Tiếng kèn trompette trỗi lên cao ngất và rồi từ từ hạ xuống thấp đến gần như ngừng thở… Cả gian phòng rộng đang đầy kín những cặp nhảy và hòa theo âm thanh của tiếng kèn, mọi người như quyện chặt vào nhau, những bước chân lướt nhẹ trên sàn gạch bóng…
Buổi dạ vũ càng đi vào khuya lại càng “nóng” khi mà các nhạc công chơi có vẻ bốc hơn, điệu nghệ hơn… Còn những đôi nhảy thì càng như không muốn rời nhau ra, có lẽ họ sợ đêm sắp tàn, cuộc chơi sắp hết.
Đang nhảy, hai người ở gần cửa ra vào bỗng ngừng lại người nam trong hóa trang một hiệp sĩ Zorro nói khẽ với người bạn nhảy của mình:
– Em chờ chút, anh đi toilet.
Bị cụt hứng khi nhảy phải ngừng ngay trong lúc bản nhạc đến hồi mê ly nhất nhưng người phụ nữ mang mặt nạ cô gái dơi cũng đành phải chấp nhận. Cô vừa dựa lưng vào cửa để chờ, bỗng giật mình khi bàn tay phải của mình bị ai đó nắm chặt, kèm theo lời nói rất khẽ:
– Bà nhảy với tôi bài này, bà Cẩm Thạch nhé!
Không kịp phản ứng gì thì bạn nhảy đã chủ động dìu ra hành lang. Ngoài sân vườn cũng được mắc đèn màu sáng huyền ảo, có vài cặp cũng đang ôm nhau nhảy ở lối đi. Vô cùng thơ mộng.
Do là dạ vũ hóa trang, người nào cũng đeo mặt nạ nên không nhìn được mặt nhau, nhưng qua tiếp xúc bàn tay, bà Cẩm Thạch đoán người mời mình nhảy là phụ nữ, hoặc có thể là một thanh niên mảnh mai. Anh ta nhảy rất điệu nghệ, bước chân lả lướt, bay bướm như những vũ sư chuyên nghiệp. Vốn mê nhảy, nên sau vài mươi giây e dè với người bạn lạ, bà Cẩm Thạch bắt đầu thích thú nét nhảy của người lạ, bà đánh bạo lên tiếng:
– Anh có thể cho biết quý danh, hoặc nghề nghiệp?
– Bác sĩ. Còn tên thì xin… khất lại đến sau bản nhạc này.
Giọng nói hơi khàn đục và rất khó nghe, nhưng điều đó cũng không làm cho bà Cẩm Thạch bớt tò mò:
– Anh không có bạn nhảy?
– Không. Tôi đi tìm bà.
Lúc này họ đã dìu nhau ra xa ngoài sân vườn, lẩn khuất vào hàng cây khá rậm. Tiếng kèn trompette chỉ còn văng vẳng vọng ra. Bà Cẩm Thạch hơi ngại:
– Sao không trở vào phòng cho ấm?
Giọng người kia càng khàn đục hơn:
– Bà thiếu hơi ấm sao? Tôi nghĩ ngược lại, bà đã ấm quá nhiều, quá lâu rồi. Giờ đây bà cần một chút sương lạnh, để thấm thía thế nào là những giây phút lạnh lẽo, cô đơn!
Trước giọng điệu hơi bất thường, bà Cẩm Thạch không còn đủ kiên nhẫn:
– Ông là ai vậy? Ông có ý gì?
Bấy giờ bà đã kéo chiếc mặt nạ người dơi ra, để lộ gương mặt trang điểm rất kỹ, rất đậm son phấn để che đi sự già nua của một phụ nữ tuổi đời trên 60. Người kia vẫn để nguyên mặt nạ – một công chúa đẹp như hằng nga!
Và một giọng mỉa mai:
– Đúng là phú quý nó đẩy lùi được cái già đi. Bà trẻ hơn tuổi nhiều lắm.
Bà Cẩm Thạch không cần giữ lịch sự nữa:
– Ông là ai? Ông muốn gì?
Bà quay đi, định trở vô nhà. Nhưng bàn tay của người kia đã giữ bà lại thật chặt, giọng khàn đục càng đục hơn:
– Bà đi không dễ đâu! Đã hơn 40 năm rồi tôi đã để cho bà chạy thoát, nhưng bây giờ thì không.
Giọng nói kia lúc giận dữ lại nghe có âm của một phụ nữ. Bà Cẩm Thạch hơi run:
– Đây là… là…
Chiếc mặt nạ Hằng nga trên mặt người nọ đột ngột rời ra, để lộ mọi sự gớm ghiếc. Chỉ nghe bà Cẩm Thạch thét lên rồi lảo đảo ngã xuống. Có lẽ phải đến hơn 10 phút, khi vừa mở mắt ra bà đã nghe một tiếng cười khàn đục, lạnh buốt từ khuôn mặt quỷ trước mặt:
Điệu luận vũ của oan hồn
– Chắc là bà không bao giờ muốn gặp lại con người gớm ghiếc này, phải không bà chủ mỹ viện? Nhưng trái đất tròn mà, có chạy đi đâu thì cuối cùng cũng lại gặp nhau. Nào, bà hãy nhìn tôi đi, nhìn thật kỹ vào cái gương mặt do bà tạo nên. Bà nhớ chớ, trước khi mặt tôi ra nông nỗi thế này nó có sắc diện không thua gì chiếc mặt nạ tôi vừa mang. Chính bà, qua bàn tay mụ Chín Đen đã dùng axít huỷ hoại nó đi. Bà nhớ cái đêm hôm đó chớ, ở cạnh cây xăng Thiên Tân?
Bà Cẩm Thạch run như cầy sấy, bà chỉ lắp bắp không thành câu:
– Tôi…tôi…
Người kia lại phá lên cười:
– Kể cũng an ủi được phần nào khi lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bà run rẩy dưới chân nạn nhân của mình. Nào, bà hãy nói to lên câu: Tôi sợ lắm cô Cẩm Nhung ơi! Nếu có trả thù thì xin cô đừng dùng thứ mà tôi đã dùng với cô ngày xưa. Xin cô, lạy cô… nào, hãy nói đi chứ!
Có lẽ do quá sợ nên bà Cẩm Thạch nói theo như vẹt:
– Dạ, tôi xin cô, tôi không muốn chết vì axít. Tôi lạy cô.
Cẩm Nhung nhìn thẳng vào con người đang van lạy mình:
– Phải chi ngày xưa bà để cho tôi có cơ hội để van xin, biết đâu bà cũng sẽ động lòng và tha cho tôi, để gương mặt tôi đâu đến nỗi thê thảm như thế này. Bà có đồng ý như vậy không?
Bà Cẩm Thạch chỉ chờcó thế, bà mau mắn đáp:
– Đúng! Đúng như vậy, hồi ấy tôi cũng đâu có nỡ….
Cẩm Nhung quát to:
– Giả dối. Chính con mụ tạt axít vào tôi sau đó đã khai trước công an là nó bị bà mua chuộc bằng tiền và còn hăm dọa nó nếu không ra tay mạnh và chính xác thì sẽ không toàn thân với bà. Nói để thử lòng dạ của bà chơi, chớ tôi còn lạ gì con mụ vợ của tên Thúc và trong thiên hạ ai cũng đều biết là đầy mưu mô, xảo quyệt, tàn ác, ghen tuông và nhẫn tâm hơn cả hoạn thư. Ngày đó chỉ vì nghề nghiệp, vì miếng cơm manh áo nên tôi đi làm vũ nữ, tôi chấp nhận cặp bồ với mấy tên thừa tiền của, dư ăn rửng mỡ, chớ đâu có ý giật chồng của ai. Nhưng mà thôi, dù sao thì cặp với một người có vợ thì phải trả giá, nhưng cái giá quá đắt, quá độc địa, đến nỗi phải mang hận…
Nói xong, cô ta lấy mặt nạ hóa trang mang trở lại, rồi đột ngột bỏ đi, trước sự ngạc nhiên cao độ của bà Cẩm Thạch. Người phụ nữ đang nổi danh trên thương trường ở Mỹ, vừa trở lại Việt Nam và cũng đang nổi danh về sự giàu có và nhiều mục tiêu làm ăn không rõ ràng, trong vài phút vừa qua bà ta tưởng chừng như đang sa vào địa ngục, cận kề với cái chết bởi đòn thù sắp phải gánh chịu…
Nào ngờ, được thoát nạn một cách không ngờ, cho nên bà ta chưa kịp đứng dậy cho đến khi có ai đó lên tiếng phía sau lưng:
– Chị Cẩm, làm gì ngồi đây? Bệnh à?
Một phụ nữ khác chừng như là bạn thân của bà ta vừa bước tới, đưa tay đỡ bạn dậy.
– Coi bộ bệnh nặng đấy, để em dìu chị vô nhà. Thảo nào nãy giờ nhiều người chạy kiếm chị quá chừng…
Từ giờ phút đó bà Cẩm Thạch như người mất hồn, khi bà đeo mặt nạ hóa trang vào, lại đeo ngược, thành ra mặt nạ cô gái dơi như đang trợn trừng mắt nhìn lên trời:
Dò hỏi mất hai ngày, bà Cẩm Thạch mới biết được nơi Cẩm Nhung thường xuất hiện để làm nghề ăn xin kể từ khi bị tạt axít tàn phế. Nhưng khi đến nơi, đợi suốt mấy buổi, thì có người nói rằng đã từ lâu Cẩm Nhung không còn tới đây nữa. Lại phải lần mò hỏi thăm nhiều nơi, để cuối cùng bà Cẩm Thạch biết được nơi cư ngụ của người bà đang cần tìm.
Một ngôi nhà lá nhỏ, xiêu vẹo, đúng hơn là một căn chòi rách, ở tận một xóm nghèo ngoại ô, nơi đó người ta quả quyết chính là nhà của cô vũ nữ Cẩm Nhung ở.
Điệu luận vũ của oan hồn
Tuy nhiên, khi tới nơi thì bà Cẩm Thạch lại một phen thất vọng, bởi nhà vắng tanh, nhìn vào khe vách hở cũng chẳng một ai. Duy nhất một tấm ảnh chân dung của một cô gái đẹp theo kiểu cách đó ngót 50-60 năm, đang được dựng trên một chiếc bàn gỗ không còn đủ chân. Bà Cẩm Thạch nhìn ảnh với một tâm trạng khó tả, nửa tức, nửa xót xa. Con người đó, gương mặt đẹp như hoa khôi, ngày xưa chính bà đã quyết tâm hủy hoại bằng mọi giá:
– Bà tìm ai vậy?
Giật mình quay lại, bà Cẩm Thạch hơi lúng túng đáp lời một thanh niên đạp xích lô vừa dừng lại:
– Tôi… tôi tìm cô… cô Cẩm Nhung trong nhà…
Người đạp xích lô tỏ ra rành rẽ:
– Cô chết hơn năm nay rồi, còn đâu mà tìm!
Anh ta đạp xe đi sau khi trả lời, chỉ còn lại bà Cẩm Thạch với tâm trạng sợ hãi, sững sờ.
– Chết rồi? Vậy tại sao…
Không tự trả lời được thắc mắc trong lòng, bà Cẩm Thạch chợt rùng mình, nghe ớn lạnh khắp xương sống.
Có một tin tức loan truyền trong cộng đồng Việt kiều tại Mỹ ở một địa phương, làm nhiều người chú ý: Bà Cẩm Thạch, chủ một loạt những thẩm mỹ viện, chẳng hiểu lý do gì tự dưng dùng mỹ phẩm pha chế sai công thức, để bôi lên mặt mình và lãnh hậu quả khôn lường. Toàn bộ khuôn mặt đã bị hủy hoại, trông chẳng khác quỷ dạ xoa!
Chẳng ai biết được nguyên nhân, duy chỉ có một người, đó là ông chồng của nạn nhân. Nhưng khổ nỗi, người đàn ông đó lại đang trong nửa điên nửa tỉnh. Lúc tỉnh thì ông ta chỉ khóc và ngay lập tức chuyển trở lại trạng thái điên rất nặng, một khi nếm được vị nước mắt của mình.
Có người tình cờ bắt gặp ông ta viết nguệch ngoạc dòng chữ lạ trên vỉa hè: Oan oan tương báo…
Từ khóabáo oán oan hồn truyện ma truyện ma audio