Nghe đọc truyện đêm khuya – Ca phẫu thuật bắt đầu tiến hành lúc 7 giờ 15 phút tối ngày 14 tháng 4. Chưa bao giờ có một ca mổ nào kéo dài đến mức khủng khiếp như thế: Mãi năm ngày sau, người ta vẫn liên tục chứng kiến hàng chục chiếc xe tải chở sắt thép và cát sỏi phủ những tấm bạc lớn nhưng vẫn bốc mùi hôi thối chạy băng băng qua nhiều nẻo đường thành phố. Rồi ba chiếc xe lam chở sách vở, bàn ghế học trò, phấn viết bảng và áo sơ mi trắng dính tèm nhem những mảnh tôm hùm, cua nướng, óc heo chưng thuốc bắc… chạy như ma đuổi về phía Đông thành phố.
Tất cả những của thối tha đó đều được “đóng gói” , bốc vác, ném lên xe rồi đưa về xếp dọc theo con đường nhựa rộng thênh thang vừa mới khánh thành nằm dọc theo bờ biển. Những tấm bạc màu xanh, vừa mới được may kỹ, to phải đến hàng chục mét vuông vẫn tiếp tục “đảm đương nhiệm vụ” phủ kín mọi thứ lấy ra từ cái bụng vĩ đại của bệnh nhân. Nhưng nào có kín được đâu! Nó ngoan ngoãn khuất được ở mé bên này thì lại lì lợm phòi ra ở phía bên kia. Bà Chinh từ trong ngôi biệt thự sang trọng bước ra, huơ tay múa chân, quát tháo:
– Mẹ kiếp! Tụi bây đúng là đồ ăn hại. Lái xe hàng chục năm, nhậu bao nhiêu chầu cũng hết, vậy mà mỗi một việc bọc kín ba cái thứ trời đánh thánh vật này cũng không xong.
Nói rồi, bà đi dọc các đống “hàng hoá”, dùng mũi giày nhọn hoắc đá văng các bao bì. Bà cay cú nguýt dài một cái, rồi đỏng đảnh bước lên xe con, hất hàm bảo tài xế rồ ga đi.
Lúc bà tới bệnh viện, bước tới hành lang phòng mổ, nhân viên trực ló đầu ra lễ phép báo rằng ca mổ vẫn tiếp diễn thuận lợi. Ông nhà vẫn rất bình tĩnh nằm không cựa quậy, nếu muốn, bà có thể trò chuyện với ông qua phòng liên lạc thân nhân bên cạnh.
Căn phòng đồ đạc ngăn nắp. Mặt tường trắng lạnh. Gạch men trắng ốp lên quá đầu. Bà được thấy mặt ông qua một cái màn hình ti-vi kê sát tường. Nghe nói đây là phát kiến mới của giám đốc bệnh viện. Xưa nay những bệnh nhân mổ gây tê tuỷ sống đều ao ước được thấy mặt và chuyện trò với thân nhân trong suốt thòi gian chịu đựng cuộc mổ. Có những cuộc mổ kéo dài hằng chục tiếng đồng hồ, họ chán nản, mệt mỏi, xuống tinh thần chủ yếu vì nằm lâu mà buồn quá không biết làm gì, rốt cuộc huyết áp tăng vọt, có người bực tức chửi thề đông đổng rồi “tuyên bố” dẹp mẹ nó đi, mổ quái gì lâu lắc lâu đế không chịu được.
– Ông ngủ à? – Bà cất giọng hỏi qua đường dây điện thoại.
– Ngủ quái gì được! Tụi nó phanh thây xẻ thịt mình mà mình ngủ sao được – Giọng ông vang vang trong loa – Sao mãi tới giờ bà mới đến? Bà muốn bỏ tui à?
– Đừng có nghĩ lung tung. Bỏ ông để rồi mấy con đĩ nó tới chiếm nhà chiếm đất của tui hết sao. Tui không dại. – Bà vừa nói vừa cười hô hố.
– Sao bà không hỏi xem tui có mệt không, có chịu đựng nổi cuộc mổ xẻ quái ác này không? Tui thấy bà chẳng thương tình gì cho tui cả!
– Không thương há? Không thương thì tui về! – Bà giả bộ đứng phắt dậy.
– Ấy, ấy! Tui nói chơi mà. Nhưng bà ơi, nghe nói lấy ra tùm lùm thứ hả?
– Chứ sao nữa! Ông ăn gì mà ăn ác. Tui thấy trên đời không có thứ gì là ông không tộng vô được trong cái cổ họng của ông cả. Có những thứ ông giấu tui đi ăn một mình.
– Bà nói oan cho tui. Xưa nay trước khi ăn thứ gì tui cũng đều bàn qua với bà mà.
– Hừ! Bàn bạc gì đâu! Xi măng dính đầy thịt chó và tiết canh vịt thì ông ăn lúc nào, thuở nào, ông có đời nào trao đổi gì với tui không?
– Ờ, cái khoản đó tui quên nói. – Ông Chinh khẽ cười – Lỡ tui quên, bà cũng nên thông cảm chứ.
– Hử? Ông giả bộ quên chứ quên thiệt sao! Thế… mắc mớ gì áo trắng may cho học trò tiểu học và mẫu giáo mà ông cũng ăn tuốt. Có phải ông rủ con giáo viên chết chồng hay bép xép kia cùng ăn với ông không? Hừ! Cháy nhà ra mặt chuột. Dộng vô trong bụng cho nhiều, giờ banh ra hết, ông thấy bẽ mặt chưa?
– Xấu hổ gì. Bà tưởng dễ xơi được ba thứ đó lắm à? Phải năn nỉ ỉ ôi, phải nịnh nọt điêu luyện, thậm chí phải lừa mấy ổng trên bàn nhậu mới kiếm chát được chứ đâu phải dễ bà! Thời buổi bây giờ tụi nó ăn tùm lùm chớ có phải riêng mình tui đâu bà.
– Nhưng người ta kín đáo. Chớ có ai ăn ngu, ăn bẩn như ông. – Vừa nói bà vừa giả bộ cười xả lả.
– Bà chửi tui đấy à? Sao hôm nay bà độc mồm độc miệng quá chừng vậy?
– Thế tui hỏi ông: xu chiêng với băng vệ sinh bên công đoàn họ nhờ ông mua giùm, sao ông cũng ăn được là ăn thế nào? Ăn thế không bẩn à?
– Hừ! Bà nói khẽ thôi. Có ai bên cạnh bà không? Mấy đứa nhỏ chưa hay tin tui đang mổ sao?
– Tui gọi điện hết rồi. Thằng Hai đang bay về. Con Bé thì bận con dại không về đâu.
– Con với cái! Tụi nó tệ thật bà thấy chưa? Mình cả đời lo tích luỹ cho chúng, mà khi ngã bệnh nằm xuống chúng đâu muốn ngó ngàng gì.
– Ông làm như ông cao thượng lắm chắc. Ông ăn mập mình ông, đến khi ông bị gì thì cứ bảo tại lo cho tụi nó.
– Hồi nãy bà liệt kê thêm mấy thứ gì tui nghe kinh quá vậy? Băng vệ sinh này nọ… chuyện đó mấy chục năm rồi mà.
– Bởi vậy mới thối! Bác sĩ cố lấy cho hết cái u quái của ông, lấy tới đâu kêu trời tới đó.
– Tui tưởng lâu quá nó tiêu hết rồi chứ!
– Hừ! Ông ăn tới ngang bao tử thôi. Sau đó ba thứ của chó má đó cứ dồn ứ lại không tiêu được. Bác sĩ bảo, chắc sau lưng ông, tụi nào đó cứ chửi rủa dữ quá nên ông không tiêu hoá được ba thứ đó. Mà ông ơi, sao ăn đồ còn nguyên mà nó thối quá vậy?
– Bà hỏi ngu quá! Thứ gì vô trong bụng để lâu mà chẳng thối. Nhưng mấy thứ đó tui nhớ trước khi ăn tui có hỏi ý bà mà.
– Có, có, tui nhớ rồi. Thật tội nghiệp ông. Nhưng sao dính kèm vô đó lại có cả mùi bia và mùi rượu ngoại, rồi cả bê thui, thịt nai, ba ba nấu lẩu nữa vậy ông?
– Ờ, hồi đó ăn được ba thứ mua cho phụ nữ xong, tui có mời cả bọn Bên A và bên B đi nhậu lai rai nữa mà. Bà biết thủ tục vậy rồi sao còn hỏi?
– Tui ngạc nhiên nhất là hồi đó báo chí đưa tin tùm lùm, vậy mà sau đó, ông khéo dàn xếp thế nào vẫn tiếp tục ăn được, nuốt được.
– Đâu phải dễ bà! Tui phải cầu khẩn thiết tha lắm, cuối cùng cũng có đứa chịu “bịt đầu mối” giùm cho tui đó bà à. Dạo đó tui phải cho nó ăn cả tiền đô mới xong đó bà ơi!
– Mấy hôm nay tụi nhà báo đòi phỏng vấn tui liên tục. Tụi nó đòi gặp tui và thu âm lời tui phát biểu về bệnh của ông đó.
– Bà đừng cho gặp. Bọn lẻo mép đó hay cắn bậy lắm. Hồi nãy tui nghe mấy bác sĩ nói với nhau là báo chí đã đăng tin về bệnh u quái của tui rồi. Bọn dã man. Mình bệnh mà nó đâu có tha!
– Ông nằm mổ vậy có đói không? Có đau không?
– Chà! Nãy giờ, giờ mới nghe bà hỏi một câu êm tai. Họ dùng một tấm drap bự che hết người tui. Họ trói hai tay, hai chân tui lại. Tấm drap che rồi, nên tui không biết họ lấy ra được những gì mà lâu quá chừng luôn. Nghe nói mấy chục chiếc xe chở đi rồi hả bà?
Bà Chinh chưa kịp trả lời thì có tiếng gõ cửa lốc cốc. Một cô điều dưỡng ló đầu vào mời bà ra bên ngoài có người cần gặp. Lố nhố đằng sau có hai, ba người đàn ông vẻ mặt căng thẳng. Họ yêu cầu bà xì tiền để mua thêm vài trăm cái khẩu trang và thuê mấy bà rỗi nghề khâu hết mấy chục bao xi măng bị xì trước khi khiêng ra phía hành lang.
Một ông bảo:
– Bà không thể để xảy ra tình trạng như vậy được! Xi măng xì ra dọc đường không cách sao mà khiêng tiếp. Mẹ nó! Ăn uống lạ kỳ. Mấy bao xi măng toàn dấu răng của ổng không à! Còn sắt dài cả mười thước mà ổng vẫn nuốt được. Đúng là ông nhà bà tài thật!
– Im mỏ đi! Tiền đây. Thuê luôn cả tụi mọi rợ kia khâu bao bì lại rồi ôm hết ra xe đi. Nhanh lên!
Gã lái xe giật lẹ tiền trong tay bà rồi tức tốc chạy như bay ra hành lang dọc phòng mổ. Các nhân viên phòng mổ vẫn bịt mũi bịt miệng tiếp tục ôm đủ thứ ra bên ngoài. Cảnh bệnh viện rộn ràng liên tục.
Đến năm giờ chiều bà được bệnh viện báo là ca mổ hoàn tất tốt đẹp. Ông Chinh được đưa ra phòng ngoài, trên chiếc băng ca bốn người khiêng. Những chiếc xe tải cuối cùng rồ ga rời bệnh viện với tiếng chửi thề và tiếng bóp còi inh ỏi của mấy gã lái xe. Thật tội nghiệp cho mấy chục anh lái xe suốt gần một tuần nay. Mỗi người phải mang tới ba lớp khẩu trang mà thối vẫn hoàn thối.
Mùi thối tha bốc lên nồng nặc lan toả khắp phố phường.
2
Tôi có mặt tại biệt thự Xanh lúc sáng tinh mơ. Cùng đi với tôi là hàng chục đoàn khách lũ lượt tới để cung kính viếng đám tang ông Chinh, nguyên cửa hàng trưởng cửa hàng vật liệu xây dựng công ty xây dựng 31- 3, nguyên trưởng phòng vật tư công nghiệp, nguyên phó giám đốc công ty sách và thiết bị trường học, nguyên phó chủ tịch công đoàn cơ sở Trung tâm vật tư và thiết bị nông lâm nghiệp…
Ông Chinh sinh năm 1943 trong một gia đình nghèo. Ông ghi trong lý lịch là thành phần bần cố nông để được chính quyền hết lòng nâng đỡ. Dọc thời gian công tác, ông có mặt ở nhiều cơ quan, đơn vị gắn với vật tư, thiết bị vì ông và các đồng chí, chiến hữu của ông sợ rằng nếu giao cho người khác e họ không đảm đương được nhiệm vụ như ông. Vợ ông cũng xuất thân từ chốn quê mùa, nhưng nhanh chóng “đô thị hoá” nhờ vào những của cải ông “nhặt nhạnh” được từ khắp các cơ quan, đơn vị, công ty mà ông từng có mặt.
Suốt tuần qua, cả thành phố lâm vào tình trạng căng thẳng tột độ. Mùi hôi nồng nặc trước tiên bốc ra từ dãy phòng mổ bệnh viện. Kế đó, nó lan đi dọc theo các nẻo đường từ bệnh viện ra phía bờ biển, nơi toạ lạc khu biệt thự Xanh. Các nhà dân chung quanh khu vực bờ biển chửi đổng lên không biết tại sao quản lý đô thị lại cho phép nhà ông Chinh làm cái điều quái gỡ đó. Việc thứ hai gây sốc cho bà con thị dân là về căn bệnh ác tính của ông Chinh. Bệnh khủng khiếp quá. U quái té ra là một loại u chứa tùm lum thứ bên trong. Lo quá, biết đâu mọi người trong thành phố đều đã có nguy cơ mắc bệnh mà không biết? Cùng uống một dòng nước do nhà máy nước cung cấp, cùng ăn những thức ăn na ná như nhau, biết đâu căn bệnh ấy đang tiểm tàng, chực chờ ngày bùng phát? Các bác sĩ bệnh viện thì hoang mang cực độ. Không dè một cái bụng to ngần ấy, cùng lắm chỉ bằng cái trống chầu, vậy mà mổ ra thì không biết cơ man nào mà kể. Nườm nượp, hết xe nọ đến xe kia, có đến hằng chục chiếc xe tải lớn nhỏ mới chở hết những thứ lấy ra từ cái bụng với sức chứa vô tận của ông.
Bà Chinh chạy đôn chạy đáo để tìm cách bịt miệng cánh nhà báo. Nhưng phen này thì hết đường! Tờ báo chính thức của tỉnh đưa tin rõ mười mươi rằng lão Chinh mắc bệnh u quái. Mổ ra toàn những thứ lão đã ăn từ thuở nảo thuở nào. Lão lại trở chứng, khư khư đòi giữ lại tất tần tật những thứ lấy ra từ cơ thể lão. Lão lập luận rằng chúng chẳng khác nào một phần cơ thể của lão. Hôm qua báo chí đưa tin lão đã từ trần vì ngộ độc tiếng rủa. Thật bất ngờ, sau ca mổ thành công, bệnh viện đang được bà con hết lòng ngợi ca thì đùng một cái lão lăn ra tắt thở. Cuộc hội chẩn chớp nhoáng kết luận đích xác lão đột tử vì ngộ độc tiếng rủa. Đi đâu cũng nghe người ta chửi rủa lão. Theo học thuyết về vi sóng, tiếng rủa cùng một lúc của hàng nghìn người trong cộng đồng sẽ tạo ra một hiệu ứng đủ để làm vỡ não những người từng quấy rầy xã hội. Tên tuổi của ông Chinh đã bị nhắc tới quá nhiều trong lời nguyền rủa của người dân. Người ta thậm chí hét lên:
– Lão Chinh chó má! Đúng là đồ sâu mọt! Cả bàn ghế, sách vở trường mua cho học trò nghèo mà lão cũng ăn được!
Lại có người rủa:
– Mẹ kiếp! Thằng cha ngu gì ngu dữ! Cả xu chiêng và băng vệ sinh cũng ăn thì không còn thứ nào là không ăn được!
Những người trong Nhà nuôi trẻ mồ côi thì rủa:
– Trời đất ơi! Thằng Chinh đó hết muốn sống rồi! Xưa nay có ai dám ăn sắt thép của các nhà hảo tâm đóng góp cho Nhà nuôi trẻ mồ côi. Vậy mà lão ăn cả trăm tấn!
Rủa thì rủa vậy, chứ thật ra “nghĩa tử là nghĩa tận”. Vả lại, lão chết rồi, rủa phỏng ích gì. Trong điếu văn đọc trước quan tài đỏ rực của lão, người ta nghe những câu thế này:
– “Ông qua đời để lại cho gia đình ông một niềm tiếc thương vô hạn. Xã hội mất đi một người thông minh, khôn khéo và có lương tri. Vì thông minh, khôn khéo nên ông đã ăn đủ thứ trên đời đến mức to kềnh dạ dày, ruột non, ruột già mà mảy may không một ai hay biết. Phải chờ đến lúc ba bác sĩ siêu âm rà đi rà lại thật kỹ mới tận tường bộ mặt bệnh u quái của ông. Vì có lương tri, nên chi, khi bị ngộ độc tiếng rủa, ông đã trăn trở, bồn chồn, thao thức mất ăn mất ngủ và cuối cùng mới đột tử. So với biết bao nhiêu ngưòi khác trên cõi đời này thì rõ ràng ông là một người quá tốt. Hàng khối người dù nghe chửi rủa vang trời cũng làm như mắt đui tai điếc. Có khi nghe chửi rủa đích danh mà họ cứ dòm quanh ngó quất xem thử chửi ai. Ông Nguyễn Chinh ơi! So với nhiều người còn sống sờ sờ ra đó thì ông thật là người đáng quý biết dường nào!”.
Giọng điếu văn sang sảng giữa không gian u tịch nghe mới thảm não làm sao. Đây quả nhiên là đám tang kỳ lạ nhất trong lịch sử. Mùi hôi thối bốc lên ở tất cả các nẻo đường dẫn ra nghĩa trang. Nhân dân toàn thành phố phải mang khẩu trang tới hai, ba lớp mà vẫn không sao chịu thấu. Lúc tất tần tật mọi thứ đã theo ông nằm yên dưới lòng đất trong mười tám cái huyệt sâu bảy mét, mùi hôi thối mới thật sự tan dần, trả lại cho thành phố một không gian thoáng đãng, bình yên.
Tôi mon men đứng bên vệ đường, nghe bà con khắp nơi buông lời cầu nguyện mà thấy thương cho cái thành phố hiền hoà:
– Cầu mong sao trong nhân dân và cán bộ nhà mình từ nay về sau đừng ai mắc phải căn bệnh hiểm nghèo như thế nữa.
Bên bờ biển xanh, sóng vẫn dịu dàng gởi vào đất liền những làn nước trong veo vẻo.
Tác giả: Trần như Luận – Thực hiện: NSUT. Hoàng Yến
Từ khóaHoàng Yến Trần Như Luận truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …