RadioVn.Com – Tầm cúi đầu. Chị khe khẽ trút một hơi thở thật dài. Bên hàng xóm, gà nhà ai bây giờ mới gáy. Tiếng chày thậm thịnh đâu đây. Thoảng trong không gian có hương thơm của cốm đầu mùa. Vừng đông ló rạng soi lên nền trời những tia nắng hình rẻ quạt.
Bà cụ Thăng lại chống gậy ra ngồi ở gốc cây hồng đầu ngõ. Trời đã bắt đầu chớm heo may. Ngoài đồng từng đàn chim chèo bẻo bay về lao liệng trên những vạt lúa sớm hoe hoe chín. Đã thấy hương cốm thoang thoảng. Vài nhà trồng sen ngoài đầm đi hái nốt những cái lá cuối vụ đem về gói cốm. Mùa hồng chín cũng về theo…
Cây hồng mòng trước ngõ dễ đã gần ba chục tuổi, được chăm chút, quả nào quả nấy to như cái chén uống nước, treo lúc lỉu trên cành, hây hẩy như má trẻ con, ấy vật mà chẳng quả nào có hột. Ai cũng khen đây là giống hồng quý, quanh vùng chẳng nhà nào có. Với bà Thăng, cây hồng như sự hiển diện của một con người, nhất là từ ngày Thăng đi vắng.
Những tia nắng hình dẻ quạt
Dạo còn học cấp ba trên huyện, Thăng mang ở đâu về một đống các giống cây đem trồng ở vườn và hì hục chăm bón. Chiều nào không đi học, không giúp mẹ làm đồng là cậu lại hí húi ở ngoài vườn chiết chiết, ghép ghép những mầm cây. Lũ con gái cùng lớp thi thoảng đến chơi cứ gọi nó là “nhà nông học’. Lụi hịu mấy năm trời, cây lớn, cây nhỏ đều không vừa ý Thăng, chỉ có mỗi cây hồng nó đem ươm ở đầu ngõ là còn sống, Thăng chăm cây hồng quá bà già chăm trẻ nhỏ. Ngày đi bộ đội, Thăng dặn:
– Bà chăm cho con cây hồng này, nó không dễ trồng, nhưng đây là giống quý lắm đấy bu ạ! Khi nào về, con sẽ chiết ghép nhân giống trồng ra khắp vườn nhà mình. Sau này con sẽ làm giàu bằng nghề bán cây giống cho bu xem!
Bà cười:
– Thì bu cũng mong sống được đến ngày ấy!
Nó trêu bà:
– Bu cứ yên tâm! Mà hồng của con chẳng dễ long tai như hồng của thày khi xưa đâu bu ạ!
Bà bật cười và nhớ lại ngày xưa. Khi chưa quen nhau, anh chàng đóng cối hay chữ đã ướm hỏi bà bằng câu hát có hồng có cốm. Câu hát rằng anh chàng mua cốm, mua hồng làm sính lễ sang chơi nhà người yêu. Ai ngờ người ấy đã có chồng, thế là cốm của anh ta bị mốc và một trăm hai chục quả hồng để long tai. Bà nghe, thương quá mà nhận lời. Ai dè, anh ta chỉ là một chàng đóng cối dởm. Cưới nhau xong, anh đi đánh Tây một lèo cho đến khi hy sinh ở Điện Biên Phủ, để lại cho bà thằng con lém lỉn y như bố nó.
Thăng đi rồi, bà chăm chút cây hồng như ngày trước chăm nó vậy. Trời mưa nắng, bão giông gì cây hồng cũng có bà bên cạh. Một chiếc lá xanh rụng sớm cũng làm ba xa xót trong lòng. Có lần chị hàng xóm vô tình chạm lưỡi cuốc vào thân cây làm nó ứa nhựa, bà vội xé ngay một vạt áo đang vắt trên dây phơi bằng bó cho nó. Bà hay nói chuyện với cây hồng đến nỗi cái Tầm con ông Đồng xóm dưới đến chơi cứ ngạc nhiên mãi. Tầm là bạn học với Thăng hồi cấp hai. Hình như cô cậu đã có tình ý với nhau nên từ dại Thăng đi bộ đội, Tầm thường qua lại giúp bà nhiều việc, ngồi hàng giờ nghe bà kể chuyện về Thăng. Biết vậy, thư của Thăng gửi về bà hay nhờ Tầm đọc, rồi bà lại đọc để Tầm viết cho Thăng. Bà để ý, thấy lần nào đọc xong, Tầm cũng cất lá thư ấy vào một chỗ, thi thoảng lại lén đọc lại. Bà cũng quý Tầm. Hôm nào Tầm không đến là bà nhớ. Nhà Tầm chỉ có hai bố con. Bố Tầm ốm yếu, đã mấy năm nay chỉ quanh quẩn trong nhà. Một lần nhận được thư Thăng gửi về, bà lại đưa cho Tầm đọc. Được vài câu đầu, tự nhiên bà thấy mặt Tầm đỏ ửng đến tận mang tai. Nó cứ lúng búng trong miệng chẳng thành lời, rồi đột nhiên dúi lá thư vào tay bà, bỏ chạy làm bà phát hoảng. Bà vội vàng sang hàng xóm nhờ con Bé học lớp ba đọc hộ. Con Bé đọc được vài câu đầu nó cũng dừng lại một tí rồi reo lên:
– Chú Thăng bảo hết đợt huấn luyện này được thưởng phep sẽ về để bà cưới vợ cho chú ấy! Ồ, mà chú ấy bảo bà cướu cô Tầm cho chú ấy bà ạ! Thế là cháu sắp được ăn cỗ rồi! Bà cho cháu đi đón dâu với bà nhớ!
Bà cũng sung sướng như con Bé
– Ừ, nhất định là cháu sẽ đi đón dâu cho bà rồi! Đọc kỹ lại cho bà nghe xem nào!
Con Bé đọc lại hai ba lần nữa, bà mới tin là không nghe nhầm. Thằng Thăng nhà bà mà lấy được con Tầm thì còn phải nói. Bà ưng con bé từ lâu rồi. Tuy mới học hết cấp hai nhưng nó tần tảo, hiền lành và hiếu đễ. Được nó làm dâu, bà chả mong gì hơn thế! Thì ra anh chị đã hẹn hò với nhau, thảo nào đọc đến chỗ Thăng bảo được nghỉ phép về là cưới vợ, nó cứ lúng ba lúng búng. Ngày xưa bà cũng thế, mừng bao nhiêu thì ngượng bấy nhiêu.
Tối hôm ấy bà chờ mãi không thấy Tầm sang như mọi bữa. Hôm sau, đi chợ về, bà mua chục trứng gà thật ngon xách sang bên ấy. Tầm đang lúi húi vừa ninh cháo vừa sắc thuốc cho bố. Chắc Tầm cũng vừa đi làm đồng về nên hai ống quần còn vo lên bên trên đầu gối. Nhìn cảnh ấy bà thấy nao nao thương cảm. Thấy bà đến, Tầm cứ luống ca luống cuống. Bà đưa chục trứng cho Tầm. Có vẻ vẫn còn ngượng nên Tầm cứ đứng vân vê tà áo. Ông bố giục, Tầm như chợt nhớ ra chạy đi rót nước mời bà rồi ý tứ đi xuống bếp. Bà cũng lúng túng không biết mở đầu câu chuyện ra sao. Vòng vo mãi bà mới nói được gẫy nhẽ:
– Cháu Thăng nhà tôi nó viết thư về. Tôi mừng quá nên mẹn phép sang có nhời thưa trước với ông để xin ông cho phép mấy hôm nữa cháu Thăng về, gia đình tôi sẽ chuẩn bị cơi trầu thưa chuyện cùng ông và họ mạc bên nhà để được lo việc cho hai cháu.
Bố Tầm cũng vui mừng chả kém gì mẹ Thăng. Ông cố nói cho thật rành rọt:
Nếu cháu nó được về làm dâu con bên nhà thì tôi có nhắm mắt cũng yên tâm lắm.
* * *
Từ hôm ấy chẳng những chăm chút cây hồng mà bà còn ra sức vỗ bép cho con lơn trong chuồng, mua dăm con gà thả thêm vào đàn gà nhà đang nuôi sẵn. Bà nghĩ, đám cưới sống mới, sống cũ gì cũng được, nhưng nhất định phải làm chục mâm mời họ hàng. Bà những muốn làm đám cưới cho Thăng chẳng kém ai trong làng để đỡ tủi phận con mất bố. Có dễ đến mất tuần sau, Tầm không dám sang lúc bà ở nhà. Vậy mà nhà bà lúc nào cũng sạch sẽ, cám bã lợn gà đâu vào đấy, rau ngoài vườn được tưới tắm, hái tỉa, để sẵn trong rổ cho sáng mai bà đi chợ. Chè xanh đã hãm trong ủ tích. Nhiều khi về muộn bà đã thấy cơm canh đậy lồng bàn đặt trên giường. Bà sung sướng biết mình đang có quả thị vàng. Cô Tấm của bà đang giấu mình têm trầu cánh phượng. Bà đếm từng ngày trên đốt ngón tay. Tất cả mọi thứ cần cho đám cưới bà đã dự tính đâu vào đấy thì một chiều có tiếng trẻ reo ngoài ngõ. Cái Bé đang rối rít gọi bà. Bà lật đật chạy ra. Cái Bé khoe:
– Có thư của chú Thăng bà ạ! Bà để cháu đọc cho bà nghe nhớ.!
Tai bà chợt ù đi, hai đầu gối tự nhiên run lẩy bẩy. Bà phải vịn vào vai con Bé. Con Bé vô tư giơ bức thư lên ngắm ngiá. Nó nói như reo:
– Bên trong như có ảnh ấy bà ạ!
Con Bé quay sang nhìn bà. Nó kêu lên:
– Bà ơi! Sao tay bà run thế? Để chau dắt bà vào nhà! Đến thềm, hai bà cháu cùng ngồi xuống. Bé đưa phong thư cho bà:
– Bà bóc ra đi để cho cháu đọc!
Loay hoay mãi bà mới bóc được phong bì. Trong ấy có hai tấm ảnh của Thăng to cỡ bàn tay. Trong ảnh, Thăng mặc quân phục, đội mũ đeo sao, rõ ra dáng lắm. Cái miệng nó cười như chuộc lỗi với bà. Bà hồi hộp nghe Bé đọc thư. Trong thư Thăng nói chưa thể về vì đơn vị có lệnh hành quân gấp. Nó dặn bà cố nuôi con lợn béo thêm một ít nữa. Vào trong ấy đánh thắng vài trận là nó có thể yên tâm về cưới vợ. Biết nó tếu mà bà chẳng thể cười được. Bà phát ốm. Bà nằm hàng tuần không dậy. Tầm như con thoi đi lại giữa hai nhà chăm sóc hai người già ốm. Bà biết ăn nói sao với bố Tầm, với Tầm bây giờ?…
Một buổi sáng, bố Tầm bắt con đưa sang nhà bà Thăng. Vốn là người mộc mạc, chả rào trước đón sau, ông nói:
– Thôi, bà chớ có buồn phiền lo nghĩ nhiều. Thời buổi chiến tranh, anh ấy chưa về được bây giờ cũng là cái nhẽ thường. Chúng chả cưới bây giờ thì mai này về cưới cũng chả muộn. Với tôi thì một lời là ngãi. Con trẻ đã có lòng thương nhau thì xin bà cứ coi con cháu Tầm đây như dâu con trong nhà vậy. Bà có nhận nhời tôi với yên tâm!
Ông chỉ nói được có thế rồi từ tạ ra về. Bà Thăng rưng rưng nhìn theo hai cha con Tầm khuất dần sau giậu cúc tần ngoài ngõ.
Sau này khi bố mất, Tầm đi về với bà nhiều hơn. Dạo này Tầm tham gia công tác đoàn thể nên tất bật tối ngày, hết việc đồng lại việc xã, rảnh lúc nào lại sang quấn quít với bà. Hết năm này sang năm khác, bà mỗi ngày một già thêm mà vẫn chưa thấy Thăng về, thư từ lâu rồi cũng không có. Trên muốn cử Tầm đi học để sau này về huyện công tác, Tầm không đi. Bà biết Tầm ở lại là vì bà. Bà giục mấy, Tầm cũng chỉ cười trừ. Ngủ lại với bà, Tầm thường mang báo về đọc cho bà nghe tin thắng trận để bà mừng. Bà giật mình khi thấy Tầm đã có nhiều vết rạn chân chim nơi đuôi mắt. Búi tóc to nặnng sau gáy cứ ngày một nhỏ đi làm lòng bà se sắt. Lợn trong chuồng cứ nuôi hết lứa này đến lứa khác mà bà với Tầm chẳng ai dám nhắc đến ngày về của Thăng. Khi nhận được tin Thăng chẳng bao giờ còn về được nữa thì người suy sụp chính là Tầm. Tầm không nói với ai hàng tháng trời. Bà Thăng lại lụm cịm đi về với Tầm, chăm chút, thí dỗ Tầm như trẻ con. Nhiều lần, bà thấy Tầm ngồi trong buồng ngắm mãi cái áo cổ bẻ màu trứng sáo còn mới nguyên không hiểu sao mất một cái cúc ở ngực mà nó không đơm lại.
Những tia nắng hình dẻ quạt
Rồi sự bình tĩnh lắng dịu cũng trở lại với Tầm. Giữa bà với Tầm giờ đây dường như không còn khoảng cách. Mỗi người đều có một căn nhà nhưng ở cả hơi nơi họ đều không có gì riêng cả. Mọi người xung quanh nhìn bà với Tầm bằng con mắt thông cảm, sẻ chia. Bà thấy giữa hai người có quá nhiều thứ để gắn bó với nhau. Chính vì thế mà bà lại quá đau lòng nhìn Tầm đang dần dần đi vào khoảng quá lứa nhỡ thì. Nhiều đêm nằm rủ rỉ, bà khuyên Tầm nên nghĩ đến chuyện chồng con nhưng Tầm cứ vâng dạ để đấy. Càng ngày bà càng không thể nhìn Tầm mòn mỏi trong nỗi đợi chờ vô vọng. Bà biết Tầm còn quá nặng tình với Thăng và Tầm không nở để bà ở lại một mình. Chính điều đó làm bà xót xa. Ngày xưa, bà ở vậy vì bà còn có Thăng nhưng với Tầm thì không có sự vô lý nào hơn là cứ chung tình với người dưới mộ. Nhiều đêm trằn trọc, bà nằm nghĩ cách khuyên bảo Tầm để Tầm phải nghe theo. Một lần vào dịp 27 tháng 7, Tầm cùng đoàn cán bộ xã đi thăm anh em thương binh nặng ở trại điều dưỡng. Khi về Tầm mừng rõ kể cho bà nghe là đã tìm thấy An, cháu goi bà bằng dì. An bị hỏng cả hai mắt. Nó đã cố im hơi lặng tiếng để cho người yêu đi lấy chồng. Con bé ấy cũng là người tốt nết. Hai bên gia đình ép mãi nó mới chịu để cho nhận trầu cau nhà khác. Nó cưới được một năm thì mẹ An qua đời. Chắc con Tầm sợ như thế nên nó nhất quyết không bỏ bà để đi lấy chồng. Bà nghe Tầm kể về An với giọng đầy thông cảm. Tuần sau, Tầm đưa bà đến trại an dưỡng thăm An. Bà không tài nào cầm lòng dưdợc khi An cứ rờ rẫm hai tay lên mặt bà mà xuýt xoa:
– Thât là dì của con rồi! Con vẫn hình dung ra dì như thê này. Dì giống hệt mẹ con. Hồi đi học hai anh em chờ dì ghé qua nhà chúng con trọ, thằng Thăng bao giờ cũng bảo, khéo có anh nhận lầm mẹ em đấy!
Nhìn nó cười mà lòng bà quặn thắt. An quờ tay nắm chặt tay Tầm:
Anh cảm ơn Tầm lắm lắm. Em đã cho anh được gặp dì, thế là anh lại muốn sống rồi Tầm ạ!
Nhìn bàn tay hai đứa xiết chặt, trong đầu bà chợt nảy ra một ý. Sau này, bà tìm cách cho Tầm đến với An nhiều hơn. Bà nhờ cậy mà như là buộc Tầm phải thay bà thăm nom săn sóc An vậy. Bà thừa biết An chẳng lạ gì chuyện giữa Tầm với Thăng và hình như Tầm đi thăm An cũng là một sự tự nguyện. Bà hy vọng rồi chúng sẽ như bà mong muốn và bà ngấm ngầm sắp đặt mọi việc. Dường như Tầm biết ý nên dù ân cần với An, bà thấy nó vẫn giữ một khoảng cách. Nhưng vì con, vì cháu nhẽ nào bà lại chịu thua.
Gần đây, bà cụ thấy mình yếu nhiều. Lắm lúc nằm trong nhà nhìn ra bà thấy tán lá của cây hồng giống hệt hình người đang lom khom cuốc xới, cái đầu thi thoảng lại ngẩng lên hất mái tóc xõa xuống giống y như Thăng. Rõ ràng người ấy còn cúi xuống phía bà. Bà bàng hoàng chống tay ngồi dậy, nhìn kỹ tán lá của cây hồng chẳng có gì lạ cả nhưng hễ nằm xuống, bà lại thấy nó giống người. Cây hồng cũng ngày một già đi. Nó không được nhân ra thành nhiều cây con để trồng khắp vườn dù Tầm cố chăm bón không để cho nó cỗi. Xuân về, nó vẫn đâm chồi nảy lộc, xòe bóng mát che chở cho người thân những lúc hè về và se sẽ thả xuống những bông hoa hình ngôi sao nho nhỏ như để làm an lòng họ. Mùa cốm đến nó lại cho những quả chín đậm đà hương vị không đâu có được. Bà cụ Thăng vẫn ra ngồi gốc hồng để khâu vá, để nghĩ ngợi. Bà ngồi đấy đau đáu một ước mơ: tìm được hài cốt thằng Thăng để mang về đặt cạnh mộ ông cụ để ngày rằm, mùng một bà có thể đến thắp nén nhang cho hai bố con. Với ý nguyện ấy, đã hai lần Tầm nhắn tin trên đài phát thanh, trên ti vi trong mục “Nhắn tìm đồng đội”. Ngày ngày, bà cụ Thăng lại ra ngồi ở gốc cây hồng cặm cụi với công việc may vá của mình. Thi thoảng cụ lại dừng tay ngóng ra ngoài ngõ để cái kim trên tay rơi tự lúc nào. Thường thì bà cụ chỉ đứng lên vào nhà khi không tìm được kim để khâu tiếp. Hôm ấy, mấy đứa trẻ giúp bà cụ hái hồng để dấm, chúng đã nhặt được dưới gốc cây hàng vốc kim khâu rỉ, may mà không đứa nào dẫm phải. Khi hồng chín, bà cụ chọn những quả thật ngon để Tầm mang lên trại điều dưỡng. Bà lại ngồi dưới gốc cây, một bị đầy những quả hồng mòng để bên cạnh. Bà chờ lũ trẻ đi học về để chia cho mỗi đứa một quả.
* * *
Cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng về việc triển khai cuộc vận động đón người thân là thương binh nặng về chung sống với gia đình mà Tầm được giao là phó ban thường trực mãi đến trưa mới xong. Tầm vội đạp xe lên thị xã lấy bức ảnh của Thưng đưa đi chụp lại từ hôm trước. Nhận được bức điện của người đàn bà xa lạ từ Nam bộ gửi ra, chị tin là anh ấy thật. Chị chọn tấm ảnh của Thăng hồi còn đi học. Với chị, tấm ảnh ấy giống Thăng hơn cả. Tầm giấu chưa dám nói chuyện bức điện với mẹ Thăng sợ còn có nhầm lẫn. Lấy được ảnh, chị ra bưu điện gửi theo thư chuyển phát nhanh. Kèm theo bức ảnh, chị ghi tất cả những điều cần thiết vào một tờ giấy. Lời trong bức điện của người đàn bà kia quá ngắn nhưng cũng đủ làm cho Tầm day dứt một nỗi buồn. Đã lâu lắm rồi, khi đọc kỹ bức điện chị mới lại dấm dứt khóc. Mới đầu chị đã định không chút hồi âm cho người đánh bức điện nhưng nhìn mẹ Thăng cứ ngày ngày chống gậy ra ngồi ở gốc hồng, trông hút đến tận cuối ngõ, chị lại chẳng đành lòng. Phần mẹ, chị mong mỏi đấy là anh, phần chị, chị lại mong là không phải. Thư gửi đi và mình Tầm thắc thỏm đợi chờ. Một lần bà cụ nói chuyện về An, Tầm đã nói cho mẹ nghe về chuyện bàn trong cuộc họp ở Đảng bô xã hôm nào. Bà cụ xem ra mừng rỡ lắm. Bà bảo hôm nào Tầm rỗi, đưa bà lên trại điều dưỡng để hai mẹ con cùng bàn với An. Tầm biết từ khi gặp lại An, bà đã coi anh gần như Thăng sống lại. Thế nhưng trong lúc này, Tầm chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ tới chuyện đó. Chị định khi nào tìm được Thăng, đưa Thăng về với mẹ rồi sẽ tính.
Một buổi, chị đang chuẩn bị bữa trưa ở nhà mẹ Thăng thì có hai người đi vào ngõ. Chị giật bắn mình khi nhận ra người đi trước chính là Thăng. Thăng của hơn chục năm về trước khi còn là học trò trường huyện. Theo sau là người đàn bà luống tuổi, mặc bộ đồ bà ba. Linh tính bảo cho chị biết những người ấy là ai. Một phút sững sờ, chị vội đi ra đứng cạnh mẹ Thăng để đón hai người khách lạ. Chưa kịp nói gì thì bà cụ đã vứt cây gậy sang bên, nhanh nhẹn khác thường bước lên phía trước, sung sướng gọi:
– Thăng về đấy ư con!
Tức thì, cả ngần ấy cánh tay cùng đỡ lấy bà cụ. Cậu con trai lễ phép:
– Thưa nội…
Bà cụ sững lại, một chốc mới với tay tìm cây gậy của mình rồi nặng nhọc bảo Tầm:
– Mời khách vào trong nhà đi con.
Cậu con trai đỡ bà cụ đi vào. Tầm và người đàn bà lặng lẽ theo sau. Tầm đối đãi với hai người khách như đã quen từ trước. Bây giờ Tầm mới nói chuyện với mẹ Thăng. Bà cụ mừng như được đón con mình về vậy. Linh cảm huyết thống đã làm bà cụ thấy thật gần gũi với hai người mới đến. Cậu con trai ngồi sát liền với bà, bà nhìn cậu vừa sửng sốt vừa mừng rỡ:
– Cháu giống thằng Thăng nhà bà y như hai giọt nước!
Cậu con trai cười, một chút bẽn lẽn thoáng qua, cậu ngồi sát lại vòng tay ôm lấy bà, mũng nịu ghé vào tai bà khẽ gọi:
– Nội…
Những nét khó xử trên mặt người đàn bà lạ dần dần giãn ra.
Tất cả lời nói, cử chỉ của mọi người xung quanh như cật cứa vào lòng Tầm. Tạo hóa đùa giỡn thò bàn tay vô hình vần vò trái tim tưởng như đã khô cằn của chị. Chị nén nỗi đâu không để cho nó lộ ra trên gương mặt. Nỗi vui mừng của bà cụ làm cho câu chuyện của mọi người thân mật, ấm áp hơn và làm dịu đi những tia buồn chợt lóe lên trong mắt Tầm. Tầm ra chợ mua về khá nhiều thứ. Hai người đàn bà cùng nấu một bữa cơm. Tầm nhìn người đàn bà lạ lóng ngóng đến tội nghiệp. Vừa làm chị vừa chỉ cho người ấy cách nấu vài món ăn ngoài Bắc. Chị cố làm cho người đàn bà lạ không còn cảm thấy mình là khách và người ấy đã có vẻ cởi mở, tự tin hơn.
Cơm nước xong, chị thu xếp chỗ nghỉ cho hai mẹ con người đàn bà, ép bà cụ uống vài viên thuốc bổ, dặn dò đôi điều về những thứ đã chuẩn bị sẵn cho vài ngày sau rồi thưa với bà cụ mình phải đi tập huấn ít ngày trên tỉnh. Mải quấn quýt với thằng cháu đích tôn nên khi chị đã dắt xe ra ngõ bà cụ mới nói với theo:
– Chong chóng mà về con nhé!
Tầm chẳng đi đâu mà đạp xe về thẳng nhà mình. Quẳng cái xe đạp đổ kềnh vào một xó, Tầm đổ vật ra giường. Chị chẳng để ý đến mùi giường chiếu đã lâu không có người nằm và căn nhà bốc hơi ngai ngái, hăng hắc. Chị vật vã trong nỗi đau khô cạn, những giọt nước mắt không ra đến bờ mi. Chưa bao giờ Tầm ý thức được sự mất mát như lúc này. Tình yêu của Tầm đã lắng xuống quá lâu rồi, nó chỉ còn như hòn than âm ỉ trong đống tro ký ức mà bấy nay chị vẫn coi như một báu vật. Bây giờ, với sự hiển diện của cậu con trai giống Thăng như đúc và người đàn bà lạ, chị thấy mình đã mất hết, chị oán hận Thăng và oán giận chính mình. Sao Thăng lại hẹn về cưới nhau rồi cứ để chị phải mỏi mòn trông đợi? Sao cái đêm ở vườn dâu năm ấy chị lại giữ gìn với Thăng để làm gì? Ừ, thì chị đã sợ hãi nhưng sao Thăng lại không quyết liệt hơn để giúp chị bước qua sự sợ hãi vô lý đó. Thăng đã vượt qua được sự giữ gìn làm bật tung cúc áo chị, anh đã vượt qua mọi sự ngăn cách để áp mặt vào bầu vú trinh nữ của chị mà thổn thức. Chị đê mê hít thở mùi nắng cháy khét trên tóc Thăng. Nhưng đến luc cuối cùng, không biết sự ngu ngốc nào đã đánh thức chị. Chị đẩy anh ngã vật trên cỏ và ngồi dậy ôm mặt khóc. Sau này. Vắng Thăng, sự sợ hãi ấy đã thành kỷ niệm ngọt ngào cho chị nhấm nháp. Đến khi sự hăng hái, năng nổ và bộn bề công việc không khỏa lấp được nỗi cô đơn, chị đã thấy tiếc cho mình. Cái áo chị mặc hôm ấy lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho treo trên mắc, dù biết hàng khuy của nó thiếu khuyết một chiếc, chị cũng không đơm lại. Chị định sẽ mặc nó trong đêm tân hôn để dành cho Thăng một sự thú vị nho nhỏ. Thế mà cái áo ấy cứ treo mãi trên mắc. Chị lấy ở bên nhà cái áo cũ của Thăng đem về lồng vào cái áo của chụi và coi đó như là một sự hòa đồng, ấp ủ, chở che, ngõ hầu làm dịu đi nỗi nhớ mong, thèm khát cồn cào trong quãng trống.
Gần cả cuộc đời chị đã không thể nghĩ đến một người đàn ông nào khác. Chị sợ sự động chạm với họ ngày cả lúc vô tình. Tình yêu với Thăng đã gắn chặt đời chị vào đời người mẹ già chịu nhiều mất mát. Hai người đàn bà nương vào nhau, chệnh choạng bước trên quãng đường lầm lụi. Vậy mà giờ đây, một người đàn bà xa lạ dẫn đứa con trai về nhận mẹ chồng, bà nội. Chị thấy mình thừa thãi giữa họ, y như trời đã sinh ra trên khuôn mặt con người có đầy đủ tóc tai mũi miệng với hai con mắt, thêm vào đó một con nữa dù có đẹp đến đâu cũng trở thành thậm vô lý. Chị thầm hét lên rằng anh ấy không có đứa con nào cả! Nếu như anh ấy có thể có một đứa con thì nó phải là con của chị với anh. Noa phải bú dòng sữa chắt ra từ máu thịt, từ tình yêu thương của chị chứ không phải của một người đàn bà khác! Cậu con trai ấy giống Thăng chỉ là sự tình cờ thôi! Thăng không thể là kẻ phản bội! Chị muốn mọi người cũng tin như thế! Nhưng sự thật lại không như ý muốn của chị. Cậu con trai ấy hiển nhiên không phải là sự tình cờ của tạo hóa. Người đàn bà kia đã đem đến cho mẹ Thăng điều lớn hơn rất nhiều so với sự mong đợi của bà, điều mà chị chẳng bao giờ làm được dù có học người xưa xả thân mình nuôi mẹ. Không hẳn người đàn bà ấy đã cướp đi tất cả của chị mà chính là Thăng. Phải rồi, chính là Thăng! Anh đã để chị phải chờ đợi đằng đẵng suốt ngần ấy năm trời. Nhìn lên bức ảnh, chị thấy nụ cười trên môi Thăng đầy vẻ giễu cợt. Tầm lả đi trong tiếng dế nỉ non, ai oán.
* * *
Dưới ánh trăng suông, Bảy Thơm tìm đến ngôi nhà nhỏ nép bóng tre. Cửa khép hờ, trong nhà im ắng quá. Chị ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ. Chị khẽ chạm vào cánh cửa. Trong nhà có giọng nói yếu ớt vọng ra:
– Anh chỉ là kẻ phản bội!
Bảy Thơm đẩy cửa chính bước vào. Anh trăng đổ một vệt dài qua ô cửa mở. Chị lặng lẽ đến cạnh Tầm trong khoảng không gian sực nức mùi vị của sự lãng quên. Tầm mệt mỏi ngồi dậy. Bảy Thơm nâng lấy bàn tay Tầm lạnh giá, sần sận những vết chai và giữ trong tay mình, sẽ sàng:
Em mới là người có lỗi. Em biết rằng anh ấy chẳng yêu em. Em đã chiếm anh ấy của chị. Khi đó em nào có nghĩ được điều gì xa quá tầm tay. Em chỉ thấy rằng em yêu ah ấy, em thèm muốn có được anh ấy. Tối nào bọn em cũng ra đi với súng đạn bên mình. Em đã thấy pháo giặc giết chết một đồng đội ngay trước mặt. Em sợ đến một lúc nào đó em cũng bị như vậy. Thế là em tìm cách để đến với anh ấy, làm cho anh ấy phải cho em điều mà em muốn. Sau đó, em yên tâm ra đi với công việc của mình. Em đã chẳng bao giờ gặp lại anh ấy. Đến quê của anh ấy em cũng không biết ở đâu. Em sẽ bị dằn vặt suốt đời nếu em không đưa được anh ấy và con tìm về quê cha đất tổ và không được thú nhận cùng chị. Anh ấy gởi lại cho em mảnh giấy và kỷ vật này. Em đã giữ gìn nó suốt bằng ấy năm. Bây giờ nó phải thuộc về chị.
Bảy Thơm cởi chiếc dây chuyền đeo ở cổ ra để trong lòng bàn tay. Dưới ánh sáng nhạt nhòa của trời rạng, chị cẩn thận mở cái mặt dây chuyền hình trái tim rồi đặt tất cả vào tay Tầm. Tầm lặng người khi thấy trong hình trái tim một cái cúc làm bằng vỏ trai lóng lánh màu xà cừ. Nhìn kỹ trên mặt cúc chị thấy có một chấm đen nhỏ xíu. Lấy ngón tay trỏ khẽ lau cái chấm đen đó, Tầm thấy nó không mất đi mà lại lan rộng ra, bồng bềnh như mái tóc, dưới mái tóc dần hiện lên một gươngmặt với nụ cười quá quen thuộc. Tầm thấy lạnh toát cả người, chị ấp cái cúc vào lòng bàn tay một lúc lâu mới mở ra nhìn lại. Cái cúc bây giờ chỉ là một mảnh vỏ trai nhỏ xíu lóng lánh màu xà cừ ngũ sắc. Tầm đứng dậy lấy cái áo cổ bẻ màu trứng sáo treo trên mắc xuống vuột phẳng. Chị đặt cái cúc vào chỗ của nó, tìm kim chỉ đơm lại cẩn thận. Cả bốn chiếc cúc y hệt như nhau. Hai người đàn bà ngồi đăm đắm trong im lặng.
Bên ngoài, trời đã rạng sáng, những chú chim sâu lách chách chuyền cành. Có tiếng chân bước lập cập và tiếng gậy tre ngoài cửa. Hai người đàn bà cùng dứt mình ra khỏi ký ức. Bà cụ ngồi thụp xuống trước mặt hai người, thở hắt ra như vừa trút được gánh nặng. Tiếng bà cụ thều thào như tiếng gió:
– Chẳng ai hiểu con bằng bu đầu Tầm ạ! Con đừng nghĩ dại. Con có làm sao thì bu biết sống với ai?
Tầm cúi đầu. Chị khe khẽ trút một hơi thở thật dài. Bên hàng xóm, gà nhà ai bây giờ mới gáy. Tiếng chày thậm thịnh đâu đây. Thoảng trong không gian có hương thơm của cốm đầu mùa. Vừng đông ló rạng soi lên nền trời những tia nắng hình rẻ quạt.
Tác giả: Hoàng Phương Nhâm – Người thực hiện: Hải Yến
Từ khóaHải Yến Hoàng Phương Nhâm tia nắng truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …