RadioVn.Com – Cô cao, thật lạ! Ở quê, con gái cao quá cũng là một tội. Chưa bao giờ cô dám đứng thẳng người. Lòng khòng mãi thành quen, khi thì sợ va thành cửa, lúc ngại mếch lòng người thấp. Cái chiều cao hơn một mét tám chẳng ai ngờ làm cô khổ đến thế.
Gương mặt cô đẹp, vậy mà đám bạn cùng lứa yên phận cả rồi, cô Thuận vẫn chưa chồng. Sáu anh chị em lần lượt có gia đình riêng, mình cô trơ ra. Giầu con út, khó con út. Cô đằm mình trong năm gian nhà gỗ rộng rênh ông bà nội để lại. Hiếm khi thấy cô cười. Cái dáng lòng khòng càng cố cúi thấp. Đôi vai cô gồ lên, mặt lúc nào cũng nhìn xuống đất.
Con số hai mươi tính tuổi cô như bóng cây lùi dần theo vệt nắng. Cô vẫn một mình. “Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi…”. Câu ví của người xưa đuổi theo cô dằng dai như nhịp đò đưa.
Cô Thuận tôi ba mươi chín rồi. Ở quê, tầm tuổi ấy, liệu cô còn gì để hy vọng? Cô như cái bóng, cái bóng có thân hình dong dỏng cao quá sức tưởng tượng của dân quê và gương mặt lãng đãng hơi sương lủi thủi vào ra trong năm gian nhà gỗ nép mình giữa vườn bưởi.
Người anh cả bắt đầu tính chuyện đứa con nào của ông sẽ đến ở cùng khi cô không còn tự lo được cho mình. Tôi là đứa được chọn. Nhưng lạ lắm. Đôi má cô Thuận vẫn đỏ dậy. Cái eo lưng vẫn chênh chao. Làn da mỏng tang, mướt như da con gái dậy thì. Chẳng ai hiểu cô Thuận nghĩ gì.
Thi thoảng nửa đêm, thấy cô đùng đùng trở dậy, xúc hết thóc trong hòm đóng vào các bao rồi ào ra sân giếng. Cái dáng lòng khòng ban ngày biến mất chỉ thấy thẳng căng một pho tượng đồng trinh đúc bằng thạch cao, trắng một màu men sứ, rời rợi dưới trăng. Gió lồng lộng thổi, lật quật trên ngọn bưởi.
* * *
Trăng vằng vặc soi trên sân vườn. Nghe thấy cả tiếng mầm cây tách vỏ hạt trồi lên dưới lớp đất mỏng. Cô Thuận để nguyên cả thân hình ướt rượt nước, nhào lên giường ghì chặt lấy tôi. Đôi bầu vú con gái căng mẩy, áp sát vào khiến tôi nghẹt thở. Mấy đêm liền. Đêm nào cũng thế. Tôi sợ đẩy cô ra. Giời ạ! Cô khúc khích:
– Tao sẽ có con. Nhất định thế. Mày có nghe thấy tiếng mèo gào không cháu? Nó cũng muốn có con!
Giọng cô thầm thì như vọng đến từ âm cung, cái chốn vô thuỷ vô chung mà bà nội tôi vẫn rì rầm kể trong những đêm tối trời. Đôi tay dài huơ huơ trong bóng tối. Tôi hoảng sợ lùi dần vào góc giường, nhìn cô như nhìn bà phù thủy.
Cô ngó chằm chằm vào mặt tôi, cứ như thể tôi là tội đồ gây nên nỗi khổ của cô, rồi buông thõng hai tay, nằm vật xuống giường, mắt lơ láo ngó đình màn, đoạn vùi mặt xuống gối khóc tức tưởi…
Không phải tôi không biết. Tôi cũng đâu còn trẻ con. Một con nhỏ mười lăm tuổi như tôi ít nhiều đã hiểu. Ngày bà nội còn sống, mỗi lần nghe tiếng con Khoang gọi bạn tình rền rĩ trên mái nhà, bà lại chép miệng: “Rõ đồ động đực”. Vậy mà cô Thuận nghe thấy lại cười, miệng lẩm nhẩm:
– Nó cũng như con người cả thôi…
Tôi tìm cớ tránh đến ngủ với cô. Chẳng phải vì tôi không thương người đàn bà ấy. Tôi sợ. Tôi sợ mỗi lần bị cô ghì chặt áp vào cơ thể hừng hực của mình. Tôi sợ tiếng tức tưởi ghìm nén của cô giữa đêm khuya. Và hình như tôi sợ cả tiếng con mèo Khoang đêm đêm vẫn rền rĩ nỉ non nơi chái nhà…
Bố tôi trợn mắt:
– Mày phải vào. Không được để cô ở một mình. Phải trông cô chứ.
Tôi thì trông ai? Mười lăm tuổi. Gà chưa lên chuồng, tôi đã ngủ tít cung mây. Nước mắt lưng tròng, ánh mắt tôi cầu khẩn mẹ. Mẹ lảng mắt ra xa. Tôi nhìn bố, ánh nhìn nài nỉ. Bố tôi vứt chiếc roi mây xuống ao bèo, lầm lũi đi vào, cái lưng gù hẳn xuống.
Không phải ra ngủ với cô, tôi cuộn mình bên cạnh mẹ. Nhưng lạ chưa, lần đầu tiên trong đời, tôi mất ngủ. Bóng dáng cô Thuận chập chờn. Cái dáng lòng khòng lầm lũi. Mái tóc rũ rượi. Gương mặt lúc bầu bĩnh, lúc méo mó dị hình nhưng nhìn phía nào cũng nhập nhòa nước mắt. Tôi vùng dậy, chẳng nói chẳng rằng, tháo then cửa, hì hụi chạy đến với cô.
* * *
Cô Thuận đùng đùng lấy chồng. Chẳng ai cản được. Ngày cưới cô, bố tôi khóc tu tu. Chồng cô không nói được. Chú bị câm, ít hơn cô đến năm tuổi. Kệ. Cô cười. Nhìn chú đi với cô cứ như que tăm dính bên củ khoai tây. Cô vẫn cười. Phô hàm răng trắng bóc.
– Sao lại thế? Tôi ấm ức vặn vẹo trước đêm cô về nhà chồng.
– Mày thì biết gì? Có hiểu thế nào là “bồ hòn không rễ” không cháu?
– Rễ hay không thì quan trọng gì? Chẳng thà không có còn hơn… Tôi càu nhàu. Cô Thuận co chân quắp tôi thật chặt – Đời người… Giọng cô nhỏ dần. Tôi lắng mãi chỉ nghe thấy tiếng “Không” cuối cùng nhẹ như một hơi gió thoảng. Đột nhiên, tiếng cô bỗng xa xăm:
– Nghe kìa. Con Khoang lại đang than thở đấy.
Tiếng mèo gào rền rĩ trong đêm. Nghe như vẳng từ một miền rất xa nào đó. Lúc nó thì thầm ngay bên tai, lúc lại lọt thỏm vào quầng đêm đen thẫm, đặc quánh phía bên ngoài.
* * *
Ba năm. Năm năm. Cô vẫn như cái cây thẳng đuột bên ông chồng lùn tịt, vừa trẻ, vừa câm của mình. Mỗi lần ở gần, tôi thấy cả người cô toát ra một thứ mùi thập cẩm.
Mùi thơm của rượu gạo, mùi chua nồng của bỗng, mùi say nồng nàn mông mốc của men. Bạn thân của cô là gian bếp nhỏ, nơi cái bếp lò đun rượu suốt ngày rực đỏ và phía bên kia, lũ lợn đủ loại kêu rít đòi ăn cả ngày.
– “Gái không con như bồ hòn không rễ” – Tiếng bà mẹ chồng có đôi mắt toét nhoèn của cô đổng giảng từ ngoài ngõ đi vào. Mặt cô cúi gần hơn xuống nồi rượu. Hơi men bốc lên, bám vào chân tóc mai lấm tấm như mưa tro bám trên mặt lá.
– “Người ta thắt đáy lưng ong, mới giỏi chiều chồng, mới khéo nuôi con. Đằng này lồng ngồng như cái sào chọc cứt lấy đâu ra con mà khéo” – Nước cốt trầu bắn ra từ khoé miệng mẹ chồng cô, dính vào tấm vách đất ngoài buồng rượu.
Chú Câm chạy ra, hai tay khua khoắng một hồi. Hết chỉ vào cô Thuận lại chỉ lên trời. Có trời mới hiểu hết thứ ngôn ngữ ấy. Bà mẹ chồng vẫn the thé chửi.
Tức mình chú Câm chỉ luôn vào cái chỗ chứng tỏ là đàn ông của mình rồi đùng đùng bỏ vào nhà. Cô Thuận cúi mặt. Nước mắt cô rỉ ra. Đêm ấy cô bỏ về ngôi nhà cũ ông bà để lại.
Lăn vào chiếc giường tôi đang nằm, cô ghì chặt. Cái cảm giác sợ hãi mỗi khi bị cô ghì riết ngày cô chưa lấy chồng lại ùa về. Nhưng lần này lạ hơn. Đôi bầu vú cô vẫn cứng căng, tròn đầy như cặp bánh giầy chà xát vào tấm lưng thon thả của tôi.
Tiếng mèo gọi bạn lại thảng thốt trên chái nhà, lẫn vào tiếng chẫu chuộc i uôm gọi nhau nơi ao bèo đầu ngõ. Tôi nhắm mắt. Vòng tay cô nới lỏng dần, bàn tay chỉ còn ve vuốt nhẹ từ vai xuống tới thắt lưng tôi. Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay thập thững trong tiếng mèo gào và tiếng chẫu chuộc đáp lời.
Tiếng gà eo óc đâu đó dựng tôi tỉnh dậy. Lơ mơ, tôi như nghe thấy có tiếng người nói chuyện. Nhưng sao chỉ có tiếng một người. Lạ lắm. Tiếng đàn bà. Cô Thuận tôi. Tôi căng mắt.
Trong bóng tối nhờ nhờ, cô Thuận lùi mãi tận góc giường, đầu gối cao quá mang tai, mái tóc dài xổ tung, chảy tràn trên cái eo lưng mềm mại. Tấm lưng dài quá khổ cố chùng xuống. Cô đang lẩm bẩm một mình, như người cầu nguyện mỗi sáng chủ nhật:
– “Không được đâu. Tôi là gái đã có chồng. Đã đành một con một của… Anh đi đi. Đi khỏi cuộc đời tôi đi. Đừng theo đuổi quấy rầy tôi nữa. Tôi sẽ chém chết nếu anh còn dám chặn đường… Rồi chồng tôi sẽ có con”.
Tôi lờ mờ… Hình như tôi ngồi dậy. Hình như có bàn tay nhẹ nhàng đỡ tôi nằm xuống rồi vỗ về ru tôi… Rồi tôi lại chẳng nhớ gì, chìm nốt vào giấc ngủ dở dang.
Đêm sau cũng vậy. Tiếng mèo gọi bạn lại bắt đầu khiến tôi hoảng sợ, thậm chí căm thù nó. Nó cứ như tiếng ma tiếng quỷ hiện hình trong đêm khuya. Nó ám ảnh khiến người ta không an lòng chợp mắt được.
Hình ảnh cô Thuận chập chờn. Tôi bừng mắt, hoảng hồn khi thấy cô ngồi thu lu ở góc giường, hai bàn tay nắm lại đấm vào đầu mình bồm bộp:
– Ngủ đi chứ. Sao mày không chịu ngủ? Quên đi mà sống chứ. Bao người không con cái cũng vẫn sống đấy thôi. Này. Này. Này cái đầu ngu si này. Tao cho mày tan ra…”.
Tôi vã mồ hôi. Đang định nhỏm người dậy thì cô đã lại khẽ khàng nằm xuống. Bàn tay cô luồn xuống gối, dịu dàng kéo đầu tôi áp vào vào khuôn ngực nóng hổi của mình. Tiếng thở cô nhè nhẹ, đều đều nhưng đôi mắt vẫn trân trân nhìn đình màn đang thẫm lại trong bóng tối.
Tờ mờ sáng, khoảng giường bên cạnh tôi trống trơn. Bóng cô đã lại thấp thoáng bên buồng rượu nhà chồng.
Và bây giờ thì cô cười. Cười như người lên cơn động kinh. Ba giờ sáng, cô quờ tay sang bên. Một thân người lạnh ngắt. Chú câm chồng cô đã chết tự bao giờ. Tiếng con mèo Khoang vẫn gào rít trên chái nhà. Gió ngoài vườn chuối ồ ồ thổi.
** *
Bốn tháng sau ngày chồng chết, cô bỏ hẳn về nhà cũ. Nắng ong ong như vãi trấu trên đầu. Cô ngồi lì ngoài gốc cây khế chua như bỗng rượu để lâu ngày, mái tóc lẫn những chùm hoa khế li ti như cài ngôi sao tím. Gió không còn ồ ồ thổi, chỉ nhẹ nhàng đu đưa như người lúc chuẩn bị nhập đồng.
Hai vạt áo cô phập phồng. Cô gặm quả khế chua ngon lành như người ta cắn miếng giò lụa. Bà mẹ chồng cô chắp hai tay sau mông luật quật sang nhà gặp bố tôi rồi đi dọc làng gọi tên tục ba đời ông bà nội tôi lên chửi…
Chẳng biết bố tôi và cô Thuận nói những gì, ngày hôm sau đi vác đất làm thuỷ lợi vẫn thấy cô đứng chông chênh chỗ sườn bò dốc ngược, mồ hôi quấn hai bên tóc mai bết chặt, cái eo lưng nở phình ra, chiếc cúc áo ngực tưởng sắp bung theo hơi thở phập phồng, gấp gáp. Khóe mắt ngập vết chân chim của cô chìm theo ánh nhìn hút về phía cuối trời, nơi con sông ngập ngừng chảy tới.
Cô sinh thằng Tèo đúng chín tháng mười ngày sau ngày chú câm chết. Nó trắng như một cái ngó sen. Nhưng mấy ai có lòng nhớ đúng tháng đúng ngày ấy giúp cô? Người ta chỉ biết chú câm chết ít ngày thì thấy cô có mang… Đến lạ!
Thằng Tèo ở nhà tôi nhiều hơn bên mẹ. Tiếng nhà chồng cô vẫn riết róng phía sau lưng. Cô không cười cũng chẳng khóc. Chỉ dáng đi không lòng khòng như ngày còn con gái.
Sinh thằng Tèo chưa đầy tháng, người làng đã gặp cô bì bõm ngoài bãi sông. Người ta xì xèo. Người ta bỡn cợt tìm bố cho đứa trẻ. Cô im lặng. Có người đàn bà ghê gớm bông phèng nói đến tận tai cô. Cô Thuận ngẩng đầu, đáo để: “Bố cu Tèo nằm cùng giường với bà”. Đám người ấy lảng dần.
Như cái cây sau vụ bói quả, cô Thuận ngày càng phê pha, tràn trề nhựa sống. Cái đầm đầy cỏ năn, cỏ lác hút lấy thân cô. Một đầm cá dần hiện hình. Cô đấu thầu cái đầm hai mươi năm với hợp tác xã. Một chiếc lều nhỏ chênh vênh bên mép nước.
Bố tôi nói thế nào, cô cũng kệ. Kéo thằng Tèo đặt lên một bên thúng, đầu kia một chiếc màn rách, hai cái xoong nhôm bẹp, cô kĩu kịt nhịp chân ra lều. Bàn tay vung vẩy về phía sau, đôi vai nhô lên, chiếc mê nón sùm sụp trên cái gáy đỏ au vì nắng.
Đêm ấy, con Khoang nhà tôi cũng bỏ đi mất dạng. Chỉ còn tiếng gió thì thào trên chái nhà và tiếng vợ chồng nhà chão chuộc i uôm kể tội nhau ngoài ao bèo đầu ngõ.
* * *
Mẹ chồng cô ốm. Bố tôi ngăn. Họ đã chửi ba đời cả họ nhà mình… Cô gạt tay bố tôi, xăm xăm bước vào ngõ. Những tia nhìn xéo cạnh rát như chạm dùi nung đỏ. Cô bước lại gần chiếc giường.
Bà mẹ chồng chồm dậy, cả bát cháo nóng hất tung lên. Một bên má cô đỏ lựng. Những hạt gạo nát nhừ dính chặt vào da mặt, bong phồng lên thành mảng. Cô vẫn lụi cụi lau chỗ cháo vừa đổ ra. Cái dáng cao lòng khòng lại cố ghìm xuống thấp.
Bố tôi nhào sang, nắm tay cô lôi ra con ngõ nhỏ. Cô oằn người, đôi môi mím chặt, mắt ầng ậc nước nhìn đăm đăm người anh ruột. Nước mắt bố tôi lại trào ra, lăn xối xả trên gương mặt người đàn ông khắc khổ. Bố tôi buông tay. Cô Thuận lầm lũi đi vào.
– Kệ thây mày – Cái vẩy tay giận dữ của người anh ruột khiến đôi vai cô Thuận chùng thêm xuống. Cô lúi húi ngắt nắm lá bỏng, nhón thêm mấy hạt muối, nhai nát, nghiêng mặt đắp lên một bên má.
Một tháng sau, bà mẹ chồng khỏi bệnh, bên má cô Thuận hằn vết sẹo dài. Vết sẹo chẳng bao giờ lành. Một vết da mới trên gương mặt vốn rất đẹp của cô, nó đỏ hoét như da tôm bấy luộc.
* * *
Thằng Tèo lên năm. Nó theo bọn bạn mẫu giáo đi ngang qua con ngõ nhỏ. Tiếng người loé xoé phía sau:
– Này cháu… Vào đây nào – Bà già lưng còng thi thoảng vẫn đứng nhìn nó múa hát cùng các bạn vẫy tay gọi. Thằng Tèo co chân chạy. Nó vấp rễ cây, cày mặt xuống đường, sây sát máu. Bà già lọng khọng lần đến, nâng nó dậy. Thằng Tèo vùng tay. Nó hoảng sợ nhìn bà già, oà khóc…
Cô Thuận kéo thằng Tèo vào lòng, ghì chặt. Nước mắt cô vã ra. Ánh nắng chiều chiếu ngược lấp lóa. Tiếng ru hời từ ngôi nhà bên đường vọng ra ngàn ngạt, nghẹn ngào:
“Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Trời ơi. Cô Thuận tôi ngửa mặt nhìn trời. Đâu có phải tại cô không biết đẻ.
Bà mẹ chồng cô đánh tiếng gọi mẹ con cô về. Cô ghé mông bên thềm hè nhà tôi, quăng cái mê nón đánh tạch xuống bên cạnh, khuôn mặt đỏ nhừ như da gấc chín:
– Em thèm vào. Chịu nhục nhã đâu phải vì mảnh đất với mấy gian nhà ấy.
– Đã biết có phải bà ấy cho không mà thèm vào với thèm ra – Bố tôi nhả khói thuốc lào, nói bâng quơ.
– Bà ấy đánh tiếng từ lâu rồi. Nghi hoặc xem thằng Tèo có phải là cháu nội. Giờ thì muốn nhận đấy hẳn… Nhưng thôi. Sẩy chân sẩy tay còn lấy lại được. Đằng này… Sẩy miệng… Lời nói, đọi máu. Em găm vào gan ruột mất rồi.
– Cô này đến lạ. Thế thì cô đi quách còn quay quắt thuốc men, cháo não, chịu nhục nhã hầu hạ bà ấy ốm đau làm gì?
– Bà ấy chỉ có mỗi mình nhà em. Nhà em yểu phận, em thay anh ấy. Giờ thì vẹn đường rồi. Khi nào bà ấy chết, em sẽ đứng ra lo ma, nhưng muốn nhận thằng Tèo thì nhất định không được.
– Thôi. Ban mai mở mắt còn chả ăn ai, huống hồ sập sệ xế chiều. Cô nghĩ kỹ cho thằng Tèo một chút.
– Ai nói gì mặc kệ. Tai liền miệng họ lại nghe. Việc em, em làm. Mà em làm, em chịu.
Cô Thuận quày quả cắp nón đứng dậy. Ra đến ngõ còn ngoái đầu lại: “Mai anh ra đầm thu cá hộ em…”… Tiếng còn chưa dứt, người đã hút ra ngoài ngõ. Bóng cô đổ dài về phía sau lưng. Cả người cô, một nửa đang chìm vào rặng râm bụt ngút xanh, nửa còn lại hình như đi ngược vào vũng nắng.
Tác giả: Trương Thị Thương Huyền – Người thực hiện: NSƯT. Kim Cúc