Blog Radio – Tuổi thơ cứ như viên kẹo bọc đường mà thời gian là đứa trẻ. Tuổi thơ là một thứ mùi hương đầy diệu kỳ, nhẹ nhàng, lãng đãng mà cũng mong manh, dễ tan biến và bay mất. Tuổi thơ là những tháng ngày không vết nứt, để mỗi khi mệt mỏi hay tuyệt vọng, vấp váp hay chán nản, thì những ký ức của tuổi thơ chẳng khác nào những liều thuốc an thần tuyệt diệu, gửi tôi về với những bình yên.
***
Giáp Tết, trong cái không khí háo hức của bao người, tôi cũng như nhiều người khác, cứ vừa làm vừa mong nhanh nhanh đến Tết; để lấy lương, để nhận thưởng và để về nhà. Cái dư vị của Tết cứ dần dần len lỏi đến tận mọi ngõ ngách, từ nơi ở đến nơi làm việc như càng khuyến khích thêm tâm trạng lười làm việc chung, thay vào đó là câu chuyện hỏi han sắm sanh không đầu không cuối và những dự định nghỉ ngơi cho ngày Tết. Cả không gian ngập mùi trầm hương.
Chao ôi cái mùi hương trầm ngày tết, cái mùi thơm thơm, dìu dịu mà tuổi thơ tôi đã từng khao khát đợi đến cả năm để được hít hà nó một lần. Dễ biết rằng ngửi thấy nó, là đã biết rằng sắp đến Tết rồi, lại được đi chợ Tết, được ăn bánh Chưng, bánh Tét, được ăn thịt gà, thịt lợn và bánh trái đến chán chê, lại được mừng tuổi, lì xì, lại được đi tảo mộ, đi chơi và nghỉ ngơi quây quần bên gia đình.
Lúc bé là vậy, sau này, khi lớn lên, càng lớn thì lại càng phải có nhiều suy nghĩ, tôi mới biết được rằng, thì ra, Tết cũng chẳng qua là những tờ lịch mỏng được bóc vội mà thôi.
Với những người giàu, Tết chẳng qua chỉ là những ngày nghỉ và ăn chơi kéo dài hơn thường lệ mà ở đó họ không phải đau đầu, bận tâm đến những công việc thường ngày và có thể thoải mái tiêu những đồng tiền trong năm qua họ kiếm được. Còn với những người nghèo, như gia đình tôi chẳng hạn, Tết là một cái gì đó xa xỉ và đáng lo lắng hơn bình thường. Không phải là sẽ được ăn gì? Sắm gì? Chơi gì? Đi đâu năm nay? Mà thay vào đó là nỗi lo phải ăn gì? Lấy tiền đâu ra để mua sắm và trả nợ cho năm cũ? Bởi, cuộc sống ở quê không phải dựa vào đồng lương công nhân viên chức, mà thay vào đó, thu nhập chính là từ tâm trạng của ông Trời.Năm nào ông vui, trời đẹp, mùa màng bội thu, năm đó coi như vừa đủ. Năm nào ông dở chứng, đau bụng đau đầu, thay đổi tâm trạng triền miên là năm đó mất mùa, Tết cũng mất vui.
Tôi nhớ hồi bé, một buổi học, một buổi chăn bò. Chiều chiều, khi cái giá rét của mùa đông chưa đủ làm những trái tim nhỏ bé của bọn tôi sợ hãi, cứ chân trần, quần ngắn treo mắt cá, khoác chiếc áo cũ từ năm nảo năm nao. Tôi nhớ quay quắt cái mùi thơm nồng khi đốt lá khô, nhất là những đống lá bạch đàn. Nhớ mùi khói đốt đồng vào cuối mùa gặt. Nhớ cái mùi than bếp, nhớ mùi cỏ héo, nhớ mùi hôi của lưng trâu, nhớ mùi thơm của rơm rạ mỗi vụ mùa về, nhớ mùi cơm rang bếp củi của mẹ, nhớ mùi bánh chợ của bà, nhớ mùi cá nướng của cha, mùi mốc của những trang sách cũ vẫn tranh giành cùng thằng em, hay là mùi những đồ lưu niệm được lôi ra từ rương của những bà chị.
Blog Radio 378: Tháng Giêng và những hương vị tuổi thơ
Tôi nhớ mùi thơm ngát của hoa sim, của hoa dẻ vàng cháy trên đồi, nhớ mùi thơm ngạt ngào của những trái cây trong vườn nhà và của vườn hàng xóm, mùi của những buổi trưa nắng oi oi, mùi của cỏ may trên triền núi, cả những mùi hăng hắc của lũ chim non khi còn bé vô tình bị chúng tôi tìm thấy ổ.
Hồi bé.
Mùa đông, khi mà những cơn gió se se lạnh lặng lẽ quay về sau những ngày tháng mải miết rong chơi cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi vui nhất. Lùa lũ trâu bò vào núi, chúng tôi tự chặt cây, ghép lá làm nhà để tránh gió, lúi húi đứa kiếm củi, đứa kiếm lá, đứa đốt lửa, đứa quạt khói, đứa thổi than, quây xung quanh cái bếp tự chế bằng dao và đất đá. Mắt mũi đứa nào đứa nấy đỏ hoe và lấm tấm những bùn, đất, nhọ, than. Phù phù miệng thổi khói sang đứa đối diện mà đọc: “Khói về bên tê, ăn cơm với cá. Khói về bên ni, ăn cơm với đá. Đi đi…”. Cứ thế mà cũng trôi hết tuổi thơ. Giờ gặp lại, lũ bạn hồi ấy tao mày, chăn bò cùng năm ấy đã tay bế tay bồng, bộn bề lo toan cho cuộc sống của riêng chúng nó. Ai còn thời gian mà nhớ đến những chuyện xưa?
Ừ thì cuộc sống mỗi ngày mỗi khác, lo toan mỗi ngày cũng nhiều hơn. Cái gì đi qua thì đã cũ, ai níu lại làm gì? Có buồn không khi ngày ngày chẳng có điều gì thay đổi. Nhưng khi nhìn lại, mọi thứ đã đổi thay? Tuổi thơ tôi, gắn liền với vùng quê ấy, lớn lên, đi học, thời gian xa cũng đã hơn thời gian ở nhà, nhưng hình như, những ký ức ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Cứ vậy, mỗi lúc cô đơn, hay tâm trạng là chúng lại ùa về.
Thành phố bây giờ, ngột ngạt với những mùi vị của đồng tiền. Đi đâu, ở đâu, ăn gì, lúc nào tôi cũng cứ thử so sánh với những thứ mùi vị mà mình đã từng nếm thử qua. Ừ thì ngon hơn, công nhận, nhưng vẫn có gì đấy khác lạ, mà thiếu, thiếu những hương vị không biết gọi tên của hồi xưa. Ăn một củ khoai nướng, vẫn là mùi thơm lựng của khoai, nhưng lại thiếu đi mùi đồng quê rơm rạ. Bạn chỉ mua khoai mà không thể mua được những hoài niệm của một miền ký ức. Bạn không thể biết được nếu kết hợp nó với mùi thơm của rơm rạ, của lá cây khô, của tro lùi, nó sẽ tuyệt vời đến đâu. Cái mùi quê hương mộc mạc, cái mùi thơm lựng quyện vào gió heo may ấy, giờ đây đã vĩnh viễn ở lại với một thời xa vắng, như tuổi thơ của tôi.
Blog Radio 378: Tháng Giêng và những hương vị tuổi thơ
Ai đã từng một thời đào đất trộm khoai, giấu cả bùn đất vào túi áo, rồi lén lút mang lên đồi vun lá khô lùi nướng.Ai đã từng xuýt xoa với cảm giác than nhọ dính mồm, vừa thổi vừa ăn, vừa tỉ mẩn bóc những lớp vỏ sem sém cháy vàng có lẽ mới có thể cảm nhận được cái mùi thơm lựng, cái vị bùi bùi, ngòn ngọt khó tả ấy, mộc mạc như chính xuất xứ của nó, chân quê, dân dã mà không một nơi nào ở chốn phồn hoa đô hội này có thể tìm được.
Tuổi thơ.
Tôi còn nhớ cái mùi tanh tanh nồng nồng của bùn, của phù sa mỗi mùa lũ xuống. Mùa lũ cũng là mùa hè. Mỗi sáng, lũ trẻ lại í ới gọi nhau. Vội vàng ăn bát cơm rang của mẹ rồi lật đật mang nón, mở chuồng, thả lũ trâu bò bất trị theo chúng bạn ra đồng. Ở ngoài đồng, đấy là thế giới riêng của chúng tôi. Những cánh đồng bao la bát ngát quá rộng so với chúng tôi hồi bé, để rồi sau những buổi chơi trò nghịch ngợm, đánh trận giả, chơi ô ăn quan, đào hầm đất, ra bờ sông xây lâu đài cát, hay be bờ tát nước bắt cá nướng ăn là những nỗi lo sợ vì bị mắng khi không tìm được trâu bò nhà mình mà trời thì sắp tối.
Hồi bé, còn nhớ cái cảm giác chui lọt vào bãi ngô, men theo những hàng ngô ngã rạp vì thu hoạch để lượm bông sót, mà dân dã chúng tôi gọi là đi “mót”, lượm được thì cởi quần dài buộc túm ống chân để đựng. Chiều về, qua cửa hàng lại ghé vào đấy, lúc thì đổi que kem, cái kẹo lẻ, hay đơn giản là tấm hình siêu nhân bé bằng lòng bàn tay. Cái mùi xót của lá ngô không thể làm cho sự hiếu động của chúng tôi dừng lại.
Tuổi thơ tôi là những ngô nghê vụng dại, tôi nhớ mùi thơm và vị ngọt bùi của món ngô xay mẹ nấu mà mình vẫn tự hào là nhà lũ bạn không có, đâu biết rằng món ấy mẹ nấu thay cơm.
Tuổi thơ của tôi là những buổi lê la bắn bi, đánh vòng, chơi khăng, chạy cù, dù ở ngoài đường hay trường học, ở đâu cũng chỉ nghe lóc cóc, leng keng của tiếng bi chạm vào nhau. Tuổi thơ tôi còn là những lần khản giọng trêu đùa, là những lần đuổi nhau đến hụt cả hơi, là những tháng ngày tràn ngập nắng vàng, là những tháng ngày tôi lớn lên giữa đất trời dài rộng.
Tuổi thơ tôi còn là những lần tắm mưa ướt sũng, đội mưa đá bóng, hay đơn giản chỉ là nhặt những củ lạc “dội”, tận hưởng hương vị thơm bùi của nó lẫn với nước mưa. Hay là cảm giác đứng trên một trong những cành cây cao nhất trên đỉnh núi và ngắm nhìn ra xa, thu mọi thứ vào trong tầm mắt.
Facebook bây giờ thỉnh thoảng sẽ có những bạn trẻ thành phố đi phượt, đứng ở một nơi cao ráo nào đó và post những bức ảnh có khung nhìn rộng lớn, ghi chú là đứng giữa đất trời mênh mông. Nhưng thật ra, cái cảm giác đó bọn tôi đã trải qua từ tấm bé, nếu hồi đó có máy ảnh, cũng có Facebook như bây giờ, chắc chúng tôi se trở thành những “nhiếp ảnh gia”, những “nhà thám hiểm”. Cái cảm giác mình nhỏ bé giữa đất trời thênh thang hồi ấy giờ không cách nào có thể ghi lại được, đó chỉ có thể là hồi ức mà thôi.
Blog Radio 378: Tháng Giêng và những hương vị tuổi thơ
Tuổi thơ tôi cứ như viên kẹo bọc đường mà thời gian là đứa trẻ. Dần dà, tôi sợ tất cả những hồi ức xa xưa rồi cũng sẽ mờ dần dưới lớp bụi của thời gian. Có nhiều lúc, tôi còn sợ rằng đến một ngày nào đó, cả ký ức về những mùi hương, những dư vị xưa cũ cũng sẽ chết trong mình nếu cứ sống với một nhịp sống gấp gáp thế này. Tuổi thơ là một thứ mùi hương đầy diệu kỳ, nhẹ nhàng, lãng đãng mà cũng mong manh, dễ tan biến và bay mất.
Tuổi thơ, đơn giản là những kỷ niệm vô tư không toan tính. Dần dần lớn lên, tất cả mọi khát khao mơ ước hồi bé đều bị thực tế nghiệt ngã nhấn chìm. Không phải chỉ khi trở về già người ta mới quắt quay nhớ về quê cũ, mà khi cuộc sống phát triển đến một mức nào đó, người ta lại thèm những món ăn ngày cũ, thèm ngửi những mùi hương, những dư vị xa xưa.
Có rất nhiều chuyện, trước khi kịp quý trọng thì đã thành chuyện xưa. Cuộc sống không bán vé khứ hồi, những thứđã mất đi vĩnh viễn không có lại được. Tuổi thơ cũng không tua lại được như những bài hát hay cuốn phim nào cả. Tuổi thơ đầy mộng mơ mà cũng mỏng manh tựa một giấc mơ, những giấc mơ hiếm khi nào lặp lại lần thứ hai, cũng như tuổi thơ đã đi qua thì không bao giờ trở lại.
Càng lớn tuổi, con người ta càng ít nói đi, nghĩ nhiều hơn. Trưởng thành rồi mới hiểu, mong ước duy nhất là có được yên ổn trong tâm. Trưởng thành rồi mới biết, tuổi thơ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất.
Tuổi trẻ cứ thế đi rồi.
Còn nhớ đọc được ở đâu đó rằng: Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại, để được ướt thêm một lần nữa.
Với tôi, tuổi trẻ, tuổi thơ luôn là thứ mùi vị khó quên nhất, tuổi thơ là những tháng ngày không vết nứt, để mỗi khi mệt mỏi hay tuyệt vọng, vấp váp hay chán nản, thì những ký ức của tuổi thơ chẳng khác nào những liều thuốc an thần tuyệt diệu, gửi tôi về với những bình yên.
Nguồn: Blogradio.vn