Bài nổi bật

Vàng Hoa Năm Cũ – Nguyễn Phú

RadioVn.Com – Tôi về đến ngõ thì đã sang chiều. Mặt ao xao động, mấy cánh bèo ơ hờ trên mặt nước. Góc ao, giàn mướp đã vào mùa, choán hết màu xanh non của lá, hoa vàng mê mải. Thi thoảng, một vài cánh hoa rơi, con ếch cốm núp ở bờ tre lại lao ra đớp tòm tọp. Gió từ sông Nhuệ thổi vào man mác. Tôi ngửa mặt, ngắm khoảng trời xanh, hít căng lồng ngực để cảm nhận mùi vị quê nhà. Lòng rưng rưng.
————-
Bà nội đang cắm cúi ngồi khâu bên cửa sổ. Tôi đi thật khẽ, vòng qua chái nhà để vào cửa sau. Ngày bé, nhiều lần tôi làm bà giật thót. Tôi bị bà cho ăn đòn, nhưng chưa bao giờ chịu chừa cái trò ú tim dại dột đó. Bà còng quá, cái lưng gập, như sắp đổ ụp về đằng trước. Tóc bà chỉ còn lơ phơ vài sợi bạc. Núp sau cánh cửa, tôi lặng đi khi nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa thân xác còm cõi kia sẽ làm một cuộc hành trình dằng dặc về nơi kiếp con người khổ ải được sinh ra. Không thể nén lòng, tôi đẩy cánh cửa. Con Mướp đang ngồi cuộn tròn trên mớ vải nghe tiếng động, ngoeo lên một tiếng, ngoái lại nhìn tôi bằng cặp mắt xanh giận dữ, rồi vọt qua cửa sổ.
Đã lâu tôi không về nhà, con mèo không nhận ra chủ cũ. Tôi khẽ bước đến bên bà. Mày về đấy hả Di? Bà không ngoảnh lại, vẫn lẩn mẩn với những mũi kim trên chiếc áo nâu sờn màu đất. Vâng. Tôi sà vào bà, cầm bàn tay xương xương, gầy guộc. Suốt thời thơ bé tôi được bà chăm bẵm không ngừng nghỉ. Tôi đã lớn khôn từ đôi tay bà. Cũng chính đôi tay này đã đặt bàn tay bé nhỏ của Miên vào tay tôi… Bà còn khâu cái áo này làm gì? Áo mới cháu gửi cho đâu không mặc? “Già rồi, chết đến nơi rồi thì ăn với mặc làm gì” – Giọng bà hờn dỗi. Con biết lỗi rồi bà ơi.
Bà ngước lên nhìn tôi vài giây, nơi đáy mắt vẫn hiện lên sự nhẫn nhịn. Sau cái nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, bà nhổm dậy, lọ mọ vào xó buồng. Bà lôi ra cái lọ thủy tinh, nước bên trong đen kịt. Bà pha một cuốc nước, đưa cho tôi. Mày có uống thứ nước này nữa không? Cái gì đấy bà? Mày quên rồi à, cứ uống đi không chết được đâu. Nước dâu. Bao lâu rồi nhỉ tôi đã không uống để quên mất cái mùi thơm dịu, vị thanh mát khó cưỡng này.
*
Mùa hè, nước giếng đầy, trong văn vắt. Dăm cái bong bóng sủi trên mặt nước. Một con gì đen xì, to như cổ tay lừ lừ nổi lên. Ồ, không biết có phải con bống hơn chục năm trước bà thuê người dọn ao, thấy con bống hồng, xinh như ngón tay út nằm lẫn trong mớ tép, bà nhặt nó thả xuống giếng? Bà bảo cho nó sống để nó dọn sạch giếng cho bà.
Ngày trước, Miên hay lấy trộm cơm của bà cho nó ăn. Tôi cúi xuống, gập hẳn bụng vào trong lòng giếng để nhìn cho rõ. Thấy cái bóng lạ, nó lặn mất tăm. Tôi thả gầu. Những giọt nước mát, thấm vào tận tâm can đứa con bỏ quê, sống kiếp tha phương. Bà đưa cái khăn, bảo lau đi rồi thay quần áo. Đi đường xa về tắm nước giếng lâu dễ bị cảm.
Vo mớ gạo đặt sẵn lên bếp, bà cầm cái rổ lũi cũi ra vườn hái nắm lá non và nụ mướp. Món canh suông lá mướp bà cháu tôi rất thích ăn trong những ngày hè.
Tôi ra vườn theo chân bà. Kí ức tuổi thơ hiện về mồn một… Trước mắt tôi là thằng bé da rám nắng, tóc cháy khét mù hay la cà xó xỉnh, đào bới tung mảnh vườn bắt dế, đào giun câu cá. Nó bị lũ mò bò lên khắp người, chui cả vào chim cò, đốt ngứa điên người, gãi sồn sột cả đêm. Bà phải thức dậy, soi đèn, lấy mũi kim gại từng con mò ra, chấm tí dầu tây vào cho đỡ sưng.
Vàng Hoa Năm Cũ – Nguyễn Phú
“Thế tối nay bà cháu mình ăn chay hả bà?”. “Tông môn nhà mày, không phải lo, bà có nồi cá kho lá mơ đang ủ trong bếp kia kìa”. “Sao bà biết cháu về mà làm”. “Bà không biết nhưng thi thoảng cứ nghĩ mày sẽ về thì làm một nồi”. “Bà già rồi, ăn uống gì”. “Đợi mày không về, bà đem cho hàng xóm, còn lại bà cho con Mướp. Nhưng nó cũng già rồi, như bà, răng rụng hết, chỉ nhỏn nhẻn tí thôi, xương xẩu có ăn được đâu”.
Bà đã vào bếp, tôi còn đứng tần ngần bên giậu cúc tần. Lấp loáng đâu xưa bóng Miên tóc tết hai bím đung đưa cầm rổ sang vườn nhà tôi. Vườn nhà Miên rộng nhưng bố mẹ mải làm thuê ngoài thành phố, chả mấy khi để tâm đến vườn tược. Thi thoảng, chiều đến Miên sang nhà tôi xin hoa mướp về nấu canh. Ngày đó hình như Miên mười bốn. Tôi mười sáu nhưng đã cao mét bảy và cường tráng như một người đàn ông, giọng nói đã trầm. Tôi vỡ giọng từ năm mười ba. Bà bảo tôi với bố như tạc từ một khuôn.
Tôi không nhớ mặt bố, chỉ thấy ông qua tấm ảnh. Ông rất đẹp trai, đàn ông và lãng tử. Hái hoa cho Miên tôi phải cởi trần, ùm xuống ao, lội phía dưới giàn mướp. Khi tôi ngước lên, thấy hai má Miên ưng ửng đỏ. Miên về, bà nhìn tôi, cười. Cứ cái đà này đến lá cũng chẳng còn. Con bé này rõ là đang có âm mưu…
Mùa hoa đi qua, hai đứa chỉ nhì nhằng những lời bằng mắt, lòng lạ lắm, mà có nói được câu gì. Năm cuối phổ thông, một chiều bà vắng nhà, tôi đã hôn Miên khi hai đứa ở trong vườn. Môi Miên thơm, ngọt vị mướp. Tôi bóp ngực. Miên kêu đau, đẩy tôi ra. Miên xấu hổ chạy qua bờ giậu, tôi không dám đuổi theo vì sợ ai nhìn thấy. Đêm ấy tôi đã trở thành đàn ông trong giấc mơ bạo liệt và ướt át.
*
Đêm cuối tháng ở làng vắng lặng quá. Bóng đèn sợi đốt trên cây cột điện đường làng hắt những tia sáng vàng vọt. Mấy con đom đóm từ đám bèo thi nhau bay túa ra. Cả khu vườn chập chờn những ánh lân tinh. Tôi bước ra vườn, lòng rỗng rễnh, hoang hoải như cánh đồng trơ gốc rạ. Gió từ sông Nhuệ lại thổi vào. Bụi tre xao động, đám lá dong nhẹ chao đưa. Thoang thoảng mùi hương hoa mướp đầu mùa. Tôi đi ra phía hàng giậu cúc cần. Rứt nắm lá non, vò nhẹ, tôi đưa lên ngửi. Thơm hăng hắc và nồng. Bên kia bờ giậu, ngôi nhà thiếu hơi người u trầm dưới bóng cây cổ thụ, khoảng sân lá rụng mục dày. Con chim ăn đêm vỗ cánh xành xạch mấy tiếng rồi lao vút vào trời đêm. Tôi vạch bờ giậu, đúng nơi tôi và Miên vẫn khom người chui sang nhà nhau, bước sang nhà Miên. Đã bao năm rồi tôi không đi lối này, không sang nhà Miên, có lẽ từ cái ngày tôi yêu Diễm Châu…
Ngày tôi lên Hà Nội nhập học trường kinh tế, lúc ấy đã là giữa mùa thu, vậy mà hoa mướp vẫn vàng miên dại, vàng như lên đồng khắp vườn. Bà vớt cua dưới ao, giã nấu canh mướp cho tôi ăn. Vị quê nhà  đằm đượm, mắt tôi cay xè. Xa bà, xa Miên, lòng tôi nhói đau. Buổi sáng tôi đi, bà bước theo tôi, Miên lùi lũi sau bà. Ra đến con đê làng, bà kéo Miên lại gần tôi. Lớn rồi, không nhớ bà cũng được, nhưng phải nhớ con bé này để còn mau mau về với bà. Bà đặt đôi bàn tay bé nhỏ, hồng hồng, mướt mịn những sợi lông tơ tựa hồ không có thực vào tay tôi. Tôi xiết chặt tay, đôi mắt rực màu rượu và lửa cháy. Tôi nhớ làn môi, nhớ cơ thể nóng rẫy của Miên đêm qua.
Ở phố tôi phải lao vào học. Tôi lấy kết quả học tập vượt trội làm bùa hộ mệnh cho chút kiêu hãnh của thằng quê mùa trước lũ bạn thị thành. Và cũng chỉ có con đường ấy tôi mới có thể ở lại thành phố một cách đàng hoàng. Năm thứ hai tôi ít về và ít thư cho Miên. Thư Miên viết cho tôi nhiều hơn, những con chữ xiên xiên dồn đuổi nhau từ một miền hoang mang, khắc khoải, buồn đau. Càng những thư sau trên trang giấy càng loang loáng ánh mắt Miên và xao xác những cánh hoa vàng.
Miên đi làm công nhân ở khu công nghiệp Đồng Văn, như bao gái làng tự giam tuổi xuân hơ hớ trong những khối bê tông inh ỏi tiếng ồn và sặc sụa khói bụi. Thời gian này, tôi đã trở thành thần tượng của không ít nữ sinh, cả những đứa được xếp vào hạng tiểu thư xinh đẹp, thông minh và luôn thừa sự kiêu kì. Những đêm văn nghệ, tôi ngồi nghiêng nghiêng, xõa mái tóc bồng bềnh lãng tử, ánh nhìn kiêu bạc, ngón tay thuôn dài lướt phím, những bản romantic cổ điển vút lên. Lũ con gái hớp lấy từng dòng âm thanh lãng mạn và ảo mộng. Lúc tôi ôm đàn, nhảy như điện dại trong những bản rock cuồng say và rực lửa thì lũ con gái rồ lên như cuồng.
Tôi biết không ít đứa ao ước được ngủ với tôi. Lạc giữa rừng hoa, tôi ngây ngất nhưng luôn tỏ ra khinh khỉnh. Tôi làm cho nhiều đứa con gái đau khổ. Diễm Châu là bông hoa đẹp, đầy kiêu hãnh. Nàng thông minh nhưng lười nhác nên kết quả học tập thường đội sổ. Những thứ trên người nàng là đẳng cấp độc tôn chỉ thuộc về nàng. Tôi biết Diễm Châu thích tôi, chứ không phải đám thiếu gia bấy bớt chỉ thích đốt tiền ăn chơi và giỏi đục ruỗng niềm tin của đấng sinh thành. Nàng quá kiêu. Và nàng có đôi mắt của Miên, nhưng lạnh. Điều đó càng kích thích tôi trong cuộc vờn đuổi với nàng.
Năm thứ ba, lớp tôi đi cắm trại trên hồ Đồng Mô. Chiếc du thuyền chở một nhóm dạo quanh hồ. Diễm Châu mải vui đùa sảy chân ngã nhào xuống nước. Nàng chới với, mấy thằng công tử rúm ró, ú ớ kêu cứu. Từ trên bờ, tôi lao xuống nước. Vài phút ngụp lặn, tôi kéo được nàng lên thuyền.
Sau vụ ấy, Diễm Châu tìm đến phòng trọ tôi chơi. Ngay hôm đó tôi đã hôn nàng. Tôi ngủ với Diễm Châu trong một đêm hai đứa trốn cái oi bức điên người, vác đàn ra bãi sông Hồng. Nàng bản năng, hoang dại trong vũ điệu cuồng hoan của trăng – nước – gió và cát. Tôi biết nàng không còn trong trắng bởi tôi không phải là thằng con trai quá khờ khạo. Hụt hẫng làm tôi héo rũ. Nhưng cuối cùng tôi vẫn bị nàng đánh thức. Nàng cuốn tôi đi.
Mùa thu năm ấy Miên gửi cho tôi cái áo len màu xanh dương. Áo này Miên tự đan. Áo đẹp nhưng tôi thấy không hợp mốt nên cất kĩ vào hòm. Những lá thư của Miên tôi đọc, lòng buồn, rồi lại quên ngay. Từ lâu tôi đã bỏ thói quen viết thư.
Một ngày cuối tuần tôi về nhà đúng dịp hoa mướp nở vàng day diết. Cái giàn mướp vẫn đổ ụp dưới ao từ năm trước. Tôi chợt nhớ mình còn nợ bà một lời hứa. Những dây mướp bò lan tràn khắp vườn, trườn cả sang vườn nhà Miên, leo lên mấy cây mít. Tôi điếng người trước thân hình nảy nở, làn da trắng đến rợn người của Miên khi thấy Miên gánh nước tưới rau cho bà.
Tối đó, Miên ăn cơm với bà cháu tôi. Dường như Miên chẳng ăn gì, chỉ rỏn rẻn gẩy vài hạt cơm. Miên cúi mặt khi tôi nhìn Miên. Bà ăn qua quýt, kêu đau lưng, lên giường nằm. Miên dọn dẹp xong, lẳng lặng ra vườn, rẽ giậu về. Tôi đuổi theo Miên, định nói câu gì đó từ chiều đã nghĩ, cuối cùng lại nói những lời đâu đâu. Tôi kéo Miên ra vạt tóc tiên cạnh bờ ao. Miên bảo có lẽ Miên cũng phải lấy chồng, người ta đã đến nhà xem mặt, bố mẹ Miên đã đồng ý.
“Có đẹp trai không, bao nhiêu tuổi, yêu Miên nhiều chứ?”. “Xấu, không học cao như anh Di, nhưng… người ta thương Miên”. “Còn Miên, có yêu anh ta không?”. “Miên… Miên không biết”.
Miên ôm tôi. Miên khóc. Nước mắt Miên trên ngực tôi buốt xót. Tôi hôn khắp mặt Miên, nuốt cả nước mắt mằn mặn của Miên. Miên cởi áo, lần đầu tiên tôi được ngắm bầu ngực trinh nữ. Ngây dại. Tôi không dám chạm vào. Tôi mặc lại áo cho Miên. Tôi biết tôi không thể để Miên chờ đợi, càng không thể cưới Miên. Trong bóng đêm tôi nhận ra đôi mắt dịu dàng của Miên hằn lên sự bẽ bàng rồi vụt thành lòng căm hận. Miên vùng chạy, xé toạc bờ giậu trong tiếng nức nở.
Cuối đông Miên lấy chồng. Hôm đó là một ngày mưa ảm đạm, thê lương. Tôi rủ hai thằng bạn bỏ học ra cái túp lều ngoài bờ sông Hồng uống rượu đến nửa đêm mới chịu dìu nhau về.
Vài lần Diễm Châu theo tôi về quê. Bà vẫn còn rất buồn vì chưa thể chấp nhận sự thật Miên đã lấy chồng và tôi với Miên không thể. Bà không thích Diễm Châu, nhưng đón tiếp nàng tử tế. Bà chăm tôi, chửi tôi như một thằng nhóc, như không hề có nàng. Diễm Châu bảo bà Di hồn nhiên như cô tiên!
Bà nấu nụ mướp với cá rô, nàng húp xoàm xoạp, khen ngon. Nàng bảo con mụ ô-sin nhà cháu nấu canh cá rô rau ngót thì mê tơi, nhưng món này của bà bá đạo. Bà chỉ cho cháu cách nấu để về cháu dạy nó làm. Đêm tôi dẫn Diễm Châu ra vườn. Nàng bảo vườn nhà Di có ma. Châu thấy có hàng trăm đôi mắt xanh lè đang soi mói, cứ ghê ghê. Vớ vẩn, ma nào mà ma. Tôi đè ngửa Diễm Châu dưới gốc nhãn, nàng oằn lên, rích rích cười như chuột.
Năm cuối, vào học được vài tháng Diễm Châu bảo với tôi nàng có thai. Tôi muốn giữ lại đứa trẻ để cưới, đằng nào hai đứa cũng sắp ra trường. Nàng rơm rớm như cảm động rồi cười nhạt. Di ơi, Di vẫn ngây thơ thế? Cuộc chơi của chúng mình chắc phải stop thôi. Châu thấy nhạt lắm rồi.
Ngày biết tin Diễm Châu đã giết đứa trẻ, tôi đi lang thang cả đêm dọc phố Phan Đình Phùng. Dưới ánh điện đường hàng ngàn chiếc lá vàng tê tái, như mắt bà, mắt Miên, như những giọt lệ. Vài tháng sau tôi thường gặp Diễm Châu tay trong tay với một thằng sinh viên năm thứ hai. To đen, dài và mặt đầy lông lá. Là Việt kiều Mỹ mới về nước định cư.
Không phải tay vừa, tôi ngấm ngầm chinh phục Phương Nhi, cô em họ non tơ, cực kì xinh đẹp của Diễm Châu. Khi nàng phát hiện, tôi đã có được Phương Nhi mấy tháng rồi. Nàng xồ đến mắng Di là thằng khốn nạn. Tôi cười sằng sặc. Ra trường, tôi lặn mất tăm, Phương Nhi điên dại nửa năm trời, phải bỏ học giữa chừng. Có lúc tôi nghĩ mình là con sói bị thương. Tôi ao ước trở về mảnh vườn có hoa mướp nở vàng miên dại, ngủ vùi dưới vòm ngực trinh nguyên của Miên.
*
“Đêm qua mày thức cả đêm đấy à Di? Tự mình làm, rồi lại tự đày cái thân, sao khổ thế. Mày định sống như thế này mãi à?”. Từ lâu tôi có ý giấu bà mọi chuyện bên ngoài. Tôi không muốn làm bà buồn thêm. Vậy là bà đã biết mọi chuyện. “Mày nghĩ bà già này không biết gì à?  Người làng này đi Bắc đi Nam, đâu chả có người, từng chân tơ kẽ tóc của mày bà biết hết. Tội nghiệp thằng bé, dù nó không phải con mày… Con trẻ có tội tình gì đâu. Nghiệp chướng là ở chúng mày… Rồi đời mày lại như thằng bố mày thôi”.
Từ ngày mẹ tôi mất giờ, tôi mới nhìn thấy bà khóc. Những giọt nước mắt khô kiệt, khó nhọc rịn ra. Bao năm bố tôi chưa một lần trở về làng. Không biết ông còn sống hay đã chết. Ngày ông bỏ nhà theo một cô đào có tiếng lẳng lơ trong đoàn chèo Hương Quê, mẹ tôi đã khóc suốt mùa hoa mướp. Đổ bệnh phải nằm một chỗ, mẹ vẫn không thôi khóc. Khóc đến nỗi hai mắt thành lòa, nhũn cả một góc đầu.
Rồi mẹ bỏ tôi đi. Mỗi khi nhớ mẹ, tôi không thể nào quên hình ảnh mẹ nằm im lìm trên giường, mái tóc dày, dài nhưng nhức sổ tung như những dải lụa đen, bà tôi thì ôm mẹ gào khóc. Bà khóc thằng chồng mày ác một, mày ác mười con ơi. Mày nỡ lòng nào bỏ mẹ, bỏ thằng con chưa biết gì mà đi. Ới ông trời ơi là ông trời ơi! Năm đó giàn mướp nhà tôi quả nhiều vô kể. Bà chẳng còn lòng dạ nào đem bán, người làng cũng không muốn đến xin nhà mới có người chết trẻ. Những quả mướp già teo tóp khua khập khờ trong gió như những giọt nước mắt khô. Kí ức ấy làm tình cha con trong tôi chết dần chết mòn.
Tôi quen với cảm giác mình là đứa trẻ mồ côi bố mẹ. Tôi không có ý định đi tìm bố. Năm thứ hai đại học, tôi nghe một người làng nói gặp bố tôi trên cửa khẩu Hữu Nghị, ông làm cửu vạn ở đó. Tôi không quan tâm lắm. Bởi trước đó tôi đã nghe nhiều tin đồn về ông. Người ta bảo sau khi bố tôi lôi được cô đào khỏi đoàn chèo về ở cùng, bố tôi đi đào vàng và trúng lớn. Nhưng rồi cô đào kia ôm cả ký vàng trốn chạy với gã tình nhân trẻ. Bố tôi đã phát điên sau khi lồng lộn đi tìm đôi gian phu dâm phụ nhưng vô vọng. Ông lại lao vào bãi vàng. Rồi ông bị sập hầm, chết mất xác trong đó. Lại có tin bố tôi và cô đào kia sống khá phong lưu ở Hải Phòng, họ có một nhà nghỉ sang trọng ở bãi biển Đồ Sơn.
Tôi từng hận bố và cũng chính lúc đó tôi nhận ra mình giống ông. Cả hai đều là giống ngựa phóng túng, giẫm đạp lên cọng cỏ thơm ngay dưới chân, để tìm kiếm những thảo nguyên xa lắc. Tôi nhớ cu Bia, thằng bé đã từng là con của tôi và Loan. Nhưng rồi một ngày sau năm năm sống chung như một gia đình, Loan bảo thằng bé không phải con tôi. Nàng thản nhiên gấp quần áo chuẩn bị ra đi. Tôi bảo tôi không tin là thằng bé là con người khác. Nàng bảo tôi có thể đi xét nghiệm ADN.
Tôi chưa kịp làm điều đó, nàng đã đưa thằng bé đi mất. Khi tôi trở về nhà, dấu tích của Loan và thằng bé gần như không còn gì. Lục tìm mãi tôi chỉ thấy cuốn vở vẽ của thằng bé. Cu Bia vẽ tôi, nó và Loan rất nhiều. Tôi giữ lại cuốn vở dù lời Loan là sự thật. Tôi vẫn không thể quên được thằng bé. Một năm sau, tôi được tin cu Bia chết vì bệnh sởi. Tôi muốn thắp cho thằng bé nén nhang, nhưng không biết nắm xương bé nhỏ của nó đang gửi nơi nào. Ấp cuốn vở của thằng bé vào mặt, nước mắt tôi ướt nhòe. Chán nản, tôi lao vào những cuộc tình chớp nhoáng, vô định. Không người đàn bà nào cho tôi ánh nhìn như đôi mắt của Miên.
*
Tôi đi, bà lại tiễn tôi ra ngõ. Bà bảo con Miên đã bỏ chồng rồi. Tội nghiệp con bé, đẹp người đẹp nết bao nhiêu phận hẩm bấy nhiêu. Thằng chồng nó rượu chè, đánh vợ như đánh chó, lại lăng nhăng gái mú. Đàn ông chúng mày cùng một giuộc tệ bạc. Bà bảo hay mày đi tìm con Miên. Nó vào Đắk Lắk làm ăn với bố mẹ. Tôi im lặng. Mỗi người đã mỗi phận rồi, cả đời này tôi là kẻ phụ Miên, không thể khác được.
Tôi xốc lại ba lô, quay bước. Bà bảo thôi ý mày như thế nào bà biết rồi. Cuộc đời dằng dằng, miên hằng, những cuộc ra đi là số kiếp của mày. Cứ đi đi… đừng lo cho bà.
Mùa này, hoa mướp đang nở rộ. Gió sông lồng lộng thổi. Kí ức dồn nhau như những con sóng ngoài kia thao thiết chảy vào tim tôi, khi thì ứ đầy khi lại trống hơ trống hoác.
Chỉ một sắc vàng hoang hoải khôn nguôi.
Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *