RadioVn.Com – Đó là Lu. Tôi nhặt nó trong một bản nhỏ cháy toang hoang, nham nhở, còn nguyên mùi khét vì đạn cối giã xuống từ chiếc C130 bay tuần đêm. Lúc sắp qua bản, tôi chợt nghe thấy tiếng rít yếu ớt vọng lên từ lòng đất, như là những âm thanh mơ hồ hay gặp trong chiến tranh. Không phải! Khi tôi đá gạt cành cây bị đạn chém rụng xuống mặt đất, lộ ra lòng hố tối thẳm, một đôi mắt đen, lấp láy.
Hoảng hốt vài giây, nắm chặt hơn báng súng, tôi nhìn thấy một xác chết ôm đôi mắt kia trong lòng. Nhìn kỹ nữa, đứa trẻ chừng tám chín tuổi, đầu vỡ, gáy dựa vào thành hố, mắt trắng hoang mang, trân trân nhìn ngược lên trời. Máu đã khô, đen thành vệt chảy xuống đầy hai bàn tay đang ôm chặt con chó nhỏ. Để đưa nó lên, tôi gần như phải bẻ ngón tay của người đã che chắn cho nó.
Chúng tôi gọi tên nó là Lu. Đừng nghĩ đó là một tên Tây. Nó cũng như là Vện, là Lêu, là Êu Êu. Còn khi gọi Lu Lu thì có vẻ Tây rồi! Không phải tụi tôi muốn vậy. Ban đầu gọi một từ Lu gọn lỏn, nó chưa nhận ra là gọi nó. Chó mà! Thế là phải gọi hai lần từ Lu, quen miệng thành Lu Lu. Vậy là từ ngày đó, con chó sống sót của cái bản đã bị hủy diệt ấy, được coi là thành viên thứ bảy trong tiểu đội Hà Nội. Đấy là tôi muốn nói tới sự chia chác khẩu phần ăn của sáu người cho nó, chứ yếu ớt, còi hoi như nó thì làm được trò trống gì để đỡ đần cho thằng lính! Chúng tôi nghiền nhỏ cơm hoà nước thành thứ cháo hạng nhất cho nó liếm. Tóm được dăm cá suối nhỏ về kho với me rừng, tôi lén tiểu đội, chan cho nó ít nước hiếm hoi. Giá mà có sữa, trứng bột như hồi chuẩn bị đi B dài nhỉ? Thằng Bảo dân Hàng Thiếc thốt ra. Mơ ước thần tiên! Hão huyền! Tôi mắng. Quả thực vậy, muối cũng thiếu, thèm mặn! Mỳ chính và muối được gìn giữ như của báu. Đôi khi nhón trộm vài hột, thả vào lưỡi. Sung sướng quá! Nói gì tới đường sữa cho chó! Thế mà nó qua được. Ba ngày đã nhởn nhơ quanh lán. Năm ngày nhảy tưng tưng khi chúng tôi từ rẫy hay đi tuần tra về. Nó bắt đầu có da có thịt sau hai ba tuần gì đó. Lông không xác xơ nữa, mỡ dần, rõ sắc vàng điểm chấm đen và, nhanh nhẹn ra hồn chó. Cứ thế, theo ngày tháng nó biết thêm ra. Chúng tôi cũng dần quen hơi bén tiếng với nó. Những người lính sống âm thầm trong rừng, xa dân, xa bản, một con chó cũng làm cho cái lán vui vui. Một tháng sau, lần đầu tiên nghe nó sủa. Nhách… nhách… nhách…Tiếng kêu của chó, tiếng của sinh linh suýt chết, dẫu còn mong manh va vào núi đá, vọng trượt trên những tàn cây gợi lên điều gì rất xa xôi trong tôi.
Đám lính Hà Nội, tiểu đội trưởng Hạnh chai sạn, đánh nhau từ Bắc vào Nam; từ tôi, thằng Hoàng, thằng Lưu, Bảo…những cựu chiến binh dầy dạn bom đạn, biết thế nào là Huế Mậu Thân đẫm máu hay chiến dịch Lam Sơn 719 của địch, tới thằng Tâm, thằng Khanh (rất hay bốc phét) vừa nhập ngũ… Mỗi người nhìn nhận, đùa giỡn, ứng xử với nó một khác. Ví như thằng Tâm, cũng hay cho nó ăn đấy, nhưng mỗi lần cho ăn thường vỗ vỗ vào đầu nó và nói như hát: “Nhanh lên chứ, vội vàng lên tí nữa…Sáu bát, sáu bát!”. Hê hê, tôi biết tỏng cái thứ thân thiện kiểu ấy. Nó là thằng gầy nhẳng mà háu đói nhất. Với anh Hạnh thì lại khác. Anh có thể ngồi yên bên nó, gãi đầu và xoa lưng, cù vào ức nó cả giờ. Ngược lại, khi tiểu đội bận, đi vắng cả, nó cũng hàng giờ im lặng, ngúc ngoắc hai tai, để nghe anh kể lể gì đó. Tôi cứ đinh ninh khi ấy, anh đã nói với Lu như đã từng kể với riêng tôi, về một bà chị bốn mùa đi đội than, quẩy nước mắm, gánh củ nâu từ những chiếc thuyền có hai cánh buồm với bao nhiêu miếng vá ngoài bến Phà Đen… Tụi tôi vào lính với hoàn cảnh, nguồn gốc khác nhau. Anh Hạnh sinh ra trong một nhà nghèo. Bố mẹ mất sớm, phải ở với chị, phải đi bóc vỏ cây, ở những cái bè gỗ trôi từ mạn ngược về. Người như vậy, không thể sống vô tư như đám con cái viên chức cũ, hay con cán bộ kháng chiến. Có thể do từng trải, anh là người cần kiệm, biết nhặt nhạnh từ chút giẻ cũ lau súng tới mẩu sắn gãy ngoài nương cho nồi cơm bọn tôi thêm một lần xới. Thằng Hoàng thì trái lại với anh Hạnh. Nhà nó giàu nứt đố đổ vách. Theo lời nó kể, nhà nó toàn bán gạo mậu dịch mua gạo tám xoan về ăn. Giò lụa cắn ngập răng. Thịt gà nhả bã. Có phải vì đói mà nó bốc phét như thằng Khanh không, nhưng tôi biết, mẹ nó quen mẹ tôi, bán vải ở chợ Đồng xuân. Một bà đậm người, cổ thường đeo chuỗi ngọc xanh màu hoa lý. Hoàng rất hay trêu Lu. Đôi khi ngu xuẩn nắm cả đuôi nó kéo ngược. Lu kêu lên thảm thiết, nó giận Hoàng vài hôm. Nhưng Hoàng cũng hào phóng. Có bữa, đang cắn dở miếng thịt nhím béo lắm, thấy Lu trân trân nhìn, nó vứt ngay lên cao để Lu nhảy lên tợp lấy… Tất nhiên với tôi, Lu gần gũi nhất. Đêm lạnh, nó nhảy lên sạp, chui vào cuối chăn làm ấm hẳn đôi bàn chân tôi.
Mùa mưa cao nguyên năm ấy thực đáng sợ. Mưa cứ rơi hết ngày này tới ngày khác, phá hỏng tất cả các con đường vận chuyển. Xe từ Bắc không thể vào được tới mặt trận. Khẩu phần gạo tụt xuống, đầu mùa mưa là năm lạng, sau ba lạng và xuống hai lạng một người. Lĩnh gạo về, vừa mở dây buộc, bọ đen nhảy lên tanh tách. Đãi kỹ cho bớt bọ, mọt thì bột gạo trôi hết theo nước suối, còn trơ lại lõi gạo. Đãi không kỹ thì bát cơm đắng nghét. Sắn cũng vừa đen vừa mốc. Cũng may là khi đó chúng tôi không phải đi đánh nhau. Chúng tôi trông kho đạn của tiểu đoàn, làm rẫy và thi thoảng tuần tra trên những lối mòn ven sông, bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ của sư đoàn. Thế là sướng lắm rồi! Còn có cái mà sột soạt, tọng cho đầy cái dạ dày luôn kẹp lép, dù làm rẫy cực nhọc lắm. Tại đó, không như hồi đánh và giữ Boloven, thú như trong chuồng, tha hồ bắn. Những cánh rừng khoop bằng phẳng trên cao nguyên chỉ sẵn cú, sóc và chuột. Còn rừng xanh có cheo và các thú khác nhưng không được nổ súng lộ căn cứ! Chỉ còn cách đặt bẫy thú, săn bắt cá. Muốn nổ súng phải đi thật xa, cả ngày đường. Bẫy thú thì bọn “cày đường nhựa” tụi tôi hoàn toàn ít kinh nghiệm. Chỉ còn cách vớ được bất kỳ con gì cũng tống vào dạ dày, kể cả loài quạ tanh và dai, bọn vẹt chỉ toàn thấy đầu. Tới mùa măng le mọc, đi tìm lỗ dúi mà đào tới cùng và truy bắt. Những khi ấy, càng lớn Lu càng đắc dụng. Nó hít thật lực, hai chân trước cào cào, như báo hiệu hướng hang của dúi. Thèm chất tanh, đi đặt câu, nhưng chỉ trong mùa khô, khi các con suối hẹp lại, cạn đi để cá quả và trê hay cắn mồi. Muốn ăn cá lớn, phải đi xa nữa, tới con sông luôn xiết chảy. Đổi cái võng đôi Tô Châu mới, nửa cân muối mỏ, được bộ lưới bén của dân Lào dài chừng hơn hai chục mét. Tìm chỗ nước lặng, hay nơi suối gặp sông mà thả lưới. Cũng nhiều khi dùng bộc phá đánh cá. Nếu đánh, chỉ với lượng TNT rất ít, cắt ngắn dây cháy chậm sát kíp, tính sao khi nổ đủ độ sâu hai mét, cho người trên bờ chỉ nghe tiếng ục rất nhỏ, trầm và thấy nước sôi quẩn lên là lao ngay xuống vớt cá. Sông cao nguyên, đoạn nào lòng lắm đá, xiết chảy, cá mõm trâu nhiều lắm. Đánh một phát cháy nhanh, cá nổi ệch bụng, trắng phớ trôi theo nước xiết. Nhảy ào xuống, bơi theo mà nhặt. Phải nhanh tay, nhanh mắt không cá trôi mất tiêu. Phải có nghề, mồm ngậm cá, tay cầm cá và ngón chân cũng kẹp cá. Khi còn nhỏ, Lu cứ chạy ven bờ sủa nhặng, làm tôi rất bực. Lúc xong việc, chúng tôi quây quần bên đống lửa nướng cá ăn cho đỡ mệt vì rét và đói. Lu rất có kỷ luật, dù cá thơm như thế mà cậu chỉ chồm hỗm ngồi yên, mắt đăm đăm vào dàn cá đang thả mỡ rơi xèo xèo xuống dàn lửa. Nó là kẻ biết chờ đợi, kiên nhẫn chờ mấy cái đuôi cá nướng tụi tôi bẻ chia cho. Có lần, tôi bảo: “Ăn thế thôi. Chẳng làm gì lại kêu nhặng lên. Mày là chó, công cán gì mà ăn như vua! Biết tội chưa?”. Lu có thể nhận ra tôi nghiêm khắc, nên có vẻ sợ và chắc hối hận. Nhìn mắt nó thì biết. Cu cậu chứng tỏ thái độ bằng cách thè ngay lưỡi liếm nịnh vào tay tôi. Tôi tin rằng, giống vật hiểu được tiếng nói con người. Chỉ có điều nó không nói ra mà thôi. Bằng chứng là hai tháng sau, trong một lần đánh cá, khi chúng tôi đồng loạt nhao xuống dòng nước xiết, Lu cũng nhào theo và, thoắt càm lên bờ một con cá khá lớn rồi lại nhao xuống thả trôi tới hơn ba trăm mét để kiếm thêm con nữa. Tất nhiên, dù tụi tôi vì thiếu đói mà keo kiệt, vẫn phải để nó xơi nguyên một con cá. Thời gian vèo một cái hết mùa mưa. Chúng tôi sắp thu hoạch rẫy. Lúa rất mẩy và ngô nếp căng sữa chưa từng thấy. Khi này, Lu đã thực sự trở thành một chàng chó cường tráng và bắt đầu đỡ đần tụi tôi. Nó lùng sục suốt đêm ngày đuổi lũ chuột và sóc, cả những con khỉ nhanh lại khôn như chấy. Tôi không thể tưởng tượng rằng, sao nó bắt chước nhanh tới vậy. Đó là lần thấy tôi bò trườn giữa những cây lúa đang trĩu hạt, tiếp cận, đủ tầm bắn, một chú hoãng đang giác, lạc vào ven rẫy, nó cũng ngậm tăm bò ngay bên cạnh và lao như tên bắn ngay sau khi khói súng vừa loang trên đầu nòng… Mỗi ngày, nó được chứng kiến thêm, tham gia vào nhiều công việc của thằng lính. Nó vừa là bạn vừa là chiến hữu.
Còn câu chuyện của mùa mưa năm sau, đơn giản là thế này. Giữa mùa mưa, ngô bắt đầu kết sữa trên rẫy, tiểu đoàn đột ngột điều người đi bổ sung quân số cho một đại đội đang chống lấn chiếm ở vùng giáp ranh. Vì cả đại đội trông vào rẫy để chống đói nên phải để người ở lại. Anh Hạnh bảo, cậu ở lại với Lu nhé. Trông rẫy tất nhiên không có gì nguy hiểm như đi đánh nhau. Nhưng sẽ cô độc, buồn. Tôi muốn đi với anh em. Hạnh vỗ vào vai tôi nói, cậu với Lu hợp nhau, bảo được nó. Thôi ở lại! Đấy là mệnh lệnh! Tôi và Lu tiễn anh em ra Bến Rừng, sang sông.
Bởi còn lại một mình, tôi phải ngủ ngay tại chòi canh rẫy. Ăn ngủ tại đó, rất tiện cho công việc, nhưng lại xa nước. Thực chẳng may cho tôi. Tiểu đội vừa đi được ba ngày thì tôi lăn ra sốt rét. Sốt rét ở đời lính Trường Sơn là lẽ thường. Nhưng lần đó, không hiểu sao đã uống tới hai liều Phòng Ba (1) mà bệnh không thuyên giảm. Tôi lên cơn từng chập, dày hơn mọi lần và nằm liệt trên đệm cỏ ở cái lán thổ tả ấy. Ăn uống thì giản đơn. Vì có ăn được cơm đâu nữa. Cũng chẳng thèm ăn, chỉ khát ngọt. Cố lần ra rẫy, vặt ngay ngô non, rau cải xanh hay bí ngô non mà nhai tạm. Lu cũng đói đấy, nhưng tôi không thể nấu cho nó. Nó không sốt, nó khoẻ nên chịu được. Hay nhịn đói chắc là sở trường của loài thú. Tới ngày thứ ba, đã cạn sạch hai ống bương dự trữ nước. Tôi rất khát. Đêm, cơn sốt làm tôi thiếp đi và mơ rất hãi hùng. Tôi thấy mẹ. Bà vuốt ve tôi và khóc. Tỉnh giấc, trăng vằng vặc chiếu tỏ mọi vật và nhìn lên, đâu cũng thấy những áng mây sáng màu vàng. Một cánh tay tôi đã rơi khỏi sạp, thõng xuống đất. Trong cơn mơ, tôi tự cào xé hết cái áo lính đã tướp rách và đầm đìa mồ hôi. Không phải mẹ đâu! Tôi ý thức được điều gì đang xảy ra. Lu đứng cạnh. Đôi mắt nó xanh mơ trong ánh trăng, đăm đăm lo lắng nhìn tôi và cu cậu chậm rãi liếm mồ hôi đang vã ra trên mặt, trên tay, trên ngực tôi. Tôi vật vã. Đau đầu vô cùng. Như thấu hiểu hết, Lu dụi mãi cái mõm ướt và nóng vào cổ, ẩy đầu tôi cao lên trên cái gối nhồi cỏ. Tôi nghĩ tới cái chết.
Rồi đêm qua đi. Cứ nằm đây không chết vì sốt cũng chết vì khát. Tôi cố cầm gậy, ra rẫy bẻ vài bắp non hít nước và kéo lê bình tông xuống tìm con suối nhỏ chân rừng. Thực không may, tới đoạn dốc nơi bìa rừng tôi bị ngã và cứ thế lăn đi, rơi xuống một cái khe cạn, đầu quật mạnh vào một thân cây và bất tỉnh. Không biết tôi đã nằm tại đó bao nhiêu lâu. Mỗi khi lơ mơ mở mắt, vẫn là Lu bên cạnh. Nó đã cắn rách cả ống quần mà không sao kéo tôi thoát khỏi cái khe nhỏ ấy. Tôi nghĩ, chắc là chết. Nghĩ đến chết, lại chết hiu quạnh, tôi ứa nước mắt. Khi ấy Lu chạy cuống quanh tôi. Nó đứng ngẩn ra một lát và bất ngờ nghển cổ tru dài. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe một con chó nhà tru như chó sói. Tôi đã từng đọc sách, thấy nói, chó sói tru vào những đêm trăng suông. Tru gọi bạn tình. Bấy giờ trăng đã lặn. Lu gọi ai? Tôi muốn nói với Lu lắm mà không sao nói được. Lu cũng muốn nói với tôi thì phải. Nhìn vào mắt nó, tôi cảm thấy điều ấy và biết, có những tình cảm không thể cất lên lời. Mà cái tình, cũng không nên nói thành lời. Ở thời khắc hãi hùng ấy, thời khắc ý thức mình sẽ chết, con người ta chợt không thấy sợ nữa. Tôi muốn khép mắt lại. Lu bỗng phóng vọt đi, để mình tôi bắt đầu thiêm thiếp, chìm tiếp vào cái chết chậm. Tôi thấy mình bay khỏi xác. Tôi dang tay vượt trên những tàn rừng, nhằm hướng Bắc mà bay, bay mãi. Đột nhiên tôi thấy mình bị lắc kỳ lạ. Cảm giác ấy về sau chưa bao giờ lặp lại, chỉ tới sau này, khi ra nước ngoài trên chuyến bay lần đầu, tôi đã gặp lại cảm giác này lúc máy bay nhao rơi vào túi khí loãng… Tôi tỉnh. Bừng mắt. Thì ra tôi đang được một tốp người đưa qua một cái vực rất sâu bằng dây rừng. Họ thả tôi vút qua một cái vực. Ba người Thượng thì phải. Sau này, tôi cũng nhớ ra rằng, chúng tôi đã từng đi tuần tra tới đây. Đó là dải phân cách tự nhiên giữa hai ngọn núi mà người bình thường rất khó vượt qua. Sang tới bên kia, họ cho tôi uống nước đựng trong một ống vầu. Đấy là thứ nước ngọt nhất trên đời tôi chưa từng được uống. Đi tới đâu, nước làm thể xác tôi mát dịu.
Đây là một gia đình người Thượng sống ở mé trái núi. Họ có ba người. Ông già, một người vợ và cô con gái mười bảy tuổi sống trong một cái nhà sàn nép dưới tàn cây, sâu vào nữa là hang nhỏ. Không, đúng hơn là còn con chó nữa, có cái tên dân tộc rất khó phát âm. Như vậy, Lu đã tới đây tìm người cứu tôi. Thì ra cu cậu trước đây đã tới đây mà tôi không hề biết. Chỉ có chó mới có thể vượt qua được khe ấy mà tới tìm đồng loại của nó. Con chó cái đã chửa, bụng căng ra phơi nhiều núm vú và chúng liếm láp nhau tự nhiên trước tôi. Tôi được uống thứ thuốc lá đắng muốn nôn. Tôi uống nước quả từ tay cô gái con chủ nhà. Được ăn thứ củ, mà khi nấu lên màu trắng ngà như sữa, trộn chút mật ong. Những bắp ngô nếp giã nhừ nấu với thịt. Tôi không biết tiếng họ và họ cũng không hề biết tiếng Kinh. Cũng không rõ, sao họ sống lẻ loi như vậy; vì người Thượng hay người Lá Vàng ít khi sống như thế. Có một bữa, máy bay địch sát qua ngọn núi. Thấy người đàn ông kéo vợ từ trảng rừng trống cảnh giác ép nhanh vào bìa đá. Còn cô gái thì chỉ lên trời và làm động tác chùi mắt. Đấy là toàn bộ những gì tôi biết về họ. Lại nói tới Lu. Nó và bạn nó được ăn uống rất sang. Người đàn ông tóc dài tới vai, đen cháy, săn chắc như gốc cây khoop đã qua lần đốt rẫy, đứng bên chái nhà xẻ thịt từ tảng thịt sấy, treo lủng lẳng một dãy, hào phóng quẳng cho hai con thú. Chỉ dăm ngày sau đó, khi đã khỏe, tôi đã học được cách cài bẫy của ông rất đơn giản mà hiệu quả, nên hiểu vì sao trong nhà nhiều thịt sấy khô dự trữ như vậy. Ông chỉ cho tôi cách chém lồ ô, để lại cật sắc như nước, nhọn hoắt. Lu và con bạn nó giúp chúng tôi tìm thấy vệt đi của những con thú khi chúng cọ thân lấm bùn, để lại dấu vào các gốc cây trong rừng. Chọn quãng hẹp mà bầy thú buộc phải qua đó, cắm dày đặc lồ ô sắc nhọn, đón tầm cao ngang ức con nai.
Sau rừng chông ấy năm sáu mét, căng một sợi dây rừng thực nhỏ rồi ngụy trang. Bầy nai thế nào cũng có con chạm chân vào sợi dây đó và cái lẫy nhỏ tung ra để lập tức hòn đá bị treo rơi nhanh xuống đất, phát ra tiếng động lạ. Cả bầy nai bị bất ngờ bởi tiếng động, sẽ hoảng hồn, phi vọt chạy trốn. Thể nào cũng có con rơi vào rừng chông lồ ô cắm chờ sẵn. Những ngọn lồ ô sắc, nhọn hoắt, dài tới ba mét cắm nghiêng, sẽ xuyên ngập ức nai. Tôi còn được đi lấy trứng kiến với mẹ con cô gái. Chui vào một tàn cây rậm rạp, thấp, treo lủng lẳng những chùm the be chín vàng. Tại quãng cây rừng như vậy có nhiều tổ kiến kết bằng lá cây, xộp, to như chõ xôi. Chém vào tổ kiến như bổ dưa rồi rũ trứng xuống lá chuối. Trứng kiến rất thơm và bùi khi nướng trong bọc lá chuối. Sau này, tôi được biết thêm, rằng trứng kiến, mối và ong non có nhiều chất vi lượng và vitamin quý hiếm mà loài người khó tạo nên. Thảo nào, tôi lại sức rất nhanh. Thảo nào, môi cô gái hồng thế? Cổ tay em trắng và tròn thế! Sau chuyện này, tôi đánh giá Lu rất cao. Nó biết nơi có thức ăn nhiều hơn. Tại đó lại có một bạn chó, để nó thỏa mãn sự khát dục, vậy mà nó vẫn quay về với chúng tôi. Và nhờ có nó, tôi được cứu sống.
Hơn một năm nữa qua đi.
1975, trước Tết một tuần lễ, tiểu đội chúng tôi được lệnh về hội quân. Lâu rồi chúng tôi mới tập trung toàn tiểu đoàn về cụm gần nhau tới vậy. Tôi gặp lại nhiều bạn hữu. Lu cũng tỏ vẻ mừng rỡ. Gặp bất kỳ ai, nó cũng hít ngửi, chắc để nhận ra mùi lính. Nó không biết rằng, chúng tôi sắp bước vào một trận đánh lớn. Đánh nhau, điều ấy cũng bình thường nhưng không thể vui vẻ nhảy cẫng lên suốt ngày như nó. Chúng tôi lau lại súng, xóc lại lê và mài dao găm. Lĩnh thêm lựu đạn và đạn. Anh Hạnh vác về khẩu B41 còn nguyên lớp mỡ và những viên đạn dài, hình bắp chuối, màu quân dụng.
Sớm ra, có lệnh giết tất cả thú vật, không trừ một ngoại lệ. “Đây là trận đánh lớn. Có tính quyết định như tổng tấn công. Tuyệt đối giữ bí mật khi áp sát địch“. Hơn chục con gà, một con lợn của tiểu đội hậu cần, nhanh chóng được đưa xuống anh nuôi để lập tức xả thịt, băm nhỏ, trộn với muối làm lương khô cho chiến dịch. Bọn thèm thịt chó mừng rú. Sớm dậy, chưa tỏ mặt người, tay anh nuôi đã tới tiểu đội tôi tóm lấy con Lu khi nó chưa hiểu ra việc gì. Gã buộc vào cổ Lu một sợi dây rừng và định dắt nó đi. Không! Lu giằng ra, lùi bước và nhe bộ răng trắng ởn hăm dọa. Tất nhiên anh Hạnh không thể can thiệp. Mệnh lệnh mà. Anh Hạnh bảo thằng Tâm đưa nó xuống bếp. Sao lại là tôi? Tâm nói. Nó đưa mắt nhìn chúng tôi hoang mang. Thôi cậu đi đi. Tôi quay mặt đi, nói. Tâm và gã anh nuôi xuống bếp, con Lu lững thững theo sau họ. Đi một đoạn, Lu bỗng dừng chân và ngoái đầu nhìn lại. Cái nhìn đầy trách móc như muốn nói với tôi: “Đồ phản bạn!”
Tôi lên võng, tung tấm đắp trùm kín đầu. Hình ảnh Lu trong bóng tối hiện lên….Tôi bật dậy và chạy đi. Tới đầu lán anh nuôi, gặp Tâm quay lại. Lu bị giết chưa? Tôi hỏi. “Chưa! Tao sợ nhìn nó lắm!”. Theo tao. Tôi lại bảo. Chúng tôi vòng ra sau hầm bếp. Lu đang bị cột vào một gốc cây ven suối. Dưới cổ nó một cái nồi nhỏ để sẵn. Lu ngửng lên nhìn gã anh nuôi đang giơ cao cái chầy chuẩn bị giáng xuống đầu. Thế mà nó vẫn vẫy đuôi như mừng rỡ. Mõm hếch lên liếm láp cái cổ tay của kẻ sắp giết nó. Tôi nhói đau và bỗng lóe lên ý nghĩ khi nhìn thấy chai xăng nhỏ mồi bếp. Tôi ném thẳng chai xăng vào lò Hoàng Cầm. Tích tắc, có tiếng nổ phát ra và lửa khói dâng cao hai mét, trùm kín cả nồi quân dụng đầy nước đang sôi ùng ục. Cháy, cháy. Tâm la lên. Tất nhiên là ba anh nuôi bỏ Lu nhao vào. Chỉ chờ có vậy, tôi vòng ra sau lán, rút nhanh dao găm chém đứt phăng sợi dây rừng đã trói buộc Lu. Chạy! Chạy ngay! Tôi vỗ vào mông Lu hạ lệnh, khi cái mũi ẩm ướt quen thuộc của nó áp nhanh vào má tôi. Chần chừ một lát, ngước mắt nhìn tôi lần cuối, Lu phóng đi.
Chiều tối hôm ấy xe binh trạm tới. Mưa tầm tã. Những trận mưa cuối của mùa mưa, nặng hạt lắm. Đây là lần đầu cánh bộ binh chúng tôi được hành quân cơ giới. Người ta bảo, trận này sẽ diễn ra trong thành phố lớn nhất nhì cao nguyên. Nơi đó cách đây cả trăm cây số. Hành quân gấp. Xe nổ máy tiến vào đêm đen. Tôi kịp phát hiện ra bóng Lu từ đâu nhảy ra và chạy theo xe. Tôi nhổm người lên. Cả Hạnh và Hoàng cũng nhổm lên. Bóng nó chập chờn cố phi theo, đôi lúc nước táp tóe trắng ra hai bên chân nó trong ánh chớp sấm nhì nhoằng. Thôi, hãy về với gia đình của cô gái, thôi hãy trở lại rừng…Tôi đứng nhìn cho tới khi bóng nó mất hẳn trong đêm tối.
Chúng tôi được ô-tô mặt trận thả xuống cách thành phố Buôn Mê Thuột vài chục cây. Cứ ngậm tăm mà đi.Mũi chúng tôi chọc thẳng vào sân bay, nơi có những toán quân thiện chiến của tướng Phú trấn giữ. Tôi không rõ các cánh quân khác đã tràn ngập thành phố thế nào, nhưng đại đội tôi để chiếm được già nửa sân bay đã tổn thất khá nhiều chiến sĩ vì trận đánh dằng dai hơn ngày trời với toán lính rằn ri tại đây. Địch từ các hầm ngầm, với sự yểm trợ của nhiều toán máy bay A37 từ miền Trung bay lên yểm trợ, trồi lên bất ngờ và đánh trả quyết liệt khi trời hửng sáng. Tiểu đội hai người hy sinh. Anh Hạnh cũng bị thương ở chân và tôi dìu anh vào một khu nhà có bức tường thấp ngăn với đoạn cuối đường băng. Chúng tôi không ngờ có tốp lính đối phương đã mật kích sau lưng qua bức tường ấy. Hai tên vừa chạm đất anh Hạnh và tôi kịp lia đạn tiêu diệt thì hai đứa khác từ đâu bổ xuống. Gần quá, tôi phất một tên, dùng nòng súng gạt phắt lưỡi lê của tên thứ hai và tung báng súng. Cú đánh trượt, người lính cao to hơn tôi đã lao cả người đẩy tôi ngã ngửa xuống mặt đất. Chớp mắt, tôi thoáng thấy ánh sáng của mũi lê AR 15 vung lên. Chắc chắn sau tích tắc, tôi sẽ biến thành khối thịt phun bọt máu, đổ sập xuống đất. Không, trời cho tôi sống. Huỵch! Như có phép thần, hay tưởng tôi đang mơ, bóng Lu từ đâu vụt lao tới húc thẳng vào đối thủ, đẩy bật hắn bằng sức mạnh của gia tốc loài chó. Trời ơi! Lu!
Đêm ấy tôi ôm Lu ngủ. Nó thở phì phò và liếm vào mặt, cổ tôi. Không biết bằng cách nào mà nó đã chạy suốt hơn cả trăm cây số để đuổi theo đội hình tiểu đội. Hay là sự huyễn hoặc và số phận đã bày đặt ra thử thách nó và cả chúng tôi nữa, những con người bình thường đã gắn bó ở những thời điểm đặc biệt, trớ trêu của cuộc sống.
Sớm sau tỉnh dậy đã thấy Lu ngồi chồm chỗm bên cạnh. Nó đương ngắm tôi rất kỹ. Đôi mắt không như mọi khi, trìu mến. Tôi không thể hiểu được nó nghĩ gì. ánh mắt ấy, nếu là của con người, chắc hẳn để phán xét người khác. Nó suy nghĩ gì? Đôi mắt kia, nhìn tôi đăm đăm như muốn nói, muốn hỏi? Ba ngày sau, thành phố cao nguyên, kể cả sân bay, hoàn toàn về tay chúng tôi. Đó là trận đánh có tính then chốt, tạo nên sự sụp đổ quân đội địch như trò chơi Domino. Sau trận mở màn ấy, tiểu đội chúng tôi khuyết đi hai người. Họ bị bắn gục ngay trong nửa ngày đầu trận chiến. Anh Hạnh bị trọng thương phải đi viện. Thằng Hoàng lên thay. Nhận thêm ba tân binh từ Bắc mới vào. Rồi lại đánh cắt chéo xuống miền Trung. Không ai xua đuổi Lu nữa. Kể cả tay chính trị viên khó tính. Thế là Lu tham gia hầu hết các trận đánh. Tại Cheo Reo nó lập được chiến công nữa. Chúng tôi nhờ nó tìm được 16 trẻ, tám chín người lớn thoi thóp chờ chết trong rừng. Họ là đám người chẳng biết gì cả, chạy trốn chiến tranh lại đi lẫn vào đội quân rút chạy để rồi tán loạn, lạc trong rừng cao nguyên. Những tốp người Kinh có Thượng có… nằm cong queo bên một gốc săng lẻ đã toác môi vì đói và khát.
Tôi cứ đinh ninh là Lu sẽ theo tôi về tận Sài Gòn và sẽ ra thăm Hà Nội. Nhưng thực tế không thể như mong ước. Cửa ngõ Sài Gòn có phòng tuyến phía Tây. Địch ném bom ngạt bảy tấn xóa sổ cả một đơn vị. Chúng tôi vẫn tiến lên, đánh địch giằng co từ chiều tới tận cả ngày sau. Lu luôn luôn bám sát bên tôi. Chúng tôi bị cản lại trước một khoảng trống giữa hai khu nhà. Đạn cầy ngang hất dọc. Không khí khét lẹt, nung nóng bởi những đám lửa bất ngờ bùng lên. Tạm thời nằm xuống trước một khoảnh trống thì từ đâu hiện ra đứa trẻ ba bốn tuổi khóc ré và chạy ra giữa làn đạn của hai bên. Chẳng bên nào dám bắn cả. Nhưng không thể nằm chờ. Tôi bảo Lu tiến lên, như ngày nào nó ở hậu cứ, trên rẫy, càm bất cứ một vật gì khi tôi ra lệnh. Nó, người bạn trung thành và gan dạ vọt tiến qua bức tường đổ rồi cắt chéo đường ngắn nhất tiếp cận ngay đứa trẻ. Đúng khi nó sắp hoàn thành nhiệm vụ thì nó gục xuống. Nó bị ai đó bắn hạ. Bình thường, khó bắn trúng nó lắm, bởi nó nhanh vô cùng, di chuyển lắt léo hơn cả đạn. Nhưng lúc ấy, nó phải chậm chạp bò lùi, kéo đứa trẻ xuống rãnh sâu bên đường. Lu của tôi giật nảy người lên rồi nằm im…Thế là tiếng súng hai bên lại rộ lên, bùng sáng những đám lửa da cam.
Tôi cùng tiểu đội quay lại nơi Lu nằm tênh hênh bên cái lạch thoát nước bên đường. Để đứa trẻ có thể sống, Lu đã chết. Nó đã chết. Viên đạn cày trên đường, xuyên vỡ nát bả vai và phá tung lồng ngực nó. Máu ướt thẫm mặt đường nơi nó nằm xuống. Bốn chân duỗi ra, buông xuôi. Đôi mắt khép lại như ngủ. Chắc chắn, nó không hiểu vì sao con người lại giết nó và ai đã bắn nó. Tại sao lại bắn nó? Đó là sự chủ định của một con người cụ thể hay là viên đạn định mệnh của chiến tranh dành cho một số phận chó.
Người ta chôn cất các chiến sĩ của đoàn tôi trên một khu đất cao. Cạnh đó chúng tôi đưa xác Lu tới và đắp một ngôi mộ nhỏ. Không ai dám ngăn cản chúng tôi làm việc đó. Bởi đã một tháng nay, câu chuyện của Lu trở thành huyền thoại trong biết bao câu chuyện của trung đoàn. Giống như các chiến sĩ đặc công, những người đã ngã xuống vào đêm đầu tiên mở màn cho chiến công Ban Mê Thuột; giống như tiểu đội bộ binh truy kích, chạy bộ mấy chục cây, chặn đứng toán xe đầu tiên của toàn bộ lực lượng địch tùy nghi di tản, giúp quân đoàn chúng tôi tiêu diệt toàn bộ sinh lực chính của địch trên cao nguyên, tạo nên sự kinh hoàng, rã đám toàn bộ lực lượng còn rất đông của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chúng tôi cắm một tấm biển gỗ và trên đó, tự tay tôi dùng bút dạ chiến lợi phẩm đề: “Lu. Tiểu đội Ba. Đoàn Bẩy Hai. Đã hy sinh ngày 16 tháng 4 – 1975.”
Vĩnh biệt, tôi bắn một loạt tiểu liên lên trời. Khói súng bay lên từ đầu nòng và tản ra rồi lững lờ lên cao. Tự nhiên mắt tôi nhòa lệ. Có thể vì nhòa lệ hay ảo giác, tôi thấy hình Lu trong khói súng. Nó đang phi…đúng hơn là phi tít lên trời xanh, hòa vào những đám mây lang thang của bầu trời tháng tư phía Nam mùa mưa.
Chúng tôi tiến vào Sài Gòn không có Lu. Chiến tranh chấm dứt.
Xuân 2005
Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ