Bài nổi bật

Người trên núi xuống – Đinh Thanh Quang

RadioVn.Com – Vừ Nỏ Tè cưới được cô vợ đẹp, lúc nào cũng cặp kè bên vợ để được ngắm khuôn mặt tròn, nụ cười duyên dáng, được nghe giọng nói thỏ thẻ ngọt như cùi nhãn của nàng. Xa nàng một ngày đã thấy bụng như có kiến bò. Trai bản rủ đi chơi, đi uống rượu, kích cho đỏ mặt, ngứa cả chân vẫn không nhúc nhích.
Là người siêng năng, chịu khó lại sáng dạ, khi bản thực hiện chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện thay bằng cây đào, cây mận tam hoa, Tè đã tìm thấy cho mình một nghề mới để không bán đi những con bò nuôi bằng tiền dự án mà ăn như một số nhà trong bản. Đó là nuôi ong. Rừng vốn đã sẵn hoa lại có thêm hoa đào, hoa mận do tự tay người chăm sóc vun xới, nở trắng cành, ong tha hồ mà hút mật. Trước đây muốn có mật ong phải lội nhiều con suối, nhiều cánh rừng vào tận trong lèn đá. Nay, ong tự đến dâng mật cho mình, thật sướng cái bụng. Không thỏa mãn với những đọ ong, Tè còn học được nghề nuôi cánh kiến, được phóng viên đài, báo lên chụp ảnh viết bài. Say sưa với công việc, Tè ít khi đi chợ xa, làm được mật, được cánh kiến đã có dân buôn người Thái ở bản dưới lên mua hết. Sợ rẻ thì gùi xuống núi, xuống bến thuyền bản Pủng Bón ngoài sông Nậm Nơn bán hoặc đổi hàng. Không xuống thị trấn, tiếp xúc nhiều với người Kinh, vốn tiếng Việt thầy Hồ Công dạy cho phát âm ngày nào cứ mòn dần, càng ngại đi xa. Tính lại thận trọng, đa nghi “bắt” được bông hoa đẹp Y Dia làm vợ càng không muốn đi đâu xa. Ấy, mấy thằng con trai bản bên sang chơi cứ nhìn Y Dia như chó sói nhìn thỏ non. Nhất là mấy thằng xuống học trường dân tộc nội trú dưới thị trấn, con gái dưới đó chết hết cả hay sao mà lúc nào về cũng kéo nhau lên bản làm con ong vo ve quanh nhà ta? Tè lại hay hóng chuyện, tin đồn dưới thị trấn có bọn chuyên lừa đảo, dân bản thật thà đưa hàng quý xuống không cẩn thận bị chúng cướp không, con gái đẹp không cẩn thận bị lừa bán sang Trung Quốc, bán cho chủ chứa, Tè nghe mà phát hoảng. Ối trời! Bọn chúng mà nom thấy Y Dia thì sẽ vồ ngay như hổ đói vồ mồi.
 
Nhưng hạnh phúc gia đình không có nghĩa là đóng chặt cửa, giữ chặt lấy vợ để hú hí với nhau một mình. Mùa xuân không có hoa thơm bướm dạo thì đâu còn là mùa xuân, người đẹp không có kẻ ngắm người khen thì ai mà biết đẹp. Cái lý của người Mông là vậy. Người Mông lại chuộng cái nết, không để cho Y Dia giao lưu tiếp xúc với bạn bè thì ai biết cô ấy chẳng những đẹp người mà còn đẹp nết. Y Dia mới 19 tuổi, lại ham vui, không muốn làm bà cụ non. Đã có người xì xèo Tè giam lỏng vợ, không có cái răng bịt vàng trông cô ấy cười như là khỉ cười. Vừ Nỏ Tè quyết định gần Tết sẽ đưa vợ xuống thị trấn chụp cái hình hai vợ chồng bên nhau, bịt răng vàng cho vợ. Tiện thể đưa vài sọt hàng, ít thứ quý về bán để có tiền sắm Tết. Bố mẹ bảo con sợ bị lừa, bán hàng bị hớ thì hỏi nhà thầy Hồ Công. Nghe nói thầy đã chuyển về ở thị trấn. Thầy sẽ giúp các con đến nơi đến chốn. Phải rồi! Thầy Công lên cho người Mông cái chữ từ khi còn trẻ, tình nguyện ở lại cắm bản tận tới lúc tóc bạc, nghỉ hưu. Thầy đã thành người Mông ta. Có khi còn giỏi hơn cả ta nữa. Thầy sưu tầm dân ca Mông, đặt lời mới bằng tiếng Mông già trẻ bản ta ai cũng thuộc. Thầy vừa dạy chữ vừa chỉ cho dân bản những điều hay lẽ phải, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ vệ sinh, đuổi con ma bệnh bằng chính cây lá trong rừng. Thầy về ở thị trấn thì hay rồi…
*
Mật ong đựng trong những ống bương nút lá chuối, ngoài còn gắn sáp, vỏ trút, xương khỉ, xương gấu cho vào bao xếp vào bế. Cánh kiến, hạt sa nhân thì cho vào sọt lót lá chuối. Tè đã cho ngựa chở xuống núi, đưa xuống bến chiều qua. Sáng nay hai vợ chồng dậy sớm nấu cơm, chuẩn bị sẵn thức ăn đi đường.
Thuyền của ông chủ người Pủng Bón chở vợ chồng Tè cùng mấy người khách, nổ máy phành phạch rời bến lúc trời còn sương. Vùng núi cao này đang vào mùa khô, tuy có gió mùa nhưng mặt trời không bị mây che tỏa nắng vàng rực rỡ. Gần trưa còn phải cởi cả áo ấm ra. Dòng sông trong vắt, hai bên bờ cây lá đủ màu sắc, núi non trùng điệp nhấp nha nhấp nhô. Thác tung bọt trắng xóa. Cảnh sắc thật là ngoạn mục. Hứng chí, Tè rút cây sáo mèo ra thổi. Tiếng sáo ngân nga bay bổng hòa với tiếng gió lào xào trong rừng cây, tiếng thác rì rầm tạo thành hợp âm vui tươi, ấm áp và cuốn rũ.
Mặt Y Dia cũng bừng sáng, đôi má ửng hồng, vòng bạc rung rung, những giải khăn quấn lưng màu xanh, màu hồng nhè nhẹ vờn bay theo gió. Tất cả, tất cả như cùng cất tiếng hát với nàng hòa theo tiếng sáo trầm bổng.
Vui là thế nhưng khi những cây cột điện, mái nhà tầng ở thị trấn hiện lên, nhìn lại mấy sọt hàng Tè lại thấy bồn chồn lo lắng. Không nói là thị trấn, ngay khi Tè mang hàng xuống bến bản Pủng Bón đợi thuyền đã có người đến hỏi gạ mua, gạ đổi, chỉ khi khiêng xuống thuyền mới không còn hỏi nữa.
Thuyền bắt đầu vào gần bờ. Quan sát thấy có đám sậy mọc um tùm bên bờ sông, Tè bảo chủ thuyền cho ghé. Chủ thuyền ngạc nhiên:
“Sao không xuống bến lại xuống ở đây?”
Tè trả lời bằng tiếng Thái:
“Ta có nhà quen phía trên kia, ghé đây cho tiện.”
“Ở đây dốc, đưa hàng lên khó lắm.”
“Cứ cho ta xuống.”…
Chủ thuyền thấy anh chàng người Mông này thật khác thường, nhưng khách hàng là thượng đế, ông cho ghé thuyền vào, bảo mấy người trên thuyền giúp Tè đưa hàng lên bờ. Đợi thuyền đi khuất, Tè chui vào đám sậy, chặt một vạt rộng rồi cùng Y Dia khiêng sọt, bế mật ong vào. Anh tìm một chỗ phía trên có đá bằng phát rập sậy xuống “giấu” vợ vào đó.
“Vợ ngồi đợi ta ở đây, không được đi ra ngoài. Để ta lên thị trấn tìm thầy Công.”
Tè lấy bộ âu phục, gói trong bao ni lông thay bộ đồ đen đang mặc, đội mũ mềm, khoác cái xắc cốt da của bố hồi còn làm cán bộ xã để lại nom lạ hẳn. Y Dia liếc dài:
“Biến thành người Kinh rồi, thành người đẹp trai rồi lớ! Không được để ta mất chồng đấy!”.
Tè đi dọc theo sông một quãng rồi theo lối mòn lên dốc. Loanh quanh một lúc rồi cũng ra được đường cái. Theo lời dặn của ông cậu từng là trưởng bản, Tè đi tìm ủy ban thị trấn hỏi nhà thầy Công, thầy là nhà giáo có uy tín người ủy ban sẽ giúp tìm được thầy. Trụ sở ủy ban ở trên đồi sát đường, gần chợ dễ tìm thôi.
Mới bước mấy bước từ lối rẽ ra, đã có xe lai theo phía sau. Anh xe lai hỏi đi đâu chở đi. Tè lắc đầu. Anh ta cứ lẻo đẻo bám. Mặc dù ngụy trang bằng áo trắng, quần hạt dẻ song nom cái xắc cốt, đôi giày cao cổ, đôi mắt một mí thường thấy ở người Mông và cái dáng đi hùi hụi, anh ta đoán chắc người này vừa ở trên núi xuống. Tè cố đi nhanh nhưng làm sao nhanh bằng xe máy.
“Xuống chợ à? Hay tìm nhà quen?”
Lắc đầu. Nhìn lên, biển đề rõ “Ủy ban nhân dân thị trấn H.B”. A dà, đây rồi!… Cồm cộp bước lên những bậc đá. Sao cửa đóng, không thấy ai cả? Quay xuống. Anh xe lai vẫn chờ phía dưới:
“Ấy, hôm nay nghỉ cuối tuần, ủy ban không làm việc. Này, tìm ai ở ủy ban vậy?”
Thế này thì gay rồi. Nom anh xe lai có vẻ hiền lành, chắc không phải hạng gian manh, lừa đảo, Tè mở miệng tiếng Kinh trọ trẹ:
“Ta tìm nhà xây côông”
“Nhà… xây cống à? À, nhà ông Phương, phó chủ tịch ủy ban thị trấn, ở ngay bên cầu có cống qua đường…Lên xe!”
Tè leo lên, oặn oẹo.
“Ngồi im, đặt chân vào bàn đỡ!.. Đi nhé!”
Anh xe bắt chuyện:
“Này! Ở bản nào xuống? Tìm ủy ban có việc chi vậy? Có chi bán không? Mật gấu, cao hổ, có không? Mình tiêu thụ giúp cho. Hỏi lớ ngớ bị bán hớ đây!”
Ngả dúi, suýt té.
“Hứ! Gì vậy? Ngồi vững…”
Tè hoảng thật sự. Hắn biết ta trên núi xuống, biết ta có mật gấu. Ta không nói gì sao hắn biết rõ thế?
“Dừng, dừng lai!”
“Sao thế? Sắp đến nhà ông Phương rồi!”
Tè nhảy xuống xe, định đi. Hấc! Anh xe lai lôi mạnh tay làm Tè lảo đảo suýt ngã.
“Nói đi là đi à! Định quỵt tiền công ta chở à?”
Cuống quýt: “A dà! Ta khôông biết thôi… Mấy ngàn?”
“Hai mươi ngàn”
“Hu! Khiếp! Ta khôông đi, theo bat ta đi. Ta khôông cô nhiêu tiền. Ta cho 5 ngàn thôi.”
Tè móc túi lấy năm ngàn trao cho anh xe lai. Không ngờ anh ta cũng móc ví thối lại 2 ngàn:
“Mình là người lao động, làm ăn tử tế, thấy cậu ngú ngớ, lại nghi ngờ nghĩ xấu về mình nên hù cậu thế thôi.”
Anh ta phóng xe đi.
Chưa kịp sửa lại áo quần cho gọn gàng và cắt nghĩa thái độ anh xe lai thì có cô gái chạy đến nắm tay kéo vào cái quán cơm bên đường. Để bổ cứu điều mà anh xe lai bảo là ngú ngớ, không muốn người ta lại phát hiện mình từ trên núi xuống, và xem trong quán có ai là người bà con dân tộc mình để hỏi dò nhà thầy Công, Tè thay đổi thái độ, điềm nhiên bước vào quán, mặc dù bữa trưa trên thuyền ăn muộn, dọc đường lại ăn thêm du tú Y Dia mang theo, cái bụng đang no. Một cậu hầu bàn đến hỏi dùng món gì, đồ uống gì. Tè ung dung cầm thực đơn lên xem. Nào gà quay, thịt lợn quay, thịt bò xào, lạp cá, trứng, rau… Rau chắc rẻ nhưng gọi rau khác nào bảo ta là dân nhà quê trong bản ra chưa bán hàng nên chưa có tiền. Tè chỉ vào chữ “trứng” trong thực đơn. Nhìn sang thấy nhiều người dùng rượu Vốtca, nói nhanh: “Vô-ka.” Một cô gái xinh xắn mang đĩa trứng ốp chả, chai Vốtca Việt Nam đến rót rượu vào ly mời Tè bằng cái giọng êm như khèn môi:
“Em mời anh. Anh ở trong bản ra dùng loại này vừa miệng đấy.”
Cô ngồi xuống bên cạnh hầu rượu, gắp thức ăn vào bát Tè. Khuôn ngực căng tròn áp sát vào người làm cho mặt Tè nóng ran. “Anh dùng thêm thịt quay uống cho đậm đà nhé!”
“Ừ, à! Ta no bung rồi!”
Bà chủ tóc nhuộm hoe, mặt bự phấn đang đứng trong quầy chỉ đạo nhân viên nấu nướng, phục vụ, thỉnh thoảng đưa mắt về phía Tè khiến anh chột dạ. Đến cô gái kia còn nhận ra mình từ trong bản ra thì làm sao giấu được con mắt tinh tường của bà chủ, dân buôn có sừng có mỏ. Bà ta mà gặp Y Dia thì… Hu! Y Dia cũng sẽ thành cô gái kia cà vú vào người khác mất thôi. Cần phải thoát ra khỏi tầm ngắm của người đàn bà. Cô gái lại thỏ thẻ:
“Anh dùng cơm nhé!”
“Thôi, thôi!…”
Tè đứng ngay dậy, mặc dù số tiền đĩa trứng và mấy chén rượu vượt quá sức tưởng tượng nhưng đành ngậm ngùi đưa tiền cho cô gái, bước nhanh ra khỏi quán.
*
Một tay xe lai khác bám theo:
“Đi đâu? Lên xe mình đưa đi”
“Không! Đi gần thôi.”
Một người đàn bà như từ trên trời rơi xuống, bước đến:
“Có gì bán không? Có mật gấu, cao hổ không? Sừng tê giác có không?”
Ấy, sao ai cũng biết ta ở trên núi, trên bản xuống nhỉ? Họ sán lại như vậy, không khéo kéo cả xắc cốt trong có mấy lạng cao hổ, mật gấu thật. Tè nhìn xung quanh, nhìn lại mình và nhận ra nguyên nhân chính là ở đôi giày cao cổ và cái xắc cốt cán bộ xã thời bao cấp bố để lại. Bây giờ người ta đi giày da, xách cặp da, chỉ anh chuyên leo núi mới “diện” giày bộ đội Trường Sơn này. À, cũng có người đi dép. Ta thử bỏ giày, bỏ xắc cốt thay dép, thay cặp xem xem. Chắc không ai bám nữa. Dép nhựa chỉ 20 ngàn đồng, cặp học sinh có loại chỉ 25 ngàn. Tè mua xong cho cao, mật gấu vào cặp, xin nhà hàng cái bao ni lông cũ nhét xắc, giày cao cổ vào giấu trong bụi cây mọc hoang bên đường. Thứ này ném xuống vỉa hè chẳng ai lấy song nó lại cần cho Tè. Xong, Tè cảm thấy phấn chấn tự tin hẳn. Chắc một phần vì mấy chén rượu, một phần vốn tiếng Việt – như người mất trí nhớ bị cú sốc chợt nhớ ra – được phục hồi, phát âm đã rõ hơn, giống người miền xuôi hơn.
Tè ghé vào quán nước một bà có tuổi, định thử mạnh dạn hỏi thăm thầy Công, người ta có vặn thì bảo là học sinh cũ của thầy làm giáo viên xã bên đến thăm thầy. Trong quán có mấy ông khách đang ngồi tán chuyện. Họ đang bình luận về chương trình bảo vệ động vật hoang dã của các nhà khoa học phương Tây chiếu trên ti vi khi đêm. Người ta thì quan tâm đến việc giữ gìn bảo vệ các loài thú quý, có người bỏ cả gia tài vào rừng điều tra đánh dấu từng con gấu con, tạo điều kiện tạo môi trường cho loài vượn loài chim sinh sống và phát triển. Vậy mà các anh thấy đấy, ngay ở thị trấn này đã có đến 4 cửa hàng, quán ăn bán các món đặc sản thịt thú rừng, ti vi thì liên tục đưa tin kiểm lâm bắt giữ xe chở động vật quý. Có lẽ rồi đây đến gà rừng, chồn, sóc cũng bị tuyệt chủng chứ không nói là tê giác, hổ, gấu, vượn, voọc… Chợt, ông nhìn Tè chăm chú:
“À, này! Anh này chắc là người Mông trên núi xuống?… Thế nào trong cặp chẳng có mật gấu, cao khỉ?…”
Tè giật mình như bị nái đốt. Chính anh cùng mấy ông thợ săn trong bản giết con gấu lớn cách đây không lâu, anh được chia một phần mật, mua thêm phần của người khác có cả nửa cái bỏ trong cặp đây.
Tè trả tiền nước, vội vàng ra khỏi quán.
Đi đã gần tiếng đồng hồ rồi, trời đã sắp tối rồi, chắc Y Dia nóng ruột lắm. Phải trở về nói với cô ấy chờ thêm ít nữa, trời tối người ta không nhìn rõ mình, không ai bám, ai hỏi, mình cũng đã nói tiếng Kinh khá trơn tru rồi, chắc sẽ tìm được nhà thầy Công ngay thôi. Tè đang chăm chú tìm chỗ rẽ xuống sông khi ra đường đã đánh dấu trong đầu thì có hai cô gái trẻ chạy đến nắm lấy tay.
“Vào đây, vào đây anh yêu, vào hát ca-ra-ô-kê với bọn em. Anh ở trên núi xuống chắc chưa được thưởng thức trò này…”
Tè hự lên một tiếng, nhăn mặt lại, làm các cô gái phải buông tay ra. Các cô đâu biết anh đang hết sức khổ sở vì đã thay hình đổi dạng đến thế này mà vẫn bị phát hiện thì thật là không hiểu nổi. Đang tìm cách lẩn tránh các cô thì một tiếng gọi từ đâu bên đường làm anh giật bắn: “Anh Tè! Anh Tè! Không ngờ lại gặp ở đây.”
Một người đàn ông xuất hiện. Anh ta trạc tuổi trung niên, có đôi mắt cáo ẩn sau hàng lông mày rậm nhìn như móc vào người ta.
“Anh ghê thật đấy! Bỏ nàng Y Dia xinh đẹp đi dạo phố một mình thế này à?”
Tè hoang mang, lo lắng nhìn người đàn ông cố nhớ nhưng không nhận ra là ai. Đôi mắt cáo nheo nheo:
“Anh không biết tôi đâu. Tôi đón anh từ chỗ bè vàng bản Nhạn Nhinh, rồi quay xe máy về đợi ở bến Cây Sung, không ngờ anh không xuống bến chính đó. Hàng anh để đâu rồi? Tôi biết anh có sọt xương khỉ, loại này đã bị cấm, lơ mơ bị tịch thu đấy. Anh để cho tôi, sẽ an toàn, không thiệt đâu.”
Tè choáng váng thật sự. Đây mới thật là “sát thủ” lợi hại. Anh ta đã trinh sát thám thính biết rõ mười mươi rồi. Khó mà thoát khỏi anh ta. Nhưng tại sao chủ thuyền và những người khách cùng đi không chỉ cho anh ta chỗ mình ghé? Chắc biết rõ anh ta quen ăn hớt, lên tận trên thượng nguồn để đón hàng, săn lùng đặc sản, vàng, bạc nén, dùng mánh lới thủ đoạn mua rẻ bán đắt, họ thương mình, giấu cho mình. Đã vậy, thì chẳng có gì mà sợ. Tè trả lời tự nhiên:
“Tôi để cho người quen cả rồi. Họ dặn tôi đưa xuống mà.”
“Người quen là ai, ở đâu?”
“Ở đâu thì mặc kệ người ta. Anh hỏi mần chi?”
Tè không ngờ mình đối phó mạnh dạn, cứng cỏi như vậy. Thấy không khí có vẻ căng thẳng, người trai tên Tè đang muốn dứt khỏi sự nhùng nhằng đeo bám của người kia, hai cô gái vội kéo anh vào quán, miệng rối rít:
“Thôi! Thôi! Người ta đã bán rồi còn hỏi gì nữa. Vào đây với chúng em! Vào thư giãn một lúc cho tâm hồn sảng khoái, hết bực dọc đi!”
Tè đi theo các cô vào nhanh trong quán mong thoát mau khỏi người đàn ông.
Người hát cặp với Tè không phải là hai cô gái kia mà là một cô khác nom xinh hơn, cứng tuổi hơn. Lần đầu tiên hát ca-ra-ô-kê, bụng lại đang lo lắng, Tè cứ lúng túng ngượng nghịu, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như gà mắc tóc. Cô gái phải đưa hết nhiệt tình hướng dẫn làm mẫu. Mái tóc uốn nhẹ xõa xuống bờ vai, khuôn mặt duyên dáng không phấn son cầu kỳ, cử chỉ dịu dàng thanh thoát của cô làm Tè bớt căng thẳng chút ít. Một điệu dân ca Mông êm ái bằng chính tiếng Mông cùng dòng chữ phiên âm hiện lên trên màn hình khiến Tè như bừng tỉnh, mặt rạng dần lên. Cô gái hát tiếng Mông sao mà giỏi thế. Tè cất giọng theo cô, anh như quên thực tại, chìm vào thế giới âm thanh dào dạt minh họa bằng hình ảnh phong cảnh rừng núi quê hương tươi đẹp, thơ mộng. Nhưng chính khúc ca tình, những hình ảnh kia lại khiến Tè nhớ tới Y Dia, nước mắt trào ra. Tè nấc lên. Cô gái buông vội micrô xuống lo lắng:
“Sao vậy anh? Sao lại khóc?”
Tè quẹt nước mắt:
“Ta nhớ vợ ta. Ta bỏ nó ngoài sông… Ta đi tìm… thầy Công… Cô có biết thầy Công không?”
“Thầy Công? Có phải thầy ấy cả đời dạy học ở bản Mông, soạn được cả bài hát tiếng Mông?”
Tè phấn chấn nói như reo:
“Đúng rồi! Thầy Hồ Công đó!”
“Thế thì em biết rõ lắm. Phòng văn hóa mời thầy tham gia tập huấn văn nghệ. Chính thầy đã dạy cho em những  bài hát tiếng Mông đó”.
Mặt Tè bừng lên theo từng lời cô gái. Anh tin cô, nói rõ lý do tại sao phải thận trọng, phải tìm cho được người tin cậy để gửi gắm. Cô cũng đồng cảm với anh, thấy ái ngại cho anh, bảo mình đang bận làm việc, sẽ điện nhờ người đưa anh đến nhà thầy Công.
Cô lấy điện thoại di động bấm số. Khoảng 10 phút sau, tiếng xe máy tiến vào quán. Cô đưa Tè ra gặp người dẫn đường. Tè giật thót: Người cô nhờ là anh xe lai chở anh lúc chiều. Cô gái giới thiệu:
“Anh Tuấn đây là anh trai em, nhà thầy Công ở gần nhà anh ấy, anh sẽ chở anh Tè đến tận nơi.”
Tuấn nhận ra ngay anh chàng người Mông, không khỏi ngạc nhiên khi thấy có hơn tiếng đồng hồ mà bộ dạng anh ta nom khác hẳn. Cô gái bảo hai người vào quán, Tè nói cho Tuấn rõ mọi chuyện để có thể giúp Tè giải quyết công việc mau chóng, ổn thỏa. Nhớ lại việc anh xe lai thối lại tiền cho mình, Tè an tâm kể hết với Tuấn. Tuấn đập đùi kêu lên:
“Sao hồi chiều cậu không nói cho rõ, làm mình tưởng cậu đến nhờ ông Phương ủy ban thị trấn việc gì.”
*
Tè bảo Tuấn chở xuống chỗ giấu vợ, giấu hàng rồi đến nhà thầy Công sau. Vợ ta chờ ta lâu thế chắc nóng cái bụng lắm rồi. Dọc đường Tè nhìn ngược, nhìn xuôi xem có ai bám theo không. Anh vẫn bị ám ảnh bởi người đàn ông dọa dẫm lúc nãy. Biết đâu anh ta đang nấp rình đâu đó. Tuấn bảo cứ ngồi yên, không việc gì phải sợ. Tại Tè cứ sợ bóng sợ gió, thấp tha thấp thỏm nên dân cò mồi, dân buôn chúng nghi, chúng đoán Tè có hàng quý bám riết lấy. Hàng mình làm đưa xuống bán có gì mà phải giấu, phải thu thu đút đút. Thằng cha kia nó dọa thế thôi. Có quán ăn đặc sản, phạt đầu, moi óc cả con khỉ đang sống cho vào nồi lẩu, chẳng ai nói gì, mấy cái xương khỉ khô có chi mà sợ. Việc Tè tin tưởng nhờ thầy Công là đúng nhưng chưa hay đâu. Bởi thầy là người tốt nhưng chỉ giỏi dạy học, văn hóa văn nghệ chứ không quen buôn bán. Có khi còn lạc hậu với kinh tế thị trường. Tè có nhờ thì thầy cũng nhờ dân buôn bán dưới chợ. Nếu Tè tin mình không sợ mình lừa thì mình sẽ đưa đi khảo giá rồi bày nơi làm ăn nghiêm túc bán cho khỏi hớ. Tè bảo: Ta tin anh rồi, nhưng cứ đưa đến nhà thầy Công rồi tính sau. Có một lý do còn quan trọng hơn cả mấy sọt hàng, anh không nói cho Tuấn biết, đó là sợ Y Dia bị lừa, bị hại; lỏng chỏng mất vợ như chơi.
Đường xuống bến dốc, Tuấn phải để xe lại. Hai người đi đến chỗ đám sậy. Từ xa Tè gọi:
“Vợ ơi! Y Dia ơi!”
Không hủ hỉ. Tè hốt hoảng hùi hụi bước nhanh lại. Trống hoang, trống huých. Không thấy hàng, thấy Y Dia đâu cả. Đám sậy bị rạp, ngóc ngọn như oán Tè, trách Tè sao đi lâu vậy. Bỏ vợ, bỏ hàng lại thế gì mà không gặp họa. Tè kêu lên đau đớn:
“Giàng ơi! Mất vợ rồi! Vợ ta ở đâu? Dia ơi! Hu, hu, hu!…” Tè ngồi bệt xuống đất, khóc nức nở.
Tuấn quan sát đám sậy, quay lại an ủi:
“Cứ bình tĩnh! Không ai làm gì vợ Tè đâu”
“Hu! Hu! Cái thằng ấy, chính cái thằng lúc nãy gặp ta. Chắc hắn lừa đưa vợ ta đi rồi”
“Nếu là hắn thì mới hơn ba mươi phút, không đi đâu xa. Tè đi với mình báo công an người ta tìm cho.”
Tè còn biết làm gì hơn nữa, đứng dậy đi theo Tuấn. Ngay lúc đó một thằng bé cun cút chạy đến, tay cầm một chùm quả quéo, lại bên Tè:
“Chú là chú Tè phải không? Cháu là cháu ông Công. Chị Dia đang ở nhà ông cháu.”
Ôi dà! Mắt Tè sáng bừng lên. Tuấn hỏi thằng bé cặn kẽ. Thằng bé bảo nó đi chăn bò thấy có chị người Mông cùng mấy sọt hàng trong đám sậy đi mách với ông đang tưới đậu ở bãi dưới. Ông đến nhận ra chị Y Dia bảo cháu về gọi mấy anh chị học sinh trọ cạnh nhà xuống giúp khiêng sọt về nhà ông. Dặn cháu ở đây chờ anh Tè. Chờ đã lâu không thấy, chạy chơi loanh quanh.
Tè hối thúc thằng bé dẫn về nhà thầy Công để mau được gặp vợ. Hai người ngồi lên xe. Tuấn nổ máy phóng nhanh.
Nom thấy Y Dia, Tè cuống quýt như con chim ù lúc gặp bạn tình:
“Vợ ta đây rồi! Tìm được vợ ta rồi! A dà, vợ không nhớ ta, lo cho ta hay sao mà cái mắt cười tươi thế?”.
Tác giả: Đinh Thanh Quang – Người thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *