Năm nay rét muộn. Chỉ tháng nữa là Tết mà trời còn nóng. Sáng nay, đài báo có áp thấp nhiệt đới nên buổi tối mới phải đắp chăn. Bên ngoài gió thổi mạnh. Hai người nghe rõ tiếng cành cây hoa giấy đập khẽ vào cửa sổ….
******
Sao mãi đến giờ con Phương vẫn chưa về ông nhỉ?
– Tôi biết đâu đấy – Ông lầu bầu đáp – Bà thử gọi di động cho nó xem!
– Nó để ở nhà. Trẻ con bây giờ láu cá thật. Mình giả vờ chiều nó mua cho cái di động để tiện bề theo dõi, nhưng hễ đi chơi với bạn là nó chẳng bao giờ chịu mang theo.
– Thế bà không biết điện thoại nhà cái đứa đang tổ chức sinh nhật à?
– Không. Mà có đúng sinh nhật thật không, hay lại đàn đúm với nhau?… Con bé dạo này hư thật, chẳng chịu nói đi đâu, làm gì.
– Tại bà chiều nó quá đấy.
– Còn ông thì không!
Phương là cô con gái duy nhất của họ, học lớp mười một, xinh, cả thể chất lẫn tinh thần có vẻ phát triển hơi sớm so với tuổi. Chiều nay đi học về, nó vội vào phòng riêng, mấy lần thay đổi quần áo, thậm chí có đánh chút son phấn nhìn kỹ mới nhận thấy, rồi phóng xe đi luôn. Nó bảo đi dự sinh nhật bạn, dặn mẹ đừng chừa cơm và có thể về muộn. Nó là đứa con ngoan, học giỏi nhưng không thích người khác xen vào việc riêng của mình, cũng chẳng chịu tâm sự với ai những chuyện ấy, kể cả mẹ. Bà có nói gì, nó chỉ cười: “Con lớn rồi mà, mẹ đừng lo!”. Bà tin con, nhưng thời buổi này, không lo sao được.
– Mấy giờ rồi bà?
– Hơn mười giờ.
– Chưa muộn lắm. Chắc nó cũng sắp về. Chuyến này để tôi quạt cho nó một trận.
– Thôi, tôi xin ông. Cứ mặc mẹ con chúng tôi. Tôi sẽ lựa lời nói với nó. Đây đâu phải trại lính của ông mà ông đòi quạt nó. Khéo lại chẳng rối thêm lên.
– Bà thì chỉ được cái giỏi bênh nó – Ông nói, giọng chẳng có vẻ chê trách chút nào. Bà biết thế nên không cãi lại. Đó là câu nói đầu lưỡi của ông khi hai người nói về con gái. Rồi ông quay lưng vào tường, kéo thêm chăn về phía mình, nằm im vờ ngủ. Bà cũng không nói gì thêm, cố ngủ nhưng không được.
Năm nay rét muộn. Chỉ tháng nữa là Tết mà trời còn nóng. Sáng nay, đài báo có áp thấp nhiệt đới nên buổi tối mới phải đắp chăn. Bên ngoài gió thổi mạnh. Hai người nghe rõ tiếng cành cây hoa giấy đập khẽ vào cửa sổ – Ông này – Bà lại lên tiếng, quay người, đặt nhẹ một tay lên vai chồng.
– Ngủ đi – Ông vờ càu nhàu như đang ngái ngủ – Chuyện gì nữa? Sớm muộn thì con Phương nó cũng về, gì mà phải lo. Nó lớn rồi. Bằng tuổi nó ngày xưa các cụ đã đẻ ra tôi rồi đấy…
– Không, chuyện khác cơ.
– Lại chuyện nhà nghỉ?
– Vâng, dù sao tôi vẫn thấy cái nghề kinh doanh nhà nghỉ của mình nó thế nào ấy.
Ông im lặng lúc lâu mới đáp:
– Thì tôi đã nói với bà bao nhiêu lần rồi. Ta kinh doanh nhà nghỉ chứ có phải mở nhà chứa đâu. Có giấy phép của nhà nước, nộp thuế đầy đủ, tuyệt đối không có chuyện chứa chấp, hành nghề mại dâm. Bà còn muốn gì nữa? Vả lại, cả cái phố này dễ đến gần trăm nhà nghỉ chứ riêng gì ta. Mà họ đâu có băn khoăn, nghĩ ngợi lẩm cẩm như mình.
– Ông cứ giả bộ như không biết khách vào nhà nghỉ là ai.
– Còn bà thì không giả bộ chắc? – Ông vặc lại.
– Có. Từ ngày nghe thằng Kiêm, cháu ông, xui chữa lại ngôi nhà để biến thành nhà nghỉ đến nay, tôi vẫn phải luôn giả bộ không biết điều ấy. Nhưng tôi cảm thấy khó mà kéo dài mãi thế này. Không khéo vô tình mình tiếp tay cho người ta làm chuyện bậy bạ. Chồng ăn chả, vợ ăn nem, bồ bịch lăng nhăng, thanh niên hư hỏng.
– Bà tưởng đóng cửa nhà nghỉ thì ngăn được chuyện ấy ư? Họ sẽ đi công viên, rúc vào bụi hoặc đâu đó, lúc ấy còn tệ hơn.
– Nói như ông… Tôi và ông đang yên lành sống trong ngôi nhà lớn mặt phố, bỗng nhiên phải đi thuê căn hộ tít trong ngõ thế này, cứ như dân tứ xứ thuê nhà ở tạm.
– Tôi hiểu, nhưng làm ăn nó phải thế. Cuộc đời không biết thế nào mà lường trước. Có dịp kiếm thêm tí chút đề phòng sau này cũng chẳng thừa. Vả lại, chỉ đứng tên làm chủ, chứ mọi việc đều do thằng Kiêm quán xuyến hết. Tôi luôn dặn hắn phải kinh doanh đúng giấy phép, đúng pháp luật, tuyệt đối không có tệ nạn xã hội, tuyệt đối không nhận khách nếu không có giấy tờ tùy thân…
– Cả giấy đăng ký kết hôn?
– Ừ, cả giấy đăng ký kết hôn, mặc dù bây giờ người ta không yêu cầu điều ấy.
– Và ông tin thằng Kiêm sẽ làm đúng như thế?
Ông không đáp, vì ông biết thằng Kiêm chỉ giả vờ chăm chú nghe ông chứ chẳng bao giờ làm theo điều ông dặn. Ông cũng biết là nếu làm khác mọi người thì nhà nghỉ của ông chẳng mấy chốc phải đóng cửa. Còn tồn tại đến nay nghĩa là nó đã vào luồng và biết “làm luật”. Kinh doanh mà. Nhưng quả ông vẫn luôn nhắc hắn như vậy. Nhắc để tự lừa dối, an ủi mình, vì thực ra trong chuyện này, ông cũng băn khoăn, “suy nghĩ lẩm cẩm” không kém vợ.
– Tôi không thích thằng Kiêm.
– Tôi cũng thế. Tôi còn ngờ hắn ăn cắp cả tiền của ta, nhưng hắn khôn ngoan, giỏi “ngoại giao” nên tôi dùng. Vả lại, con cháu trong nhà.
Hai người im lặng hồi lâu. Con Phương vẫn chưa về. Bên ngoài gió vẫn thổi mạnh. Tiếng xe cộ trên phố có vẻ mỗi lúc một thưa dần.
– Mà này, ông biết không – Bà lại lên tiếng – Người ta bảo tôi hôm nay nhà nghỉ Giấc Mơ Hồng đối diện đón một tắc-xi với sáu đứa học sinh choai choai, ba nam ba nữ, lớp chín, lớp mười gì đó, đeo cặp và còn mặc đồng phục…
– Thật thế à?
– Chúng trốn học ở đấy suốt buổi chiều. Gọi cơm phở, cả bia rượu, thuốc lá.
– Láo thật! Sao không báo công an? Con mụ Giấc Mơ Hồng quá đáng thật! Làm thế là phạm pháp, là thất đức!
– Còn mở cửa chào mời người ta vào làm chuyện ngoại tình thì không thất đức?
– Nói như bà!
– Mụ ấy có gọi điện thoại, nhưng không phải cho công an, nhà trường, mà cho bố mẹ chúng đến để thanh toán, đưa chúng về. Sau vụ này, tôi cứ lo lo cho con Phương. Dẫu sao nó cũng là con gái một gia đình kinh doanh nhà nghỉ…
– Thôi, bà đừng nói nữa. Nghe mà khiếp. Thời buổi bây giờ kinh thật. Không nói chuyện nhà nghỉ nữa. Chấm hết.
Sau đấy họ không nói chuyện nhà nghỉ nữa thật. Họ quay sang nói chuyện “thời xưa”. Hình như chuyện thời xưa hay hơn chuyện thời nay, nên họ không còn thở dài hoặc lầu bầu nhát gừng như trước.
Đó là thời hai người còn ở chiến trường những năm chiến tranh ác liệt. Ông là chiến sĩ thông tin liên lạc, còn bà là thanh niên xung phong mở đường ở Trường Sơn.
– Ông còn nhớ cái đêm đầu tiên mình gặp nhau chứ? – Bà hỏi, tự nhiên mỉm cười một mình.
– Lại còn không!
– Buồn cười nhỉ?
– Ừ, buồn cười – Ông đáp, rồi suy nghĩ một lúc, nói thêm – Mà thực ra chẳng có gì buồn cười cả. Cái thời ấy nó thế, và mọi việc phải xảy ra như thế.
Đó là một đêm trời cũng trở gió như đêm nay, ở một khu rừng rậm dọc biên giới Việt – Lào thuộc tỉnh Quang Trị, cuối năm 1968. Hôm ấy ông được giao nhiệm vụ nối lại đường dây liên lạc bị bom Mỹ làm đứt. Do mới chuyển đến vùng này, chưa thông thuộc địa hình, nên tối đến, xong việc, ông bị lạc, mãi không sao tìm được đường về đơn vị. Bốn xung quanh là rừng rậm. Trời tối đen. Không một tiếng động nào ngoài tiếng côn trùng rên rỉ và tiếng gió thổi mạnh làm cây va vào nhau xào xạc. Ông cứ mò mẫm đi, đi mãi trong rừng cây mịt mùng bí ẩn ấy, cho đến khi bất ngờ gặp một người. Một cô gái. Đó là bà. Bà cũng đang lâm vào tình cảnh như ông, trên đường từ trạm quân y về lán thanh niên xung phong mà bây giờ bà chẳng biết ở hướng nào. Nỗi lo sợ và sự nguy hiểm đang đe dọa (trong rừng có nhiều thú dữ và có thể có cả biệt kích) giúp họ nhanh chóng vượt qua những e ngại ban đầu để cùng nhau đi tiếp.
Cuối cùng, hai người quyết định ngủ lại trong rừng, chờ trời sáng hẵng hay. Họ bẻ lá rừng rải xuống đất ẩm để nằm. Lúc đầu bà đòi nằm riêng xa ông. Ông không chịu vì cho thế không an toàn. Bà nghĩ ông nói đúng, vả lại cũng hơi sợ nên đã đồng ý. Thế là hai người nằm bên nhau suốt đêm giữa rừng Trường Sơn bát ngát. Ngăn cách họ là khẩu AK đã lên đạn sẵn của ông. Trời rét, ông nhường bà tấm vải dù vẫn luôn mang theo mình. Sáng dậy ai về đơn vị người ấy. Hóa ra họ đóng quân không xa nhau lắm.
Sau đó họ còn gặp nhau mấy lần nữa, rồi yêu nhau, không một lời tỏ tình hay hẹn ước, thậm chí chưa một lần hôn. Rồi ông cùng đơn vị chuyển sâu hơn vào phía nam. Đêm cuối cùng, họ cầm tay nhau đứng im bên bờ suối cho đến khi ông nhìn đồng hồ rồi vội vã chạy về trại. Hệt như trong những cảnh phim miêu tả tình yêu thời đó. Sau chiến tranh, họ tìm thấy nhau, và tổ chức lễ cưới. Lúc ấy ông đã ba mươi ba tuổi, bà hai mươi tám. Mãi đến năm tám tư, họ mới sinh được đứa con đầu lòng và cũng là duy nhất, là cái Phương. Ông tiếp tục ở lại quân đội, bà thì xin được vào làm trong một nhà máy quốc phòng gần nơi ông đóng quân.
– Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ tí nào – Bà thở dài nói.
– Tôi cũng vậy – Ông đáp.
– Tôi biết mà.
– Bà biết gì?
– Tôi biết rằng ông không ngủ được, rằng ông đang nghĩ về tôi, rằng ông đang đấu tranh tư tưởng để tự kiềm chế mình..
– Tự kiềm chế? Kiềm chế cái gì? Bà này rõ…
– Kiềm chế cái gì thì tự ông biết. Đừng giả vờ nữa. Bộ ông là sắt đá chắc. Đàn bà chúng tôi tinh lắm. Tôi thấy ông mấy lần quay về phía tôi, rụt rè giơ tay ra rồi lại thôi.
– Ừ, quả đúng thế – Ông thú nhận. Nằm im một lúc, ông chợt hỏi – Thế nếu lúc ấy tôi làm thật, bà sẽ phản ứng thế nào? Bà phải nói đúng sự thật đấy.
– Tôi cũng chẳng biết nữa. Có thể tôi không cưỡng lại được. Suy cho cùng, tôi chỉ là phụ nữ, mà trái tim phụ nữ thì mềm yếu lắm, ông biết đấy, nhất là trong hoàn cảnh lúc đó. Đêm ấy tôi đấu tranh, kiềm chế mình cũng chẳng kém gì ông. Tôi rất biết ơn ông về cách xử sự của ông đêm ấy. Tôi kính phục và yêu ông một phần cũng vì thế. Ông biết không, những năm ấy bọn nữ thanh niên xung phong chúng tôi khổ lắm. Tôi nói về mặt tình cảm ấy. Cả một bầy con gái với nhau mà hàng tháng liền chẳng thấy bóng chàng trai nào.
– Thời ấy thế hệ của tôi và bà được giáo dục theo tinh thần cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” của ông nhà văn Liên Xô tên gì tôi quên mất rồi. Tôi nhớ mang máng như Paven Coócsaghin bị địch thử thách bằng cách giam chung một hầm suốt đêm với cô người yêu mà chẳng cho ai mặc quần áo. Thế mà họ vẫn trơ như đá, vững như đồng. Phục không?
– Ông định ví ông là Paven và tôi là cô người yêu của anh ta à?
– Thì đã sao? – Ông hùng hồn đáp – Và ta cũng đã chiến thắng. Bà không tự hào về điều này chắc?
– Có. Nhưng tự hào vừa vừa thôi và không kêu toáng lên như ông.
– Nói thật với bà, tôi mang tiếng làm lính chiến trường mười năm mà thực sự chưa bắn một phát đạn nào. Bị bắn thì có, may không trúng. Tôi cũng được tặng thưởng huân, huy chương, mặc dù tôi chẳng lập được công trạng nào. Không phải do tôi hèn hay bất tài, đơn giản vì tôi là anh lính thông tin, suốt đời chỉ quanh quẩn bên mấy chiếc máy bộ đàm với hàng đống dây dợ. Vâng, chẳng có chiến công nào hết, nói bà đừng cười, ngoài cái chiến công tôi đã lập với bà cái đêm ngủ chung với nhau trong rừng. Thế mới ngộ.
– Sao ông không báo công để được thưởng thêm chiếc huân chương nữa – Bà nói, vẻ châm chọc.
– Thì bà là chiếc huân chương ấy đấy thôi. Không phải trên thưởng, mà tôi thưởng cho tôi. Bà thưởng cho tôi. Trời thưởng!
– Cái ông này, ăn nói rõ buồn cười. Mà thôi, mình lại lẩm cẩm rồi.
Đúng lúc ấy bỗng có tiếng xe máy đi vào ngõ.
– Con Phương về! – Ông nói – Mấy giờ rồi bà?
– Ông bật đèn lên mà xem.
– Mười hai giờ! Con này hư thật. Đi chơi mãi mười hai giờ đêm mới về! Hư! Con bà đấy, bà thấy chưa?
Rồi ông vùng dậy khỏi giường, đặt chiếc ghế chính giữa nhà và ngồi lên đấy, hai tay úp lên đầu gối, nét mặt nghiêm trang.
– Ông định làm gì thế?- Bà hỏi.
– Quạt cho nó một trận chứ còn gì nữa. Hay phải khen nó chắc?
Có tiếng cổng mở, tiếng nói của nhiều người.
– Bà thấy không, khuya thế này mà còn dẫn bạn về nhà!
Bà chưa kịp nói gì thì cái Phương đã bước vào phòng cùng một cậu con trai và hai cô gái bạn nó.
– Chào bố mẹ. Bố mẹ chưa ngủ à?
Cậu con trai nói luôn:
– Thưa hai bác, cháu là Tùng, lớp trưởng. Còn hai bạn này thì chắc các bác đã biết. Hôm nay sinh nhật cháu, nửa lớp đến dự. Vui lắm. Mười giờ chúng cháu đã tan. Vì bạn Phương nhà xa, lại phải qua cầu Chương Dương nên bọn cháu cử người đi cùng. Không ngờ dọc đường xe bạn Phương bị hỏng, bị cháy điện, hồi lâu mới tìm được thợ, sửa mãi bây giờ mới xong. Chắc các bác sốt ruột lắm, phải không ạ?
– Vâng – Bà đáp – Bác cũng nghĩ chắc có sự cố dọc đường. Nhưng Phương, sao con không gọi điện cho bố mẹ khỏi lo?
– Tại con quên không mang điện thoại đi theo. Lần sau con sẽ nhớ.
– Thôi được, con đi ngủ đi, khuya rồi.
Mấy cô cậu học sinh lễ phép chào ông bà rồi ra về. Con Phương cũng về phòng nó, để lại ông bố vẫn ngồi yên trên ghế, hậm hực vì không được thực hiện ý định “quạt” con một trận.
Hai người lại lên giường, nằm trùm chăn tới cổ.
– Chà, đêm nay gió to thật. Chắc mấy ngày tới trời rét lắm đây – Ông bâng quơ nói nhưng bụng đang nghĩ điều gì đó.
– Ông ạ – Bà nhẹ nhàng nói – Suy cho cùng, thời nào thì cũng có cái khó của nó. Lớp trẻ bây giờ chưa hẳn đã hư hỏng hết như ta sợ. Cái chính là mình phải giúp chúng, làm gương cho chúng. Tôi nghĩ ông nên tính lại chuyện cái nhà nghỉ…
– Thì tôi đang tính đây. Bà giỏi thì lo hộ đi. Làm rối cả óc. Cứ như tôi là thằng hư hỏng lắm không bằng. Bà quên chuyện cái chiến công và huân chương vừa nói lúc nãy rồi à?
Bà không bực mình vì sự cáu gắt vô cớ của chồng. Bà biết tính ông. Vậy là coi như ổn. Bà mỉm cười, và lại nghĩ về cái đêm năm ấy trong rừng Trường Sơn rậm rạp.
Tác giả: Thái Bá Tân – Người thực hiện: Việt Hùng