Bài nổi bật

Bên Này Bên Kia – Chu Thị Minh Huệ

Truyện đêm khuya – Những bản Mông trên Tò Sán, con gái đến tuổi mười ba đã không muốn ở nhà mẹ đẻ. Chị gái của Súa cũng không thích ở nhà, nhưng chưa có người nào nhờ ông mối đến để đưa chị sang nhà người ta, cũng chưa có thằng trai nào cướp chị về buồng nhà nó. Chị buồn lắm, đi cắt cỏ, đi lấy củi chỉ thui thủi một mình. Đã không có bạn mà còn đi một mình thì làm sao có đứa trai nào để mắt tới. Nhưng trong đầu chị nghĩ: “Đi một mình đỡ xấu hổ, nếu có thằng nào muốn cướp thì cũng không có ai cản, nó càng dễ cướp.” Chị cứ lủi thủi làm việc, đến năm mười bốn tuổi vẫn chưa có đứa nào ngó đến. Không phải vì chị không chăm làm, không ngoan ngoãn, mà là vì người nhà Súa xấu quá. Bảy đứa con gái trong một căn nhà xấu nên chưa có ai đến bắt về làm vợ là đúng rồi. Súa không biết tại sao mình và các chị em mình lại xấu nhất vùng này. Súa đã đi chợ, đi chơi nhưng đứa gái nào cũng đẹp, hoặc là đèm đẹp. Thế nên chúng nó mới nhanh có tình yêu. Chị em Súa thì ai cũng muộn yêu.
 
 
Tự  nhiên đến một ngày chị Dí biến mất. Ai cũng nghĩ chắc là đứa trai nào đó cướp chị rồi. Cả nhà, cả họ chờ đến bốn năm ngày không thấy nhà nào cho ông mối đến báo thì mới tá hỏa là chị biến mất chứ không phải được người ta cướp về làm dâu. Mọi người mới đi tìm, tìm một tuần không thấy thì không còn biết làm thế nào nữa. Bố lên báo chính quyền để họ tìm hộ. Chính quyền gọi bố lên nhiều lần để hỏi các quan hệ của chị, họ cũng đi tìm nhưng vẫn không thể biết chị ở đâu. Người ta bảo, chắc chị bị bắt cóc bán sang biên kia biên giới rồi. Nhiều đứa con gái đã bị bắt cóc và bán đi. Chính quyền đã tìm ra vài đứa chuyên lừa và bắt cóc phụ nữ bán qua biên giới, một vài người cũng đã được đưa về nhà.
 
Cả nhà lại hy vọng chị bị bắt cóc như thế, rồi một ngày nào đó người ta sẽ đưa chị về.
 
Hai năm rồi không có chị, Súa buồn và nhớ chị. Súa làm các việc như chị đã từng làm. Một đứa con gái lớn lên và rời khỏi nhà thì đứa kế tiếp sẽ thay vào chỗ đó làm những việc nó đã từng làm. Và Súa cũng có một nỗi lo thường trực như chị Dí trước khi mất tích. Súa sợ cảnh chờ đợi mòn mỏi mà không biết đích đến là đâu.
 
Thế mà có một đứa trai, trong chính bản Tò Sán này để mắt đến và nó đã rủ Súa đi chơi. Thằng Pó hơn Súa hai tuổi. Nó rủ Súa đi chơi mãi biên kia biên giới. Vì bên đó có nhà anh em họ. Súa và nó đi gần nửa ngày thì đến nơi. Vừa vào nhà thì đúng bữa trưa. Ngồi ăn cơm tự nhiên Súa thấy bồn chồn ghê gớm. Sao thế nhỉ? Căn nhà này có gì lạ đâu, cùng người Mông ta thôi mà. Súa không dám nói với Pó vì chẳng biết nói sao.
 
Mấy anh em Pó ríu ran uống rượu vì lâu lâu mới gặp nhau. Chỉ có mình Súa là con gái, ngồi bên cạnh Pó cứ nóng hết cả ruột. Mãi chả ai hỏi đến mình, Súa cứ ngồi không, gảy gảy bát mèn mén với mấy cọng rau cải nguội ngắt mà không hiểu mình đang nghĩ gì, lại thêm trách thằng Pó này, dẫn người ta đi mà không để mắt đến một tí. Lúc nữa say rượu nằm ệp luôn ở đây mà ngủ thì mình biết làm sao đây.
 
Súa thấy chả ai để mắt đến mình, cả mấy người đàn bà trong nhà cũng bỏ đám rượu này đi làm việc của mình rồi. Súa bèn đứng dậy ra ngoài xem có ai nói chuyện cho đỡ buồn. Súa đi ra phía sau nhà, chẳng có ai, bò chả còn con nào, chắc được dắt đi chăn rồi. Lợn nằm kêu ụt ụt rồi cũng im thít mà ngủ. Súa càng buồn, đành đi xa hơn. Bỗng tận ngoài bờ rào đá có một đứa đàn bà ngồi úp mặt xuống đầu gối, tóc xõa sượi và đang sụt sịt khóc. Súa không dám đến gần sợ động vào nỗi đau của người ta.. Chắc ngồi đấy lâu lắm rồi, đám cỏ dưới chân, dưới mông nát bét. Váy và giầy bẩn hết cả vì vừa chấm đất vừa bị đưa lên lau nước mắt.
 
Nhưng cứ đứng từ xa mà nhìn người ta khóc cũng không được. Súa nghĩ, đến hỏi mấy câu, có gì thì an ủi nó một tí, đằng nào cũng không biết làm gì vào lúc này.
 
– Này, chị ơi, sao ngồi đây khóc thế?
– Hu… hu….
 
– Ô, hỏi mỗi một câu mà lại khóc to hơn à? Thôi, đừng khóc nữa, mấy người trong kia say rượu không nghe thấy đâu. Nín đi, tôi đi lấy khăn cho mà lau mặt nhá.
 
– Không! Không!…
– Ơ….. ơ… chị…. Dí….
 
– Hu… hu….
– Chị Dí à, sao lại ở đây chứ? Sao lại khóc?
 
Dí chẳng nói được ngay nên cứ thế ngồi khóc, ôm lấy Súa mà khóc. Súa cũng không biết sao lại thế, mà sao chị Dí lại khóc, khóc từ trước hay thấy Súa có mặt ở ngôi nhà này mới khóc. Mãi rồi cũng phải nín. Nín rồi thì kể chuyện cho Súa nghe tại sao lại biệt tích ở đây đến tận hai năm mà không về nhà. Nhà cách đây nửa ngày đi bộ thì sao lại không về được nhỉ?
 
– Chị không về được Súa à, nó đánh.
– Nhưng cũng phải bảo nhà nó báo cho một tiếng rồi cưới chứ?
 
– Không cần, không cần đâu. Người Mông mình có lệ cứ ở với nhau đến khi nào đủ tiền cưới thì làm cũng được mà.
 
Ô, thế hoá ra nhờ tục lệ này mà chị được chồng lấy à. Súa bảo chị về nhà lấy một lần chị cũng không về. Súa biết rồi thì về nói lại với bố mẹ là được.
 
Thế là nhờ chuyến đi chơi với thằng Pó mà Súa mới biết chị Dí ở bên kia biên gới. Chị không về được, bố mẹ cũng đành chịu, chả dám đi nhà chồng chị. Sau chuyến đi chơi ấy thì Súa cũng thành người nhà Pó, nhưng hơn chị Dí được cái là nó bày trò cướp vợ và lại giống chị là chả có lễ cưới. Thôi thì cũng thế, đến khi nào thằng chồng bảo cưới thì cưới, cũng nhiều người cả đời chả được cưới cơ mà. Nhưng Súa chán nhất là về ở vài tháng thì Pó bị gọi đi bộ đội. Thế là Súa vẫn ở không với nhà chồng thôi.
 
***
 
– Súa đi cắt cỏ bò à?
– Vâng, anh Sính đi đâu thế?
 
– Tôi đi xem nương nhà anh Già đến đâu mà anh ấy bảo trang trại tôi thuê lấn sang đất nương nhà anh ấy.
 
Anh Sính không nói gì nữa, đi vòng lên đỉnh núi để xem ranh giới giữa các nương. Anh thuê mấy nương ngô trên tít những đỉnh núi này để làm trang trại ươm trồng giống cây gỗ quý Ngọc Am. Anh bảo trăm năm nữa sẽ có cây gỗ quý nhất này dùng vào nhiều việc. Ôi, trăm năm nữa thì biết thế nào mà tính. Nhưng có một điều tính được ngay là Súa và Sính nhiều lần gặp nhau trên nương ngô, trên núi, trên rừng. Rất kỳ lạ là Sính lại rất hay gặp Súa như vậy. Dù mỗi lần gặp cũng chỉ nói chuyện bản, chuyện nhà, chuyện việc của Sính, thế mà dần dà lại thân thiết nhau, rồi sinh ra thứ tình cảm gì đó rất lạ Súa chưa bao giờ cảm thấy như với Pó. Tình cảm này lớn rất nhanh làm Súa không biết nên thế nào với Sính. Thế mà, một ngày Sính gọi được tên nó ra. Nó là tình yêu. Sính bảo: “Không có gì lạ cả. Hai chúng mình mới gần hai mươi tuổi thì phải có tình yêu chứ. Tôi biết Súa đã có Pó nhưng Súa không yêu chồng mà. Chúng ta cứ thế này cũng được.” Thế là Súa đắm mình trong tình yêu với Sính, không nghĩ gì khác, dù gì thì Pó cũng còn lâu mới về, chỉ cần bí mật một tí là được.
 
Súa yêu Sính bởi anh có hiểu biết nên biết làm ăn, lại biết hát, biết thổi khèn, thổi sáo, thổi kèn lá. Kỳ lạ thật, sao lại sinh ra thứ người giỏi thế chứ. Vậy mà Pó chồng Súa lại chẳng biết gì cả. Đã có lúc Súa nghĩ nếu được ở với Sính thì tốt biết bao. Nhưng phải làm thế nào mới được thế, từ xưa đến nay chưa ai bỏ chồng cả, mà lại bỏ chồng để theo một thàng trai khác thì càng chưa. Cho nên Súa cũng không nghĩ tiếp nữa, đời Súa cũng chỉ đến thế này là cùng. Nó cũng sẽ chẳng ra cái thứ gì, giống như bao đứa đàn bà xung quanh Súa đây.
 
Song Súa lại ghĩ thêm, mình đã từng lo không lấy được chồng thế mà bây giờ lại hơn nhiều đứa khác vì có Sính yêu và cho một tình yêu đẹp. Đó là điều bí mật hạnh phúc mà không đứa nào có. Súa có những buổi đi cắt cỏ bò, đi nương một mình được đắm chìm trong tiếng sáo tình yêu. Đặc biệt Sính đã tặng Súa một món quà trên đời có một.
 
– Sao phải tặng Súa cái cây? Ở rừng thiếu gì cây mà Sính phải trồng nó trong chậu thế này?
 
– Đây không phải là cây bình thường. Cây này hiểu được tình yêu của chủ nhân và nó biết nghe lời hát, tiếng sáo, tiếng mưa. Sính trồng trong chậu vì phải mang tận bên Nà Pô về đây.
 
– Sao phải thế?
 
– Hôm qua, Sính đi chợ biên giới, bọn nó mách ở Nà Pô có cây tình yêu hiểu tiếng sáo tình yêu, biết múa theo tiếng nhạc, thế là Sính tìm mua tặng Súa đấy.
 
– Thật à?
 
– Sính thử rồi. Giờ Sính sẽ thổi sáo để nó múa cho Súa xem. Nó rất thích nghe những bài sáo về mưa hoặc vào hôm trời mưa. Nó không thích chỗ đông người, không thích nhạc qua đài, không thích nhạc hiện đại. Súa xem nhé!
 
Thế là Súa được một cây tình yêu biết múa. Hai đứa giấu nó trên rừng trúc Sủng Nhỉ. Thỉnh thoảng lên xem nó múa theo tiếng sáo Sính thổi. Những hôm trời mưa Súa càng bồi hồi khi nghĩ rằng trên rừng trúc cây tình yêu đang múa một mình trong trời mưa, bên cạnh chỉ có trúc, có đá được xem.
 
 
Một ngày mưa, Sính hẹn chiều đi cắt cỏ trên Sủng Nhỉ. Thế là Súa hiểu sẽ được xem cây tình yêu múa trong rừng trúc chiều mưa. Sính còn dặn mặc váy áo đẹp nữa. Súa giấu váy áo, khăn dưới đáy quẩy tấu, nhưng không dám mang theo giày đẹp, vì sợ phồng lên cao quá mẹ chồng nghi. Súa đành vẫn đi đôi giày rách lên rừng trúc.
 
Đường lên Sủng Nhỉ trơn mà chân bước như bay. Giầy rách mà Súa không cảm thấy đất đã chui vào chân. Đá nhọn sắc cũng thành bằng phẳng dưới những bước chân trong mây rồi. Mưa đẹp làm sao. Mưa rơi nghiêng dáng núi, rơi xiên dáng trúc và đung đưa theo lá trúc ngọc ngà. Người già bảo, trúc vùng Sủng Nhỉ đẹp nhất cao nguyên. Thân thon đều, gióng tròn dài vàng óng. Lá trúc nuột và thon. Rễ trúc quấn lấy nhau để truyền nét đẹp thì bảo sao rừng trúc không phơi phới cả lên. Thảo nào đàn ông vùng này ai cũng thổi khèn hay, múa khèn dẻo. Lá trúc cũng trở thành kèn lá được. Trai bản khác đến không thể thổi ra tiếng bằng lá trúc rừng Sủng Nhỉ, thế mà trai Sủng Nhỉ thổi kèn lá bằng lá trúc thành mây trôi, trúc hát, đá say.
 
Súa đến chỗ ngoặt có tảng đá to thì dừng lại thay váy áo đẹp. Dù đã thay váy áo nhiều lần trước mặt Pó, nhưng đây là tình yêu thì Súa vẫn là cô gái đang yêu. Vừa thay Súa vừa nghĩ: “Ô, như thể sắp vào chợ nhỉ!” Mỗi phiên chợ, Súa và các bạn gái vẫn thay váy áo mới, cuốn khăn mới chỗ đường rẽ xuống cổng chợ. Súa tự cười thầm: “Còn hơn chơi chợ chứ, tình yêu mà!” Lúc này Súa không muốn nghĩ gì ngoài Sính với chiếc sáo và cây tình yêu đang đợi. Chiếc ô ghé trên mỏm đá làm thành bầu trời hồng trên đầu rồi, chẳng cần gì nữa. Súa giấu quẩy tấu và váy áo cũ vào hốc đá rồi cầm ô lên giữa rừng trúc.
 
Hình như Sính biết Súa đến, tiếng sáo đã cất lên rồi. Đôi chân muốn chạy nhanh hơn để được nghe tiếng sáo rõ hơn. Tiếng sáo hòa trong mưa, đuổi nhau với trúc. Sính ngồi trên mỏm đá, chân đung đưa theo nhịp sáo, mắt nhắm nhưng biết Súa đã đến. Súa ngất ngây với bài sáo vì nghĩ rằng Sính chỉ dành riêng bài này cho mình.
 
Kỳ lạ chưa, cây tình yêu nghiêng về phía Súa. Súa bước lại gần, nó uốn một vòng như kéo Súa theo. Những phiến lá mỏng, mềm và thon nâng dần từ dưới lên trên như những ngón tay dẫn tay Súa. Chân Súa nhấc lên rồi. Tay Súa đưa chiếc ô theo nhịp sáo. Cả rừng trúc nghiêng nghiêng, mưa cũng rơi xiên xiên theo chiều trúc. Súa đang bay trong rừng trúc chiều mưa. Sính đã rời mỏm đá, bước đến múa vòng với Súa và cây tình yêu. Súa là mặt trời tỏa rạng ngày đông. Sính là vạt nắng dẫn Súa chạy chơi trên đồi.
 
Chiều mưa ở trong lòng Súa, ở trong đầu Sính cho đến ngày Pó về. Súa phải trở lại với cuộc sống của bao đứa đàn bà trong vùng. Sính bảo vẫn sẽ chăm cây tình yêu trên rừng trúc Sủng Nhỉ! Nhưng Súa không dám nữa.
 
Ngày nào Pó cũng kè kè bên Súa. Một thằng chồng đã ở bên vợ kè kè thì  liền tù tì hai đứa con ra đời, nhưng chúng lại là con gái. Súa còn phải đẻ đến bao giờ có đứa con trai cho Pó mới thôi.
 
– Chồng à, chồng đừng đi uống rượu nữa, ở nhà giúp tôi đi!
– Ông mày mà phải giúp cái thứ vợ không biết đẻ như mày á?
 
Súa biết nói thì cũng vậy thôi, sau câu ấy thì biết thân mà chạy nếu không muốn cái gì đó ở gần Pó nhất giáng vào người. Súa cũng buồn tại sao mình không đẻ được con trai, nhưng không biết cách nào để đẻ ra một thằng con trai cho Pó đỡ say rượu và đỡ đánh Súa. Ngày nào Súa cũng phải nghe Pó chửi cái thân làm mẹ mà không biết đẻ ra con trai. “Mày á, không đẻ cho tao ít nhất hai thằng con trai thì sau này tao chết lấy ai khiêng tao đi chôn. Cái bọn con rể thì chỉ có mà lăn một phát cho cái xác bố vợ rơi xuống vực thôi. Thế thì tao chết không toàn thây à. Phải hai thằng con trai mới khiêng mỗi đứa một đầu thằng bố này được chứ.”
 
Chửi thế thì biết thế thôi, chứ chết thì anh em họ hàng đến giúp chứ sao phải lo. Nhưng lệ phải thế, có con trai thì con trai phải khiêng bố mới được. Nhưng Súa không thể nói lại với Pó như thế được. Mùa này thu ngô xong rồi, nhà nhà đang phơi ngô và lấy ngô mới nấu rượu để tết uống. Pó tối ngày đi giúp người ta bắc bếp nấu rượu. Vừa nấu rượu vừa uống rượu, một tuần rồi chưa về. Đến khi nghĩ rằng chắc đến lượt nhà mình bắc bếp thì mới kéo năm sáu anh em về bắc bếp nấu rượu ở nhà. Mấy anh em này cũng cùng nhau bắc bếp cả tuần nay rồi.
 
Súa nói khẽ vào tai chồng: “Nhà mình không cần nấu rượu đâu, có con trai đâu mà uống nhiều, còn phải để ngô làm mèn mén cho người già và trẻ con ăn chứ.”
 
– À, mày là con đàn bà kiệt à? Tao đi nấu rượu đổi công cả tuần rồi, giờ phải đến lượt nhà tao chứ. Mày không đẻ được con trai, lại không cho tao quan hệ anh em thì đến lúc chết lấy ai đến giúp. Mày định cho tao cô độc à?
 
Đến thế này thì Súa đành chịu thôi. Nấu hết ngô thì phải kiếm ra cái gì nấu cho hai đứa con gái ăn chứ. Lại thêm một đứa đang lớn lên trong bụng nữa đây, dù gì thì vẫn phải sống để kiếm cái ăn cho đàn con.
 
Chị Máy bảo phải kiếm việc mà làm, rét thế này không có việc gì làm nữa đâu. Sang bên kia làm thuê cho người ta, mỗi ngày cũng được ba trăm nghìn, lấy tiền đấy mua ngô mà ăn, lại còn phải sắm sửa cho cái tết nữa chứ.
 
– Nhưng làm thế nào mà đi được chị? Em không ở nhà thì hai đứa kia biết làm thế nào?
 
– Ba tuổi rồi chứ ít gì. Cứ ở nhà trông nhau thì chết cả à? Có thằng bố nó nữa kia, say nhưng vẫn nhìn đến chúng nó chứ, đã chết đâu mà phải lo.
 
– Em không biết làm việc gì đâu chị ạ! Lại không biết chữ nữa thì làm sao làm giấy tờ sang bên kia được.
 
– Không sao, chị cũng có biết chữ đâu, chỉ cần đọc họ tên, chỗ ở cho họ rồi điểm chỉ vào một tờ giấy là sang được thôi.
 
Thế là Súa nghe lời chị Máy, đằng nào cũng không làm nương được mùa này, cây cối trụi cả vì rét rồi. Súa cũng theo chị đi chợ đường biên vài lần rồi. Với lại cũng toàn người Mông mình cả, biết nói chuyện với nhau thôi mà. Nhưng lần này là đi ít nhất là một tuần chứ không chỉ là đi chợ từ sáng đến chiều nữa. Sang hẳn đất bên kia để làm thuê cho người ta thì mới có tiền mang về chứ. Tính ra mỗi ngày cũng được hai ba trăm, nếu Súa đi một tháng vừa đến tết thì cũng đủ tiền sắm cái tết cho bọn trẻ con đỡ tủi. Chị Máy với mấy chị nữa cũng đi. Qua cửa khẩu chính thì không được rồi, các chị dẫn Súa đi đường mòn, chẳng thấy ai kiểm soát cả. Đi mãi mới sang đến đất bên kia khi Súa nhìn thấy vài người khang khác dân tộc mình.
 
Chị Máy bảo: “Mỗi lần đi làm phải ghi tên họ cho người ta, rồi ký vào một tờ giấy thì mới được làm. Làm hết tuần họ mới trả tiền một lần. Ăn uống họ lo cho cả, không phải lo lắng gì nhé!” Thế là Súa cũng làm giống các chị, Súa đọc tên họ rồi điểm chỉ vì không biết chữ. Xong cả hội kéo nhau lên nương chuối thu chuối cho người ta. Làm việc thế này, được cho ăn, cho ngủ mà được trả ba trăm nghìn một ngày thì tốt quá. Ở nhà làm quần quật hơn cũng chả ra đồng nào. Súa chỉ được cầm tiền mỗi khi xuống chợ bán con gà, con chó con. Mà cũng chỉ được cầm một lúc rồi đi mua dầu thắp, mua muối và mỡ là vội vàng về nhà thôi. Súa sợ nhất cái mùi mỡ đóng trong can. Cũng là từ chợ bên kia biên giới chuyển về chợ mình bán thôi. Chỉ vì nó rẻ mà ai cũng muốn mua. Nó vàng vàng sền sệt, chủ hàng lấy muôi múc một múc bỏ vào túi bóng thế là xách về. Mỗi lần nấu nó chảy ra rồi bốc lên mùi khăn khẳn, ngái váng óc. Thế mà vẫn phải ăn, không cho vào nồi canh thì thành rau luộc suốt cũng không chịu được.
 
Vừa làm Súa vừa nghĩ đến hai đứa con ở nhà. Cuối tuần về sẽ mua ít gạo để nấu cơm trắng cho con tha hồ ăn. Súa sẽ không phải giấu gạo, giấu ngô vì sợ lúc ở nhà chúng đói quá lôi ra nấu nữa. Khổ thân bọn trẻ, ba tuổi hơn mà đói quá đã biết xúc gạo đổ vào nồi nấu cơm để ăn. Thế mà bố nó biết đánh cho chảy máu đít, lại đá thêm một phát con Dua lăn ra chuồng bò đập đầu vào mỏm đá toang máu ra, con bé khóc váng lên rồi nằm luôn ở đó ngất xỉu. Pó tiếc gạo, để dành nấu cháo cho mẹ đang ốm nằm góc nhà kia. Súa mới mua được có một cân gạo thôi, vì mẹ chồng ốm lâu quá rồi. Mỗi đêm Súa vẫn mơ thấy vết sẹo dài trên trán con Dua và giật mình tỉnh dậy, rồi lại thêm nghĩ làm ra nhiều tiền hơn để con được ăn cơm trắng.
 
– Súa à, mai hết tuần rồi, ở làm tiếp hay về?
– Chị về hay làm tiếp, em nhớ con quá!
 
– Thế mày về một mình nhé? Về rồi sang ngay mà làm thì mới có tiền sắm tết được.
– Em về một ngày là em lại sang luôn nhé!
 
Thế là Súa về một mình, đường dài lắm, xa lắm nhưng Súa không sợ. Đi một buổi sáng thì về đến nhà, lại một buổi chiều nữa thì sang đến nơi. Nhà cửa tan hoang cả, Pó chắc lại say ở nhà nào đó rồi. Hai đứa con đi đâu nhỉ? Súa chạy khắp nơi tìm, mặt càng ngày càng tái vì không biết chúng sẽ ra sao. Nhưng đến nhà mẹ đẻ thì chúng đang ở đó. Súa thở phào khi nhìn thấy hai đứa con mặt mũi, quần áo bẩn hơn cả con bò mùa đông không được tắm.
 
Mẹ hỏi: Mày đi làm thuê bên kia biên giới à?
 
– Vâng, được tiền nhiều nhiều mẹ ạ!
– Thế không mua được cái gì cho trẻ con ăn à?
 
– Ôi, con quên mất. Tiền đây, tiền đây, mẹ đi mua cái gì về ngay cho chúng nó ăn. Mua luôn cả gạo để nấu cơm trắng nữa nhé!
 
– Nấu luôn ở đây hay mang về nhà mày?
– Nấu ở đây cho mẹ ăn với. Rồi mẹ lại trông trẻ con cho con đi làm nữa!
 
– Cái bụng mày thế kia thì đi làm sao được nữa?
– Phải làm nữa thì mới có cái mà nuôi đứa sắp đẻ này chứ.
 
Thế là mẹ lật đật đi mua các thứ. Mẹ Súa đấy, đẻ bảy đứa con, lưng gập xuống, mũi chạm đầu gối dờ dờ đi xuống đường mua gạo. Mẹ cũng không được ăn cơm trắng lâu lắm rồi.
 
Nhìn đàn con no nê, mắt sáng và da nở cả ra vì được ăn cơm trắng Súa thấy mình phải cố gắng hơn. Và Súa lại dứt áo đi tiếp, con Dúa kéo tụt cả váy mẹ, Súa vẫn dứt ra, đặt nó vào lòng bà. Nó giãy ngã cả bà lẫn cháu. Súa vẫn chạy tiếp để về bên kia làm thuê.
 
Súa chạy mãi, hết sức thì dừng lại nghỉ. Chỉ sợ nếu nghỉ gần quá vẫn nghe tiếng khóc của con sẽ không đi tiếp được. Đến khi ngồi nghỉ mới nghĩ ra trong bụng vẫn đang còn một đứa nữa đây. Lúc chạy mà nó tuột ra thì không biết làm thế nào. May mà nó không tuột ra.
 
Hết mệt Súa lại đứng dậy đi tiếp. Mãi đến gần trang trại chuối mới có người chặn lại hỏi: “Đi đâu? Người Mông hả?”
 
– Làm thuê ở nhà này mà.
– Lần trước đã làm rồi hả?
 
– Ờ!
– Thế thì ký vào đây.
 
– Không biết chữ.
– Thế thì điểm chỉ.
 
Súa lại điểm chỉ vào quyển sổ bé bé như lần trước. Tự nhiên thấy một gương mặt quen quen, ngẩng lên và thấy người ấy cũng đang nhìn mình. Súa chợt thốt ra: “Anh Sính! Đúng là anh Sính rồi!”
 
 
Nhưng người ấy không nói gì. Súa nghĩ người ấy quên, nên nói luôn: “em Súa đây mà. Anh không nhận ra à?”
 
“Cô nhầm người rồi.” Thế là người ấy đi mất. Súa sững ra, không nghĩ trí nhớ mình lại nhầm một người đặc biệt như vậy. Song người ấy đi mất rồi và Súa thì phải đến chỗ làm.
 
Tối đến, nằm ngủ sực nhớ ra trong quyển sổ sáng nay điểm chỉ có một hình vẽ, mới hỏi chị Máy đó là cái hình gì.
 
– Là hình bản đồ nước Trung Quốc thôi. Nó bảo mình điểm chỉ vào là ý muốn mình công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của nước nó ấy mà.
 
– Thế chỗ đó là ở đâu?
– Mãi ngoài biển ấy.
 
– Thế mình điểm chỉ thế này có sao không nhỉ?
– Không biết! Ngủ đi, mai có sức mới làm việc được.
 
– Chị Máy, ở đây có một người tên là Sính phải không?
– Là chủ trang trại này đấy. Thôi ngủ đi nào.
 
Chị đã ngủ. Súa còn nghĩ ngợi. Mỗi người điểm chỉ là mỗi người đã công nhận, như thế là như nào nhỉ? Biển là mãi đâu? Mình ở tận biên giới đất liền này, làm thế có làm sao đến biển không nhỉ? Nhưng nếu không thế thì sẽ không được làm thuê nữa thì mấy đứa con sẽ thế nào? Nằm mãi, nghĩ mãi Súa lại nhớ chị Dí, không biết chị sống có tốt không, hôm nào phải đi tìm chị mới được. Súa lại nhớ cả anh Sính, hiểu rằng sao anh ấy không nhận mình, hoá ra anh ấy là người Hán, rồi lại nghĩ, cây tình yêu chắc là không có thật.
Tác giả: Chu Thị Minh Huệ
Sản Xuất & Biên Tập: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *