Bài nổi bật

Làm dâu – Phạm Thị Hương

RadioVn.Com – Ngay sau khi ông khỏe lại, việc đầu tiên ông muốn làm là từ mặt vợ chồng tôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà cam chịu. Bà không ra phản đối cũng chẳng ra đồng tình. Bà lặng lẽ ngồi mép ghế, cúi đầu như người biết lỗi.

Anh chị chồng ái ngại cho tôi nhưng thấy cụ cương quyết nên cũng không dám tham bàn. Mặt tôi nóng bừng bừng. Tai tôi nóng bừng bừng. Ruột gan tôi cũng nóng bừng bừng. Tôi đứng phắt dậy. Nam kéo tay tôi nói nhỏ “Thôi mình ngồi xuống”. Tôi gào lên “Vậy bố muốn chúng con để mặc cho bố chết đi ạ? Đạo hiếu là thế hả bố? Mà con không thể nào hiểu được sao bố lại quý cái “của nợ” ấy hơn tính mạng mình”. “Cô, cô vừa nói cái gì là của nợ?”. Ông vừa nói vừa ôm lấy ngực như người bị sốc. Mọi người chạy lại đỡ ông. Tôi há hốc mồm chưa kịp nói thêm câu gì thì đã nhận được một cái tát của Nam. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi nhìn Nam trừng trừng. Cái tát của Nam không đủ làm tôi đau. Vì lúc tát, tôi cảm nhận tay Nam còn run run. Ý nghĩ ấy làm tôi thấy tức cười nhưng cũng rất bực mình. Có cái gì đó trong tôi vỡ tan. Đây là lần đầu tiên Nam tát tôi. Trước kia dù tôi sai thế nào, Nam cũng thủ thỉ khuyên vợ. Nước mắt trào ra, tôi lao ra khỏi nhà.
Làm dâu – Truyện ngắn của Phạm Thị Hương
Nam cưới tôi vào một ngày đầu tháng sáu. Tháng sáu với những ngày nắng rát. Mọi người bảo nắng cho hanh thông cửa nhà, cho rộng đường phát đạt. Đúng ngày rước dâu, trời dở chứng. Gió thổi. Mây đen vần vũ. Trời mưa! Mọi người lại tay bắt, mặt mừng chúc phúc cho tôi. “Mưa là tốt rồi, mưa đem theo lộc”. “Đám cưới mà gặp mưa là lộc đầy nhà”. Tôi không quan tâm mưa hay nắng. Lấy được Nam là tôi thấy sướng vì tôi yêu Nam. Mẹ vẫn hay cằn nhằn vì tính cách của tôi “Con gái gì mà sồng sộc rồi người ta đánh giá”. Chẳng biết có phải vì tính cách “sồng sộc” ấy của tôi mà ngay từ hồi mới cưới gia đình anh đã nhiều lần nhắc nhở tôi. Nam lại chết mê, chết mệt cái tính cách ấy của tôi. Anh vẫn bảo con gái mà cứ giả ngây, giả thơ là anh rất ghét. Tôi đi làm may ở khu công nghiệp cách nhà anh gần mười cây số. Sáng đi tối về. Tôi không mấy khi tham gia vào công việc nhà. Tối về cơm canh đã dọn sẵn, ăn xong thì rửa bát, giặt rũ. Tối xem ti vi rồi đi ngủ. Tôi có tật xem ti vi là cứ phải bình luận và khóc, cười thoải mái. Ở quê mọi nhà hay đi ngủ sớm. Có hôm tôi cười to quá, mẹ chồng tôi nằm trong buồng thở dài. Bố chồng nói vọng ra: “Đi ngủ đi, mai còn đi làm sớm”. Nam huých tôi.
Gia đình Nam có hai chị em. Chị Nam lấy chồng khác huyện. Anh chị cùng làm công nhân, cũng tạm đủ ăn. Chị vừa sinh em bé. Em bé xinh như búp bê đặt tên là Bống. Nam đi làm phụ hồ quanh huyện. Nhưng cứ từ tháng 6 đến tháng 8 là anh ở nhà phụ giúp công việc cho gia đình.
Làng của Nam nằm ngay cạnh con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Cách trung tâm thành phố chưa đầy chục cây số. Làng nổi tiếng với nghề làm tương truyền thống. Bố chồng tôi bảo: “Nghề này chỉ truyền lại cho con trai và con dâu thôi”. Mẹ chồng bảo: “Nghề nào cũng có những vất vả, chỉ cần mình yêu nghề thì nghề không phụ mình”. Tôi thì chẳng thích cái
nghề này một chút nào nhưng nhập gia tùy tục, vì tình yêu với Nam tôi có thể làm được tất cả. Vậy là tôi cũng xắn tay áo, lao vào công việc nhà anh.
Tháng sáu thời tiết có những dấu hiệu thay đổi, thi thoảng xuất hiện những cơn gió đông nam. Gió mang theo hơi lạnh và khô. Dấu hiệu mùa thu sắp về. Lúc này cả làng tấp nập với công việc chuẩn bị dụng cụ để bước vào một mùa làm mốc mới. Ngày tôi về nhà chồng cũng là một ngày tháng sáu. Tôi xin cơ quan được nghỉ hẳn mười ngày vừa là lịch nghỉ cưới, nghỉ cuối tuần, vừa là lịch nghỉ phép cộng lại. Trước khi cưới tôi bảo với Nam: “Cưới rồi mình đi trăng mật một tuần ở Đà Lạt nhé? Tiền em có. Dù sao cũng chỉ cưới một lần trong đời”. Nam đồng ý. Vậy mà ngay sau hôm ngày cưới, bố mẹ Nam đã đem hết những mẹt, nia, chum vại ra cọ phơi khô để chuẩn bị làm mốc. Bố Nam không đồng ý cho chúng tôi đi đâu. Chúng tôi phải ở nhà giúp hai cụ công việc. Tôi nhăn nhó nhìn Nam. Nam lảng tránh cái nhìn ấy của tôi. Tối đến Nam bảo: “Mình mới về làm dâu, đừng làm anh khó xử”. Tôi im lặng với đầy ấm ức trong lòng. Bố chồng tôi là một người kỹ tính. Ông soi mói tôi từng li từng tí. Tôi có cảm giác trên đôi tay của mình lúc nào cũng có đôi mắt của ông.
Những ngày đầu bước vào công việc đối với tôi thật là khó khăn. Tôi chỉ ao ước hết ngay mười ngày phép. Mẹ chồng bảo: “Hay là con nghỉ hẳn việc, ở nhà chuyên tâm vào
nghề?”. Tôi mắt tròn, mắt dẹt, đây đẩy từ chối. Tôi không muốn bố mẹ mất lòng nhưng nếu ở nhà quanh quẩn với những mẹt, nia, chum, vại thì tôi chắc lú lẫn mất. Cái không khí lúc nào cũng căng thẳng, tất bật bao trùm lên từng ngôi nhà. Sau hơn hai tháng làm mốc mà tôi có cảm giác mình sụt đến cả chục cân. Về thăm nhà, mẹ tôi xuýt xoa. Nam cười trừ bảo: “Nhà con chưa quen nên thấy mệt thôi ạ”. Nếu để nhìn vào một chai tương thành phẩm, có chết tôi cũng không thể tưởng tượng được làm ra nó lại khó khăn thế.
Tôi đi kể với lũ bạn cùng công ty về cuộc sống gia đình chồng tôi. Bọn nó cũng há hốc mồm. Đứa cho rằng tôi nói phét làm gì mà tất bật đến vậy. Bọn nó còn bảo bây giờ tiên tiến rồi người ta lên men bằng men vi sinh. Sớm ủ chiều được hơi đâu túc trực nhiều cho mệt. Tôi đem câu chuyện về kể với bố mẹ chồng trong bữa ăn tối. Thế là bị mắng át đi. Ông cho rằng như thế là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tôi thì thấy ông hơi lạc hậu… Có lẽ duy nhất chỉ còn sót lại cái hình hài già nua là ông với những mơ mộng về nghề – một cái nghề mà có phấn đấu bao nhiêu năm đi chăng nữa cũng chẳng thể giàu lên được. Tôi dám khẳng định như thế vì cứ nhìn nhà chồng tôi đây thì biết. Từ đời bố của bố chồng tôi bấy giờ đã làm tương, tính đến nay cũng đã nhiều chục năm thế mà ngoài danh ra thì chẳng có gì gọi là của ăn của để. Sau bữa ăn ấy tôi không còn nhắc đến chuyện nghề nghiệp trước mặt bố mẹ chồng nữa. Tôi cũng chỉ là người phụ nữ bình thường với ước mong gia đình được yên ấm.
Mặt trời ló rạng đằng đông. Mới lên được một con sào mà ánh sáng đã bao trùm và đánh thức sự sống ở những góc vườn trong cùng nhất. Những cơn gió nhè nhẹ đủ làm dịu mát và mang không khí dễ chịu cho một ngày tháng sáu tinh khôi. Bố chồng tôi đang hì hụi cọ những chum, vại ở ngoài giếng. Tôi toan ra làm cùng nhưng mẹ chồng tôi cản lại. Bà nói những chum vại đó rất quý. Nó là vật gia bảo được truyền từ đời ông nội bố chồng tôi. Vậy nên khi ông cọ chum vại không ai được bén mảng gần tránh va chạm có thể làm vỡ chum. Tôi thấy mấy cái chum đó có gì đặc biệt đâu. Nó vẫn được bày bán nhan nhản ngoài đường, ngoài chợ. Mẹ chồng tôi giải thích không phải chum nào làm tương cũng ngon. Có chum chỉ cần ủ một tuần là được nước đỗ làm tương. Có chum phải 20 ngày mới được. Tôi chưa hiểu gì về nghề gia đình chồng nên chỉ vâng dạ qua quýt. Trong số gần bốn chục các chum vại lớn nhỏ nhà tôi thì có 6 cái chum được coi là đồ quý mà gia đình chồng tôi bảo quản và canh giữ rất kỹ, cứ như sợ xểnh ra là có người bưng ngay đi mất. Rất nhiều lần tôi bắt gặp bố chồng ngồi ngắm những chiếc chum với ánh mắt khó hiểu. Đôi khi, ông lại gần và đưa tay gõ nhẹ lên chum, gật gù ra vẻ hài lòng lắm.
Những ngày làm mốc là những ngày rất dài và mệt mỏi đối với tôi. Từ sáng tinh mơ đến đêm hôm khuya khoắt tôi phải kè kè đi theo mẹ chồng. Hết đồ xôi, rải xôi ra nong nia rồi tất bật bưng ra, bưng vào. Căn phòng đựng những mẹt xôi lúc mở cửa, lúc đóng phải theo dõi thường xuyên hướng gió. Trong lúc làm mốc bà không quên giảng giải cho tôi cách làm thế nào để chọn được gạo nếp ngon, đồ xôi ra sao, rải xôi như thế nào, bao lâu thì được meo trắng, rồi meo vàng. Quan trọng nhất là phải canh giờ ướp muối nếu không chỉ cần sau 2 đến 3 tiếng meo sẽ hỏng vậy là vất mất một mẻ mốc. Tôi giả vờ chú tâm chứ thật lòng nghĩ bụng sau này sẽ chẳng theo nghề của hai cụ. Trời đẹp, nắng đều cứ 4 ngày lại được một mẻ mốc. Gia đình tôi cứ thế làm hết đêm lại ngày trong vòng hai tháng 6 và 7 để lấy mốc phục vụ làm tương bán quanh năm. Hết mười ngày phép, tôi như bắt được vàng. Cứ ngỡ sẽ thoát ra được cái không khí tất bật và căng thẳng ấy. Ai dè tối về tôi lại tiếp tục bị lôi ra giảng giải. Giai đoạn làm tương làm tôi thật sự chóng mặt và căng thẳng. Bố chồng tôi trong những lần ít ỏi nói đùa đã thốt lên rằng “canh nước đỗ hơn canh người yêu”. Giờ thì tôi đã thật sự hiểu câu nói đó. Trong suốt quá trình làm mốc và tương tôi bận đến nỗi không có dịp về thăm bố mẹ đẻ đến một lần.
Chiều về dải những cánh diều lên trên triền đê. Diều no gió bay cao và xa vươn mãi lên phía trời xanh bất tận. Tôi ước mình như cánh diều kia được bay lên phía chân trời của mình. Sợi dây nối như là vật cản trở ước mơ ấy của cánh diều nhưng khi sợi dây bị đứt, cánh diều thay vì bay lên phía trời xanh bao la thì lại chao đảo và rơi xuống đất.
Mẹ chồng tôi trút đỗ tương từ trong bao ra nia. Bà cẩn thận chọn những hạt đỗ xấu bỏ đi và dạy tôi cách chọn đỗ sao cho chất lượng tương tốt nhất. Vốc từng vốc những hạt đỗ tròn, căng mẩy trong lòng bàn tay bà gật gù, khuôn mặt dãn ra. Bà nói như khoe: “May mà mình đi nhanh chứ đến muộn một chút thì mẻ đỗ này đã vào tay người khác”. Sau khi được chọn lựa cẩn thận đỗ được cho vào rang chín đều. Đỗ không xay nát mà chỉ xay để vỡ làm 2 cho vỏ bung ra. Đỗ đem vào luộc hay còn được gọi là đồ đỗ. Sau khi chín để nguội đem đổ cả nước đỗ và đỗ vào chum. Quá trình canh nước đỗ rất vất vả. Chum nào tốt thì chỉ cần 1 tuần là được nước. Chum khác thì cần đến mười lăm, hai mươi ngày. Sáu chiếc chum gia bảo luôn là những chiếc chum được nước đỗ nhanh nhất. Những ngày đầu trong chum đỗ xuất hiện hiện tượng nổi ngạch cua. Những hạt đỗ chất lượng xấu và vỏ đỗ còn sót sẽ nổi lên. Đem vớt bỏ. Những ngày sau trên bề mặt chum sẽ xuất hiện hiện tượng sủi tăm cá rô lăn tăn. Đến lúc này bố mẹ chồng và cả chồng tôi thay nhau thức đêm để canh nước đỗ. Tôi không tham gia vì phải đi làm. Ngày chủ nhật được nghỉ nên tối thứ bảy tôi bảo với bố mẹ chồng và chồng để mình canh khi nào được sẽ gọi mọi người dậy. Bố mẹ chồng tôi thoạt đầu không muốn nhưng vì ăn ngủ thất thường nhiều ngày nên ngấm mệt và giao cho tôi. Trước khi đi ngủ ông dặn đi dặn lại tôi là mở chum ra xem nếu thấy nước trong chum trong vắt có màu vàng nhạt và có vị thơm đặc trưng là được. Lúc đó phải gọi ngay ông dậy cho dù là mấy giờ đi nữa. Ông như không an tâm nên thức đến mấy lần đi ra kiểm tra đến gần sáng do quá mệt ông đi vào đặt lưng xuống giường và ngủ mất. Ba giờ sáng có hai chum nước đỗ được, tôi toan đi gọi bố chồng dậy nhưng thương ông vất vả nên để ông ngủ thêm chút nữa. Sáng ra tôi nói với ông về hai chum mới được nước. Ông chạy lại mở ra thì từ trong chum không phải là mùi thơm dễ chịu nữa mà một mùi khăm khẳm bay lên. Tôi chưa kịp trình bày đã bị ông mắng một trận thậm tệ. Mẹ chồng kéo tôi sang một bên và nói. Nước đỗ nếu để non thì chua mà để già thì khắm. Nên canh nước đỗ mới khổ như thế. Thức trắng một đêm mắt cay xè vậy mà khi lên giường tôi không sao ngủ được. Cảm giác có lỗi lẫn ấm ức cứ chen ngang giấc ngủ của tôi. Những chum nước đỗ đầu tiên được vớt đỗ ra xay nát và đem trộn với mốc rồi đổ nước đỗ vào. Tỷ lệ trộn như thế nào và thêm gì hay không tôi không được biết. Hình như từ hôm tôi làm hỏng chum nước đỗ, ông có vẻ ghét tôi. Ông nói tôi chưa sẵn sàng thì từ giờ không cho tham gia vào công việc nữa.
Hôm nay là tròn một tháng của chum tương phối trộn đầu tiên. Ngay từ sáng sớm mẹ chồng tôi đã tất tả đi chợ mang về bó rau muống xanh non và tròn cân thịt ba chỉ. Bữa cơm để kiểm chứng chất lượng chum tương đầu tiên. Mẹ chồng tôi mang vào mâm một bát tương mới. Bố chồng tôi lấy thìa xúc một ít và đưa lên đầu lưỡi nếm. Lông mày ông hơi cau lại, sau một lúc nó giãn ra. Tôi thấy rõ sự hài lòng và mãn nguyện trên môi ông. Tôi cũng nếm cái vị thoáng đầu hơi mằn mặn, sau đó một lúc vị ngọt bắt đầu lan tỏa trên đầu lưỡi, trong vòng họng. Một cảm giác thật dễ chịu. Trước đây khi yêu nhau Nam cũng hay đem tương biếu gia đình tôi nhưng chưa bao giờ tôi nếm tương và cảm nhận vị ngon của nó như bây giờ. Tôi thấy hài lòng và có gì đó thông cảm và đồng điệu với ông hơn.
Làm dâu – Truyện ngắn của Phạm Thị Hương
Tôi sinh đôi, một trai, một gái. Cả nhà vui vẻ hẳn lên. Bố chồng tôi thường xuyên nói cười. Ông suốt ngày đòi bế cháu. Nhìn ông nâng niu đứa cháu đích tôn của mình, nét mặt ông rạng ngời tôi cũng thấy mát cả ruột gan. Mẹ chồng tôi thì cấm tiệt không cho tôi động tay, động chân vào việc gì. Chồng tôi làm tiệc khao cả làng. Bố mẹ đẻ tôi qua chơi. Mẹ đẻ tôi cầm tay mẹ chồng tôi nói lời cảm ơn. Mẹ đẻ tôi rơm rớm nước mắt bảo: “Thật phúc đức cho gia đình tôi khi cháu nó được gả vào gia đình tử tế như gia đình ông bà đây”. Bố chồng tôi cười mãn nguyện. Mẹ chồng tôi cũng ân tình đáp lại: “Bà cứ nói quá! Cháu nó về đây thì cũng là con trong nhà cả”. Tôi thấy mình yêu gia đình nhà anh hơn lúc nào hết.
Tương làng tôi bắt đầu được báo chí chú ý đến. Chả mấy chốc tiếng lành đồn xa. Người ta kéo nhau về mua ầm ầm. Nhà tôi làm không đủ bán. Mấy hộ xung quanh biết lựa thời, lựa thế mua men vi sinh về để rút ngắn thời gian làm mốc. Tôi đem nói với bố chồng lại bị mắng át đi. Ông bảo có chết cũng phải giữ lấy nét truyền thống này. Mốc làm từ men vi sinh thì mấy tháng thôi tương sẽ đổi màu không còn vàng nâu đẹp mắt nữa và tương sẽ có vị ngọt lợ. Vì vậy mà giữa những nhà đang phất lên như diều gặp gió thì nhà tôi vẫn nghèo hoàn nghèo.
Đúng lúc này thì ông đổ bệnh. Bố chồng tôi trước đây mắc bệnh cao huyết áp. Ông không mấy quan tâm đến bệnh của mình. Ông cho rằng đây là căn bệnh phổ biến và đa số mọi người đều mắc phải. Gần đây, ông hay mất ngủ và kêu đau đầu. Cơ thể mỏi mệt, mắt mờ. Đến bữa, ông ăn rất ít. Gia đình tôi mấy lần khuyên ông đến bệnh viện khám, ông nhất quyết không nghe. Ông cho đó là căn bệnh của tuổi già. Đến buổi chiều của một ngày nắng oi bức, ông ngồi hút thuốc lào ngoài hiên. Khi đứng dậy, ông bỗng loạng choạng và ngã xuống nền sân. Mẹ chồng tôi luống cuống lại đỡ ông, phải mất một lúc sau bà mới cất được tiếng gọi hàng xóm sang giúp. Chồng tôi về thấy thế kiên quyết bắt ông lên viện khám. Sáng hôm sau anh xin nghỉ làm rồi đèo ông lên bệnh viện huyện. Phải gần một ngày mới thấy anh lai ông về. Tối đó, cả nhà tôi được biết hung tin. Ông bị suy thận cấp.
Đó là thời gian khủng khiếp nhất của gia đình tôi. Không khí trong nhà nhuộm một màu u ám. Mẹ tôi ngồi bán tương ven đường khách đến hỏi mua mà bà cứ ú ớ như người mất hồn. Chồng tôi già đi trông thấy. Khuôn mặt anh lúc nào cũng đăm đăm suy nghĩ. Tối đến anh chị chồng về thăm và bà con qua hỏi han chuyện trò. Người cho cân đường, cân cam. Người nhét tay mẹ tôi hai chục ngàn. Người đến hỏi han, động viên. Tôi đun nước dưới bếp. Lửa bén vào cây củi dính mưa khói lên cay cay mắt. Đêm đến nằm bên tôi, Nam nói: “Anh cầm tay bố thấy khác lắm. Thớ thịt như lỏng da, phù lên”. Tôi im lặng không nói gì, chỉ khẽ vòng tay ôm lấy anh. “Bác sĩ bảo bố phải thay thận ngay. Đợi có thận rất khó nên anh định…”. Không để Nam nói hết câu tôi vội đẩy anh ra, nhìn rất lâu vào mắt anh. Nam siết nhẹ bàn tay tôi. Tôi không biết gì về nghề y nên chẳng hiểu được nếu một người đang khỏe mạnh mất đi một quả thận thì sẽ làm sao. Chỉ cảm nhận một sự đau xót đang dâng tràn lên trong tim. Nước mắt tôi cứ thế chảy mãi trên gối, trên đôi vai của anh. Tiếng thở chồng tôi rất đều nhưng tôi đoán rằng anh không ngủ được, chỉ là anh muốn lảng tránh nói chuyện với vợ. Sáng đó Nam đang định thưa chuyện với gia đình về ý định của mình thì nhận được điện thoại từ bệnh viện. Bác sĩ báo đã có người hiến thận và mời vợ chồng tôi đến bàn bạc.
Chi phí cho ca mổ là 100 triệu. Sau khi mổ bệnh nhân phải dùng thuốc chống thải ghép đến hết cuộc đời. Trung bình một tháng một bệnh nhân phải dùng 1 – 1,5 hộp thuốc
Neoral, tương đương với số tiền khoảng trên 3 triệu đồng. Đối với gia đình tôi đó là một số tiền lớn. Tôi nhanh chóng hạch toán nếu bán hết số lợn, bò đi thì cũng chỉ khoảng 20 triệu là cùng, thêm với số tiền tích cóp dự trữ từ đôi hoa tai của mẹ, chiếc lắc vàng hồi môn của tôi và ít ỏi tiền gia đình để ra được thì cũng chưa được 40 triệu. Không đủ cho một nửa số chi phí ca mổ. Đấy là chưa kể đến tiền thuốc sau khi mổ. Anh chị cầm sang đưa cho mẹ chồng tôi 5 triệu. Chị nước mắt ngắn, nước mắt dài nói như thanh minh: “Mấy tháng nay con Bống nhà con ốm. Con không đi làm được. Tất cả trông cậy vào mình chồng con đi làm nên chẳng có tiền. Mẹ cầm đỡ con. Con thật có lỗi”. Nói rồi chị khóc hu hu như đứa trẻ lên 3. Mẹ chồng tôi đi hỏi mấy nhà giàu ở xóm thì họ từ chối với lý do để vốn quay vòng. Nhìn bà tập tễnh bước thấp bước cao đi trong đêm như bóng ma vật vờ mà nẫu ruột. Mới chưa đầy một tháng mà trông mẹ chồng tôi già đi đến cả chục tuổi.
Đúng lúc gia đình tôi không biết xoay xở ra sao thì có người về hỏi mua 6 cái chum gia bảo. Mỗi cái họ trả hai chục triệu đồng. Tôi không dám tự ý quyết định, đành để chiều cả nhà về, tôi đem câu chuyện ra nói. Mẹ chồng tôi ra sức phản đối: “Ấy chết! Bố các con quý những chiếc chum ấy như tính mạng của mình. Ông ấy mà biết thì ông ấy không đồng ý đâu”. Nam bảo: “Để mai anh đi hỏi vay bạn bè đã”. Tôi nghĩ bụng “Người mà chết là hết, giữ mấy cái chum đó làm gì”. Bà vào viện chăm ông. Nam hỏi khắp lượt cũng chỉ được vài đồng như muối bỏ bể. Đa số các bạn anh đều nghèo và có nhiều cái để lo. Vị khách hôm trước lại đến hỏi. Họ nói chiều họ về thành phố. Nếu không bán là mất cơ hội. Tôi không thể đợi mọi người về được. Túng quá hóa liều. Tôi đồng ý bán. Tối về tôi bị mẹ chồng và chồng mắng. Nhưng sự thể đến nước này thì còn biết làm thế nào nữa? Anh chị chồng tôi tỏ ra cảm thông. Mọi người quyết định giấu bố chồng tôi.
Sau ca phẫu thuật kéo dài và nằm viện gần một tháng, ông được xuất viện. Đến khi ông ra viện như có linh tính mách bảo về tới nhà ông đi ra thẳng chỗ góc sân để nhìn ngắm những chum tương. Tôi đã mua sáu chiếc khác thay thế. Ngay lập tức mặt ông biến sắc. Ông chỉ vào những chum tương nói ú ớ không ra câu. Phải mất một lúc, ông mới gắt lên tiếng hỏi: “Những chum tương đâu?”…
Tôi lao ra khỏi nhà anh giữa sự tủi hổ và ấm ức. Con đường làng vốn quen thuộc mà hôm nay sao nó trở nên khác lạ. Cây cối được khoác lên mình màu chiếc áo sẫm của buổi chiều tà đầy u ám, lạnh lùng. Tôi nghe những nhói đau trong lòng. Không có ai  đuổi theo đằng sau. Tôi toan tìm con đường về bên nhà mẹ đẻ nhưng bước chân lại đưa tôi lên trên triền đê. Tôi ngồi xuống và bắt đầu khóc to thành tiếng. Xung quanh không có ai. Chỉ có gió và gió. Tất cả những hình ảnh về Nam và gia đình Nam như cuốn phim quay chậm đang chiếu trong đầu tôi. Dần dà những ý nghĩ đưa tôi về với tuổi thơ. Những cánh diều bay cao và muốn chạm vào đỉnh trời. Tôi suy nghĩ miên man và bắt đầu nín khóc. Không rõ tôi ngồi đó bao lâu nữa. Có một phần trăm phút điên rồ nổi lên tôi đã nghĩ mình có thể reo người xuống dòng sông trước mặt.
Màu đỏ của nước đã chuyển thành màu sậm đầy ma quái ngay sau khi mặt trời khuất sau đỉnh núi. Cái chết lúc này có thể là sự giải thoát duy nhất khi cõi lòng tôi đang căng tràn sự oan ức không thể giãi bày. Tôi mơ hồ nhận thấy mình đang chìm dần, chìm dần. Ngay lúc tuyệt vọng ấy, hình ảnh về hai đứa con kháu khỉnh đã ngăn tôi lại. Những tiếng cười ròn tan, những ánh mắt ngây thơ đen lay láy. Hai thiên thần của tôi… Có thể sau này, khi đã bình tâm lại bố chồng sẽ tha thứ cho hành động của tôi. Hoặc có thể, ông sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Vì với ông, những chiếc chum ấy không đơn giản là một vật dụng, mà hơn nữa đó là biểu tượng thiêng liêng, tượng trưng cho cái tâm người làm nghề. Phải chăng ông sợ cái mất mát đầu tiên ấy, sẽ báo hiệu sự tha hóa trong nghề. Cái nghề mà ông gắn bó bằng máu thịt, bằng tâm huyết của mình. Tôi không biết rồi mai đây mình sẽ phải đón nhận những gì, nhưng có một điều chắc chắn, ở sau lũy tre làng kia, trong tổ ấm của mình, tôi có một người chồng thương yêu và hai đứa con thơ bé cần che chở đang đợi. Quệt nước mắt, tôi đứng dậy bước về…
Hà Nội, 05/04/2012
P.T.H
(SH282/08-12)
Tác giả: Phạm Thị Hương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *