Bài nổi bật

Dân cạp đất – Nguyễn Quang Trung

Các bạn thân mến, phải gần gũi với người nông dân chân lấm, tay bùn, đồng hành cùng người nông dân trên mảnh ruộng, vườn cây, ao cá thì tác giả Nguyễn Quang Trung mới viết được truyện ngắn chân thật đến như vậy. Tráng là anh thanh niên khỏe mạnh nhưng học chưa hết lớp 9 nên chỉ biết bán sức lao động của mình kiếm miếng cơm manh áo. Gia đình ít ruộng nên phải đi làm đụng, tức đụng việc gì ai mướn là làm việc đó. Tráng từng lên thành phố làm thuê nhưng không khí đô thị ngột ngạt khiên anh không quen nên lại trở về quê làm việc. Sau mấy năm xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Tráng trở lại quê nhà lập nghiệp. Với sự giúp đỡ của cô kỹ sư tên Kim, sau này là vợ của Tráng, anh đã xây dựng một trang trại khang trang. Để có được thành công như vậy có lẽ nhân vật Tráng cũng gặp không ít may mắn. May mắn khi mấy năm xuất khẩu lao động còn dành dụm được tiền tỉ mang về lập nghiệp, may mắn là gặp được cô kĩ sư Kim, người ngoài lạnh trong nóng. Thương anh chàng nông dân chất phác, thật thà, Kim lặn lội từ thành phố về quê để giúp Tráng thành lập trang trại. Trang trại gây dựng thành công cũng là lúc tình duyên của Tráng và Kim đơm hoa kết trái. Nhân vật Tĩnh là người kể câu chuyện đã chứng kiến những đổi thay cuộc đời Tráng và vui mừng cho bạn của mình. Quá trình gây dựng trang trại của nhân vật Tráng được tác giả miêu tả rất kĩ, cẩn thận, giàu hình ảnh. Người nông dân đẹp nhất chính là lúc họ chăm chỉ lao động trên mảnh ruộng, vườn cây của mình. Sức lực, sự chăm chỉ kết hợp với kĩ thuật tốt đã giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Truyện ngắn cũng giúp người đọc, người nghe hiểu hơn nếp sống, phong tục, tập quán, tính cách con người một vùng quê trên đất nước Việt Nam. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

– Tôi kẹt vào vụ phạt vạ nên muốn nhờ anh đến sớm để đi thông rạch, lên luống giùm.
Nghe vậy là Tĩnh hiểu cu cậu đã ăn cơm trước kẻng rồi. Thời này sống thử đang là xu hướng không ít người trẻ dấn thân, trai gái quan hệ trước thành hôn đã trở nên bình thường. Tuy vậy, ở một số làng quê tại Nam Bộ còn lưu giữ tập tục cổ, nếu trai gái sống qua đêm trước hôn nhân, cho dù con gái “chài” con trai, nhà trai phải nộp phạt cho nhà gái. Tục nộp phạt vạ ấy nghe đâu nguồn gốc do người dân tộc nào đó ở các tỉnh Tây Bắc mang vào từ xa xưa. Thông rạch, lên luống, anh chàng Tráng nói theo ngôn ngữ người miệt vườn sinh động quá.
– Cô dâu khó bước lên sân khấu chào khách được nữa rồi. Xấu hổ quá chừng, anh à.
– Vậy là mừng chứ! Để tôi thu xếp công việc xuống liền.
Với Tráng, dù không bà con thân thích, Tĩnh quý như em mình vậy. Tĩnh được quen biết Tráng cách đây chục năm trong chuyến đi chơi miệt vườn. Lúc ấy cậu đang nghỉ trưa dưới bóng cây dừa mồ côi bên bờ ruộng đang vực đất lên thành luống để trồng màu. Vóc dáng chắc khỏe lấm bùn đen, khuôn mặt sắt lại, ngón chân bong hết móng, móng tay vàng khè. Công việc hàng ngày của Tráng là dùng leng, một loại xẻng hình máng lưỡi dài sắc nhọn, đào đất thuê.
Đôi tay khỏe, đẩy cán cho lưỡi leng sắc ngọt cắm sâu vào đất rồi hất lên bờ nên gọi là cạp đất. Trước đây đội cạp đất này có hàng chục người nhưng họ lên thành phố làm phụ hồ, nay chỉ còn một số ít bám nghề. Tráng nói vậy.
Suốt năm tháng nửa người dìm trong bùn phèn, nửa người phơi trong nắng rát nên da bì đi. Giữa miệt vườn trù phú vậy mà có những người hành nghề cực nhọc vậy đó. Cuối ngày ấy, Tĩnh theo Tráng về nhà. Nơi ở của Tráng là cái chòi, dân miền miền sông nước gọi là nhà cao cẳng, cất de bên bờ kênh lục bình choán ra gần giữa dòng. Xung quanh là những mảnh ruộng lúa sạ mọc loi thoi, cồn gò mấp mô và những ao đìa đón cá mùa lũ.
Dân cư ít, nhà này cách nhà nọ khá xa, đất ruộng nhiều nhưng không đủ sức cải tạo thành đất hoa màu. Tráng cho Tĩnh biết ba má anh ở ấp bên kia, gia đình không có ruộng đất nên phải đi làm đụng, nghĩa là đụng việc gì ai mướn làm nấy. Tráng ra đây dựng chòi ở để trông coi mảnh đất vừa tậu và tiện cho nghề cạp đất. Tráng dẫn Tĩnh ra cái bến kênh cách đó vài trăm mét, dân ấp đã cản bèo, tạo nơi để tắm rửa. Tráng nhảy xuống kênh vẫy vùng, cọ xát thân thể một hồi rồi bước lên. Tĩnh sững người trước một chàng trai da ngăm đen, rắn rỏi, đôi mắt sắc bồn chồn khao khát. Người có đôi mắt vậy sẽ thường có chí hơn người, tiếc rằng Tráng không được học hành chu đáo và không có môi trường khởi nghiệp.
Trong đêm trăng đồng bằng, chai rượu đế Gò Quao mắt mèo với cá lóc bông nướng lửa rơm nứt ra thơm dậy kèm rau tập tàng nhiều hương vị, bằng giọng nói mộc mạc, Tráng kể cho Tĩnh nghe đời mình, cũng đã từng lên Sài Gòn làm việc bốc vác hàng thuê ở chợ Tân Bình, làm phụ hồ nhiều nơi nhưng đồng tiền làm ra chỉ trả tiền phòng trọ, ăn uống tạm bợ vậy mà tiền dư không đáng là bao. Sống giữa đô thị nghẹt người, ngốt mắt với nhà cao tầng tưởng như ngộp thở, Tráng nhớ đồng bằng không chịu xiết nên quay về quê. Tiền công làm mướn bao năm Tráng chi tiêu rất dè sẻn gom được hai chục triệu để mua được hai công ruộng hoang xen lẫn ao đìa ở đây. Đây là vốn ban đầu, muốn trồng được cây trái là phải thuê xe đổ đất bãi sông lấp đất đìa tạo mặt bằng dốc nước. Tráng ao ước góp được khoảng dăm chục triệu để biến hai công đất này thành nơi trồng cây ăn quả.
“Tôi là người mê trồng cây ăn trái, đến nay tôi vẫn hứng khởi khi mình ươm một cái hạt rồi nó nảy mầm, đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, đơm trái. Kỳ diệu lắm”, Tráng nói. Dăm chục triệu, với người thành thị trong tầm tay nhưng với người dân quê là số tiền khá lớn, làm nghề cạp đất mướn như Tráng bao giờ mới tích lũy nổi.
Sau đó, Tráng báo tin cho Tĩnh biết đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. “Tôi cần vốn để làm ăn nên phải liều một chuyến. Sang nước ngoài cũng làm mướn thôi nhưng được trả tiền công cao, chớ làm dân cạp đất tẩy hết bùn trên người cũng hết tiền”, Tráng nói vậy. Thỉnh thoảng Tráng điện thoại cho Tĩnh hỏi thăm sức khỏe. Tĩnh chỉ cảm ơn và nói chuyện xã giao, lấy lệ, chứ không hỏi về công việc của Tráng.
*
Người lái taxi thả Tĩnh xuống trước ngôi nhà nằm trước trang trại trồng cây ăn trái rộng. Dòng kênh được khơi thông không còn lục bình kết bè hai bên nước đã trong xanh thao thiết chảy. Khu đất ruộng xen lẫn những ao đìa trước kia đã bung ngợp tán cây ăn quả. Ai đã tới đầu tư để vùng đất hoang trở thành trang trại thế này? Chắc cậu Tráng làm công nhân ở đây chăng?
Từ trong nhà Tráng đi ra nụ cười đón khách rạng rỡ trên môi. Tĩnh phải sững người, anh chàng cạp đất ngày nào giờ mập ra, dáng như cao hơn, ăn mặc như dân thành phố, quần kaki vàng nhạt phẳng li, áo xanh lơ, thắt cà vạt đỏ. Tráng bắt tay Tĩnh:
– Gần mười năm mới gặp lại anh. Anh ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng sình đìa trước kia phải không?
Tĩnh ngắm Tráng, da dẻ bóng hơn nhưng dấu vết của tháng năm đào đất vẫn lưu lại những vết sẹo đĩa cắn, vết gai cào, lưỡi leng cứa thâm tím trên bắp tay, bắp chân. Mấy năm ở nước ngoài Tráng đã trưởng thành rất nhiều, tự tin, chững chạc hơn. Tĩnh buông câu nói đến là hơ hênh:
– Đành rằng người có lúc nhưng sự thay đổi như cậu khiến tôi bất ngờ quá đó.
– Chuyện cũng dài. Bây giờ tôi dẫn anh đi xem trang trại rồi đi nộp lễ phạt vạ giùm nghe.
Tráng dẫn Tĩnh đi giữa trang trại. Những gốc sầu riêng thân cao, múi trái đã bè ra chín vàng, tới mùa thu hoạch rồi; bưởi da xanh trái to đã vít cành sà xuống, phía bên kia vườn chôm chôm trái vụ trổ bông vàng mơ. Tráng đi chậm để giới thiệu với khách về các giống cây, đôi tay anh săn chắc hơi khuỳnh ra, cánh tay người từng hành nghề đào đất, hất đất bằng leng lâu năm. Thời này là vậy, rất nhiều người bình dân lên hàng đại gia chỉ trong thời gian ngắn.
Tráng kể cho Tĩnh nghe, sau ba năm xuất khẩu lao động được hơn một tỉ. Ngày đó, với số tiền ấy có thể mua nhà ở vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh rồi kiếm công việc gì đó làm. Nhưng là người yêu đất, ham trồng cây và không cam phận làm mướn, tôi tậu mười hai ha đất này lập trang trại trồng cây ăn trái này. Trước tiên, tôi xây ngôi nhà phía trước để ở và làm sổ chủ quyền đất, giải phóng khỏi kiếp ở chòi cao cẳng xập xệ, sau đó thuê người vực lên luống rồi đi chọn giống cây ăn quả.
Tráng chia thành ba vùng, trồng chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng. Chôm chôm có nhiều loại, chôm chôm java, có tự xa xưa quen địa thổ, ít sâu bệnh nhưng chất lượng mùi vị kém, cơm đính vào hột to khó tách; chôm chôm nhãn ăn ngon nhưng năng suất thấp, hình dáng, màu sắc quả không bắt mắt, khó bảo quản lâu; giống chôm chôm Thái mới nhập thân cao, tán rộng, trái to, vỏ màu đỏ, xen chấm vàng bắt mắt, cơm dày thơm đặc trưng, dễ tróc vỏ, hạt dẹp nhỏ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Biết là biết vậy, nhưng thời gian đầu Tráng trồng cây theo kinh nghiệm dân gian nên chôm chôm lên tới thắt lưng lá bị vàng rồi rụng, vậy là phải mướn người đào bỏ. Bưởi da xanh, thân cao nhưng ít trái. Sầu riêng trái vừa ra đã bị teo lại như dái mít. Vậy là thất bại hoàn toàn. Người ta mách Tráng đến Trung tâm phát triển giống cây trồng đồng bằng ở Ô Môn nhờ chuyên gia hướng dẫn. Nghe Tráng trình bày xong, ông Tiến sĩ Giám đốc chia sẻ về tổn thất rồi bảo, việc trồng cây ăn trái là phải có kỹ thuật cao, tôi sẽ cử cô Kim, chuyên gia giúp anh.
Ngay khi gặp Kim, Tráng đã thấy khó chịu, người cao gầy, mặt lạnh lùng, nói năng cộc lốc. Tráng tự ái tính bỏ về nhưng nghĩ lại mình phải nhờ người ta nên nhún nhường. Cô hỏi Tráng về vùng đất ấy, có gần kênh rạch không, hàng năm nước lũ có tràn lên không? Tráng chỉ biết sơ qua vì anh đâu để ý đến. Vậy là cô ta gắt um lên, anh bỏ hàng trăm triệu mà làm ẩu vậy sao. Tráng chỉ im lặng.
Hình như thấy anh chàng quá cù lần nên cô động lòng bảo về đi, hôm sau cô sẽ tới tận trang trại xem xét. Hai ngày sau, Kim đi chiếc xe máy Honda Wave đã cũ, sơn bong lóc từng vệt, tiếng nổ rồ từng chặp đến. Tráng dẫn Kim đi xem trang trại cây ăn quả đang tàn tạ dần. Tráng thấy cô quan sát kỹ địa hình, lấy mẫu nước cho vào cái lọ, lấy mẫu đất cho vào túi nilon. Sau đó chừng một tuần, cô trở lại nói với Tráng những thông số kỹ thuật nhưng anh chàng làm sao hiểu nổi. Cô mỉm cười thông cảm rồi bảo, đất này cần cải tạo mới trồng được cây ăn trái năng suất cao. Anh nên trồng thêm cây cho quả trái mùa mới được giá, ở đời cái gì hiếm thì giá cao.
Thế rồi, dưới sự hướng dẫn của nữ kỹ sư trồng trọt, Tráng bắt đầu cải tạo trang trại, thuê người đào xẻ rạch thoát nước ra kênh, vực lên thành luống lớn, chở đất phù sa từ bãi sông về lấp lên thành lớp dày vì bưởi da xanh tránh đất nhiễm mặn, sầu riêng cần đất tơi xốp, chôm chôm trồng trên ụ đất cao. Tráng cảm động bởi cô kỹ sư bê đất rải, sàn bằng mặt luống, có lúc lội xuống nạo vét bùn phèn thông rãnh, đôi chân dài trắng đã rám lại.
Trước đây, tôi thường mỏi nhức chân nhưng từ khi lội bùn làm lụng lại khỏe ra. Thảo nào nhiều người thành phố thường rủ nhau đi tắm bùn. Kim nói với Tráng vậy. Tráng cho Kim biết, người già ở vùng quê miệt vườn thường khuyên con cháu thỉnh thoảng nên đi chân đất để cân bằng âm dương cho khỏe mạnh. Họ vừa làm nói đùa thật vui. Nhiều lúc Tráng thấy Kim đang vui chợt thừ mặt dừng tay ngó ra chân trời xa, nếp chân chim ở khóe mắt như sâu thêm khiến khuôn mắt cô nặng ra. Hẳn cô nhớ tới điều gì đó. Tráng tính hỏi nhưng thấy không nên. Thấy Kim làm lụng vất vả, một hôm Tráng nói: “Cô Kim giúp thế, tôi biết lấy gì trả ơn đây. Hay là chia cho cô một phần trang trại”. Kim nói gắt: “Tôi không phải làm việc để anh trả công kiểu ấy đâu”.
Trước kia, làm lụng tới khi mặt trời đứng bóng mới chạy xe ra ngoài ăn uống qua loa, buổi tối tự nấu ăn. Từ khi có cô kỹ sư sáng sớm, Tráng ra cái chợ cóc đầu ấp mua thực phẩm về để nấu mời cô cùng ăn. Thời gian sau, trên đường tới đây Kim ghé chợ mua thức ăn đưa tới, cuối buổi làm lụng hai người cùng nấu nướng. Mâm cơm hai người đối diện nhau Tráng thấy không còn chống chếnh nữa. Còn Kim, cô ngộ ra hạnh phúc con người thật ra rất giản dị, sau một ngày lao động được ngồi cùng nhau bên bàn ăn trong không gian tĩnh lặng, với những món ăn nóng hổi vừa nhấc từ trên bếp xuống.
Tráng không hiểu vì sao đôi lúc Kim nổi nóng bất thường, nhiều lúc đang vui bỗng chốc khuôn mặt thất thần đi. Sau đó, Tráng mới biết cuộc sống gia đình trước của Kim đầy giông bão. Chồng cô vốn là một bác sĩ giỏi của khoa sản một bệnh viện ở Cần Thơ, hàng tuần anh mang về rất nhiều tiền, những xấp tiền cuộn lại buộc bằng dây thun cẩu thả. Có lúc Kim tự hỏi, thông thường phải đến kỳ mới lãnh lương, nếu có phụ cấp hay người bệnh biếu cũng không nhiều đến vậy. Nhưng tính tình anh thay đổi nhanh chóng, có lúc nằm trên ghế, tay anh gác lên trán cả giờ như đang nghĩ gì lung lắm, lắm bữa anh bỏ ăn, có khi nổi nóng bất thường, ném cuốn sách đang xem xuống đất hay tung chân đá chiếc ghế.
Kim nhẹ nhàng hỏi nguyên nhân thì anh la mắng um lên. Nhưng ở đời việc làm của chồng không thể che được mắt vợ, Kim bàng hoàng biết chồng cùng một người bạn mở phòng mạch mang danh là khám chữa bệnh phụ khoa nhưng là phá thai chui. Lần ấy, Kim tới đến gần cổng phòng khám thì thấy một người phụ nữ dìu một cô gái đi ra. Thấy cô gái bước luýnh quýnh, Kim vội chạy tới đưa cô vào quán cà phê gần đó. Người đàn bà chính là mẹ cô gái sụt sùi kể cho Kim nghe về sự nhẹ dạ của con mình trước lời hứa lèo của “thằng Sở Khanh” rồi phải tới đây nhờ bỏ thai.
Kim lựa lời an ủi rồi gọi taxi nhờ đưa mẹ con bà ta về quê. Kim ra sức can ngăn vì sẽ dẫn tới tại họa cả nghề nghiệp và đạo đức khôn lường. Nhưng người chồng lao vào công việc ấy như thiêu thân. Có phải tiền bạc đã khiến anh mất tỉnh táo hay là khi con người ta trót nhúng tay làm những việc tội lỗi thì rất khó dứt ra?.
Khi biết Kim đã biết sự thực, anh ta lên giọng thách thức cô. Bàn tay của anh mềm mại, nhiều lần Kim ngắm nhìn bàn tay mềm ngón tháp bút và thầm tự hào đây chính là bàn tay cứu người, giờ đây anh ta chém lia lịa vào không khí. Kim như thấy bàn tay ấy vấy máu. Cuộc sống vợ chồng trở nên ngột ngạt, Kim mường tượng thấy thảm họa sớm muộn sẽ tới. Anh ta thấy cô không còn thích hợp với cuộc sống của mình nữa. Như để giải thoát cho nhau, hai người đồng ý chấm dứt cuộc hôn nhân.
Khi Kim mới tới trang trại, Tráng xem như người chị, cũng đúng vì cô hơn anh ba tuổi. Tráng xếp cho cô ở một căn phòng phía trong, còn anh ở phòng ngoài cửa hướng ra vườn cây. Thời gian qua nhanh cây đã phủ xanh trang trại, chôm chôm ra trái bói, bưởi da xanh trổ hoa, sầu riêng bắt đầu đâm cành, cô kỹ sư Kim hướng dẫn cách chiết cành, tạo thêm nhiều nhánh cho lắm quả, cân bằng thân cây, cách tạo dáng cây chôm chôm theo hình mâm xôi.
Cây ăn trái cần có nhánh cân bằng thế đứng cho vững để khi có trái khỏi đổ. Kim nói vậy. Nhiều lúc Tráng đắm đuối nhìn cô uốn cành cây, tiện những vòng quanh cành nhẹ rồi bóc vỏ cây để chiết, khéo léo như nghệ nhân làm vườn. Thỉnh thoảng cô nhìn anh mỉm cười, những nếp nhăn ở khóe mắt đã biến mất tự bao giờ, trông cô trẻ ra. Một hôm, hai người cố vun xong mấy hàng chôm chôm, vào nhà tắm giặt, nấu nướng, khi ngồi vào ăn, trang trại đã chìm vào bóng đêm đặc quánh, dưới ánh điện Tráng thấy Kim khác mọi hôm, tóc vấn cao, liếc nhìn anh rồi cúi xuống và không chịu cầm đũa. Anh phải ngồi một bên này em mới ăn được.
Nghe Kim nói vậy, Tráng đến ngồi bên cô, cô chọn thức ăn đặt vào bát anh quá nhiều. Anh cầm giữ lấy tay cô ngăn lại và nhói lòng khi thấy lòng tay có nhiều vết chai. Tráng thấy mình có lỗi khi để cô kỹ sư phải làm lụng việc chân tay quá nặng. Chợt cô cúi đầu, đôi vai khẽ rung lên. Cô nén xúc động, nhẹ nhàng gỡ tay anh ra và nói: “Anh Tráng tìm cô gái trẻ đẹp lấy làm vợ cho phải đôi vừa lứa”. Tráng thật thà đáp: “Đời tôi đã trải lắm phèn chua, nước mặn rồi, không cần người trẻ đẹp đâu, chỉ mong người thương mình thật lòng để có một gia đình giữa vườn cây này thôi, cô à?”.
Cô ngước nhìn anh :”Khi có tiền anh đừng hư tính nhé!”. Anh lại nắm tay cô thay câu trả lời. Thật bất ngờ, cô đứng dậy nói to: “Không được, không được đâu”. Rồi chạy ra đứng dựa cửa khóc.
Một đêm chừng đã khuya lắm, nghe tiếng động, Tráng thức dậy đi ra cửa, qua ánh điện neon từ vòm nhà và điện bóng tròn thắp cho mấy cây thanh long làm kiểng gần đó, anh thấy cô đang ngồi bó gối nhìn ra vườn cây. Cô mặc váy ngủ lụa trắng hai dây, khoác hờ chiếc khăn voan vàng mỏng đến nửa lưng. Sao tới giờ này chưa ngủ vậy? Nghe anh hỏi vậy, cô không quay lại mà cũng chẳng trả lời. Một lát, cô nói giọng khấp khởi: “Anh thấy gì không? Sầu riêng đã nở hoa rồi đó “. Chiều nay khi thăm vườn, Tráng nhận thấy búp hoa sầu riêng bắt đầu hé đài trắng, giờ đây mùi hương nồng đã phả vào không gian. Sầu riêng nở hoa vào lửng đêm cho tới khuya, khi bung hết đài trắng, xòe nhị vàng là lúc hương nồng nàn nhất. Lần đầu bắt gặp mùi hoa sầu riêng hơi khó chịu nhưng khi quen sẽ thấy hương hoa đặc trưng mùi hương quyến rũ, ám ảnh.
Người nhà vườn thích hương hoa này hơn bất cứ hương hoa khác. Hết mùa người ta thấy nhớ và mong ngóng ngày sầu riêng trổ hoa. Quả sầu riêng cũng vậy, thoạt đầu lắm người hơi dị ứng nhưng chỉ cần ăn vài ba lần đã khiến người ta ghiền. Vườn sầu riêng thời gian bung hoa ngào ngạt hương, có cảm giác như hương bện vào da, ướp vào tóc.
Giọng Kim nhỏ lại: “Anh ngồi xuống yên lặng mà xem. Ngày mai chắc ong sẽ về trang trại, anh nhỉ?”. Hương hoa sầu riêng tỏa rất xa, có sức quyến rũ lớn. Sáng ngày đầu hoa nở, sớm tinh mơ người nhà vườn mở cửa nhìn ra, đã nghe tiếng ong bay rù rì và các loại bướm đủ màu sắc tụ về hút mật và truyền phấn. Trong suốt nửa tháng hoa chờ kết trái, các loại bướm bay rợp không gian, không chỉ ong mật mà còn có ong vò vẽ thân vằn vện, loại ong hung dữ ấy khi về đây trở nên thân thiện với người và chiều tối có thêm nhiều con dơi tới săn muỗi và trả ơn bằng cách tham gia thụ phấn cho cây. Thân dơi vốn có mùi khăn khẳn khó chịu nhưng tới đây được ướp hương sầu riêng thơm lên.
Hai người im lặng một hồi lâu. Ngoài kia, trang trại chìm trong bóng tối đặc quánh, hương hoa tạo cho người cảm hứng tình yêu. Tráng nhìn sang cô, chiếc khăn voan đã rơi xuống thành ghế tự bao giờ, dưới ánh đèn, cổ cô như sáng lên, anh choàng tay ôm lấy đôi vai và nhận thấy như đang nóng dần, cô rung lên, từ người cô tỏa ra mùi hương lạ. Hai người yên lặng một lúc. Bất chợt, cô vùng dậy kêu lên: “Không được đâu. Không được đâu”. Rồi chạy vào phòng tiếng đóng cửa trong đêm nghe thật mạnh.
Sáng hôm sau, Tráng thấy cô đã rời trang trại tự lúc nào. Anh gọi điện, điện thoại tắt máy. Chắc cô nay đang đi công việc riêng hay về công ty. Tráng nghĩ vậy. Nhưng liền ba hôm không bắt được liên lạc với cô, anh liền lên công ty tìm thì mọi người cho biết, từ lâu không thấy cô tới. Tráng đành thất vọng trở về trang trại với ý nghĩ chắc mình đã sỗ sàng làm cô giận. Nhưng biết làm sao để xin lỗi cô được đây. Vắng cô, Tráng thấy trang trại như trống trải hẳn. Anh nôn nao nhớ cô nhưng không biết tìm đâu.
Cho tới chừng ba tuần sau, chiều ấy trời đã tắt nắng, nghe tiếng xe máy, Tráng nhìn ra, Kim xuống xe nhưng không kịp chống chân để chiếc xe máy đổ kềnh ra bờ đất. Tráng bước nhanh tới hỏi một cách ngây thơ: “Cô đi đâu mà tôi tìm hoài không thấy?”. Nhưng anh sững người, cô đứng nhìn anh, đôi mắt cô dại đi, khuôn mặt như mất hồn. Rồi như lấy hết sức bình sinh, cô nhào tới ôm lấy anh và ngã quỵ xuống vì sức chịu đựng không còn nữa.
*
Lễ phạt vạ gồm một con heo quay khoảng chục ký, ba mươi chiếc bánh bao, một cặp rượu nếp Long An, cặp gà trống sống nhốt trong cái lồng tre. Cặp gà để nhà gái làm cỗ cáo lỗi với gia tiên. Ngoài món lễ phạt vạ, Tráng còn đưa thêm trái cây. Bưởi da xanh trong vườn, Tráng hái luôn một cần xế. Cô ấy bảo lễ này không được đưa sầu riêng đề phòng gieo sầu cho nhau. Hôm nay là lễ phạt vạ, ngày mai lễ hỏi, ngày mốt vào lễ cưới. Phải làm luôn một lèo để còn thời gian dưỡng sanh. Tráng nói vậy.
Nhà gái đã dựng rạp ở sân rộng, cái cổng hoa kết hai chữ vu quy. Cô dâu đã mang bầu nên phông chữ màu đỏ, kiêng chữ trắng. Từ trong nhà một người phụ nữ mặc áo bầu lặc lè bước ra. Tĩnh biết đó là Kim. Hai tháng nữa là tụi tôi có con rồi đó. Tráng nói giọng mừng rỡ rồi đi nhanh đến khoác tay dìu vợ bước chầm chậm. Xem ra anh chàng cạp đất hồi nào cũng biết cưng chiều vợ quá. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Kim, Tĩnh biết cô hài lòng với cuộc sống.
– Anh Tráng thường kể về anh cho em nghe – Kim nói với Tĩnh vậy, cô nhìn Tĩnh như người thân gặp lại. Là người từng trải, giao thiệp nhiều nên Kim nói chuyện cởi mở thân thiện với Tĩnh với triết lý của người trí thức:
– Em biết có người cười nhạo em rằng, kỹ sư mà lấy người học chưa hết lớp 9, nhưng em thấy anh Tráng có ý chí, có tài, biến một vùng đất rộng phèn chua thành trang trại trồng cây ăn quả đâu phải người thường. Anh ấy biết trọng người có học thức. Ngoài em, anh ấy còn nhờ nhiều nhà khoa học nông nghiệp tư vấn về trồng cây ăn quả nữa. Biết sử dụng cái tài của người khác cũng là người tài. Hơn nữa, anh ấy có đức. Chứ kẻ học cao mà thất đức thì làm những việc…
Chợt Kim ngừng giữa câu nói. Hình như cô thấy mình không nên nói xấu người chồng cũ. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, Tĩnh nói với Kim mình rất nể phục Tráng, người mang khát vọng lớn và đã đạt được. Tráng tự thân tạo cho mình giá trị mà người học vấn cao chưa chắc đã có nổi. Thời nào cũng vậy, bằng cấp học vấn chỉ là một trong nhiều giá trị để tạo nên sự nghiệp. Có khi tài năng con người nằm ngoài học vấn. Có đất đai, điền thổ là cuộc sống vững bền lâu đời. Ở thành phố không thể làm nổi vì suy cho cùng sống ở đô thị vẫn là sống đợ, nay ở đây mai ở chỗ khác, hiếm khi nhiều đời giữ được một ngôi nhà.
Kim nói tiếp, giọng trầm xuống:
– Đời em cũng bươn chải nhiều. Anh tính lớn lên ở thị xã Trà Vinh nhưng ba má phải đi làm mướn. Ba em trước kia cũng là nông dân nhưng nghe người ta xúi bán ruộng đất lên chợ Cầu Vinh buôn bán, chỉ được thời gian ngắn bị thua lỗ trắng tay, chán đời ba em lấy rượu giải sầu rồi nghiền tới độ bê tha. Em chứng kiến ba em khóc hối hận vì bỏ ruộng đất. Người nông dân mà bỏ ruộng đất trước sau cũng hư tính. Vợ chồng em có được vùng đất này để lập nghiệp là tốt lắm.
Tráng đã sắp xong đồ lễ, đến ngồi bên vợ rồi nói với Tĩnh:
– Chúng tôi đã gọi người thân trong họ đang lang thang ở thành phố với những công việc không tên mà thu nhập phập phù về đây làm. Hiện nay, bà con nông dân ở đây bỏ ruộng nhiều lắm, chúng tôi sẽ mua hoặc thuê mướn để mở rộng trạng trại. Sắp tới sẽ có thêm khu vực chuyên trồng sầu riêng ruột đỏ, mùi vị như sầu riêng ruột vàng gia thêm vị chua chua, ngọt ngọt, giá tới gần nửa triệu một ký, được khách hàng ưa chuộng nhất. Trái cây trang trại này không chỉ bán cho thương lái trong nước mà còn có chất lượng cao để xuất khẩu. Vợ chồng tôi ước muốn có nhiều con để sau này kế nghiệp trồng cây trái. Tôi sẽ dựng ngôi nhà thờ họ Huỳnh bằng gỗ căm xe nhập khẩu. Có đất đai trồng cây trái, có nơi thờ phụng tổ tiên cuộc sống chắc sẽ rất vững bền, đúng không?
Miệt vườn Nam Bộ 7/2019

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *