Bài nổi bật

Mưa đến – Kenya Grace Ogot

Nghe đọc truyện đêm khuya vov – Câu chuyện kể về vùng đất xa xôi tại châu Phi nơi vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Bộ tộc của tù trưởng Labong’o đã từ lâu không có mưa, đất đai khô cằn, gia súc chết khát. Để cầu thần linh, tổ tiên ban mưa xuống thì phải hiến tế một cô gái trẻ. Cô gái được thày mo yêu cầu phải làm việc đó chính là Ôganđa, con gái tù trưởng Labong’o. Tuy đau buồn nhưng Ôganđa vẫn đồng ý hi sinh vì cuộc sống của cộng đồng. May mắn, trên đường Ôganđa đến vùng đất thiêng để hiến tế thì chàng trai Ôsinđa đã cứu thoát cô. Mưa xuống nhưng Ôganđa không phải chết, cô đã tìm được hạnh phúc của mình.

Vị tù trưởng đứng khá xa cánh cổng khi con gái Oganda nhìn thấy ông. Chị chạy tới phía ông. Vừa thở hổn hển, chị vừa hỏi cha, “Có tin tức gì không ba? Mọi người trong làng đang hồi hộp chờ xem khi nào thì có mưa?” Labong’o đưa tay nắm tay con gái mình nhưng không nói một lời nào. Thấy cha mình có thái độ lạnh nhạt, Oganda lúng túng và bỏ chạy về làng báo cho mọi người biết là tù trưởng đã trở về.
Không khí trong làng rất căng thẳng và ngột ngạt. Mọi người đi thẩn thơ trong sân, không buồn làm gì cả. Một phụ nữ thì thào với một phụ nữ khác là vợ lớn của chồng mình, “Nếu hôm nay việc cầu mưa không thành, tù trưởng sẽ bị vỡ ra thành từng mảnh”. Người ta thấy ông ngày càng gầy guộc đi khi mà ai cũng quấy rầy ông. “Gia súc của chúng ta đang chết trên đồng”, dân làng báo cáo. “Sẽ đến lượt con cái chúng ta và chính chúng ta chết. Hãy nói cho chúng tôi biết cần phải làm gì đây để bảo toàn mạng sống của chúng tôi, hỡi tù trưởng vĩ đại”. Tù trưởng do đó hàng ngày cầu tổ tiên xin thượng đế giúp cho mọi người bớt đau khổ.
Thay vì gọi dân làng lại và báo ngay tin tức cho họ, ông đi vào nhà mình, ra hiệu rằng ông không muốn bị quấy rầy. Sau khi đóng cửa lại, ông ngồi suy tư.
Mưa đến – Kenya Grace Ogot
Sự đau khổ của dân làng không còn đè nặng lên con tim ông. Cuộc sống của đứa con gái duy nhất của ông đã bị đem ra đánh cược. Lúc nãy, khi Oganda tới gặp ông, ông thấy vòng xích quanh cổ tay chị sáng lấp lánh. Lời tiên tri đã được phán truyền. “Chính đứa con gái duy nhất của ta phải chết khi còn rất trẻ…”, Labong’o òa khóc khi chưa nói hết câu. Tù trưởng không được phép khóc. Dân làng đã tuyên bố ông là người đàn ông gan dạ nhất. Nhưng Labong’o không quan tâm tới điều đó nữa. Ông đơn giản chỉ là một người cha. Ông đắng cay khóc. Ông thương dân làng nhưng dân làng có nghĩa gì không khi ông mất Oganda? Chị đã mang tới cho ông một cuộc đời mới và nhờ đó, ông cai quản tốt hơn ông có thể. Dân làng sẽ tiếp tục sống sót như thế nào sau khi con gái xinh đẹp của ông ra đi? “Có biết bao gia đình, bao nhiêu bậc cha mẹ có con gái, sao lại chọn phải con gái của tôi. Nó là tất cả đối với tôi!” Labong’o nói như thể tổ tiên ông đang có mặt trong nhà và ông có thể đối diện với họ. Nhưng có lẽ họ đang ở đây và cảnh báo ông hãy nhớ lấy lời hứa mà ông đã nói thật vang vọng trong lễ tấn phong, trước mặt các trưởng lão, “Tôi sẽ lấy đời tôi và sự sống của gia đình tôi, nếu cần, để giữ cho bộ lạc thoát khỏi tay kẻ thù”. “Chối bỏ rồi! Chối bỏ rồi!” Hình như có lời tổ tiên ông đang nói, đang mỉa mai ông.
Khi được chọn làm tù trưởng, Labong’o hãy còn là một người đàn ông trẻ. Không như cha mình, lúc đó ông chỉ có một bà vợ. Nhưng mọi người thường kín đáo chế giễu ông vì bà vợ này không sinh được con cho ông. Thế là ông lấy vợ hai, vợ ba và vợ bốn. Nhưng tất cả họ đều chỉ sinh con trai. Khi ông lấy vợ năm thì bà này sinh được cho ông con gái. Người ta gọi cô gái này là Oganda, nghĩa là hạt đậu vì da dẻ chị bóng mượt. Trong số hai mươi đứa con của Labong’o, Oganda là đứa con gái duy nhất. Mặc dù là đứa con được tù trưởng yêu quý nhất, nhưng các bà dì của chị vẫn không ghen tị, vẫn tỏ ra thương yêu chị. Họ nói rằng, sau rốt thì Oganda sẽ không được mãi mãi ở trong nhà tù trưởng. Chị sẽ bước vào tuổi lấy chồng và nhường vị trí đáng ganh tị của mình cho người khác.
Chưa bao giờ trong đời tù trưởng lại phải đối mặt với một quyết định khó khăn như lần này. Từ chối yêu cầu của thầy chú gọi mưa là bỏ mặc cả bộ lạc, đặt lợi ích cá nhân lên trên cộng đồng. Còn hơn thế nữa. Điều đó còn có nghĩa là bất tuân tổ tiên, do đó rất có thể cả bộ lạc sẽ bị quét sạch khỏi mặt đất. Nhưng mặt khác, nếu để cho Oganda làm vật hiến tế để cứu bộ lạc thì điều này sẽ mãi mãi làm giày vò thân xác Labong’o.
Lời của thầy lang Nditi vẫn còn vang vang trong tai ông. “Podho, tổ tiên của bộ lạc đã hiện ra tối qua trong giấc mơ của tôi. Ông ấy muốn tôi nói chuyện với tù trưởng và cả bộ lạc”, Nditi đã nói với bộ lạc lúc mọi người tụ tập lại rằng: “Một phụ nữ còn trinh tiết phải chết thì ở vùng đất của bộ lạc mới có mưa. Khi Podho đang nói, tôi thấy một phụ nữ trẻ đang đứng lên bờ hồ, hai tay đưa lên quá đầu. Da cô ấy mịn màng như da hươu. Dáng cao ráo, mảnh mai của cô như dáng một cây sậy mọc bên bờ sông. Đôi mắt mơ màng của cô u buồn như đôi mắt của người mẹ mất con. Cô ấy mang bông tai vàng bên tai trái và ở cổ tay cô ấy có một vòng xích bằng đồng lấp lánh. Khi tôi còn đang choáng ngợp trước sắc đẹp của người phụ nữ trẻ này thì Podho nói với tôi, “Chúng ta phải chọn một trong số những người phụ nữ ở vùng đất này. Hãy hiến tế cô ta cho quái vật sống trong hồ. Và vào ngày đó, mưa sẽ chảy thành dòng trên mặt đất. Mọi người phải ở trong nhà vào ngày đó, nếu không sẽ bị lũ lụt cuốn đi”.
Bên ngoài căn nhà của tù trưởng chỉ còn lại sự im lặng, trừ tiếng của một con chim đang khát nước hót trên cây khô. Sức nóng ban trưa làm mọi người phải ở trong nhà. Cách không xa nhà của tù trưởng, có hai người canh gác đang gáy pho pho. Labong’o gỡ vương miện và tháo hai cái đầu con ó mang trên hai vai ra. Ông rời nhà và thay vì bảo Nyabogo, người đưa tin, đánh trống, ông tự đi đến đánh. Mọi người trong gia đình ông nhanh chóng đến tụ tập dưới gốc cây siala, nơi ông thường yêu cầu. Ông bảo Oganda ở lại nhà bà nội chị để đợi ông một lát.
Khi Labong’o nói với mọi người, giọng ông nghèn nghẹn, khàn đục. Ông nói mà lời như không tuôn ra khỏi đôi môi. Các bà vợ, các con trai ông biết là đang có nguy hiểm, có lẽ kẻ thù đã tuyên bố chiến tranh. Mắt Labong’o đỏ ngầu và họ có thể thấy là ông đang khóc. Cuối cùng ông nói, “Báu vật mà chúng ta yêu quí sẽ phải xa rời chúng ta. Oganda sẽ phải chết”. Giọng Labong’o lạc đi, đến mức ông không biết ông đang nói gì. Nhưng ông nói tiếp, “Tổ tiên đã chọn nó để hiến tế cho quái vật trong hồ, nhờ đó chúng ta mới có mưa”.
Mọi người nín lặng. Ai nấy đều sửng sốt. Mẹ Oganda sụt sùi và bà được dìu về nhà. Sau đó, mọi người hân hoan. Họ nhảy múa và hát. “Oganda may mắn được chết cho mọi người. Nếu cái chết cứu được mọi người, hãy để cô ấy chết”.
Trong nhà bà nội, Oganda tự hỏi cả gia đình đang bàn tán gì về chị mà chị chẳng thể nghe được. Nhà bà chị ở khá xa sân nhà tù trưởng nên dù có cố vểnh tai, chị cũng chẳng có thể nghe được những gì mọi người nói. “Chắc mọi người đang bàn về chuyện gả chồng”, chị kết luận. Có một phong tục được mọi người chấp nhận là gia đình được phép bàn về chuyện gả chồng cho con gái ở sau lưng cô ấy. Một nụ cười mơ hồ nở ra trên môi Oganda khi chị nghĩ tới những chàng trai luôn chảy nước bọt mỗi khi được nghe nói tới tên chị.
Có một người đàn ông trẻ, tên Kech, là con trai một bô lão của bộ tộc láng giềng. Kech rất đẹp trai. Anh ngọt ngào, có đôi mắt hiền và giọng nói sang sảng. Anh có thể làm một người cha tuyệt vời, Oganda nghĩ. Nhưng anh ấy và chị không đẹp đôi. Kech hơi thấp so với chị. Thật là xấu hổ cho chị khi phải nhìn xuống mỗi lần trò chuyện với anh ấy. Chị nghĩ tới Dimo, người đàn ông trẻ cao to, vừa mới đây đã thể hiện mình là một chiến binh và một đô vật dũng cảm, phi thường. Dimo yêu chị nhưng Oganda nghĩ anh ấy sẽ là một người chồng vũ phu, luôn cãi vã và sẵn sàng gây chiến. Không, chị không thích anh ta. Oganda vân vê từng mắt của sợi xích ở cổ tay khi chị nghĩ tới Osinda. Đã lâu rồi, từ lúc còn rất trẻ, Osinda đã tặng chị chiếc xích này. Thay vì phải tháo ra tháo vô nếu đeo ở cổ, chị đeo nó ở cổ tay. Tim chị đập mạnh khi chị nghĩ về anh ấy. Chị thì thào, “Mọi người hãy bàn về anh Osinda dễ mến… Hãy đến và mang em đi…”
Bóng người cúi đầu bước vào ô cửa làm Oganda giật mình. Chị đang miên man nghĩ về người đàn ông chị yêu. “Bà nội làm con giật cả mình…”, Oganda cười to nói. “Mọi người đang bàn về chuyện gả chồng cho con hả nội? Nội biết đó, con không chọn ai trong số đó”. Nụ cười lại nở ra trên môi chị. Chị nũng nịu bảo bà nội nói nhanh lên cho chị biết và muốn bà hãy nói với họ rõ ràng chị chỉ thương Osinda thôi.
Ở khoảng sân trống bên ngoài, những người họ hàng đang hưng phấn nhảy múa, ca hát. Họ đang đi tới căn nhà chị đang đứng, mỗi người mang theo một món quà để đặt dưới chân chị. Khi họ đến gần hơn, Oganda nghe họ hát rằng, “Nếu để cứu mọi người, nếu để trời mưa thì hãy cho Oganda ra đi. Hãy để Oganda chết cho mọi người, cho tổ tiên”. Mọi người đang hát về mình ư? Mình có bình thường không? Mình chết thế nào? Bà nội đang đứng chắn cửa lại. Chị chẳng thể đi ra. Vẻ mặt của bà nội báo cho chị biết là có cái gì đó rất nguy hiểm. “Không phải chuyện lấy chồng sao bà nội?”, Oganda giục giã hỏi. Chị bỗng thấy hoảng sợ, như một con chuột bị mèo vây trong góc. Oganda tuyệt vọng tìm lối thoát, quên mất rằng nhà chỉ có một cửa. Chị phải tranh đấu cho đời chị.
Mưa đến – Kenya Grace Ogot
Chị nhắm mắt và như một con cọp hoang, nhảy qua cửa, làm bà chị té nhào xuống đất. Bên ngoài, tù trưởng Labong’o mặc áo tang, đứng chắp tay sau lưng. Ông nắm tay con gái và đưa chị đi qua đám đông hướng về phía ngôi nhà màu đỏ của mẹ chị. Ở đó, ông chính thức báo tin chị được chọn làm vật hiến tế.
Cả ba người thật thương nhau ngồi thật lâu trong bóng tối, chẳng có ai nói gì, thậm chí nếu muốn nói, lời cũng không bật ra. Trong quá khứ, họ như ba hòn đá làm bếp nấu ăn, cùng nhau gánh gánh nặng. Lấy Oganda đi, hai người còn lại như hai hòn đá vô dụng, không đỡ được cái nồi nào.
Tin tức cô con gái đẹp của tù trưởng phải làm vật hiến tế lan đi trong vùng nhanh như gió. Vào lúc hoàng hôn, họ hàng và bạn bè tới chật nhà tù trưởng để từ biệt Oganda. Nhiều người đã tới, đang tới, mang theo quà. Họ sẽ nhảy múa đến sáng để giúp Oganda không thấy cô độc. Vào sáng hôm sau, họ sẽ đãi chị một bữa tiệc chia tay lớn. Tất cả họ hàng đều xem việc được chọn để hiến tế, giúp cứu sống cả cộng đồng là một vinh dự rất lớn. “Tên Oganda sẽ luôn còn sống mãi”, họ khoe mẽ.
Tất nhiên, đó là vinh dự rất lớn cho người phụ nữ có con được chọn để chết cho cộng đồng. Nhưng bà mẹ đó còn lại gì khi đứa con gái duy nhất của bà bị cuốn đi theo gió? Có biết bao người phụ nữ có con gái trong vùng, sao lại chọn phải đứa con gái duy nhất của bà? Đời có còn nghĩa lí gì không? Các bà mẹ khác có đông đúc con cái, trong khi mẹ Oganda chỉ có một mình chị mà thôi!
Trăng sáng soi, muôn vì sao nhấp nháy trên bầu trời quang mây. Mọi người ở đủ mọi lứa tuổi đang nhảy múa trước mặt Oganda. Chị ngồi thổn thức sát bên mẹ mình. Bao năm sống trong bộ tộc, chị nghĩ chị hiểu họ. Nhưng giờ đây, chị thấy mình là kẻ xa lạ giữa họ. Nếu họ yêu mến chị như họ thường nói, sao không thấy họ tỏ ra đồng cảm? Sao họ không có cố gắng nào để cứu vớt chị? Liệu mọi người có biết chết trẻ đau đớn thế nào không? Không thể kìm nén cảm xúc thêm nữa, chị òa khóc khi những người trẻ như chị đứng lên nhảy. Họ còn trẻ đẹp và sẽ có gia đình rồi có con cái. Họ sẽ được chồng yêu thương, họ sẽ có một mái nhà. Oganda sờ vào vòng xích trên cổ tay khi chị nghĩ tới Osinda. Chị ước gì có Osinda ở đây, giữa đám bạn bè. “Anh ấy chắc đang bị bệnh”, chị nghiêm túc nghĩ. Vòng xích là vật an ủi chị. Chị sẽ chết cùng nó và mang nó ở thế giới bên kia.
Sáng hôm sau, một bữa tiệc thịnh soạn, gồm nhiều món được dọn ra cho Oganda để chị có thể chọn gắp. “Chết rồi người ta không còn ăn được nữa”, mọi người nghĩ. Thức ăn thật ngon nhưng Oganda không màng đến. Hãy để ai được hạnh phúc ăn lấy. Chị chỉ nhấm chút nước đựng trong chiếc bình calabash nhỏ.
Thời khắc chị ra đi đang đến gần và mỗi phút đều thật quý giá. Đi tới hồ nước mất một ngày. Chị sẽ đi bộ cả đêm, xuyên qua một khu rừng rậm. Nhưng sẽ không có gì chạm vào chị, kể cả thú dữ. Chị đã được xức một thứ dầu thiêng. Từ lúc nhận được tin buồn, chị từng giây mong Osinda xuất hiện. Nhưng chị nào thấy bóng anh. Một người bà con nói rằng anh ấy đã đi đâu đó vì mục đích cá nhân. Oganda nghĩ chị chẳng còn có thể trông thấy anh ấy một lần nữa.
Vào buổi trưa, cả làng đi theo chị ra cổng làng nói lời chia tay với chị và nhìn chị lần cuối. Mẹ chị gục đầu vào cổ chị khóc lóc hồi lâu. Tù trưởng mặc áo da thú đi chân không ra cổng làng, hòa cùng mọi người, đơn giản như những người cha đau khổ. Ông tháo vòng đeo tay ra và mang vào cổ tay con gái, nói, “Con luôn còn sống trong lòng bộ tộc. Linh hồn tổ tiên chúng ta sống trong con”.
Oganda ngu ngơ, câm nín đứng đó, trước mặt mọi người. Chị không có gì để nói. Chị nhìn căn nhà cha mẹ lần cuối. Chị có thể nghe được con tim mình đang đau khổ đập trong lồng ngực. Mọi ước vọng trẻ trung đã chấm dứt. Chị như bông hoa đã tàn úa trong bụi, chẳng còn có thể tắm trong sương sớm được nữa. Chị nhìn mẹ chị đang khóc và nói, “Khi nào mẹ muốn thấy con, mẹ hãy nhìn hoàng hôn. Con sẽ ở đó”.
Oganda quay về hướng Nam và bắt đầu đi tới hồ nước. Cha mẹ chị, bà con, bạn bè và những người ngưỡng mộ chị đứng lại ở cổng, nhìn chị đi. Dáng vóc mảnh mai, xinh đẹp của chị dần tan biến vào đám cây bụi khô cằn trong rừng.
Khi bước đi đơn độc trong rừng rú hoang dại, chị hát một bài hát và nó giúp chị đỡ thấy cô độc.
“Tổ tiên nói Oganda phải chết
Con gái của tù trưởng phải bị hiến tế
Khi quái vật trong hồ nước chạm vào da thịt tôi,
Mưa sẽ đến với mọi người,
Vâng, mưa sẽ chảy thành dòng
Gió sẽ thổi, sấm sét gầm thét
Lụt sẽ cuốn trôi sỏi đá
Khi con gái tù trưởng chết trong hồ nước.
Tôi bằng lòng
Cha mẹ tôi bằng lòng
Những người bà con của tôi, bạn bè tôi cũng vậy
Hãy cho Oganda chết để có nước.
Tôi trẻ trung, sung mãn
Có thể làm mẹ, làm vợ
Nhưng Oganda phải chết
Oganda phải về với tổ tiên
Vâng, mưa sẽ rơi chảy thành dòng trên mặt đất.
Những tia nắng đỏ hoàng hôn ôm lấy Oganda, làm chị trông giống một cây nến đang cháy trong rừng hoang.
Một số người đi theo sau nghe được chị hát rất buồn và cảm thông với chị nhưng tất cả đều nói, “Nếu cô ấy chết để cứu mọi người, để cho mưa tới thì không có gì phải lo cả. Tên tuổi cô ấy còn lại mãi với chúng ta”.
Đến nửa đêm, Oganda mệt lừ. Chị chẳng thể bước đi được nữa. Chị ngồi dưới một góc cây to, nhấm nước trong bình calabash, gối đầu trên rễ cây và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi chị thức dậy, mặt trời đã lên cao. Sau nhiều giờ bước đi, chị đã tới dải đất ngăn cách khu vực có người ở và vùng đất thiêng. Không có ai đi vào vùng đất thiêng này mà còn sống để trở ra, trừ những ai được thần linh và thượng đế lòng lành cho phép đi vào. Nhưng vào lúc hoàng hôn, Oganda sẽ phải đi qua vùng đất thiêng để tới hồ nước.
Có một nhóm người tập hợp lại để nhìn chị lần cuối cùng. Giọng chị khàn đục và đau khổ nhưng không lo âu. Chị không còn hát nữa. Đám đông nhìn chị đồng cảm, thì thào những lời chị không nghe rõ. Nhưng không có ai cầu xin cho chị còn được sống.
Khi Oganda mở chiếc cổng để vào vùng đất thiêng, một cô bé tách ra khỏi nhóm người, chạy về phía chị. Cô bé tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay đẫm mồ hôi của mình trao cho Oganda và nói, “Khi chị đi vào cõi chết, hãy trao chiếc nhẫn này cho chị của em. Chị ấy chết vào tuần trước. Chị ấy đã bỏ quên chiếc nhẫn này”. Oganda sửng sốt với yêu cầu lạ này nhưng vẫn cầm chiếc nhẫn và đưa bình nước quý giá và thức ăn của chị cho cô bé. Chị không cần chúng nữa. Oganda không biết nên khóc hay nên cười. Chị từng biết những người đưa tang trao gởi tình yêu cho người thân của họ nhưng chuyện trao lại đồ trang sức cho họ là mới mẻ đối với chị.
Oganda mở cổng và đi vào vùng đất thiêng. Chị khẩn khoản nhìn đám đông nhưng không ai có phản ứng gì. Đầu óc họ bị ám ảnh bởi chính sự tồn tại của họ. Mưa là phương thuốc họ khát khao và Oganda càng đi nhanh đến hồ nước thì càng tốt đối với họ.
Một cảm giác lạ bao trùm lấy Oganda khi chị bắt đầu đi vào vùng đất thiêng. Những âm thanh lạ lùng làm chị giật mình và phản ứng đầu tiên của chị là vẫn cặm cụi bước đi. Chị luôn nhớ rằng chị phải đáp ứng lòng mong chờ của mọi người. Chị đã mệt mỏi nhưng đoạn đường hãy còn uốn khúc. Nhưng con đường bỗng chấm hết ở đoạn có đá sỏi. Nước rút xa bờ nhiều dặm, để lại một bãi sỏi rộng. Ngoài bãi sỏi là mênh mông nước.
Oganda thấy sợ. Chị muốn hình dung kích cỡ của con quái vật nhưng lại không dám. Mọi người không dám nói đến nó, trẻ con sợ hãi khi có ai nhắc tên nó. Mặt trời lên cao nhưng trời không nóng. Oganda bước hồi lâu trên bãi sỏi. Chị khát và vô vọng nhớ tới chiếc bình calabash đựng nước. Khi tiếp tục bước đi, chị có cảm giác lạ là hình như có ai đó đang đuổi theo chị. Chị nhìn trước, nhìn sau, bên phải, bên trái nhưng không thấy ai, chỉ thấy có một đám bụi.
Oganda bắt đầu bước nhanh nhưng cảm giác đó vẫn không tan biến. Cả thân thể chị ướt đẫm mồ hôi.
Mặt trời lặn nhanh và nước hồ dường như rút đi theo nó.
Oganda bắt đầu chạy. Chị phải nhảy xuống hồ trước lúc hoàng hôn. Khi đang chạy chị nghe có âm thanh sau lưng. Chị sững người nhìn lại và thấy có cái gì đó như là một bụi cây đang chuyển động rất nhanh. Nó hình như muốn đuổi theo chị.
Oganda lấy tất cả sức lực để chạy. Chị quyết đắm mình xuống hồ trước hoàng hôn. Chị không nhìn lại nhưng sinh vật kia vẫn gấp gáp đuổi theo chị. Chị cố khóc, như trong ác mộng nhưng không thể phát ra thành tiếng. Sinh vật kia đã đuổi kịp. Một bàn tay khỏe mạnh chộp lấy chị nhưng chị ngã lăn xuống đất và bất tỉnh.
Khi gió hồ làm chị tỉnh dậy, chị thấy có một người đàn ông đang cúi xuống, “Ôi!…”, Oganda bật môi nói nhưng không nói thành lời. Chị nuốt ngụm nước người lạ đổ vào miệng mình.
“Osinda! Osinda! Hãy để em được chết. Hãy để em chạy, mặt trời sắp lặn rồi. Hãy để em chết. Hãy để mưa đến cho mọi người”.
Osinda vân vê vòng xích ở cổ tay Oganda và chùi nước mắt cho chị, “Chúng ta phải đi nhanh đến một xứ lạ”, Osinda gấp gáp nói. “Chúng ta phải chạy trốn để tránh sự giận dữ của tổ tiên và sự trả đũa của quái vật”.
“Nhưng anh Osinda, lời nguyền sẽ đổ lên đầu em. Em không xứng với anh. Đôi mắt của tổ tiên sẽ theo dõi chúng ta, dù chúng ta ở đâu và sự đen đủi sẽ đổ lên đầu chúng ta. Chúng ta cũng sẽ không thể thoát khỏi quái vật”.
Oganda bủn rủn, không dám chạy trốn nhưng Osinda lần nữa chộp lấy tay chị. “Nghe anh nói đây, Oganda, đây là hai cái áo khoác!” Sau đó anh lấy áo đó trùm lên người Oganda, chỉ chừa có đôi mắt. Đó là hai chiếc áo làm bằng nhành cây bwombwe. “Hai chiếc áo này sẽ bảo vệ chúng ta thoát khỏi đôi mắt của tổ tiên và sự giận dữ của quái vật. Nào, chạy khỏi nơi đây đi em”. Anh nắm tay Oganda và họ chạy ra khỏi vùng đất thiêng theo một đường khác, tránh con đường mòn mà Oganda vừa đi.
Bụi rậm và cỏ cao vướng víu chân họ. Chạy được nửa đường, họ dừng và quay đầu lại nhìn. Mặt trời dường như đang chạm vào mặt hồ. Họ thấy sợ. Họ lại chạy nhanh hơn, tránh hoàng hôn.
“Hãy có niềm tin thì không có chi đuổi theo chúng ta, Oganda.”
Khi họ chạy đến cái cổng ngăn vùng đất có người ở và vùng đất thiêng, họ quay lại nhìn, run rẩy. Chỉ còn vài tia nắng còn chiếu trên mặt hồ.
“Đã ra khỏi nơi ấy! Đã ra rồi anh ơi”, Oganda khóc, hai tay ôm mặt.
“Đừng khóc, ơi con gái của tù trưởng. Hãy chạy, chạy nữa.”
Ở phía xa xa có ánh chớp. Họ hoảng sợ nhìn. Đêm đó, mưa đến. Mưa như chưa từng có mưa trên đời. Nước chảy thành dòng trên mặt đất
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch từ “World Literature”, NTC/ Contemporary Publishing Company,1992.
Tác Giả : Kenya Grace Ogot / BTV Hoàng Hiệp

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *