Bài nổi bật

Nhà Tôi – Duyên Anh

Trích đoạn tác phẩm: Nhà Tôi – Duyên Anh
“ĐỊNH MỆNH ĐÃ AN BÀI”. Năm tiếng này bỗng trở thành danh ngôn kể từ ngày ông Tí con bị vợ chê, bỏ ông ta, đi tìm một chân trời hạnh phúc khác. Ông Tí con buồn lắm. Thay vì uống rượu hay hút thuốc phiện quên nỗi sầu mất vợ, ông ta lại làm cái công việc cao quý là ăn cơm tháng ở mục rao vặt của nhật báo Sáng. Ông Tí con ca bài con cá, hy vọng vợ ông mủi lòng trở về cùng ông vầy duyên như xưa. Nhưng ông Tí con thất vọng y hệt nỗi thất vọng của những anh nhà báo ngây thơ, bị quái vồ xế, đăng báo kêu gọi lòng nghĩa hiệp của quái xế. Cái thời buổi phân hóa cực độ hôm nay, vợ bỏ đi kể như Kinh Kha xách kiếm sang đất Tần, kể như Honda bị thổi. Ở nơi nào đó, đọc những áng văn tìm vợ của chồng, phu nhân Tí con, chắc chắn, sẽ mỉm cười, dấn bước, khẽ hát “Ra đi không về, âm vang lời thề…” Ông Tí con nạo bím chi địa cho báo Sóng, bồi thêm vài quả rao vặt nữa. Ông đổi chiến thuật, hạ giọng “Định mệnh đã an bài” và khuyên vợ ông về bán nhà. Tôi chẳng hiểu phu nhân Tí con có ham tiền bán nhà, quay gót phiêu du để rơi vào ổ phục kích của ông Tí con không. Vì, sau một tháng đăng báo tìm vợ, vợ đã không về, ông Tí con còn bị nghi là… gián điệp đánh mật mã! Và ông bỏ cuộc. Khiến mỗi ngày tôi mất một nụ cười…..
 
Tiểu Thuyết: Nhà Tôi – Duyên Anh
Đôi nét về nhà văn Duyên Anh
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội.
Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…
Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng” và tác phẩm bị cấm lưu hành.[1] Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4 năm 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.[2] Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
Tác giả: Duyên Anh – Giọng đọc: Lê Duyên
Nguồn: Audio lê Duyên Channel

Xem thêm đề xuất

Bí quyết kinh doanh của người Do Thái

RadioVn.Com – Dân tộc Do Thái nổi tiếng thế giới với tài kinh doanh độc đáo. …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *