Bài nổi bật

Cạm Bẫy – Nguyễn Tuân

Người đàn ông đã nói với tôi như thế dọc đường đưa tôi về. Tôi im lặng. Tôi còn biết nói gì vào lúc này, với tất cả những gì vừa diễn ra? Tôi đã bán mình ư, tại sao tôi bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu này? Lẽ nào tôi bị ngã vào một thứ cạm bẫy ngọt ngào nơi phố phường một cách đơn giản thế? Tôi hoàn toàn có quyền từ chối những lời đề nghị như vậy mà?…
Trời chớm rét, lại cuối tuần nên quán tẩm quất vắng teo. Thằng Tân với thằng Kiệt ăn tối xong được khách đón đến khách sạn giờ vẫn chưa về. Mỗi lần được ra ngoài làm, hai thằng thích thú ra mặt. Đi làm mà cứ như trẻ con được bố mẹ cho đi chơi tết. Vừa thay quần áo, chúng vừa nghêu ngao hát, những câu hát không đầu không cuối, bài này lẫn vào bài kia. Mặc kệ với nỗi vui của chúng nó, tôi mang ghế ra khoảng sân nhỏ trước nhà ngồi. Giờ này chắc Kim và cu Lãm chưa ngủ. Tự nhiên thấy nhớ hai mẹ con đến cồn cào. Trong cái lạnh giá của ngày lập đông, nỗi nhớ như quẫy đạp mạnh hơn. Ba tuần nay tôi chưa về nhà, định gọi điện cho Kim để nghe giọng nói bi bô của thằng Lãm, nghĩ thế nào lại thôi. Về khuya, tiếng xe trong ngõ thưa dần, thay vào đó là tiếng gió trườn thốc trong đêm mỗi lúc một mạnh và hoang dại hơn. Tôi đứng dậy vào nhà và lên gác nằm.
– “Nịch” ơi ngủ chưa, dậy mau có khách!
Tiếng gọi chua loét, véo von của chị Sim từ tầng một vọng lên khiến tôi choàng tỉnh. Tôi dò theo tay vịn cầu thang xuống nhà. Khách là một người đàn ông trung niên, dáng cao lớn đứng sừng sững bên khung cửa. Theo phép lịch sự, tôi bước đến gần, chào ông rồi mời ông lên gác, vào căn phòng rộng có ban công nhìn ra đường. Ngoài phòng này còn  có một phòng nhỏ bên kia cầu thang dành cho khách nữ. Trên tầng ba có hai phòng như vậy, nhưng cho sinh viên thuê. Chị Sim là người giúp việc ở đây. Hàng ngày chị dọn dẹp, lau chùi, chợ búa, cơm nước, giặt giũ. Nhà chị ở Ba Vì, chồng mất vì ung thư gan do nốc rượu nhiều. Hai đứa con của chị cũng đã lớn, chúng bỏ về thành phố làm thuê. Chị là người họ hàng với anh Học, ông chủ của chúng tôi. Nhà anh Học khá giả nhưng anh không thích là người ăn bám nên xin tiền bố mẹ thuê ngôi nhà này làm quán tẩm quất của người mù. Anh Học chưa mù hẳn, thị lực còn 3/10. Anh thường đeo kính trắng dầy cộp, người dong dỏng, da trắng hồng nhìn rất thư sinh. Cũng như anh Học, khi tôi tám tuổi, sau một cơn sốt ác tính, tỉnh dậy tôi thấy mắt mờ hẳn. Đến năm lớp bảy, hai mắt của tôi chỉ còn 2/10. Các bác sĩ bảo tôi bị teo dây thần kinh thị giác, không thể giải phẫu được. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ mù hẳn. Thằng Tân với thằng Kiệt cũng ở tỉnh ngoài về, chúng mới hai mốt tuổi, mù bẩm sinh. Bù lại, chúng chăm tập thể dục nên cơ thể rất cường tráng.
*
Vị khách vào phòng, cởi quần áo ngoài rồi lên giường nằm. Chiếc giường trở nên chật chội bởi tấm thân quá khổ của ông. Theo trí nhớ của mình, tôi biết ông là khách lần đầu tới đây. Vừa làm tôi vừa hỏi chuyện, những câu hỏi xã giao để khách thoải mái và cũng để có âm thanh xung quanh. Với người hỏng mắt, họ rất sợ quanh mình là bóng tối và sự tĩnh lặng. Người khách nói chuyện khá cởi mở. Phục vụ cho nhiều loại người, tôi có thể đoán được phần nào tính cách họ qua cách nói chuyện. Với vị khách này, hẳn ông đang giữ một cương vị nào đó, kinh tế khá giả và chắc chắn được nhiều người quý mến.
Bình thường, khách kêu nhức mỏi chỗ nào, tôi sẽ đấm bóp nhiều chỗ đó. Nhưng với vị khách này, ông không đưa ra yêu cầu nào cả. Sau khi day huyệt trên đầu, bóp vai và đấm lưng chừng bốn mươi phút, ông bảo tôi nghỉ. Trong thâm tâm, tôi rất muốn làm thật kỹ bởi ông là khách đến đây lần đầu, muốn gây thiện cảm với ông và cũng bởi hôm nay quán vắng khách, vừa làm, vừa nói chuyện cũng là cách giết thời gian. Mặc quần áo xong, ông mở ví đưa tôi tờ bạc hai trăm ngàn đồng:
– Chú cầm cả, không phải trả lại tiền thừa. Cho anh số điện thoại, lần sau đến anh sẽ gọi trước!
Tôi nhận tiền. Cuối ngày còn gặp may. Đó là số tiền mà tôi phải làm cho ba khách mới có được. Tôi cảm ơn rồi theo ông xuống nhà. Tôi pha trà mời ông. Ông không uống mà bước vội ra đường. Lúc này tôi mới để ý đến chiếc ôtô con đậu sát quán, dưới vòm cây dâu da xoan. Trước khi mở cửa xe, ông dừng lại vẫy tôi một lần nữa thay lời chào.
 
Minh họa: Lê Tiến Vượng.
Tôi năm nay ba hai tuổi, nhà ở Tuyên Quang. Với những người mù, tôi may mắn hơn họ trăm ngàn lần bởi tôi còn nhìn thấy ánh sáng dù rất mờ nhòa. Tôi vẫn uống thuốc đều, lo sợ nghĩ đến cái ngày kinh khủng nhất – ngày đôi mắt tôi vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh nắng chói chang hay sắc màu rực rỡ của cỏ hoa. Bởi thế, mỗi sớm thức dậy, theo thói quen, tôi bước vội ra cửa sổ và nhìn vào khoảng không nhờ nhờ phía trước. Vào thời khắc ấy, hai mắt tôi như căng ra, vừa cay, vừa nhức, nhưng tôi tràn ngập hạnh phúc vì biết rằng ông trời còn thương mình.
Những ngày cắp sách tới trường, thầy cô giáo, bạn bè rất thương tôi, nhưng tôi lại lo sợ điều này. Tôi biết, tình thương của họ chỉ an ủi tôi phần nào chứ không thể cho tôi những ước ao, khát vọng. Trong các môn học, tôi thích nhất môn văn. Có cuốn sách hay mảnh báo nào trong tay, tôi đọc ngấu nghiến. Tôi muốn ký ức của tôi sẽ nêm chặt những câu chuyện tươi đẹp về cuộc sống trước khi tôi phải dùng bàn tay mình lần mò trên những hàng chữ nổi. Học hết lớp bảy, tôi ở nhà phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Nhà có ba anh chị em, anh lớn đi bộ đội, đóng quân ở Lạng Sơn, cưới vợ rồi ở luôn đó, chị thứ hai theo chồng về Phú Thọ làm trong khu công nghiệp; ở nhà chỉ còn lại tôi và bố mẹ. Nhiều đêm, cha tôi uống rượu suông, nhìn tôi rồi thở dài: “Rõ khổ cho con, sướng con út, khổ cũng con út!”. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn chạy ra sau, quàng chặt tay qua vai ông để nói với ông rằng: Tôi là đứa trẻ không may mắn nhưng không phải là người bất hạnh. Bên tôi vẫn có cha mẹ hết mực thương yêu và tôi còn có một bộ óc bình thường. Tôi sẽ làm việc bình thường, như một người bình thường để không phải nhận sự thương hại hay ban ơn của người khác.
Năm hai bảy tuổi, tôi cưới vợ. Vợ tôi là Kim, kém tôi bốn tuổi. Cha Kim với cha tôi ngày trước là lính biên phòng cùng cắm chốt ở một đồn heo hút tận Hà Giang, thương nhau hơn cả anh em ruột thịt. Ngày còn đi học, tôi thường qua nhà Kim và Kim cũng vậy. Đêm tân hôn, tôi ôm em vào lòng mà ứa nước mắt. Sống với tôi, em sẽ khổ nhiều. Hiểu được điều đó, em bảo: “Lấy anh là em chấp nhận tất cả rồi. Chúng mình sướng khổ có nhau, nhưng em chỉ mong anh một điều là đừng bao giờ phản bội em. Nếu điều đó xảy ra, chắc em chết mất”.
*
Mỗi ngày, tôi cùng Tân và Kiệt dậy vào lúc mười giờ sáng, tắm gội sạch sẽ, ăn nhẹ rồi chờ khách. Thường khách đến vào buổi trưa không nhiều, tập trung vào tối muộn và đêm. Ngày cao điểm nhất có khoảng hai mươi khách. Phương thức ăn chia rất rõ ràng. Tiền công đưa cho anh Học một nửa vì phải trả tiền thuê nhà, điện nước và người giúp việc. Ngoài ra chúng tôi còn phải nộp tiền ăn hai bữa. Còn tiền khách bo chúng tôi được hưởng cả. Tiền bo cũng vô cùng, có khách dúi vào tay một vài chục nghìn, người hào phóng nhét vào túi áo vài trăm nghìn. Khách đa phần là nam giới, thỉnh thoảng có phụ nữ. Trong số ba nhân viên làm ở đây, tôi là người ít khách nhất. Có lẽ do tôi nhiều tuổi, lại có phần khắc khổ nên khách thường chọn những nhân viên trẻ, lực lưỡng. Sự lựa chọn đầu tiên với khách là thằng Tân. Nó cao ráo, trắng trẻo, bắp tay cuồn cuộn và vồng ngực vuông vức. Tiếp đến là thằng Kiệt, người thấp hơn một chút, da ngăm đen càng nổi rõ những khối cơ săn chắc. Vừa làm, hai đứa vừa bắt chuyện với khách như khướu. Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện trẻ con cướp giết đến chuyện vũ khí hạt nhân, đang bàn về ôtô xe máy lại quay ngoắt sang gái gú ca ve… như thể chúng sành sỏi lắm với đàn bà.
Chị Sim từ ngày bỏ quê ra phố cũng đổi đời, tóc tỉa rồi nhuộm, móng tay sơn xanh đỏ, quần áo chật căng. Tối tối, khi xong việc, chị còn xịt nước hoa, loại nước hoa hăng hắc khiến mỗi lần chị đi qua, tôi lại hắt xì hơi. Lúc đầu tôi không để ý những thay đổi này, sau mới biết, tuần vài lần, mấy vị khách đến tẩm quất rồi kéo chị ra ngoài. Họ đi đâu có trời mà biết, chỉ thấy chị cười nhiều, bộ ngực nở nang và giọng bớt chua hơn. Tối đó, tôi đang ngồi buồn nhớ con thương vợ thì chị Sim từ ngoài cổng ùa vào, thoảng trong gió lạnh có mùi men rượu. Chị rót một cốc nước lọc, uống ừng ực rồi đến gần tôi:
– “Nịch” ơi, một tháng chưa về nhà rồi, không bức xúc gì à?
Tôi cười ngượng:
– Cũng quen mà chị!
Bàn tay chị bắt đầu xoa xoa vai tôi:
– Quen “nàm” sao được, người chứ có phải gỗ đá đâu. Trai tráng mà không có khoản đó cũng gay đấy, bí hạ phá thượng, phá “nung” tung “nuôn”.
Những ngón tay mềm, ướt trườn nhanh xuống từng giẻ sườn. Chị nhích lại gần, áp bộ ngực căng tròn, hôi hổi vào lưng tôi. Tôi ngượng chín người, định đứng lên nhưng bị chị ấn xuống:
– Gớm, sao mà nhát thế. Chú muốn thì chị cho. Mạnh mẽ “nên”, cứ “nờ” vờ cò “nả” con gái không thích đâu.
– Đừng… đừng chị…
Tôi gạt mạnh tay chị để lên gác. Bước đi lập cập khiến tôi bị vấp vào cầu thang, buốt lên tận óc. Toàn thân tôi căng cứng, nhưng nhức và cổ họng khô cháy. Gần sáng, tôi mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy Kim với khuôn mặt âu lo nhìn tôi không chớp, hỏi gì cô ấy cũng không nói. Tôi vùng dậy, chạy theo sau nhưng sao giữa tôi và Kim cứ có một khoảng cách mà tôi không thể nào tới được.
*
Người đàn ông với chiếc ô tô sang trọng đó còn đến quán tẩm quất thêm hai lần nữa. Vẫn như mọi khi, ông chỉ yêu cầu tôi day huyệt đỉnh đầu, bóp vai và đấm lưng rồi về. Lần nào cũng cho tôi thêm tiền. Câu chuyện giữa tôi và ông cởi mở hơn. Theo lời ông kể, ông làm việc tại một ngân hàng lớn. Hai vợ chồng có một cậu con trai, hiện đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài cũng ít khi về. Khi đã đấm bóp cho ông nhiều lần và nghe những câu chuyện ông rù rì kể, tôi có cảm tình khá đặc biệt với ông. Bẵng đi gần một tháng không thấy ông, tôi tự hỏi không biết có việc gì. Thế rồi hôm đó, ông đột ngột xuất hiện, quãng một giờ sáng khi quán đã chuẩn bị nghỉ. Thấy tôi, ông quàng vai nói nhỏ:
– Đi theo anh! Bà xã anh kêu đau lưng suốt từ chiều, không biết có sao không?
Tôi xin phép anh Học ra ngoài làm rồi theo người đàn ông ra xe ôtô. Chiếc xe lướt nhẹ trên đường, qua rất nhiều con phố vắng tanh. Một lúc sau, xe rẽ vào một khu đô thị với nhiều nhà biệt thự rồi dừng ở ngôi biệt thự đầu dãy. Cánh cổng từ từ mở, chiếc xe bò nhẹ vào gara. Người đàn ông dẫn tôi lên tầng hai, mở cửa căn phòng cuối cầu thang rồi nói:
– Em cứ tự nhiên. Nếu chị muốn gì thì em chiều nhé! Bây giờ anh phải đi có việc gấp, vài ngày nữa mới về. Anh đã bố trí xe, khi nào xong việc sẽ có người đến chở về nhé.
Nói xong ông bước ra xe và tôi nghe tiếng máy nổ xa dần. Tôi quay lại bước vào trong, loạng quạng vài giây vì không thể nhìn thấy đồ đạc trong phòng. Bất giác, một bày tay nắm lấy tay tôi, đưa tôi lại gần chiếc giường gần đó.
– Chú cứ ngồi nghỉ, có uống gì không để chị lấy?
– Dạ, không.
– Vậy thì bắt đầu nhé. Chú cởi áo khoác ra đi.
Tôi gật đầu. Người đàn bà trút bỏ chiếc áo choàng, trên người chỉ còn lại bộ đồ lót rồi nằm sấp xuống giường. Tôi hít mạnh. Không gian ấm sực, mùi nước hoa dìu dịu tỏa khắp phòng. Trước đó, tôi cũng đã làm cho mấy bà sồn sồn trong các ổ bạc. Đó là những người đàn bà với thân hình đồ sộ, nói chuyện tục tĩu rồi cười tung tóe nhưng lại rất hào phóng mỗi khi tôi xong việc. Còn hôm nay, trong căn phòng ấm áp của tòa biệt thự sang trọng này, với tôi, đó là lần đầu.
Chiếc đèn ngủ màu hồng nhạt trên tường cho tôi biết người phụ nữ có làn da rất trắng. Khi bàn tay tôi bắt đầu lướt nhẹ trên lưng cũng là lúc tôi cảm nhận được sự mịn màng và hương thơm tỏa ra từ làn da đó. Với khách nữ, mọi động tác luôn có chừng mực trừ khi họ có yêu cầu riêng. Xong vùng lưng và chân, người đàn bà xoay mình nằm nghiêng, mặt hướng về phía tôi. Cơ thể tôi bắt đầu nóng dần, mồ hôi rịn ra. Trong sự tĩnh mịch của đêm, tôi nghe rõ hơi thở của người đàn bà trở nên gấp gáp. Vào đúng thời khắc tôi nhoài người về phía trước để vuốt cánh tay từ vai xuống, người đàn bà hất tay tôi ra và vòng ra phía sau kéo tôi xuống giường. Rất nhanh, cái cơ thể như có lửa, với hơi thở nóng bừng ấy đè lên người tôi, bàn tay riết róng lột chiếc áo phông tôi đang mặc rồi bắt đầu phủ lên mặt tôi những nụ hôn bỏng rát. Tôi đờ người, mọi phản ứng trở nên yếu ớt. Từng mạch máu trong tôi căng phồng, rần rật. Sau phút giây bàng hoàng, tôi nhắm mắt tận hưởng những gì đang diễn ra. Cuộc ái ân bắt đầu và bản năng thằng đàn ông mách bảo tôi phải làm những gì sau đó…
Tôi tỉnh dậy lúc năm giờ sáng. Bên ngoài trời vẫn tối. Người đàn bà vẫn choàng tay qua người tôi, hơi thở đều đều. Tôi gỡ tay và bước xuống giường. Khi tôi lần xuống cầu thang bỗng rụng rời khi thấy người đàn ông đang xem bóng đá trên tivi, trước mặt có một chai rượu. Thấy tôi, ông đứng dậy, bước nhanh về phía cầu thang và đưa tôi một chiếc phong bì.
– Đừng nghĩ ngợi gì. Anh bị “hỏng” mấy năm nay rồi. Vợ chồng anh đã bàn kỹ việc này. Chú làm vậy cũng là giúp anh, miễn là chị ấy còn chấp nhận sống chung với anh.
Người đàn ông đã nói với tôi như thế dọc đường đưa tôi về. Tôi im lặng. Tôi còn biết nói gì vào lúc này, với tất cả những gì vừa diễn ra? Tôi đã bán mình ư, tại sao tôi bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu này? Lẽ nào tôi bị ngã vào một thứ cạm bẫy ngọt ngào nơi phố phường một cách đơn giản thế? Tôi hoàn toàn có quyền từ chối những lời đề nghị như vậy mà?
Tôi bước xuống ôtô, tự nhiên thấy hai mắt đau nhức. Có vô số những vòng tròn đen ngòm từ hai hốc mắt đang tỏa ra, lớn dần, choán dần phía trước. Tôi cứ đứng như thế, giữa những cơn gió lạnh buốt và bóng tối ken dầy. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã bước qua lằn ranh của sự phản bội. Tôi ngước mắt lên cao và thấy lòng buồn vô hạn. Vẳng bên tai tôi là tiếng cười trong vắt của Kim và cu Lãm. Giờ này, hai mẹ con chắc vẫn ôm nhau cuộn tròn trong chiếc chăn ấm áp.
Những cơn gió nhẹ dần, chỉ còn lướt qua mặt tôi. Trời tang tảng sáng.
Hà Nội, tháng 10/2012
Tác giả: Nguyễn Tuân – Thực hiện: NSUT. Hà Phương
Nguồn: Netnews.vn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *