Bài nổi bật

Quê Chồng – Trịnh Minh Hiếu

Nghe đọc truyện đêm khuya – Vợ chồng Hằng và Dũng về quê để dự đám tang của người hàng xóm. Hằng quê ở miền Trung nhưng lớn lên ở Hà Nội nên cô không hòa nhập được nếp sống của quê chồng. Tác phẩm được viết với giọng văn mộc mạc, giản dị thể hiện không khí ấm áp, giàu tình nghĩa làng quê đối lập cách nghĩ, cách cảm của nhân vật người vợ với mẹ chồng, với họ hàng, làng xóm của chồng. Khi quay về thành phố, hai vợ chồng bị tai nạn xe máy, Hằng mới cảm nhận được giá trị nghĩa tình làng xóm.

Hai vợ chồng còn đang ngon giấc điện thoại đã réo. Ai gọi sớm thế? Tiếng của mẹ:
– Con à. Chiều qua mẹ điện cho các con mà không được. Chú Mậu mất trưa qua. Sáng nay đưa sớm. Con phải về đưa ma… Không đi, ít nữa đến lượt mẹ, ai người ta khiêng ra đồng cho.
– Dạ, vợ chồng con sẽ về ngay! Nhưng chắc không kịp đưa…
– Thì đành đến chia buồn vậy. Muộn còn hơn không.
Vợ Dũng cằn nhằn:
– Mẹ toàn lo chuyện người.
– Lệ quê là vậy mà em…
– Quê.ê…ê! – Vợ Dũng dài giọng. – Mệt hết người. Tuần này còn ứ bao nhiêu việc, đám ma không phải người trong họ, hay là… không về?
– Anh đã hứa với mẹ rồi. Phải về!
Lời Dũng nhỏ nhưng gằn. Mặt vợ khoặm lại khó chịu.
 
Minh họa: ĐĂNG PHÚ
Hằng gốc gác miền Trung nhưng được sinh ở Hà Nội. Từ bé đến lớn, mỗi lần bố mẹ đưa về thăm quê Hằng đều giãy nảy bởi đủ lý do là về thì không có đồ chơi, không có bạn, không có điện, không có nhà tắm… Dù rất sợ nhà quê, nhưng số Hằng khổ hay sao mà lại lấy trúng phải ông chồng nhà quê là Dũng. Bố Dũng mất sớm, hai chị gái đã lấy chồng nên Dũng năng đưa vợ về quê lắm.
Những ngày đầu về quê chồng, Hằng sợ đủ thứ. Sợ cả gián, cả chuột, cả cóc… nên không bao giờ dám ra vườn một mình, luôn bắt Dũng đưa đi vệ sinh. Lần đầu tiên đun bếp rơm, Hằng cứ tống một đùm rơm to. Lúc đầu khói um sau lửa bùng bùng lên sợ quá hét ầm lên làm cả nhà cười rũ ra trước sự vụng về đáng yêu của nàng dâu mới.
Nhưng những cái sợ về sau của Hằng thì… không còn đáng yêu nữa. Nàng sợ ruồi. Chỉ cần một con ruồi đậu vào bát thức ăn là Hằng không dám gắp. Nàng sợ mất ngủ. Trời tối đen mẹ đã loẹt quẹt quét nhà. Thắp điện quét nhà, gió sớm sương độc ốm ra đấy lại khổ con khổ cháu…
Hằng cứ chê bôi thế này thế kia khiến nhiều lúc mẹ tủi thân khóc thầm. Dũng không biết dàn xếp ra sao, nên thường cố nhịn. Được cái là Hằng rất yêu Dũng nên thường sau những lúc ấy, nàng lại nhận lỗi. Để rồi mỗi khi chuẩn bị về quê như lần này lại sinh chuyện…
Từ Hà Nội về quê 30km. Dậy từ sớm, sắp xếp lỉnh kỉnh, lùng tùng đến chín giờ mới đi được. Bắt đầu ngồi lên xe, cu Nghé đã sung sướng reo lên:
– Ôi về quê thích quá!
– Thích cái gì mà thích. Đưa tai đây để mẹ nút bông.
– Ứ. Con không nút đâu.
– Không nút bụi bẩn viêm tai đấy.
Nói rồi Hằng lấy khuỷu tay kẹp chặt cái đầu của cu Nghé để nhét hai cục bông to tướng vào hai lỗ tai.
– Phát sợ vì bụi! Ô tô thì không có. Cứ thế này cả đời thì…
Dũng nghe vợ cấm cảu nhưng cho qua. Giờ chỉ cần nói thêm một câu là to chuyện.
Quê Chồng – Trịnh Minh Hiếu
Vừa về đến đầu ngõ đã thấy tấp nập người đi lại. Dũng xuống xe, bỏ mũ ra chào các ông các bà. Vợ Dũng miễn cưỡng xuống theo chồng. Có đến năm sáu người toàn ông bà già quây lại xe để hỏi han nhưng thực chất là nhìn vào Hằng:
– Thế hai cháu ở bây giờ mới về đến đây hả?
– Vâng ạ. Bây giờ cháu mới về.
Có tiếng xì xào:
– À, dâu bác Sang đây. Hôm nay tôi mới biết mặt. Cũng được nhưng… thua con bà Mậu nhiều.
– Ừ thì người Hà Nội nó phải khác.
Hai người khác còn ghé tai nhau:
– Bố mẹ làm sếp to lắm. Nhà giàu… Thôi cũng được.
– Tốt quá còn gì nữa.
– Tôi mới thấy chồng nó chào chứ đã thấy nó chào gì đâu.
– Thế kia là vợ cháu hả?
Dũng vội nhìn Hằng rồi quay ra:
– Vâng. Vợ cháu đấy.
Hằng cố nhoẻn miệng cười:
– Cháu chào các bác ạ!
– Có thế chứ. Con mẹ này được cái nết đẻ. Trộm vía, thằng cu chó cháu bà trông giỏi giai quá. Giống bố mặt to tai lớn. Sau này lại làm quan đây.
– Trông nó ăn nhiều đường sữa có khác, trắng phấn ra.
Cu Nghé cũng được khen liền hỉnh mũi lên chào các ông các bà rất lễ phép khiến Hằng hãnh diện vì cách dạy con của mình lắm lắm.
Hết tốp này đến tốp khác từ trong nhà đám ra. Phía trong nhà hương án vẫn nghi ngút.
Thắp hương xong, hai vợ chồng Dũng ra ngồi bàn uống nước. Hằng chỉ muốn
về luôn nhưng Dũng đã kín đáo kéo vợ lại. Vừa ngồi xuống, đã có một bà già đến:
– Sao các cháu không về từ hôm qua để xem tế kèn?
Một bà khác ngồi ở bàn bên kia bắt luôn chuyện:
– Đêm qua phường kèn diễn trò Mục Liên. Mấy ông thợ kèn hát hay lắm. Khắp cả mặt thuyền toàn tiền năm nghìn trở lên. Con cháu nhiều, chết cũng sướng!
Nói xong bà quay sang hỏi Dũng, giọng đầy trách móc:
Thế cháu bận gì?
– Dạ… Chúng cháu… nhiều việc quá…
Một bà khác chêm vào, lời đầy ẩn ý:
– Ít nữa đón u mày ra ngoài ấy cho sướng.
Dũng chưa biết đỡ đòn thế nào thì một bà khác bồi thêm:
– Sướng cái nỗi gì! Cái lần tôi ra chơi với con Lan nhà tôi nó đẻ mà tôi muốn về ngay. Nhà thì hẹp. Ai lại chỗ đi ỉa đi đái lại liền ngay chỗ ăn cơm. Nhà thì lau sạch bóng, đi cứ ngại cả chân. Thế mà mình kềnh ra nằm nó lại nói mình bẩn. Người thành phố ngủ gì mà muộn, sáng ra mình nằm đến đau hết cả người chờ nó dậy mà mãi nó chẳng dậy. Quen ở nhà tinh mơ đã ăn, đói cồn cào cũng phải nhịn. Đúng là sểnh nhà thì ra thất nghiệp.
Bà Mậu vừa tiễn mấy người khách xong quay vào liền bị túm lấy hỏi:
– Tôi hỏi khí không phải, tất tần tật được bao nhiêu vòng hoa người ta đến viếng hả bà?
– Ở nhà thì có ba tư hay ba nhăm gì đấy. Lúc đưa ra đồng lại có mấy ô tô cơ quan mang vòng hoa đi theo.
– Đám ông Mậu là nhiều vòng hoa nhất làng đấy!
– Vâng cơ quan công an huyện chỗ cháu Thìn cũng đông. Lại còn chỗ cháu Thắng huyện ủy, tuy là con rể nhưng họ cũng về viếng nhiều. Lại còn chỗ cháu Thư, cháu Thanh nữa. Các cháu quan hệ rộng nên bạn bè nhiều. Thôi ông nhà tôi đi có hơi sớm nhưng thế cũng sướng.
– Phải. Ai chết được như ông Mậu, sướng quá còn gì!
Bà Mậu đáp lời tất cả và cũng không quên tới bên vợ chồng Dũng:
– Để dì bảo các em nó dọn mâm, ăn với dì lưng cơm muối đã rồi về.
Hằng, mới nghĩ đến việc phải ngồi ăn trong cái mùi tang tóc ghê người đã vội rùng mình đáp:
– Chúng cháu xin phép phải về vì có việc gấp ạ!
Một bà liếc xéo Hằng, bóng gió:
– Con Thư nhà bà Mậu đây không phải duyên phải số với thằng Dũng. Nhưng bây giờ cháu cũng được sướng rồi. Hôm qua cơ quan chồng nó đi mấy cái ô tô về viếng ông ấy. Nó cũng mua cho vợ nó cái xe máy những gần trăm triệu. Nhà cũng xây năm kia rồi…
Nhắc đến cái tên Thư, người Hằng nóng bừng như phát sốt. Cái cô bạn thời chăn trâu cắt cỏ mà người làng đã gán ghép cho Dũng, tuy không thành đôi nhưng Dũng vẫn dành cho cô ta một tình cảm trân trọng lắm. Hằng đứng phắt dậy:
– Thôi, vợ chồng cháu về vào chia buồn với gia đình dì. Giờ chúng cháu xin phép về trong nhà.
Dũng đành đứng dậy theo vợ. Chưa đến nhà, Hằng đã sa sả:
– Đám ma gì mà như để khoe của. Bà ấy làm như con gái nhà bà ấy cả thiên hạ không ai bằng. Sao ngày xưa anh không lấy nó để được hưởng giàu.
– Em thôi đi! Nếu vì địa vị giàu sang anh đã lấy con gái ông thứ trưởng. Sao em không ghen đi.
Vừa lúc mẹ Dũng cũng bế cháu vào nhà. Mặt bà lộ vẻ không vui:
– Có chuyện gì mà mặt như đưa đám thế?
Hằng đổi mặt cố tươi:
– Thì vào đám ma mà mẹ.
– Người ta cười con ít mồm ít miệng đấy.
– Thì vào con cũng chào mọi người. Nhưng đông thế làm sao con chào hết.
– Ở quê nó khác. Ở phố muốn thế nào thì thế không ai để ý. Đất có lề, quê có thói. Người ta góp ý thì con phải rút kinh nghiệm.
Hằng thở dài một tiếng “ơi rời” rồi đi vào buồng.
Vừa lúc đó, thằng Nghé lại chạy vào sà vào lòng bà Sang:
– Bà nội ơi. Hôm sau con về bà lại cho con vào đám ma chơi nhé. Vui thế.
– Ừ. Bây giờ hai bà cháu mình lại ra đấy.
Còn lại hai vợ chồng. Dũng vào buồng gọi vợ dậy:
– Em dậy đi. Anh vừa bật bình nóng lạnh rồi đấy. Ăn cái bánh đã rồi có tắm thì tắm.
Hằng vẫn im lặng.
– Em dậy đi. Anh phải đi có tí việc bây giờ.
– Anh đi đâu?
– Thì em cứ dậy đã.
Hằng vội từ trong buồng bước ra.
– Đi đâu? Đưa vợ con về còn mình thì lại đi chơi. Lúc nào cũng bạn bè.
– Nói thế để dậy. Nhìn cái mặt em buông xuống kìa! – Dũng cố pha trò để Hằng vui: – Em bây giờ oai lắm rồi. Được lên ngôi bà. Dâu của chi trưởng, ngôi rõ cao.
– Oai cái đếch gì. Cho ai cái oai đấy thì cho. Làm dâu thứ trưởng bộ trưởng còn có tiền có bạc, có danh có giá chứ làm dâu trưởng, chi trưởng thì được cái gì. Có mà đi hầu thiên hạ thì có.
– Chanh chua vừa thôi. Sống quê cha, ma quê chồng. Ít nữa mình chết con cháu phải đưa về làng này làm ma đấy.
– Lo vớ vẩn. Điên mà về làng này. Ra hóa thân Hoàn Vũ, năm phút thiêu, xong toàn thây!
– …!!!
* * *
Ngủ dậy đã ba giờ chiều vẫn chưa thấy hai bà cháu đi chơi về. Hằng giục chồng đi tìm. Dũng bảo:
– Bao giờ nó về thì đi. Đi muộn một tí thì sao.
– Anh hay nhỉ. Thế năm giờ mới về thì năm giờ mới đi chắc. Có giờ có giấc chứ. Mà đi chơi cùng bọn trẻ ở đây bẩn lắm. Nhơm nhếch mũi dãi. Lại hay nói bậy. Hôm nay về bà ngoại luôn xem ông bà về quê thế nào.
Nói rồi Hằng bấm điện thoại:
– A lô. Mẹ à…
Mẹ Hằng bắt máy, chẳng kể gì chuyện thành phố, lại cứ dặn Hằng phải thế này thế nọ với đàng chồng. Nào là dâu trưởng thì thỉnh thoảng phải ra thăm mộ các cụ kẻo trâu bò nó phá, trẻ con nghịch ngợm. Không quan tâm có tội với ông bà tổ tiên đấy. Sống về mồ về mả… Nào là mỗi lần về quê chỉ có một hai ngày, chịu khó mà nhà cửa cơm nước cho sạch sẽ, đừng có ỷ lại như ở nhà. Nào là ăn nói cho cẩn thận. Nhiều lúc mẹ còn bực về con đấy. Quê người ta vì tốt nên hay nhịn…, ù hết cả tai. Hằng đáp dỗi:
– Vâ.â….âng. Lúc nào mẹ cũng nói…
Ngồi thần một lát, Hằng bảo Dũng lấy cho bật lửa rồi đến bàn thờ rút mấy nén hương, lầm rầm khấn khứa. Nàng cũng định bảo Dũng đưa đi thăm mộ. Những nấm mộ có những chân hương chõe bạc phếch đã lâu lắm rồi nàng chưa thăm lại.
Nhưng chưa kịp đi thì cu Nghé chạy ùa từ cổng vào gọi mẹ rối rít:
– Mẹ ơi. Bà cho con xem con nghé nhé. Con tên là Nghé, nó cũng tên là Nghé. Nó kêu ọ ọ to lắm mẹ ạ.
Vừa nhìn thấy con quần áo, giày lấm lem đất, Hằng đã nhăn lên:
– Sao con lại bẩn thế này?
Mẹ Dũng đến bên rũ lại quần áo cho cu nghé:
– Kệ nó. Bùn đất cho chóng lớn. Trẻ con nó phải chạy chơi đùa nghịch, chứ cứ ngồi một chỗ cho đù người ra. Hôm nay bà cho ra đồng đấy. Hôm nay nghé còn nhìn thấy con gì trắng trắng bay bay nhỉ?
– Con chim. À, con cò mẹ ạ. Con cò nó bay bay mẹ ạ.
– Chết! Thế thì cháu hôm nay về ốm mất. Lần sau bà đừng cho nó ra đồng làm gì.
– Ứ. Lần sau về con lại ra.
– Không ai cho con ra cả.
– Con ra một mình. Con biết đường đi rồi. Ra khỏi cổng nhà mình rồi đi vòng vòng là đến bà nhỉ.
– Mẹ cấm nhé!
– Thế con không đi một mình. Con đi với bà.
– Đi với bà cũng không được.
Cu Nghé xỉu cái mặt xuống:
– Ứ ừ. Không chơi với mẹ nữa.
– Nào cởi hết quần áo ra mẹ thay, vào nhà tắm rửa ráy rồi còn đi.
Bà Sang lẳng lặng vào nhà mang ra cái rá đựng độ hai cân gạo nếp, trên đặt mấy quả trứng gà so và xách theo một nải chuối đã lốm đốm chín ra trước cửa nhà. Bà bọc từng quả trứng vào mảnh giấy báo đã được cắt nhỏ. Dũng ngồi cạnh căng miệng túi vải để mẹ cho trứng vào.
Tự nhiên, trong nhà tắm tiếng cu Nghé khóc ré lên. Hằng chạy hộc tốc đến trước bà Sang hốt hoảng:
– Bà cho cháu ăn gì mà mồm nó tanh ngóe, lưỡi đen, răng đen thế.
– À. Thằng con nhà Nghiên với con nhà Bút, hai anh em nó vừa chăn trâu vừa bắt châu chấu cào cào. Thấy anh Nghé ra, quý anh, nó vo tờ giấy với mấy cái lá khô nướng luôn con muỗm cho anh. Bà kiểm tra rồi. Con muỗm chín vàng, đuôi còn bị cháy ra bà mới cho ăn.
Hai chân Hằng như giãy nảy lên:
– Chết mất thôi! Sao bà lại cho cháu ăn thế? Ăn vớ ăn vẩn! Có khi đang trên đường đi phải gọi cấp cứu.
Dũng trấn an:
– Ăn muỗm thì có làm sao mà em làm ầm lên thế. Ngày bé anh ăn suốt.
– Thức ăn mua về còn phải ngâm nước muối, sục ô zôn mới dám ăn. Đây con sâu con bọ nhiễm đầy bụi bẩn đất cát, bay đậu linh tinh thế mà cho vào nướng rồi ăn sống ăn xít. Có anh mới ăn thế chứ không ai ăn thế cả.
– Hu hu… – Cu Nghé bật khóc. Bà Sang chạy ra ôm cháu dỗ dành:
– Thôi nín đi cháu. Lần sau bà không dám cho ăn nữa, không mẹ lại đánh oan.
Cu Nghé như trút cơn tủi thân khóc nức khóc ngạt. Mẹ nó vẫn kéo ra để nhét hai cục bông vào tai làm nó càng khóc to hơn. Bà Sang rơm rớm nước mắt.
Dũng dắt xe ra khỏi cổng, chờ Hằng ngồi lên mới nổ máy. Cu Nghé nhỏn nhẻn chào bà qua lớp khẩu trang hoạt tính.
Không rõ tại sao mà hôm nay bà Sang thấy hơi xăng từ chiếc xe của con quá ngột ngạt. Tiếng xe gằn đến chói tai. Đầu bà tự nhiên ong ong khó chịu. Bà đờ đẫn quay vào nhà nằm.
* * *
Mới thiêm thiếp, bà Sang chợt bừng dậy. Có tiếng rầm rập trong ngõ. Bà vùng dậy chạy ra cổng. Con dâu bà mặt nhăn nhó, chân thập thễnh được con gái bà Khang dìu đi trước. Mấy người xách đồ đạc đi sau. Cu Nghé được bố bế trên tay. Nhìn thấy bà, nó khóc to lên rồi suột xuống chạy ôm chân bà. Chưa kịp hỏi thì giọng ông Ba Sự đã oang oang:
– Thật phúc cho nhà bà!
Bà Sang lặng người, mặt tái nhợt. Bà Tuy vừa bước vào cổng đã lên tiếng:
– Hôm nay nhà bà phải ăn mừng to. Tưởng phải đi cấp cứu cả nhà. Xe thằng cu kia toang hết cả cái yếm. Đây, tôi mang cho cái lọ này.
Bà Tuy bảo Hằng vén cao ống quần lên. Rồi bà giơ cái chai bé như chai rượu cúng về phía bà Sang:
– Bà nhìn, loại mật gấu này tốt lắm. Có độ như hạt đỗ mà ngấm xanh cả cái lọ. Cháu Thịnh được bạn tận Cao Bằng cho đấy. Bác xoa cho, đêm nay là hết sưng, mai đi làm bình thường.
Bà Tuy đổ một tí ti đủ ướt lòng bàn tay rồi xoa đi xoa lại xung quanh đầu gối kéo xuống bụng chân Hằng. Có lúc bà bóp mạnh đến đau điếng, lúc nhẹ mơn man một cách lành nghề.
Người làng kéo đến mỗi lúc một đông, loáng cái đã chật cả sân nhà. Mọi người nhìn đổ dồn vào bàn tay của bà Tuy di chuyển lúc nhanh lúc chậm. Ngộp trong im lặng. Hằng thấy ân hận đến sợ hãi. Tất cả mọi người đều mộc mạc, quê kệch. Từ cái quần cái áo đến nước da se se rám nắng. Những bàn tay bàn chân thô nhám còn bám màu đen của đất. Tiếng nói đặc sệt âm thổ vùng đồng chiêm trũng. Họ chân thật đến vụng về khiến cho Hằng trước kia đã thầm dành cho họ những từ miệt thị: dỗi hơi, lắm chuyện, bao đồng… Lúc cả gia đình nhỏ của Hằng ngã vật xuống đường làng mỗi người bắn đi một nơi, Hằng đã bàng hoàng nghĩ tới cảnh những nạn nhân nằm quằn quại giữa phố đông trước sự bàng quan dửng dưng đến thản nhiên của người thành phố. Nhưng ở đây thì không. Chỉ một tích tắc, dân làng đã ùa cả ra. Người nâng cu Nghé, kẻ đỡ Dũng, người dìu Hằng, người nhặt nhạnh đồ đạc… Họ cuống quýt hỏi han bằng sự lo lắng thực lòng. Chính trong lúc ấy, Hằng bừng hiểu một điều giản dị: Nhờ nếp sống làng quê gắn kết của những con người này mà mẹ chồng nàng, dù cảnh góa bụa vẫn có nơi cậy nhờ để vượt qua bao nỗi vất vả truân chuyên nuôi con ăn học nên người. Để nàng có một người chồng chân phương, tài ba mà nhân hậu. Để nàng có một thằng Nghé thiên thần mà hồn nhiên… Vậy mà, có lúc nàng đã bẵng tâm đến ngạo mạn.
Nỗi ân hận cứ đầy lên làm cổ họng Hằng tắc nghẹn, nước mắt trào ra tự lúc nào. Bà Tuy ngẩng lên nhìn cô cười:
– Con gái thành phố có khác. Mới sượt tí da chân đã khóc.
– Đã vần gì. Cái chân trắng thế này mà nhúng xuống ruộng đỉa nó cắn vãi máu ra thì chắc vợ Dũng sợ mất hồn mất vía.
Mọi người cười rũ. Hằng gạt nước mắt bật cười theo. Tiếng cười phút chốc xóa đi những gì lạ lẫm mơ hồ trước đây. Có gì rất gần gũi, ấm áp đang nhen dần trong nàng. Nàng cảm nhận rất rõ có một sợi dây tình cảm vô hình đã xoắn chặt nàng với nơi này. Lần đầu tiên, nàng nhận ra mình vui khi ở quê. Quê chồng.
Tác giả: Trịnh Minh Hiếu – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *