RadioVn.Com – Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 3 năm 1975 khi từng đoàn lính Công lực Việt Nam Cộng hòa thoái dài từ Tây Nguyên theo đường 19, dạt xuống mé biển. Nhóm lính dù Trung đoàn 53, sư đoàn 23 – Quân đoàn 2 của tướng bại trận Phạm Văn Phú vất vưởng như lũ cái bang không đội ngũ, không chỉ huy mà vẫn bị quân giải phóng đuổi rát hòng lấp đường thoát ra hướng biển.
Chiều xuống, những bọng nắng lúc lỉu bụi khói, chớp đạn buông kín các bãi đất lổn nhổn tăng, võng, giường xếp, hòm xiểng, valy, cả những hình thù polime khỏa thân…
Hải và Thoảng rúc gọn trong bụi sim dại xanh tuôn, tùm um, hõm trong vỉa đường chênh vênh. Từng miểng nhựa đường đỏ khạch ràn rạt rơi xuống đầu, xuống mặt hai gã mỗi khi có tiếng rít của đạn pháo 135 ly thắc thỏm từ biển bắn vào. Lớp lớp, chiu chíu đạn thẳng đan chéo như giẻ quạt. Vết đạn xuyên qua bắp vế Hải đã hơn một tiếng đồng hồ, khô bết máu như keo dính gỗ, chốc lại bong lên một lớp. Miếng vải carô đỏ hăm, nhậm nhợ, rớp dính. Mắt gã tóe hoa cà, đầu ặt ẹo, thỉnh thoảng Hải lại ngất lâm sàng vài phút. Từ trên háng xuống cẳng chân tê cứng, ê ẩm, luôn cảm giác thừa thãi. Thoảng lắc lẻo lúc dìu, lúc cõng thằng anh họ đã được hơn trăm cây số. Phải nói tình anh em trong chiến trận của gã đáng là chân trọng. Cũng không hiểu thế nào, tụi lính dù xộc xệch của Thoảng lần được từ An Khê xuống dưới này chỉ hết non nửa ngày đường. Cả bọn, lúc bám xe, lúc chạy bộ như điên dại. Giờ, xung quanh tiếng súng vẫn bỏng rát. Cộng quân và Quân lực Việt nam cộng hòa hỗn chiến không phân giới. Đám lính Ngụy ngả nghiêng, loang dần ra mé biển. Hải và Thoảng vô hình trung bị kẹt lại. Hai tên nhô khỏi hàm ếch lúc này là bị diệt ngay, có thể do đạn phía Cộng quân, có thể chính làn đạn từ đám Ngụy quân. Bầu trời hùm hụp trước cái hườm ếch lúc trắng sáng, lúc đỏ quạch, sền sệt như nhuộm mật. Bỗng Hải và Thoảng thấy ngân ngấn một bóng áo xanh khụy vào khúc ba toa trước mặt. Bóng áo rùng mình, ngả vật vào vách đất rồi yên phắc, trông thật an nhiên. Căng mắt, Thoảng chắc chắn đấy là một người lính cộng quân. Tiếng súng AK thưa dần. Trời chuyển dần sang mầu máu cá. “Mình sẽ không thể thoát, dù vài trăm mét là tới biển”- Thoảng lẩm bẩm. Mé đó, tầu chiến đang chờ và chỉ một tiếng đồng hồ hắn sẽ tới hàng không mẫu hạm. Mạng sống sẽ bảo toàn. Thoảng biết, sẽ không có chuyện phản công, tái chiếm Trung phần như lời tướng Phú nhạt phèo, kèo kẹo mấy ngày nay trên hai chiếc Ov10. Sự tan giã của quân lực Việt Nam cộng hòa mục ruỗng tận trong ý chí mỗi tên lính như Thoảng ngược lên ngài cấp tướng hai sao. Hồi hạ màn cao nguyên Trung phần và mấy tỉnh giáp ranh không gì cứu vãn.
Mây vần đỏ hơn. Trên cao, vẫn tiếp tục quăng từng bọng bụi mờ xuống mấy chục mét đường. Thoảng róng mắt, ngó kỹ ra bán kính hơn chục mét xem có sự sống dù là ngọn cỏ, một vài con ruồi, hay thứ gì khác, tuyệt nhiên chỉ thấy đất như đổ máu, sốc sới, băm vằm. Gã bỗng toài rất nhanh về phía người lính Cộng quân. Một phút, hai phút, phải mươi phút đồng hồ hắn mới tiến sát được anh. Khẩu AK báng gập vẫn cầm trên tay. Mũi súng chống vùi trong đất. Người lính cộng quân như chưa hiểu tại sao mình lại khụy xuống. Dáng ngồi bâng khuâng. Thoảng ghếch mặt nhòm kỹ. Rồi hắn vội vàng nhắm mắt. Mồn một gương mặt bầu bầu tươi rói. Hàng lông mày rậm, vành môi dầy, rất nét. Rõ lắm, sương khói hình hài, ánh mắt khép hờ như ngủ. Thoảng rùng mình. Viên đạn nào làm người lính cộng quân gục ngã Thoảng chẳng tài nhớ nổi khi lột áo của anh.
Ầm.
Quả M79 nổ cách hắn hơn chục mét. Bụi loang lên, trông như một thứ mầu nước ướt nhòa. Thoảng vục mặt xuống vết sậm nát vụn nửa đất, nửa cát trước mặt. Ngớt bụi đá giải xuống lưng, hắn nhoi bật dậy. Mặc vội quần áo và rướn người phóng đi chẳng hề nao núng. Rồi hắn khựng lại. Như có ai níu chân chứ không phải thần kinh trung ương điều khiển hắn. Hăn thụp người loay hoay, nẩy bẩy vận bộ quần áo vừa cởi ra cho người lính phía bên kia. Đầu hắn bỗng lắc lắc, như bước ra từ cõi mê muội. Hắn định thần, cảm rõ ràng sự vô sỉ trong mình. Trước khi mặc quần áo cho người lính cộng quân, hắn còn rũ sạch hăm hôi, bụi bặm dính vào bộ quần áo của hắn. Kỳ lạ, số đo hai người giống hệt nhau. Thoảng cẩn thận cài đủ hàng cúc áo rằn. Xong đâu đấy, hắn thẳng lưng dông về chỗ nấp.
Hải vừa lại lịm đi. Thoảng ngần ngừ đến mươi phút đồng hồ. Hắn không thể cõng anh họ hắn lúc này được nữa. Rồi không biết ý nghĩ điên loạn nào run rủi, hắn đứng vụt, cùn cụt lao ra mé biển mà quên trên mình đang vận quân phục quân giải phóng… Thoảng vấp ngã, lại dướn lên. Trườn, toài. Chạy bằng cả chân lẫn tay. Quăng khẩu cabin ra xa. Rồi hắn quăng đến đôi ghệt. Chạy chân trần. Biển xanh thẫm một mầu lục yên ả. Ngoài khơi xa chiếc tầu chiến đen sì sì. Thoảng thấy bên phải, bên trái chẳng một ai lao nhanh được như hắn dù lúc trước rất nhiều bước chân cùng chạy. Bỗng hắn thấy người nhẹ bẫng, bầu trời trên đầu cao vút, thăm thẳm… Một bụm khói đen phủ lên người Thoảng. Quả M79 cốc thật chuẩn từ chiếc tầu hắn cố chạy đến…
Hải lúc tỉnh lúc mê nhưng vẫn chứng kiến hết sự việc diễn ra. Khi bụm khói trùm thằng em họ thì Hải lại ngất đi lần nữa. Tỉnh dậy, hắn thấy mình nằm trong một trạm giải phẫu quân giải phóng. Những ngày dưỡng thương và trong trại cải huấn với Hải vô cùng nặng nề về câu chuyện thằng em và người lính cộng quân. Hắn không dám tiết lộ với ai về hành động đê tiện của em hắn. Hắn sợ sự trả thù. Vô hình trung, hắn cùng lún mình trong tội lỗi của thằng em. Trước khi định cư tại Mỹ hắn đã quay trở lại chiến trường và âm thầm ghi tạc những điều bí mật. Thời gian trôi lệt bệt. Ngày tháng xứ người dặm trường mà cơ hội trở về mãi kéo dự định của hắn dài ra. Ý nghĩ chuộc lỗi dù phải trả giá lớn dần trong tiềm thức. Ngày nào hắn cũng thắp nén hương và nguyện cầu sự bình an. Thắc thỏm, rì rầm ươm nỗi buồn canh cánh. Nỗi căm giận thằng em rồi cũng nguôi ngoai. Nếu không dại dột, không làm cái việc thất nhân ở nằn ranh trận chiến hồi ấy thì Thoảng chắc đã không chết và giờ đang đàng hoàng sống với dì hắn ở Sài Gòn.
…20 năm thập thững từng ngày..
***
Chiếc ôtô hạng sang rẽ ngoắt vào khách sạn bốn sao Thái Bình Dương. Hắn nhớ chỗ này ngày xưa là tràn cát trắng rộng, lẫn những quầng đen của đá sỏi, lốp xe cháy… người tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch bước xuống, nhanh nhẹn mở cốp nhấc chiếc va ly của ông khách Việt kiều.
Hắn đứng lặng ở đại sảnh khách sạn, tóc tung bay. Mải mê phóng tầm mắt ra xa. Trước mặt biển xanh ngắt, bên phải là những thảm cây rờn rợt tít tận chân núi mờ. Người tài xế xe tắc xi hồ hởi và lắm chuyện suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đây. Đúng chẵn một ngày đường.
– Thưa, mời ông vào lễ tân lấy phòng.
Hắn gỡ kính, rút khăn mùi soa lau những hạt bụi lẫn vết nhòe do nước mắt. Kỷ niệm những ngày cuối cùng trong quân dịch, về những ngày được cứu chữa và cải huấn ùa về. Hắn không biết chính xác điều gì đã làm nước mắt rịn ra. Có lẽ phải tĩnh tâm hắn mới lần lượt nhớ hết. Chuyến trở về này hắn nguyện với lòng quyết giải xong nỗi hàm oan đeo đẳng hai chục năm nay. Chưa xong hắn sẽ lại trở về. Mọi thứ như được định vị, leo vào tâm khảm hắn,
nấm mồ ở khu vườn…
nấm mồ ở nghĩa trang…
mà ngày ngày từng đoàn người đến thắp hương kính cẩn.
Mỗi lần nghĩ tới, hắn nổi hết da gà.
Theo chân người tài xế hắn nhận căn phòng hạng sang ở tầng mười một, cửa sổ nhìn ra biển và phía tay mặt phóng tầm mắt bao quát suốt con đường nối dài đường 19. Một đêm mộng mị sau nhiều năm xa tổ quốc. Hôm nay hắn trở về với tâm trạng rối bời khi được tiếp đón như khách quý, được chăm sóc và tôn trọng. Một cuộc tắm máu, kiệt quệ như lời các tướng lĩnh cùng di tản chẳng thấy diễn ra tại quê hương. Hắn bước qua hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác bằng mắt thấy tai nghe từ khi đặt chân xuống phi trường. Những ánh mắt thân thiện mách bảo sự trở về của hắn với tâm thế một Việt kiều hồi hương và cô gái an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất còn gọi hắn là “Sir”- quý ông. Tiếng, bên kia hắn chưa bao giờ được gọi.
Ngôi vườn được xây bao hàng gạch sỉ, cao ngấn gối. Căn nhà ba gian chống chếnh gió biển. Vắng chủ, mà không khóa. Cát sậm từng vòng quanh gốc cây trứng cá. Vài luống thanh long trổ hoa chấp chới. Khuôn vườn giờ thêm ngôi mộ nữa. Ngôi mộ phía tây vẫn sạch sẽ, vẫn quây bao cẩn thận như cách đây hai mươi năm. Ngôi mộ mé đông mảnh vườn chắc là của bà mẹ. Người lái xe tắc xi từ hôm đưa hắn về khách sạn Thái Bình Dương nhận lời theo tua với hắn luôn. Bó hương cầm trên tay, hắn kính cẩn dâng lên ngôi mộ bà mẹ đã chôn cất cẩn thận người nằm dưới mộ kia, còn năm nhánh hắn châm lên ngôi còn lại. Nước mắt hắn ứa ra. Khuôn mặt tái bợt vì nhiều cảm xúc. Người lái xe tắc xi đỡ hắn ngồi xuống bậc hè.
– Ông có về khách sạn luôn không?
– Giờ, đang con nước hả?
– Dạ, ông nói gì?
– Dân đây nghèo, họ chắc không có thuyền để ra xa.
Người lái xe tắc xi ngỡ ngàng nhìn ông khách Việt kiều sang trọng.
– Từ khách sạn vào tôi thấy nhiều xe chở moi kĩu kịt.
– Đúng rồi, con nước, moi về. Dân đi đùn moi cả đêm, chủ nhà chắc đang ngoài chợ.
Hắn đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà, mọi thứ bừa bộn nhưng sạch sẽ. Mảnh vườn thật khang trang. Nhìn hai ngôi mộ, biết luôn được chăm sóc cẩn thận.
– Ông có liên quan đến hai ngôi mộ này?!
– Tôi hàm ơn.
Hắn trả lời như vô thức. Người lái xe tắc xi gật đầu ra vẻ thông cảm và hiểu chuyện.
Hắn đứng dậy, tĩnh tại cố mường tượng lại địa hình câu chuyện hai mươi năm về trước. Nếu mảnh vườn ở đây, thì cái ba toa nơi người lính ngã xuống chẳng cách bao xa. Vậy mà đi tới, đi lui, hắn không thể phát hiện ra chỗ thằng em họ của hắn làm cái việc tán tận lương tâm. Mê man trong làn khói đạn lúc bấy giờ mà hắn cũng đã mường tượng ra kết cục của thằng em.
***
– Má tôi mất được ba năm
Người đàn ông chủ nhà đưa hắn bát chè tươi nóng hôi hổi.
– Thế lúc mất bà có kể cho anh về ngôi mộ kia không?
– Có chứ. Lúc sống, má tôi thường nói: “Dầu bên nào thì cũng đều là dân Việt. Khuôn mặt thằng nhỏ thật hiền”. Lúc mất, má tôi dặn, thôi thì họ lạc vào đây, coi như người nhà. Đất rộng, thêm ngôi mộ có sao. Chỉ tội chẳng biết quê quán, người thân.
– Dạ…
Hắn chỉ dạ… dạ mà không thể nói được câu gì.
– Anh ạ, chuyện không là như vậy. Vì tôi, vì má anh, hãy chăm sóc ngôi mộ cẩn thận thời gian ngắn nữa thôi. Chắc, người dưới mộ sẽ phù hộ và cảm ơn anh lắm.
– Vâng, mỗi lần ra biển tôi hay thắp hương lên mộ má và ngôi mộ đó. Kỳ lạ, lần nào cũng hên. Bữa trước nặng trịch người,… không ra kịp chuyến dài ngày. Thật may, mấy tầu trúng bão, hình như tui luôn có điềm đấy ông.
Người dân chài miền biển cười hiền. Nụ cười vô tình khoét sâu thêm nỗi đau trong lòng hắn. Hắn nghĩ, phải thật nhanh, không sẽ không kịp. Và trong tâm tưởng hắn linh cảm điều gì đó ghê gớm lắm đang xẩy đến.
Dặn dò như cầu khẩn người chủ nhà về sự chăm sóc ngôi mộ. Hắn tức tốc đến Ủy ban nhân dân xã gặp người phụ trách công việc quản trang. Ngôi nhà đơn sơ. Vị thượng sỹ già đang cắm cúi đánh dấu bút chì vào mấy dòng tên trong cuốn sổ dầy cộp. Chiều luếnh loáng, rắc nắng vàng như mật xuống roi cát trắng ánh sương trước mặt.
– Giờ đã muộn. Để sáng mai.
– Tôi đi nửa trái đất về đây vì chuyện này.
Người lính già chăm chú nhìn hắn từ đầu đến chân, thủng thẳng:
– Cũng nửa vòng trái đất họ sang đây gây đau khổ cho mảnh đất này. Tôi kết thúc công việc rồi.
– Thưa, tôi là lính Quân lực Việt nam cộng hòa.
– Vâng. Thưa quý ngài Việt kiều.
– Tôi xin ông. Tôi đến đây không phải cho mình. Không vì phe tôi.
– Cám ơn. Mời ông tám giờ sáng mai quay lại.
Hắn bỗng quỳ thụp xuống chân người lính già, giọng sắt xeo:
– Ông lán lại đi. Hãy nghe tôi năm phút thôi.
Thái độ bạc nhược và cầu khẩn hiện mồn một trong ánh mắt khiến người quản trang mủi lòng.
– Ông nói đi.
– Vâng. Tôi linh cảm thấy chuyện này không thể chậm chễ được… Ngôi mộ ở nghĩa trang Trung Hạ mang tên Trần Duy Đính quê Bắc Ninh chính là thằng Thoảng, số quân 109844… – Tiểu đoàn 11 – Trung đoàn 53, Sư 23 Quân lực Việt nam cộng hòa. Nó là em họ tôi, không phải là người lính có phiên hiệu và địa chỉ như thế đâu. Những gì tìm thấy trong túi áo sẽ dành cho người đang nằm cách đây hai cây số. Xin ông, chuyện này là sự thật.
– Liệt sỹ Trần Duy Đính?
– Vâng, chắc chắn là Trần Duy Đính.
Người thượng sỹ già run run giở cuốn sổ và chấm đầu bút chì vào dòng tên đã đánh dấu. Ngày giờ tiến hành quy tập.
– Ông có bằng chứng?
– Ông ơi hài cốt ở đây bị M79 thổi, mất bàn tay mặt. Người nằm dưới không phải là ông Trần Duy Đính.
– Ta đi ngay. Gia đình Đính đang xuống nghĩa trang để làm thủ tục đưa anh ấy về.
***
Bà mẹ tóc phơ phơ cầm nén hương cắm lên ngôi mộ. Cây hương cháy đến chân. Chiếc tiểu sành mang từ Bắc vào xực nức nước thơm.
Ông quản trang già lao đến, những nhát sẻng đầu tiên chưa buông xuống. Người thượng sỹ già nói với bà mẹ như cầu khẩn:
– Mẹ ạ, có một số trục trặc về giờ giấc. Hôm nay sẽ hoãn việc đưa Đính về. Ngày mai ta tiếp tục mẹ à.
– Làm sao thế anh. Mọi thủ tục đã làm xong.
– Thưa mẹ, còn mấy việc nữa về chế độ cho Đính chúng con chưa hoàn thành, xin mẹ về nghỉ rồi sáng mai thư thả con xin thưa chuyện với mẹ.
– Ở nhà đã chuẩn bị đầy đủ. Một giờ đêm nay có tầu. Anh đừng khó dễ. Để mẹ đưa em nó về cho sớm sủa.
– Dạ, vâng, con xin mẹ. Phải để đến mai thôi. Mấy đồng chí bên huyện đội cũng đến kia kìa. Con hứa là thể nào mẹ cũng đưa được Đính về dịp này.
Chiếc xe u-wats của mấy đồng chí huyện đội lao nhanh vào hàng phi lao dẫn đến nghĩa trang. Trời sậm đỏ, bỗng đổ mầu tím ngắt. Gió từ biển ầm ào, hàng thông đang tấu lên bản nhạc vi vu.
***
Đêm Phổ Quang hun hút gió, cát, và khói hương trầm!
Mẹ Đính không ngủ. 20 năm đợi chờ rồi, giờ mẹ chờ thêm một đêm cũng có sao! Miếng trầu thuốc mẹ ăn lúc này vẫn đậm và ngon!
Hải không về khách sạn. Ngồi không động đậy như tượng trong căn nhà quản trang trên chiếc ghế băng. Hắn cứ run lên từng chập khi đêm tàn từng canh… Ngày mai với Hải là cả một sự đối diện của 20 năm dồn lại!
Còn người thượng sỹ già, nước mắt đầm đìa. Ông cứ vơ vất lang thang bên các đồng đội yên phắc trong nghĩa trang.
Ba đồng chí bên huyện đội và phòng thương binh xã hội ngồi trước bàn làm việc, họ bàn gì mà chiếc gạt tàn thuốc lá đầy ăm ắp. Ngày mai sẽ làm gì?!
Cát trắng
Gió biển
Những ngôi mộ lớp lớp trong nghĩa trang phủ mầu trắng toát!
***
Mảnh vườn trong ngôi nhà người thuyền chài buổi sáng thanh khiết có nắng trong veo. Trước ngôi mộ bà mẹ người thuyền chài, mẹ của Đính kính cẩn thắp nén hương trầm, khấn vái.
Hải buồn rượt người mà mắt không thể khóc.
Mọi người đứng xung quanh cũng không thể khóc được.
Ông thượng sỹ già; những người họ hàng của người cộng quân phía bên kia; cả những người có quyền lực của huyện đội và phòng thương binh xã hội huyện Phổ Quang có cách gì giải quyết việc này trọn vẹn? Hải và tất cả những người có mặt hôm nay hiểu rõ rằng: chỉ có tấm lòng như suối nguồn trong suốt của những người mẹ mới có thể bằng nhiên được câu chuyện khó khăn, đớn đau này./.
Hà Nội, tháng 3/2012
Tác giả: Phan Đình Minh – Thực hiện: Minh Nguyệt
Từ khóaMinh Nguyệt Phan Đình Minh suối nguồn
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …