RadioVn.Com – Maria Narưskina hai mươi tuổi, quê ở một thành phố nhỏ hẻo lánh, gần như ngập chìm trong cát thuộc tỉnh Axtrakhan. Cô là một thiếu nữ khỏe mạnh, trông như một chàng trai, bắp thịt rắn chắc, đôi chân vững chãi.
Maria được thừa hưởng cái tài sản quý giá ấy chẳng những nhờ dòng giống của bố mẹ mà còn bởi vì cả chiến tranh lẫn cách mạng hầu như không động chạm gì tới cô. Thành phố quê hương hẻo lánh và vắng vẻ của cô nằm xa những đường hành quân của cả bên Đỏ lẫn bên Trắng, tư tưởng của cô lại hình thành vào thời kỳ chế độ xã hội chủ nghĩa đã vững vàng.
Bố Maria là một nhà giáo. Vì muốn nương nhẹ tuổi thơ của con gái, ông không hề đả động đến những sư kiện trọng đại diễn ra xung quanh, e rằng làm như vậy có thể để lại trong trái tim non nớt những vết thương sâu sắc không bao giờ hàn gắn được.
Sinh trưởng ở miền ven biển Caspiên, cô bé Maria từng bao lần đứng ngắm bình nguyên cát mênh mông gợn sóng mỗi khi thoảng cơn gió nhẹ, những đoàn lạc đà lần bước dặm trường đi Ba Tư, những thương gia, da dẻ xạm đen vì nắng gió, giọng nói khản đặc vì cát bỏng. Về nhà, cô mê mải đọc các cuốn sách địa lý của bố. Sa mạc là quê hương Maria, địa lý là nguồn thơ của cô.
Năm Maria mười sáu tuổi, cô được bố đưa ra Axtrakhan theo học khoa sư phạm, nơi mọi người đều biết rõ và quý trọng ông, và thế là Maria trở thành sinh viên.
Bốn năm trôi qua – những năm kỳ diệu nhất trong một đời người, khi trong lồng ngực trẻ trung chồi non bung nở, đường nét dậy thì rực rỡ, ý thức trỗi dậy, lẽ sống nảy sinh. Thật kỳ lạ, chưa bao giờ từng có một ai giúp đỡ thanh niên ở lứa tuổi ấy vượt qua những băn khoăn dày vò họ; không một ai nâng đỡ nhành cây mảnh mai nghiêng ngả trước ngọn gió hoài nghi và cơn biến động dữ dội của sự trưởng thành rung chuyển nó. Rồi sẽ đến một thời tuổi niên thiếu không bao giờ còn bơ vơ nữa.
Đương nhiên Maria cũng đã yêu, và cũng từng nếm trải khát vọng muốn tự tử – những cơn mưa cay đắng ấy tưới mát cho cuộc sống đang kỳ nở rộ.
Nhưng rồi mọi sự cũng đã qua đi. Thời sinh viên kết thúc. Các cô gái tập họp tại hội trường nghe vị giám đốc sở giáo dục đến giảng giải với đám giáo viên trẻ đang nôn nóng bước lên bục giảng về công việc tương lai của họ – một công việc đòi hỏi đức kiên nhẫn. Ở tuổi họ, nội tâm con người luôn xáo động, nên ngoại cảnh thường bị phản ánh méo mó bởi lẽ chủ thể nhìn nó bằng cặp mắt luôn long lanh.
Maria Narưskina được phân công về dạy tại một địa phương xa – làng Khôsutôvô tiếp giáp với sa mạc Trung Á cằn cỗi.
2
Một cảm giác thê lương dần dần xâm chiếm cõi lòng Maria khi cô lạc vào giữa biển cát trắng không một bóng người trên chặng đường trường tới Khôsutôvô.
Trước mắt cô trải dài cảnh vật hoang vu giữa trưa tháng bảy tịch mịch.
Vầng mặt trời rọi nắng chói chang từ trên bầu trời ghê rợn, các cồn cát nhìn từ xa trông như những đống lửa đang cháy đùng đùng, và giữa mỗi đống trắng xóa một tấm vải liệm – ấy là dải đất muối. Những khi cơn bão sa mạc bất ngờ ập đến, vầng mặt trời trở nên đen ngòm sau lớp bụi cát vàng khè, gió rít từng hồi cuốn cát bay rào rào. Gió càng mạnh thì các đỉnh cồn cát bốc khói càng dày đặc, không khí pha trộn cát bụi càng nhiều, không trong suốt nữa. Giữa buổi trưa hè trời quang mây tạnh mà không sao xác định nổi vị trí mặt trời, ban ngày ban mặt mà như đêm trăng u ám.
Lần đầu tiên Maria được thấy tận mắt một cơn bão giữa sa mạc.
Về chiều, bão chấm dứt. Sa mạc trở lại cảnh cũ: một mặt biển mênh mông với lớp lớp cồn cát đang bốc khói ở trên đỉnh, một không gian khô nóng bải hoải, khiến người ta khát khao mường tượng thấy một mảnh đất ướt át, tươi mát, tràn ngập những âm thanh của sự sống.
Chiều ngày thứ ba Maria Narưskina đến Khôsutôvô.
Cô nhìn thấy trước mắt một cái làng chừng vài chục nóc nhà, ngôi trường bằng đá, do Hội đồng hương chính cũ xây cất, và những bụi cây thưa thớt – vài bụi liễu đỏ mọc cạnh những chiếc giếng sâu. Ở quê cô, giếng nước là công trình quý giá nhất, bởi vì nguồn sống giữa sa mạc rỉ ra từ đáy giếng. Để xây dựng những cái giếng ấy, người ta phải tốn bao công sức và trí tuệ.
Làng Khôsutôvô hầu như bị vùi lấp trong cát. Ở khắp các ngõ ùn lên từng đống cát tơi trăng trắng, theo ngọn gió từ miền bình sơn nguyên Pamia bay về đây. Cát lấp đến tận bậu cửa sổ, ùn lên từng đống trong sân, bóp nghẹt hơi thở. Chỗ nào cũng thấy để sẵn xẻng và ngày nào bà con nông dân cũng phải xúc cát đổ đi cho sân vườn khỏi bị lấp kín.
Maria được tận mắt thấy cái công việc nhọc nhằn và vô bổ ấy – bởi vì quét dọn đến đâu, cát lại lấp kín đến đấy, – được chứng kiến cảnh nghèo khó câm lặng cùng nỗi tuyệt vọng âm thầm. Người nông dân mệt mỏi, đói khát đã từng nhiều lần làm lụng quần quật như nổi khùng, thế nhưng rút cuộc sức mạnh của sa mạc đã đè bẹp anh ta, anh ta thất vọng, đành bó tay trông chờ sự cứu giúp thần kỳ hoặc đợi ngày được di cư lên những miền đất ẩm thấp ở phương Bắc.
Maria dọn đến ở gian phòng nhỏ ngay trong trường. Ông già gác cổng, gần như phát ngây dại vì cảnh cô quạnh âm thầm, mừng rỡ đón cô như đứa con gái đi xa mới về, chẳng quản tuổi già sức yếu, loay hoay giúp Maria ổn định nơi ăn ở.
3
Sau hai tháng sửa sang tàm tạm ngôi tường và yêu cầu huyện gửi cho những học cụ cần thiết, Maria bắt đầu việc dạy học. Lũ trẻ đi học không đều đặn, hôm lèo tèo dăm đứa, hôm kéo đến cả hai chục đứa.
Mùa đông sịch đến, cũng quái ác như mùa hè ở cái sa mạc này. Bão tuyết gầm rú ghê rợn, tuyết giá lạnh trộn lẫn với cát quất vào mặt ràn rạt, cửa chớp đập rầm rầm, con người câm lặng hẳn. Bà con nông dân càng xơ xác, bần cùng.
Lũ trẻ thường không có lấy một manh áo ấm, một đôi giầy, nên trường lớp luôn vắng ngắt. Nguồn bánh mì trong làng cạn dần, trẻ em gầy đi trông thấy và không còn hào hứng với những câu chuyện cổ tích của cô giáo Maria nữa.
Giáp ngày năm mới hai trong số hai chục học sinh đã chết, và người ta đem chôn chúng trong hai cái huyệt nông choèn đào trong bờ cát lở.
Vốn tính tươi vui, khỏe mạnh và can đảm, vậy mà bây giờ Maria đâm ra hoang mang và rầu rĩ.
Biết bao đêm đông đằng đẵng và suốt những chuỗi ngày dằng dặc trống trải Maria ngồi ngẫm nghĩ xem mình phải làm gì ở cái làng đang cam chịu phận chết dần chết mòn. Rõ ràng là không thể lên lớp cho lũ trẻ đói khát và ốm đau.
Bà con nông dân thờ ơ với ngôi trường vì nó chẳng giúp ích gì cho họ trong tình cảnh hiện thời. Họ chỉ sẵn sàng đi bất kỳ đâu theo người nào sẽ giúp họ thắng cát trắng, vậy mà nhà trường lại đứng ngoài việc hệ trọng ấy của nông dân.
Rút cục, Maria đã hiểu ra: nhà trường nơi đây phải lấy cuộc tranh giành với cát làm môn học chính, phải dạy nghệ thuật biến sa mạc thành đất sống xanh tươi.
Maria triệu tập bà con nông dân đến trường và trình bày với họ ý định của cô. Bà con chưa tin, nhưng bảo: việc hay đấy!
Maria thảo một bản yêu cầu dài gửi phòng Giáo dục, thu thập chữ ký của bà con rồi tức tốc lên huyện. Ở đó người ta tỏ thái độ đồng tình, tuy không tán thành tất cả. Người ta không cử về một giáo viên chuyên dạy môn khoa học về cát, mà chỉ cung cấp cho cô tài liệu và đề nghị cô đảm nhiệm luôn việc giảng dạy môn học ấy. Người ta cũng khuyên cô nên nhờ kỹ sư nông nghiệp phụ trách khu vực giúp đỡ thêm.
Maria bật cười:
– Đồng chí kỹ sư nông nghiệp ở cách Khôtusôvô những trăm rưởi cây số và chưa hề đặt chân tới làng chúng tôi.
Người ta mỉm cười bắt tay cô, ý bảo đã đến lúc chấm dứt câu chuyện và từ biệt.
4
Hai năm trôi qua. Mất bao công sức, đến cuối mùa hè năm đầu tiên Maria mới thuyết phục được bà con nông dân tiến hành hàng năm một số việc công ích – một tháng vào mùa xuân và một tháng vào mùa thu.
Chỉ một năm sau người ta đã không thể nhận ra Khôtusôvô nữa. Những rặng liễu đỏ mọc thành từng vành đai chắn cát xung quanh các vườn rau được tưới nước, phát triển thành những vạt dài ôm lấy Khôtusôvô từ phía gió sa mạc thổi về. Cây xanh làm cho thôn xóm tiêu điều trở nên ấm cúng.
Cạnh trường, Maria quyết định xây dựng một vườn ươm cây, chuẩn bị bước vào cuộc tranh giành quyết liệt với sa mạc.
Trong làng cô có nhiều bạn mới, đặc biệt có hai người là Nikita Gôpkin và Ecmôlai Côbôdep – hai nhà tiên tri thực thụ nhiệt thành truyền bá niềm tin mới vào sa mạc.
Maria tính ra rằng những thứ rau củ trồng ở giữa hai rặng thông, năng suất sẽ gấp đôi và gấp ba, bởi vì cây cối lưu trữ độ ẩm của tuyết và bảo vệ rau cỏ khỏi bị gió nóng làm khô héo. Thậm chí, những rặng liễu cũng góp phần tăng năng suất rau cỏ, nhưng thông là giống cây vững chắc hơn nhiều.
Từ bao đời nay Khôsutôvô khổ sở vì thiếu chất đốt. Mọi nhà đều phải đốt lò bằng thứ cỏ kidiăc và phân bò khô hôi hám. Từ nay, cây liễu đỏ cung cấp chất đốt cho dân làng. Trước kia, bà con nông dân không có một nghề phụ nào nên thường xuyên túng tiền. Nay, cũng lại những rặng liễu đỏ cung cấp cho họ nhánh mềm để đan lẵng, hộp, những người đặc biệt khéo tay còn bện được cả bàn ghế và các thứ đồ dùng khác. Nghề phụ này, ngay mùa đông đầu tiên đã đem lại cho dân làng hai nghìn rúp thu nhập thêm.
Những người dân di cư ở Khôsutôvô bắt đầu sống yên ổn và no ấm, sa mạc dần dà thêm mầu xanh, trở nên vui mắt hơn.
Maria, dẫu luôn bận rộn lo lắng, vẫn béo ra, gương mặt lại càng thêm tươi tắn.
5
Cuộc sống của Marria ở Khôsutôvô đã bước sang năm thứ ba thì vào dịp tháng Tám, khi cả đồng cát đã khô cằn và chỉ còn những rặng liễu, rặng thông dân làng trồng là xanh tươi thì một tai họa bất ngờ ập đến.
Các bô lão trong làng Khôsutôvô biết trước rằng năm nay những bộ lạc du mục sẽ lại lùa các đàn gia súc của họ đi ngang qua gần làng: cứ mười lăm năm họ lại đi ngang qua đây theo một chu kỳ du mục trong sa mạc. Trong mười lăm năm ấy, thảo nguyên Khôsutôvô được xả hơi sinh sôi, và đấy, đám người du mục đã kết thúc chu kỳ, lại sắp sửa xuất hiện ở đây để lượm lặt tất cả những gì mà đồng hoang, sau kỳ được nghỉ ngơi, đã gắng gượng sinh ra.
Nhưng chẳng rõ vì lý do gì đám người du mục năm nay trở lại muộn: lẽ ra họ đã phải có mặt vào dịp gần tiết xuân, khi đó đây còn có cỏ mọc.
– Rồi họ vẫn sẽ đến cho mà xem, – các bô lão nói. – Tránh sao được cái họa ấy.
Maria chưa thể hiểu hết lời các cụ. Cô chờ đợi. Thảo nguyên đã chết khô, chim chóc bay đi hết, lũ rùa rúc vào hang sâu, những con thú nhỏ kéo nhau đi lên phương bắc, đến bên bờ các hồ nước tự nhiên. Ngày 25 tháng Tám bác thợ đào giếng từ một vạt liễu xa chạy về, đi đập cửa khắp các nhà, loan báo:
– Bọn du mục đến đấy!
Vào buổi lặng gió ấy mà thảo nguyên ở phía chân trời bốc bụi mù mịt: hàng ngàn vó ngựa của đám người du mục cùng những bầy gia súc của họ đang giẫm đạp lên thảo nguyên.
Ba ngày sau, khắp một vùng xung quanh không còn một bụi liễu, một ngọn thông: ngựa và gia súc của đám người du mục đã gặm trơ trụi, giẫm đạp chết hết. Nước nguồn cũng biến mất, bởi vì ban đêm những người du mục lùa súc vật đến các giếng uống cạn sạch.
Một không khí chết chóc bao chùm Khôsutôvô, dân làng túm tụm với nhau ngồi câm lặng.
Trong đời Maria, nỗi bất hạnh đầu tiên này, nỗi đau đớn thực sự này khiến cô gái uất ức tưởng đến phát điên được. Lòng sôi lên, Maria đến thẳng lều tù trưởng bộ lạc du mục. Người tù trưởng lặng lẽ nghe cô nói, đoạn lịch sự đáp:
– Cỏ ít, người và súc vật nhiều, không còn cách nào khác đâu, thưa cô. Ví thử ở Khôtusôvô đây, dân làng đông hơn đám người du mục chúng tôi thì họ đã đánh đuổi chúng tôi bật ra chết đói giữa sa mạc, và điều đó cũng sẽ hợp lẽ như tình cảnh hiện thời. Chúng tôi không ác độc, các người cũng không ác độc, nhưng cỏ ít quá. Vậy một trong hai phía đành chịu chết đói và được quyền nguyền rủa.
– Dẫu sao ông cũng là kẻ vô lại! – Maria nói. – Chúng tôi tốn công sức ba năm trời, các ông kéo đến giày xéo chết sạch trong ba ngày… Tôi sẽ kiện các ông lên chính quyền Xôviết, rồi các ông sẽ bị lôi ra tòa.
– Thảo nguyên là của chúng tôi, thưa cô. Cớ sao người Nga lại đem nhau đến đây? Kẻ nào đói, phải gặm cỏ quê cha đất tổ mà sống, kẻ đó không phải là tội phạm.
Maria thầm nghĩ: người tù trưởng có lý. Ngay đêm ấy cô lên huyện báo cáo đầy đủ mọi sự. Trưởng phòng giáo dục chăm chú nghe hết và nói:
– Thế này nhé, Maria. Có lẽ bây giờ ở Khôtusôvô không có cô thì bà con cũng làm được rồi.
– Như vậy là sao? – Maria kinh ngạc và bất giác lại nghĩ đến người tù trưởng du mục, rõ ràng là ông ta thông minh hơn vị thủ trưởng này.
– Nghĩa là thế này: dân làng đã học được cách đấu tranh chống cát lấn. Khi bộ lạc du mục rút đi, họ sẽ trồng lại các rặng liễu. Còn cô, hay là cô vui lòng chuyển đến Xaphuta nhỉ?
– Lại Xaphuta nào nữa?
– Xaphuta cũng là một cái làng, – đồng chí trưởng phòng đáp. – Nhưng dân ở đấy không phải là người Nga di cư mà là dân du mục đã định cư. Số người này mỗi năm một nhiều hơn. Ở Xaphuta cát đã “kết cỏ” nên không chuyển động nữa. Nhưng chúng tôi sợ nếu đám du mục giẫm đạp nát lớp cát đã kết cỏ ấy thì cát tơi sẽ lại xâm lấn Xaphuta, dân định cư cùng quẫn sẽ trở lại cuộc sống du mục…
– Nhưng sao lại cứ phải là tôi? – Maria chất vấn đồng chí trưởng phòng. – Tôi là chiến tướng chuyên chinh phục các bộ lạc du mục chắc?
– Xin cô nghe tôi nói đã, cô Maria, – trưởng phòng phân trần và đứng dậy đối diện với cô gái. – Nếu như cô đồng ý đến Xaphuta và dạy cho dân ở đấy kỹ thuật chống cát lấn thì Xaphuta sẽ thu hút các bộ lạc du mục còn lại, và những người đã định cư ở đó sẽ không bỏ đi nữa. Cô hiểu ý tôi nói rồi chứ, thưa cô Maria? Các vành đai cây xanh do người Nga trồng, sẽ ngày càng ít bị tiêu diệt hơn… Nhân tiện xin thú thực với cô là từ lâu chúng tôi không sao tìm ra cán bộ cho Xaphuta: nó vừa xa, vừa heo hút quá, ai cũng giãy nảy lên. Vậy cô nghĩ sao, cô Maria?
Maria đăm chiêu suy nghĩ:
“Không lẽ đành chôn vùi tuổi xuân nơi sa mạc hoang vu, giữa đám dân du mục man rợ, rồi chết đi trong bụi liễu đỏ, tự coi cái giống cây khô cằn miền sa mạc ấy là tượng đài đẹp nhất đối với mình, là vinh quang chói lọi của đời mình ư? Thế còn bạn đời, còn chồng con đâu?”
Nhưng ngay sau đó Maria sực nhớ đến người tù trưởng du mục thông minh và đĩnh đạc, đến cuộc sống phức tạp và có những cội nguồn sâu xa của các bộ lạc miền sa mạc, cô hiểu ra số phận bế tắc của hai dân tộc bị những cồn cát hoang vây chặt. Maria trả lời:
– Thôi được. Tôi đồng ý… Năm chục năm sau, tôi sẽ cố về thăm đồng chí, với diện mạo một mụ già… Tôi sẽ về không phải bằng đường qua sa mạc, mà qua rừng cây xanh tươi. Xin chúc đồng chí sống lâu… để mà chờ đón!
Đồng chí trưởng phòng giáo dục có vẻ sửng sốt, bước lại bên Maria:
– Cô Maria, cô đủ khả năng quản lý cả một dân tộc chứ không phải chỉ cái trường con con. Tôi rất mừng, cũng rất thương cô và không hiểu sao tự thấy hổ thẹn… Có điều, sa mạc là cả một thế giới tương lai. Cô chẳng phải lo ngại gì. Người đời sẽ phải mang ơn cô, khi giữa cát hoang mọc lên những cây xanh… Tôi xin chúc cô mọi sự tốt lành.
Tác giả: Platonov – Người thực hiện: Hồng Huệ
Từ khóaHồng Huệ Platonov truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …