Bài nổi bật

Trăng Huyền Ảo – Châu La Việt

RadioVn.Com – Tôi cứ mường tượng một sáng mùa xuân tươi đẹp, trên con đường dẫn về xóm Thắng có những lùm cây dại nở những bông hoa tím hoa vàng lấm tấm, anh Hàn của chúng tôi vai khoác ba lô đi thẳng từ mặt trận về với chị Hạnh. Có lẽ cả buổi sáng mùa xuân ấy sẽ cùng hân hoan với hạnh phúc của anh chị, một hạnh phúc muộn màng sau những ngày chiến tranh và chỉ dành riêng cho trái tim người lính diệu kỳ!
 
Chúng tôi là một tổ công binh chốt trên đèo Ngam. Có những lúc trên trọng điểm, bom đạn dập tơi bời, nói thật chẳng còn biết trời đất trăng sao gì, ngoại trừ làm sao giữ được đường thông và mình không bị dính bom đạn. Nhưng khi đã tảng sáng, khi những đoàn xe đã núp vào những cánh rừng rậm, lũ máy bay của địch cũng đã cút về, chúng tôi về hang đá của mình, xì xì xụp xụp bát cháo rồi lăn kềnh ra ngủ. Nhưng cũng có những ngày mùa mưa dài đằng đẵng, cả tiểu đội chẳng biết làm gì hơn là rít thuốc lào và kể chuyện đàn bà con gái (có khi là chuyện thật, mà cũng có khi là chuyện bốc phét, tưởng tượng). Nhưng tôi cam đoan là chuyện thằng Toán sau đây (nó tên là Toán vì bố nó là một ông giáo làng, đẻ bốn đứa con lần lượt đặt tên là Toán, Lý, Hóa, Văn) là chuyện có thật một trăm phần trăm, dù không ít người như anh Hàn vẩu tuổi đã ngoài bốn mươi hết sức nghi ngờ.
 
Khi thằng Toán kể thì anh ấy cứ há hốc mồm ra nghe, nhưng có lúc nửa đêm còn lay lay tôi dậy để hỏi: Này, chuyện có thật hả cậu? Thế cậu cũng biết bà này à? Người xóm Thắng xã Bảo Hưng à? Bao giờ tôi cũng cam đoan với  anh Hàn và mọi người đây đúng là chuyện thật, vì tôi ít nhiều cũng tỏ tường về chị Hạnh, nhân vật chính của câu chuyện. Chị ấy là cán bộ xã nơi chúng tôi đóng quân hồi mới nhập ngũ, cứ mỗi khi đơn vị có liên hoan gì mời dân làng thì chị ấy thường tham dự, vì chức trách cũng có, mà cũng vì tình cảm cũng có (gia cảnh chị có chồng đi bộ đội nên chị có nhiều tình cảm với lính tráng). Chị trạc tuổi ngoài bốn mươi, thân hình đẫy đà, hàm răng đen nhưng nhức và đôi mắt lúc nào cũng như biết cười.
 
Toán kể:
 
… Có thằng Huân đây làm chứng (Huân là tên tôi), hồi ấy chúng tôi mới nhập ngũ, đơn vị luyện tập ở một vùng làng quê Ninh Bình. Đêm ấy có báo động. Cả đơn vị súng ống nai nịt gọn gàng lên đường, chẳng hiểu sao tôi được đại đội trưởng Ngô Văn Lúa cắt lại để coi kho gạo. Anh em đi hết rồi, chỉ còn mình mình rình rình nấp nấp trong vườn. Gió thì lạnh bời bời, mắt thì cứ chong chong nhìn vào bóng đêm xem có kẻ nào đột nhập kho gạo của đơn vị hay không?
 
Đang nửa tỉnh nửa mơ thì thấy một bóng đen đi tới, mình mới giương khẩu CKC quát:
 
– Ai?
– Ấy, chị đây mà. Chú Toán hả…
– A, chị Hạnh. Thế mà em cứ tưởng ai… Chị đi đâu thế này?
– Chị vừa đi họp trên ủy ban về.
 
Tôi đứng dậy, xoa xoa hai tay cho đỡ rét:
 
– Đơn vị hành quân dã ngoại chị ạ. Riêng mình em phải ở lại coi kho…
– Thế à? Thế đã cơm nước gì chưa. Suốt từ chiều chị cũng chưa ăn gì.
 
Chẳng kịp nghe tôi giả nhời, chị xăn xắn đi vào trong nhà. Một lát sau thấy dưới bếp bập bùng ánh lửa. Rồi mùi khoai nướng bay ra, tôi gốc gác nhà quê khoai sắn đã quen mà hôm ấy thấy mùi khoai nướng quyến rũ một cách lạ lùng.
 
Được một lát, chị gọi với ra:
 
– Chú Toán ơi, vào đây làm củ khoai bát nước cho ấm bụng…
– Em đang gác chị ạ!
– Yên chí. Có trung đội dân quân của chị cũng đi tuần mà.
 
Mùi khoai nướng có lẽ đã tác động mạnh đến tôi, làm tôi chẳng còn phân vân gì, đứng ngay dậy đi vào trong bếp. Ngoài trời giá lạnh mà trong này bếp lửa than đỏ rực, không chỉ ấm áp, mà còn hắt lên làm má chị Hạnh đỏ hồng như má người thiếu nữ.
 
– Ngồi xuống đây – Chị đẩy chiếc ghế về phía tôi – khoai chị vừa nướng đấy, ăn đi…
 
Tôi đón củ khoai chị đưa, vừa bóc vỏ, vừa thổi phù phù cho đỡ nóng, rồi cho ngay vào mồm, dù vừa ăn vừa phải hít hà không phỏng miệng mất. Hết một củ, chị lại đưa tiếp tôi một củ khác vừa chín tới:
 
– Ăn đi em!
– Chị ăn đi chứ, chị đã ăn gì đâu.
– Yên trí, yên trí… khoai còn cả rổ kia, chú cứ ăn đi.
 
Giữa lúc ấy, có tiếng chân ngoài ngõ, chị Hạnh gọi với ra:
– Nhung ơi, Lụa ơi, vào đây!
 
(Bà chị này tinh thế, chỉ nghe rậm rịch bước chân qua ngõ mà đoán ngay ra người)
 
Hai cô gái đi vào, quần đen túm, áo nâu gụ, mỗi cô vai khoác một khẩu súng. Một cô lên tiếng:
 
 
– Tối nay đến phiên gác tụi em chị ạ.
 
Một cô:
–  Cho em ăn khoai nướng với… Bếp lửa ấm quá!
 
Thế là chẳng khách khí gì, cô ngồi sà ngay vào bên bếp, lấy ngay một củ khoai còn bốc khói trên  tay chị Hạnh, vừa bóc ăn vừa tấm tắc: Khoai dẻo quá chị ạ. Mà chị nướng cũng khéo.
 
Chị Hạnh trỏ vào tôi:
 
– Đây là chú Toán, chú ấy đang làm nhiệm vụ coi kho cho đơn vị đi hành quân dã ngoại!
– Ối giời ơi – Một cô lên tiếng – Thế đi mấy ngày hả anh? Đi hành quân những nơi đâu hả anh?
– Cái con này – Chị Hạnh nguýt cho nó một cái rách cả đuôi mắt – Bí mật quân sự mà mày cứ bô lô bô la  thế!
 
Cô kia mới nói:
 
– Chị thông cảm cho nó, nó là nó quan tâm đến anh tiểu đội trưởng Thăng đấy chị ạ… Anh Thăng đóng quân trong nhà nó, anh chị mới phải lòng nhau mấy tháng nay, bây giờ xa một bước là không chịu nổi…
 
 
(À, đây là người yêu thằng Thăng – Tôi thầm nghĩ – Thằng này trông  tẩm ngẩm tẩm ngầm thế mà đấm chết voi. Yêu được con bé xinh thế!)
 
– Thế còn cô thì sao? – Chị Hạnh đưa bát nước cho cô bé ấy – Chú Toán này, con Nhung này là hát hay nhất đội dân quân đấy. Chú có thích chị giới thiệu cho?
 
Nhung có vẻ ngượng, đấm thình thịch vào vai chị Hạnh:
– Cái chị này, khéo anh ấy có người yêu ở quê rồi thì sao?
 
Tôi cũng hơi ngượng ngượng:
– Em thì xin giơ cả hai tay. Nhưng chị ơi, ít ngày nữa chúng em đi vào mặt trận rồi…
 
Chị Hạnh vẫn cứ vun vào:
– Thì như chú Thăng với cái Lụa đây, dù ít ngày nữa cũng đi xa mà tình yêu vẫn cứ nảy nở kia mà. Phải lạc quan chứ…
 
Lụa xốc lại khẩu súng:
– Thôi đến giờ bọn em phải đi tuần rồi. Vào xin chị củ khoai ăn cho ấm bụng thôi…
 
Rồi cô ta mạnh dạn bắt tay tôi:
– Thể nào em và anh cũng có dịp gặp lại nhau nhá. Em ở xóm đạo bên kia…
 
Nói rồi hai cô gái ngúng nguẩy khoác súng đi. Theo chị Hạnh thì họ cũng sắp đến giờ giao ca cho tổ dân quân nam…
 
Tôi cũng đứng dậy:
– Em cũng phải kiểm tra kho một chút chị ạ.
– Ừ, cũng thử dạo một vòng, rồi vào đây uống nước em nhé!
 
Tôi vâng ạ rồi khoác súng đi. Chị Hạnh hình như lên nhà kiểm tra cậu con trai ngủ nghê thế nào, và cởi bớt áo bởi ngồi bên bếp lửa không còn lạnh như khi ra bên ngoài. Khi tôi vào, chỉ thấy chị khoác chiếc áo len mỏng, và vẫn đun thêm củi cho bếp đỏ hồng…
 
 
 
– Ngồi trong bếp với chị ấm quá, ra ngoài lạnh nên ngại quá chị ạ…
 
Tôi thốt lên với chị thế. Chị cũng gật gù đồng tình:
 
– Ừ, bên ngoài lạnh thật. Giá thế này mà anh em hành quân dã ngoại lại nửa đêm phải bơi qua sông thì chịu thế nào được nhỉ?
 
– Đời lính mà chị. Ra mặt trận còn gian khổ hơn nhiều. Cũng phải rèn luyện cho quen chị ạ…
 
– Ừ, ngày anh nhà chị lên đường nhập ngũ cũng thế. Hành quân luyện rèn đâu sáu tháng, là vượt Trường Sơn vào Nam ngay. Trước ngày đi may cũng tạt về thăm nhà được một đêm. Cũng mùa đông thế này, chị ngồi nướng khoai cho anh ấy ăn. Thằng Long thằng Linh cũng ngồi dưới này chơi với bố mẹ, ăn khoai nướng đen nhẻm cả răng…
 
– Bây giờ anh ở chiến trường nào hả chị?
– Tây Nguyên thì phải… – Chị nói, giọng xa xăm.
 
Từ trên khóe mắt của chị, bỗng rơi ra một giọt nước mắt, làm trái tim tôi bỗng như se lại. (Sau này tôi mới biết, lúc ấy chị giấu tôi, chị không muốn nói gở khi chúng tôi sắp lên đường vào trận. Thật ra, chị đã được tin anh ấy hy sinh nửa năm nay, nhưng chị cố giấu để mẹ già của anh cũng như hai đứa con không biết…)
 
Tôi bỗng đặt tay lên vai chị an ủi:
 
– Bom đạn như thế, thư từ đi lại cũng khó khăn chị ạ. Nhưng chị cứ yên tâm, sẽ có ngày anh ấy về thôi…
– Cám ơn em.
 
Chị dịu dàng nói, và trao vào tay tôi bát nước nóng hổi:
 
– Uống đi cho ấm bụng. Khoai lang nướng, chè xanh… đặc sản quê chị đấy!
 
Tôi nhấm nháp từng ngụm nước chè xanh, quả là thật ấm áp, và nhìn chị đầy hàm ơn. Cảm giác cô đơn của một người lính một mình khi đơn vị đi xa đã lui dần trong tôi, không còn thấy tủi thân nữa…
 
– Thôi, nhìn em thấy mệt rồi, em đi ngủ đi, có gì để chị trông cho. Chị cũng còn thức ngồi làm mấy việc. Em cứ yên tâm. Có các cô dân quân, có chị thức đây, không có kẻ nào vào kho trộm đâu!
 
Quả là tôi cũng mệt và muốn ngủ đến nhíp cả mắt, nên nghe chị giục giã mấy lần, tôi nghe nhời chị và lên nhà ngủ…
 
Cũng xin nói thêm rằng, tổ tôi đóng quân ở nhà chị đã hai tháng, quen thân hết với mọi người. Thằng con lớn của chị tên là Quân hay về ngủ bên ông nội ở xóm dưới, còn đứa bé thì ở đây với chị. Thằng này tóc cháy nắng đỏ hoe, nghịch như quỷ sứ. Anh chàng thấy súng của chúng tôi dựa cột, nhìn thèm thuồng lắm. Hai mẹ con ở bên một chái, còn ba thằng chúng tôi thì ở bên một chái. Giữa nhà có kê bộ bàn ghế long cả chân để tiếp khách, và một bên có một tấm phản mà thằng Quân hay khoe ngày xưa bố nó đi  cày về hay ngủ ở đấy cho mát…
 
Trong chái nhà chúng tôi ngủ, có một cửa sổ thông ra vườn, để anh Ngọc tiểu đội trưởng hay để mắt kiểm tra xem kho gạo thế nào.
 
Từ đống lửa dưới bếp đi lên, vừa mở cái liếp, hơi gió lạnh từ ô cửa sổ đối diện khiến tôi co người. Nhanh chóng phịch xuống cái giường. Tôi cứ để nguyên quần áo lính thế mà ngủ. Lạnh thật. Gió từ đâu cứ như những mũi kim đâm vào da thịt tôi, mà chiếc chăn len mỏng quấn chặt lấy người không sao che nổi. Dù vậy thì cũng chẳng còn biết cách nào khác là để hai hàm răng va vào nhau cầm cập mà… ngủ.
 
May thay, như đoán được tình cảnh của tôi, đang thiu thiu, tôi thấy chị Hạnh đi vào:
– Toán ngủ chưa? Lạnh lắm phải không?
 
Chị cầm  tấm chăn chiên, đưa cho tôi:
– Em đắp thêm vào, không chết giá đấy!
 
Tôi hơi bất ngờ:
– Nhưng chị đắp bằng gì?
 
– Chị ngồi dưới bếp sưởi cũng được. Chị ra nhen lại đống lửa dưới bếp rồi ngồi dưới đó ấm chán.
– Ồi, không được đâu, chị cũng phải ngủ đi chứ. Chị cũng đã đi làm quần quật cả ngày rồi… Chị cứ đem chăn về mà đắp.
 
Tôi vùng dậy, dúi tấm chăn vào tay chị. Chị ngại ngùng cầm lấy tấm chăn, bần thần một lúc rồi ngồi xuống bên giường tôi:
 
– Thôi, em cứ đắp đi, chị về đắp chăn chung với thằng cu cũng được.
– Nó chưa ngủ hả chị?
– Không, nó ngủ lâu rồi…
– Thôi, chị để cháu nó ngủ.
 
Bỗng nhiên tôi có một đề nghị hết sức mạnh bạo:
– Hay chị không ngại thì ngủ bên này với em, chị em mình đắp chung chăn cho ấm…
 
Thật ra khi đề nghị như thế, tôi hoàn toàn vô tư, chẳng nghĩ một điều gì cả. Tôi mới mười tám tuổi, đã bao giờ biết chuyện đàn bà con gái đâu. Nhất là với một người phụ nữ đã cao tuổi như chị, lại còn là cán bộ xã! Tôi chỉ đơn giản nghĩ làm sao cho qua được đêm đông giá lạnh này.
 
Thấy chị ngần ngừ, tôi kéo tay chị nằm xuống:
– Chị cứ nằm ở đây cho ấm chị ạ.
 
Vẫn thấy chị ngần ngừ, tôi hơi hoảng:
– Chị ngại à? Hay nghĩ xấu em…
 
Chị có vẻ như miễn cưỡng:
– Không có gì đâu. Mình là chị em mà…
 
Rồi chị khẽ nằm xuống bên cạnh. Không biết vì có thêm tấm chăn, hay hơi ấm tỏa từ người chị – dù hai chị em vẫn có một khoảng cách, mà hai hàm răng của tôi đỡ va nhau lập cập.
 
Tôi thú thật với chị:
– Lạnh quá, em không ngủ được. Quê em cũng chẳng bao giờ lạnh thế này đâu!
 
Ngoài vườn như vọng vào tiếng xào xạc của lá. Hình như có tiếng chân ai đi qua. Chị nghển lên lắng nghe, rồi khẽ khàng ngồi dậy đi ra bên ngoài. Tôi thầm nghĩ có lẽ chị ngại, nên đã về phòng mình ngủ rồi…
 
Một lát sau bỗng thấy chị rón rén đi vào: Chị ra đóng lại cái cửa, rồi nằm xuống bên tôi. Chị rùng mình:
– Bên ngoài rét thật.
 
Rồi chị ôm lấy tôi, kéo sát vào chị:
– Chị lạnh quá …
– Em cũng lạnh chị ạ…May có hơi ấm của chị… Lần đầu em được biết đấy…
 
– Thế à… Thế ở quê chưa yêu ai à?
– Chưa chị ạ… Học xong lớp 10 là em nhập ngũ ngay… rồi về đây đóng quân…
 
– Ừ… Chị lại xích lại gần tôi hơn, ôm lấy người tôi. Một hơi ấm tôi chưa từng thấy bao giờ làm tôi ngất ngây. Nhưng tôi cũng hơi run, nên cứ nằm im bên chị, không biết nói năng gì…
 
Hình như đã bớt lạnh, chị rời tôi ra, nằm úp lại để nhìn ra cửa sổ. Giọng chị bỗng nhiên xa xôi, bâng quơ:
 
– Năm ấy, cũng vào đêm trăng thế này, trước khi đi, anh ấy nhà chị khi lũ trẻ đã ngủ, gọi chị sang bảo nằm ngắm trăng… thế mà…
– Sao hả chị…
–  Giờ thì anh ấy không còn nữa, anh ấy hy sinh lâu rồi… Vẫn chưa có giấy báo tử nhưng đồng đội của anh ấy ra Bắc điều trị đã bí mật đưa những kỷ vật còn lại của anh ấy cho chị…
 
Chị nấc lên, những dòng nước mắt chảy thành vệt trên má chị. Tôi bỗng thấy thương chị mà lúng túng vô cùng.
 
Tôi nhổm lên, lấy  tay khẽ lau những dòng nước mắt trên má chị.
 
Chị gạt tay tôi:
– Đừng, em cứ để chị khóc…
 
Có thể chị bỗng nhớ anh ấy, cũng có thể chị đang tủi thân tủi phận. Cũng có thể chị đã  kìm nén bao ngày, mà nay  bởi ánh trăng kia, và người đàn ông đang nằm cùng chị trong bối cảnh rất gợi nhớ  người chồng không còn nữa… làm bùng dậy trong chị rất nhiều trạng thái, và chị đã bộc lộ nó bằng những dòng  nước mắt đã kìm nén bao năm. Tôi lờ mờ hiểu những mất mát, khổ đau của chị, và cả những nỗi tủi thân cũng như một chút gì  dồn nén của  một người  đàn bà góa bụa bao năm…
 
– Chị đừng khóc nữa, nhìn chị khóc, em…
 
Chị nắm lấy bàn tay tôi:
– Cứ để chị khóc, có mấy khi chị được khóc đâu em…
 
Tôi cũng vuốt ve bàn tay chị:
– Em hiểu những ngày qua, chị đã sống rất nghị lực. Em rất cảm phục và thương chị.
–  Cám ơn em. Em là người đầu tiên chị tâm sự thật như thế này!
–  Vâng, tôi thì thầm bên tai chị – Cảm ơn chị đã tin cậy em. Thôi chị ngủ đi.
– Ừ, em cũng ngủ đi.
 
Chị nói và đắp lại chăn cho tôi. Tôi cũng đắp chăn bên dưới chân cho chị. Đây là lần đầu tôi nằm chung chăn với một người đàn bà, biết hơi ấm, nghe hơi thở của một người đàn bà. Nó vừa ấm, vừa mê man, làm dòng máu trong người mình rạo rực khác thường.
 
… Ánh trăng bên ngoài vẫn đang lạnh lẽo, rên rỉ trong gió. Có lẽ đêm đã về khuya, nên trăng cũng không ngủ được. Gió càng thổi, thì như vầng trăng càng  lạnh. Không hiểu động lực nào thôi thúc mà tôi liều mình cầm lấy tay chị, kéo sát lại gần thì thầm:
 
– Sát lại cho ấm…
 
Tôi cảm giác được cơ thể chị đang nóng dần và run lên, giọng chị bỗng chốc mơ hồ, gấp gáp và khàn đục:
 
– Em, em ơi…
 
Tay chị nắm lấy tay tôi siết chặt.
 
Rồi chị kéo tay tôi đặt lên ngực mình. Hình như cúc áo chị đã cởi từ bao giờ, chị đặt tay tôi lên ngực, xoa xoa tay tôi một cách tham lam trên bầu vú nóng rẫy của chị. Tôi cũng như bị thôi miên, tai ù đi, cảm giác khao khát bùng cháy mạnh mẽ. Lần đầu tiên, bản năng của thằng con trai trong tôi thức dậy thiêu rụi lí trí lơ mơ. Rồi chị đưa bàn tay tôi đi khắp vồng ngực của chị, ve vuốt từ bầu vú này qua bầu vú kia. Hơi thở của tôi cũng trở nên lặng nề tê dại. Tôi đã quên mất chị là ai, chỉ biết bên tôi lúc này là một người đàn bà mãnh liệt. Rồi có lẽ khi cảm xúc dày vò, chị quay nghiêng sang bên tôi, ôm lấy người tôi, kéo nằm lên người chị. Không còn khoảng cách, không còn lời nói, chỉ còn những âm thanh ú ớ không thành tiếng của khát khao bản năng, của hơi thở nặng nề và của đê mê hoang dại.
 
Tôi mạnh dạn cúi xuống hôn lên ngực trần của chị, người đàn bà cô đơn bật lên âm thanh của hạnh phúc, chị thều thào gọi tên tôi trong khắc khoải mênh mông và kéo đầu tôi dúi vào bầu ngực tràn trề của mình, tôi cũng nhiệt tình hưởng ứng và “yêu” chị say mê…
 
***
 
Chiến tranh đúng là tương khắc với tình ái. Đi ra trận mà có hơi hám phụ nữ là rất phiền hà. Không rõ tôi  nghe được câu này ở đâu mà thấy đúng thật. Chỉ một thời gian ngắn sau, trong một đêm vật lộn với bom đạn trên đường, Toán bị một mảnh bom vào ngực, cũng chẳng kịp trăng trối một lời. Người đưa Toán về hậu phương chôn cất là anh Hàn vẩu. Cứ tưởng anh như thanh thép đã tôi, đã cứng rắn, mà khi ôm xác Toán, anh ấy khóc như mưa. Tôi cũng buốt hết gan ruột vì thương Toán, mà cũng thấy thương anh Hàn thế nào ấy…
 
Cũng xin được nói thêm đôi lời về anh Hàn. Có nhẽ anh chưa tới bốn mươi, nhưng nhìn anh khắc khổ, hom hem lắm, trông cứ như ông cụ non. Nghe nói anh khổ từ lúc mới lọt lòng, mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, anh phải sống với ông bố dượng chẳng ra gì. Thế rồi có đợt tuyển quân, anh trốn nhà đi theo luôn, một mạch hàng chục năm rừng rậm đến núi cao, hết đơn vị này sang đơn vị kia đến bây giờ. Anh thâm trầm, ít nói, chẳng như chúng tôi bô lô ba la suốt ngày. Ngôn ngữ của anh chỉ là tiếng rít điếu cày sòng sọc suốt ngày đêm…
 
Bởi ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên khi cánh tân binh chúng tôi sang, kể chuyện gì anh cũng say sưa nghe. Có khi còn đòi  kể đi kể lại nhiều lần như chuyện của thằng Toán. Anh ngồi nghe  im lặng, nghiêm trang, cứ như nuốt lấy từng lời.
 
Tôi cũng tưởng anh nghe cho vui thôi, chuyện lính tráng nơi bom rơi đạn nổ kể cho qua ngày, ai dè nó lại găm vào lòng anh sâu sắc quá thể. Ba năm sau hết chiến tranh, đơn vị chúng tôi hành quân về hậu phương, rồi anh em lần lượt  được đi phép về thăm nhà. Nói thật là ngày ấy không gì sung sướng bằng, Anh Hàn cùng những người lính khác của trung đội đèo Ngam chúng tôi  tót ngay lên tàu  một mạch về nhà. Đến ga Hàng Cỏ chúng tôi chia tay nhau, hẹn nửa tháng sau hết phép sẽ gặp lại nhau ở đơn vị.
 
 
Ai dè đâu chỉ mấy ngày sau, khi đang đánh trần ở sân lau chiếc xe đạp cũ cho mẹ tôi, thì bỗng có một người  lính khoác ba lô đi vào ngõ hỏi tên tôi. Tôi bật dậy ra đón.
 
– Anh Hàn…
 
Tôi reo lên. Nói thật ở với các anh nơi bom đạn đã quen, về quê nhà  dù  yên vui và đông đảo bạn bè đến mấy cũng rất  nhớ các anh. Cho nên gặp lại anh Hàn tôi rất mừng rỡ, kéo ngay anh vào nhà.
 
– Thế nào, ông bà cụ khỏe cả chứ?
 
Đặt chiếc ba lô xuống, anh cất tiếng hỏi tôi.
– Cám ơn anh. Bố mẹ em  khỏe anh ạ… Bố mẹ em đi làm chưa về.
 
Tôi pha trà mời anh:
–  Anh uống đi. Còn  anh thì sao?
 
Anh thủng thẳng nhấp ngụm trà:
– Cậu biết mà, bố mẹ mình mất hết rồi… Mà nói thật, mình cũng chưa về quê nữa.
 
“Ơ cái ông này, lạ nhỉ ?”  Tôi thầm nghĩ.
– Thế anh đi đâu?
 
Tôi hỏi anh. Nhấp thêm một ngụm nước, anh thủng thẳng:
– Mình về quê thằng Toán, thăm bố mẹ nó, thắp cho nó nén nhang.
 
Tôi lặng người đi vì xúc động trước nghĩa cử của anh. Chính tôi thân với Toán hơn, mà đã chẳng nghĩ được sâu xa ân tình như anh.
 
– Cũng may giấy báo tử hai năm rồi, bố mẹ nó cũng có phần nguôi ngoai. Dù vậy, thấy bạn con từ đơn vị về thăm, các cụ cảm động lắm. Cứ muốn giữ mình lại làm con trong nhà. Sáng hôm sau mình đi, các cụ cứ bịn rịn mãi, mình hứa hàng năm thế nào cũng về thăm và chăm sóc các cụ.
 
Mắt anh ngân ngấn nước.
Một lát, anh thầm thì ghé vào tai tôi:
 
– Này, nhà cậu ở thành phố, có được hút thuốc lào không?
– Thoải mái, anh cứ  thoải mái. Chỉ ngặt nỗi nhà em không có điếu cày.
– Mình có đây.
 
Anh rút chiếc điếu cày tự tạo bé tý trong ba lô ra, cho chút nước vào đấy, rồi vê thuốc, tra nõ, châm lửa rít sòng sọc đầy khoan khoái và  phả khói mù mịt căn phòng khiến nhà tôi hệt như chiếc hang đá nơi đèo Ngam.
 
– Thế rồi cậu biết tôi đi đâu không?
 
Tôi lắc đầu, và nhìn anh đầy chăm chú.
 
– Mình đến Gia Viễn, nơi các cậu đóng quân ngày xưa ấy. Mình tìm vào nhà chị Hạnh.
– Ôi giời … (ông anh này làm tôi hết kinh ngạc này đến kinh ngạc kia).
 
– Cái cớ làm sao mà anh đi tìm chị Hạnh?
– Chắc cậu ngạc nhiên lắm phải không. Để mình tâm sự hết với cậu. Qua thăm nhà thằng Toán xong, mình bắt xe khách một lèo về làng Thắng tìm nhà bà Hạnh. Khi mình khoác ba lô vào, bà  ấy hết sức ngạc nhiên, không hiểu mình là ai, là người lính nào năm xưa đã đóng quân ở đây? Nhưng đón tiếp thì nồng hậu lắm. Bà  kể sau chiến tranh, thỉnh thoảng cũng có những người lính năm xưa ở đâu tạt về thăm nom bà con  xóm làng. Họ đều ít nhiều có ân tình với mảnh đất này.
 
Mình cũng nói thật là chưa đóng quân ở đây bao giờ, mà chỉ có anh em trong đơn vị cũ như cậu Toán, cậu Huân từng ở đây mà thôi. Khiếp thế, cả ngàn quân qua miền đất này, mà nhắc tên các cậu, bà ấy nhớ ra ngay. Khi nói cậu Toán đã hy sinh, bà ấy sụt sùi, nói khổ thân cậu ấy, còn trẻ trung yêu đời lắm. Bà ấy cũng kể cái đêm cuối cậu ấy đi ra trận, lạnh quá, chị em còn nằm tỉ tê với nhau trong gian phòng kia, vậy mà bây giờ đã thành ra người âm, người dương cách trở. Lúc bấy giờ, tớ mới tâm sự thật:
 
– Cũng bởi tâm sự cậu Toán mà tôi mới biết chị, thấy rất cảm thông và quý trọng. Tôi thì cha mẹ mất sớm, mười sáu tuổi đã trốn nhà nhập ngũ một mạch chiến trường cho tới hôm nay, cũng chưa từng biết đàn bà con gái nó ra làm sao. Người duy nhất mà tôi biết chính là chị qua chuyện kể thằng Toán, mà từ đó đem lòng cảm thông. Cho nên giờ đã hòa bình, tôi nhất quyết đi tìm chị, trước là để kể chuyện anh em cho chị hay, sau là xem tình cảnh ý tứ chị thế nào, có thể giúp gì được cho chị hay không?
 
Có lẽ thấy mình ăn nói thật tình, nên bà ấy xem ra cũng cảm động, cho hay là hai đứa con thì thằng lớn giờ cũng đã nhập ngũ theo cha, đi học trường sỹ quan, thằng bé thì ông tỉnh xét cho đi học nước ngoài, nên bà ấy giờ chỉ có một thân một mình, đèn khuya hiu hắt. Tớ mới chân tình nói, giờ đất nước hòa bình rồi, tôi cũng đã lớn tuổi, chiến tranh thì loại lính như tôi còn đắt, chứ giờ hòa bình thì về cầm cày cầm cuốc thôi, nếu chị không chê  tôi, tôi sẽ về đây ở hẳn với chị…
 
Bà ấy khóc như mưa chú ạ. Bà ấy nói tớ không đùa đấy chứ, tớ bảo có hương hồn thằng Toán kia, làm sao mà tôi dám đùa với chị. Hơn nữa, nếu không về đây với chị, thì tôi cũng về làng cầm cái cày, rồi tìm một bà góa bụa trong làng mà chắp nối thôi. Chẳng hơn tôi được về ở với người đàn bà là chị mà tôi đã tơ tưởng suốt bao ngày tháng qua nơi bom rơi đạn nổ hay sao?
Anh Hàn vội ra đi. Nhìn bóng anh lầm lũi khoác ba lô trên đường ra bến xe để về quê thăm họ hàng.
Tôi cứ mường tượng một sáng mùa xuân tươi đẹp, trên con đường dẫn về xóm Thắng có những lùm cây dại nở  những bông hoa  tím hoa vàng lấm tấm, anh Hàn của chúng tôi vai khoác ba lô đi thẳng từ mặt  trận về với chị Hạnh. Có lẽ cả buổi sáng mùa xuân  ấy sẽ cùng hân hoan với hạnh phúc của anh chị, một hạnh phúc muộn màng sau những ngày chiến tranh và chỉ dành riêng cho trái tim người lính diệu kỳ!
Tác giả: Châu La Việt – Thực hiện: Minh Nguyệt
Sản Xuất & Biên Tập: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *