha là ai. Thần chỉ có mẹ. Mẹ thần làm nghề bắt cua.”
Vua lại hỏi:
“Ta nghe nói ngươi không cần học mà tự nhiên tài?”
Ma La vội vàng đáp:
“Thưa không phải thế! Thần được như ngày hôm nay là nhờ có thầy truyền dạy.”
Mắt rồng ánh lên một tia tươi vui. Mừng là Ma La đã không vơ lấy tấm áo khói sương hoang đường huyền hoặc để che đậy phận mình…
– Bài viết của anh dừng ở đấy. Đã mười năm rồi mà anh không viết tiếp?
Cụ già ấp quạt vào ngực hỏi. Thuân ấp úng chưa biết trả lời sao. Quả tình đã nhiều lần Thuân mở file bài viết đó toan hoàn thành, nhưng câu chuyện lưu truyền trong làng đã khiến anh nguội hết cảm xúc.
Ngày Thám hoa vinh qui chức dịch làng Bùi không thèm đón. Trời mùa đông mưa phùn gió bấc căm căm, đường làng ngập ngụa bùn lẫn phân trâu, kiệu rước không thể vào làng. Quá tự ái, ngay chiều đó Thám hoa đưa mẹ rời đi. Khi bước qua cổng làng ngài đã quay lại đanh mặt nghiến răng hạ một lời nguyền: “Kể từ nay trở đi làng Bùi sẽ không có người đỗ đạt!”…
Từ ngày biết đọc sách, Thuân vẫn mặc định những người đỗ đại khoa hẳn nhiên phải là những bậc đại trượng phu. Vậy mà hành xử của Thám hoa họ Đặng xem ra không giống người quân tử…
– Anh đang nghĩ ta là kẻ tiểu nhân, đúng không?
Thuân giật bẵng mình:
– Dạ… con đâu dám. Con…
Cụ già thủng thẳng cất lời sau cái cười thanh thoát:
– Không giống người quân tử với kẻ tiểu nhân nào khác chi nhau. Khá khen anh là người giỏi uyển ngữ ngay cả trong ý nghĩ.
Thuân sợ đến ngọng líu:
– Tại… tại… người ta đồn thế….
Cụ già lại cười vang:
– Và anh tin?
Thuân ắc ê mãi không thể trả lời. Cụ già nheo mắt nhìn Thuân:
– Vậy anh xem lời đồn và sự thực có giống nhau không nhé!
Cụ già phất nhẹ quạt nan. Màn sương trước mắt Thuân tan loãng…
Từ lộ phủ, một đoàn rước rẽ xuống con đường mảnh dẻ nổi mấp mé giữa đồng chiêm trũng. Bóng cờ bóng lọng nhòa vào nước trắng, lẫn vào lau sậy loi thoi.
Đoàn rước về đến gần làng. Tiếng loa báo hiệu vọng vang. Cậu bé trên kiệu sửa lại cân đai, nét mặt hân hoan.
Cổng làng lặng ngắt.
Chỉ một lão thầy đồ đứng đợi.
Cậu bé nhảy khỏi kiệu, mặt mày hớn hở, hai tay xếch phẩm phục lên quá gối chạy ào ào về phía thầy hét toáng:
“Thầy ơi…! Con… đã… đỗ rồi!”
Thầy đồ nghiêm mặt:
“Đừng có hoắng!”
Cậu bé đứng ngây. Thầy đồ tiến đến đoàn rước. Sau một vài câu nói nhỏ, lính cờ lính kiệu quay đầu.
Thầy nhận gói đồ từ đoàn rước trao lại cho trò:
“Im lặng mà về!”
Cậu bé hơi phụng phịu nhưng nét mặt vẫn tươi roi rói. Cậu khoanh tay chào thầy rồi khoác đãy lên vai, tụt hia lội băng lối tắt. Về đến Gò La cậu cất tiếng gọi mẹ. Không có tiếng đáp. Cậu kéo cửa phên chui vào lều và sững người. Trong ổ rơm, mẹ cậu âm thầm nằm khóc.
Cậu nhào đến lay mẹ. Những câu hỏi dập dồn gắt gỏng.
“Tại sao mẹ không ra đón con?”

“Tại sao làng không có ai đón con?”

“Tại sao làng không làm nhà mới cho mẹ con ta?”

Người mẹ ôm mặt khóc òa.
Cậu bé ngồi phệt xuống đất thẫn thờ:
“Chiếu khuyến học vua đã ban, hương ước làng đã ghi rõ, người đỗ đại khoa khi vinh qui sẽ được làng đón rước, sẽ được làng dựng nhà mới kia mà…”
Người mẹ nấc lên:
“Mẹ biết. Mẹ đã trình với làng ngay lúc nghe tin con đỗ. Nhưng con ơi! Họ nói rằng mẹ con ta là dân bạ cư, không có tên trong sổ địa tịch, làng không có trách nhiệm.”
Cậu bé bật dậy hét:
“Họ đã dám trái mệnh vua! Con sẽ tâu lên để chém đầu cả lũ!”
Người mẹ vội vã túm lấy tay con:
“Ấy ấy con ơi! Phép vua thua lệ làng. Con còn nhỏ lắm, chưa hiểu hết sự đời đâu.”
Môi cậu bé mím chặt. Mắt cậu bé vằn lên.
Gió đồng chiều hơ hoải.
Mặt trời lặn vào bùn nước tím bầm…
“Mẹ ơi… Bây giờ thì mẹ… cho con biết cha con là ai rồi chứ?”
Cậu bé mở lời sau quãng dài im lặng. Người mẹ nhắm mắt nhè nhẹ lắc đầu.
Cậu bé ngửa cổ nhìn trời cất lời ai oán:
“Không có cha… Không có nhà… Con biết bái tổ ở đâu bây giờ?”
Người mẹ ngồi thẳng dậy, đưa hai bàn tay sứt sẹo vén tóc, giọng đột ngột nghiêm trang:
“Con sinh ra từ Gò La. Cánh đồng đã nuôi mẹ con ta. Vậy con còn muốn tìm nơi nào khác?”
Thấm lời, cậu bé thoắt đổi mặt tươi vui. Cậu đưa mắt ngó quanh. Căn lều hơ hoác. Mấy cuốn sách treo trên nóc. Hai chiếc bát cô quạnh úp trên chiếc niêu ám khói. Chiếc giỏ đại góc lều ướt ròng đầy nhóc những con cua đang khua càng lạo rạo. Mắt cậu sáng lên. Cậu chạy lại vần chiếc giỏ cua ra giữa gò. Cậu xếp mấy cuốn sách lên miệng giỏ. Người mẹ cởi chiếc khăn vuông trên đầu trùm lên những cuốn sách. Một chiếc bàn thờ đơn sơ vuông vức hình thành.
Cậu bé sắp lễ. Văn bằng đỏ chói ấn son hoàng thượng. Ba nén vàng. Bảy nén bạc. Chín thếp gấm hoa. Một bình rượu quý. Cậu thắp nhang vái bốn phương tám hướng xong thì quì gối:
“Những thứ vua ban con xin dâng mẹ!”
Cậu gập người lễ sống mẹ ba vái. Người mẹ mắt nước long lanh, miệng nở một đóa hoa viên mãn…
*
Làng Bùi sáng sớm. Những thân cau cao vút trên những mái lá lè tè. Cậu bé quần áo nhuộm bùn khuôn mặt sáng láng đi từng nhà chào hỏi. Ai cũng tỏ ra vui mừng nhưng không ai chịu nhận quà. Cậu bé chau mày khó hiểu.
Khó hiểu hơn là những bạn đồng môn. Sau khi cùng nhau chen chúc kiễng chân ngó kim bảng tại trường thi, họ lầm lì ra về. Biết các bạn buồn, cậu đã đến từng nhà tặng quà an ủi và động viên họ tiếp tục dùi mài kinh sử đợi khóa thi sau. Nhưng đáp lại cậu là những nụ cười cố tỏ ra vồn vã ấm nồng, những lời chúc mừng cố tỏ ra chân thành mà ánh mắt lại tối rầm băng giá.
Ngày được thầy đồ cho nhập học, Ma La mới năm tuổi. Dù được thầy khen là sáng dạ hơn người nhưng cậu vẫn luôn lễ phép với những đồng môn lớn tuổi. Suốt bảy năm học chung và cả lúc cùng nhau lên kinh ứng thí, anh em vẫn cười đùa vui vẻ trêu chọc nhau. Vậy mà chỉ sau mấy tháng, họ đã thành những con người khác.
“Thưa thầy, con đã có lỗi gì?”
Sau khi làm lễ tạ ơn thầy, Ma La cất giọng hỏi. Thầy vội kéo trò vào chõng hỏi han về những ngày cậu được vua lưu lại kinh thành. Nét mặt thầy vui sáng ngời ngời, chòm râu bạc rung rinh.
“Thưa thầy, con đã có lỗi gì?”
Nghe câu hỏi lần thứ hai thầy đồ mới thong thả buông lời:
“Con có lỗi là… đã thi đỗ, trong khi bao cậu ấm con nhà máu mặt trong lộ trong làng trượt hết.”
“Con không hiểu?”
“Con làm sao hiểu được cái lí của những người lười học chăm ăn, đầu rỗng chữ nghĩa, bụng đầy xôi thịt nhưng lại luôn nuôi mộng ông nghè.”
“Thưa thầy, con chỉ vì thương mẹ, thương cảnh nhà nghèo khó mà quyết chí học hành tiến thân, chứ nào muốn hơn thua với ai đâu?”
“Ừ… Chữ thánh hiền thầy đã dạy con. Nhưng còn thói đời… thầy chưa kịp dạy.”
Câu nói của thầy làm Ma La bất giác nhớ tới lời vua: “Khanh tuy đỗ cao, nhưng đó mới là những kiến thức trong sách vở. Ta cho khanh về quê tu dưỡng. Gắng học thêm, cả trong trường học lẫn trường đời.” Ma La nhắm mắt. Hai giọt nước trong vắt sương mai ứa ra. Ôi bệ hạ tôn kính, bài học trường đời đầu tiên mà con phải nhận cay đắng thế này sao?
“Bây giờ Thám hoa định thế nào?”
Thầy đồ bất ngờ chuyển lối xưng hô.
“Xin thầy đừng gọi con thế! Con vẫn chỉ là một đứa trò nhỏ, mong được thầy tiếp tục dạy dỗ!”
Thầy đồ ngửa mặt nhìn lên mái tranh, thở dài. Tiếng thạch sùng tắc lưỡi cảm thương.
“Ta không còn cơ hội ấy nữa rồi. Ta phải rời làng.”
Ma La giật mình đánh thót:
“Thưa thầy, tại sao?”
Thầy đồ lắc đầu, ánh mắt buồn thê thiết. Vừa lúc đó, có tiếng gậy đập vào cánh cổng roàng roạc cùng tiếng hét vu vơ: “Bắt hết! Bắt hết giải lên quan!”
Ma La nhìn thầy ngơ ngác. Thầy đồ nhìn ra cười khẩy:
“Làng đang đồn ầm lên rằng, con là con của một người đang bị truy nã.”
Câu nói như một nhát búa táng thẳng vào đầu Ma La. Nét hoang mang hiện rõ trên nét mặt thơ ngây:
“Thế… thế sao ngày trước ai cũng nói con là con ma?”
“Vô danh thì bảo con ma, hữu danh thì buộc phải ra con người!”
Ma La chưa kịp hiểu câu nói của thầy thì ngoài ngõ đã vóng lên tiếng trẻ con:
Thầy đồ thầy điếc
Thầy liếc giỏ cua
Thầy khua giỏ cá
Học trò trượt cả
Đỗ mỗi một thằng
Lằng nhà lằng nhằng…
Ma La đỏ bừng mặt toan đứng lên nhưng thầy đồ đã giơ tay ngăn lại:
“Kệ chúng. Chúng bị người lớn xui thôi mà. Đấy con xem. Ta đi không phải vì sợ. Mà vì đất này không còn ai dám theo học ta nữa. Làm thầy mà không có trò thì dạy ai?”
Ma La ngồi thừ nghĩ ngợi hồi lâu rồi ngẩng lên ướm hỏi:
“Thầy đi rồi, mai đây con sống làm sao?”
“Con sẽ phải chịu đau khổ. Nhưng dù thế nào con cũng phải sống cho ra một con người tử tế!”
*
Đêm. Gò La. Đom đóm lập lòe. Ếch nhái uôm oam. Rắn hổ phì phì… Trong lều rạ, Ma La ngồi đọc sách dưới ánh lửa chập chờn. Roạt! Một viên đá to bằng nắm tay xuyên nóc lều rơi xuống. Ma La bật dậy toan đẩy cửa bước ra nhưng bị mẹ vội vàng kéo lại.
“Thôi con! Ngày mai mẹ sẽ đan tranh dặm thêm mái lều.”
“Tru di… Tru di… Tru di!” Tiếng người bịt mũi từ bụi cây thầm đen cuối gò vóng lên như tiếng ma. “Óc… eo!” Tiếng nhái bị rắn nuốt ngang chừng uất nghẹn.
Khuya. Đêm ắng dần. Tiếng cá quẫy nước chờn vờn. Tiếng tôm búng mình lóc bóc. Ma La lại cầm sách. Người mẹ vẫn âu sầu bó gối nhìn chiếc giỏ đầy óc ách. Đã ba ngày nay bà mang cua đi chợ rồi lại mang về.
“Ngày mai mẹ sẽ không bắt cua nữa!”
“Vậy mẹ con ta lấy gì để sống?”
“Mẹ đã tính mua một mảnh ruộng để làm. Nhưng không ai dám bán. Mẹ con ta chỉ còn nước đi làm thuê cho những phú hộ trong làng thôi.”
Ma La ngẩng nhìn tấm bằng treo trên vách, mắt quắc lên hai vệt sắc như lá lúa. Bà mẹ vội ôm con trai vào lòng an ủi:
“Phải sống đã con ơi!”
Sau câu nói dứt khoát, bà đứng dậy trút giỏ vào chiếc vại da lươn. Cua tóa xuống rào rào. Sau một lát chạy quanh, những con cua đã túm vào nhau, công kênh nhau lên cao. Khi một con cua khỏe nhất đã leo được đến gần miệng vại, Ma La vội kêu:
“Mẹ phải đậy lại kẻo cua đi hết.”
Bà Tiêu phẩy tay:
“Kệ cho chúng về đồng…”
Nghe mẹ nói thế, Ma La buông sách thích thú ngồi ngắm cảnh những con cua tìm đường vượt thoát. Nhưng mỗi khi có một con vừa bấu được vào miệng vại thì liền bị những con bên dưới túm càng kéo xuống. Cậu tắt đèn chui vào ổ nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng cua cào thành vại lào khào mòn mỏi thâu đêm. Trời sáng, hai mẹ con khiêng chiếc vại ra mé gò lật nghiêng.
*
Hai mẹ con ì ọp trên mảnh ruộng ngập phèn của nhà xã quan. Mồ hôi tràn mắt Ma La buốt xót. Bàn tay vỡ nát, máu trộn nước đỏ lòm. Ngực và bụng quặn thắt. Mặc, Ma La nghiến răng vung cuốc. Năn lác lộn nhào.
Đám mục đồng cưỡi trâu cạnh đó nghêu ngao:
Thám hoa thám hoét
Tay toét tòe loe
Chân vàng khè khè
Mắt hoẳm hoằm hoăm.
Ma La bỏ ngoài tai. Trong đầu chàng chỉ vang vang những câu chữ trong cuốn sách đọc đêm qua. Sau bụi tre bìa làng có một người đứng sờ cằm nhìn ra cánh đồng nở một nụ cười đắc chí:
“Trước sau cũng chết thôi con ạ!”
*
Cung Quan triều. Trần Thái Tông đọc những mật tấu suốt từ giờ Mùi đến giờ Thân chưa ngơi. Quan thị vệ lấp ló sau rèm mấy bận định tâu chuyện gì, nhưng thấy nét mặt vua căng thẳng, lại thôi.
Trời ngả tối. Vua sai người thắp thêm đèn.
Đợi lúc vua nhắm mắt dưỡng thần, quan thị vệ bước ra rụt rè tâu:
“Bẩm, đã đưa được Đặng Ma La về từ chiều, nhưng…”
Vua bừng mắt, truyền cho vào.
Người thanh niên cao lớn, mặt mày rám nắng, đôi mắt trũng sâu bước vào quì trước mặt vua:
“Bẩm, thần bị đường đột đưa về kinh, trong lòng hoang mang không biết có chuyện gì?”
Thái Tông nheo mắt nhìn Ma La rồi đứng dậy tự tay mở khóa hòm công văn lấy ra ba tờ giấy đặc chữ. Ngài nghiêm giọng “Ngươi nghe đây!” rồi đọc to:
“Chúng thần là dân thường làng Bùi thấy có điều khả nghi nên muốn tố giác lên bệ hạ. Mụ Tiêu từ nơi xa về xin ngụ cư. Làng đã sơ suất không tra xét kĩ. Mụ Tiêu đẻ ra con trai mặt mũi sáng sủa, học giỏi khác người nên thần dân lấy làm nghi ngờ. Con nhà dân đen làm sao học hành giỏi vậy? Chúng thần đã dò hỏi nhiều nơi và biết cha của Ma La là một tên quan lớn triều Lý đang trốn truy nã. Lại nữa. Thầy đồ dạy Ma La lại không nhận tiền, chỉ nhận mớ cua mớ tép thay công. Chúng thần ngờ rằng hắn được tên quan kia sai về dạy dỗ Ma La thành tài để mong phục hận sau này. Kính mong bệ hạ ra tay để trừ hậu họa…”
Mặt Ma La biến sắc, mồ hôi túa ướt đầm khăn đội. Sau cơn choáng váng, Ma La ngẩng mặt lên:
“Thưa… bệ hạ có tin thần là hậu duệ nhà Lý không?”
Trần Thái Tông phẩy tay cho Ma La bình thân rồi hạ giọng:
“Khanh là con ai thì cũng đều là con dân Đại Việt.”
Ma La thở trút ra một hơi nhẹ nhõm. Vua nhìn Ma La nói chắc từng câu:
“Những lá đơn này ta nhận được từ bảy năm về trước, ngay sau khi khanh đăng quang ít ngày. Chúng nặc danh. Nhưng ta biết không ai khác ngoài đồng môn của khanh.”
Đọc những lá đơn vua trao, Ma La ngồi đờ đẫn không thể mở lời. Chỉ cần liếc qua nét chữ rối như cua bò cùng những câu văn lủng củng, chàng đã nhận ra tác giả là ai rồi. Bao nhiêu năm tháng đắng cay của mẹ con chàng ở làng Bùi cùng một lúc hiện về. Những dọa nạt o ép, những chế diễu dèm pha, sự e ngại xa lánh của xóm làng… Ở cảnh cô đơn cùng cực đã có lúc chàng nuôi một ý nghĩ điên cuồng: Khi nào có quyền ta sẽ giết hết tụi bay!
“Thám hoa đã biết những kẻ âm mưu hãm hại người tài của trẫm là ai rồi chứ? Nói tên chúng ra để ta bắt về trị tội!”
Vua vừa dứt lời đã thấy một hàng lính nai nịt gọn gàng, gươm đao tề chỉnh bước vào đợi lệnh.
Đột ngột Ma La run bắn. Chàng vội quì xuống:
“Đội ơn bệ hạ. Thần đã biết. Nhưng thần trộm nghĩ, đây là việc riêng của thần. Bệ hạ lấy phép công giải quyết tình riêng, e rằng thiên hạ không phục. Cúi xin bệ hạ ban phép cho thần được tự quyết vụ này!”
Vua gật đầu nhè nhẹ:
“Ta cho phép. Vậy Thám hoa xử chúng cách nào?”
Ma La đứng lên:
“Thưa bệ hạ, những kẻ này thật đáng thương!”
Nói rồi chàng đưa cả ba lá đơn vào đĩa đèn. Lửa bùng lên. Nét mặt chàng sáng rực. Vua reo to:
“Thám hoa trưởng thành rồi!”
Tự tay rót rượu quý ban thưởng cho Ma La xong, vua hỏi dò:
“Ta muốn trao cho khanh chức Tri thẩm hình viện sự, ý Thám hoa thế nào?”
“Bẩm, thẩm hình là việc quan trọng, không biết sức thần có kham được không.”
“Đúng. Án từ ở Thẩm hình viện rất bộn bề, cần người công tâm, sáng suốt. Qua việc vừa rồi ta nghĩ khanh xứng đáng. Khanh đừng phụ lòng của trẫm!”…
Thuân bừng ngộ. Vậy là không có chuyện lời nguyền. Đầu Thuân ong ong lời cụ giáo già lúc đưa cho Thuân những văn bản cụ đã dịch từ chữ Nho xung quanh thân thế của Thám hoa Đặng Ma La: “Làm gì có chuyện đó… Ta tự trấn yểm ta bằng thói tật mà thôi… Sau Đặng Ma La, sự học làng Bùi đứt mạch. Sáu trăm năm. Nhờ chiếu khuyến học vua Minh Mạng, người khai hoa sự học làng Bùi được nhớ. Văn chỉ được xây… Sự học le lói trở lại. Nhưng rồi…”
Hơi thở cụ giáo dài sười sượi: “Nơi nào tôn vinh học vấn, người nơi đó tính tình nhu thuận, trẻ em hiếu học ham làm, xóm làng trù phú; nơi đâu xiển dương võ công, người ở đó tính cách hung hăng, trẻ em ngỗ nghịch, lười học ham chơi, ruộng đồng xơ xác.”
Mắt cụ giáo rưng rưng: “Tôi nói thế không phải trọng văn khinh võ. Các vị chân sư đã dạy, văn không võ là văn nhu nhược, võ không văn là võ bạo tàn. Xem trong lịch sử, thời nào quá trọng võ thì vua độc ác chuyên quyền, quan lại võ biền tham lam. Thời nào quá trọng văn thì vua bạc nhược, chính sách cải lương, quan lại đớn hèn. Trong văn có võ, trong võ có văn, đó mới là lẽ phát triển hài hòa. Các vị vua và quan đại thần triều Trần đều văn võ song toàn nên nước vẫn cường mà dân vẫn thịnh. Bản thân Quan Thám, mặc dù xuất thân quan văn nhưng khi giặc đến đã lấy văn hành võ, vâng mệnh vua về tỉnh Đông lập ấp khẩn hoang, tích lũy lương thực, thâu nạp binh sĩ ngày đêm rèn luyện cùng triều đình chống giặc, lập công lớn, trở thành một trong những lương đống đại thần của hai đời vua, được phong tước Vinh lộc đại phu, được các triều đại sau công nhận là Trung thành đại hành thượng đẳng thần Trần triều. Một người như thế mà không thiêng ở làng mình. Lạ quá!”
Thuân nghĩ, làng bạc đãi nhân tài, ngài bỏ đi là phải…
Một tia chớp lóe, cụ già lại hiện ngay trước mắt Thuân:
– Anh nhầm! Kẻ nào lấy được làng ra khỏi ta?
Thuân cứng họng không thể trả lời. Tiếng cụ già buồn như lá rụng:
– Ta đã nguyện rằng, khi đánh tan giặc Nguyên Mông lần hai sẽ xin vua cho hồi hưu về làng Bùi mở trường dạy học. Tiếc là việc lớn chưa xong thì đất đã gọi ta về… Ta đành gửi xác quê người, nhưng hồn ta thì…
Thuân nghĩ… À, chắc ngài đang hân hưởng sự cầu cúng quanh năm trong mấy ngôi đền lớn khắp mấy tỉnh vùng duyên hải…
– Anh lại nhầm! Ta không ở những nơi bóng lộng ấy đâu…
Thuân bối rối:
– Vậy chứ… ngài đang ở đâu?
Cụ già cúi xuống trở cán quạt gõ khẽ vào trán Thuân:
– Vậy chứ anh đang ở đâu?
Thuân đớ người. Cụ già phẩy nhẹ quạt. Một làn gió phả vào mặt Thuân mát rượi. Màn hư ảo tan nhanh. Thuân nhận ra mình đang nằm trong một chiếc lều rạ giữa Gò La. Ngúc ngắc đầu nhìn ra Thuân thấy bóng một phụ nữ đang lúi húi trong sương chiều. Mụn vá trên vai áo nâu thấp thoáng giữa cánh đồng xanh vắng…
Tháng 5/2015

Xem thêm đề xuất

Mày Không Đi Anh Vác Mày Đi

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của một cặp thanh mai trúc mã, liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *