Bài nổi bật

Ngụ Cư

Đọc Truyện đêm khuya – Khúc co người kéo càng xe cải tiến chất đầy những tải thóc. Vợ anh gò lưng đẩy sau xe lên đỉnh dốc Phố Làng. Anh hạ càng xe đứng nghỉ. Phố Làng còn vương vãi rơm rạ khi mùa gặt mới đi qua. Những bãi phân trâu bò nhoe nhoét trên mặt phố. Cái phố có hai dãy nhà so le thò thụt, mái ngói, mái bằng cao thấp nhấp nhô dấu hiệu của kiến trúc tự phát và tính phô phang khoe mẽ của chủ nhân bằng những mảng vôi ve lòe loẹt và những hình khối nhố nhăng Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu. Khúc nhìn một lượt cái phố rồi nhổ phì một bãi nước bọt. Anh bảo vợ:
– Đi !
Anh cúi người nhấc càng xe lên. Vợ anh gò lưng đẩy xe đi. Đến trước cửa hàng tạp hóa của vợ chồng nhà Tính, em trai, anh hạ càng xe xuống.
– Vợ chồng chú Tính đâu? Rồi anh ngửa cổ nhìn lên tầng ba gọi to, giọng um um như nói trong chum: Ông ơi, ông xuống tôi nhờ tí.
Bố anh, ông cụ Sâm ngót 90 tuổi suốt ngày ở tầng ba không xuống đất, nghe gọi biết ngay giọng con cả liền đi ra cửa. Cụ bấu vào lan can lê từng bước chân, nhích từng bậc thang đi xuống.
Vợ chồng Tính từ quầy hàng đi ra. Ông cụ Sâm cũng vừa xuống đến đất. Khúc nói:
– Đây, chú tịnh lại đi. Đúng tạ rưỡi đấy, xin nộp tô cho chú.
– Mẹ bố mày chứ – ông cụ Sâm chửi anh con cả: Thóc đóng cho tao ăn, mày bảo thóc tô à? Quân thất đức.
– Thì nói đùa tý mà, cụ quan trọng hóa thế.
Vợ Tính, cô Lợi môi mỏng như lá lúa, vêu cong cái môi trên, nói giọng vát vảnh.
– Hay anh chị tiếc của thì chở về. Chả có từng ấy thóc của anh chị, chúng em cũng chẳng bỏ ông chết đói đâu mà lo.
– Ai không biết nhà chú thím làm tiểu thương lắm tiền.
Vợ Khúc vừa ngừng lời đã bị chồng trừng mắt, quát:
– Ông thì vả vỡ mồm mày ra bây giờ.
Rồi anh hất hàm bảo em trai:
– Nào, tôi với chú vác vào nhà đi.
Từng tải thóc một, hai người vác vào nhà. Khi đã vác xong, vuỗi hai tay bụi bay ra như khói, Khúc hất hàm nói:
– Nhà tôi bây giờ ba đứa lớn đi học Đại học rồi, nhà không đủ nhân công nữa, làm không xuể hay là chú thím muốn chia lại ruộng thì tôi nhường bớt, chứ từ vụ sau tôi không chở thóc vào nữa đâu.
Ông cụ Sâm lại chửi:
– Mẹ bố tổ sư mày, hóa ra mày vẫn ấm ức về mấy chục cân thóc.
– Còn ông nữa – Khúc nói với bố: Nếu ở với con út bất tiện thì tôi đón ông ra xóm Bãi ở với vợ chồng tôi. Ông ở đây dân làng ngỡ con trưởng không nuôi nổi bố, mang tiếng ra.
– Ông không thèm ở với nhà mày.
Ông cụ Sâm vừa chửi vừa lần từng bậc cầu thang lên tầng ba.
Căn phòng tầng ba này như cái lô cốt cho ông cụ cố thủ chẳng khi nào rời. Họa hoằn lắm cụ chỉ xuống đến chân cầu thang lại lần ngược. Không ra khỏi nhà là triết lý sống của ông cụ. Ngày nay hễ ra khỏi nhà là mất phong bì khi thì đám ma, đám cưới. Lúc lại ăn giỗ, ăn đám khao thọ, con đi học, đi lao động nước ngoài cũng bày ra ăn uống để thu phong bì. Cụ ở lì trên này, đôi chân lâu ngày không nhúc nhích đang teo tóp vào. Tầng ba khép kín cụ muốn ăn, muốn bài tiết đều tại chỗ. Cô dâu út xem ra rất mực chiều chuộng cụ. Bánh kẹo đem lên chất đầy đầu giường cụ. Mứt kẹo bán tết còn thừa đều chất đầy tủ. Của ôi mốc cụ thầu hết. Ăn đến đâu tháo ra đến đây nhưng được cái cụ ưa thuốc Bec-be-zin. Mỗi ngày cụ nhuốt hàng vốc thuốc để tiêu hóa cho hết số hàng thừa của con cái. Lợi, vợ Tính không dám nói với chồng nhưng tính ra nuôi ông bố chồng được trăm thứ lợi. Thỉnh thoảng cụ đau đầu sổ mũi con cháu đến lại nhặt phong bì. Cụ bà mất đã thu tiền phúng viếng, rồi 49 ngày đến 100 ngày đều mở rộng để thu phong bì. Mỗi lần khao thọ bố chồng tuy mệt người nhưng có lãi to.
Ba đời ông cụ bỏ làng lên sống ở đây không cha căng chú kiết. Ngày ấy chỉ mất gói chè biếu ông tiên chỉ, ông Lý trưởng xin được sống ngụ cư ở ngoài bãi. Đời các cụ phải khai khẩn khu bãi bồi để trồng trọt. Lợi dụng mấy năm đầu không mất thuế, không phải nộp thuế thân, cái kiếp ngụ cư tuy bị làng khinh rẻ, bị hầu hạ làng, chịu nhún với chức dịch cố hết ba đời để được theo việc làng, thành người chính cư là có danh có phận ở đời. Nhưng đến đời thứ ba, tức là đời ông cụ vừa sắp mua chút ngôi hương ẩm thì cách mạng về đổi đời cho anh Sâm ngày ấy mù chữ nhưng được làm Chánh án xử những tên địa chủ cường hào trong làng. Hết giai đoạn ấy anh lại trở về dân cày. Khu bãi bồi rộng một mẫu được nhường hết cho vợ chồng Khúc, con cả. Ông bà cùng con út vào xin tý đất đầu đường xó chợ để sống bằng nghề buôn bán cho nhàn thân. Ba trăm mét đất xã cho ngày ấy đến giờ thành đất vàng đất bạc. Ông bán một nửa, còn nửa để xây ngôi nhà này. Vợ chồng anh con út ở với bố đến đây mới thấy mối lợi to lớn. Họ canh cánh vợ chồng anh cả vào đây đòi chia quyền lợi. May là anh ta hiền lành yên tâm với mẫu đất ruộng đất vườn nên không nghĩ đến chanh chấp với em. Đã thế mỗi vụ anh ta còn phải đóng góp thóc nuôi bố mẹ. Tính nhìn trộm vợ rồi nói với anh trai:
– Anh Khúc này, từ sang năm không phải chở thóc vào nữa.
Lợi quát chồng:
– Quyền anh à. Anh chị ấy đem nhiều đem ít là quyền ông chứ.
Khúc nói:
– Lần này là chấm dứt. Còn ông muốn ở đâu thì tùy.
Nói đoạn Khúc lôi đi hai càng xe. Vợ Khúc gửi lại cái bĩu môi dài. Lợi cũng đáp lại anh chồng chị dâu bằng cái bĩu môi kèm theo cái lườm chất chứa đầy sự tức tối.
Ba tháng sau vợ chồng Khúc gả chồng cho con gái lớn. Con bé học xong Đại học, tự thi tuyển xin được việc ở Hà Nội. Nó lấy chồng Hà Nội. Lợi có ba con, đứa con trai lớn đi tù về ma túy. Hai đứa em gái học dốt, Lợi bàn với chồng cho chúng ở nhà phụ giúp trông coi cửa hàng cho bố mẹ. “Học thấp còn hơn bằng cấp ít tiền” nghĩ thế nên khi Khúc vào mời bố và các em ra ăn cưới, Lợi cười đểu nói:
– Phấn khởi nhất bác bá, con học đại học xong lại có anh rước đi ngay hộ.
Khúc trừng mắt lên, nói:
– Thím nói thế là thế nào, chẳng lẽ sợ nó ế tôi phải gả chồng vội hay sao?
– Là em nói…
Ông cụ Sâm đứng ở chân cầu thang hằm hằm với Khúc nói yểm hộ cho con dâu:
– Đúng là sợ ế còn gì. Đáng ra học xong giữ lại làm cho nhà mình lấy dăm năm mới cho lấy chồng. Nuôi cái đám vịt giời thật là công cốc.
– Ông nói thế mà nói được. Trai hay gái thì cũng là con tôi, tôi đều phải có trách nhiệm với chúng nó chứ.
– Anh ngu lắm anh ơi, nuôi một đứa con gái đi học đã vậy, đằng này lại cho cả ba đứa đi học. Học xong nó đi lấy chồng, thế không là hầu nhà chồng chúng nó à.
– Tôi ngu kệ tôi… Hôm này ông vào tiếp khách hộ tôi đấy. Hay ông không đi được thì tôi đem xe máy bề ông ra. Sợ ngồi xe máy thì tôi bảo chúng nó đem xe cải tiến cho ông ngồi.
– Tao không đi. Mày có thấy ông ra khỏi nhà bao giờ không.
– Những đám khác ông không đi đã vậy, việc của cháu vắng ông là không ổn.
Lợi ngừng bán hàng, nói đỡ bố chồng.
– Ông không đi được đâu. Đến chỗ đông người ông bị chệnh choạng mà lị.
Khúc vùng vằng bỏ đi, còn nói với lại:
– Tùy, ông muốn từ con cháu thì mặc ông.
Vợ chồng con cái nhà Tính – Lợi dậy từ mờ sáng để ra đám cưới nhà Khúc. Trước khi đi, Lợi nhặt một rổ đầy bánh quy, bột đậu, toàn những thứ ế, quá hạn sử dụng mấy tháng trời, đưa lên tầng ba.
Cánh cửa phòng tầng ba cài then trong. Để rổ bánh ngoài cửa. Cô ta gọi:
– Ông ơi ông, bánh trái con để ngoài này nhé. Ông cứ yên tâm ở coi nhà cho chúng con. Ăn uống bao nhiêu mà đi. Con khắc đem phần về cho ông.
– Tao còn đầy kẹo bánh trong tủ, không đói được đâu, cứ đi đi.
– Gớm, chúng con đi ăn cỗ, sợ cụ ở nhà bị đói, ăn miếng cũng không ngon chứ cụ tưởng.
– Cái con mẹ này, đã bảo cứ yên tâm mà lị.
Thực ra Lợi với bố chồng hợp nhau ở tính tham lam kiệt xỉn. Cỗ bàn ở hàng xóm dân làng cụ Sâm không đi chỉ vì không muốn mất phong bì nhưng các đám cỗ nhà con cháu cụ không đi là để kiếm cớ cho con dâu lấy phần về nhà để kho mặn cất tủ lạnh cả nhà ăn được mấy ngày đỡ tiền mua thức ăn.
Đến đám cưới nhà Khúc, cô ta mắt trước mắt sau giấu ngay cân thịt vào cây rơm. Nửa mùa cô ta bảo đứa con gái đi xe máy đem phần về cho ông. Phần có đĩa xôi, đĩa thịt gà, đĩa trả, đĩa giò, đĩa trứng đúc cả vào túi ni lông cho vào làn nhựa đưa cho con gái. Việc này cô làm công khai vợ chồng Khúc có tức cũng không dám soi xét. Đứa con xách làn ra cổng chính rồi vòng xe chờ ở ngoài bờ tường rào, bấm còi bim bim ám hiệu cho mẹ biết. Mắt trước mắt sau Lợi ra cây rơm moi thỏi thịt bọc trong túi bóng rồi lẳng ra bờ rào cho con gái. Đem phần về nhà, cả sáu cãi đĩa nhưng quay lại nhà đám, con gái Lợi chỉ mang ba cái. Ba ngày ăn cưới, mẹ con Lợi đã lợi dụng lấy phần về cho bố chồng cơ man thức ăn xếp đầy máy lạnh ăn dần.
Vợ Khúc mặc áo dài bôi phấn son tiếp khách, thỉnh thoảng lại đáo xuống bếp. Biết em dâu tham lam vơ vét nhưng chỉ dám nói xa nói gần với chị em nhà ngoại.
– Các bá các dì làm đỡ em cần chú ý nhé, cỗ bàn làng ta là hay bốc hơi thực phẩm đấy.
Mấy đứa em vợ Khúc nói to để cảnh cáo Lợi.
– Giữ là giữ bên ngoài, chứ người bên trong nhà chị mà có tính tham thì chúng em chịu.
Lợi biết họ châm chọc mình, cặp môi mỏng của cô ta cứ cong lên.
Đến khi thu dọn mâm bát, kiếm cớ lấy túi cơm thừa về cho chó, mắt trước mắt sau Lợi trút trước những đĩa thịt gà thịt lợn rồi đổ lấp lên bằng âu cơm nguội vùi kín lấy thịt. Con gái út của Lợi xách túi ra liên tục thanh minh:
– Cháu lấy ít cơm nguội về cho chó.
Bữa chiều Lợi lại kiếm cớ xách phần về cho bố để khuân lấy cơ man thịt thà. Xếp một phần bưng lên cho bố chồng, cô ta nói:
– Chỉ sợ ở nhà ông bị đói thôi. Ông cố mà ăn cho khỏe người ông ạ. Ông còn sống chúng con còn được nhờ.
Ông cụ ăn cơm, cô ta lại sắm lắm bóp vai đấm lưng cho ông cụ. Trong đầu cô ta nghĩ “người đâu mà sống dai, kẹo bánh mốc meo ăn vào vẫn cứ tiêu được mới tài…” cô ta nói:
– Con nghe ở đám cưới người ta đồn một ông thứ trưởng định mở lò gạch tuy nen ở Bãi Bồi đấy ông ạ. Lấy của nhà anh Khúc hai sào, nghe nói dân đang đấu tranh giữ đất. Ngừng một lát cô ta nói tiếp: Ông phải bảo bác bá ấy chia cho chúng con mấy sào chứ… Đất của ông của cha vỡ vạc nhà con chả được tý nào.
Vốn “ăn cây nào rào cây ấy” cụ Sâm đặt bát cơm xuống, nói:
– Thế thì hôm nào thím gọi nó vào đây tôi bảo.
Cuộc cưỡng chế đất ở xóm Bãi Bồi diễn ra quyết liệt. Khúc bị xã gọi lên ép ký nhận tiền đền bù, nhưng Khúc không ký. Dân làng hàng trăm người đứng ngoài yểm hộ để họ không bắt được Khúc. Khúc chìa ra mấy văn bản và anh giở lý với xã: Đất bờ xôi ruộng mật, hai vụ lúa và một vụ màu chỉ trừ nhà nước lấy làm đường, nhà máy hầm mỏ thì dân chấp nhận ký. Đất chuyển mục đích cho chủ dự án là tư nhân thì giá đền bù phải thỏa thuận trăm triệu đồng một sào.
Dân Bãi Bồi là người ngụ cư, tứ xứ đến, nay đã có hơn trăm hộ, họ vốn đoàn kết biết dựa vào nhau nên không ai dễ ăn hiếp họ.
Rời ủy ban xã, Khúc rẽ vào nhà em trai. Ông cụ Sâm thấy anh là kêu trời.
– Ối trời ôi là quân trời đánh. Thấy bảo mày đứng đầu việc giữ đất phải không. Tù, tù mọt gông thôi con ạ. Ai mà chống lại chính quyền bao giờ.
– Chính quyền làm sai chúng tôi không sợ.
Ông cụ lắc đầu rồi đứng dậy chống tay vào tường lê từng bước đi khó nhọc. Cụ chọc chọc tay xuống giường, bảo Khúc.
– Ngồi, ngồi xuống kia, tôi có chuyện muốn bàn.
Ra cầu thang, ngó xuống, cụ gọi:
– Ới bố Tính… vợ chồng lên đây ông bảo.
Lên đến nơi, nhìn thấy Khúc, Lợi nhanh nhảu hỏi:
– Anh Khúc, thấy bảo xã gọi anh ra trụ sở phải không?
– Ừ! Tôi đọc văn bản của cấp trên ra. Thế là chủ tịch xã đập bàn bảo là tôi bướng. May quá bà con ở ngoài cửa phản đối nhao nhao, bảo là ông Chủ tịch đừng có hống hách…
– Thôi anh ạ, đừng có tinh tướng!
Ông cụ Sâm cắt ngang lời Khúc. Cụ kiếm cớ đòi Khúc cắt đất ngoài xóm Bãi cho vợ chồng Tính Lợi. Khúc trừng mắt lên nói:
– Ông bảo tôi nhường là nhường thế nào. Danh ai phận ấy. Đất nhà tôi có sổ đỏ. Vậy sao hồi bán đất phố ngót tỷ đồng ông không cho các cháu lấy gói kẹo. Thôi tôi về đây.
Khúc xuống cầu thang còn nghe lời bố ràn rạt chửi theo và Lợi cũng nhân cớ nói:
– Đất của ông của cha, không chia cho chúng tôi là không xong.
Kinh tế thị trường khốc liệt ngày càng có nhiều nhà bán hàng bánh kẹo và hàng tạp hóa. Vợ chồng nhà Lợi – Tính chuyên mua rẻ bán đắt. Lại nhập toàn hàng giả, giá rẻ nên dân làng không mua hàng của họ. Còn có người in giải truyền đơn nói xấu nhà Lợi nào là nhà Lợi bán hàng Coca dởm, nước mắm dởm xà phòng dởm. Lợi cầm nắm truyền đơn thả trước các cửa hàng tạp hóa nói:
– Chả chó nó viết thì ai viết đây.
Các chủ nhân bị chạm nọc, nói:
– Mày nói thế là sao? Ám chỉ nhà tao viết hả.
– Chả chó nó viết thì ai viết
Thế là chửi nhau ầm làng ầm xóm. Lợi đi dọc phố làng nhằm vào những nhà buôn hàng tạp hóa như nhà mình mà chửi. Ông cụ Sâm bố chồng cũng tức lồng lộn xuống đất bấu vào chân cầu thang để góp tiếng chửi cùng con dâu. Trẻ con người lớn đổ ra phố nghe chửi. Chó hàng phố sủa inh ỏi. Lợi càng to mồm thì hàng nhà cô ta càng vắng khách mua.
Nhà Lợi rồi cũng phải đóng cửa hàng. Hai con gái sắp cho về Hà Nội làm thuê. Khúc biết chuyện tức tốc bổ vào nhà em, hỏi:
– Chú thím định cho hai đứa đi làm ở Hà Nội à. Chữ nghĩa ít, nghề nghiệp không có, chú thím định cho nó làm cave hay sao?
Ông cụ Sâm bấu vào lan can lết xuống đất. Tính nhăn nhó nói:
– Chúng em cũng chả biết tính sao đây này.
Lợi ngồi phệt xuống nền nhà chửi:
– Cha bố những quân ghen ăn ghét ở. Thấy nhà em làm ăn được nên chúng “gắp lửa bỏ tay người”.
– Thôi thím không nên trách người. Phải xét ở mình buôn bán thật thà không chứ. Theo tôi chú thím nên dẹp cửa hàng mà cho thuê. Vợ chồng, con cái ra tôi cắt cho vài sào làm rau giống mà bán. Sản xuất rau giống còn bằng vạn cửa hàng của chú thím.
Tính:
– Nhưng chúng em chưa biết làm.
– Khó bằng học chữ còn học được thì cái gì không làm được. Ra, tôi chỉ cho mà làm.
Ông cụ Sâm gật đầu:
– Anh mày nói phải đấy. Liệu mà thu xếp nghe anh mày đi. Nhà nó chỉ làm rau giống nuôi ba con đại học, còn làm nhà tầng to hơn chúng mày đấy.
Hai đứa con gái Lợi nghe nói ra xóm Bãi trồng rau, chối đây đẩy. Khúc nói:
– Đi làm thuê làm mướn nhục lắm đấy các cháu ạ. Con gái xóm Bãi có mời chúng nó đi cũng khó.
Lợi nguýt hai đứa con, chửi:
– Thích đi làm đĩ à… Quay lại Khúc cô ta nói:
– Thế thì chúng em trông cả vào anh đấy.
Ông cụ Sâm cũng nói:
– Vợ chồng nhà nó thông suốt cả rồi, khó khăn anh em phải dựa vào nhau là đúng rồi.
– Bác lên phòng ông uống nước, Lợi nói. Mọi người lên tầng. Hai đứa con gái ở lại. Phòng ông cụ hôm nay ấm cúng trở lại. Ông cụ với Khúc, một điều “bố mày” hai điều “bố mày” thân mật và dịu dàng. Lợi cũng một ruộc với bố chồng, nịnh bợ Khúc một cách lộ liễu. Em trai Khúc thì hiền lành nhút nhát. Khúc ngỏ ý định đón bố ra ở với mình, cụ Sâm trối đay đảy.
– Tao già rồi không đi đâu nữa.
Khúc biết thừa bố không muốn rời thói quen sống bám lấy cái phòng này. Cụ sợ ra xóm Bãi ở với mình sẽ không có kẹo bánh ăn lắt nhắt suốt ngày. Rời nhà em Khúc dắt xe máy quên chèo lên để nổ máy. Bên tai anh vẫn văng vẳng những lời ngọt ngào giả dối của Lợi. Xem ra giúp cho nhau làm ăn thì đâu quá khó khăn.  Khó khăn nhất là làm cho nhau rũ bỏ thói quen lỗi thời, những tính xấu đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Những tính xấu không chịu rũ bỏ thì mạt kiếp con người cũng không khá lên được.
Tác giả: Nguyễn Hữu Nhàn – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *