Bài nổi bật

Mùa Rươi – Nguyễn Thu Hằng

RadioVn.Com – Đúng lúc nửa đêm, gió heo may đã về, chạy một dọc dài từ ngoài sông tràn qua cánh đồng Của Giời, rối rít đuổi nhau trên những ngọn tre đầu làng, rồi sà xuống luồn vào khu vườn, mấy tàu chuối lay phần phật, cây nhãn đầu ao rung lên xào xạc.
Cô Thầm chợt hắt hơi, trở dậy, thấy bàn tay, bàn chân hơi tê mỏi, người khẽ run lên vì cái lạnh chạy khắp sống lưng. Cô khẽ khàng với cái áo len cũ khoác vào người rồi từ từ hé cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Gió heo may ùa vào. Trời nhờ nhờ tối. Những ngôi sao như co ro hơn, chỉ còn một chút sáng nhàn nhạt buồn hiu hắt trên bầu trời. Mưa rơi lắc rắc, có mấy hạt đậu nhẹ lên má cô. Cuối cùng thì heo may cũng đã về. Cô đóng vội cửa sổ, chạy tới giường thằng Được mà lay lay người nó. Thằng Được mãi mới mở mắt, nó ngái ngủ nên cái mặt càu quặu, miệng lầm bầm, đang đêm rét mướt, gọi dậy làm gì đây không biết. Cô Thầm chỉ lên cánh màn gần khe cửa sổ đang lay động theo chiều gió, lại chỉ năm ngón tay xuống đất mà uốn lượn. Mắt cô nhìn vào mắt Được, hấp háy sáng. Qua bàn tay mẹ, thằng Được nhìn thấy đám rươi đang bơi lội tung tăng dưới ruộng. Mẹ nó đã thao thức đợi heo may về từ đầu tháng trước rồi, cho tới đêm nay, mẹ đang ra hiệu gió heo may đã về, rươi trên đồng Của Giời có lẽ đã lên, mẹ muốn nó dậy cùng mẹ đi bắt rươi! Nó ngáp một cái, miệng như cá ngão, phẩy tay, rồi trùm chăn. Đó là hành động từ chối của nó. Thực ra đã ba đêm trước nó thức khuya để khuân vác cám ở công ty hùng hục như trâu húc bờ, nên đêm nay cơn buồn ngủ đến không cưỡng lại được. Với lại, cách đây mấy hôm, một lần mẹ gọi nó ra đồng vào ban đêm mà có con rươi nào ngoi lên đâu.
*
Cánh đồng đã ngân ngấn nhựa phù sa đỏ rau rảu. Trước kia, đồng vốn là bãi bồi ven sông, giờ đã thành đất nông nghiệp, chia đều cho các hộ dân, chỉ cấy được một vụ trong năm, vụ kia đợi nước phù sa đổ về, đồng lại biến thành bãi sông, chờ giời cho của, rươi ngoi lên thì bắt nên người ta gọi là cánh đồng Của Giời.
Cô Thầm cũng may mắn có được mảnh ruộng ở cánh đồng Của Giời này, cô vừa mới gặt xong, phơi thóc còn chưa ráo vỏ. Lúc lúa chín, sai thằng Được thì nó chối bận việc công ty không nghỉ được, cô đi gặt một mình, gồng gánh một mình, đẫy cả hai ngày. Thu hoạch xong, trời cứ u u âm âm, chẳng phơi phóng được, cô tãi thóc trong nhà, đi gặt thuê cho nhà Cản. Vợ con Cản đều xin đi làm công nhân. Sáng, giờ ra gốc cây đa đầu làng đợi xe ô tô đưa đi làm, tối lại đúng gốc đa ô tô đỗ lại trả người. Vợ Cản gặp cô Thầm quần áo dính bùn đất gánh lúa về thì toe toét cười ra hiệu, lên ô tô đi làm với bọn tớ cho đỡ vất vả, lên công ty dọn vệ sinh cũng được ba triệu một tháng. Cô Thầm đỗ gánh lúa xuống, nhòm vào ô tô, xua tay, rồi chỉ xuống đồng Của Giời, lại giơ bó lúa lên cho vợ Cản xem, nhiều hạt ngập nước đã nứt nanh, chuẩn bị mọc mầm. Vợ Cản vỗ vai, đằng ấy gặt xong thì sang gặt cho nhà này mấy buổi, công xá đây tính đoàng hoàng, rồi xỉa ngón tay đếm tiền, ấy là hiệu trả tiền nhiều, cô Thầm gật đầu nhận lời. Ô tô tuýt còi, lăn bánh, đã nghiến vào đầu bông lúa trong quang gánh của cô Thầm, cô Thầm xót xa nhìn chỗ hạt lúa bị nghiến, gạo trắng nhuyễn như xay bột.
Mới tờ mờ sáng, cô Thầm đã nấu cơm ăn cho chắc dạ rồi quấn xà cạp, đội nón sang nhà Cản. Vợ Cản đang soi gương đánh phấn trong buồng, ra hiệu cô hãy ngồi ghế dưới gốc nhãn đợi. Vợ Cản quay vào bàn với chồng thuê cô Thầm gặt lúa. Cản còn đang ngái ngủ, gắt, thuê cái ngữ giời cho mồm ăn mà không cho mồm nói ấy rồi lại lằng nhằng thì mang tiếng… Nước hôm nay lên ngang đầu gối, bùn ngẫu dưới chân, bông lúa nào cứng thì ngoi hết lên trên mặt nước, nhiều bông sâu, mềm đã rũ xuống mặt nước, thóc bắt đầu trương lên. Cô Thầm cắt được nắm nào thì Cản bắt phải đặt vào cái thau cho lúa khỏi ướt, đầy thau lại mang lên bờ mương, thành từng đống lúa lớn trên bờ thì cô lại xếp quang gánh, gánh lên đường chờ xếp lên công nông chở về nhà.
Gánh được năm gánh thì chân cô Thầm muốn bại, mồ hôi mồ kê túa ra, cô ngồi phệt xuống vệ cỏ thở dốc. Cản vừa đắp xong khúc bờ bị vỡ, trở vào nhìn thấy cô Thầm ngồi đó, vẫy tay ra hiệu. Lúc đầu cô Thầm tưởng Cản không cho nghỉ, bắt xuống làm ngay, nhưng sau, Cản tươi cười chìa tờ giấy lên, vẫy vào lều thì cô đội nón đi vào. Cô được mời uống nước, ăn khoai lang luộc, chân tay cũng bớt bủn rủn.
Cản trỏ tay ra phía ruộng lúa đã gặt của nhà cô, ra hiệu hỏi, có rươi lên chưa? Cô Thầm lắc đầu. Cản lại ra hiệu bảo, năm nay không khéo mà giời chẳng cho của, đầu tháng chín rồi mà không thấy mống rươi nào ngoi lên. Mấy nhà trên đồng Của Giời này đang ngao ngán vì chờ đợi, nhiều nhà bán sấn mặt nước cho người khác để ăn non cho đỡ thấp thỏm lại hay, chứ như mình cứ đò đưa thế này khéo rồi tết này khâu mồm vào hết lượt. Cản dùng tay giả động tác rút chỉ khâu mồm mình cho cô Thầm hiểu.
Cô Thầm lắc đầu, không tin, chỉ ngọn tre cạnh lều Cản, Cản xua xua tay, rồi cánh tay Cản là ngọn tre, cánh tay đổ nghiêng đổ ngả mấy lần, đó là Cản nói rằng, gió heo may cũng thoảng về mấy đợt vào chiều tà rồi, mà đã thấy bóng dáng con rươi nào đâu? Cô Thầm hứ hứ, phẩy tay cãi, cánh tay làm thành lũy tre đổ rạp từ đằng đông về đằng tây, ấy là cô bảo, không phải gió heo may, đó là gió đông đấy, lộng đông buổi chiều tà, nhiều lần như thế mới mở đường cho heo may về. Cô vỗ hai tay đánh đét vào nhau, bĩu môi, lắc đầu chê Cản không biết gì về gió, thế mà cũng đòi bắt rươi.
Cản vào lều, lúc trở ra, trên tay cầm một tờ hợp đồng. Cản mở giấy cho cô xem rồi ra hiệu rằng, cô Thầm cắt lúa thuê cho nhà Cản, mỗi ngày trả công trăm năm mươi nghìn. Năm trước thuê được hai người cắt trong hai ngày xong, năm nay mọi người đi làm công ty hết rồi, chẳng thuê được ai, nên thuê cô Thầm. Người làng người nước cả, nước lại lên cao hơn, gặt lúa vất vả hơn, cứ tính cho cô năm ngày, nhân lên là bảy trăm năm mươi nghìn đồng. Cản chỉ vào con số ở cuối tờ giấy. Lại vừa ra hiệu, vừa nói tiếp, cô gặt nhanh cũng trả cô như vậy, gọi là khoán trắng, nếu đồng ý thì kí vào. Cô Thầm nhìn vào tờ giấy, lại nhìn ra ruộng lúa nhà Cản, ước chừng không quá bốn ngày công gặt. Cô tủm tỉm cười thầm, tưởng đầu bò đầu bướu thế nào, đến gió heo may cũng không biết, tính công cũng hớ, thế mà đòi quây đầm bắt rươi. Làm hợp đồng thế này thì chẳng sợ Cản chuội cơm của mẹ con cô. Cô bèn gật đầu cầm bút viết tên mình vào. Chữ thì cô không biết nhưng cô biết viết tên mình. Thằng Được đã dạy cô viết tên cô ngay từ khi nó học lớp một, còn các con số, thằng Được dạy cô một, cô đi làm thuê nhiều tự khắc biết thêm hai, ba phần, chẳng nhầm bao giờ. Những khi đi làm thuê như gánh gạch, phụ vữa, cấy, gặt thuê, người thuê cẩn thận làm hợp đồng lao động bảo cô ký, cô Thầm cũng đã ký nhiều lần. Có người chủ lò gạch mới thuê cô, không tin là cô biết tính toán, cố tình tính trả cô thiếu tiền hai ngày công, cô biết liền, đòi cho bằng được, lúc ấy chủ lò mới lắc đầu lè lưỡi, mất ba trăm nghìn chiêu đãi đám thợ làm gạch một chầu bia vì trót cá cược, ai dè cô Thầm mù chữ chứ không mù số.
*
Buổi tối, về tới nhà, thấy thằng Được đã nằm khểnh trên giường đắp chăn, cô ra hiệu bảo con ngày mai được nghỉ công ty thì đi gặt với cô cho nhà Cản. Thằng Được tròn mắt, hỏi lại mẹ lần nữa, cô Thầm lại chỉ tay lên đầu xoa xoa. Thằng Được hiểu mẹ nó gặt thuê cho chú Cản trán hói, nó giẫy lên như đỉa phải vôi, nhất định không đi, nhà ai thì nó đi chứ nhà này thì chết cũng không đi. Mẹ nó không hiểu. Nó bèn đưa hai tay mình vòng vào ngực nó, rồi nó dẩu môi lên, chụt chụt, ấy là nó bảo, nó đang định tán cái Vi, con gái nhà ông Luynh, thằng con trai nhà Cản là Tuy cũng đến tán, làm cái Vi sắp đổ về phía nó, giờ lại tỏ vẻ muốn ngãng ra. Nó đang cay cú thằng Tuy lắm, nó không thèm đi gặt thuê cho bố thằng Tuy được, cái Vi biết là mất mặt. Đợi vụ rươi này, cùng với đợt lĩnh lương nữa, nó sẽ cho cái Vi biết chất của nó. Được xỉa tay đếm đếm để xin tiền mẹ mua đôi giầy mới diện cho oách. Cô Thầm lần tủ còn có hai trăm mới lĩnh tiền gánh gạch thuê định để mua thuốc đau lưng, đưa hết cho Được. Được diện quần áo mới, xịt tóc cứng đơ, phóng xe máy lên phố huyện ngay.
Trăng lên mờ mờ ảo ảo, bóng nhãn dập dờn chỗ sáng chỗ tối ở sân giếng, cô Thầm ngồi rửa bát mà nước mắt tự dưng chảy dài trên má. Cô nghĩ mà thương thằng Được. Nó vì thương cô đâm ra đã lỡ mất một đám dưới làng. Đứa con gái chăm việc đồng áng không chê vào đâu được, nhà cũng không giàu có hơn nhà cô là mấy, vì bố mẹ đẻ nhiều con, suốt ngày cũng chỉ đi cấy và làm thuê như cô. Ngặt vì bố con bé đòi hỏi khi cưới, nhà trai phải có đầy đủ họ nội thì mới chịu, còn không chỉ có anh em nhà cô Thầm thì không được, ông ta chê anh em nhà cô, người thì câm, người thì còng, người thì nghễnh ngãng mất cả thể diện với họ nhà ông ta. Bác Thì, mang cái lưng còng sang đánh tiếng với nhà kia đã nặng nhọc mang cái lưng còng về truyền đạt lại cho cô Thầm hiểu như thế. Cô Thầm giận tím ruột, cứ nhè đống rơm đang chất nhảy lên mà dậm, thế hóa ra là nhà đó chơi khó nhà cô, chẳng thà nhà gái cứ nói trắng ra không đồng ý cho nhanh.
Cô đâu muốn câm. Bố cô kể rằng năm cô chừng bốn tuổi, cô bị cảm, nằm liệt giường cả tuần, lúc khỏi thì tai ù đi, lưỡi co lại, không thể nói được. Vì vậy mà đôi khi người đối thoại không rành cách ra hiệu, thì cô nhìn mồm người nói chuyện, cũng lờ mờ hiểu được đôi phần. Mấy năm sau, bố mẹ cô chuyển lên Lục Ngạn làm kinh tế, dắt díu đàn con theo, mang theo bao nhiêu là gốc vải. Chỉ có bác Thì là trai trưởng đã có gia đình riêng nhất định ở lại làng.
Núi rừng Lục Ngạn mênh mông như biển. Ngoài khu đất được chia, cả nhà còn đi khai phá đồi đất hoang, trồng cơ man nào là vải, nhãn. Rồi nuôi bò, nuôi trâu. Một bận, cô Thầm đi chăn bò trong rừng, thơ thẩn ngồi chơi, để bò lạc, cô khóc hết nước mắt chạy đi tìm. Tới sẩm tối thì có một người đàn ông vai mang gùi, tay dắt bò đi tới chỗ Thầm đang ngồi khóc, nói tìm thấy bò bên suối, biết bò của Thầm nên đi tìm để trả bò cho Thầm. Vừa lúc ấy, mưa rừng ập xuống, người đàn ông cột bò vào gốc cây, rồi cởi áo che cho Thầm, kéo Thầm vào hốc đá trú mưa. Vào tới hốc đá thì quần áo Thầm cũng dính nước mưa. Người đàn ông rút khăn bông lau mặt, lau tay cho Thầm. Mùi mồ hôi đàn ông nồng nồng phả vào mặt Thầm. Chân tay Thầm run bắn lên, dù nước mưa ngấm dần làm môi Thầm run lập cập nhưng má Thầm lại rần rật nóng. Thầm nhìn miệng người đàn ông lẩm rầm nói điều gì đó, Thầm giơ tay định ra hiệu, thì người đàn ông cầm tay lại, phủ đôi môi đầy mùi thuốc lào lên môi Thầm, mùi khê khê nồng nồng ngai ngái như mùi của lá khô ngấm trong bùn đất luồn vào cuống họng Thầm… Thầm ú ớ, mắt trợn tròn nhìn, cho đến khi đôi tay chai sần, rắn như đá còn vương đất luồn vào eo, vào ngực Thầm mà bóp thì người Thầm nhũn ra. Mặc cho mùi thuốc lào len lỏi khắp nơi, mắt Thầm từ từ khép lại, chân tay tê dại, sỏi đất cũng dập dềnh cọ vào lưng Thầm, nước mưa rơi từ trên cành nứa tí tách nhảy nhót lên chân Thầm. Trong giây lát, Thầm thấy như có nhát dùi đâm vào cơ thể, rách toạc, đau nhói rụng rời, dịu chát đê mê, mưa vẫn rơi xối xả bên ngoài hốc đá, nước mưa đã bắt đầu tràn vào nhớp nháp dưới lưng…
Hai tháng sau thì mẹ mất. Mẹ Thầm bị cảm, bà đi nhẹ như tiên. Hai tháng sau nữa, cái Nhỏ đi lấy chồng về nhà chơi, vô tình nhìn trộm Thầm tắm mới biết bụng Thầm chửa tướng. Cả nhà tra hỏi, mãi Thầm mới ra hiệu bảo có người đàn ông đã ngủ với Thầm trong hốc đá, người ấy có nốt chàm xanh trên má trái. Bố Thầm xục xạo khắp nơi, cuối cùng tìm được người có nốt chàm xanh đang sống bên đồi Dứa, tên hắn là A Dú. Một lần, ông cụ đợi hắn đi làm trên đồi về, rồi bất ngờ từ chỗ chờ xông ra chắn đường. Hắn ngạc nhiên lắm, hỏi:
– Sao lão chặn đường của tôi?
– A Dú, có việc mới chặn!
*
Thế là A Dú về nói chuyện với vợ con. Mấy hôm sau, A Dú mang cơi trầu sang đón Thầm về. Thầm sang nhà A Dú dắt theo sau con bò mộng. Nhưng Thầm không được ngủ nhà trên, Thầm ngủ nhà dưới, cạnh chuồng bò, vợ cả ra hiệu mà đe rằng, cho Thầm về đây là làm người ở chứ không phải làm vợ bé, nếu không nghe lời thì chết đòn. Hàng ngày, Thầm phải dậy sớm nấu cháo ngô, luộc sắn, luộc khoai cho cả nhà ăn, xong rồi đi làm, trưa, tối về lại nhóm bếp nấu nướng, rửa bát, giặt giũ. Thầm làm nhiều nhất, ăn ít nhất, ngủ muộn nhất. Ngủ, lại xuống nhà dưới cạnh chuồng bò. Thỉnh thoảng, A Dú trốn vợ cả đang say giấc, cậy cửa vào ngủ với Thầm, xong lại lên ngay, hắn sợ vợ cả biết.
Nhưng mà vợ hắn cũng biết. Một đêm, lúc ấy A Dú vừa cởi quần trèo lên người Thầm, Thầm vẫn còn mắt nhắm mắt mở thì cửa buồng mở toang, trông thấy bóng vợ cả, A Dú rú lên khe khẽ, vội mặc quần chạy lên nhà trên, bỏ mặc Thầm đang trần như nhộng trên giường. Thầm bị lôi đến cột nhà, vẫn trần như nhộng, vợ cả quấn tóc vào cột nhà mà vụt, chảy máu đầy lưng, cái bụng của Thầm đau thắt lên rồi dịu đi ngay. Từ hôm đó, vợ cả thường xuyên kiếm chuyện đánh đập đầy đọa Thầm như con ở, con hủi. Nhất là sau khi đẻ thằng Được, những trận đòn càng đổ xuống đầu Thầm nhiều hơn, thằng Được cũng bị vợ cả và mấy đứa chị mắng mỏ, và vụt roi vì những tội lỗi trẻ con không đâu vào đâu. Thương con, Thầm cũng không thể chịu đựng hơn nữa, một hôm, Thầm vờ lên đồi làm rồi dắt con chạy về nhà khóc với cái Nhỏ. Cái Nhỏ kể với bố. Bố Thầm bảo, không ở được thì về, dù sao thì thằng Được cũng đã có tên bố ở giấy khai sinh rồi. Thầm bỏ nhà A Dú về nhà mình. A Dú có sang thăm con mang cho chục trứng gà, vợ cả A Dú biết chạy tới tận nhà Thầm chửi A Dú mang của cho ngữ lạc loài.
Năm sau, bố quyết định để lại cơ ngơi cho anh Tý, anh Nhẹ rồi dẫn Thầm về quê. Bác Thì dựng giúp Thầm mái nhà tranh trong vườn để hai mẹ con ở tạm. Mấy năm sau bố mất. Thằng Được nhớ ông, chiều nào cũng ra mộ ông, bác Thì bảo, nhớ ông thì phải ngoan, chăm làm thì ông phù hộ cho. Nó biết thương mẹ, chăm chỉ hơn con người ta, không theo học được lên lớp mười, nó đi làm thuê làm mướn suốt. Về sau, nó xin được một chân bốc vác trong công ty cám, nhưng ngày nghỉ vẫn tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền giúp mẹ. Sau vài vụ vớt rươi và chịu khó đi làm thuê làm mướn, hai mẹ cô Thầm xây được căn nhà ngói khang trang, mua ti vi, lại còn mua cho thằng Được cái xe máy tàu cũ cho nó đi lại làm ăn.
Ấy thế mà, nhà đứa con gái kia vẫn đòi phải có họ nội lên trong ngày ăn hỏi, ngày cưới. Biết yêu sách ấy, thằng Được không nói ba ngày, rồi bỏ đi ba ngày. Thì ra nó lên Lục Ngạn tìm bố đẻ. Về, nó kể với bác Thì: cháu thì cháu chẳng cần. Ông ấy và vợ bảo, cháu phải lên đây để họ tổ chức đám cưới cho, rồi sẽ mua xe máy mới cho, chứ cứ ở dưới này với mẹ, họ chẳng nhận. Đã thế thì thôi đứt đuôi con nòng nọc. Nó thôi luôn con bé kia, cũng không thèm liên hệ gì với bố, mẹ cả trên rừng nữa, nó chúi đầu vào đi làm thuê.
*
Tới ngày thứ tư thì cô Thầm gặt xong thửa ruộng nhà Cản, giữ lời hứa, Cản trả công sòng phẳng. Đưa tiền xong, Cản còn ra hiệu bảo rằng, Cản bán sấn mặt nước vụ này cho bác Nhu rồi. Bán sáng nay. Nhìn giời rồi quyết định bán, ăn non cho ngon giấc ngủ, chẳng cần đêm hôm mưa gió phải lội đồng bòm bõm tháo nước, chẳng cần thấp thỏm mất ngủ chờ rươi hiện hình nữa, hay cô cũng bán quách đi cho nhanh? Cô Thầm lắc đầu. Cản cười hềnh hệch, quờ quạng tay vào ngực cô, bảo nói chuyện với Thầm bằng ngôn ngữ cơ thể hóa ra lại hay đáo để. Cô hẩy ra, giơ cái đòn gánh, phang cảnh cáo vào chân Cản, Cản chạy chui vào lều.
Về nhà, thấy cơm canh đã bê lên, cô ngạc nhiên, từ khi thằng Được đi làm ở công ty cám, chưa bao giờ nó lại tự giác cơm nước chu đáo thế này. Thấy mẹ về, Được từ trong buồng chạy ra ôm lấy cô, rồi lần túi quần xin tiền, nó ra hiệu bảo phải đi dự sinh nhật bạn gái, chưa có đủ tiền mua quà. Cô Thầm chìa cho một tờ hai trăm, nó bĩu môi chê ít, cô Thầm đưa thêm một trăm, nó phần phật quay đi, cô Thầm lại ú ớ gọi nó lại, nó chỉ cả sấp tiền công cô vừa lĩnh, cho nó để mua áo dạ tặng cái Vi, rồi cuối năm mới cưới được người ta. Cô Thầm đành đưa cho hết. Cái bụng, cái lưng khẽ đau rực lên, cô phải tựa vào thành giường, nhìn theo bóng dáng con phóng xe máy vèo ra cổng. Thế mà, đêm nó về, nó ra hiệu, cái Vi đã đá nó, không nhận quà của nó, cái Vi nhận điện thoại chín chấm của thằng Tuy, rồi lên con tay ga để thằng Tuy lai ra phố hát ka ra ô kê. Nó phải mang cái áo đi trả, người ta trừ toi hai trăm. Cô trằn trọc thở dài, mạnh như tiếng gió lùa trong lùm cây.
*
Cô Thầm thấy có nhiều ánh đèn pin le lói trên mặt đầm. Khối người đã phát hiện ra gió heo may về mạnh đêm nay cũng dắt díu nhau lên đồng vớt rươi. Cũng như cô, nhiều nhà đã ra đồng không biết bao nhiêu đêm, bao nhiều ngày để rình rươi xuất hiện, mà rồi chẳng thấy bóng dáng con rươi nào.
Ngày trước, khi mới chân ướt chân ráo theo bố về làng đi bắt rươi. Lúc đầu cô sợ run lên vì trông thấy chúng nổi đầy mặt nước, bơi quấn quýt lấy nhau với đủ màu sắc, hồng, đỏ, vàng, xám, xanh… trông như con giun đũa, chi chít những chân như chân rết, khắp thân chúng nhờn nhờn, nhớp nháp. Cho đến khi được nếm món chả rươi thơm nức thì cô nghiện. Nghiện mà chẳng dám ăn vì rươi bán một cân rươi bằng tiền cô đi làm thuê mấy ngày, chỉ vớt chừng hai tiếng mẹ con cô được cả thúng rươi. Sau đó dần dần rươi thoắt biến mất sạch. Cô Thầm nghĩ hay là chúng chui xuống đất, ở lại ruộng tháo, vét cho sạch nước rồi đào, cuốc đất tìm rươi, nhưng tịch không còn dấu vết nào. Chúng biến mất nhanh một cách lạ lùng như khi chúng xuất hiện. Cũng có năm chầu trực cả ba tháng mới vớt được hai cân rươi. Bác Thì ra hiệu bảo, muốn ăn lúa thì thôi ăn rươi, ăn rươi thì ăn ít lúa, đừng vác bình phun thuốc trừ sâu nữa, rươi mới về. Năm nay, cô không phun thuốc sâu, lúa má lèo phèo, may ra được hơn tạ thóc, nhưng cô đang hi vọng giời thương mà cho của qua đợt bắt rươi này, dù rằng mấy nhà có ruộng gần nhà cô đã bán mặt nước hết cho các chủ đầm lớn rồi.
Ruộng lúa nhà cô đây, nước đã về nhưng chưa qua mặt bờ ruộng, cô bấm đèn pin soi, nước đổ về lặng lờ, đùng đục, cạnh bờ chưa có dấu hiệu gì, cô lội xuống ruộng bước đi vài bước thì thấy trên mặt nước một vài con rươi đang ríu rít bơi như đỉa, cô mừng quá như vớ được vàng lại quay sang trái lia đèn, cũng thấy một đám đang bơi ngoe nguẩy. Cô Thầm vội vã lội ra vài bước chân nữa, rươi nổi đầy mặt nước, từng đàn quấn quýt lấy nhau như những đám mây ngũ sắc. Cô thấy tim mình đập nhộn lên, người cô nóng bừng lên, giời cho của rồi, lộc giời lộc đất đã về rồi. Tay cô luồn xuống nước, hứng lấy mấy con rươi như đang ngửa tay hứng của giời, rươi mềm nhũn, mát rượi ngoe nguẩy trong lòng tay cô. Trước khi vớt, cô bấm điện thoại cho thằng Được nhưng nó tắt máy. Có lẽ nó dứt khoát không lên đồng vớt rươi với cô rồi, chắc chuyện tán tỉnh con Vi đã bị thất bại vì thằng con trai nhà Cản kia.
Cô Thầm bắt đầu vớt rươi, bao nhiêu rét mướt, mỏi mệt bỗng tiêu tan hết khi thau rươi mỗi lúc một đầy dần lên. Tay cô ngoăn ngoắt nhanh bằng cả hai người vớt. Mẹ con cô không có điều kiện như các chủ đầm khác mà xây hệ thống mương máng để đợi rươi về chỉ việc tháo nước, căng lưới vớt rươi, nên vẫn vớt rươi theo cách thủ công mà các nhà nghèo trong làng làm, dùng vợt vớt trực tiếp, sau đó đợi họ tháo nước xong thì mình ăn theo tháo sau, nhờ qua mương máng nhà họ, lúc ấy mới căng lưới vớt những con rươi cuối cùng. Thoắt ẩn thoắt hiện, rươi chỉ về chừng hai, ba tiếng rồi thì sẽ biến mất, không vớt nhanh là không kịp.
Trời tang tảng sáng thì cô thấy bụng trái mình đau quặn lên, người bỗng rét run sần sật. Chập tối hôm qua, cô cũng đã bị đau một trận, cô đã phải dán cao. Cẩn thận, cô Thầm bê thau rươi lên bờ, thau rươi nặng khiến cô phải lên gân, bụng càng đau dữ dội. Cô vội lần tay vào túi quần, may mà cô phòng trước có mang ít cao dán của thằng Được đi, cô ngừng tay dán hai miếng, nóng rần rật nhưng vẫn còn đau, cô bước ra ruộng, cúi xuống vớt tiếp được một lúc, không chịu được lại dừng tay dán tiếp ba miếng nữa quanh bụng. Chỉ được chừng mười phút cơn đau lại nổi lên, như dao ngoáy, như rùi đâm, muốn rách bụng. Chân tay cô bủn rủn, cô phải dựa vào bờ mương, lấy nốt ba miếng cao dán chi chít xung quang bụng, ngồi thở một lúc đợi bụng im im thì xuống vớt rươi tiếp, nhưng vừa định đứng lên cất bước thì cô ngã dúi dụi xuống bờ ruộng, chiếc vợt buông khỏi tay, rươi văng ra, tan biến dần trong nước.
*
Một ngày, một đêm sau, cô Thầm mới tỉnh dậy. Mở mắt trông thấy tường trắng, nệm trắng, những cánh áo blu trắng loang loáng trước cửa phòng, thì cô vùng lên, ú ớ. Bác Thì giữ tay cô lại, bắt nằm im, rồi ra hiệu, cô bị đau ruột thừa cấp, may mà thằng Được lên đồng kịp đưa đi cấp cứu chứ không gì cũng chui xuống đất như giống rươi rồi… Ai đời đau ruột thừa lại đi dán cao bao giờ, quanh bụng dán đầy cao dán giảm đau. Cô thấy bác Thì vừa ra hiệu cho cô hiểu vừa khóc, chứng tỏ là cả nhà đã lo lắng tột độ, nay cô qua khỏi là điều thật may mắn. Cô không biết đau ruột thừa là như thế, là nguy hiểm đến tính mạng như thế, nhưng cô chợt nhớ việc vớt rươi đang bỏ dở, cô vùng dậy, các ngón tay cô lại mềm mại uốn lượn như những chú rươi đang ngoi lên mặt nước, rồi cô chỉ cái thau. Bác Thì gật gật, hiểu ý, vừa ra hiệu bằng tay vừa nói, cái thau rươi cô vớt để lên bờ, thằng Được đem cân được những mười hai cân cơ đấy, còn phần dưới ruộng, về sau bác Nhu thu xong rươi nhà bác, đã đồng ý cho nhà cô tháo cống nhờ, quây lưới giúp, cũng được ba cân rươi đấy. Phen này bán rươi đầu mùa được giá, giời cho nhé. Bác Thì nói xong, thì thằng Được lấp ló ngoài cửa phòng bệnh, bác gọi to:
– Mẹ mày tỉnh rồi này, vào nhanh lên còn thập thò gì?
– Dạ, bác đợi cháu một tí.
Cô Thầm lay tay bác Thì, xua tay, ý không muốn gặp mặt thằng Được. Cô còn giận nó không chịu nghe điện thoại, không lên đồng vớt rươi với cô, nếu nó lên, rươi còn được nhiều nữa. Bác Thì hiểu ra, lại ra hiệu, nó hiểu mẹ gọi lên đồng vớt rươi nên tắt máy, xong là lên đồng Của Giời ngay, nhưng ai ngờ, giữa đường nó gặp một cô con gái đi làm ca đêm về tới đầu làng ta gặp cái ổ gà, trời lại mưa lên ngã nhào xuống mương. Thằng Được giúp cô ấy lôi chiếc xe máy lên. Cô gái chỉ bị xây xước nhẹ, đợi cô ta nổ máy đi về, nó mới ra đồng, thì gặp cô vừa ngất đi, đã tri hô mọi người tới giúp đưa cô tới bệnh viện mổ kịp thời.
Cô Thầm vỡ nhẽ, bần thần cả người. Vừa lúc ấy, thằng Được, một tay xách cặp lồng cháo, cùng với món chả rươi thơm nức mũi, một tay nắm tay cô gái đó dắt vào, còn cô gái dáng vẻ bẽn lẽn cúi đầu chào mọi người. Bác Thì vồn vã:
– Nó dẫn cô gái bị ngã xe đến kìa. Hai đứa vào đây, nhanh lên, vào với mẹ đi.
Cô Thầm nhìn con, nhìn cô gái, miệng bỗng nở nụ cười.
Tác giả: Nguyễn Thu Hằng – Thực hiện: Vân Anh
Sản Xuất & Biên Tập: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *