Bài nổi bật

Sông Yêu – Lương Mỹ Linh

RadioVn.Com – Mẹ nói, con gái mà la cà suốt ngoài bến sông là không nên. Mẹ còn nói, giếng nước, bến sông, lạch, đìa… nơi mô cũng có một “BàThủy” quản. Vốn là nước, nên tánh khí bà cũng lúc đục lúc trong. Bà thương ai, nâng đỡ người đó. Bà ghét ai, nhấn chìm người đó. Nhưng cũng lắm khi, vì yêu ai đó quá, bà bắt theo mình. Ghét ai đó quá, bà cho trôi nổi phập phồng, uống nước no căng cả bụng nhưng vẫn phải sống, phải vật vờ nửa tỉnh nửa mê…
 
Lời mẹ, những đêm đông mịt mù, gió rin rít ngoài sông,trôi vào giấc ngủ chập chờn, bóng dáng người đàn bà cưỡi trên sóng nước, khăn áo tung bay phần phật, cất tiếng cười rờn rợn khói mây. Lời mẹ, những đêm trăng vằng vặc, bãi cát ven sông lấp loáng, những bụi cây lúp xúp, nhấp nhô, biếnhình kỳ ảo. Hình như “Bà Thủy” cũng lên bờ, bà xõa tóc trắng trải dài trên cát, bà tinh nghịch thổi sáo vi vút qua mắc kiếng thân tre, bà đỏm dáng mượn mấy tàu lá chuối làm xiêm y lướt thướt…
Sông Yêu – Tác giả: Lương Mỹ Linh
 
Lời mẹ, những trưa chang nắng, ì ạch phụ đẩy chiếc xe bò chất đầy lúa, rơm rạ mùa vàng. Nắng ươm hồng đôi má, mồ hôi nhễ nhại quệt với bụi đường. Về tới bến sông, muốn hò, muốn hét, muốn nhảy tùm tùm, để nước trong xanh cuốn trôi bao gian nan, mệt nhọc. Lời mẹ, những chiều trốn học, thơ thẩn ven bờ, men theo hương gió chui vào các bụi rậm, dấu vào túi áo những chùm dủ dẻ ngạt ngào. Đêm về cha mắng, mẹ buồn, bối rối đổ oan rằng, tại mày hết đó, sông ơi!
 
2.Dân làng Tình râm ran. Con Mưa coi vậy mà lanh thiệt. Chẳng biết tíu tít tự hồi nào, khi chiều đã khăn gói theo ông – chủ -tốt – bụng, nghe đâu đi đến tít tận trời Âu. Việc ông – chủ – tốt – bụng chọn nó, thiệt tình không lạ, nó chẳng phải là bông hoa nồng thắm nhất của làng đó thôi. Có Mưa ở đám ruộng nào, lũ con trai tranh nhau khoe mã, vác cả cánh đồng lúa cũng chưa thấm mệt. Mưa khỏa nước bến sông, lũ trai thầm ước, giá có thể biến thành lũ cá vây quanh, tha hồ nhìn ngắm. Mưa vốn hiền hòa, thục nữ, gặp ai cũng thưa chào. Nhưng Mưa cũng kín đáo, trước bao lời bóng gió, chỉ chúm chím cười chưa ngả về đâu. Nhưng lạ ở chỗ, lâu nay đâu ai thấy Mưa qua lại với ông -chủ – tốt – bụng, cả với cơ – ngơi – của – ông, nơi cả làng nháo nhào vào đấy.Thiệt, lạ thiệt, mà ông – chủ – tốt – bụng vốn tử tế đến thế, đàng hoàng đến thế, lại chưa thấy đến nhà Mưa thưa chuyện, lẽ nào đã dắt Mưa đi rồi. Còn làng,còn nước nữa, con bé vốn ngoan hiền, nhu mì đến vậy, lẽ nào bỗng dở chứng đi ngang về tắt thế a?!
3.Làng Tình như cô con gái đẹp mà trời đất đã ưu ái ban tặng. Đầu gối chênh chếch lên sườn đồi, hai chân thoai thoải xuôi theo dòng sông lững lờ. Dòng sông kỳ lạ, phía thượng nguồn vốn eo hẹp, dốc đứng, nhưng đến làng Tình, lại trải lòng mênh mông với bãi cát trắng phau. Quả đồi cũngvậy, giữa vùng đồng bằng, bỗng dưng nổi lên vệt đất xanh mướt. Nhìn trên cao, giống như con thằn lằn xanh nổi lên trên mặt đất, lúc nào cũng cây trái xôn xao. Truyền rằng, tổ tiên làng Tình vốn cư dân sông nước, ngày qua tháng lại rong ruổi dọc các triền sông. Nhưng một ngày kia, vượt qua bao ghềnh thác, hiểm nguy phía thượng nguồn, đến đoạn sông này, lại không thể đi được nữa. Đất níu chân người, vì thế mà nên làng, nên xóm, nên tên là… Tình!
Với kinh nghiệm học được từ các dòng sông, tổ tiên làng Tình đã truyền cho con cháu bao đời bí quyết giữ đất, giữ làng. Sườn đồi phải luôn xanh mướt. Một cây già đi, trước khi ngả xuống, đã phải có năm, mười cây kế nghiệp. Bãi cát ven sông là ranh giới “bất khả xâm phạm” giữa làng và sông. Người làng, từ bé thơ đến già nua,ai cũng yêu, cũng quý bãi cát như núm ruột của mình. Không những không được phép đào, chở cát, mà còn phải kế tục nhau chăm sóc, trồng thêm thật nhiều tre dọc triền sông để gìn giữ cát. Giữ được đồi xanh, cát trắng là giữ được làng!
 
 
4.Ông – chủ – tốt – bụng nói, ngay từ khi đặt chânđến làng Tình, ông biết mình không đi được nữa. Hơn nửa đời phiêu bạt đất khách quê người, bây giờ ông mới ngộ ra, bến nước con sông này chính là lời kêu gọi thắm thiết để ông quay về. Dẫu không phải là dân làng Tình, nhưng ông nguyện sẽ đem hết sức mình cùng dân làng gìn giữ và phát triển vùng đất này. Vẫn theo bài học cũ, đồi xanh và cát trắng, nhưng cũng cần bổ sung thêm chút hiện đại nữa. Thực ra, làng Tình chỉ may mắn đó thôi, đã có bao nhiêu ngôi làng, bao nhiêu triền sông đã bị xóa sổ, nếu chỉ với bài học cổ truyền ấy. Thiên nhiên bây giờ, hung hãn và kỳ lạ hơn nhiều, nào là ảnh hưởng, nào là biến đổi…
Ông nói nhiều lắm, dẫn ra nhiều chuyện lắm, chuyện đây, chuyện đó, những cái tên đất, tên người mà dân làng Tình nghe mang máng, quen quen, hình như cũng đã nghe đâu đó trên đài, trên báo, nhưng thực sự không hấp dẫn bằng lời ông nói. Rồi ông vạch ra cho làng Tình một lối đi mới, bảo đảm không chỉ giữ được làng, mà còn đưa nó vào, không phải, đưa nó ra thế giới.Phải cho dung nhan làng Tình được diện kiến cùng bàng quan thiên hạ, phải kéo cho được thật nhiều người đến tận làng Tình để nhìn ngắm cô gái mỹ miều còn đang ngái ngủ này. Bao lâu này, người làng Tình có phúc nắm giữ một báu vật mà không hay, ông sẽ đem cái phúc ấy chia đến từng nhà. Cũng không phải việc đào sông lấp núi, nặng nhọc chi nhiều, chỉ cần dân làng Tình đồng thuận với ông, nhất định, cuộc sống sẽ khác, tương lai sẽ khác…
Ông nói nhiều lắm, hay lắm, người làng hoan hô, vỗ tay đôm đốp. Không lâu, ông trở thành ông – chủ – tốt – bụng của làng Tình. Một phần làng dọc triền sông thuộc quyền quản lý của ông. Người làng Tình thấy mình được nhiều hơn mất. Phần đất ấy đâu của riêng ai, nó là vành đai chung củalàng, là bến bãi tụ tập của già, trẻ, gái trai. Chỉ thiệt chút xíu, là bây giờ ai muốn đến với khúc sông của làng Tình, phải đi nhờ qua cơ ngơi của ông chủ.Mà ông chủ thì tốt bụng lắm, không lập hàng rào, không che chắn gì cả. Ông chỉcho dựng mấy cái cổng tre tượng trưng, dọn dẹp sạch sẽ tượng trưng phần đất thuộc quyền quản lý của ông. Ông còn mở rộng những lối đi ra bến sông, bãi cát, san lấp gồ ghề, quét dọn cỏ rác. Ông nói, sau bao nhiêu năm thực địa, lang thang với nhiều làng mạc, bây giờ ông mới gặp được vùng đất như ý nguyện. Đúng làng Tình là một báu vật. Đất ở đây thuộc loại đặc biệt, tầng dưới cứng rắn,tầng trên tơi xốp, mịn màng. Những con đường làng, chỉ cần nạo rãnh hai bên,trải đất khum khum hình lưng rùa là trở thành những lối đi mà các con đường bê tông, đường nhựa cao cấp cũng không sánh bằng. Trên đầu là những tán cây râm mát, dưới chân là lớp đất êm mượt như trải thảm. Đất xốp nên không đọng nước, bóng râm nên không bị nắng hạn làm tung bụi mịt mù. Ông cho dựng mấy ngôi nhà tranh vách đất “100% nếp nhà Việt” quay mặt về hướng bờ sông lộng gió. Mấy bụi tre, bụi chuối, hàng cau được sắp xếp lại một cách trật tự, được rong cành, cắt nhánh gọn gàng. Cái giếng đất cổ lổ sĩ, dân làng đã bỏ quên lâu lắm rồi (từ khi có điện, có máy bơm!), được ông cho phát quang cây cỏ, lát thêm mấy hàng gạch thẻ chung quanh, dựng thêm cái dây kéo nước kĩu cà kĩu kịt. Ngôi miếu hoang um tùm cũng được tu sửa sáng sủa…
Tất tất cả những việc ấy, ông đều giao cho người dân làng Tình làm. Ai muốn làm cũng được, cứ nói ông chủ một tiếng, ông gật đầu ngay. Những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ thì được ông mời đến, dắt đi loanh quanh, theo lời thì ông đang tranh thủ học hỏi kho kiến thức dân gian vô tận trước khi bị các cụ mang về với đất. Cuối buổi, cuối ngày, ông đều trả công hậu hĩnh. Cụ nào từ chối, ông mang đến tận nhà, nài nỉ, cảm ơn rối rít. Ông nói, ông đi khắp Á Âu, lấy tới mấy cái bằng kiến trúc sư, tiến sĩ, nhưng những điều học được ở các cụ già thì chưa có trường lớp nào truyền cho. Vì thế, chút quà mọn của ông, chẳng thể xứng với công lao các cụ, chẳng qua là chút lòng thành, mong các cụ vui vẻ, trường thọ,bày biểu cho ông thêm nhiều việc nữa…
Sông Yêu – Tác giả: Lương Mỹ Linh
 
Suốt ngày, bà con làng Tình gọi ông chủ ơi ới, mấy cô mấy cậu thanh niên thì trêu ông giàu có, đẹp trai, thanh lịch vậy mà sống một mình phí quá, ông muốn chọn cô nào ở làng, đều được cả, theo không hết, chẳng đòi hỏi gì. Mấy đứa trẻ con, rảnh rỗi cũng ùa đến với ông chủ, ông cùng chúng đá banh,tắm sông, cùng chúng lấy giấy gấp thuyền, gấp chim, lấy lá làm kèn, lấy cộngchuối làm súng… Đứa nào làm được nhiều, làm đẹp, được ông thưởng kẹo, thưởng bánh. Cái tên Ông – chủ – tốt – bụng truyền nhau, râm ran từ đầu làng đến cuối xóm.
5. Chỉ có Mưa là không nói năng gì, lại có vẻ cố ý tránh mặt ông. Vườn nhà Mưa tiếp cận với phần đất của ông nhiều nhất làng. Ranh giới là mấy bụi chuối hoặc hàng dây leo quanh co. Lối vườn nhà Mưa ra sông, ông vẫn để nguyên toang hoác, nhưng hầu như không thấy bóng dáng Mưa qua đó. Lũ bạn làm việc cho ông chủ, cứ đứng bên ngoài nheo nhéo gọi Mưa. Chúng còn to mồm gán ghép Mưa với ông. Những lần tình cờ gặp nhau trên đường làng, ông nở nụ cười tươi từ rất xa, đưa tay lên vẫy vẫy, nhưng Mưa cứ im lặng kéo nón đi qua, làm ông chủ cụt hứng đứng ngẩn bên đường. Cũng không ít người bĩu môi, biểu Mưa là thá gì mà làm kiêu với ông chủ thế. Một cô gái quê như Mưa, chưa mấy lần ra khỏi đồng làng, vậy mà dám vô phép với một người hào hoa, lịch thiệp, học rộng,tài cao như ông chủ… Trước bao lời, ông chủ cũng chỉ cười tươi, lại còn đến nhà Mưa, nói chuyện đồng án, chuyện làng, chuyện xóm với cha mẹ Mưa nữa. Ông cònnói, lối ra bến sông của nhà Mưa là một trong những lối đi đẹp nhất của làng. Sau này, nếu cơ –ngơi của ông hoàn thành, đi vào nề nếp, ông muốn gia đình Mưa cùng hợp tác để du khách lại qua…
 
Thực ra, những lời ông chủ nói, những việc làm của ông, đều được Mưa quan sát, lắng nghe rất kỹ. Làng Tình bé như bàn tay, một người lạ đến, lại cùng sống, cùng ăn ở, cùng làm bao nhiêu là việc “kinh thiên động địa” vậy, lẽ nào Mưa lại bàng quang. Nhưng không hiểu vì sao, ngay đêm đầu tiên, khi làng tổ chức họp để ông chủ ra mắt và tiếp xúc với bà con, khi những người chính quyền nói đến việc thỏa thuận giao hẵn vùng đất ven sông cho ông, trong Mưa có gì như òa vỡ. Suốt buổi tối hôm đó, cùng nhiều ngày sau nữa, nhữnglời ông chủ nói cứ ong ong bên tai, và cảm giác như đánh mất cái gì đó cứ đeo đuổi trong Mưa. Ngày ngày, nhìn bãi cát, bụi cây được chỉnh trang gọn ghẽ, Mưa tưởng chừng ai đó đang lấy dây trói chặt tay chân mình. Tiếng gió qua sông bây giờ hình như cũng khác. Mùa hoa dẻ nở rồi sao không thấy đưa hương!?
 
Mưa rùng mình cố xua đuổi những ý nghĩ, những ảo giác cứ vây lấy mình. Nhưng kỳ lạ, càng xua đuổi, nó lại đến gần hơn, hiển hiện như thể nắm bắt được. Cái cảm giác ấy cứ rủ rê Mưa ra dọc triền sông. Nhưng không thể công khai tung tăng như trước nữa. Mưa sợ ông chủ bắt gặp. Vì thế, Mưa( g8 V5 T4 A6 J/ ~( n$ G/ H$ O: U
ngóng “lịch” của ông rất kỹ. Ngày nào nghe lũ bạn nói, ông chủ đi lên huyện, lên tỉnh… là Mưa lại ào ra với sông. Ngụp lặn trong dòng nước mát, nhắm chặt mắt để mặc nước mơn trớn da thịt mình,hay duổi dài trên bãi cát, thả những ý nghĩ bồng bềnh theo các đám mây… Mưa thấy trong người như dịu lại. Bao cảm giác bồn chồn tan biến mất. Có những đợt đợi mãi, đợi mãi vẫn chẳng nghe ông chủ đi công chuyện, Mưa bứt rứt đứng ngồi không yên. Đêm đến, khi những tiếng xôn xao bên “vùng đất ấy” lặng đi, Mưa rón rén ra sau vườn, băng qua bãi cát trơn tuột ánh trăng. Mưa bồi hồi đi dọc triền sông, tiếng con nước ì oạp vỗ bờ hay tiếng tim Mưa đang nhộn nhịp. Sông vẫn lửng lờ như bao ngày, làng Tình của Mưa vẫn chìm trong giấc ngủ, sao Mưa lại có cảm giác sông đang dần bỏ làng Tình, đang dần bỏ Mưa trôi về nơi xa tít…
 
6.Ông- chủ – tốt –bụng nhếch miệng, cười nhạt: Bộ cô tưởng thế gian này có mỗi một làng Tình thôi ư? Bộ cô tưởng tôi yêu làng Tình thật ư? Bộ cô tưởng dân làng Tình của cô thông minh, tài giỏi lắm ư? Ha ha, một đám người nhà quê, làm việc thì chậm chạp, thô kệch. Đứa trẻ nít thì ranh ma, ngốn kẹo bánh như tằm ăn rỗi. Đám thanh niên thì láu cá, suốt ngày động miệng thì nhiều chứ đâu muốn động tay, động chân. Đám người già thì bộ tịch, không xòe tay nhận tiền nhưng quà cáp trên mâm thì chẳng chối từ. Cả đám người ấy mà muốn được mãi đi ngang về tắt trên lãnh thổ của tôi ư? Cả đám người ấy mà sẽ song hành cùng tôi để tiền đẻ ra tiền ư? Ha ha, chỉ có cô thôi, người duy nhất nhạy cảm, suýt nắm được cái đuôi của tôi rồi, nhưng mà, ha ha, cô cũng là người dại khờ nhất cuối cùng của làng bị tôi chinh phục. Ha ha…
 
Bộ cô tưởng tấm vé này sẽ đưa tôi về nơi tôi đã xuất phát? Cô có đọc được dòng chữ trên này không? Có biết nơi tôi sẽ tiếp đến là nơi nào không? Để tôi nói cô biết nhé, đó cũng là một ngôi làng, một dòng sông, còn đẹp hơn ngôi làng, đẹp hơn cả dòng sông mà tôi vừa bỏ lại. Ở đó, chắc chắn sẽ có nhiều cô gái đẹp hơn cô nữa, kiêu sa hơn cô nữa. Nhưng rồi thì sao?
 
Cô nhất định không đi với tôi? Cô chỉ muốn ra đây để tận mắt chứng kiến tôi quay về? Được, cô sẽ thỏa nguyện. Nhưng trước lúc chia tay, để tôi thì thầm cô nghe nhé! (hề hề, cũng là để tôi diễn nốt cảnh tình tứ lâm ly cuối cùng này!). Tôi đâu còn thời gian để ở lại làng Tình của cô nữa. Nhiệm vụ của tôi đã kết thúc. Những người quản lý khác sẽ đến. Công việc vẫn tiến hành như ý định. Nhưng họ sẽ hoàn toàn trái ngược với tôi. Người làng ư, có cánh cửa nào đón chào họ vậy? Thời đại công nghiệp này mà phải đi nuôi những người làm công đi trễ về sớm đó ư?Lãnh thổ của tôi là của tôi, ai cho phép được tự do như đi vào bãi đất hoang vậy?Người của tôi sẽ phục vụ cho khách của tôi. Không, tiền của tôi chỉ phục vụ cho tiền của tôi thôi. Cô, một thôn nữ yếu đuối mỏng manh mà dám cản con đường phía trước của tôi ư? Thật tội nghiệp!
Nhưng dù sao cũng cảm ơn cô. Chân thành cảm ơn cô đã tiễn tôi đi một cách ngoạn mục như thế. Ấy, đừng trợn tròn đôi mắt nai xinh đẹp lên như thế. Người ta đang nhìn chúng ta đấy. Hãy cúi mặt buồn rười rượi mới giống cảnh một người yêu tiễn một người yêu. Biết đâu, trong đám người lô nhô ngoài kia, có ai đó họ hàng bà con với làng Tình của cô thì sao? Cả đôi môi xinh xinh kia nữa. Đừng bặm lại như vậy, bẫm máu thì oan cho tôi quá. Người ta lại tưởng tôi thô bạo cắn nhầm. Cô không muốn nói gì với tôi à. Ừ, thôi, hãy để dành mà đem về kể lại tất cả cho dân làng Tình của cô nghe. Nhưng liệu họ có tin cô không nhỉ?
Ai là người làm cho ông – chủ – tốt – bụng phải đau đớn ra đi? Ai là người đã hớt mất cái phúc mà tổ tiên bao đời của làng Tình để lại? Ai nhỉ? Tôi lại phải trả lời nốt thôi. Cô biết không, đêm qua, sau khi chia tay cô ở bãi cát ven sông, tuy lòng đầy hưng phấn, nhưng tôi về cũng đã kịp thảo một bức thư đầy mùi mẫm. Chắc giờ này cả làng đã đọc hết rồi, đến lũ trẻ cũng thuộc rồi cũng nên. Tội nghiệp, chỉ có cô là chưa đọc được. Nhưng thôi, đã làm phúc thì làm phúc cho trót, tôi đọc cho cô nghe nhé! Tôi rất yêu làng Tình, nhưng có một người còn làm cho tôi yêu hơn. Đó là Mưa. Mưa của làng Tình. Vì Mưa, tôi sẵn sàng hy sinh tất cả, cả tiền đồ, sự nghiệp. Tôi không trói chân trói tay cây cỏ làng Tình của Mưa nữa. Tôi không lấn chiếm bến sông, bãi cát thanh tao của Mưa nữa. Tôi muốn trả lại làng Tình, trả lại tất cả cho Mưa.Nhưng ngặt nỗi, hợp đồng tôi đã ký, chính quyền sở tại sẽ bắt tội nếu tôi bỏ dở hợp đồng. Nhưng vì Mưa, tôi phải ra đi. Vì thế, tôi đành ngậm ngùi san lại hợp đồng cho người khác để hoàn thành giao ước với sở tại. Cách họ làm việc như thế nào, tôi không rõ lắm, nhưng như vậy, với Mưa, tôi không còn là kẻ đáng ghét nữa. Xin được ngàn lần tạ tội vì cuộc ra đi theo lối dẫn con tim này! Lưu luyến vẫy chào!
7.Mưa gục đầu nơi bãi cát. Bến sông vắng đến rợn người. Làng Tình vẫn đang mê ngủ.
Bãi cát đầy trăng, nhưng sao lại dậy sóng. Sóng cát chao đảo như trái tim thiếu nữ lần đầu được đôi môi người đàn ông chạm vào cơ thể. Sóng cát vùng vằn nhưng rồi lại đê mê buông lơi đồng lõa.
Lời cha, con sông này coi bộ thục nữ vậy, nhưng dữ dằn lắm đó. Bến sông vịnh vào làng nên bình yên. Nhưng sẩy ra giữa dòng, sẽ không tìm được dấu vết.
 
Dân làng Tình thì thào. Từ ngày mấy người lạ đến cai quản bãi cát, bến sông, răng năm nào cũng bão to, lũ lớn. Mà cũng kỳ. Làng vẫn bình yên mà răng mấy cái nhà cùng với cỏ cây “bên đó” đổ trụi. Làng vẫn bình yên mà bãi cát ven sông thì lũ cuốn dốc đứng lở bồi?!
Không biết thực hư, trong tiếng gió rít ven sông, thoảng tiếng cười khanh khách, thoảng tiếng khóc mơ hồ. Có người còn nghe cả tiếng ru con đằm thắm…
Tác giả: Lương Mỹ Linh – Người đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *