Mái Ấm Miền Hoang Dã – Thanh Giang

Truyện đêm khuya – Đứng dựa cổng Phatima, Thạnh bồi hồi nhìn theo tấm lưng thon gầy của má xa dần. Chiếc xe dừng lại bên đường, má leo lên một cách khó nhọc khiến vài hành khách trên xe giúp đỡ má lên. Thạnh ứa nước mắt! Thương mẹ nhiều năm qua không kể xiết bao lần lặn lội đi thăm con, hết trại nầy đến trại khác! Hễ vào trại được chăm sóc, là h?t cai nghiện. Nhưng khi trở về dòng đời thì “ngựa quen đường cũ”, không cưỡng nổi. Rồi lai bị gom! Mới rồi má lên thăm, làm xốn xang lòng anh thêm là chuyện thằng em trai vừa cưới vợ. Nhìn tấm ảnh màu: cô dâu, chú rể trang phục lộng lẫy xinh đẹp trong khung cảnh hôn lễ tại nhà, Thạnh mừng bao nhiêu càng buồn cho thân phận mình bấy nhiêu. Nhớ đến tuổi tác còn ít năm nữa là đến tứ tuần, Thạnh giật thót! Chưa phải già mà thân thể gầy nhom, da sạm đen, tay chân sần sượng không còn một đường gân nào, coi gần như ông già! Vào trại Phatima lần nầy là thứ tư, tuy cai nghiện dứt, ăn uống khá, nhưng sự cường tráng và khuôn mặt tròn đầy, đẹp trai năm xưa giờ tàn tạ mất rồi!
Gần như cơn đau điếng, nỗi buồn của Thạnh tê dại rồi thâm trầm. Quá khứ nghiện ngập, cát bụi như nước đục được lóng phèn chua chát mà trở nên trong. Đời sống tinh thần, tình cảm phục hồi, cơ thể cũng được khoẻ lên. Ít lâu sau, Thạnh được trại cấp giấy trở về nhà.
Một cuộc đời gần mười tám năm (kể từ tuổi hai mươi), bất biết gia đình. Thạnh trở về trong nỗi mừng vui trào nước mắt đối với má. Ôm tấm thân gầy của Thạnh, má bệu bạo:
– Con ơi! Má ngày một già. Em con đã có gia đình. Má chỉ còn lo mình con. Bấy lâu con sa đà vào nghiện ngập, lêu lổng, má cảm thấy có lỗi với vong hồn ba con, bởi bổn phận làm mẹ không tròn, má khổ sầu đêm ngày! Thôi lần này về ráng tu tỉnh, để rồi má lo vợ cho con, đặng con có yên phận má mới vui lòng nhắm mắt.
Bồi hồi tận gan ruột, nước mắt Thạnh tuôn dòng:
– Cha từng qua những nhà tù đế quốc. Anh đi bộ đội hy sinh. Mẹ là cán bộ giao liên. Em giờ kỹ sư, đã lập gia đình. Ôi, gia đình tử tế như vậy mà có đứa con từng vào tù…ta!
Vì ân hận mà đau khổ tưởng có thể chết được. Thạnh bước lại bàn thờ, gạt nước mắt nhìn ảnh cha rồi ảnh anh. Nén nhang thắp lên cho người thương quá cố càng không cầm được nước mắt. Người mẹ hởi lòng, dỗ dành Thạnh như thời còn bé, bảo đi tắm rửa rồi hối nàng dâu đi chợ mua thức ăn ngon về làm bữa cơm đoàn tụ; mừng cho ông anh chồng từ nay làm lại cuộc đời. Lúc lên mâm, má ngồi gần Thạnh, gắp thức ăn bỏ vào chén cho con, đứa con gần bốn mươi tuổi đầu mà tưởng như hồi còn thơ dại! Dẫu có chua chát trong lòng má cũng cố mà dẹp đi, để mà mừng! Thạnh đón nhận tình thương ruột thịt của mẹ, của em lại chan nước mắt vào chén cơm; Nguyện lòng cho dù thần tiên quyến rủ hay gươm dao kề cổ cũng không sao lung lạc được đâu!
***
Đời lang bạt những năm dài, lần nào trở về với tổ ấm cũng làm Thạnh lạ lẵm, như từ đô hội ồn ào rơi vào vùng đồng quê tĩnh lặng, khiến từ cõi sâu tâm hồn bao nhiêu nỗi niềm thức dậy. Lần nầy càng làm xao động hơn là sự hiện hữu của căn phòng hạnh phúc ngay trong nhà vẫn yên lặng. Ngoài phố khuya vẫn yên lặng, phòng bên mẹ cũng thao thức, nghĩ đám nầy, dọ đám khác. Nhưng vợ đâu sẳn mà cưới cho nó liền ngay được…Với Thạnh thì đâu chỉ riêng điều đó. Mặc cảm cuộc đời tàn, cuộc đời hết xài, cuộc đời báo cô luôn đè nặng tâm tư, luôn dày vò anh. Thế là như một căn bịnh . Thạnh đâm sợ hãi về đêm, sợ tĩnh lặng không gian mà cũng sợ tỉnh táo tâm hồn, đầu óc. Rồi trong đêm nọ, một làn hương ngào ngạt len vào cửa sổ, dựng anh ngồi lên. Mùi hương vừa như nước hoa vừa như khói ma túy. Nhưng khi định thần thì chẳng nghe thấy gì. Ảo giác lập đi lập lại. Thạnh sa vào cõi mộng du tự bao giờ, đến khi tỉnh cơn thì không còn ở nhà mình nữa. Anh nhận ra một người con gái đang ôm mình ngủ vùi. Hoá ra là Phù Dung, cô bồ cũ. Lạc thú của chuyện đi mây về khói đặt bạn tình đứng sau. Bởi bất biết trời đất thì cũng bất biết ngày mai và gia đình, hơi đâu mà chung thủy. Nhưng với Dung và Thạnh thì họ không bỏ nhau, mặc dù chẳng ràng buộc lẫn nhau. Họ lắm mánh để kịp thời tách ra, tháo ra khi bị gom vào trại. Nhờ vậy người nầy bị thì còn người kia đi thăm. Không phải thăm nuôi mà là tiếp tế “mây khói” , đúng hơn là đồ tiêm chích. Lần nầy về nhà. Thạnh cố xa lánh đường cũ, hòng làm lại cuộc đời. Thật không ngờ…
Vừa lúc Dung thức dậy, thu dọn mền chiếu, rời ngay cổng chùa, đưa Thạnh vào tiệm ăn hủ tiếu.
– Chiêm bao hay là thật đây? – Thạnh vẫn còn vẻ ngơ ngác. – Anh đang ngủ, hình như đang mơ mùi nước hoa rất quen. Đúng là mùi thơm em thường dùng…
– Thì chính em chứ ai – Phù Dung liếc xéo Thạnh, cười ngặc nghẽo. Vẻ phong trần trên gương mặt khoảng ba mươi trông cũng còn duyên. Cô cầm trái ớt đưa cho Thạnh, như ra lịnh – Nhai! Nếu còn biết cay là tỉnh chiêm bao.
Không làm theo, nhưng Thạnh lộ vẻ vui.
– Em đưa anh vào cõi mộng du tài thật. Nếu còn thương anh vậy thì mình về nhà, thưa với má rồi làm đám cưới…
– Thèm! – Dung nhún cặp môi thâm, giọng bất cần đời, nhưng trong đôi mắt lóng lánh niềm đau – Ta cứ lang bạt với nhau hơn là ràng buộc vào khuôn khổ đạo lý. Đời em cũng là đời bỏ đi, có xứng đáng gì về làm dâu con ai!
– Thì anh cũng thân tàn. Xứng đáng gì làm rể ai. Mà gia đình em cũng là gia đình danh giá. Không hiểu sao đang học hành mà em lại sa vào con đường nầy?
– Còn anh thì sao? Cho hai ly đen đi bà chủ ơi! Số phận của mỗi người. Ai biết làm chủ thì nhờ, không biết làm chủ thì chịu. Cha mẹ đâu phải lúc nào cũng kề bên mà dạy dỗ. Mà đời thì vui ít buồn nhiều. Không chết được thì tìm cực lạc để lãng quên.
– Lâu ngày gặp lại, em nói nghe hay như vừa ở trại mới ra vậy?
– Chừng nào họ mới gom được em? Tính tiền đi bà chủ. Ta ra ngoài bờ sông Sài Gòn, lên nhà hàng COSEVINA ăn kem cốc đi. Đừng có hỏi làm gì có tiền ở đây! Đi bụi già đời mà còn khờ quá anh ơi!
Dáng vóc gầy ốm song điệu bộ khá mềm mại, nhanh nhẹn, Phù Dung dẫn Thạnh rảo bước đến một nhà bạn, thay bộ diện, khoát vai túi xách thời trang rồi lấy xe Cub đời mới chở Thạnh ra bến Bạch Đằng. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, Thạnh ngồi sau không ngớt lục vấn. Luồn lách chiếc Dream II trong dòng đời. Dung đáp chẳng chút e dè:
– Em làm cái chuyện mà xưa ông Kỳ làm bằng phi đoàn vận tải; tướng Quang làm bằng con đường hải quân. Cò mẹ hay cò con tính chất cũng là buôn lậu. Cái đầu cũng được vài năm là sinh viên hiểu rồi chớ? Xe nầy là của đầu mối. Mình là cái chân chạy nên họ cưng, muốn gì được nấy. Từ nay, hai đứa mình sống như thế nầy được không?
***
Chiếc xe ca chạy lầm bụi mù lúc màu xám, lúc màu đỏ, vượt qua Đồng Xoài rồi vượt qua địa giới của tỉnh Dăklăc, tiến mỗi lúc mỗi sâu lên miền núi non heo hút. Xế trưa chiếc xe rẽ vào một ngã đường có biển đề: Nông Trang Dăk Ru. Men theo sườn núi, chiếc xe chạy xuống thung lũng dài, băng qua khu nhà lá hai bên đường cất xen trong vườn cà phê đang mùa ra hoa trắng lốp đầy cành. Bên phải là triền núi, bên trái là dòng suối chạy dài làm đường tâm của thung lũng, không rõ nơi bắt nguồn và tận cùng hạ lưu. Hai bên bờ suối cũng vườn cà phê chạy thoai thoải lên, tạo nền xanh cho thêm nổi bật những ngôi nhà ngói mới đỏ au, cất cùng kiểu dáng và khoảng cách đều, trông như phố, đẹp hơn nữa bởi ở giữa là dòng suối Dăk Ru được chắn dòng làm đập thủy điện nên có khúc nước dâng lên mênh mông như hồ, lấp lánh sóng lăn tăn.
– Lên đây xài điện không mất tiền. Mỗi hộ được cấp căn nhà ngói đỏ và một mẫu đất để trồng cà phê, hoặc tùy ý trồng điều, chôm chôm cũng được.
– Rừng núi âm u, hổng ham! – Một giọng ngao ngán.
– Dù ham, dù không vẵn phải ở – Giọng khác buồn hơn – Còn học tập, cải tạo khướt, bạn ơi!
Bỗng một người gầy nhon lên cơn vật vã, té xuống sàn xe. Người con gái đậm chắc ngồi ghế sau xớt đỡ anh ta lên một cách gọn. Trông gương mặt cô tròn đầy, má rực hồng ước chừng hai mươi tuổi. Dường như trong chuyến đi từ thành phố lên, cô gái cũng từng làm động tác này. Cô rút khăn mặt của mình lau nhớt giãi nhầy nhụa cho người đàn ông bất hạnh.
Chiếc xe chạy ngang qua ngôi trường nền đúc, lợp ngói, nhiều phòng học khang trang rồi men dọc theo bờ suối ngang qua bờ đập cho cảnh nhìn đẹp mắt một làng mới giữa rừng núi với vườn chuối, vườn rau xanh tươi; cuối cùng rẻ vào bến đậu là bên hông một khu nhà nền đúc cao, lộng lẩy, sang trọng và hiện đại. Đoàn người trên xe được thả xuống bên góc cái sân gạch mênh mông. Giữa sân là cột cờ xây trụ cốt thép cao, trên đỉnh: lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay. Gió lộng từ dòng suối cho không khí mát như tấm khăn diệu huyền lau mồ hôi cùng bụi đường truân chuyên khổ đau. Từ trong trụ sở của nông trang, một cán bộ mang sổ ra tiếp nhận đoàn người rồi nhanh chóng đưa vào khu láng trại bên kia bờ đập.
Về đến nơi nghỉ, người gầy gò lên cơn đó là Thạnh được y sĩ đưa lên bệnh xá săn sóc. Đi kèm dìu anh là cô gái đậm chắc mà chị em cùng đi gọi tên là Hiền. Vì là người trẻ và khoẻ nhất trong đoàn đi. Hiền còn vì lòng trắc ẩn mà đỡ nâng cho Thạnh chớ chưa hề quen biết gì.
Không khí rừng núi, nắng nóng nhưng nhờ hơi nước giòng suối nên không oi nồng. Về đêm thì lạnh. Vùng hoang sơ hồi mới khai phá có sốt ác tính, nhưng nay thì ít thấy, nhờ biện pháp trừ muỗi và làng mới ngày một lấn rừng. Thạnh cùng một số nghiện nặng chẳng cần dùng thuốc trị, dần dà luyện tập và lao động vừa sức nên thể trạng trở nên bình thường. Những ngày anh còn yếu thì Hiền tới lui, giặt giũ hoặc bưng cơm nước. Hoà nhập trong học tập và lao động xây dựng, những số phận được xoắn thành mối dây liên cảm thương yêu nhau mà hồi còn ở dòng đời thì phận ai nấy biết.
Đáp lại sự ân cần của Hiền. Thạnh dĩ nhiên gần gũi giúp Hiền những việc nặng nhọc như bửa củi, gánh nước, chẳng là hiền được bổ sung vào tổ chị nuôi. Hiền chẳng biết cha mẹ mình là ai, đó là nỗi thương tâm đối với Thạnh ghê gớm. Lớn lên Hiền đã thấy mình ở cô nhi viện, rồi sang trại trẻ mồ côi ở Thủ Đức. Khi tuổi mười ba, mười bốn gì thì đã bị người ta dụ dỗ trốn trại. Rồi sa vào con đường lầm lạc, lắm nỗi ê chề mà giờ đây nhớ lại cũng đủ rùng mình, huống gì dám kể lại với ai! Đôi lúc tâm sự, những dòng nước mắt của Hiền như có âm thanh của nổi đau rên rỉ, có tiếng vang đòi của khát vọng được gọi má, gọi cha! Thay cho ngôn từ, những giọt nước mắt của Hiền chảy vào tâm can Thạnh đầy tràn cái nỗi xốn xang; dẫu không dám hỏi han gì. Chỉ sợ làm chạm nỗi đau xưa của nhau mà cả hai tìm cách làm vui cho nhau. Khi thì Thạnh đi rừng tìm về cho Hiền những giò phong lan rất đẹp. Khi thì Hiền vá cho anh cái áo, hoặc khi bắt được con cua dưới suối, Hiền nướng cho anh ăn…
Không khí núi rừng được hơi ấm con người mở mang trở nên thanh sạch. Sự chăm sóc giữa những con người đầy lòng nhân ái, cho nên mảnh đất sinh trưởng “cây tình yêu” là lẽ thường tình. Gần trăm ngôi nhà ngói đỏ mới mọc lên tiếp theo cùng hàng trăm ngôi nhà lá mà ta đã nhìn thấy dọc hai bên dòng suối và lòng hồ, ấy là những mái ấm nói lên điều đó.
Với Thạnh và Hiền tình cảm đã chín muồi, nhưng người nào cũng còn mặc cảm tự ti, cho là cuộc đời đáng bỏ đi, nên khó nói nên lời. Có cái ảnh đám cưới em trai, Thạnh đem khoe hoài với Hiền, gặp khách thăm Thạnh cũng đem ra khoe. Hiền hiểu Thạnh khoe để nói lên điều gì. Dù tuổi Thạnh chênh lệch nhiều, dù thân thể còm nhom, nhưng thân phận của Hiền là kiếp hoa tàn, dám đâu mơ ước hạnh phúc lớn lao! Cuối cùng Giám đốc nông trang là ông Tơ bà Nguyệt. Tất nhiên mọi thủ tục đời sống công dân đều đã xong. Chỉ còn má. Thạnh gửi thư mời má lên xin ý kiến cho phải đạo. Thật là có lỗi. Ngày ấy bỏ nhà ra đi rồi theo Phù Dung lang bạt kỳ hồ, nào hay đâu má phải lặn lội đi tìm khắp cùng. Khi anh bị gom lần nữa, Sở Lao động thương binh xã hội truy hồ sơ, nên đưa anh thật xa, làm má tìm không ra càng âu lo! Chừng Thạnh báo tin về, hằng tháng, vài tháng má đổ đường lên thăm, vất vả cho tuổi già biết chừng nào! Lần nầy lên, biết được mình sắp có dâu, má mừng quýnh, ôm chầm lấy Hiền mà hôn thắm thiết. Lần đầu trong đời được gọi một tiếng “Má”, Hiền nghẹn ngào, khóc ròng!…
Thế là nỗi lo canh cánh bấy lâu đã nhẹ, má cầm tay ông Giám đốc nông trang, trào nước mắt cám ơn hết lời. Ấn định ngày cưới xong, má quay về thành phố. Thấm thoát đến ngày hôn lễ, má trở lên, mang theo đủ thứ quà vật. Má còn lo xa: Sắm cả đồ len bé xíu cho cháu nội tương lai. Có vợ chồng chú em cùng đi, dành cho ông anh một cái bất ngờ hết sức cảm động là mang lên đủ lễ bộ đồ cưới tân thời để trang điểm cho cô dâu chú rể và có máy ảnh phim màu đàng hoàng. Cái trụ sở nông trang lộng lẩy, hiện đại đã từng trang hoàng cho nhiều đám cưới, từng đôi có, tập thể có. Hôn lễ của Thạnh và Hiền diễn ra chỉn chu, sang trọng, cũng ở đấy. Sau đó, vợ chồng chú em về trước. Má ở lại chơi ít ngày với dâu con cho thỏa lòng. Ngôi nhà xinh xắn bên bờ suối Đăk Ru do nông trường cấp, xa nhìn tưởng bé xíu, nhưng vào nhà khá rộng: phòng trong có giường đôi, phòng ngủ có tủ đứng, bàn ngồi. Hiên trước treo đầy phong lan rừng đẹp tươi do bạn bè tặng. Gian sau là nhà bếp, bàn ăn. Bên ngoài nối với sân trước sân sau là vườn cà phê mới trồng khi tình yêu vừa bén đượm.
Đêm tân hôn của con trai không còn trẻ, má ngồi nhìn bóng điện toả sáng trong căn nhà hạnh phúc, nước mắt chảy dài. Má nói những lời từ đáy lòng:
– Ngờ đâu cảnh đời chìm nổi của hai con mà giờ trở nên đôi bạn, được có cái mái ấm hạnh phúc thế nầy, má sung sướng tưởng đâu từ trên trời rơi xuống. Từ nay má mới nhẹ lo, có chết cũng vui lòng nhắm mắt.
***
Hơn năm sau, chính từ mái ấm này Hiền cho ra đời đứa con đầu lòng đặt tên là Thảo. Thảo vận đồ len nhiều màu sắc của bà nội tặng ngày cha mẹ cưới nhau, càng thêm xinh đẹp. Thạnh mừng run, đi rừng tìm phong lan về treo đầy nhà, rực rỡ và tươi mát. Bạn bè cũng như khách xa đến thăm, Thạnh thôi phải khoe ảnh đám cưới em trai; mà khoe ảnh đám cưới chính mình, giờ thì khoe con trai: “Cục vàng” bằng xương bằng thịt! Mẹ Hiền mát sữa, “cục vàng” trắng tươi, thơm tho, bụ bẫm, vợ chồng dành nhau hôn hít tối ngày. Niềm hưng phấn đem lại khoẻ khoắn tâm thể, lao động hiệu quả, Thạnh càng được tin yêu, trọng dụng, sung vào đội bảo vệ, tỏ ra càng đắc lực. Bởi bọn buôn lậu ma tuý bằng đường dây gia đình thăm nom người nhà, hoặc cải trang trà trộn, thâm nhập nông trang, không những tiêu thụ bạch phiến các loại mà còn là nơi tàng trữ giao lưu các nơi. Bằng kinh nghiệm từng trải, Thạnh đã phát hiện và ngăn chặn tệ nạn xâm nhập. Chính Thạnh cũng bị một người bạn ghiền cũ tấn công. Bằng hút, chích, bằng đôla, vàng cây đối với Thạnh không còn ăn thua, nhưng với lý lẽ: khí độc miền sơn cước, sốt ác tính liệu có tha cho vợ con anh không? Nhứt là với bé Thảo vừa chào đời, da thịt mềm yếu như cái chồi non thì anh hơn chờn. Người bạn rủ quay về Sài Gòn sẽ đưa thêm vàng đủ mua nhà để rồi cùng trong đường dây như Phù Dung trước đây, sẽ kiếm ra khối tiền, ăn sung mặc sướng, đầy đủ tiện nghi lại khí hậu điều hoà; muốn hút lúc nào cũng sẵn thì còn ghiền đâu mà lên cơn… Tất nhiên ông bạn ghiền bị Thạnh xua đuổi kịch liệt. Bọn buôn lậu vắng bóng. Làng mới, vườn cà phê lấn rừng, từng hộ tăng thu nhập… Nhưng những đêm rừng dông bão khí lạnh chen vào chăn ấm. Cánh tay anh ôm ấp cả vợ con mới thấy là vẫn chưa tròn! Nỗi băn khoăn thầm kín anh tỉ tê với Hiền. Vợ Hiền ghì đầu anh mà hôn, rơi nước mắt nóng hổi lên mặt thỏ thẻ: “Anh thì lo cho con. Còn em lo cho anh! Miền sơn cước ma thiêng là hồi nào chớ bây giờ là đất lành. Nghe mọi người hay nói: ”Đất lành chim đậu”. Bằng chứng là lâu nay mình đã ăn chịu, con mình đã sinh ra ở đây cũng ăn chịu, sởn sơ, khoẻ mạnh. Em ráng nuôi nó thiệt kỹ, anh đừng quá lo. Nếu bấy giờ mà trở về Sài Gòn thì không sớm muộn gì em sẽ mất anh, con sẽ mất cha! Đừng anh! Đừng nghe lời đường mật mà chết mình! Tự anh cũng đủ hiểu là thế nào rồi! Bây giờ không phải một mình anh, mà còn cả em và con…”
Thời gian trôi qua. Dòng suối Đăk Ru được ngăn con đập thứ hai, nâng lòng hồ phía hạ lưu mênh mông. Tôm cá sinh sôi phong phú. Người ta sẽ xây dựng tổ máy phát điện thứ hai cho công suất gấp đôi đập thuỷ điện một. Hai bên bờ suối đường lộ xe hơi được mở rộng và ngày càng tiến sâu vào lòng rừng núi. Đất trồng trọt mở dài theo và nhà ngói nối dần theo.
Một đêm nọ đang yên giấc bên vợ con, Thạnh bỗng nghe mùi hương quen gây đam mê ngây ngất. Ảo giác hay là thật? Chẳng lẽ xa xôi thế mà Phù Dung biết được? Chẳng lẽ tấm thân gầy nầy có gì làm Phù Dung mê được? Thì đã hơn một lần Phù Dung bứt một cách nhẹ nhàng tình mẫu tử của anh! Rồi hai người đắm say trong cuộc tình lang bạt. Thạnh cố nằm im. Tự véo tai mình. Phân vân. Thật hay tự kỷ ám thị? Cánh tay giờ đã săn gân bắp. Thạnh quàng qua ôm choàng vợ con. Mùi hương tan rồi lại đậm. Đậm dần. Hồn anh đang lâng lâng say…
Mềm êm như lụa, anh gối đầu lên đùi nàng. Môi ngậm cần sa, rít sâu. Trong làn khói mê li anh nghe giọng nàng du dương:
Trái đất còn mình anh và em
Trái đất là trái tim anh của em
Đôi thần tiên nầy đi mây về khói
Miền cực lạc trần gian nầy cõi thiền…
Chợt tiếng trẻ khóc. Một bóng người bồng bé Thảo chạy vụt ra cửa.
– Bắt lấy nó! – Thạnh hét lên, ngồi bật dậy. Định chạy theo nhưng Hiền ôm vai giữ lại, hốt hoảng hỏi:
– Gì? Gì? Trộm hả?
– Bé Thảo đâu?
– Nó đây! Đây nè! Thôi, anh chiêm bao rồi!
Có tiếng đập cửa, Thạnh lo lui cui bồng con, Hiền ra mở cửa, mới hay mấy anh bảo vệ nghe la, chạy qua. Hiền cười, đáp: “Ảnh mớ”. Mấy người bảo vệ cũng cười trừ, trở về. Hiền quay vào, bật công tấc đèn, nhìn thấy chồng đang ôm con vào lòng hôn thằng bé đến bật khóc. Hiền giành lại con, trách yêu:
– Bộ anh khùng rồi hả? Hôn vậy nghẹt thở con còn gì? Ôi! Ôi! Bú đi con! Ờ, má cưng! Má đánh ba rồi. Ngủ ngoan nào… Ầu ơ… ví dầu… Tay bưng dĩa muối chấm gừng…
Nghe thánh thót gợi cảm đến tĩnh người là tiếng chóp chép của môi con bú vào vú mẹ, hoà quyện vào giọng ru ấm nồng, Thạnh gạt mồ hôi trán nói như rên:
– Ôi! Mùi hương làm đắm say!
– À ơi… Gừng cay, muối mặn xin đừng… – Hiền bỏ lửng câu hát, đấm vai chồng – Thì ai biểu anh đi rừng tìm phong lan về treo cho lắm trong nhà! Hồi chiều nầy anh đem về phong lan gì ra hai chùm bông dài, đẹp hết ý mà thơm dễ sợ!
Hiền hiểu lệch mùi hương say của chồng sao mà hồn nhiên, Thạnh âu yếm nhìn sâu vào mắt vợ rạng ngời hạnh phúc, tình tứ nói nịnh:
– Hoa dù thơm mấy cũng đâu có thơm bằng em và con!
Rồi tình cảm bồng bột chưa từng. Thạnh ôm hai mẹ con trong vòng tay, gục đầu hôn lên bầu má phính của con cái hôn dài, đậm sâu nồng nàng, vừa cảm giác mát mềm êm ái bên má chạm bầu vú mẹ nực thơm mùi sữa ngọt ngào.
Ôi trong hạnh phúc ngất ngây mê lịm mà lại nghe tâm hồn thanh tĩnh bình yên. Thạnh sướng ran khi nhận ra mình đã tìm thấy sự bình yên chính ngay trong mái ấm gia đình.
Tác giả: Thanh Giang – Thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *