Bài nổi bật

Nửa đêm gió lùa

RadioVn.Com – Ông Trần tỉnh dậy lúc nửa đêm. Tiếng lanh canh phát ra từ những tấm kính cửa va vào nhau và hơi lạnh đầu mùa như cùng hùa đến đánh thức ông. Co ro trong tấm vỏ chăn mỏng, bụng ông sôi lên vì đói. Ông chợt nhớ từ chiều tới giờ chưa ăn gì. Bà giúp việc xin về sớm vì nhà có giỗ, ông đã tính úp tạm bát mì tôm nhưng rồi lại thôi.
Ông thấy lạnh hơn bao giờ hết. Càng lạnh càng thấy đói. Đã sắp đến Trung thu. ánh trăng rọi qua tán cây bưởi đầu nhà, qua cửa kính nhìn rõ những trái bưởi tròn căng. Mọi năm, cứ đến ngày này là bà Trần đã trải đệm và lấy chăn len để sẵn cuối giường. Cả gian phòng ấm rực mùi băng phiến và mùi nắng hè còn rớt lại. Đêm đêm, giữa những chăn đệm ấm áp, khi bà Trần đã yên trí thở đều đều thì ông nằm yên lặng nhìn ra khoảng trời bên ngoài ô cửa kính trong suốt.
Ông nhớ như in một đêm trăng nọ, nàng rười rượi dưới trăng. Cát và sóng biển loang loáng trên da thịt nàng, mắt nàng thăm thẳm bí ấn như biển đêm. Những ngày sau đấy, ông luôn trong trạng thái lâng lâng như say sóng.
Ông nhớ giọng nàng thủ thỉ khi úp mặt vào lòng ông, chân vẫn duỗi ra mép nước nghịch sóng. Người ông vẫn thường nổi gai lên mỗi khi nhớ lại giọng nàng:
– Nhất định kiếp sau mình sẽ phải gặp nhau sớm hơn ha anh.
Giá họ gặp nhau sớm hơn! Ông vẫn thầm ước. Nhưng là sớm hơn bao lâu mới được? Ông hơn nàng những hai mươi tuổi. Khi ông cùng đồng đội hành quân qua quê nàng thì nàng vẫn chưa hề có chút tín hiệu nào là sẽ có mặt trên đời này để ông biết mà chờ đợi. Chả thế, trong một bài thơ viết riêng tặng nàng, ông đã phải thốt lên “Thủa anh áo lính bạc màu/ Em vẫn còn mây bay xa thẳm”. Giá ông ra đời muộn hơn hai mươi tuổi, giá ông đừng Bắc nàng đừng Nam. Giá họ đừng gặp nhau như duyên tiền định!
Lẽ ra ông đã không thể gặp nàng vì rời nơi đó từ hôm trước. Xong công việc sớm, lên xe của hãng du lịch nổi tiếng, ông nghĩ cũng sẽ như mọi khi, chỉ cần đọc xong cuốn sách yêu thích, qua vài giấc chợp mắt là về đến nhà. Ai ngờ mới chạy được hơn trăm cây số, xe bị hỏng phải dừng lại sửa, vừa hay nàng cũng bị một xe khác của hãng bỏ quên tại quán ăn trưa. Dẫu sao, hãng xe cũng đã vớt vát uy tín bằng cách xếp họ lên chuyến xe khởi hành sớm nhất sau đó. Còn đúng hai ghế cạnh nhau. Họ lên xe trong một tâm trạng không mấy vui.
Khách trên xe bắt đầu ngả ghế để ngủ. Nàng mở ba lô lấy sách ra đọc. Ông cũng có thói quen mang theo sách để đọc trên đường dài nhưng lúc này không muốn đọc. Nhìn sang bên, vô tình ông để ý đến cuốn sách của nàng và hơi bị bất ngờ. Nàng đọc “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng, cuốn sách gối đầu giường của ông. Nhiều người mê Thủy Hử, Tam Quốc, còn ông, ông mê nhất “Thương nhớ Mười Hai”. Ông thầm quan sát người bạn đường. Nàng khoảng chừng trên dưới ba mươi. Nước da nâu tươi và một khuôn mặt rất ưa nhìn với mắt nâu sáng và hàng mi rợp. Cách ăn vận toát vẻ năng động, hiện đại.
Nàng say sưa với từng trang sách, ông tha hồ nhìn khuôn mặt nghiêng rất đằm thắm dưới mái tóc xõa dài. Không biết cô nàng có hiểu thế nào là mưa phùn rét ngọt không nhỉ? Ông không khỏi mỉm cười mường tượng nàng phải tháo đôi giày cao gót khi đi trên những đường làng lầy lội dưới mưa xuân, rồi lại nghĩ đến khuôn mặt nàng bị bôi nhọ lem vì chơi tam cúc thua. Làm sao một cô gái Nam bộ lại có thể cảm thụ được những nét “rặt Bắc kỳ” như vậy nhỉ?
Ông không bắt chuyện, vì bản tính ông ít nói, lại càng ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là phụ nữ. Nàng cũng vậy, chẳng để ý đến ai ngoài cuốn sách đặt trên đùi.

Minh họa: Đào Tuấn
Nếu không có một sự kiện đã đột ngột xảy ra thì chắc sau khi kết thúc hành trình họ vẫn là những người hoàn toàn xa lạ. Bắt đầu là một vài tiếng rên khe khẽ rồi trong giây lát hầu hết hành khách trên xe đều gập người trong cơn nôn ói. Cả lái xe và phụ xe cũng cùng chung tình trạng. Sau ít phút bất ngờ, ông và nàng nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa mọi người vào bệnh viện. Người ta nghi ngờ món nộm sứa trong thực đơn bữa trưa là nguyên nhân của vụ ngộ độc tập thể. Ông và nàng do ghép xe, không dùng chung bữa nên không việc gì. Dẫu sau, để phục vụ công tác điều tra, người ta vẫn đề nghị ông và nàng lưu lại thêm.
Trong rủi ro vẫn còn chút may mắn vì họ dừng lại đúng nơi trước đây ông đã từng đóng quân. Những khu phố sầm uất ven bờ biển hầu như không còn chút dấu vết nào của trận đánh khốc liệt. Còn thời gian, họ cùng thả bộ trên con đường chạy men theo biển. Nàng gọi ông bằng chú, xưng con. Giọng Nam bộ thật dễ thương. Còn nàng lại bảo nàng thích giọng nói của ông, giọng đàn ông Bắc mới thật ngọt ngào. Ông tả cho nàng nghe quang cảnh vùng này gần bốn mươi năm về trước, khi ông cùng đồng đội tiến quân vào. Ông kể hồi đó lần đầu tiên anh em quê miền trung du Bắc Bộ được biết đến quả dừa. Vùng này hồi trước xoài và dừa nhiều thôi rồi. Không biết làm sao ăn, các chú bộ đội trẻ để ý thấy các cô gái xắt xoài ra chấm muối ớt, anh em cũng hò nhau vặt dừa. Sau khi nếm thử, ai nấy đều nhất trí rằng trái cây miền Nam to thì có to thật nhưng không ngon lành gì. Quả thì chua khủng khiếp, quả lại chát kinh người. Tưởng quả dừa thì thế nào chứ đã chát thì chớ, hạt lại to tổ bố, không được cái tích sự gì.
Nàng cười giàn dụa, kể:
– Chú có biết không, dù có là “ăn Bắc chơi Nam” thì khách Tây vẫn không có thích xài đồ ăn Bắc đâu nghe. Họ chê món chính thì lạt, món soup tạm được nhưng món tráng miệng thì mặn thôi là mặn.
Ông cũng phì cười nghĩ đến bữa cơm với canh cua và cà muối. Chỉ vì thèm nhớ cháy lòng những bữa cơm đạm bạc với dưa cà do chính tay mẹ làm mà ông đã chuyển công tác ra Bắc, bỏ lại sự nghiệp gây dựng bao năm. Người vợ cùng tuổi, cùng làng do cha mẹ hỏi cho mừng hơn bắt được vàng trước quyết định của chồng. Tuy vậy, hàng năm ông vẫn thường vào Nam vì cơ quan có chi nhánh trong đó.
Rất thật lòng pha chút quyến luyến, ông mời nàng nhất định phải có dịp ra chơi để ông được thết đãi những món nàng mới chỉ được thưởng thức qua “Thương nhớ Mười Hai”.
Tin đi tin lại khá lâu, đến một ngày kia, cả hai giật mình chợt nhận ra mình đã quá nặng tình với người kia. Thề có trời đất, ông Trần không hề có ý gì về chuyện tình cảm với cô gái mà ông coi như con cháu. Vả lại, gần hết cuộc đời, ông quen sống trong môi trường nề nếp và kỷ luật nên dù có mộng mơ đôi chút đủ để viết những bài thơ khá ngọt ngào, ngoài ra ông không hề tơ vương đến một bóng dáng phụ nữ nào khác người vợ quê mùa. Ban đầu, ông đã rất sợ hãi và lo lắng, cố kiểm soát hành động của mình, không còn thoải mái trò chuyện với nàng như trước. Vốn dĩ luôn tuân theo quan niệm đạo đức truyền thống, ông thấy việc mình có tình cảm với một cô gái trẻ đáng tuổi con mình là hết sức xấu xa và suy đồi. Ông sẽ không mặt mũi nào mà nhìn anh em đồng nghiệp, người thân trong gia đình sẽ phỉ nhổ. Tóm lại là ông đã kiên quyết tìm mọi cách để trốn chạy. Nhiều lần, nàng đã phải bật khóc khi nghe ông lạnh nhạt trả lời điện thoại khi không thể không nhấc máy.
Nhưng tình yêu đúng là một con quái vật kì lạ, càng trốn nó, nó càng đuổi bắt kì được mới thôi. Và ông Trần cũng chỉ là một nạn nhân của nó.
Chuyến công tác ấy, ông không cho nàng biết. Chắc vì giận dỗi, đã khá lâu nàng không liên lạc với ông. Phần ông, vừa sợ phiền toái, vừa không có lí do gì để thông báo cho nàng.
Lâu lâu anh em mới gặp nhau, xong công việc, ông được kéo vào trận rượu đã đời, đến đêm thì say không biết trời trăng gì nữa. Sáng hôm sau, khi tỉnh rượu, ông không dậy nổi vì thấy đầu đau như búa bổ. Không muốn làm phiền mọi người, ông gọi đến văn phòng chi nhánh nói là có việc nhà phải ra Bắc ngay, mọi người đừng lo cho ông.
Thế rồi cơn sốt rét bỗng quay trở lại sau bao năm ông ngỡ đã từ bỏ nó vĩnh viễn. Giữa mùa hè mà ông vẫn run bần bật sau mấy lớp chăn len. Trong cơn mê sảng, ông nghe thấy giọng con gái Nam Bộ thân thuộc. Ông thiếp đi trong hơi ấm nồng nàn và cảm giác dễ chịu như có một cơ thể mềm mại đè trên người.
Nàng không bao giờ cho ông biết ai nói cho nàng hay hôm đó ông ốm nằm lại khách sạn để mà đến với ông. Trong cơn khát cháy người, ông sung sướng và tham lam hớp từng giọt nước ai đó đang mớm lên đôi môi khô khốc, rồi như chưa thỏa, ông ngậm chặt lấy đôi môi mát lịm ấy. Trong vòng ôm của nàng, ông đã hoàn toàn buông xuôi.
Khó có thể gọi đúng tình cảm ông dành cho nàng. Đó là thứ tình cảm rất phức tạp, pha trộn giữa tình yêu đôi lứa và cả tình cảm cha con. Vì thế, khỏi phải nói ông yêu chiều nàng nhiều đến mức nào.
Ông không sao lí giải được vì sao nàng lại say mê ông đến vậy. Ông, một cán bộ quèn trong cơ quan nhà nước đang chờ đến tuổi hưu. Tiền bạc không có, tuổi trẻ cũng đã qua lâu rồi. Chưa hết, ông lại còn cả một đại gia đình phải lo lắng. Kể cả mặt tinh thần, ông cũng không dành cho nàng được bao nhiêu. Mỗi năm, ông thu xếp để gặp nàng một lần. Nhìn nàng ngời ngợi hạnh phúc trong căn phòng trọ rẻ tiền, ăn những món ăn đạm bạc mà tim ông đau nhói. Nàng trẻ trung thế kia, xinh đẹp thế kia, lẽ ra phải được hưởng những điều kiện tốt đẹp hơn mà ông không thể nào lo cho nàng được.
Vốn là cô gái giàu nghị lực, ngay từ khi rời quê khăn gói vào Sài Gòn nhập học, nàng đã đề ra mục tiêu phải học thật giỏi và lập nghiệp ở đây. Bây giờ nàng đã có một căn hộ ở Sài Gòn, hiện làm cho một dự án nước ngoài, thu nhập rất khá. Dù nàng thừa khả năng chi phí cho những lần gặp nhau nhưng lại luôn tôn trọng sự xếp đặt của ông. Điều đó khiến ông cảm kích và thương yêu nàng nhiều hơn.
Trong mỗi cuộc ân ái, nàng quấn chặt lấy ông, vừa như một miếng xốp hút ông đến cạn kiệt vừa khản giọng hối thúc:
– Anh cho em một đứa con nghe anh. Nhất định anh phải làm cho em có thai nghe anh.
Nàng thực lòng muốn sinh con trai cho ông, để dù xa nhau, nàng vẫn hàng ngày được nhìn thấy, được chăm sóc và được yêu thương một phần cơ thể của ông.
Lí do gì khiến nàng yêu ông ư, chẳng lẽ nàng thú nhận chưa từng có ai làm cho nàng rung động sâu sắc như khi gặp ông.
Suốt đường dài, mặc dù chú tâm vào trang sách, nàng vẫn nghe được ông trả lời điện thoại của con gái. Chỉ là cuộc trò chuyện đơn thuần, bố nhắc con nhớ tự chăm sóc sức khỏe, đừng có bỏ bữa, nhớ gọi điện cho mẹ kẻo mẹ mong… Toàn những từ ngữ bình thường mà mọi người thường nói, nhưng sao nàng nghe thấy ẩn chứa một tình cảm dịu dàng và sự quan tâm sâu sắc nhường ấy.
Nàng thèm nghe ông nói những điều ấy với nàng, cả những điều khác nữa, với duy nhất mình nàng.
Ông đã không để nàng phải thất vọng. Mỗi khi gần nhau, vừa thỏa thuê rời khỏi người ông, ngắm nhìn gương mặt ông thanh thản bừng lên những tia sáng rạng rỡ của hạnh phúc, nàng lại không thể kiềm chế để không áp vào ông, lôi cuốn ông bắt đầu lại từ đầu. Cách ông mở nàng ra, mãnh liệt xâm chiếm nàng luôn khiến nàng mê mẩn.
Ông Trần cũng đã suy nghĩ nhiều. Ba cô con gái đều đã trưởng thành. Ông đã từng khao khát có cậu con trai nhưng rồi năm tháng trôi qua, từ cái ngày vợ ông từ chối sự ve vuốt thì ông cũng nguôi dần mong ước. Có một thằng con trai để ông đưa nó đi thắp hương mời tổ tiên về ăn tết, để hai cha con cùng đánh cờ, cùng tranh luận ỏm tỏi khi xem trận bóng đá hay, để cùng lang bạt đến những vùng đất lạ. Ôi, giấc mơ cả đời của ông, nhất là lại với người phụ nữ ông say mê bằng tình yêu dành dụm cả đời. Ông tính xa tính gần. Họ hàng sẽ không phản đối nếu biết chuyện, vợ ông chắc sẽ vật vã một thời gian rồi cũng chấp nhận. Mà nàng cũng đã hứa sẽ một mình nuôi con, không để ảnh hưởng gì đến sự nghiệp và gia đình của ông. Dù vậy, ông cũng vẫn không đủ gan.
Cũng chưa bao giờ ông thực hiện được lời hứa đưa nàng ra Bắc, nấu những món trong “Thương nhớ Mười Hai” hay đưa nàng đi những hội hè mà Vũ Bằng miêu tả. Bù lại, ông đã đền đáp nàng bằng tình yêu mãnh liệt cuối đời và duy nhất.
Cả ông và nàng đều thích biển, đó là điều an ủi lớn cho ông. Những dịp gặp nhau, họ chọn một nhà trọ rẻ tiền ven bờ biển, sau những phút giây quấn chặt nhau đến mức rã rời, họ lại đưa nhau ra biển. ở đấy, dưới bóng mát của một lùm cây nào đó, ông ngồi buông cần, nàng gối đầu lên chân ông, lim dim nhìn trời mây trôi nổi.
Từ nhỏ, ông Trần đã chỉ ăn những con cá do chính tay ông câu. Mặc dù vẫn cùng các anh em đi tát ao bắt cá nhưng ông không bao giờ dám động đũa vào món cá kho từ những con cá trước đó còn sặc mùi bùn. Ông chỉ ăn được cá sông hoặc cá biển. “Con nhà lính, tính nhà quan”, kể cả những đận đói vàng mắt hồi quân ngũ, ông cũng không chịu thay đổi thói quen.
Ông khéo léo giật lên những con cá trắng bạc sạch tươm, xiên vào đoạn cây tươi, rắc chút muối ớt rồi nướng trên than hồng. Nàng lim dim chờ ông thận trọng gỡ từng chiếc xương trước khi bón cho nàng ăn. Nàng tham lam mút cả những vụn cá còn dính lại trên ngón tay ông. Họ tận hưởng từng giây từng phút bên nhau như để bù lại cho khoảng thời gian cách xa dài đằng đẵng. Kết thúc mỗi chuyến đi, ông Trần lại chuẩn bị thu xếp cho lần tới.
Ông đã cố giữ nếp sinh hoạt bình thường nhưng vẻ hạnh phúc tràn trề trên nét mặt thì không thể giấu. Ông như trẻ lại cả chục tuổi.
Mối tình cuồng nhiệt chấm dứt đúng vào lúc ông Trần không ngờ nhất. Lần gặp nhau cuối cùng, lúc chia tay nàng còn dính chặt lấy ông không dời. Đêm nào nàng cũng thì thầm qua điện thoại những lời thương yêu. Thế mà chỉ vài tuần sau nàng bắt đầu lảng tránh ông, ông gọi điện nàng không bắt máy, nhắn tin cũng không thèm trả lời. Có đêm, ông gọi vào máy cố định nhà nàng thì nghe tiếng đàn ông trả lời ở đầu dây bên kia.
Khỏi phải nói ông Trần đã buồn bã suốt một thời gian dài nhưng ông cũng phần nào cảm thấy nhẹ nhõm. Đến khi nàng đột ngột báo tin đã tìm được một người phù hợp để chuẩn bị kết hôn thì ông đã thành thật chúc mừng nàng, nhưng hình bóng nàng ở lại trái tim ông như một hình xăm nét. Ông cũng thầm yên trí mối tình bí mật của mình đã được giữ kín. Bà vợ già hết sức đơn giản của ông không hề biết đến đoạn đời bão giông của chồng mình.
Càng về sáng, trời càng lạnh hơn. Ông Trần đã phải ngồi dậy mặc thêm áo dài tay mà vẫn không đỡ rét. Đành vậy, vì nghĩ đến đống chăn đệm còn gọn ghẽ trên gác xép ông thấy ngại quá. Mới năm ngoái chứ đâu, ông còn nín cười khi nghe ông bạn chí cốt phàn nàn về nỗi khổ góa vợ:
– Bọn ta mà chết thì các bà ấy chỉ buồn thôi còn bà ấy chết trước, ta mới thật buồn khổ. Vừa buồn vừa khổ, mà khổ nhiều hơn.
Ông Trần không tin lắm, nghĩ chắc ông bạn nói quá nên đấy thôi. Chỉ là nhà vắng người hơn, còn ta vẫn phải ăn, vẫn phải sống, có khi còn tự do hơn.
Bà Trần mới mất chưa đầy tháng, ông đã thực sự thấm nỗi khổ sở của một người đàn ông cô độc vốn đã quen nhận sự chăm sóc chu đáo từng miếng ăn từng hớp nước. Ông thấy thông cảm với bạn mình và nhận ra sự thiếu vắng không gì thay thế được của người vợ suốt bao năm lặng lẽ tận tụy bên ông.
Hồi trước, hễ khó ngủ, ông đều nhớ lại những kỷ niệm về nàng, khuôn mặt nàng, đôi môi hé mở của nàng, thân thể ấm nóng luôn cong lên chờ đón của nàng. Trong trạng thái ngất ngây chưa bao giờ có với vợ, ông choàng tay qua ôm ngang thân hình bé nhỏ của bà Trần, nén một tiếng thở dài, nhắm mắt ngủ.
Trăng đang khuất sau khu nhà cao tầng ở phố bên nhưng vẫn cố rớt lại trên nóc màn những tia sáng mảnh, chập chờn như ánh nến đèn kéo quân. Mới Trung thu năm trước, ông Trần tỉ mẩn ngồi suốt mấy ngày chẻ nan, dán giấy làm đèn cho cháu ngoại, bà Trần cũng ngồi bên cạnh, cẩn thận bóc từng hạt bưởi xâu vào sợi dây thép để đốt thay nến.
Hồi còn nhỏ, nhiều đêm Trung thu, ông bà đã cùng ngồi phá cỗ dưới gốc đa đầu làng. Lớn lên biền biệt xa nhà, khi bố mẹ nhắc tên cô gái sẽ được hỏi cho ông làm vợ, ông chỉ nhớ mang máng một cái dáng loắt choắt có đuôi tóc cháy nắng mà không thể nào nhớ được khuôn mặt cô bạn gái.
Dừng tay lau mắt kính bị mồ hôi làm cho nhòe, ông giật mình nghe bà Trần bảo:
– Ông Trần này, không biết kiếp sau tôi và ông có gặp lại nhau không nhỉ?
Ông lặng thinh không trả lời, bà thản nhiên bảo tiếp:
– Dù ông có không muốn gặp tôi thì tôi vẫn cứ phải gặp ông. Tôi sẽ lại tìm vào đúng nhà ông.
Ông choáng váng. Ông không tin lắm vào thuyết luân hồi nhưng đã luôn tâm niệm nếu có kiếp sau, nhất định ông sẽ đợi và tìm bằng được nàng. Ông sẽ nuôi nấng nàng, chờ cho nàng lớn lên rồi lấy nàng làm vợ. Bên sườn ông vẫn còn vết sẹo nhỏ, là do nàng cắn vào đấy, nàng bảo để đánh dấu quyền sở hữu, không cho phép phụ nữ nào dám tranh ông của nàng. Kiếp này coi như lỡ duyên, kiếp sau chắc chắn cuộc đời ông sẽ gắn chặt vào cuộc đời nàng, đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Không để ý đến thái độ của ông, bà Trần vẫn nói tiếp, giọng khẽ dần như chỉ muốn nói cho chính mình nghe:
– Kiếp sau nếu lại được làm người, thế nào tôi cũng sẽ đầu thai làm con gái của ông, ông Trần ạ, để tôi mở mắt ra là đã có ông thương yêu, chăm chút. Chỉ đến khi ông nằm dưới ba tấc đất, tôi mới không có ông nữa. Cũng không người phụ nữ nào có ông nữa. Dầu ông có muốn hay không thì trong cơ thể tôi vẫn có dòng máu của ông. Tôi sẽ sinh ra những đứa con giống ông như đúc. Tôi định thế đấy, ông Trần ạ.
Bà Trần ra đi rất bất ngờ. Hôm ấy mới chớm thu, tiết trời oi nồng rất khó chịu, bà ra vườn hái quả bầu non nấu canh ăn cho mát ruột. Sắp mâm bát tinh tươm, bà lấy quần áo, bảo tắm cho mát người để ăn cơm cho ngon. Khi tắm xong, bà lại thấy buồn ngủ nên bảo ông ăn trước. Lúc ông vào nằm bên cạnh, hỏi vài câu không thấy tiếng trả lời, ông hoảng hốt lay gọi thì mới hay bà đã đi rồi, nét mặt thanh thản như vừa chợp mắt lúc ban trưa.
Tang ma cho bà xong, các con gái tìm trong tư trang của bà thấy có một chiếc hộp khóa kỹ. Mở hộp ra thấy bên trong có cuốn sổ tiết kiệm, đôi hoa tai và vài đồ lặt vặt, còn có một phong bì đựng một tờ di chúc và chiếc nhẫn vàng. Bà đã ghi sẵn phần chia cho từng đứa con. Riêng chiếc nhẫn, bà dặn dò cẩn thận phải gửi cho một người.
Chiếc nhẫn này bà được mẹ chồng tặng trong ngày cưới, cốt để đôi vợ chồng có chút vốn riêng. Bà đã giữ chiếc nhẫn bằng mọi giá, kể cả lúc vận hạn nhất cũng không chịu bán đi. Đến cả khi cô út, đứa con hợp tính bà nhất đi lấy chồng, ngỏ ý muốn có chiếc nhẫn của bà nội, bà cũng gom tiền mua chiếc nhẫn khác chứ không cho.
Theo di nguyện của bà, chiếc nhẫn được gửi cho cô Huỳnh Thu Thủy, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Các con gái đoán già đoán non có lẽ đó là con gái một người bạn nào đó của mẹ cần được giúp đỡ.
– Biết đâu đấy chẳng là con bác nào người yêu cũ của mẹ mà mẹ vẫn hằng thầm thương trộm nhớ.
Bà Trần mất đi mang theo bí mật mối quan hệ giữa bà và cô gái. Các con về hết, một mình trong ngôi nhà trống trải, ông Trần vẩn vơ nghĩ ngợi. Ông không tin có sự trùng hợp đến vậy. Không biết từ đâu mà bà có địa chỉ của nàng, người tình bé nhỏ của ông. Có lẽ vợ ông đã sớm biết mối quan hệ giữa ông với nàng. Nhưng lạ là sao bà có thể giấu kín bí mật cùng nỗi niềm cay đắng nhường ấy trong tấm thân quá ư bé nhỏ, còm cõi, để hàng ngày vẫn chăm sóc ông một cách chu đáo, dịu dàng.
Ông hồ nghi việc bà mất đột ngột cũng là giải pháp mà bà cho là đích đáng nhất để trừng phạt người chồng phản bội, cốt để ông phải sống trong dằn vặt suốt đoạn đời còn lại mà không có bà ở bên.
Ông chua xót nhận ra rằng dù cả đời sống với nhau, trao thân gửi phận cho nhau nhưng ông không hiểu chút nào người phụ nữ đã giúp ông duy trì nòi giống. Người phụ nữ quê mùa, ít học và nhỏ bé ấy đã giữ cho mái nhà của ông bình yên sau những bão giông, là nơi ông vẫn tìm về mỗi khi bị đời làm cho tả tơi, bầm dập. Vậy mà bà chỉ được đón nhận ở ông một tình cảm nhạt nhẽo, sự đối xử cho phải lẽ chứ chưa bao giờ ông thật lòng thương yêu, coi trọng bà.
Ông Trần bất giác thở dài. Vẫn theo thói quen, ông quờ tay sang bên cạnh. Cánh tay ông buồn nản buông xuống khi chạm vào một khoảng trống lạnh đến run người.
 
Truyện ngắn. Lưu Thị Bạch Liễu

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *