Bài nổi bật

Tạm biệt hoa gạo – Nguyễn Hồng

Qua hình ảnh những bông hoa gạo đỏ và tuổi thơ của hai chị em cùng cha khác mẹ, tác giả đã kể một câu chuyện với âm điệu bảng lảng buồn thương. Quê nghèo, gánh nặng cơm áo và những cay nghiệt ngăn trở tình người – Cuộc đời nhân vật Thương là một chuỗi những bất hạnh khi mẹ mất sớm, lớn lên với những ký ức đòn roi của người mẹ kế cạn tình và sớm phải bước vào cuộc mưu sinh nơi phố thị. Tác giả đã xây dựng một mẫu nhân vật với hoàn cảnh rất dễ sa ngã nhưng cũng đồng thời có tâm hồn đầy nghị lực cũng những ký ức đẹp nâng đỡ vượt lên bao cám dỗ của cuộc sống nơi phồn hoa đô hội. Chúng ta đã thấy được trái tim đầy nhân hậu của nhân vật Thương khi tha thứ và dang rộng vòng tay với những người thân lẽ ra đáng trách như người cha, đứa em gái khác mẹ hay người mẹ kế cay nghiệt. Ngòi bút chất phác, giàu cảm xúc của tác giả Nguyễn Hồng, trong bối cảnh câu chuyện, gây ấn tượng với những người đọc, người nghe không quá câu nệ vào lý trí. Tạm biệt hoa gạo, tạm biệt một thời ấu thơ đầy khó nhọc và cay đắng, giã biệt một quá khứ lắm đau buồn nhưng ký ức vẫn mãi là điểm tựa để nhân vật của chúng ta bước tiếp, bước tới với niềm tin, dẫu cuộc đời vẫn còn đó những bội bạc nhân tâm. (Lời bình của BTV Võ Hà)

Nắng đành hanh trên cành gạo. Màu vàng màu đỏ không phân định được ranh giới rực rỡ một khoảng trời. Thương tay cầm rổ, tay xách em dấm dẳng. Đã bảo là nắng, cứ đòi ra, rồi mẹ lại mắng chị. Đứa em đã khô nước mắt cười biết lỗi. Em muốn xâu vòng cổ. Xâu cho cả Thương nữa. Mẹ mắng Thương cứ bảo tại em. Vòng cổ thì ai mà chả thích. Thương còn nôn nóng hơn Nhi. Trong xóm đứa nào cũng có đến ba bốn cái vòng dài thượt. Hết đeo cổ, đeo tay rồi còn kết thành băng rôn như hoa hậu nữa. Nhưng trước khi đi làm mẹ dặn không được đưa em ra nắng. Em ốm mẹ phạt nặng. Thương sợ. Đã mấy lần Thương bị phạt đòn rồi. Toàn là những lý do không đâu vào đâu cả. Thương ấm ức lắm. Chả dám khóc to, sợ bố mẹ lại đánh tiếng con riêng con chung rồi tiếng bấc tiếng chì, rồi đá thúng đụng nia. Người lớn thôi được cơn cuồng nộ thì chị em Thương cũng đã hồn xiêu phách lạc ở góc nhà. Mấy lần hứa với nhau không vòng tay, vòng cổ gì nữa rồi mà cứ quên.
Phố vàng rộm nắng. Những bông gạo thắp lửa. Quên nước mắt chảy quanh. Quên càm ràm dỗ dành. Những trận đòn roi tưởng như sẽ là lần cuối ấy cũng biến mất. Hai chị em reo vui khi thấy những búp gạo trên cao đung đưa vẫy chào. Cơn gió nhẹ đi qua thả xuống những bông gạo vừa vàng cuống. Thương xòe áo hứng mà vẫn trượt, lại chạy lòng vòng háo hức nhặt hoa.
– Dây cước tối qua bố gỡ chị đã quấn kín ống tre rồi. Nhi xâu cẩn thận kẻo rối.
– Thương cứ lo nhặt hoa đi, em xâu loáng cái là hết.
Mới đầu mùa, hoa gạo rụng chưa nhiều. Đợi mãi, đợi mãi thì cũng chỉ nhặt được đủ vòng cổ cho Nhi. Hai chị em lại lật bật chạy nhanh về nhà trước khi bị mẹ phát hiện. Nhưng mẹ đã đợi sẵn đó. Cây roi tre không hiểu được lời Nhi van xin lạnh lùng vụt tới tấp vào Thương. “Lại còn học đâu cái thói đổ lỗi cho người khác nữa. Tại Nhi này, tại Nhi này…”. Qua mỗi chữ này, chiếc roi tre quất xuống mạnh hơn. Thương nhắm mắt, nghiến răng chịu trận. Thương mong bố về sớm. Chỉ có bố mới dừng được tay mẹ. Thương đã thôi nghe thấy tiếng Nhi khóc. Nhi đi đâu? Hay đã vào buồng đếm đi đếm lại cho rũ nát cả vòng hoa gạo. Mẹ chắc đã mỏi tay nhưng vẫn chưa hả dạ, nghiến răng quát Thương đứng nguyên đó không được nhúc nhích. Không nhúc nhích thì không nhúc nhích. Cái này dễ mà. Thương làm được. Trận mưa roi làm Thương đau rát toàn thân Thương còn chịu được huống chi cái trạng thái đờ đẫn tê cứng chân tay này. Ngoài trời nắng vẫn vàng ươm. Gió thế này chắc lại thêm đôi ba bông gạo rụng cuống. Chỉ sợ không ai nhặt, dấu chân hay bánh xe vô tình dẫm lên thì xót lắm. Hai chị em Thương đã từng ngẩn ngơ tiếc nuối rồi rấm rứt khóc trước những bông gạo nát bét dưới chân người. Lạ thay những trận đòn roi không làm Thương khóc. Chỉ có Nhi nước mắt cứ chảy quanh. Em xin lỗi Thương. Em trả hết hoa gạo về gốc rồi. Em không tham vòng cổ nữa. Thương chỉ muốn la lên. Sao mà Nhi ngu thế. Đằng nào mẹ cũng đã đánh Thương rồi. Trả hoa về thì mẹ cũng có thu lại được những lằn roi trên người Thương đâu. Mẹ lại đánh thêm cái tội xui Nhi làm bậy. Nhưng Thương không la nổi. Toàn thân Thương tê cứng. Tiếng mẹ lại rít lên qua khe cửa. “Còn to nhỏ chi để em khóc lóc vầy nữa. Đánh thế mày còn chưa chừa hả? Mày còn muốn thêm hả?” Nhi vuốt nước mắt. Đánh ánh nhìn lạnh lùng về phía mẹ. Mẹ thôi đi. Con ghét mẹ. Trời ơi, Nhi. Thương la lên. Em đừng thế. Mẹ chưa cho phép thì Thương không dám nhúc nhích nhưng sau khe cửa, Thương thấy mẹ lặng người. Hình như mẹ cũng muốn khóc. Nắm rau vặt trong tay mẹ rơi lả tả.
– Nhi, em xin lỗi mẹ đi.
– Kệ mẹ. Mẹ ác lắm. Thương cứ ngồi xuống đi. Bố sắp về rồi. Đừng sợ.
Là Nhi gọi bố về trước khi mang hết hoa gạo trả lại. Nhác thấy bóng bố, mẹ khóc tru tréo sau vườn. Bố ôm chặt hai đứa. Mắt bố đỏ rực muôn vàn tia máu. Có bố đây rồi, con đừng sợ, bố xin lỗi. Nhi phụng phịu. Tất cả là tại con đó bố. Từ nay con không bắt chị nhặt hoa gạo nữa. Bố không nói thêm gì. Bố thơm vào trán Nhi. Vòng tay bố siết chặt hơn. Thương thấy được hơi ấm bố lan tỏa. Mùi mồ hôi hắc nồng. Mùi hồ vữa vẫn còn nguyên. Chỉ cần có bố thôi, những cơn đau biến mất. Thương thấy buồn ngủ. Hai mắt Thương mệt quá rồi. Tiếng thở dài đứt quãng. Bố dịu dàng. Thôi, con ngủ đi, ngủ chút xíu đi con.
Đó là lần đòn roi cuối cùng của Thương. Thương đi. Chiếc ba lô vải của bố lỏng lẻo áo quần. Bố ngồi như bất động. Hai thái dương giật giật liên tục. Mắt bố nhìn xa xăm như buông như níu. Những cơn ho kéo dài dằn lòng Thương lại.
– Bố đừng hút thuốc lào nhiều nữa.
– Bố biết rồi.
– Mai mốt kiếm được tiền con gửi thuốc đầu lọc về cho bố.
– Mả bố cô, hút thuốc có đầu lọc cho bổ phổi đấy mà. Tôi rít thuốc lào quen rồi.
Bố cười. Là nụ cười hiếm hoi sau chuỗi ngày thất nghiệp. Nghề phụ hồ, nghỉ một hai ngày là nghỉ hẳn. Cai thầu kiếm ngay người mới. Buổi khốn khó, chợ người ngày một đông. Quang gánh thủng mủng lăn lóc cùng người nơi xó chợ. Bố nghỉ thì nhà bớt gạo. Những bữa cơm nặng nề nhìn nhau. Nhưng đi làm lòng bố rối trăm bề. Có lần, trước chén rượu, Thương thấy bố khóc. Nghĩ cảnh con gái côi cút mà kiếm mẹ cho con ai ngờ bánh đúc muôn đời vẫn thế. Nước mắt đàn ông có đáng đâu, sao mà bố cứ uống mãi. Thương lấm lét nhìn bố sau cửa, chả dám lại gần. Mẹ đi ra đi vào mặt sưng mày sỉa. Cứ ngồi đó mà khóc với uống thì cám cũng chẳng có mà ăn. Mẹ trừng mắt nhìn Thương kiểu tất cả là tại mày. Thì Thương cũng hiểu là tại Thương hết. Không có Thương thì bố mẹ và Nhi là một gia đình. Có thêm Thương mẹ cáu bản và hằn học, lại trút hết đay nghiến lên bố. Nên Thương mới lân la rỉ tai với bố chuyện lên thành phố. “Bố, nhà bác Toan neo người thật đấy. Bố cho con đi. Bác gái bảo con lên phụ hàng. Bác còn trả công nữa”. Bố bần thần nhìn Thương. Những sợi tóc bạc rung bần bật trước cái nhìn khắc khoải. Con gái bố lớn mất rồi.
Thương thì thấy mình còn bé. Vẫn còn muốn được ngủ chung với bố. Thương nhớ bố lắm. Ở cùng nhà thôi mà bố con cứ xa nhau vời vợi. Bố đi làm từ sớm, vén màn nhìn con gái ngủ ngủ. Thương biết nhưng không dám cựa mình vì sợ bố đi mất. Thương cứ nằm im thế. Bố sẽ nhìn Thương lâu hơn. Có lúc bố cúi xuống thơm vào trán Thương như vẫn thơm vào trán Nhi mỗi ngày. Mùi thuốc lào ám khói từ đôi bàn tay chai sạm lùa vội vàng vào tóc Thương như sợ mẹ nhìn thấy. Bố đi rồi Thương cứ trằn trọc mãi. Đêm bố về muộn, chị em Thương đã ngủ. Với Thương, cảm giác cả tháng không được gặp bố đã thành quen. Từ ngày bố đưa mẹ mới về Thương ngủ riêng ở tấm phản dưới bếp. Đêm đầu tiên, bố đánh thức Thương dậy sớm lắm rồi cật vấn Thương muôn vàn câu hỏi. Con ngủ được không, có sợ ma không, có đau lưng không. Rồi bố sẽ kiếm tiền mua đệm bông cho con như giường cũ. Thương lắc đầu bảo không sao. Nhưng đêm qua con mơ thấy mẹ cũ bố ạ. Mẹ cũ xoa tóc con và cho con thật nhiều quà. Nước mắt mẹ làm ướt hết cả tóc con. Con bảo là con đã có mẹ mới rồi mẹ đừng khóc nữa. Nhưng mẹ khóc to quá làm con tỉnh giấc. Bố chẳng kịp nói gì. Tiếng mẹ mới hùng hắng ho ngoài sân. Thương cũng hiểu từ giờ không được nhắc đến mẹ cũ nữa.
Thương lên 10. Con gái nhanh nhẹn nên việc gì cũng đến tay. Hôm đi xổ cỏ về chưa kịp vào nhà đã nghe tiếng người nhốn nháo. Bác Toan cao lều nghều đứng trước sân bảo nhà cửa như ổ chuột thế này mày giữ nó ở lại làm gì. Cho nó lên nhà tao. Mẹ nó mất rồi. Làm được gì cho cháu thì làm. Vợ bác Toan là chị em họ hàng xa với mẹ. Thi thoảng bác gái cũng qua nhà cho chị em Thương gói bánh tấm quà. Quần áo cũ anh chị không dùng nữa bác cũng gửi xuống. Bố biết bác gái cũng tốt. Nhưng đã mang tiếng kiếm mẹ cho con giờ có mẹ rồi gửi con đi ở đợ bố không đành. Bố chần chừ bảo bác cho em thêm thời gian để em hỏi ý kiến cháu. Là bố chối khéo với bác thế chứ đời nào bố cho Thương đi. Đêm ấy bố nhìn Thương lâu lắm. Còn bảo bố con mình có cháo ăn cháo có cơm ăn cơm nghe Thương. Con chịu khó nghe Thương. Thương hiểu là lòng bố đã quyết tâm lắm. Nên bẵng đi thật lâu, không thấy bố nói gì đến chuyện nhà bác Toan, Thương đành phải mở lời. Mẹ nghe được bố con chuyện trò thì mừng ra mặt. “ Là họ hàng bên mẹ nhà nó chắc cũng tử tế. Cố gắng cuối năm còn lợp lại cái mái nhà”. Bố lừ mắt. Sự khinh bỉ dồn nén trong khóe mắt, bợt bạt ánh nhìn. “Câm mẹ miệng mày đi”. Mẹ nguây nguẩy mông đít đi ra, không quên ném cái nhìn sắc lạnh vào Thương đe nẹt.
Thương đã quyết rồi thì bố phải cho Thương đi. Mấy hôm rồi Nhi khóc khiếp lắm. Nhi bảo bố để Thương ở lại, Nhi không bắt Thương nhặt hoa gạo nữa đâu. Nhi thề. Nhưng Nhi đâu hiểu được không đi nhặt hoa gạo thì Thương cũng sẽ bị đánh vì trăm ngàn lý do khác. Có khi chẳng cần lý do. Mẹ đánh vì thấy chướng tai gai mắt. Vì những cơn đói vêu vao thi thoảng vẫn tìm về. Bố chả nói được gì cho Nhi hiểu. Mẹ gầm ghè dúi đầu Nhi bảo mắc mớ chi chuyện của cô mà xen vào. Thương thì chỉ muốn dỗ dành Nhi cho nguôi. Bảo chị đi lên phố kiếm vòng nhựa  cho Nhi đeo cần chi phải đeo vòng hoa gạo. Nhưng Nhi ứ cần vòng nhựa. Nhi chỉ cần Thương bên cạnh thôi. Không có Thương ai chơi cùng Nhi. Chỉ có con Vện. Mà con Vện cũng buồn, bỏ bữa đã mấy ngày. Nói dũi mòm vào chân Thương ư ử. “Tao đi rồi, Nhi cũng sẽ bớt phần cơm cho mày. Đồ ngốc”. Thương nắm hai cái tai dài ngoẵng của nó lăng qua lăng lại. Không biết nó có biết khóc không mà mắt nó ướt ghê gớm.
Cuộc chia ly nào cũng như xé ruột. Thương làm bộ lạnh tanh mà nhoi nhói trong lòng.Thương chỉ muốn ôm chặt bố, rồi khóc một trận cho đã, rồi nắm chặt cái cục quyết tâm lại mà lên đường.
Trời vừa ngưng gió. Cây gạo rụng tơi bời đầu ngõ. Ngày chưa rõ mặt người. Thương đi.  Chiếc ba lô nhẹ quá. Thương xếp đầy hoa gạo. Trong lúc chờ xe thì xâu thành vòng. Bên kia đường, người nhà chùa đã dậy gõ mõ. Tiếng kinh nghe rất nhỏ.Thương lần từng búp hoa như lần chuỗi hạt. Tiếng chuông ngân dài gọi sáng.
2.
Phố. Người và xe như nêm. Bây giờ thì Thương đã hiểu không phải người ta chạy lòng vòng quanh chiếc vòng tròn to giữa phố mà tại những dòng xe nối đuôi nhau chưa dứt. Bác gái dặn Thương cứ đứng chờ bên cột điện sẽ có người đến đón. Thằng con trai nhỉnh hơn Thương vài tuổi đứng ghếch chân bên đường thấy xe khách dừng đảo mắt kiếm tìm. Thi thoảng dơ tấm hình trên tay ngó qua ngó lại đoạn đứng chừng hửng trước mặt Thương hỏi như mắng. Mày là Thương hả? Sao thấy tao không gọi? Thương chưa kịp trả lời. Gã bật chân chống quay xe một vòng bảo lên đi. Ôm chặt túi vào kẻo nó giật phát mất đời. Thương khúm núm sợ sệt. Phố đông quá là đông. Thằng con trai chạy xe như cướp đường. Thương níu chặt tay vào áo gã. Chiếc ba lô xẹo xọ sang một bên. Đưa đây. Nắm chặt vào. Không có mũ bảo hiểm công an nó tuýt phát mất mấy củ bây giờ. Thương hiểu được thế có nghĩa gã phải chạy thật nhanh để tránh công an. Thương cũng suy đoán được là nếu công an phát hiện sẽ phải chạy nhanh hơn nữa để khỏi mất tiền. Gì thì Thương cũng đã học hết trường làng. Cũng sáng dạ và nhanh nhẹn. Nếu mẹ không ép bố quá có khi Thương cũng đã hết được lớp 9 rồi. Thương nhìn quanh. Thấy bóng công an cũng nhiều, chủ yếu là ngồi trong bốt hoặc bóng râm. Chả có ai bị phạt hết mắc mớ chi gã cứ chạy như ma đuổi.
Gã dừng xe ở quán nước. Chẳng thèm quay đầu lại nói trổng. Vô làm cốc nước đã. Khát rã họng. Nắng chi đã lắm. Thương lút cút đi theo. Cũng chưa biết nói gì để nhập cuộc. Thương có cảm giác gã không muốn nghe Thương nói. Gã lấy 2 cốc nước dừa bảo uống đi. Thương không thấy khát, đẩy hơn nửa cốc qua cho gã. Gã bảo tại nhiều đá quá hả? Thương lắc đầu. Đôi mắt to tròn vừa e dè, vừa lạ lẫm. Gã định nói thêm câu gì đó cho Thương uống hết cốc nước nhưng đoán được sự rụt rè đang xâm lấn Thương. Gã dịu  giọng hơn. Thôi về. Cũng không xa nữa đâu. Lần này tui chạy chậm. Thương cười. Không biết gã có hiểu được nụ cười đó thay cho lời cảm ơn.
Cửa hàng tạp hóa nhà bác Toan to lắm, có đến 5,6 người làm. Toàn là anh em họ hàng bên nội bên ngoại cả. Bác Toan bảo. Chúng mày sàn sàn tuổi nhau hết, tự tìm hiểu rồi bảo ban nhau mà làm việc. Mãi sau này Thương biết thêm chỉ có Thương là họ hàng bên bác gái, còn mấy người kia là họ hàng bên bác trai. Cũng có chút ưu ái nên Thương được bác gái đưa lên nhà trên phụ việc nhà. Thương chăm chỉ, tháo vát. Công việc cứ đều tay. Người ra người vào cũng nhiều, chẳng có khoảng trống nào lèn vào cho Thương thấy buồn. Chỉ có khi đêm xuống, nỗi nhớ nhà xộc lên làm Thương cay sống mũi. Giờ này chắc bố đã đi làm về. Thương nhớ dáng cao gầy liêu xiêu như muốn đổ ập xuống bất cứ thứ gì có thể nghỉ được của bố. Nên khi còn ở nhà, Thương luôn để sẵn trên bàn ấm nước vừa tiện tay bố rót. Nép mấy đồ chơi lỉnh kỉnh sang một bên, tiện chỗ cho bố ngả lưng. Bố nằm dài trên tràng kỷ một chặp mới dậy thay đồ. Vắng Thương, Nhi sẽ chơi nhiều hơn với lũ trẻ trong xóm. Thế cũng tốt cho Nhi. Con người ta sẽ trưởng thành hơn khi biết chủ động thiết lập các mối quan hệ. Như Thương đang từng ngày bươn bả sống ở phố. Mà phố thì ngoài người và xe, Thương mới chỉ thấy thêm những tòa cao ốc, những dãy dài đèn đường. Tất cả được quan sát từ tầng thượng nhà bác Toan hoặc từ ô cửa sổ bé tin hin trong nhà kho mỗi tối. Thương chưa có hứng thú với việc đi ra ngoài mặc dù đêm đêm mấy người làm chơi mãi trò đánh bài cũng chán, rủ rê nhau xuống phố. Gã đoán được bảo đi ra ngoài sẽ khuây khỏa hơn. Phố to lắm, không như ở quê. Nhưng Thương lắc đầu. Gã bực bội thở hắt ra. Có nhà mà nhớ là sướng rồi. Tao còn chưa biết mặt bố, mặt mẹ. Thương nhìn xoáy vào mắt gã. Cũng hiền. Khác hẳn vẻ liến láu, chợ trời khi giao hàng. Gã bẻ đi bẻ lại mấy đốt ngón tay. Bác Toan nhặt được tao trong rừng. Đặt luôn tên Lâm. Gã kể thế thì Thương nghe thế. Cũng chẳng biết nói thêm gì lấp láp vào nỗi buồn vương khó xử đành hối gã đi đi kẻo mọi người chờ. Lâm dùng dằng một hồi rồi cũng đi. Không đi mọi người lại kiếm chuyện trêu cho thì tức muốn chết. Như hôm bác Toan sai đi chở Thương. Nào đã biết mặt mũi Thương đâu ngoài tấm hình bác bảo cầm theo mà kiếm cho dễ. Thế mà mọi người đã hùa vào bảo tại con nhỏ dễ thương quá nên thằng Lâm tranh công. Lâm chỉ muốn khùng. Lầm bầm cáu đôi câu phân bua . Đây không hám gái dễ vậy đâu nha mấy nội. Nên khi gặp Thương, Lâm vẫn chưa nguôi cáu kỉnh. Thấy sự cáu kỉnh vô lý của mình làm Thương sợ hãi. Lâm nhẹ nhàng hơn. Dẫu sao thì người ta cũng lần đầu lên thành phố, có làm chi mình đâu mà trút bực bội.
Đêm ở phố hay ở quê, với Thương cũng chỉ là khi ngày thôi sáng. Chân tay Thương được nghỉ ngơi sau một ngày quần quật việc nhà. Thương chui vào góc riêng. Hơn chăng ở quê Thương còn có thêm con Vện. Ngày lạnh nó ư ử liếm chân Thương đòi ngủ cùng. Ngày nắng nó cuộn tròn ngay dưới chỗ Thương nằm. Nền đất thì mát, nó ngủ đẫy giấc. Chẳng như Thương nằm chiến đấu với muỗi và nóng. Chiếc quạt nan phe phẩy được một chốc đã mỏi nhừ tay, quạt rơi đập thẳng vô mặt tỉnh giấc. Giấc ngủ cứ chập chờn. Giữa những quãng chập chờn ấy Thương nghe thấy tiếng côn trùng râm ram, tiếng ếch nhái bì bõm ngoài bãi. Phải thật lắng mới nghe được tiếng còi xe từ đường xa vọng lại. Đêm dềnh dàng trôi ngang. Hít hà hương bưởi hương cau một lúc lại thấy dễ tìm giấc ngủ hơn. Đêm ở phố ồn ã còi xe. Đèn cao áp dọi thẳng vào tận giường. Giường của Thương ngay sát bờ tường, cách tấm phản lớn của cánh con trai một tấm rèm mỏng. Những đêm khó ngủ Thương nghe rõ cả tiếng thở của người bên cạnh. Có hơi người  nhưng cảm giác cô đơn cứ luôn đè nặng. Thương không dám cựa mình nhiều. Ý nghĩ sẽ có ai đó nửa đêm thức giấc làm Thương sợ. Thân gái côi cút giữa những người xa lạ khiến Thương luôn đề phòng. Giá như còn ở nhà, có cái lưng con Vện làm thảm, dụi chân vào lông nó ấm ấm mềm mềm tý là ngủ được ngay.
Hàng về ngày càng nhiều, Lâm kiêm thêm chân phụ lái, chạy đi chạy về như con thoi. Những chuyến hàng xa, phải theo xe mấy ngày. Thương thấy sao mà vắng. Đến bữa chả ai nhường cho miếng thịt hay dành cho quả chuối quả cam. Thương đã ít nói, nay lầm lũi hơn. Mọi người  ăn xong thì thả bát đấy tất tả đi làm. Còn Thương lại với đống mâm bát. Là công việc thường ngày của Thương thôi nhưng có thêm Lâm thì vẫn vui hơn, lại nhanh việc. Ít ra Lâm còn múc cho chậu nước hay đẩy dùm cái kệ. Cái kệ được đẩy ngay sát tay Thương, với tay cái là úp được bát. Xong việc thì Lâm đẩy vào góc bếp hộ cho. Sức gái, Thương đành chịu. Chạy qua chạy lại xếp bát rồi cũng xong. Chỉ thế thôi nhưng Thương thấy được chia sẻ, được giúp đỡ. Thương thấy được sự ân cần Lâm dành cho mình. Thương lại nghĩ đến bố. Giống như bố vẫn để sẵn đầu giường cho Thương cái áo ấm hay cái khăn trước lúc làm. Với tay cái là Thương khoác áo vào, ấm sực.
Có tiếng xe phanh gấp ngoài cổng. Thế là Lâm đã về. Thương nhắm mắt, ngừng tay làm, mỉm cười một mình. Lâu lắm rồi Thương mới có cảm giác chờ đợi một người. Nó khác với cái cảm giác chờ bố mỗi lần Thương bị mẹ đánh. Ở đây có ai đánh Thương đâu. Thương nhớ thì Thương chờ thôi. Mà cái sự nhung nhớ ấy, chẳng cách nào đong đếm được. Mấy ngày Lâm đi, Thương bần thần vào ra. Đêm nhốt Thương vào cái hố sâu hun hút. Thương co ro trong đó. Đến cả tiếng thở của mình cũng lạ. Ánh đèn đường tranh tối tranh sáng. Thương chỉ nghĩ về Lâm. Những sợi tóc hung đỏ cháy nắng. Ánh nhìn nửa rắn rỏi nửa rấm rứt cơn buồn. Đôi ba lần ngập ngường trước Thương. Có lẽ cũng chỉ là để kể một câu chuyện gì đó như là chia sẻ. Nhưng Thương cứ lầm lỳ, cứ ít nói, mắt nhìn nửa tò mò nửa canh chừng. Nên thôi.  Nếu Lâm không đi xa, Thương cũng chẳng nghĩ được là mình đã  nhớ Lâm đến thế. Vậy mà khi bốc xong hàng, Lâm còn chả thèm tìm Thương. Chạy ra vòi nước xối chân tay rồi vào sổ kiểm hàng. Thương thấy giận ghê gớm. Cái cảm giác ấm ức khó nói. Nắng cuối ngày cứ tãi ra vô cảm. Đêm ấy lần đầu tiên Thương xuống phố. Một mình.
Phố lạ lắm. Người ta đứng ôm nhau hôn nhau ngay dưới cột đèn. Đôi này cách đôi kia chỉ mấy gang tay. Ghế đá, một vài cụ già hóng gió, phe phẩy chiếc quạt nan. Những gương mặt bằng lặng. Chắc họ quen quá rồi.Thương thấy ngại ngùng. Những riêng tư ấy sao người ta tự nhiên vậy được nhỉ? Có đôi trẻ ngược chiều Thương vừa đi vừa hôn nhau. Họ chả để ý nên va vào tay Thương. Người trai quay mặt lại cười xin lỗi. Thương luýnh quýnh. Chưa biết phải xử lý thế nào thì hai người đã đi khuất. Đôi bạn trạc tuổi Thương thôi. Thương lại nghĩ đến Lâm, rồi nhớ ra lý do mình xuống phố. Nãy giờ phố giăng mắc nhiều lạ lẫm quá làm Thương quên khuấy. Mà cái sự giận dỗi ấy cũng tự dưng bay biến. Thương trách mình. Chắc tại Thương giam mình trong hộp diêm ấy lâu quá nên chỉ quanh quẩn được vài ba nỗi vui tủn mủn. Gió từ phía hồ thổi vào mát rượi. Cụ già ngồi ra sát đầu ghế nhường chỗ cho Thương. Thương gật đầu cười cảm ơn. Hóa ra phố cũng dịu dàng. Mặc ngoài kia huyên náo, nhạc nhẽo chát chúa từ những quán ba hay lời bia bọt gay gắt thì ở góc phố vẫn có chỗ cho những thư thả. Thương thấy lòng nhẹ nhõm, chả còn thấy ghét phố như trong ý nghĩ.
– Về thôi cô ơi, phố khuya phức tạp lắm. Cô từ xa đến hả?
Cụ bà ngồi chung ghế với Thương đứng dậy ra về. Chắc thấy Thương khác lạ quá nên cụ mới bảo thế như là một dặn dò. Người già luôn có cái nhìn tinh tế và nhạy cảm.
– Cháu mới lên phụ hàng cho tạp hóa bác Toan, thưa cụ.
Có vẻ bà chả chờ đợi câu trả lời từ Thương. Dặn lại rằng phố khuya phức tạp lắm cô về sớm kẻo phiền. Thương nhìn bóng bà cụ đi khuất, nhặt mấy lon bia, vỏ hộp xung quanh chỗ ngồi bỏ vào thùng rác rồi rảo bước. Tiếng xe máy nẹt pô phía sau làm Thương giật mình. Cô gái mặc độc chiếc áo hai dây chẳng khác gì áo lót ngực bắc chân lên đùi bạn trai đang rú ga ầm ĩ nhả khói thuốc mơ màng. Thương nghĩ thành phố là thế nên chả còn ngạc nhiên nữa. Một vài đôi vẫn hôn nhau không rời. Ngang qua chỗ vắng, đám thanh niên chòng ghẹo sàm sỡ. “Bướm đêm hả em? làm cuốc kiếm bát phở khuya nhé?” Sống lưng Thương lạnh toát. Thương biết đó là những lời tục tĩu. Thương đi như chạy. Phố vẫn nườm nượp chảy sau lưng. Tiếng cười của đám thanh niên đắc thắng vừa hù dọa được Thương váng cả góc đường.
Nhà kho đã đóng cửa im lìm. Mọi người chắc đã ngủ. Thương chỉ muốn ngồi lại bậc thềm. Ngẫm ngợi những gì mình vừa trải qua trong đêm đầu tiên xuống phố. Thương nhặt hòn đá bé tẹo ném bâng quơ vào không trung, lòng vẫn chưa phân định được những chộn rộn khó tả. Phố chứa đầy bí mật. Thương thấy thích thú và sẵn sàng đón đợi. Lâm ở đâu đến bên. Thương mừng như mình vừa giải mã được hết thảy những bí mật của phố, chỉ muốn khoe ngay. Nhưng ý thức về sự giận đến ngay tức khắc. Thương cất vội nụ cười náo nức, quay mặt trốn tránh. Lâm ghì lấy tay Thương ôm trọn. Chỉ lặng yên vậy thôi. Vòng tay Lâm chặt quá. Thương chống cự yếu ớt rồi ngoan ngoãn chấp thuận. Lâm có biết sau vai Lâm những dòng nước mắt chảy như là giải tỏa. Đêm thì vẫn cứ lặng yên lặng yên như thế. Ngoài kia phố đã vơi bớt những ồn ào.
3.
Bố ho ngày một nhiều. Những trận ốm dai dẳng. Nhi bảo. Chị về đi. Bố mong lắm. Thương tất tả quà cáp, thuốc men, xe đò trọn ngày thì về đến nhà. Cây gạo đầu làng vẫn thế, chả lớn thêm được tẹo nào. Chỉ là mùa này không có hoa. Cành khẳng khiu trụi lá. Cây vẽ chằng chịt những nét trầm buồn lên trời cao. Mỗi lần về làng, thấy cây gạo là Thương thấy ấm lòng. Cảm giác thân thuộc như được gặp lại người quen. Thương vẫn còn nguyên cảm xúc của những ngày luẩn quẩn gốc gạo làm trò. Những ngày nắng xum xuê hoa lá. Râm ran tiếng chim, tiếng người. Ngày mưa thì nhẫn nại che chở. Cây gạo là một phần của tuổi thơ, một phần máu thịt của quê hương mỗi khi Thương rấm rứt nhớ về.
Bố gầy xanh xao. Những cơn ho thắt ngực. Thấy Thương, ánh mắt bố sáng những tia hi vọng.
– Nghe bảo con có bạn trai.
Thương không trả lời, cũng không chối, chậm rãi bón từng thìa cháo loãng.
– Con chỉ mong bố khỏe, mai mốt con đưa Lâm về ra mắt .
– Phải vầy chớ. Mái nhà bố lợp lại rồi. Nhà cửa bây giờ cũng tươm tất. Là công của con hết. Từ giờ thì lo dành dụm mà lấy chồng.
– Lấy chồng thì việc gì mà phải dành dụm hở bố. Cứ thương nhau thì về ở với nhau thôi.
– Thì cũng phải có tý hòm hòm mà lo con lo cái chớ.
Là Thương đùa vậy để bố vui. Thương chưa nghĩ gì đến chuyện chồng con hết. Mấy lần Lâm ngỏ lời. Mình cưới. Rồi ra ngoài ở trọ. Phố bây giờ đã thành quen. Thương thì thấy còn sớm quá. Muốn xin phép hai bác đi học lấy cái nghề. Mai mốt còn có chỗ mà kiếm cái ăn. Chẳng nhẽ cứ làm chân giúp việc mãi vậy. Có mỗi việc ấy thôi mà mỗi lần bàn bạc lại cãi nhau. Những cuộc cãi vã làm Thương mệt mỏi. Chỉ muốn rũ hết. Tính Lâm cáu kỉnh và gắt gỏng là thế mà vẫn phải xuống nước. Thương biết, Lâm chiều cho qua chuyện chứ chẳng bao giờ vừa lòng. Lâu dần thành quen, Thương ít chia sẻ dự định. Những cuộc cãi vã ít hơn không có nghĩa là còn tha thiết. Lâm nghĩ được gì về tương lai trong đôi mắt đỏ ngầu bia rượu, trong trạng thái chèo néo bạn bè đàn đúm liên miên. Mỗi lần say Lâm đều làm Thương sợ. Thấy nỗi khát khao trong trẻo ban đầu bay biến đi đâu hết, chỉ trơ khấc nỗi ê chề xác thịt. Thương vượt qua được một lần, hai lần là vượt qua được hết. Lần nào cũng vật vã vì lý do dành cho ngày cưới. Lâm rũ như tàu lá, bất lực những nắm đấm chua chát vào tường. Thương thấy mình lành lặn trở về sau một tai nạn.
Thương chăm bố như chăm một đứa trẻ. Ngày 3, 4 cữ ăn. Mỗi lần ăn một ít. Rồi thuốc, rồi sữa. Bố đã tươi tỉnh hơn. Giục Thương thu xếp mà trở lại làm việc. “Nghỉ ngày nào người ta trừ công ngày đó, lấy tiền đâu mà cưới chồng”. Bố cứ trêu Thương miết. Bố chờ đợi lắm. Nhưng Thương cứ khất lần.  “Con đang học nghề làm bánh bố ạ.  Giỏi rồi con dành tiền mở tiệm bánh. Bố lên thành phố phụ con”. “Mả bố cô, con gái lớn rồi thì phải lấy chồng. Nghề ngỗng sau hay. Cứ phải lấy chồng đã”.
Chả trách người ta cứ kháo có con gái lớn trong nhà như bom nổ chậm. Bố cứ nằng nặc đuổi Thương đi. Tủi thân muốn chết. Mấy lần Thương làm bộ giận bố, bảo sẽ không thèm về nữa. Bố đành phải xuôi nhưng thi thoảng vẫn cứ bóng gió đứa này đứa kia ở quê lấy chồng cả rồi.
Nhi học hết phổ thông thì ở nhà ruộng vườn cùng mẹ. Thành phố xa quá, biết cách nào mà lên. Mấy lần mẹ nhỏ to với bố rằng con Thương có cách nào thì đưa em nó lên trên đó với. Dẫu gì thì cũng là chị em gái với nhau. Bố bảo thân nó chưa lo xong lo chi được cho em. Mẹ  lại kiếm cớ gây sự. “Ông còn thù tôi ngày xưa o ép nó ra khỏi nhà thì nói quách đi, còn vòng vo tam quốc. Tội vạ đâu tôi chịu. Con Nhi có tội tình chi”. Rồi mẹ khóc lóc kêu trời kêu đất. Nhưng đất trời không thấu. Bố cũng chả còn sức để phân bua nữa.
Nhi  như con trâu bị buộc mũi trong chuồng. Ngày hai buổi ra đồng, quẩn quanh với đám thanh niên trong xóm. Cũng đua đòi tóc vàng tóc đỏ. Nhi bảo thế mới giống người thành phố. Thương hứa kiểu gì cũng đón con đi. Ông bà bô không việc gì phải xoắn. Thực lòng, bố cũng lo cho Nhi. Là lo làm sao mà uốn nắn cho bớt thói ỉ lại, bớt chơi bời lêu lổng. Nhi được chiều quá đâm hư. Tiền Thương gửi về cho bố vẫn dành phần lớn lo cho Nhi đi học. Nhưng Nhi biếng nhác. “Học rồi cũng lấy chồng, không học rồi cũng lấy chồng. Chị Thương đó, có học hành gì đâu mà bây giờ công việc ngon lành, lại trơn lông đỏ da hẳn”. Bố biết Nhi khao khát rời làng, khao khát được như Thương.
Thương đưa Lâm về thăm nhà sau bao lần đắn đo. Bố bảo mày không thương bố hả Thương? Không lo chồng con đi bố chết không nhắm mắt. Thương đành phải chậc lưỡi. Lâm thì mừng ra mặt. Đợt này về anh thưa chuyện với bố luôn. Thương ậm ừ. Bố độ này yếu lắm, cứ thư thư. Đợi bố khỏe rồi thưa có sao. Nhưng Lâm không đợi được nữa. Thương càng ngày càng đẹp lên. Mấy gã hàng xóm đi qua vẫn buông mắt nhìn đầy ẩn ý. Sau này còn mở tiệm làm bánh. Tự do rồi thì như con chim giữa bao la, ai mà quản nổi. Bố cũng mừng lắm. Sai mẹ thịt con gà, mua thêm chai rượu rồi làm bữa cơm cho tươm tất. Không biết mẹ nghĩ cho Nhi hay đã thay tâm đổi tính mà ngọt nhạt với Thương hẳn. “Có chuyện gì mẹ sai bỏ qua đi con. Bây giờ mẹ cũng không còn sức nữa”. Thương chẳng để ý mấy lười đon đả ấy làm gì. Chăm sóc bố được ngày nào thì Thương chăm sóc. Duyên mẹ con coi như không có từ lần Thương  nuốt cơn đói nhìn mẹ ép Nhi ăn. Còn miếng cơm thừa thì đổ hắt cho con Vện. “Cho nó ăn nó còn biết giữ nhà. Ngữ mày ăn làm gì cho phí cơm”. Thương giấu bố những tủi hờn.
Về đến nhà Thương chỉ mong được quanh quẩn với bố. Líu lo khoe đủ kiểu bánh làm được. Lâm thì cứ lóng ngóng đi vào đi ra. May còn có Nhi nhanh nhảu mà nói chuyện. Không như Thương, Nhi tự nhiên, cởi mở. Bố mấy lần nhắc khéo rằng anh còn lạ nhà, con ý tứ chút xíu. Nhi xua lời bố bảo mai mốt anh Lâm về chung nhà rồi thì câu nệ làm gì chứ. Cứ thoải mái cho dễ sống. Thương thấy Nhi nói cũng đúng. Anh em thân thiết được thì mừng. Thương còn tiếp lời bảo Nhi đưa anh đi dạo quanh làng cho biết. Trước khi đi còn dặn Nhi đưa Lâm qua gốc gạo. Lúc về Thương đã thấy lác đác hoa mà không kịp dừng.
Bố chẳng đợi được ngày Thương lấy chồng. Bố đi sau một cơn nhồi máu. Thương xơ xác vật vờ. Cây gạo rực rỡ hoa không an ủi được Thương. Sợi dây neo Thương lại với những lần cắn môi bật máu chịu đòn, những cơn đói xanh xao da thịt, những  nỗ lực bươn bả xứ người bị đứt. Thương như con diều lụy gió, thẫn thờ về phố. Thương lại nhốt mình trong 4 bức tường. Thương còn lại gì ngoài 2 bàn tay. Hai bàn tay vuốt mắt bố bao lần mà bố không nhắm mắt. Thương giằng xé tâm can. Thấy tội lỗi đè nặng. Thương tự sỉ vả mình. Sao bố không cố gắng hơn hả bố? Bố hư quá đi thôi. Con nghĩ đến bố để dặn lòng cố gắng. Bố cho con niềm tin về ngày mai. Bố hứa chờ  ngày con lấy chồng, con mở tiệm bánh, con làm chiếc bánh đầu tiên cho bố ăn. Thương đã cạn khô nước mắt. Ngày rời rạc trôi đi. Thương bước thấp bước cao dò dẫm.
– Con đã quyết rồi thì bác không giữ nhưng cứ ở lại đây cho ổn đã. Tội nghiệp, thân gái một mình.
– Hai bác đã cưu mang con, con biết ơn lắm lắm. Nếu hai bác không giận, thi thoảng con xin phép được trở về.
Thương đi. Lần này bố không thức suốt đêm xếp đồ cho Thương, cây gạo không rũ gió vẫy tay chào Thương. Phố chấp nhận hết thảy mọi phận người.
Thương mở tiệm làm bánh. Dạo này Lâm chạy hàng đường dài nên cũng ít gặp gỡ. Thương một mình sắp đặt mở hàng. Chỉn chu và tỷ mẩn. Cô chủ đon đả dễ thương nên quán cũng đông khách. Thương vực dậy niềm tin về ngày mai. Vẫn tin rằng bố đang bên cạnh, dẫu bố ở đâu cũng dõi theo và ủng hộ Thương. Thương vịn vào đó để cố gắng, để hi vọng.
Thương muốn về làng đón Nhi lên. Nếu bố còn sống bố sẽ rất mừng. Hai trái cau không cùng bẹ nhưng cùng chung cội rễ. Cây gạo đầu làng vẫn đứng đó chờ Thương. Những bông gạo cuối mùa đỏ rực lên giữa nền trời và lá xanh kiêu hãnh.
Ông trời trêu ngươi Thương. Đón Thương là khuôn mặt Lâm nhàu nhĩ. Là bụng bầu không giấu nổi sau tà áo rộng thùng thình của Nhi. “Anh xin lỗi, Thương” . Thương chôn chân trước ban thờ bố còn nghi ngút hương khói. Thương còn biết nói gì. Ánh mắt bố vẫn âu yếm nhìn Thương. Còn dặn dò, còn trấn an. Thương ơi, cố gắng lên, phải cố gắng lên. Thương chỉ muốn khóc nhưng nước mắt không chảy được. Cứ nghẹn bứ lại ở cổ, ở ngực. Thương muốn bắt đền bố quá đi. Bố còn muốn con cố gắng đến thế nào nữa bố ơi.
Mẹ nằm như dán chặt vào giường vật vã. “Thương ơi tội lỗi, tội lỗi lắm. Con Nhi nó giết bố. Nó giết bố con ơi”. Lần đầu tiên người đàn bà bố bắt Thương phải gọi bằng mẹ này gọi Thương da diết thế. Lần đầu tiên người đàn bà đã cướp bố từ tay Thương  bất lực đến thế, yếu đuối đến thế. Hay đến lúc những sân si hằn học của mẹ không làm cuộc đời mẹ tươi sáng hơn, biến mẹ thành người đàn bà mất chồng một cách cay đắng mẹ mới tỉnh ngộ. Mất bố, mẹ còn gì ngoài tấm thân tàn tạ này. Hai bàn tay khó nhọc giơ lên níu lấy tay Thương. “ Nếu nó không kể với bố về cái thai của thằng Lâm, nếu nó không đòi cưới thì bố đã không chết”. Thương lặng người. Bố ơi, trong đêm đột quỵ ấy con còn mải mê vẽ bánh, con tỉ mẩn tô màu cho cuộc đời. Nhưng cuộc đời con, bố thấy đấy, nó nhem nhuốc và rách tơi tả. Con chỉ có bố thôi. Sao bố không cố gắng. Sao bố không biết cách kiềm chế cơn giận dữ. Sao bố không nghĩ đến con.
Thương còn lại gì trong căn nhà này. Không còn gì hết. Ban thờ bố còn nghi ngút khói Thương không thể mang theo được. Thương đờ đẫn quay lưng. Con đã  muốn mang bố theo, nhưng bố cứ nặng nợ với mảnh vườn. Ông bà chỉ có mình bố hương khói. Bố thì không có con trai. Đã có lúc con cũng mong mình là con trai. Để mạnh mẽ, để kiên cường hơn nữa. Nhưng bố mẹ cho con làm phận gái. Con chỉ có thể  mua thuốc cho bố, bón cháo cho bố, xoa lưng cho bố. Con chỉ làm được những vặt vãnh ấy thôi. Con chỉ biết vẽ hoa lên bánh. Con chưa biết cách vẽ hoa cho cuộc đời mình. Giá như con đừng cô đơn đến thế con sẽ  không nhận lời Lâm. Giá như bố đừng nôn nóng muốn con gái bố yên bề gia thất con đã không đưa Lâm về giới thiệu. Con ân hận rồi bố ạ. Con xin lỗi bố. Con ngàn lần xin lỗi bố. Bố tha thứ cho con.
Những giọt nước mắt vắt kiệt sức Thương. Những bước chân dò dẫm tìm đường. “Ngày mai con đưa bố lên chùa. Lên chùa bố nhé. Sư nhà chùa sẽ đọc kinh cho bố nghe mỗi ngày. Nhà chùa sẽ giang rộng vòng tay đón bố, như bố đã đón con”.
Thương ngồi lâu hơn bên gốc gạo. Có thể sẽ là lần cuối cùng Thương tìm về. Tiếng chuông chùa gõ một hồi dài  như ru như dỗ. Thương chắp tay nguyện cầu. Đức Phật bao dung và che chở, bố an lòng bố nhé. Con nghĩ kỹ rồi, qua được cơn giông gió con lại đón Nhi lên. Một mình nơi đất khách  cũng cực. Con sẽ bày cho Nhi làm bánh. Có trẻ con thì thêm vui cửa vui nhà. Con đã mất bố rồi chẳng nhẽ máu mủ tình thâm cũng để mất.
Cơn bão lòng lắng cặn. Thương ngước mắt nhìn cây gạo thêm một lần nữa. Dù gì thì cũng cứ đưa bố lên chùa cái đã rồi sẽ tính tiếp, sẽ phải tính tiếp.
NGUYỄN HỒNG (NGHỆ AN)

Xem thêm đề xuất

Mày Không Đi Anh Vác Mày Đi

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của một cặp thanh mai trúc mã, liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *