Bài nổi bật

Mưa đảo

RadioVn.Com – Lúc từ tàu đò bước lên bến, thác mưa chiều tràn xuống đảo, gió đánh nghiêng người, Cần lột nón vải, để cho nước tràn qua đầu, lấp mặt, nước mắt chị trào ra. Cần muốn mưa đảo thanh tẩy cho mình, người ta chẳng bảo, nước trời có thể dội sạch quá khứ đau thương, lỗi lầm, đó sao.
Lên tới quá dốc bến tàu đò một quãng, Cần dạt vào cái chạp phô bên đường. Bà già bán hàng lập cập dìu chị vào ngồi lên chiếc ghế nhựa. Đợi chị uống xong ly nước trà gừng nóng, bà giục chị vào phòng trong thay đồ áo kẻo cảm. Cần giật mình, túi hành lý đã bỏ quên ở tàu đò rồi. Bà liền kéo chị vào phòng phía trong, lấy bộ đồ bà ba trong tủ cho thay. Trong khi Cần chưa hết thẫn thờ thì bà vào bếp lui cui nấu nướng, một hồi, đặt vào tay chị tô cháo thịt bò rất nhiều cụm tiêu hạt xanh. Đó là bát cháo ngon nhất từ trước tới giờ và có lẽ mãi mãi sau này Cần không còn được hưởng. Đêm ấy, chị được ngủ cùng bà già, mùi trầu từ người già tỏa ra đầm ấm vững chãi.
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Trong tiếng mưa đêm ở đảo ào ạt một hồi rồi ngưng, tiếng thủy triều ì ầm như tiếng sấm từ xa vọng tới, dù bà già không hề hỏi đến chuyện đã qua, nhưng Cần vẫn kể về quãng đời như cơn ác mộng của mình. Tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, Cần được một công ty khai thác than ở đất mỏ tuyển dụng. Mác là công ty của nhà nước, nhưng thành viên điều hành là người một gia đình. Ông bố làm giám đốc, người con trai trưởng là phó giám đốc, con dâu kế toán trưởng và người con trai út là trưởng phòng kinh doanh. Ngay khi Cần bước vào trụ sở đã lọt vào tầm ngắm của chàng trưởng phòng trẻ tuổi, cao lớn, điển trai như tài tử điện ảnh, có bằng Đại học Kinh tế, khuôn mặt bần thần như đang suy tư điều gì chợt rựng lên, đôi mắt đờ đẫn dưới đường mày rậm trở nên bồn chồn. Anh ta hỏi Cần mấy câu chẳng đâu vào đâu. Những khi Cần làm việc, anh thường đến bên cửa sổ ngó vào rồi lẳng lặng bước về phòng ngồi như cắm vào bàn vi tính. Chừng một tháng sau, vào sáng chủ nhật, ông bố và bà mẹ đánh xe hơi Rolls Royce tới nhà Cần. Thằng Kiệng nhà tôi cảm tình với cô Cần nhà này lắm, nhưng tính nó nhút nhát, không dám đặt vấn đề, thời này cha mẹ đi hỏi vợ cho con là lạc hậu, phải không? Nhưng cậu út nhà tôi nhát quá, đành làm theo cách ông bà thủa xa xưa. Chúng tôi muốn xin gia đình ta cho cháu nó đi lại tìm hiểu nhau. Ông bố nói vậy. Chúng tôi muốn có con dâu cho vui cửa nhà và mong sớm có thêm cháu nối dõi. Bà vợ tiếp lời rồi xuống bếp gặp Cần lúc đó đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Cháu xinh đẹp, ngoan quá đi thôi. Về nhà bác cháu không phải vào bếp đâu. Hôm sau, Cần đến cơ quan trễ, nỗi run sợ khiến cô ngập ngừng khi dắt xe máy vào cổng công ty. Nhưng anh chàng trưởng phòng đã bước nhanh tới dắt xe vào cho cô. Cuối chiều ấy và những trưa những tối kế tiếp, hai người thường đến quán cà phê, anh lặng lẽ hút thuốc và nghe Cần nói. Bạn bè, người thân đều mừng cho Cần được đặt chân vào làm dâu gia đình giàu nhất nhì Phố Than. Đúng là về làm dâu nhà ấy, Cần không phải động tay vào việc gì, đến giặt giũ đồ áo chị, hai người giúp việc cũng làm tất. Nhưng chỉ vài tháng, Cần nhận ra, trong biệt thự giàu sang ấy là một địa ngục trần gian. Ông bố ở cơ quan hay ra ngoài dáng lịch lãm, nhưng về nhà luôn cáu gắt, mỗi khi gặp trắc trở trong việc làm ăn là trút nóng giận lên vợ. Hễ vắng chồng là bà vợ lẻn đi chơi bài. Cần không dè, chồng mình là công tử bột, từ nhỏ tới lớn quá được nuông chiều nên chẳng biết làm gì, có bằng đại học thật đó, nhưng quá ngây ngô trong cuộc sống hàng ngày. Công việc ở công ty cũng do bố và anh trai bao hết, anh ta chỉ tới ngồi vào bàn vi tính chơi game, về đến nhà, sau bữa cơm là mở laptop tiếp tục trò chơi rất trẻ con, chơi cho tới người mụ mị đi. Anh cũng chẳng thú gì đời sống chồng vợ, tuần trăng mật, hai người vào Đà Nẵng, đến bãi biển Mỹ Khê thuê hẳn một ngôi nhà trong khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng anh vẫn mở laptop ra chơi game. Cần buồn đến nỗi sưng mắt. Thế rồi, một sáng sớm, sau đêm gần như thức trắng bên bàn game, anh bị té ngã ở cầu thang và tử vong. Bà mẹ chồng gầm lên: “Vì số mày cao nên con trai tao một chết vậy”. Ông bố điềm tĩnh hơn, ông nói với mọi người trong đám tang, vì tôi quá nuông chiều con từ nhỏ nên đến nông nỗi này. Sau đám tang, ông khuyên Cần hãy về với bố mẹ đẻ. Đời con còn dài, không thể sống ở đây được. Ông đã đến gặp bố mẹ Cần để xin thứ lỗi. Về với bố mẹ đẻ chừng một tháng, Cần vào Kiên Giang, với một người bạn gái đang công tác ở ngân hàng, chị muốn tránh xa những cặp mắt xoi mói và lời dị nghị của đám thị dân khu phố cho rằng chị tham của, mang tướng sát chồng.  Người bạn xin cho Cần vào làm kế toán cho một cơ sở sản xuất thức ăn cho cá bè. Tưởng đâu sẽ làm việc ở đó lâu dài, nào ngờ, chủ cá bè là con bạc khét tiếng, ông ta thường đi thuyền máy sang Campuchia đánh bạc. Kết cục số phận của con bạc ắt sẽ đến, ông ta càng đánh càng thua, lại vay tiền lao vào casio để mong lấy lại số tiền mấy chục tỉ đã bị mất, lại càng thua, cơ sở sản xuất bị vỡ nợ, ông tự kết liễu đời trèo lên đỉnh núi gieo mình xuống biển. Người đàn bà vợ hai kẻ xấu số nọ chỉ tay vào mặt chị mà chửi: “Vì cái con hồng nhan này vô làm ở đây nên mới đổ bể ra thế”. Cần được mấy người đưa lên xe chạy đi trốn. Sau một thời gian ở nhà người bạn gái, Cần nghe nói đến đảo Phú Quốc là nơi dễ kiếm sống, cũng là đất hứa của những kiếp người đau thương, có quá khứ tội lỗi, muốn thay đổi cuộc đời. Dân đảo ấy không bao giờ hỏi quá khứ của nhau, là đất làm lại của những kiếp người. Vậy là chị đến Rạch Giá lên tàu đò đi sang đảo.
Nghe chuyện Cần kể, bà già vẫn im lặng. Sớm hôm sau, bà đưa chị ra bể nước lớn phía sau nhà. Đây là nước trời đảo, con hãy tắm gội sạch một lần nữa để xua đi chuyện không may đã qua, đừng để vương vấn trong đầu nữa, từ đây con sẽ được làm lại cuộc đời. Bà nói vậy rồi múc nước bằng gáo dừa tắm cho Cần. Nước mưa chứa trong bể mát lạnh. Tắm xong, Cần thấy mình như đổi khác.
@
Cần ở lại với bà ba ngày rồi đến thị trấn Dương Đông, không ngờ, đảo Phú Quốc vẫn còn rất hoang sơ, rừng tạp chạy dài hai bên con đường nhựa lâu ngày trồi trụt ổ gà, những bãi biển cực đẹp vắng bóng người. Chiều ấy, thấy trước cổng một dãy nhà tôn có treo biển tuyển người làm, Cần ghé vào xin việc. Đó là cơ sở chế biến nước mắm của tư nhân, bà chủ dáng người cao ráo, mặt còn lưu lại nét đẹp thời trẻ, hỏi chị:
– Làm nước mắm tắm mồ hôi, liệu cô có làm nổi không?
Cần gật đầu. Bà nói tiếp:
– Tui dẫn cô đến nơi làm luôn. Chưa có nơi ở thì ôm đồ tới đây ở luôn.
Trên đường từ văn phòng tới khu chế biến, bà tự giới thiệu tên là Bảy Giàu. Giàu đâu không thấy, chỉ biết làm quật quật từ sáng tới tối mịt. Bà nói thế. Khu chế biến là những dãy nhà xây thô, lợp tôn xen kẽ những tấm nhựa cho ánh sáng lọt xuống. Trên nền đất này và những thùng lều trong kia thấm mồ hôi của ông nội tui, ba tui, chú bác tui nữa. Tui được thừa tự xưởng nước mắm này, tưởng đâu sẽ để lại cho con, nhưng mấy đứa vào Sài Gòn học đại học rồi mướn nhà, làm công hưởng lương bèo trong đó luôn, dụ dỗ hoảnh cả miệng, không đứa nào chịu về. Bà nói. Bước vào nhà, Cần choáng mắt trước những cái thùng gỗ cỡ dăm vòng tay người, niềng bằng vành đai dây song chắc chắn, ánh sáng từ tấm nhựa phả xuống làm cho màu thùng vàng sậm. Thùng lều bằng gỗ bời lời đóng trước khi sinh tao cả hàng chục năm, còn kho đằng kia để muối, muối cũng phải là muối Bà Rịa, độ mặn cao, làm mắm mới ngon. Bà chỉ tay giới thiệu. Trong lúc đám công nhân nhìn Cần, những đôi mắt dò xét, thì bà chủ sắp đặt công việc luôn cho chị:
– Khi có tàu cập bến thì nhanh chân ra để khuân chở cá về, phân loại, cho vào những thùng lều này, mỗi thùng kia đựng được hơn mười tấn cá cơm, đó nghe.
Có tiếng còi tàu hú ba hồi, đám công nhân vội quơ mỗi người một chiếc cần xé nhào ra cổng sau. Tàu nhà mình cập bến rồi đó, đi theo mọi người chuyển cá vào đây đi. Bà chủ Bảy Giàu nói. Cần xách một chiếc cần xé theo tốp công nhân. Thì ra, phía sau xưởng đã là biển. Chiếc tàu đã neo vào bến, một chiếc cầu được mấy ngư phủ nhanh chóng nối từ bờ đến tàu. Cá được ngư phủ xúc từ lòng tàu vào các cần xé để công nhân chuyển lên. Những người phụ nữ vác cần xé cá bước thoăn thoắt. Tiếng nói, tiếng cười đùa giữa công nhân và ngư phủ vang lên. Họ nói chuyện tục mà cánh đàn bà con gái hưởng ứng rất nhiệt tình, không hề ngượng mồm, mắc cỡ. Mãi sau này, Cần mới vỡ lẽ, nói chuyện như vậy để tăng thêm cảm hứng trong khi làm việc nặng nhọc. Bước lên chiếc cầu nhỏ, Cần hơi run, sợ mọi người cười chê, chị phải cố gắng mới tới được mé ghe. Vai Cần oằn xuống khi đón chiếc cần xé đầy cá từ tay một ngư phủ. Chị cắn môi để vác cần xé đi trên cầu. Bất chợt, mắt chị hoa lên, té nhào xuống nước. Tiếng người la thất thanh. Cần thấy một người ngư phủ nhào xuống xốc mình lên vai đưa lên bờ. Tiếng anh quát bà chủ xưởng:
– Người này mới tới, chưa được nghỉ ngơi, bà bắt đi làm liền là sao?
Tưởng đâu bà chủ sẽ cự lại, nhưng bà đã nói hối hận:
– Chị xin lỗi mấy em. Chị tưởng cô này làm được việc đó chớ.
Cần đã trấn tĩnh lại. Ân nhân của chị là một thanh niên còn trẻ, vóc dáng thấp, rắn chắc. Chị cảm ơn em. Cần nói. Cậu ta gật đầu rồi đi nhanh xuống tàu chuyền cá lên bờ.
Sau hôm ấy, Cần được bà chủ phân công việc phân loại, chọn cá. Cá cơm biển Phú Quốc có quanh năm nhưng nhiều nhất, vào vụ cá cơm là từ tháng sáu đến tháng mười hai hằng năm. Khi đánh bắt ở biển, ngư phủ đã rửa sạch bằng nước biển, về xưởng chỉ bỏ những con bị ươn, những con nhỏ quá, hoặc lớn quá, rồi nò muối, trộn cho thật đều thành chượp. Mỗi khi cho chượp thùng lều, phải vác cần xế đầu cá, trèo lên cái thang gỗ trơn mòn dấu chân người, mồ hôi hột vã đẫm lưng, chị nhớ lời bà Bảy Giàu, làm nước mắm, tắm mồ hôi, đúng thiệt. Sau ba, bốn ngày tháo nút nù có cụm lọc ở đáy thùng lều để cho dịch nước bổi chảy ra để làm nước châm. Mùi nước bổi tanh lờm trộn với mùi nước mắm khiến thời gian đầu chị không thể chịu nổi. Chị mua cả một ký gừng tươi, mỗi lần đến xưởng dắt theo một củ thỉnh thoảng cắn một miếng để dằn cơn nôn có nguy cơ trào ra. Thời gian cá phân hủy, chượp chín, dòng nước mắm nhỉ trong suốt màu vàng rơm tới màu nâu đỏ cánh gián, mùi thơm nước mắm nhỉ dậy lên. Dần dần chị quen với cái mùi cá, mùi chượp, mùi nước mắm rất Phú Quốc đến độ thành nghiền luôn.
Cần không phải là người để người khác coi thường mình. Ta có thể là người bình thường, nhưng không phải là kẻ tầm thường. Cần thường tự răn mình vậy. Và, cho hay chị quyết chí luyện để chuyển cá từ tàu lên bờ.
Thế là vào những đêm trăng, chị ra bến tàu, lúc ấy chiếc cầu gỗ được đặt trên bãi cát, lúc đầu chị tập đi không, sau khi vững chân, chị cho đá vào cần xé để mang đi. Một đêm, chị thấy Thân, đi đâu về đến gần, cất tiếng cười:
– Chị phải vác cần xé cho cân bằng, mới được.
Thân nói và hướng dẫn chị vác cần xé đi trên chiếc cầu ấy. Cần hỏi:
– Sao hôm này cậu không đi biển?
– Đánh bắt cá chỉ vào cuối tháng, mùa trăng sáng, cá lặn sâu xuống đáy biển, không thể đóng đèn, chị ạ.
Thân đáp và kể cho Cần nghe về nghề đánh bắt cá cơm ở biển Phú Quốc, có những khi gặp những luồn cá dài đến cả hải lý, cá đóng đèn, nhao lên trong lưới. Khi kéo đến gần mạn tàu ngư phủ dùng vợt bắt cá, nếu không cá bị sây sát, dễ ươn, chất lượng nước mắm không cao. Bắt được mẻ nào loại bỏ tạp chất, rửa sạch bằng nước biển mẻ đó, trộn muối sơ qua rồi cho xuống hầm tàu.
Hai người mong đến mùa trăng để gặp nhau ở bến tàu, nơi bãi cát vàng mịn chặt đến độ không thể in nổi dấu chân người. Bây giờ, Cần đã vác cần xé cá từ mạn tàu vào bờ thành thạo. Chị rất thích nghe Thân kể chuyện đi biển, mắt Thân như ánh lên tia sáng, giọng trở nên sôi nổi. Thân tả lại khoảnh khắc mặt trời những quả cầu lửa từ từ nhô lên, mặt biển sóng sánh như chảo  vàng đang tan chảy, những non trưa tàu đi giữa biển xanh và trời cũng xanh, nước và trời lẫn với nhau tưởng như không phân biệt được, đêm xuống, dàn đèn trên các tàu bật sáng, những con cá chuồn đáp lên lòng tàu, luồng cá đóng đèn đã nhao lên. Cậu nói về các loại cá cơm Phú Quốc, cơm sáng, thân màu chì, cơm đỏ, mình vàng rực như cá cảnh, cơm tiêu, sườn lấm tấm vệt đen màu hột tiêu, cơm lép, đuôi nhỏ bơi rất nhanh, cơm sọc phấn, hai lườn có hai vệt trắng…
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Một sớm, Thân đến báo cho chị chuẩn bị đi biển, chuyến đi này dài ngày vì thấy thời tiết khá tốt. Khi hai người ra bến, đám ngư phủ đang vội vã chuyển lưới, lương thực, thực phẩm, cả những can rượu trắng lên tàu. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài nửa tháng, cần biết bao nhiêu thứ. Cần nhìn ra biển, phía xa mây đen đóng quầng không còn phân biệt được chân trời, gió lạnh, trời vậy mà tốt, sao cậu? Nghe Cần nói vậy, Thân trả lời, nếu trời trong, biển lặng, sẽ rất ít cá, phải là lúc trời động, mới đóng thành vỉa nhiều, chị à. Thân vừa dứt lời, con tàu hú còi, Thân ngó sững Cần một thoáng, cái nhìn khiến chị rung động, cúi xuống, một con còng gió từ trên bờ chạy xuống mép sóng trắng. Khi Cần ngước lên đã thấy con tàu rời bến một quãng, trong tốp ngư phủ đứng trên trên bong tàu vẫy chào người trên bến hình như có cả chú em Thân.
Hai ngày sau, có tin bão gần, các phương tiện thông tin nháo nhác gọi tàu thuyền vào bờ. Từ xa khơi, tàu thuyền mở hết tốc lực chạy vào các cảng, các vịnh nhỏ bên chân đảo. Trong khoảng trời mắt bão xanh đến ngộp thở, Cần phóng mắt ra xa để mong tàu người em trở về nhưng không thấy. Tối hôm ấy, bão vào, gió đánh ầm ầm, tưởng như sóng thần đang ập tới. Suốt đêm, Cần không thể chợp mắt, chị cầu trời khấn Phật cho con tàu của cậu Thân bình an. Hôm sau, bão tan, vẫn không thấy tung tích con tàu. Nhiều người đoán nó đã bị đánh chìm. Tiếng gào khóc nổi lên trong các gia đình ngư phủ, người ta chạy tới xưởng, vây lấy bà chủ hỏi về con tàu. Bà chủ cũng chẳng biết trả lời ra sao. Cần theo mọi người ra bến tàu, nhìn ra mặt biển sóng đã lặng, trên bãi cát ngổn ngang rác rến, và cả những thân gỗ bị bão đánh dạt lên, có người lần mò xem trong bãi ấy có dấu vết mảnh vỡ tàu không. Thời gian trôi qua, mắt mọi người trở nên tuyệt vọng. Đã có người định về nhà lập bàn thờ.
Cần bước liêu xiêu quay về xưởng, chị lên phòng nằm khóc vật vã. Cho đến lúc gần tối, có tiếng còi tàu và tiếng người hò reo từ bến. Cần tưởng như tim bật ra khỏi ngực, chị vội quăng mình xuống đất và chạy ra bến. Con tàu đã cập bến, trên bãi cát, thủy thủ đang đứng giữa vòng vây của người thân khoa tay thuật lại chuyện. Trông thấy Thân đang đứng trên boong, Cần thét gọi đến lạc giọng. Thân nhảy xuống nước bơi vào, không cần đi bằng cầu. Cần chạy ào xuống ôm lấy tấm thân sũng nước của cậu Thân. Họ không còn phải giữ ý, tất cả mọi người đang ôm nhau khóc.
Thân kể cho chị Cần nghe, thông thường lúc biển động cá nổi lên rất nhiều. Hôm ấy, trời đang trưa nhưng bỗng tối sầm, biển đột nhiên lặng sóng, tàu của anh đã phát hiện vỉa cá cơm đỏ đóng bão nổi lừ đừ thỉnh thoảng nhoi đầu lên ngáp không khí. Nhiều lúc cá đồng loạt trằn mình lên trông như một doi cát vàng. Lưới vây đã được buông, có thể kéo dồn cá lại, nhưng ngư phủ đưa tay vợt là vớt cá lên. Đây là dịp may mắn hiếm có trong đời ngư phủ. Người nào có vận may mới gặp vài lần, số đông đi biển cả đời không được thấy. Họ bắt cá đến say mê. Cho tới khi cá đầy ghe thì bão tới, có lúc sóng đánh tràn lên boong, như muốn nhận chìm tàu xuống đáy biển, nhiều khi sóng đỉnh núi bứng tàu lên, nhồi xuống tưởng như tàu sắp vỡ. Lúc này, tất cả ngư phủ xuống gầm, phó mặc số phận cho người lái tàu. Phải, người thủy thủ cầm lái giàu kinh nghiệm này vẫn điềm tĩnh, lái tàu dựa vào sóng bão cho tàu khỏi bị đánh chìm. Sau nửa ngày vật lộn, bão tan, thoát nạn, nhưng tất cả lưới để trên tàu đã bị sóng đánh mất.
Còn người là có của. Bà chủ xưởng nói to và thét gọi nhân viên đi đặt heo quay để lên chùa tạ ơn Phật rồi mở tiệc ăn mừng. Đêm ấy, mọi người uống rất nhiều, nhưng Cần chỉ cho Thân uống vài ly lấy lệ, chị nháy mắt và họ kín đáo tách hội người đang hè nhau nốc rượu, đi ra ngoài. Ra đến bờ biển, hai người đi dọc bờ cát giữa một bên là mép biển, một bên là cây sú, trăng lưỡi liềm ẩn hiện giữa mây hắc ín. Bất chợt, mưa ào tới, hai người tháo giày, lột dép chạy tới xác con tàu cũ người ta kéo lên bờ và trở thành nơi cho đám trẻ trong làng đến chơi trò đuổi bắt. Trong tiếng mưa gõ ầm ầm trên boong, Cần quờ tay và chạm phải thân hình vạm vỡ của người con trai qua tuổi vỡ giọng và mắt chị dại đi như cá đóng đèn.
Suốt đêm ấy, trong màn mưa phủ kín boong tàu, tiếng thủy triều vọng tới, Thân hiểu thế nào là tình yêu của người phụ nữ vừa đoạn tang chồng. Nhiều lúc, sự quyết liệt của chị khiến cậu như người phải chống đỡ.
@
– Hai người thành chồng vợ đẹp đôi đấy, vợ hơn chồng dăm tuổi là sự thường. Sáu tháng nữa tụi bay thành mẹ thành cha cũng là phước đức lớn lắm, không phải ai muốn cũng có được đâu.
Bà chủ phán vậy rồi cho đôi trai gái hay, chi phí nữ trang, tiệc tùng bà sẽ bao hết.
Đám cưới được tổ chức ngay tại xưởng chế biến nước mắm. Khu sân rộng lát bằng gạch tàu, sáng nào cũng được dùng vòi nước để rửa sạch bóng, ba bề là những hàng phi lao phủ bóng mát, còn nhà hàng nào bằng. Bà cho mua một con bò tơ, còn các loại thực phẩm biển có mực ống, tôm càng, cua đinh, ghẹ, cá thu… do các tàu bạn mang tới, tươi rói vừa vớt từ biển lên. Rượu cũng do tự tay bà cất, rượu nếp ngỗng, mỗi vò thả vào cặp cá ngựa tươi. Thứ rượu này ông lão thất thập cũng cường sức có thể sanh thêm con mọn, chứ đừng trai trẻ. Bà nói vậy. Chế biến thức ăn do chị em trong xưởng đảm nhiệm, toàn những người có chồng là dân nhậu, làm gì không biết nấu ngon. Khoản nước mắm được bà chủ lấy từ kho riêng, nước mắm nhỉ đã có tuổi, ăn vào bệnh đường ruột sẽ hết, mùi thơm nức.
Mình cứ xưng hô như trước kia, tôi gọi Thân là cậu, Thân gọi tôi là chị, được không? Khi bước vào phòng tân hôn, Cần nói vậy. Thân gật đầu và nhẹ nhàng tháo dây niềng bụng bầu để mặc cho vừa áo cưới của vợ. Thân ghé tai vào cái bụng đã chang bang, hình như con cậu đã quẫy.
Sau tuần trăng mật, cũng là để dưỡng thai luôn, bà chủ cho đôi vợ chồng mượn tiền không lấy lãi và chừng nào có trả cũng được, để tậu được mảnh đất, cất ngôi nhà nhỏ. Sáu tháng sau, con trai đầu lòng của họ chào đời. Sống với người chồng ngư phủ, Cần hiểu tính cách rất riêng của ngư phủ. Thân ăn sóng nói gió, lúc chỉ có hai người trong nhà anh vẫn nói rất to. Sao cậu lớn tiếng vậy? À, Thân quen nói ở ngoài khơi, giữa biển phải nói như thét người khác mới nghe, chị à. Thân đáp. Tiếng cười giỡn nhau lại nổi lên. Tuy vậy, thói quen khi ăn cơm, Thân ngồi chồm hổm lên ghế khiến chị thấy rất chướng, nhiều lần khuyên bảo, cậu gật đầu, nhưng rồi tới bữa sau đâu lại vào đó. Dần dần chị quen kiểu ngồi ấy của chồng. Thôi thì, cậu khoái ngồi ăn kiểu ngư phủ vậy cho thoải mái cũng được, sống mỗi người mỗi nết, mình khuyên sao được. Cần tặc lưỡi, nghĩ vậy.
Trong mùa trăng, khi phải ở nhà Thân như con cá mập bị nhốt trong bè, cậu vùng vẫy muốn thoát khỏi sự gò bó. Cần là người tinh tế nên nhận ra và khuyên cậu đi chơi đâu đó. Thân đã tới nhà mấy người bạn là ngư phủ đánh bài, trò tiêu khiển ăn tiền này trước đây Thân nghiền, từ khi có vợ phải bỏ. Bài bạc, kèm theo nhậu nhẹt bia rượu, sau mỗi cuộc sát phạt đỏ đen, đứa thắng phải chi ra một khoản tiền đãi lũ thua. Nhiều lần, Thân cháy túi, người thuộc mềm men rượu, đi như quăng người về nhà, Cần đau đớn nhưng cũng phải làm thuốc giã rượu cho chồng.
Khi Cần gạt nước mắt phàn nàn về tật đánh bài, nhậu nhẹt của chồng, bà chủ xưởng vẫn thản nhiên:
– Đàn ông ngư phủ đảo này phần đông là vậy đó. Ông xã tao trước kia mỗi tuần trăng đều lên tận Bắc đảo đánh bài, có khi chui vào nhà thổ hú hí với gái làng chơi cả tuần, tao phải tới lôi lão lên xe ngựa đưa về. Đến nhà lão van xin và hứa sẽ chừa, nhưng rồi tuần trăng sau lại chứng nào tật ấy.
– Vậy rồi sao?
– Còn sao với trăng gì. Mình là đàn bà phải chấp nhận thói tật đó của các cha nội thôi à?
– Người có tính cách mạnh mẽ như cô chẳng lẽ bó tay?
Bà chủ cười lớn:
– Không bó tay thì mi bảo làm gì? Chẳng lẽ khai cho công an để còng tay ma men ấy cho vô khám hay mướn côn đồ trị chồng mình. Đành phải ngậm bồ hòn.
Rồi bà im lặng, ngó ra cửa sổ, ngoài kia là biển trưa chói chang nắng, xanh đến chói mắt, mặt bà thẫn thờ:
– Một lần đi biển vào mùa bão, ghe bị đánh chìm, ông ấy cùng với bốn ngư dân mất tích, mấy người khác may mắn được tàu hải quân vớt được. Họ đã kể lại, biết là bão tới, nhưng gặp luồng cá cơm sọc tiêu nhiều quá, ai cũng say bắt đến độ mụ người nên khi sóng dồn đến trở tay không kịp.
Giọng bà khê đặc, chân tay run lên, Cần vội ôm lấy bà, đỡ bà ngồi xuống ghế. Mặt bà dại đi:
– Từ khi mất chồng, tao như chết nửa người, nằm khóc suốt ba ngày, tao chỉ ước đó là cơn ác mộng trong giấc ngủ, thực ra là ổng vẫn còn sống, cuối tháng đi biển, mùa trăng đi chơi đâu cũng được, miễn là còn ổng.
Cần thấy bà chủ nói không phải không có lý. Vâng, có chồng, cho dù chồng có tật hư còn hơn sống một mình. Nghĩ cho cùng, cậu Thân nhà mình cũng chẳng có thói xấu gì ngoài cái tật hay đánh bài và nhậu nhẹt. Bà chủ lại gượng dậy, đến bên cửa sổ, nói:
– Mày biết không, khi còn chồng, mỗi khi trận mưa đầu mùa đến, vợ chồng tao, sau này có thêm con, ra giữa trời tắm mưa. Theo tục truyền, nước mưa đầu mùa ở đảo chữa được bách bệnh và làm cho con người ta sống tốt với nhau hơn, làm ăn may mắn hơn. Từ ngày ông ấy mất, mỗi khi cơn mưa đầu mùa đến, tao không dám nhìn ra, mà chui vào mùng nằm khóc. Làm đàn bà ở đảo mà còn có chồng để tắm mưa đầu mùa là phước đức lớn lắm, phải không?
Tác giả: Đỗ Hồng Quân – Người thực hiện: Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *