Bài nổi bật

Vợ Nhà Thơ Kể Chuyện – Trung Trung Đỉnh

Truyện đêm khuya – Truyện không có nhiều gai góc chỉ là một câu chuyện bình dị, nhẹ nhàng qua lời kể của nhân vật vợ nhà thơ. Người vợ không biết làm thơ, không hiểu thơ nhưng yêu nhà thơ chỉ vì ông giỏi sản xuất xe đạp. Vì cuộc sống cơm áo, nhà thơ phải gác bút nghiên chuyên tâm cho công việc sản xuất xe đạp của mình. Công việc tuy không khiến ông giàu có nhưng cũng giúp gia đình có một cuộc sống bình thường. Tuy vậy, niềm yêu thích văn thơ vẫn luôn có trong ông. Và rồi đến lúc tài năng của ông được người ta biết đến, vợ nhà thơ tự hào vì chồng mình được nổi tiếng. Con người luôn kiếm tìm hạnh phúc, nhưng quan niệm thế nào mới là hạnh phúc thì mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Nếu biết trân trọng và quý mến những điều mình có thì bạn sẽ thấy đó chính là hạnh phúc của mình…

Nhà tôi là một người nổi tiếng. Hồi mới yêu nhau, thú thực tôi chỉ yêu cái vẻ bề ngoài phong trần lầm lũi và bí ẩn của anh. Tôi nghĩ những kẻ phong trần thường cao thượng.
Những kẻ cao thượng thường khiến người ta khó hiểu, thậm chí hiểu lầm. Tôi có một lô những lý thuyết kiểu như vậy để tự bào chữa cho những điều thiên hạ đàm tiếu. Cái Trà, bạn thân nhất của tôi, vì không chịu nổi những bình luận của chung quanh, đã phải gọi riêng tôi ra một chỗ, bảo: “Mày yêu lão ấy hay yêu những bài thơ không vần và cái xe Mi-pha của lão?” – ”Tao yêu cả hai đấy”. Tôi cáu kỉnh quặc lại nó. ”Thì làm sao nào?”. Tôi phải nhắc lại chi tiết này, vì nếu bạn đọc trẻ, có thể không hiểu cái xe Mi-pha là cái xe gì. Vâng, ấy là vào những năm đầu của thập niên tám mươi thế kỷ trước, ai có cái xe đạp mang nhãn hiệu Mi-pha được coi là giàu có, hay ít nhất cũng là tay kha khá. Chúng nó chỉ nhìn thấy anh cưỡi cái xe ấy từ xa, phía quán nước chéo bên kia đường chờ tôi, nên không biết rằng, đó là cái xe do chính đôi bàn tay anh kì cạch “độ lại”, từ kính thưa các loại phụ tùng rẻ tiền để lắp ráp mà thành. Tôi quen anh đúng vào ngày sinh nhật tôi của năm cuối đại học. Trời mưa to, dù vậy, tôi vẫn phải đạp xe ra chợ mua sắm vài thứ, kẻo tối không có gì tiếp bạn. Lúc quay về, không may bị ngã, xe tôi trật xích, vênh vành, đành phải ghé vào quán sửa xe đạp bất kỳ bên đường, mà rất tiếc, trong túi chỉ còn vài đồng. Tôi đành nói thật tình trạng của mình với chủ quán, tức là anh, và anh bảo, cô cứ lấy cái xe của tôi mà đi, sáng mai lại đây trả rồi lấy xe về. Nhìn cái xe “Mi-pha” của anh, tôi ngại, nên bảo: ”Anh sửa giúp em, mai em lấy, bây giờ em đi bộ về trường cũng được”.
Hôm sau tới lấy xe, qua câu chuyện mới biết anh đã nghỉ chế độ về nhà làm chủ lò sản xuất xe Mi-pha “độ lại” theo kiểu thủ công, tự chế. Trời ạ, khéo tay đến thế là cùng! Chỉ đến khi nhìn lại, để ý lại, tôi mới biết chiếc xe anh đang đi là xe Mi-pha dổm. Cũng lại phải giải thích ngay rằng, nếu bây giờ mà anh ”độ lại” xe kiểu ấy, nhất định bị coi là kẻ làm hàng giả, tay phạm pháp. Hồi đó việc làm của anh được coi như một sáng kiến, đi đến đâu cũng có người khen, vì nói theo kiểu các nhà quảng cáo bây giờ: giá nội, chất lượng ngoại.
Con người ta không biết có bao nhiêu điều bất ngờ? Tôi lấy nhà tôi hồi ấy chính là điều bất ngờ lớn nhất đối với người thân. Tôi biết, trong con mắt người thân của tôi xưa nay, ai cũng nghĩ tôi là cô bé ngoan, lại hiền lành, chất phác, thậm chí hơi nhút nhát một tí. Vậy mà… cánh bạn gái, đứa bảo tôi tham của. Đứa bảo tôi mê mẩn vì thơ phú mà lấy phải tay chồng già. Nhà tôi hơn tôi đúng mười tuổi. Năm ấy anh ba mươi lăm, nhưng khổ nỗi, tóc đã muối tiêu, ria cũng muối tiêu luôn! Bố mẹ tôi lo lắng ra mặt. Mẹ bảo tôi tham chốn thị thành mà lấy phải cái anh chồng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, về quê “vợ tương lai” lẽ ra trước hết phải đi thăm hỏi họ mạc thì lại ra bờ đê nhìn sông, xuống đồng bắt cào cào châu chấu với trẻ. Nói chung là hình như anh ta mắc chứng tâm thần? Vâng, tôi bảo với mẹ rằng, anh ấy là thương binh hạng bét, vết thương đầy mình nhưng toàn ở phần mềm, thành thử không thể nói do thương tật. Con cũng không biết vì sao mà con lại yêu anh ấy. Cái gì anh ấy làm con đều thấy đúng, thấy hay. Kể cả việc mọi người chê là ngơ ngơ thì con vẫn thấy anh ấy thông minh tuyệt vời. Mẹ bảo mày có ăn phải bùa phải ngải gì không? Tôi nói có lẽ có. Mỗi tuần anh ấy tặng con một hai bài thơ. Con không biết phân biệt thơ hay, thơ dở. Nhưng biết anh yêu con quá nên mới cứ suốt ngày làm thơ như thế… Mẹ lắc đầu không hỏi gì thêm nữa. Đúng là với anh, thơ và xe đạp, cả hai thứ đam mê của anh đều khiến tôi lạ lùng. Tôi cứ tưởng ở đời chỉ có cái Mi-pha là đỉnh cao của xe đạp rồi. Nào ngờ, anh có cả một bộ sưu tập (tất nhiên là tranh và ảnh) các loại xe đạp trên thế giới. Anh vẽ cho riêng bộ sưu tập của mình có tới vài ba chục chiếc. Anh bảo từ bé anh đã mơ làm được một loại xe đạp có cánh, mỗi vòng đạp là một lần nạp năng lượng, cho đến khi năng lượng nạp vô bình đủ mức cần thiết, xe có thể cất cánh bay trong một chừng mực nào đó. Chính anh là người đạp xe đạp xuyên Việt đầu tiên từ sau ngày đất nước thống nhất bằng chiếc xe tự chế của mình. Rồi anh lại nói về thơ. Anh bảo loài người sẽ sống như thế nào nếu không có thi ca? Tôi bảo, thì từ bé tới giờ em sống chẳng có thơ ca hò vè gì, sao vẫn thấy vui? Anh giải thích, đó là do em không tự biết mình đang sống trong dòng sông thi ca của đồng áng, của thơ mộng làng quê, của vẻ đẹp thuần khiết do hương đồng gió nội đem lại, tạo nên tâm hồn giàu chất thơ của em đó thôi. Anh khẳng định, mỗi người Việt Nam là một tâm hồn thơ…
Tôi lại thấy anh nói đúng. Hình như thầy giáo dạy môn văn của tôi hồi cấp ba cũng giảng như vậy. Tôi quên mất rằng bố mẹ tôi cũng là giáo viên cấp ba. Bố tôi dạy địa lý, còn mẹ tôi dạy môn lịch sử. Bố mẹ tôi chỉ có mình tôi nên các cụ rất chiều. Tôi biết, bố rất buồn khi thấy tôi dẫn anh về, nhưng ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và điềm tĩnh. Duy nhất có một lần, khi tôi và bố ra vườn hái đậu ván, bố hỏi: ”Con nghĩ anh này là nhà thơ thật đấy à?” – ”Không, con không nghĩ thế?”. Tôi ngước mắt lên nhìn bố và gặp đôi mắt trìu mến của ông. “Nếu vậy thì bố hy vọng là con đúng?”. Thú thực, lúc ấy tôi không hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó, nhưng tôi cũng không dám hỏi lại…
Vợ Nhà Thơ Kể Chuyện – Trung Trung Đỉnh
Thế rồi thời gian cứ trôi. Tôi có hai cô con gái. Các cháu khoẻ mạnh, học hành khá ngoan. Nhà tôi bỏ thơ giữa đường khi chúng tôi sinh cháu đầu. Anh bảo cơm áo không đùa với khách thơ, vậy thì “khách thơ” ù-té-quyền trước khi thành danh vậy. Tôi chả hiểu gì về thơ nên lâu lâu không thấy anh có bài nào thì hỏi. Anh bảo, làm thơ không giống đi gặt lúa bới khoai, chăm chỉ với lại cố gắng đâu có được. Anh rút lui trước vì biết tài mình mỏng chứ không phải anh lười.
 
Vâng, tôi thấy nhà tôi nói đúng quá.
Thực ra cả chục năm rồi anh có làm thơ, nhưng không phô cho ai hay. Cái xưởng tân trang sửa chữa xe đạp của anh nuôi được cả ba mẹ con, nhưng anh phải chịu rút vào trong cõi thơ riêng tư của mình: Năm người bạn cùng làm với nhà tôi đều là các anh cùng chiến trường xưa, cũng chả có anh nào thơ phú, văn chương chữ nghĩa gì, thành thử nhà tôi hoá ra “có giá” nhất. Cứ mỗi lần lễ lạt hội hè, các anh tổ chức liên hoan, lên chén, xuống chén tuý luý, thế nào họ cũng bắt nhà tôi đọc thơ, rồi mời thêm mấy nhà thơ trong câu lạc bộ thơ của phường tới phụ hoạ. Tôi thấy hạnh phúc tràn trề, nhất là mỗi lần anh đọc những bài thơ đề tặng tôi thời trẻ.
Vâng, bao nhiêu năm nay chúng tôi sống bình yên vui vẻ, bỗng đâu một hôm có người khách lạ bề ngoài trông rất tuềnh toàng tới, người khách vừa xưng tên là nhà tôi đã cuống quýt cả lên, bỏ hết mọi công việc, tiếp đãi. Người khách đem đến cho nhà tôi tờ báo Văn Học có in “một chùm thơ” của anh một cách trang trọng. Trang trọng hơn nữa là có lời bình của nhà thơ danh tiếng lẫy lừng, ấy là ông khách. “Thơ cậu cực kỳ mới mẻ”, người khách nói. “Cực kỳ tài hoa”. Rồi ông khách thông báo: “Cuộc thi thơ của tuần báo sở dĩ kéo dài vì chưa tìm ra giải nhất. Nay giải nhất đã có đây rồi, chúng tôi phải tìm được tới tận nơi để cám ơn anh, nhà thơ trẻ, tuy tuổi không còn trẻ?”. Tôi thấy nhà tôi tay chân thừa thãi, môi cứ run run mà ngửa mặt lên nuốt từng lời ông khách. Ông khách về rồi nhà tôi vẫn chưa nguôi xúc động. Ba bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ của anh được in đi, in lại trên nhiều báo và tạp chí. Ba bốn nhạc sĩ nổi tiếng cùng phổ nhạc thơ anh. Nhà tôi có thêm nhiều bạn mới, tuyền các nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Báo giới ca ngợi thơ của anh như là luồng gió mới của thi ca khiến nhà tôi nhanh chóng trở thành con người khác. Thơ ca là chốn linh thiêng, loài người không biết đến bao giờ mới hiểu hết chân giá trị của nó? Anh thường tuyên bố với tôi như thế. Rồi anh cũng không ngần ngại tuyên bố cả trên báo, trên đài, trên ti-vi. Tôi mừng khôn xiết khi ti-vi cũng đưa cảnh nhà tôi đọc thơ, vừa làm thơ vừa chăm lo việc nhà, chăm lo cho cái xưởng… Anh liên tục được các báo mời cộng tác. Anh thường xuyên được các câu lạc bộ mời đọc thơ, mời nói chuyện thơ. Người ta gọi anh là nhà thơ và các bạn mới của anh ngày càng đông. Rượu và thơ và bạn thơ trở thành niềm đam mê số một, anh không còn thiết gì tới cái xưởng xe đạp cùng năm người bạn lam lũ nữa. Tôi trở thành người chuyên lo tiếp khách, sơ sảy một tí là anh buồn, anh dỗi. Rồi anh bảo tôi, anh biết anh làm khổ đời em. Hay là… Hay là… ”Anh là chướng ngại vật của đời mình?”, anh nói rồi ngã giúi vào lòng tôi. Vâng, đến đoạn này thì tôi đành xin lỗi bạn đọc mà thú nhận rằng, tôi đúng là chướng ngại vật của anh, chứ không phải ngược lại! Nhưng tôi vẫn thấy anh không thể thiếu tôi được, nhất là các con của chúng tôi, chúng không thể thiếu ai trong hai đứa! Cái Trà, bạn thân nhất của tôi bây giờ đã làm tới chức thứ trưởng một bộ. Nhưng nó lại sống độc thân. Nó bảo, sống độc thân là hạnh phúc của nó, chẳng phiền tới ai. Thỉnh thoảng nó vẫn đánh xe con tới đón mấy mẹ con tôi đi chiêu đãi. Rồi nó khen: “Tay chồng Mi-pha” cám hấp của mày hoá ra lại nên chuyện nhỉ. Vừa có thơ hay, con ngoan, lại nổi tiếng đùng đùng, hạnh phúc chán rồi còn gì”? Tôi bảo, ở đời chẳng biết thế nào mà lần. Hạnh phúc hay không hạnh phúc, âu đó cũng chỉ là do quan niệm của mỗi người chúng ta. Ta không yêu cái ta đang có thì dù có giàu sang quyền quý, xe hơi nhà lầu chắc gì hạnh phúc. Nó lại bĩu môi: “Gớm, chị bây giờ đã là vợ nhà thơ lớn, nói năng ra chiều lắm triết lý ghê”.
Tôi mà lắm triết lý ư? Để tối nay về, tôi hỏi nhà tôi xem câu nói ấy có triết lý hay không cái đã!
Tác Giả : Trung Trung Đỉnh / BTV Hoàng Hiệp

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *