Bài nổi bật

Trần Trụi Giữa Bầy Sói – Bruno Apitz

Trần Trụi Giữa Bầy Sói xoay quanh một câu chuyện rất bình thường. Một chú bé Do Thái Ba Lan được cứu thoát khỏi tay phát-xít Đức, khi chúng đang điên cuồng tàn sát những người dân Do Thái Ba Lan ở Vacsava. Chú bé được bỏ vào một chiếc va ly cho một tù nhân xách đi và được đưa đến Bukhânvan. Sự có mặt của đứa bé gây ra biết bao nguy hiểm cho năm vạn tù nhân sống trong trại, vì bọn phát-xít sau khi đánh hơi thấy đứa bé đã sục sạo đi tìm những dấu vết của tổ chức Đảng đang lãnh đạo các tù nhân trong trại. Câu chuyện tuy bình thường như vậy nhưng nó xúc động người đọc mãnh liệt vì tác giả bố trí nó chặt như một vở bi kịch và nêu lên được cái đẹp, cái cao thượng vô song của con người.
Đây không chỉ là một cuốn sách hay, mà còn có một giá trị to lớn. Như nhiều nhà phê bình nhận định, nó đề cập đến chính vấn đề phong cách của tiểu thuyết hiện đại, và là một trong những hướng giải quyết táo bạo nhưng thành công.
“Trần trụi giữa bầy sói” là một trong những tác phẩm nổi tiếng sau Đại chiến thứ hai. Xuất bản lần đầu tiên năm 1958 với 60 vạn cuốn ở Cộng hòa dân chủ Đức, cùng năm ấy tác phẩm này được Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức tặng giải thưởng Văn học Quốc gia, được tái bản liên tiếp ngay cả ở Tây Đức, được dịch ra 20 thứ tiếng và trở thành một sự kiện văn học được nhiều người biết đến ở châu Âu. Tác giả cuốn sách, Bruno Apitz (1900 – 1979), xuất thân từ một gia đình công nhân ở Leipzig, một trung tâm công nghiệp lớn ở Đức. Là một chiến sỹ có tư tưởng chống phát xít, ông bị Hit-le bỏ tù năm 1934. Ba năm sau đó, ông là một trong những tù nhân đầu tiên bị phát xít đưa đến trại tập trung Bukhanvan. Quãng thời gian sống tại địa ngục Bukhanvan đã được ông lột tả trong tiểu thuyết “Trần trụi giữa bầy sói”. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học viết về trại tập trung của phát xít Đức nhưng ít có tác phẩm nào gây ấn tượng với người đọc như tiểu thuyết “Trần trụi giữa bầy sói”. Có lẽ bởi người viết chính là một chiến sỹ bị giam cầm trong trại tập trung Bukhanvan nên những trang viết của ông chân thực, đầy rung cảm. Là một chiến sỹ nên đối với Bruno Apitz, Bukhanvan không phải chỉ có tháp canh, boong ke, hàng rào điện cao thế, lò đốt xác và lũ phát xít tàn ác mà còn có sự vĩ đại của tình đồng chí có một không hai trong lịch sử. “Đảng ở ngay nhà ngục của Bukhanvan” – đó chính là chủ đề lớn của tác phẩm.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *