Bài nổi bật

Những cây vừng nở hoa – Trần Thúy Lành

RadioVn.Com – Nghỉ hè, mọi người đều hào hứng đi tắm biển nhưng tôi quyết định lên miền núi. Phần vì tôi thích khí hậu ở Tây Bắc mát mẻ, phần vì tôi muốn lên thăm dì Hậu, thăm Thảo, con gái lớn của dì.
Thảo bằng tuổi tôi, cùng cầm tinh con khỉ. Người ta thường bảo con gái tuổi Thân thì sẽ khổ, không khổ đường này thì sẽ khổ đường kia. Tôi chẳng tin nhưng sự thật là Thảo khổ về đường tình duyên. Vừa học xong Trung cấp mầm non, tròn 20 tuổi, Thảo đã đi lấy chồng. Lấy chồng rồi Thảo mới biết chồng bị nghiện, đành “đâm lao phải theo lao”. Cũng chu cấp, cũng phục dịch, cũng động viên chồng cai nghiện nhưng những cố gắng của Thảo chẳng có kết quả gì. Vợ chồng dì Hậu thì cứ ngậm đắng nuốt cay. Lần nào gọi điện cho tôi Thảo cũng khóc. Khóc mãi rồi cũng hết nước mắt không thể khóc được nữa… Thảo vùi đầu vào công việc, hôm nào cũng đến trường từ sáng đến tối mới về. Chưa đầy một năm thì chồng Thảo đột tử vì chích quá liều. Tôi biết tin, bàng hoàng cả người nhưng lúc ấy tôi đang bị sốt xuất huyết phải nằm viện điều trị nên không thể lên viếng và chia buồn cũng Thảo được. Vì thế mà tôi cứ áy náy mãi.
Mẹ sắm cho tôi bao nhiêu là quà mang biếu vợ chồng dì Hậu. Toàn đặc sản của quê nhà: Nào bánh đậu xanh, bánh gai rồi cả vải thiều nữa. Mẹ bảo:
– Chắc lâu rồi dì mày không được ăn những thứ này. Lấy chồng xa là thiệt như thế đó.
Biết tin tôi lên Sơn La thăm dì Hậu, bà ngoại chống gậy lò dò sang nhà tôi, nước mắt ngắn nước mắt dài:
– Khổ thân con Hậu! Không biết ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà lên đó công tác rồi không biết đường về.
Tôi ôm lưng bà, an ủi:
– Ngoại ơi, bây giờ người ta còn lấy chồng tận nước ngoài xa lơ xa lắc, chứ đây với Sơn La có đáng là bao. Con chỉ đi từ giờ đến chiều là tới nơi.
Ngoại sụt sùi móc túi lấy một tệp tiền dúi vào tay tôi:
– Ngoại gửi cho dì mày ít tiền tiêu.
Tôi định ấn lại vào tay ngoại thì mẹ tôi nháy mắt ra hiệu và thì thầm chỉ mình tôi nghe thấy:
– Cứ cầm lấy, lúc nào đưa trả lại cho ngoại và bảo dì mày biếu.
Ngoại tôi chỉ sinh được mẹ tôi và dì Hậu. Mẹ tôi hiền và ngoan, từ bé đến lớn chưa làm trái ý ngoại một điều gì bao giờ. Kể cả việc lấy chồng mẹ cũng nghe lời ngoại. Mẹ đồng ý lấy bố tôi cùng xóm, theo sự sắp đặt của người lớn, mặc dù không thấy yêu. Nhưng không ngờ chung sống với nhau rồi thì mẹ tôi yêu thương bố tôi nhiều lắm. Vì thế mẹ tôi chẳng trách ngoại câu nào.
Dì Hậu thì không đẹp bằng mẹ tôi nhưng dì sắc sảo và rất bản lĩnh. Dì học kế toán xong, không xin được việc ở quê, không chịu sống cảnh thất nghiệp, dì khoác ba lô lên miền núi. Dì tự xin được việc trong một nông trường ở Sơn La. Bà ngoại tôi tưởng dì chỉ đi vài năm rồi về, ai ngờ dì quyết định lấy chồng trên đó và không về dưới xuôi nữa. Hôm đưa dì về nhà chồng ở bản Ná, chỉ cách cửa khẩu của Lào 20 km, mẹ tôi cứ khóc rưng rức còn dì thì chẳng rơi giọt nước mắt nào. Sau này mẹ tôi vẫn hay nhắc lại và kết luận: “Dì mày gan lắm”.
Đưa tôi ra bến xe, mẹ còn đưa cho tôi một gói nhỏ và dặn đi dặn lại:
– Cho vào ví cơ, lúc nào cũng phải mang nó bên mình. Bùa hộ mệnh đấy.
Tôi phì cười:
– Con gái mẹ xấu xí thế này trai miền núi không thèm bỏ bùa đâu.
Mẹ nghiêm mặt:
– Ai mà biết được. Như dì Hậu mày đấy… Mẹ bỏ lửng không nói hết câu nhưng tôi hiểu. Tôi định nói đùa thêm một câu nữa nhưng lại thôi vì tôi thấy mắt mẹ ngân ngấn nước.
*
Đêm về sáng trên miền núi vào mùa hè vẫn hơi lành lạnh. Tôi tỉnh giấc, kéo chiếc vỏ chăn đắp ngang bụng. Thảo nằm bên cứ sì sục, tí tí lại trở mình và thở dài. Tôi không dám lên tiếng, sợ dì Hậu tỉnh giấc. Thảo bảo từ ngày biết chồng Thảo bị nghiện dì mắc chứng mất ngủ, có đợt còn bị rối loạn tiền đình. Lúc khuya, thấy tôi và Thảo vẫn thì thầm, dì đã gắt: “Ngủ đi. Mai tha hồ nói chuyện”. Tôi ôm Thảo, thiếp đi lúc nào không biết. Còn Thảo, chắc không ngủ được.
Thảo đã kể cho tôi nghe rất nhiều. Sau khi chồng mất được hơn trăm ngày thì bố mẹ chồng cho Thảo về nhà đẻ. Thảo xin ở lại cũng không được. Thảo tủi thân lắm, nghĩ chồng vừa nằm xuống bố mẹ chồng đã đuổi khéo nhưng kỳ thực thì ông bà ấy rất thương Thảo, lo cho tương lai của Thảo, muốn Thảo về nhà đẻ để có cơ hội tìm được hạnh phúc. Dù thế nào Thảo vẫn còn rất trẻ, lại chưa có con. Nhưng Thảo bảo với tôi rằng:
– Em không lấy chồng nữa đâu. Khổ một lần là đủ lắm rồi. Ai còn muốn khổ lần thứ hai nữa.
Tôi động viên Thảo:
– Em đừng có bi quan thế! Đời còn dài. Việc gì phải an phận thế này.
– Em nói thật đấy. Mà chị có lấy chồng thì lấy muồn muộn thôi và phải tìm hiểu kỹ vào. Lấy chồng sớm như em chỉ khổ một đời.
– Chị chả sợ khổ nhưng có ai lấy đâu mà lo. Mẹ chị bảo chị cao số, mai kia phải đi cắt tiền duyên thì mới có người rước – Tôi nói đùa với Thảo thế thôi chứ tôi không tin vào bói toán. Ai mà biết trước được điều gì sẽ xảy ra.
*
Mấy hôm trước trời mưa to nên đường ra khu nghĩa địa của bản Ná ngập đầy sình đất. Không đi được xe máy, Thảo dẫn tôi đi bộ. Tôi phải tháo đôi dép cao gót ra xách tay và xắn quần lên quá đầu gối. Hai bên vệ đường cỏ may mọc chi chít, có quãng thì toàn cây xấu hổ và những cây hoa dại. Thảo đã đi quen nên cầm nắm hương cứ phăm phăm đi trước, chốc chốc phải dừng lại để chờ tôi.
Khu nghĩa địa rất rộng và ngổn ngang những ngôi mộ không xếp hàng theo một tuần tự nào cả. Tôi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều mộ toàn vòng hoa trắng, tươi có, khô có. Tôi thắc mắc:
– Sao nhiều người chết trẻ thế?
– Vâng! Toàn thanh niên chết vì si-đa đấy chị ạ. Ở đây thanh niên nghiện ma túy nhiều lắm.
Tôi rùng mình, nhảy phắt khỏi vũng nước ngập mắt cá chân lên chỗ khô ráo khiến Thảo giật giọng:
– Chị làm sao thế? Dẫm phải cái gì à?
– Eo ôi! Nhỡ mà nước từ những ngôi mộ kia rỉ ra đây thì khiếp quá. Để chị xem chân chị có bị xây xát gì không – Tôi ngó trước, ngó sau, tim vẫn đập thình thịch.
– Chị chỉ khéo tưởng tượng. Không sao đâu – Thảo trấn an tôi – Chỉ sợ chị lội nước không quen bị nước ăn chân thôi. Lúc chồng em mất, mọi người cứ tưởng chồng em cũng bị si-đa nên bắt em đi xét nghiệm máu xem có vi rút HIV không. Em chẳng muốn đi đâu vì nhiều lúc em chỉ muốn chết. Nhưng mẹ em bắt em đi xét nghiệm bằng được. Mẹ bảo: “Người chết thì cũng đã chết rồi. Người sống thì vẫn phải sống”. Em thương mẹ nên nghe lời nhưng em không làm sao chị ạ.
Thảo đốt cả nắm hương, chia cho tôi một nửa. Tôi cắm ba nén lên mộ chồng Thảo, còn bao nhiêu thì cắm lên những ngôi mộ xung quanh. Chợt thấy một ngôi mộ có rất nhiều cây giống nhau mọc dày đặc nở một thứ hoa màu trắng, tôi hỏi Thảo:
– Thảo ơi! Đây là cây gì? Sao chỉ ngôi mộ này mới có và nó mọc nhiều thế?
– Cây vừng đấy. Chị chưa nhìn thấy bao giờ à? Em tưởng ở dưới xuôi cũng trồng. Chị có biết làm sao người ta gieo vừng lên ngôi mộ ấy không?
– Chị làm sao mà biết được. Thế là thế nào?
– Trên đường về em sẽ kể cho chị nghe.
Minh họa của Lê Huy Quang
Người bản Ná bảo rằng chị May là con hoang. Mà con hoang thì thường có một điểm gì đó đặc biệt lắm. Càng lớn chị May càng xinh đẹp. Da chị trắng hồng, môi đỏ thắm. Mái tóc của chị dài đến khoeo, đen nhánh. Ai nhìn thấy cũng xuýt xoa vì cả bản chẳng có người con gái nào đẹp như chị. Nhưng chị May thật đáng thương, chị không biết bố chị là ai, cả bản Ná cũng không biết vì họ thấy chị không giống bất cứ người đàn ông nào ở vùng này. Người ta chỉ biết rằng bà Nấm đẻ ra chị và nuôi chị khôn lớn. Bà Nấm nghèo lắm, anh chị em nhà bà cũng nghèo rớt mồng tơi nên bà không nhờ vả được gì. Thấy chị May học giỏi, năm nào cũng được cô giáo khen, bà Nấm mừng lắm. Bà làm lụng vất vả, tằn tiện để nuôi chị May ăn học. Nhiều lần hai mẹ con chị phải ăn độn cơm với khoai hoặc sắn.
Năm ấy, lũ quét mất mùa. Nhà nào tích trữ lương thực thì còn có cái ăn qua ngày chứ nghèo như nhà bà Nấm mà không đi vay thì chết đói. Thấy bà Nghê là người giàu nhất bản, lúc nào cũng có của ăn của để nên bà Nấm đến năn nỉ vay năm thúng thóc. Bà Nghê đồng ý nhưng với điều kiện là bà Nấm phải “thế chấp đứa con gái”. Chuyện này chị May không hề biết cho đến khi chị học hết cấp ba. Chị muốn thi đại học nhưng bà Nấm không đồng ý. Bà bảo: “Nhà có một mẹ một con. Mẹ muốn con lấy chồng ở bản. Mẹ không có tiền nuôi con học nữa đâu”. Chị May cứ khóc ròng nhưng bà Nấm đã quyết định rồi. Trong bụng bà đã tính từ lâu, từ ngày bà vay bà Nghê năm thúng thóc. Đến giờ, bà đã trả được đâu. Bà muốn gả chị May cho anh Diện, con trai duy nhất của bà Nghê. Nhà ấy giàu có nhất nhì bản. Anh Diện lại hiền lành. Bà Nấm muốn chị May được sung sướng, ít nhất thì chị sẽ không phải ăn cơm độn nữa. Bà nói cho chị May biết về khoản nợ năm thúng thóc và dỗ dành chị, buộc chị phải nghe lời. Thế là bà nhờ người đánh tiếng đến tai bà Nghê.
Thấy chị May xinh đẹp lại chịu khó, bà Nghê bằng lòng ngay, giục anh Diện sang hỏi cưới chị May. Từ ngày bố bị nghiện, mẹ nói gì anh Diện cũng nhất nhất nghe theo. Với lại chị May đẹp thế, trai bản Ná ai cũng muốn lấy được chị nữa là anh Diện – không giỏi giang, cũng chẳng đẹp trai, chỉ được mỗi cái mác con nhà giàu và hiền như cục đất.
Đám cưới chị May và anh Diện được tổ chức ngay sau đó, nhanh đến nỗi cả bản ngạc nhiên. Riêng khoản lễ hỏi và lễ cưới thì miễn hết vì bà Nghê vẫn chưa quên món nợ ngày trước. Năm thúng thóc bà Nấm vay coi như trừ vào đấy. Thế thì khác nào bà Nấm cho không chị May. Chị tủi lắm, thấy đời mình sao mà giống cô Mị, chỉ có may mắn hơn là chị không bị anh Diện bắt cóc thôi. Trong lúc nhà bà Nghê tổ chức cỗ bàn linh đình thì chị May lẩn vào góc buồng khóc rấm rứt. Bà Nghê bất chợt nhìn thấy, quát ầm lên:
– Ra dọn dẹp, rửa bát! Còn đứng đấy mà khóc à?
Cả bản Ná này ai cũng bảo bà Nghê cay nghiệt lắm. Người thì nói rằng vì ngày trước mẹ chồng bà Nghê ác với bà nên bây giờ bà ác lại với con dâu. Người thì bảo bà Nghê lấy vợ cho anh Diện chỉ để có người làm nên coi con dâu như người ở. Hàng ngày bà bắt chị May phải dậy từ tờ mờ sáng, nấu ba nồi cám to cho một đàn lợn, thái mấy thúng bèo và rau cho vịt, cho gà ăn cả ngày, giặt giũ quần áo, quét dọn sân vườn. Một mình chị làm hết, chồng chị muốn giúp cũng không được vì bà Nghê sẽ đay nghiến chị. Ăn vội bát cơm nguội, chị cùng chồng đi làm nương từ sáng đến trưa, rồi lại làm từ trưa đến tối. Ăn chị cũng chẳng được ăn no vì bà Nghê quy định mỗi bữa chỉ được nấu suất gạo bà đong sẵn. Mỗi lần rẽ về nhà thăm bà Nấm, chị May lại òa lên nức nở. Mẹ chị gặng hỏi nhưng chị chỉ lặng lẽ khóc. Bà Nấm cũng đoán được phần nào nên bà buồn lắm. Biết vậy, chị không dám về thăm mẹ nữa.
Được nửa năm thì chị May có thai. Chị bị ốm nghén, người lúc nào cũng mệt lử. Chị kinh cơm, cứ ngửi thấy mùi cơm là chị nôn thốc nôn tháo. Bà Nghê toàn bảo là chị giả vờ để uốn éo với chồng. Bà nói chị thậm tệ lắm. Hàng xóm cũng nghe thấy. Nào là: “Ngày xưa tôi có chửa còn không có miếng cơm mà ăn. Giờ chuột sa chĩnh gạo lại còn giở thói làm thơ làm nũng à?”. Rồi thì: “Không ăn thì đổ cho chó. Đói quá tự cậy bức vách mà ăn”. Anh Diện không dám hé răng bênh vợ nửa lời. Mọi việc anh đều làm theo sự chỉ đạo của mẹ. Nhiều lần chị May nôn cả mật xanh mật vàng, mệt lả người mà cũng không dám nằm nghỉ.
Sáng hôm ấy, bà Nghê chuẩn bị đi ăn cỗ cưới ở bản bên cạnh. Bà mở tủ tìm đôi bông tai hai chỉ vàng để đeo. Ở vùng này người ta chỉ ăn diện và khoe của khi đi đám cưới hay đi hội hè đình đám. Bà Nghê tìm mãi không thấy. Bà nhớ rõ ràng là bà gói rất cẩn thận để ở một góc tủ sau lần đi chùa hồi tháng giêng. Chỗ cất chìa khóa tủ chỉ mình bà biết. Bà lục tung tất cả mọi chỗ trong nhà. Bà bắt chị May phải mở hòm của chị ra cho bà kiểm tra. Anh Diện không làm thế nào được đành chiều theo ý mẹ. Chị May uất nghẹn, trân trối nhìn mẹ chồng lục hòm của mình. Thấy sợi dây chuyền trong một hộp nhỏ, mắt bà Nghê long lên:
– Thế cái này là cái gì đây? Chị lấy bông tai của tôi chị đổi ra cái này à? Trời ơi! Tôi nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà.
Chị May sững sờ như hóa đá. Chị chỉ thanh minh duy nhất một câu:
– Đó là của mẹ con cho con.
Bà Nghê coi như không nghe thấy. Bà bắt anh Diện chở bà đi đám cưới, để mặc chị May khóc sưng cả mắt. Vừa khóc chị vừa đi làm nương. Chị làm một mạch từ sáng đến trưa không về nhà ăn cơm. Không ai mang cơm cho chị. Chồng chị đi ăn cỗ cưới uống nhiều rượu nên về nhà ngủ không biết trời đất gì cả. Bà Nghê thì không bận tâm. Bà nghĩ nếu chị đói sẽ tức khắc về nhà mà ăn cơm nguội. Bà chả hơi đâu đi tìm hay mang cơm cho chị.
Chiều hôm ấy hai người đàn ông trong bản đi làm nương về đã rụng rời cả chân tay khi nhìn thấy một thân người lủng lẳng trên cây đa đầu bản. Tóc người ấy xổ tung dài quá gót chân. Họ hô hoán mọi người đến cứu. Nhưng khi hạ được cái xác ấy xuống thì đã quá muộn. Chị May đã chết từ bao giờ rồi, người chị cứng đơ, mắt chị trợn ngược. Chính bác trưởng bản đã vuốt mắt cho chị. Bác ấy bảo cả tuần sau đó hễ cứ ngồi vào mâm cơm là bác không thể nuốt được. Có một nỗi ám ảnh ghê gớm đối với bác vì đôi mắt của chị May khi ấy không thể nào diễn tả được. Nó đau đáu. Nó nhức nhối. Bởi vì ai cũng bảo chị May chết oan, mà lại chết đói khi đang mang thai đứa con đầu lòng.
Bà Nghê ra sức thanh minh với dân bản rằng bà thương con dâu lắm, rằng bà xót cháu nội của bà lắm, rằng cái đất nhà bà nó dậy nên như thế… Nhưng trong bụng bà cũng sờ sợ bởi bà thừa biết nguyên nhân cái chết của chị May chính là ở bà. Vì tủi quá, vì uất quá mà chị May đã tước những cây đay thành sợi và bện thành một chiếc dây thừng thật dài, vắt lên cây đa đầu bản.
Bà Nấm thì như hóa điên. Không ai cản được bà. Bà xông thẳng vào chỗ chị May trước khi người ta khâm liệm chị với chiếc kéo trong tay. Bà cắt phăng một nửa mái tóc của con gái rồi bà cắt mớ tóc ấy thật vụn. Bà đi khắp sân trước vườn sau, trong nhà, ngoài ngõ nhà bà Nghê, vừa đi vừa rắc mớ tóc vụn của chị May, miệng lầm bẩm như đọc thần chú. Người ta không nhìn thấy bà khóc, chỉ thấy bà Nghê kêu gào thảm thiết. Còn anh Diện thì ngồi ở góc nhà như người mất hồn.
Dân bản Ná và nhiều người ở những bản xung quanh đến hỏi thăm rồi đưa ma chị May. Chưa có đám ma nào ở vùng này lại đông như thế. Khi chôn cất chị May xong, mọi người rắc rất nhiều hạt vừng lên mộ chị vì người ta tin rằng khi nào vùng nở hoa thì ở thế giới bên kia chị May sẽ sinh con.
Từ khi chị May chết, bà Nấm như người lẩn thẩn. Có người bảo bà hóa điên nhưng chẳng mấy khi thấy bà ra đường. Bà Nghê đã tìm thấy đôi bông tai vì chồng bà giấu vào chiếc gối định đem bán lấy tiền hút thuốc phiện. Chẳng biết bà có ân hận không nhưng mấy tháng sau bà đã bắt anh Diện cưới một cô vợ khác, người ở bản bên cạnh, tên là Sim. Nhưng hôm nào bà Nghê cũng bắt chị Sim dậy sớm từ lúc trời chưa sáng để làm những việc mà trước kia chị May phải làm. Chị Sim kể lại rằng hôm nào chị mở mắt ra cũng nhìn thấy chị May đứng ở đầu giường, tóc xõa. Chị Sim đi đâu thì chị May theo đó. Lúc đầu chị Sim tưởng mình bị ám ảnh nên tưởng tượng thế thôi. Sau vài lần như thế chị sợ lắm, không dám dậy sớm một mình nữa mà gọi anh Diện dậy cùng thì anh Diện cũng nhìn thấy chị May xõa tóc. Nói với bà Nghê, bà không tin. Bà bảo chị Sim lười, trốn việc nên bịa ra như thế. Bà thử dậy sớm xem sự thể thế nào thì cả xóm được một phen náo loạn vì bà rú lên rồi ngất xỉu. Tỉnh lại bà Nghê kể rằng bà nhìn thấy chị May mặc quần áo trắng tinh, thè lưỡi đỏ lòm, nhe răng nhọn hoắt định cắn bà. Thật là không còn hồn vía nào.
Sau bận ấy, chị Sim bỏ về nhà đẻ. Bà Nghê đi xem bói. Thầy bói phán rằng chị May chết thiêng lắm nên hay về quấy quả, rằng anh Diện muốn lấy vợ nữa phải treo ảnh của chị May ở trên cửa ra vào phòng để người vợ mới ngày ngày đi bên dưới thì mới có thể có con. Bà Nghê làm theo lời thầy bói nhưng chưa có ai dám thay chị Sim lấy anh Diện.
*
Tôi ở lại bản Ná chơi một tuần rồi xin phép vợ chồng dì Hậu, tạm biệt Thảo về xuôi mang theo câu chuyện về những cây vừng nở hoa kể cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi vốn rất mê tín nên bảo rằng:
– Ở đời ác giả ác báo con ạ!
Tôi không đồng tình với mẹ nhưng không muốn tranh luận. Tôi thấy khối kẻ ác độc mà vẫn sống nhởn nhơ còn bao người hiền lành thì chịu tai bay vạ gió. Nói ra thì mẹ sẽ bảo: “Đời cha ăn mặn đời con mới khát nước”, rồi: “Ăn ở hiền lành để đức cho con”.
Mẹ giục tôi lấy chồng, tôi cứ lảng. Mẹ bảo: “Bằng tuổi con ngày xưa mẹ đã đẻ hai con rồi đấy”. Mẹ lo tôi không lấy được chồng không khác gì lo có bom nổ chậm trong nhà. Mẹ đi cắt tiền duyên cho tôi thật nhưng mãi vẫn không có ai rước con gái mẹ đi làm mẹ cứ hay thở dài thườn thượt. Tôi chỉ mải mê với công việc và nhớ lời Thảo dặn “lấy chồng muộn muộn thôi”.
Thỉnh thoảng tôi và Thảo vẫn nói chuyện với nhau trên điện thoại. Một lần Thảo kể:
– Anh Diện lấy vợ thứ ba rồi chị ạ! Đẻ được một đứa con trai nhưng chị ta vốn làm ở quán bia ôm dưới thị xã nên nhớ nghề, bỏ chồng bỏ con đỏ hỏn đi mất tăm mất tích. Khổ thân thằng bé. Bà Nghê phải nuôi bộ.
Bẵng đi một thời gian, Thảo không gọi điện mà viết một là thư gửi cho tôi. Lá thư dài lắm nhưng có đoạn thế này:
“Chị yêu quý của em!
… Em cần hỏi ý kiến của chị trước khi quyết định một việc hệ trọng. Em biết nếu gọi điện thì chị sẽ không thể trả lời ngay được. Chị biết không, bé Hải con anh Diện được gửi đến lớp mẫu giáo do em phụ trách. Thằng bé cứ sà vào lòng em. Nó thèm được bế lắm chị ạ. Nó bảo mẹ nó chết rồi. Em thương thằng bé quá. Anh Diện ngày ngày đưa đón con thấy thằng bé quấn em làm anh ấy hình như cũng muốn ngỏ lời. Chắc anh ấy sợ em từ chối nên không dám nói ra. Bà Nghê cũng cho người đánh tiếng đến tai bố mẹ em. Từ ngày chồng mất, bà ấy đã thay đổi nhiều, không còn ác nghiệt như trước nữa. Em nghĩ trên đời này chẳng có ma, nếu có ma đi chăng nữa thì mình sống ngay thẳng, ma nào trêu được. Nhưng em vấp một lần rồi, vết thương vẫn chưa lành. Em còn băn khoăn lắm, chị bảo em nên làm thế nào bây giờ?…”
Tôi đọc xong thư của Thảo mà bần thần cả người. Tôi không dám khuyên Thảo điều gì vì tôi tin Thảo tự quyết định được. Tôi chỉ muốn nhắn với em một điều mà có khi chính em cũng nhận ra. Người chết thì đã chết rồi nhưng những cây vừng vẫn tiếp tục nở hoa.
(Nguồn: Báo Văn nghệ số 21/2015)
Tác giả: Trần Thúy Lành – Người thực hiện: N.S.U.T Việt Hùng
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *